Một bóng y vàng - Một nguồn thơ đạo

Trong nguồn mạch tâm linh được khơi nguồn từ chính đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã có những đức Thầy khả kính tiếp nối hạnh nguyện Du Tăng Khất Sĩ. Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh ly loạn, dân trí thấp kém và đời sống khổ cực nhưng bóng y vàng đượm màu giải thoát của Tổ sư vẫn quy hướng được rất đông những tâm hồn kính ngưỡng, ngàn vạn người hữu duyên được chiêm ngưỡng công hạnh y bát và tiếp nhận những lời giáo hóa của Ngài, trong đó nhiều người muốn phát tâm xuất gia hoặc trở thành đệ tử tại gia thuần thành. Có những vị đã là người xuất gia nhưng lại phát tâm chuyển hướng thực hành hạnh Du Tăng Khất Sĩ. Nổi bật trong số đó chính là cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên.

Trước khi đến với con đường Khất sĩ, Pháp sư Giác Nhiên đã từng nuôi chí xuất trần, từ bỏ gia đình thế phát xuất gia. Cho đến khi cơ duyên được gặp Tổ sư cảm nhận căn tánh thuận hạp, bồ đề tâm mới phấn phát thăng hoa hành trì chân truyền y bát và trở thành vị Khất sĩ chân chính.

Trong các đệ tử của Tổ sư, Pháp sư Giác Nhiên là vị Thầy có phước duyên về thọ mạng và cảm hứng thơ ca trội hơn tất cả. Bài viết này sẽ không nói về công hạnh hoằng pháp lợi sinh, tiếp độ Tăng Ni, Phật tử, xây cất đạo tràng, thuyết pháp giáo hóa hay những Phật sự khác mà suốt một đời Ngài đã cống hiến cho đạo pháp và chúng sanh. Bài viết xin lấy đôi vần thơ đạo của Ngài mà diễn bày lòng quý kính của chúng con.

Nói đến Pháp sư Giác Nhiên là nói đến thơ. Cái chất thơ của Ngài không phải đề cao văn chương nghệ thuật, cũng không phải ý nhị sâu xa, cũng không phải là cái lãng du bay bổng và lại càng không phải dùng thơ để làm thú tiêu khiển an nhàn. Chất thơ của Pháp sư là chất thơ của đạo. Vì chất đạo của thơ và chất bình dị của cảm hứng sáng tác nên nguồn thơ thật phong phú đa dạng. Chính vì lẽ đó, Ngài đã cống hiến cho nền thơ văn của Phật giáo những tác phẩm như: Tư tưởng siêu nhân, Tứ kệ tĩnh tâm, Ánh nhiên đăng, Thương nhớ mẹ hiền, Tiếng lòng người hiếu tử, Pháp môn tọa thiền, Trai giới trường sinh, Lợi hại của chữ Tê (T), Diệu lý Đông phương, Diệu lý pháp đăng, Diệu lý nhiên đăng, Diệu lý thậm thâm, Diệu lý tuệ đăng, Diệu lý bảo đăng, Diệu lý thiền định, Diệu lý tĩnh tâm, Diệu lý các bộ kinh, Diệu lý Bát-nhã, Diệu lý Minh Quang (3 tập), Diệu lý tâm kinh, Diệu lý phá mê, Diệu lý viên thông…

Chất thơ của Pháp sư mang ngôn ngữ dân gian, lời lẽ chân thành mộc mạc nên người đọc dễ dàng tiếp nhận nghĩa lý và giá trị tu tập. Do không mang tính đánh đố người đọc về nghĩa lý ẩn tàng nên thơ của Pháp sư dễ dàng đi vào lòng người và trở thành những bài kệ thuyết pháp cho các vị giảng sư đương đại. Chẳng hạn như giảng thuyết về pháp môn khất thực chắc chắn ai ai cũng thuộc nằm lòng đoạn thơ:

Đi xin làm cớ hóa duyên

Cho người gieo ruộng phước điền vào sâu

Lần hồi thức tỉnh quay đầu

Ấy là phương pháp góp thâu sĩ hiền.

(“Tiếng chuông giác tỉnh” – Tứ kệ tĩnh tâm)

Thơ của Pháp sư trước nhất là lời tự sự cho cuộc đời tu hành mà Ngài đang dấn thân nếm trải. Đời sống Tứ y pháp trung đạo lúc bấy giờ là lấy bốn biển làm nhà, lấy chúng sanh làm quyến thuộc, thuận duyên thì tạm trú một đêm, sáng lại lên đường hành đạo chẳng bận chút trần ai. Đời sống ấy là cả một niềm tự hào của những người thoát tục.

Thân trai hồ thỉ chí hiên ngang

Bốn biển năm châu một chữ nhàn

Bình bát vai mang xa bến tục

Y vàng phất phới hướng Tây phang

Bạn thầy chung sống như thân thuộc

Nhân loại, chúng sanh thể họ hàng

Quạt gió, đèn trăng vui chí nguyện

Chẳng màng vinh nhục với bi hoan.

(“Chí tang bồng” – Tứ kệ tĩnh tâm)

Rồi từ đời sống thanh bần thanh cao ấy, ý chí phụng sự chúng sanh cứu giúp những người đang lạc bước giữa ‘rừng đời’ ngày càng dâng cao. Dâng cao đến nỗi vị ‘bần tăng’ ấy sẵn sàng ‘chịu thương, chịu khó’ đưa ‘khách bồng lai’ xuống ‘thuyền huệ thơm tho’ mà sang bến bờ giải thoát.

Rừng đời nhiều nẻo chông gai

Hỡi ai là khách Bồng lai xuống đò

Sẵn sàng thuyền huệ thơm tho

Bần Tăng chịu khó đưa cho đến bờ.

(“Trường đời mộng ảo” – Tứ kệ tĩnh tâm)

Nói đến thơ đạo thì không thể thiếu những lời dạy đạo. Trong các tác phẩm của Pháp sư hầu như bài nào cũng là bài pháp dạy đạo của Ngài. Riêng mảng chủ đề này nếu đem ra phân tích trọn vẹn ý nghĩa từng bài chắc có lẽ số lượng đầu sách sẽ rất nhiều. Các bài thơ mang đặc điểm chung là để giáo huấn chư đệ tử xuất gia cũng như tại gia sớm lo tu niệm, buông bỏ vọng duyên để mau chóng đến nơi an lạc. Những lời chân tình của Ngài được kết tinh trên những lời thơ ngọt ngào làm chúng ta không còn cảm giác nặng nề cứng nhắc mà lại nhẹ nhàng như một lời ru êm ả. Lời ru ấy tuy không xuất phát từ người mẹ hiền nhưng lại thấm đẫm vào tâm hồn người đệ tử hữu duyên.

Người đã tỉnh rồi cuộc thế nhân

Chớ đam mê nhiễm đắm hồng trần

Chẳng qua quán trọ dừng chân lại

Nhanh lẹ thì mau tiến bước lần

Tìm gặp minh sư người chỉ dẫn

Đường tu hạnh phúc vạn muôn phần

Chậm chân trễ bước càng nguy lắm

Người trí tự mình hãy định phân.

(“Nhanh chân giải thoát” – Diệu lý bảo đăng)

Dấn thân vào con đường tu hành trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường thì sự hi sinh là tất yếu. Phật giáo không hề kêu gọi ai phải hi sinh cái gì cho Phật giáo cả. Phật giáo chỉ nêu lên con đường giác ngộ rồi những ai thấu hiểu sẽ tự nguyện dấn thân. Đấy là ý nghĩa của tự giác. Từ khi xuất gia theo Tổ sư, sự hi sinh của Ngài cho Hệ phái nói riêng, cho đạo pháp và chúng sanh nói chung phải nói là to lớn vô cùng. Sau đức Tổ sư, Ngài được xem là sức mạnh chủ lực của Đoàn Du Tăng hành đạo. Bởi lẽ năng lực thuyết pháp và nguồn cảm xúc thơ ca trong Ngài không ai bì kịp. Sau nhiều năm cống hiến cho đạo pháp tại quê nhà, Ngài lại dấn thân bôn ba nơi hải ngoại. Nơi xứ người, ngôn ngữ, văn hóa… lạ lẫm, vậy mà Ngài vẫn nêu cao gương hạnh người Khất sĩ dấn thân ươm mầm cho nguồn đạo của Tổ thầy. Đã chấp nhận dấn thân phụng sự Phật pháp thì bất kỳ ở đâu, quốc độ nào cũng là đạo tràng để xiển dương chánh pháp mà thôi.

Người tu chẳng kể đến thân mình

Chết sống không màng, cứu chúng sinh

Với tấm lòng từ không quản ngại

Nêu gương trí dũng để quên mình

Đền ân chư Phật cùng Thầy tổ

Đáp nghĩa chúng sanh phải tận tình

Nhiều kiếp đã vay, nay phải trả

Đã vì lý tưởng hãy quên mình.

(“Hy sinh vì lý tưởng” – Diệu lý phá mê)

Từ những hi sinh cao đẹp đó, phẩm chất của người Khất sĩ kết tinh lại như những viên ngọc quý giá giữa cát bụi cõi đời. Trong dòng thế cuộc đau thương hệ lụy bởi miếng ăn, áo mặc, bởi bạc tiền địa vị, người Khất sĩ vươn mình như một đóa sen tinh khiết chẳng nhiễm bùn nhơ. Mùi hương ngào ngạt của đóa sen là biểu tượng của tinh thần giải thoát và ý chí dấn thân phụng sự của lớp lớp Tăng Ni Khất sĩ từ ngàn xưa cho đến ngàn sau.

Chân đạp đất, hòa vui cùng lòng đất

Đầu đội trời, biểu hiện kính yêu trời

Gần gũi đời là để cứu độ đời…

Nêu bác ái, nguyện lấp bằng bể ái…

 

Người Khất sĩ đem phước lành ban rải

Nhắc khuyên đời đừng tạo nghiệp gây nhân

Ở trong trần, mà tâm chẳng nhiễm trần

Thật xứng đáng là người con vũ trụ!

(“Đường lối khất sĩ” – Tứ kệ tĩnh tâm)

Sẽ là một thiếu sót lớn lao khi nói về thơ Pháp sư mà không nói đến mảng đề tài diễn bày giáo lý nhà Phật. Trong thơ của Ngài, nội dung các chủ đề giáo lý được chắt lọc và toát yếu, nghĩa lý vô cùng đơn giản. Với ngôn ngữ mộc mạc của mình, các bài thơ này không mang tính học thuật, thậm chí có khi phải biến tấu vài từ ngữ cho xuôi vần nhưng vẫn không làm mất đi giá trị chính của nội dung. Với những bài thơ như vậy, người đọc có cảm giác thân quen như chính những bài học vần vè của lứa tuổi ngọc ngà thời cắp sách. Giáo lý ấy không còn nằm ở xứ Ấn Độ xa xôi mà là những bài học đặc trưng của nhà sư miền Nam nước Việt.

Tứ diệu đề Ngài phân chỉ rõ

Khổ đề là bởi có huyễn thân

Khổ vì vật chất, tinh thần

Chúng sanh phải chịu trăm phần đắng cay

Tập đề là chỉ ngay những chỗ

Các nguyên do, sự khổ hiện ra

Vô minh vọng tưởng hành tà

Luân hồi quả báo vậy mà chẳng thôi

Diệt đề là Niết-bàn bảo sở

Phải tầm phương diệt khổ cho mình

Trau dồi bổn tánh chơn linh

Thoát ra biển khổ vô minh sáu đường

Đạo đề là một phương huyền diệu

Chúng sanh nên xét hiểu cho rành

Phép mầu bất diệt bất sanh

Giữ theo Bát chánh đạo lành chớ quên…

(“Thuyết minh tứ đế” – Tứ kệ tĩnh tâm)

Là một viễn khách tha phương, tiếng lòng hoài vọng về đất nước quê hương thật sâu đậm yêu thương ở những lời thơ của Pháp sư. Trong những năm tháng hồi hương, Ngài luôn chia sẻ những mất mát đau thương với đồng bào nghèo khó hoặc bị thiên tai lũ lụt. Đã có biết bao chuyến cứu trợ thăm viếng và tặng quà cho những mảnh đời khốn khó ở những vùng đất xa xôi từ miền Nam, miền Trung đến tận các tỉnh miền Bắc chập chùng núi non hùng vĩ, vùng đất khởi nguyên của dân tộc. Đây là nghĩa cử cao đẹp của một bậc trưởng lão cao hạ có tấm lòng phụng sự chúng sanh. Không chỉ riêng trong nước, mà tại xứ người, Ngài cũng dang tay che chở cho những công dân chịu thiên tai của các quốc gia khác. Tấm lòng ấy là cả một đức tánh từ bi vô ngã vị tha của bậc xuất trần thượng sĩ và nó đã thấm đượm vào những trang thơ đầy xúc cảm.

Thương thay dân chúng ở miền Trung

Giữa lúc đói, đau, với lạnh lùng!

Anh giúp chén cơm cho đỡ dạ

Chị cho manh áo khỏi cơn run!

Mái nhà che ấm, trừ cơn bệnh

Cô bác làm ơn hộ chiếu mùng…

Chỉ có lúc này hơn mọi lúc!

Bà con nên nghĩ xót thương cùng!

(“Xin một mái nhà” – Diệu lý bảo đăng)

Và ở trong thơ của Pháp sư, những lời khuyên nhủ dành cho hàng đệ tử có sức sách tấn mạnh mẽ. Các đệ tử là hàng hậu học đang tiếp bước con đường của chư Phật, chư Tổ và của cả chính Ngài để hoằng truyền chánh pháp Thích-ca. Thế hệ này là mầm móng tương lai của đạo pháp, thế nên lời khuyên nhủ của Ngài qua các bài thơ vô cùng tha thiết.

Đệ tử con ơi! Gắng miệt mài

Đường trần nhiều nỗi đắng chua cay

Nay con cố gắng bền tu tiến

Quả mãn công viên đáo Phật đài.

Phật đài dành sẵn để chờ con

Phước huệ song tu đức hạnh tròn

Chư Phật ba đời đều như thế

Gìn lòng son sắt gắng nghe con!

(“Khuyến tấn đệ tử” – Diệu lý tuệ đăng)

Tóm lại, cuộc đời của mỗi con người là một quyển sách. Những hành động của chúng ta sẽ là những trang viết để lại cho nhân thế; còn cuộc đời Pháp sư có thể xem là một tập thơ trác tuyệt. Đọc vào những bài thơ của Ngài qua những đề tài, chúng ta như được thẩm thấu một gương hạnh dấn thân của người Khất sĩ. Công hạnh ấy được Ngài dệt lên bằng chính một đời xả thân tu tập, cống hiến trọn vẹn cho đạo pháp và chúng sanh. Công hạnh ấy được tiếp nối từ chính đức Tổ sư Minh Đăng Quang cho nên nó trở thành một ngọn đèn chơn lý rực chiếu mãi ngàn đời. Trong từng lời thơ, “Ánh nhiên đăng” sẽ được xiển dương và luân lưu qua từng thế hệ Tăng Ni trong Hệ phái. Ngài sẽ không còn là ân sư của riêng ai mà sẽ là một trong những biểu tượng thiêng liêng trong thời đại mới. Biểu tượng ấy sẽ là nơi quy hướng tâm linh cho con đường y bát chơn truyền cho hôm nay và mãi mãi về sau.

IMG 1086 Copy

Chư Tăng Ni và Phật tử Giáo đoàn VI chúng con thành tâm ngưỡng bái, kính xin Giác linh Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên thùy từ chứng giám.