Một số đề xuất về nội quy của các ban trong Hệ phái

BanTTTT 1

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Giới luật là thọ mạng của Phật pháp. Giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất Phật pháp mất. Do đó, mỗi Tăng sư đều phải thọ trì giới pháp đúng với giới luật của Phật quy định. Đối với Hệ phái Khất sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang đã chọn Luật Tứ phần làm nền tảng để thọ trì, đồng thời tham khảo thêm luật Y bát của Nam truyền, từ đó chế định Luật nghi cho Tăng đoàn.

Trải qua thời gian, Phật giáo Khất sĩ đã đồng hành cùng Giáo hội và Dân tộc, góp phần xiển dương Chánh pháp và làm hưng thịnh Phật giáo Việt Nam. Thiết nghĩ, những quy định bổ sung cho Giới bản Luật tạng và để gìn giữ bản sắc và truyền thống của Hệ phái là điều không thể thiếu. Sau đây là một số nội quy được đúc kết và thảo luận trong các phiên họp và các buổi làm việc của Khóa Bồi dưỡng trụ trì.

NỘI QUY VỀ TĂNG SỰ

Tăng sự là hoạt động chính yếu của Tăng-già. Trong kinh Đại bát Niết-bàn thuộc Trường Bộ kinh, khái niệm “Tăng sự” đã được nêu trong bài kinh. Kinh nêu rõ, khi hội chúng chư Tăng hội họp và giải tán, cũng như làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, hòa hợp thì góp phần làm cho Chánh pháp hưng thịnh, không bị suy giảm.

Trải bao thời kỳ, Phật giáo phát triển qua các nước và do hoàn cảnh địa lý, lịch sử cũng như phong tục tập quán của mỗi địa phương mà có những điều luật thứ yếu được bổ sung để gìn giữ và phát triển đạo pháp. Phật giáo Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập vào giai đoạn 45 - 54 của thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ đã quá suy vi, và được chư Tôn đức bắt đầu chấn hưng. Ngoài những giới luật của Luật Tứ phần mà một vị Khất sĩ cần phải giữ, đức Tổ sư còn quy định 114 điều răn mà một vị Tăng sĩ cần phải hành trì.

Trong bối cảnh xã hội ngày nay, để đảm bảo cho Tăng đoàn Khất sĩ không bị ảnh hưởng nặng bởi những phương tiện hiện đại, gây nguy hiểm cho giới thân huệ mạng, và truyền thống Tổ Thầy, ngoài việc tuân thủ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hệ phái có thêm một số quy định sau:

Tập sự

- Không được sử dụng điện thoại[1], máy vi tính (ngoại trừ thiết bị nghe pháp).

- Thường phục là màu nâu. Lễ phục là áo dài màu nâu (trong 6 tháng đầu) và màu vàng (sau 6 tháng đầu).

Nhập chúng

- Sau một năm xuất gia, hầu thầy và tu học theo sự chỉ dẫn của Bổn sư/ Y chỉ sư, tập sự nữ được nhập chúng, mặc áo quần màu vàng, áo giới màu vàng khi thực hành các nghi quỹ trang trọng, hoặc khi đảnh lễ thầy, v.v...

Thọ Sa-di/ Sa-di-ni giới

- Khi thọ giới Sa-di trong Hệ phái, giới tử phải thuộc lòng các bài sau: Bài học Khất sĩ, Bài học Sa-di, Pháp học Sa-di I (Giới), hai thời khóa tụng, các bài kệ trong Nghi thức tụng niệm (Nhớ ơn Phật, Cầu nguyện hòa bình, Thuyền trí huệ, Tán tụng công đức giáo chủ, Chúc mừng chánh pháp, Nguyện về cõi Phật, Khuyên đừng giết thú). Các bài sau tuy không bắt buộc thuộc lòng, nhưng giới tử phải nắm được ý chính để khi khảo hạch trả lời thông suốt: Luật Khất sĩ, Pháp học Sa-di II, Pháp học Sa-di III, nội dung tập 1 và 2 bộ Phật học phổ thông do HT. Thích Thiện Hoa biên soạn, Lược sử Tổ sư Minh Đăng Quang, Lược sử Đức Thầy/ Ni trưởng sáng lập Giáo đoàn, và tên tuổi của Bổn sư.

- Thời gian thọ giới Sa-di/ Sa-di-ni tính từ lúc xuất gia phải được một năm rưỡi trở lên (trừ trường hợp đặc biệt), chư Ni được tính từ lúc nhập chúng.

- Hạnh kiểm, oai nghi, phép hầu thầy khá tốt và phải được Bổn sư, chư Tăng/ Ni tại tịnh xá thông qua.

- Tham dự các khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” do Giáo đoàn tổ chức (ít nhất là 2/3 số lần được tổ chức, nếu có), cộng với một lần do Hệ phái tổ chức.

- Giới đàn phương trượng (nội bộ) được tổ chức tại địa điểm Giáo đoàn tổ chức Tự tứ hoặc nhân một sự kiện trọng đại như Lễ Tổ, Lễ Nhị Tổ, Tưởng niệm các vị Trưởng Giáo đoàn.

- Trong thời gian 3 tháng tùng hạ, vị Sa-di/Thức-xoa-ma-na chuẩn bị thọ Cụ túc giới, tuyệt đối không được sử dụng điện thoại và vi tính bảng (ngoại trừ trường hợp Ban Quản chúng đề xuất và thầy tế độ cũng đồng thuận).

- Sau khi thọ giới Sa-di/ Sa-di-ni 2 năm trở lên, được Thầy giao cho một vị vừa mới xuất gia để giúp đỡ, hướng dẫn hỗ trợ cho thầy.

Thọ giới Thức-xoa-ma-na

- Đối với chư Ni, sau khi thọ giới Sa-di-ni 3 năm (như thường lệ xưa nay), muốn thọ giới Cụ túc Tỳ-kheo-ni, trước phải thọ giới Thức-xoa-ma-na: 4 đại giới, 6 học giới và học thuộc lòng 178 giới hành phạt (quỳ hương), 8 giới đặc biệt (xưng tội xả đọa), 100 giới nhỏ (phải học sám hối).[2]

- Phải hội đủ các yếu tố: Đức hạnh, thời gian, túc số tham dự khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” (trừ trường hợp ngoại lệ học tại các trường Phật học, phải được Hội đồng giới sư thông qua).

- Tùy theo quy định của Giáo đoàn, số lần tham dự khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của mỗi Giáo đoàn phải đủ, nhưng ít nhất phải được 2/3 số lần do Giáo đoàn tổ chức.

- Truyền giới được tổ chức tại Giới đàn do Giáo đoàn tổ chức.

Thọ Tỳ-kheo / Tỳ-kheo-ni giới

- Ngoài các bài phải học thuộc lòng khi còn Sa-di, các giới tử thọ Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni phải học thuộc một số bài sau: Giới bổn Tỳ-kheo/ Giới bổn Tỳ-kheo-ni, 114 điều răn, các bài kệ tụng (Vô thường, Thời gian qua, Giấc mộng tàn, Đường đời, Ánh sáng, Thiền định, ...), tập 3 và 4 bộ Phật học phổ thông, đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang (bộ Chơn lý) và Lược sử các vị Trưởng lão Đức Thầy (Ni trưởng) trong Hệ phái.

- Thời gian để được lên lớp Tỳ-kheo: 36 tháng[3] tính từ ngày thọ Sa-di trở lên (trừ trường hợp đặc biệt lớn tuổi và có giới hạnh được đặc cách). Đối với Tỳ-kheo-ni phải tính từ thời điểm thọ Thức-xoa-ma-na.

- Số lần tham gia khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” do Hệ phái tổ chức phải được 2/3 lần trong suốt 3 năm.

- Phải tùng hạ tại địa điểm An cư do Hệ phái tổ chức để xét hạnh kiểm.

- Trong thời gian tùng hạ, các vị Sa-di/ Thức-xoa-ma-na tuyệt đối không được sử dụng điện thoại hoặc email riêng.

- Phải được Bổn sư và Giáo đoàn giới thiệu (bằng văn bản có đóng dấu nội bộ của Giáo đoàn).

- Phải đầy đủ các tư cụ của một vị Tỳ-kheo/ Tỳ-kheo-ni theo truyền thống (Y, bát, tọa cụ, lọc nước).

- Phải tham dự buổi khảo hạch và truyền giới tại Giới đàn do Hệ phái tổ chức.

- Trong thời gian tùng hạ hoặc ở chúng (TX. Trung Tâm/ PV. Minh Đăng Quang, Tổ đình Ngọc Phương...) phải có Y chỉ sư để nương tựa và đảnh lễ cầu pháp mỗi nửa tháng một lần là ít nhất.[4]

Lập thất, cất tịnh xá, nhận đệ tử, trụ trì

- Các vị ra lập thất, nhận đệ tử phải được sự đồng ý của Bổn sư/ Y chỉ sư.

- Sau khi được đại chúng thông qua, vị trụ trì phải trình lên Giáo đoàn và được sự chứng thuận của Đại Tăng.

- Hạ lạp tối thiểu của các vị ra lập thất, cất tịnh xá, thâu nhận đệ tử phải từ 12 hạ trở lên[5].

- Vị ra cất tịnh xá riêng phải là các vị Tăng Ni không có mang tai tiếng và nợ nần.

(Để tiện cho việc quản lý, các vị phải điền vào mẫu đơn và phải có chữ ký của Bổn sư/ Y chỉ sư và đại diện Giáo đoàn. Nếu các vị đã thành lập trước đây (tháng 4 năm 2017) mà chưa có xin phép Bổn sư/ Y chỉ sư và Giáo đoàn, thì Giáo đoàn sắp xếp cử người về để trợ duyên).

- Thời gian đầu ra sinh hoạt riêng (3 năm hoặc một thời gian ngắn tùy theo trường hợp), cần có sự giám sát của chư Tôn đức Giáo phẩm Giáo đoàn. Nếu năng lực về quản lý và tư cách của vị trụ trì có vấn đề, vị ấy có thể được thuyên chuyển về chỗ cũ để nương thầy tu tập.

- Trụ trì của một ngôi tịnh xá nếu có vấn đề, Giáo đoàn/ Hệ phái cần trình lên Giáo hội can thiệp để điều vị khác về, nhằm bảo vệ uy tín cho ngôi tịnh xá.

Pháp phục truyền thống

- Tập sự xuất gia nam và nữ đều mặc nâu (trừ trường hợp đi học một số trường bắt buộc mặc màu lam). Mỗi người tối đa 3 bộ.

- Sau 6 tháng tập sự nam được phép mặc áo dài vạt hò theo truyền thống, màu vàng sậm (cùng với màu vàng của đại chúng Khất sĩ thường mặc).

- Sa-di mặc y trơn (không mặc điều như Nam truyền).

- Tỳ-kheo mặc y bá nạp theo truyền thống (không điều như Nam truyền).

(Trong trường hợp có vị mặc khác truyền thống, các vị Tăng sư có thể phản ánh về Giáo đoàn đang sinh hoạt để kịp thời nhắc nhở trong các ngày tụng giới và kiểm thảo Tự tứ).

- Tất cả Tỳ-kheo phải đắp y đúng truyền thống và quy cách của Hệ phái (không phương tiện mặc quần). Nếu trường hợp có người mặc quần áo không đúng theo quy định, Giáo đoàn có đương sự đang vi phạm ấy phải chịu trách nhiệm trước Hệ phái.

- Chư Ni không nên mặc pháp phục không đúng truyền thống, không nên vừa mặc quần và vừa quấn y.

- Khi vào trong chánh điện, nơi sinh hoạt chung (giảng đường, thiền đường, trai đường), chư Tăng nên đắp y chừa cánh tay (không mặc áo), dù vị ấy từ phương xa đến (trừ trường hợp bệnh duyên). Khi đi ra ngoài phải đắp y trùm kín thân.

- Chư Ni thọ Cụ túc giới rồi không được mặc quần áo đi ra ngoài.

Đi ra nước ngoài

- Không được tự ý đi nước ngoài mà không xin phép Giáo đoàn, Hệ phái.

- Khi đi nên có tổ chức do Giáo đoàn hoặc Hệ phái tổ chức, nhắm đến lợi ích chúng sanh, không nên đi vì kinh tế.

Pháp danh và xưng hô (trong nội bộ)

- Pháp danh của chư Trưởng lão, Hòa thượng nên bắt đầu bằng chữ GIÁC, bỏ bớt chữ Thích. Đối với các vị đang làm việc với Giáo hội, chúng ta tùy thuận để chữ Thích. Ví dụ, Trưởng lão Giác Tịnh, Trưởng lão Giác An (không cần để chữ Thích Giác Tịnh, Thích Giác An).

- Pháp danh của chư Ni cũng bỏ bớt chữ Thích Nữ, ví dụ: Tỳ-kheo-ni Pháp Liên, Ni trưởng Giới Liên (bỏ bớt Thích Nữ).

- Đối với chư đức Thầy, chư Tôn đức (trên 50 Hạ lạp trở lên) có công với giáo pháp, đã viên tịch hoặc sống đến giai đoạn 1981, chúng ta nên tôn xưng là Trưởng lão, không tôn xưng là Hòa thượng (vì vừa tôn kính mà cũng không hiểu lầm khi dịch sang tiếng Tàu).

- Nên thống nhất cách đặt pháp danh để khi nghe đến hoặc đọc là biết được vị ấy ở đoàn nào. Hiện nay, một số vị đặt pháp danh hơi tự phát. Ví dụ, Giác, Giác Minh, Giác Đăng, Đăng, Tịnh, Tâm...

- Nên đặt pháp danh (pháp hiệu) trong thời gian chuyển biến giữa đời và đạo. Ví dụ khi còn tại thế, pháp danh là Thiện Quang, sau xuất gia vẫn là Thiện Quang, đến khi lên hàng Sa-di mới đổi là Giác Quang/ Giác Minh Quang. Do đó, nên suy nghĩ về cách đặt pháp hiệu sau khi xuất gia để phân biệt với cư sĩ.

Tịnh tài

- Hàng tập sự tuyệt đối không được giữ tiền. Nếu được Phật tử cúng dường, tập sự phải gởi lại cho thầy hoặc vị Trị sự, sung vào quỹ tịnh xá.

- Sa-di cũng nên cúng tịnh tài lại cho Tam bảo (nếu có tiền).

Tổ chức lập hội

- Tăng Ni muốn lập các Câu lạc bộ hoặc Hội, Hạ lạp phải trên 11 năm trở lên.

- Nộp bộ Hồ sơ cho Giáo đoàn: 1) Dánh sách Ban Lãnh đạo/ Điều hành; 2) Kế hoạch hoạt động.

- Trong trường hợp vị đứng đầu/ Ban Lãnh đạo có vấn đề, sẽ được Giáo phẩm Giáo đoàn/ Hệ phái xem xét và tước quyền làm Chủ nhiệm, Hội trưởng.

Email, Facebook

-Tăng Ni không trong giai đoạn đi học không được sử dụng email riêng và Facebook riêng.

- Mỗi tịnh xá nên có một email chung và một Facebook chung, do 2-3 người cùng quản lý để truyền thông và hoằng pháp.

- Các Tăng Ni sử dụng Facebook mà chưa được sự đồng ý của Bổn sư, phải có biện pháp chế tài (tùy vào quyết định trụ trì của mỗi tịnh xá).

 

NỘI QUY VỀ NGHI LỄ

Nghi lễ là một hoạt động hàng ngày trong tôn giáo. Phật giáo là một tôn giáo minh triết, hướng con người đến điều thiện lành và cao cả. Do đó, nghi lễ của Phật giáo phải mang tính minh triết, phù hợp với lời dạy của đức Phật. Đồng thời, nghi lễ cũng thể hiện ý chí và nguyện vọng của người hành lễ, do đó cung cách biểu hiện của nghi lễ cũng phải phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của khu vực, vùng miền.

Hệ phái Khất sĩ, một Hệ phái mang bản sắc rất riêng của Phật giáo Việt Nam, được thành lập dựa trên nền tảng triết lý của Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, do đó, nghi lễ của Hệ phái trong mọi thời phải đáp ứng được các tố chất mà Tổ sư đã thể hiện trong đời sống hàng ngày của Ngài: đơn giản, nhẹ nhàng, sâu lắng, trang nghiêm và ý nghĩa.

Sau đây là một vài đề nghị trong Nội quy thuộc Nghi lễ Khất sĩ:

- Tăng Ni trong Hệ phái phải thuộc kinh tụng và kệ tụng trong Nghi thức tụng niệm.

- Tăng và chư Ni trực thuộc Giáo đoàn Tăng theo nghi thức Tăng. Ni giới Hệ phái Khất sĩ vừa học thuộc các bài kinh căn bản trong Kinh Tam Bảo do Ni trưởng Huỳnh Liên biên soạn, nhưng cũng nên thuộc một số bài mang tính đặc trưng chung của cả Tăng Ni, như bài cúng ngọ, cầu an, cầu siêu...trong Nghi thức tụng niệm để cùng thực hiện nghi thức chung khi sinh hoạt tập thể.

- Các tổ đình, tịnh xá không nên tổ chức trai đàn chẩn tế linh đình theo các truyền thống khác, không phù hợp với truyền thống văn hóa nghi lễ của Hệ phái Khất sĩ.

- Các lễ như Lễ hội Phật Dược Sư (đầu năm), Lễ hội Quán Thế Âm (19/2, 19/6, 19/9), Lễ vía Phật A Di Đà (17/10)... nên được đơn giản hóa, và dành thời gian thuyết giảng đạo lý, hướng dẫn Phật tử tu tập định tâm, quán chiếu tư duy, hơn là hình thức cúng kiến.

- Cách đọc tụng của Hệ phái không nên quá ngâm nga, tán tụng lên xuống như hát bội, cải lương; nên tụng theo lối trường hàng rõ ràng, âm điệu trầm bổng nhẹ nhàng để người tụng đọc dễ theo.

- Không sử dụng mõ, đẩu, linh... trong khóa lễ tụng của Hệ phái.

- Không nên đưa yếu tố thần bí mật chú vào trong nghi thức tụng niệm Khất sĩ. Lời kinh nên được rõ ràng, trong sáng, có ý nghĩa, phù hợp với nhận thức của đại đa số quần chúng.

- Trong trường hợp thực hiện các nghi cúng cầu siêu bạt độ tại các trai đàn hoặc các đám tang, người hành lễ nên cân nhắc kỹ ngôn ngữ được sử dụng, vừa để duy trì được tiếng Việt trong sáng, vừa đảm bảo nội dung cần thiết cho một trai đàn. Không nên bắt chước hoàn toàn các truyền thống khác (Hán Việt) mà không có sự sáng tạo của người chủ trì nghi lễ.

NỘI QUY VỀ VĂN HÓA

Văn hóa là một bộ phận cấu thành đời sống xã hội và dân tộc, thể hiện nếp sống văn minh của xã hội. Văn hóa còn dân tộc còn; văn hóa mất dân tộc mất. Văn hóa Phật giáo Khất sĩ thể hiện trong kiến trúc, thờ phụng, nếp sống sinh hoạt và trong lễ hội.

- Xây dựng mô hình tịnh xá phải theo hệ thống chung của Hệ phái (Chánh điện ở vị trí trung tâm, cốc liêu, khách đường... được bố trí hài hòa trong khuôn viên cho phép).

- Chánh điện nên là mô hình bát giác.

- Không nên quá nhiều tượng Phật và Bồ-tát trong Chánh điện và trong khuôn viên tịnh xá (dễ rơi vào đa thần giáo).

- Hoa văn, họa tiết nên được cân nhắc; không nên sử dụng quá nhiều văn hóa Champa vốn ảnh hưởng nền văn hóa Hindu (Ấn giáo) vào trong kiến trúc tịnh xá.

- Không nên điêu khắc các câu mật chú trên trụ đá, trên giả sơn trong ngôi tịnh xá.

- Màu sắc hài hòa hoặc vàng nhạt thể hiện màu sắc chung của Hệ phái.

- Cách đặt tên cho trú xứ nên là Tịnh xá Ngọc..., vừa phù hợp với truyền thống kinh văn cổ, vừa phù hợp với đặc trưng của Hệ phái.

- Không được tùy tiện đặt pháp viện, tu viện, tịnh viện; phải xin phép Giáo đoàn và Hệ phái (nếu muốn).

- Chữ lót giữa tịnh xá và tên của đơn vị nên là “Ngọc”, ngoài trừ trường hợp một số lấy theo tên trong kinh như Trúc Lâm, Kỳ Viên, ...

NỘI QUY VỀ GIÁO DỤC

Nhằm đào tạo nguồn nhân sự cho Phật giáo Việt Nam, GHPGVN đã tổ chức hệ thống học Phật tương đối ổn định. Hệ phái Khất sĩ – một thành viên sáng lập GHPGVN, luôn đồng hành với Giáo hội và đã nỗ lực đào tạo một lớp người có trình độ Phật học và tri thức xã hội đáp ứng nhu cầu vận hội mới của xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, để quản lý nguồn nhân sự này để không bị “chảy não” và định hướng đúng cho sự phát triển bền vững, Hệ phái cần có một số quy định như sau:

- Những Tăng Ni vừa mới xuất gia (từ 2010 đến nay) dưới 35 tuổi phải có trình độ 12 là tối thiểu (dù là PTTH chính quy hay bổ túc văn hóa).

- Tất cả nên được học Lớp Sơ cấp Phật học tại 2 cơ sở chính: Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh) và Tịnh xá Ngọc Phương (Gò Vấp).

- Tuổi đạo để học lớp Sơ cấp Phật học phải là Sa-di, Sa-di-ni hoặc Nhập chúng (đối với các Giáo đoàn có quy định này).

- Các vị về Tịnh xá Trung Tâm hoặc Pháp viện Minh Đăng Quang để học phải được sự giới thiệu và cam kết bằng văn bản của đương sự và thầy Bổn sư. Các thầy Bổn sư phải dẫn vào để giới thiệu và gởi gắm.

- Tất cả các vị xuất gia từ thế hệ 9X (sinh năm 1990) về sau nên học hết chương trình Trung cấp Phật học là tối thiểu.

- Những vị được đề cử học chương trình Cao học phải được Bổn sư giới thiệu lên Giáo đoàn và được Giáo đoàn chấp thuận và trợ cấp (nếu cần).

- Những vị học lên chương trình Tiến sĩ phải được sự giới thiệu của Bổn sư, Giáo đoàn lên Hệ phái và được Hệ phái trợ cấp (nếu cần).

- Sau khi học xong, về Pháp viện Minh Đăng Quang (trụ sở của Hệ phái) phụng sự một thời gian (2 năm tối thiểu) để kết nối huynh đệ Tăng Ni trong Hệ phái và nắm vững đường lối của Hệ phái.

- Các vị học xong chương trình Cử nhân Phật học, nên được đề xuất thường xuyên tham dự khóa tu Truyền thống Hệ phái và Bồi dưỡng trụ trì để bổ sung nhận thức về Hệ phái và đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang.

*******

Trên đây là một số gợi ý đề xuất, được hệ thống hóa từ những lời dạy của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, một số ý do chúng con kính kiến nghị dựa trên tình hình thực tế của đời sống Tăng Ni hiện nay. Kính mong chư Tôn đức Tăng Ni, suy xét, thảo luận và bổ sung để Giáo hội, Giáo đoàn, mỗi cơ sở tịnh xá có những tiêu chuẩn ổn định trong việc điều hành, hướng dẫn, phát triển nếp sống tu học đúng theo tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.


[1] Một vài vị cho rằng tập sự cần có điện thoại để giữ liên lạc với thầy khi đi xa. Thiết nghĩ điều này có thể khắc phục bằng cách lắp điện thoại bàn không dây. Thứ nữa, trong đơn vị tịnh xá ít khi chỉ có một vị tập sự, mà còn có một số vị Tỳ-kheo hoặc Sa-di khác. Nên tạo điều kiện tốt nhất để các vị Sa-di cắt bớt duyên trần để tu tập khi mới bắt đầu tu tập. Tại Tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh), vào những năm trước, Hòa thượng Giác Toàn chỉ đạo, các vị Tỳ-kheo nếu chưa đủ 5 hạ không được phép sử dụng điện thoại, huống chi ngày nay tập sự sử dụng điện thoại tràn lan !

[2] Theo Thức-xoa-ma-na ni giới (bản điện tử trên trang Buddhasasana) do HT. Trí Quang dịch giải, một vị Thức-xoa-ma-na phải thọ 4 đại giới, 6 học pháp, 292 hành pháp. Trong trường hợp của Hệ phái, chúng ta có thể học hỏi và thực hành như đề nghị ở trên.

[3] Tức là trọn 3 năm. Có lần Hòa thượng Giác Giới đề nghị chỉ 2 năm, nhưng chưa được sự thống nhất và ra văn bản; một số chư Tôn đức Giáo phẩm các Giáo đoàn cho rằng 2 năm để được thọ giới Tỳ-kheo là quá ít, chưa đủ thời gian để “trọn lễ hầu thầy và tu thiền có ấn chứng” nên cho tới thời điểm này, các sa-di phải đủ 3 năm mới được cho thọ Giới Cụ túc.

[4] Có vị cho rằng điều này không cần thiết. Nhưng bản thân người viết cho rằng vô cùng quan trọng. Vì khi đi vào Tịnh xá Trung Tâm, Pháp viện Minh Đăng Quang hoặc về chỗ An cư tập trung của Hệ phái, nếu không có sự ràng buộc này, các vị sa-di không ai kềm kẹp, dẫn đến nhiều trường hợp bất cập. Đành rằng Ban Quản chúng vẫn làm việc, nhưng nếu được giao cho vị nào làm Y chỉ sư trong 3 tháng để hướng dẫn, khuyên răn, theo sát sự tu tập của vị sa-di/sa-di-ni vẫn là điều tốt hơn.

[5]Điều này mặc dù có khác so với Giáo hội, chỉ 5 năm sau khi thọ Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Nhưng căn cứ theo tinh thần Luật tạng của Phật giáo Bắc truyền thì “ngũ hạ dĩ tiền, tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền” (năm hạ trước thì tinh chuyên giới luật, năm hạ sau mới thính giáo tham thiền). Nếu qua 11 năm mà không có giới đức thì vĩnh viễn phải ở với thầy tu học trong chúng.