Một lần về thăm quê Tổ

TSMDQ016 600x340Con thành kính dâng lên đức Tổ sư - Người đã khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

Con kính dâng tặng Sư phụ - Người Thầy, Người Cha, Người đồng hành với con trên con đường giác ngộ.

 

Một sáng mùa Xuân, con tham gia đoàn người hành hương về quê Tổ. Đó là dịp kỷ niệm 61 năm ngày đức Tổ sư vắng bóng.

Con vẫn nhớ, hơn một năm trước, lần đầu tiên con tìm hiểu về Tổ sư. Nhìn di ảnh Người, con thật ấn tượng với nét ưu tư, trầm mặc. Đọc những dòng sử liệu về Người, con hiểu được chí xuất trần, quyết tâm dấn thân trên con đường hoằng dương chánh pháp.

Con băn khoăn tự hỏi, vì sao ở độ tuổi trên dưới ba mươi, một thanh niên trẻ như thế có thể giáo hóa và thuyết phục rất nhiều người xuất gia, hành đạo? Vì sao chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng ngàn tín đồ đi theo Ngài? Để rồi chỉ trong gần một thập niên, Người đã đặt nền tảng cho việc xây dựng và hoàn chỉnh Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, cả về tổ chức lẫn giáo pháp?

Thế rồi, từ lòng qui ngưỡng ấy con đã tìm hiểu thêm về “Chơn Lý”, về Hệ phái Khất sĩ. Con nhận ra quan điểm giản dị, thanh bạch ở Hệ phái. Con thấy, con phù hợp với quan điểm ấy. Vậy là sau hai năm học đạo với sư phụ, đây là lý do cuối cùng đưa con đến với quyết định quy y!

Từ ngày ấy, con tin rằng, vẫn còn đó sự chiêu cảm giữa Người và các môn đồ đệ tử của Người. Vẫn còn đó, ngọn lửa truyền thừa từ Tổ sư đến các bậc chư Tôn đức trong Hệ phái? Và cũng từ ngày ấy, con vẫn mong, có dịp con sẽ về quê Tổ. Điều đó như là sự thôi thúc từ bên trong của đức tin, của lòng thành kính. Lần đầu tiên, con thực sự trải nghiệm được ý nghĩa của những chuyến hành hương – con vẫn thường đọc thấy ở đâu đó, xưa nay.

Kỷ niệm 61 năm ngày đức Tổ sư vắng bóng, Phật tử Tịnh xá Ngọc Tường, nơi con quy y, lên đường về quê Tổ. Con vẫn nhớ lời sư phụ: “Sư thấy, con nên đi”! Có lẽ, bằng tuệ nhãn của người Thầy, Sư đã nhận ra những suy tư trong con về đức Tổ? Con biết ơn Sư về lời sách tấn ấy. Để rồi con thu xếp công việc cùng đi với mọi người.

Từ Tịnh xá Ngọc Tường (TP. Mỹ Tho), chúng con đã dừng chân ở Tịnh xá Ngọc Viên (TP. Vĩnh Long). Đây là nơi đặt trụ sở của Giáo đoàn I, và cũng là một trong những đạo tràng in đậm dấu ấn của Tổ sư trong những ngày đầu mở đạo.

Con lặng lẽ đứng thật lâu, nơi những dấu tích còn sót lại ở ngôi Tịnh xá này.

ngocvien4-daophatkhatsi.net

Trước mặt con, là cây Bồ-đề do chính tay đức Tổ sư trồng – năm 1948.

Sau hơn sáu mươi năm, cây Bồ-đề ngày một xum xuê to lớn. Điều hết sức đặc biệt và thú vị là, giờ đây trên bộ rễ của gốc cây chính đã mọc lên mười cây Bồ-đề con. Tất cả đang rướn mình vươn lên để tỏa bóng mát và góp phần đem lại nét thanh tịnh cho ngôi đạo tràng.

Phải chăng, điều kỳ diệu ấy của tự nhiên – là minh chứng cho sự vươn lên của Hệ phái Khất sĩ sau hơn nửa thế kỷ “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”?

Cách đó không xa là cốc Tổ sư. Bên trong cốc vẫn còn lưu giữ pháp cụ, bút tích và hình ảnh của Người.

Đi loanh quanh trong ngôi Tịnh xá này, con thầm nghĩ: trong từng bước chân của Tăng Ni, Phật tử hôm nay, có bước chân nào trùng với bước chân của đức Tổ sư ngày xưa?

Rời Tịnh xá Ngọc Viên, xe đưa chúng con lên đường về xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình. Đường về quê Tổ hôm ấy rộn ràng với những đoàn xe nối tiếp nhau. Phật tử từ các miền tịnh xá nô nức về quê Người với tâm trạng hân hoan, thành kính. Nhìn những ánh mắt ngạc nhiên của dòng người trên các con đường, con thấy lòng lâng lâng một điều gì khó tả?

Nơi đây, 92 năm trước, một bậc chân tu đã thị hiện giữa đời thường. Để rồi, con đường do Người khai sáng đã có, hàng vạn người đã và đang bước tiếp:

           “Như hướng dương theo mặt trời.

             Một Người đi, cả vạn người theo chân”.

                                             (Thi sĩ Trụ Vũ)

Vâng, câu thơ thật hình ảnh, thật xác đáng, ôm trọn cả công đức của Tôn sư.

Con háo hức bước nhanh về nhà thờ Tổ. Một ngôi nhà gác nhỏ, đơn sơ mà thanh tịnh. Con được gặp và nói chuyện với người cháu ruột của đức Tổ sư. Đó là một bà cụ có phong cách đậm chất miền Tây Nam bộ: gần gũi, giản dị, thân tình. Đó cũng là người thân duy nhất của Người mà con được gặp. Chia tay bà nhưng vẫn còn đọng lại trong con dư âm của cái nắm tay ân cần, và lời chào mộc mạc: “Về khỏe nghe con”!

Cách nhà thờ Tổ vài mươi mét là Tổ đình Minh Đăng Quang đang trong thời gian xây dựng. Cùng với Pháp viện Minh Đăng Quang (Quận 2, TP. Hồ Chí Minh), đây sẽ là công trình mang đậm dấu ấn của Đạo Phật Khất Sĩ - là nơi để Tăng Ni và Phật tử tu học, là nơi để các thế hệ môn đồ của hệ phái, hướng về qui ngưỡng!

DSC 0018

Nắng Xuân dịu dàng e ấp, những giọt nắng tôn lên màu vàng của những chiếc huỳnh y làm rực sáng cả chánh điện hôm ấy. Chư Tôn đức Tăng Ni đã có mặt thật đông đủ trong buổi lễ niệm hương, dâng lên đức Tổ. Không khí trang nghiêm. Lời kinh tha thiết. Tâm nguyện chí thành. Giây phút ấy, tất cả như là một, trong một niệm chung là cùng hướng về Tổ sư. Thiêng liêng và thành kính!

Rời quê Tổ, lòng con vẫn hẹn ngày trở lại. Đó có thể là khi công trình xây dựng Tổ đình Minh Đăng Quang đã hoàn thành. Con sẽ cùng mọi người về lại nơi này, tắm mình trong suối nguồn yêu thương của niềm tin nơi chánh pháp. Để rồi, trong sâu thẳm trái tim của mỗi người là lòng tri ân đứcTổ, là tâm nguyện đem hết sức mình thực hiện những lời dạy của Tổ sư.

An lạc trong cuộc sống, tinh tấn trong tu học, hướng đến giác ngộ giải thoát. Đó là điều mong mỏi của những người con Phật, và là trách nhiệm của mỗi Phật tử đối với chính mình. Về quê Tổ để cảm nhận những khó khăn, vất vả của đức Tổ trong buổi đầu mở đạo. Để hiểu rằng, đóng góp cho sự phát triển của Đạo Phật Khất Sĩ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung trong khả năng và vị trí của mình, chính là cách thiết thực và ý nghĩa nhất để đền ơn Tổ Thầy.