Một số điểm tương đồng giữa tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy và Chơn lý của Tổ sư

Tổ sư sinh ra giữa cõi đời ly loạn, Phật giáo đang trong tình trạng suy vi cùng cực. Chỉ trong vòng 10 năm tu tập và hoằng dương Phật pháp, Ngài đã để lại bộ Chơn lý tổng cộng 69 bài gồm những tinh hoa trí tuệ do Ngài đã tích lũy, suy gẫm và tu học, tự thân thể nghiệm, diễn bày được diệu nghĩa chân thường, lý sự viên dung, hạnh giải tương ưng, thật là vi diệu, uyên thâm bất khả tư nghì. Do đó, bộ Chơn lý bao hàm những tư tưởng Phật học siêu xuất có lợi ích cho Tăng Ni và Phật tử Hệ phái lấy đó làm kim chỉ nam tu học.

MaiLien

Bài viết này nêu lên một số giáo lý căn bản trong bộ Chơn lý và so sánh đối chiếu với những lời dạy của Đức Phật Thích-ca trong kinh tạng, ngõ hầu làm sáng tỏ tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy trong bộ Chơn lý của Đức Tổ sư.

1. Võ trụ quan

- Phật giáo Nguyên thủy: Hết thảy vạn pháp trên thế gian đều hiện hữu trong vũ trụ, trong đó con người là một tiểu vũ trụ. Cách đây trên 2.500 năm, Đức Phật đã nhận thấy trong bát nước có vô số vi trùng như trong kệ Tỳ-ni chúng ta th ường đọc mỗi khi uống nước:

Phật xem một bát nước,

Tám muôn bốn ngàn trùng,

Nếu không niệm chú này,

Như ăn thịt chúng sanh.

Thế mà khoa học ngày nay phải dùng kính hiển vi mới thấy được. Cũng như Đức Phật đã thấy sự hình thành và phát triển thai nhi khi Phật thuyết kinh Đại Bửu Tích cách đây trên 25 thế kỷ, trong khi đó khoa học ngày nay mới có những khám phá trùng hợp.

- Trong Chơn lý “Võ trụ quan”, Tổ sư đã dẫn giải rành mạch cho thấy con người cũng là một vũ trụ nho nhỏ, trải qua sự sanh diệt tiến hóa từ từ và Tổ đã xác định các nguyên tắc cấu thành vũ trụ trải qua 4 giai đoạn: thành - trụ - hoại - không hay là sanh - trụ - dị - diệt. Trong sự hình thành và hoại diệt của vũ trụ vạn pháp, Tổ đã xác minh tính vô thường chi phối bởi nhân quả. Trong Chơn lý, Tổ viết: “Từ vật chất đến tinh thần, từ ác đến thiện, tinh thần không chật, vật chất không hao, sự nó là có, lý nó là không. Cho nên ai biết lẽ không rồi chẳng còn phải khổ, điên, mờ quáng về sự thay đổi lăn xoay nữa” (Chơn lý “Võ trụ quan”, tập 1, tr. 22).

Qua bài Chơn lý “Võ trụ quan” ta thấy Đức Sư Tổ phân tách vũ trụ chi li bằng trí tuệ, siêu thức thực chứng nói về thể của vũ trụ, nhơn duyên và sự hình thành của quả địa cầu, sự tiến hóa và sự tan hoại của quả địa cầu một cách rất dễ hiểu. Trong khi đó khoa học ngày nay đang từng bước khám phá, kiểm chứng. Quan điểm vũ trụ hình thành của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn lý tuy giải thích theo từng bước tuần tự từ “Thể của vũ trụ đến nhân duyên của mỗi quả địa cầu, hình thể địa cầu, ánh sáng của địa cầu… chúng sanh trong vũ trụ… cuối cùng là chơn lý vũ trụ”. Trong đó, Tổ đều vận dụng thuyết Nhân duyên trong nhà Phật để giải thích.

2. Ngũ uẩn

- Phật giáo Nguyên thủy: Giáo lý ngũ uẩn nhiều lần được đề cập trong tam tạng Pāli. Trong bài Kinh Vô ngã tướng, Phật thuyết cho năm vị Tỳ-kheo nhóm ông Kiều-trần-như tại vườn Lộc Uyển về giáo lý ngũ uẩn rất cặn kẽ. Bài kinh nhấn mạnh về tính vô thường, khổ não vô ngã của ngũ uẩn. Sau khi nghe Đức Phật giảng dạy, nhóm ông Kiều-trần-như sanh tâm nhàm chán, đoạn dứt lục dục, trí tuệ phát sinh, chứng ngộ giải thoát.

Lại trong Kinh tạng Pāli, Phật dạy La-hầu-la muốn quán vô ngã phải nhìn sâu vào Ngũ uẩn để thấy ngũ uẩn không phải ngã, không phải dị ngã, cũng không phải tương tợ ngã. Vượt qua được 3 kiến chấp ấy rồi mới thực sự chứng nghiệm được Ngũ uẩn đều là không, ý niệm về ngã cũng không còn nương tựa vào đâu để tồn tại. Một khi đã chứng được vô ngã, tất cả phiền não và đau khổ đều tan biến, Niết-bàn an lạc thanh tịnh hiện ra trước mắt.

- Ngũ uẩn trong Chơn lý: Tổ nói ngũ uẩn hay ngũ ấm là 5 pháp cái trong thế gian và vũ trụ vạn vật. Mỗi vật trên thế gian này dầu có hình tướng hay không hình tướng, đều được hình thành bởi ngũ uẩn cả. Năm pháp cái đó là: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

Ngũ uẩn là nguồn gốc phát sinh ra sự khổ. Muốn hết khổ ta phải chuyển Ngũ uẩn phàm thành Pháp thân thanh tịnh viên mãn, tức là không còn ngũ uẩn gọi là giác chơn, giác chơn tức là lý không, hay nói ngược là không thức trí mới gọi giác chơn. Cho nên Tổ nói:

“Muốn giác chơn phải diệt trừ thức trí.

Muốn không thức trí phải bỏ hành vi.

Muốn không hành vi phải đừng tư tưởng.

Muốn không tư tưởng phải dứt thọ cảm.

Muốn không thọ cảm phải không sắc thân”.

(Chơn lý “Ngũ uẩn”, tập 1, tr. 37)

Giác chơn là trọn yên vui, không khổ não, cảnh cao viễn nhất của chúng sanh, cũng là bậc không còn trở lại.

3. Thập nhị nhơn duyên

- Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy: Giáo lý Thập nhị nhơn duyên được trình bày rất nhiều trong tam tạng kinh điển Nguyên thủy. Trong bài kinh Phật thuyết về 12 nhân duyên ở Tịnh xá Jetavana, Tôn giả A-nan nghe xong bạch với Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, giáo lý này dễ nghe, dễ hiểu,…”, nhưng Phật đã xác minh cho A-nan rõ: “Giáo lý này rất thâm sâu khó hiểu…”. Vì thế, chúng ta không nên khinh thường dể duôi, hãy thường quán xét để sớm thoát khỏi vòng trói buộc của 12 nhân duyên này. Do 12 nhơn duyên mà chúng sanh phải sinh tử luân hồi và nhờ sự tận diệt tham ái, vòng luân hồi mới chấm dứt.

- Chơn lý “Thập nhị nhơn duyên”: Mười hai nhơn duyên trong bộ Chơn lý gồm: “Vô minh sanh ra hành, hành sanh ra thức, thức sanh ra danh sắc, danh sắc sanh ra lục nhập, lục nhập sanh ra xúc, xúc sanh ra thọ, thọ sanh ra ái, ái sanh ta thủ, thủ sanh ra hữu, hữu sanh ra sanh, sanh sanh ra tử”.

Mười hai chi này chuyền níu với nhau không đầu mối. Tổ cũng nói: “Mười hai nhân duyên cũng ví như một đám rừng có 12 cửa, như một bánh xe có 12 căm, động một cây là động tất cả, vào một cửa là vào trọn trong rừng. Trong một nhân duyên sẵn chứa mười một nhơn duyên khác dính nhau như dây xích liên hoàn, chúng sanh vừa chạm phải một mắc là đã bị quấn đeo”.

Sự luân hồi xoay đi lộn lại, nào biết ai lớn nhỏ, ai là trước sau, cứ mãi bám níu lấy nhau lăn tròn chóng mặt. Vậy nên chúng ta muốn hết khổ luân hồi, thì tùy sự xét thấy mình ở cửa nào hãy lui ra khỏi cửa đó, quay đầu lại là xong, chớ mãi đi tới luồn tuông. Miễn giác ngộ là thấy được đường (Chơn lý “Thập nhị nhơn duyên”, tập 1, tr. 87).

4. Bát Chánh đạo

- Phật giáo Nguyên Thủy: Trong bài Kinh Tứ Diệu Đế, Phật đề cập đến phần Bát chánh đạo là tám đường chánh để diệt khổ, hướng đến tịch tịnh Niết-bàn. Con đường chánh đạo ấy là gì? Đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Phật nói: “Như Lai đã từ bỏ hai cực đoan ấy, theo con đường Trung đạo. Này các tỳ kheo, thế nào là con đường Trung đạo để phát triển nhãn quan, tri kiến và tiến đến an tịnh, trí tuệ cao siêu giác ngộ Niết-bàn? Con đường Trung đạo đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”.

- Bát chánh đạo trong Chơn lý: Bát chánh đạo cũng kêu là Bát Thánh đạo là pháp tự độ độ tha, sống chung với tất cả để cùng nhau lên đến nơi cùng tột là Niết-bàn. Tổ đã trình bày khá chi tiết, phân tích ở nhiều mặt. Tám đường chánh ấy là:

- Chánh kiến đạo là con đường thấy chánh.

- Chánh tư duy đạo là con đường suy ngẫm chánh.

- Chánh ngữ đạo là con đường nói chánh.

- Chánh nghiệp đạo là con đường làm chánh.

- Chánh mạng đạo là con đường sống chánh.

- Chánh tinh tấn đạo là con đường siêng năng chánh.

- Chánh niệm đạo là con đường tưởng nhớ chánh.

- Chánh định đạo là con đường yên nghỉ chánh.

(Chơn lý “Bát chánh đạo”, tập 1, tr. 94)

Tổ đã nhận định về Bát chánh đạo như sau: “Tất cả các pháp lành trong thế gian đều thuộc về tám phần của Bát chánh đạo không thể nói viết cho cùng. Bát chánh đạo gồm cả Tam tạng Pháp bảo, tám muôn bốn ngàn pháp môn, ba ngàn pháp cái mà chơn như (chánh định) là mục đích chỉ có một” (Chơn lý “Bát chánh đạo”, tập 1, tr. 105).

5. Chánh Kiến

- Phật giáo Nguyên thủy: Tại giảng đường Lộc Mẫu, Đức Phật dạy rằng chánh kiến là căn bản của chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Chánh kiến là sự thấy biết tất cả muôn sự muôn vật đều vô thường, duyên hợp không có tự ngã, do đó đều bình đẳng.

- Chánh kiến trong bộ Chơn lý: Trong việc chấn hưng Phật giáo, Tổ đã mạnh dạn chỉ trích những sai lầm và thực tế hiện trạng xã hội cũng như cuộc sống của quần chúng hiện thời là chỉ làm việc xu hướng mà không hiểu nghĩa lý của việc làm ấy, chỉ hành động theo sự “xưa bày nay làm” rất tai hại, sẽ bị người chế nhạo. Tổ nói:

“Trong xứ mà dân tộc mê tín thì cũng như gia đình mắt nhặm, ai muốn dắt dẫn bảo sao nghe vậy và cứ nhắm mắt làm theo, thì còn gì sự tự chủ và tiến hóa, láng giềng kẻ khác ai lại chẳng xỏ mũi cười khinh” (Chơn lý “Chánh kiến”, tập 2, tr. 29).

Vậy chánh kiến là như thế nào? Chánh kiến là sự thấy rõ lẽ chánh để thực hành theo.

Trong phần cúng tế, Tổ dạy: “Cúng tế để biết khiêm nhường kẻ chết đặng không ngang bạo giết hại người sống, mang ơn mến đức mà thờ, nghe dạy là lạy… Vậy nên sự cúng tế là tốt cho tâm tu, trí học, mà nên cúng tế Thánh hiền chớ đừng cầu vái ma quỷ…” (Chơn lý “Chánh kiến”, tập 2, tr. 37, 38).

Sự phá chấp về mê tín dị đoan của Tổ rất chính xác, Ngài chỉ rõ những tập tục cổ hủ, giải thích cội nguồn các bậc gọi là thần linh mà chúng sinh đang tín ngưỡng. Ngài nói rõ ý nghĩa lễ bái, bậc đáng lễ bái để mọi người không còn sai lầm, không còn lễ bái những kẻ vô hình đâu đâu không thực có. Bởi cung kính là để vâng lời, vâng lời là để thật hành, thật hành là kết quả, quả ấy là bản tâm. Như vậy, Tổ đã nêu cao tinh thần chánh kiến để phá trừ tập tục mê tín, hướng mọi người trở về chánh đạo qua sự thấy biết chơn chánh của chính mình.

6. Thiền định

- Phật giáo Nguyên thủy: Thiền định là pháp hành quan trọng trong đạo Phật. Từ sau Phật nhập diệt đến nay đã có rất nhiều sách kinh viết và giảng giải về thiền. Nghiên cứu xa hơn nữa, chúng ta thấy thiền có liên quan đến phương pháp tu luyện cổ truyền, có lẽ từ thuở khởi nguyên của văn hóa Ấn Độ. Thiền, nói đủ là thiền-na, được dịch nghĩa là tĩnh lự, chỉ cho trạng thái tâm an tịnh, không loạn động. Có nhiều phương pháp tu tập thiền định, như Sổ tức quan, Tứ niệm xứ v.v… nhưng tất cả đều cùng một mục đích là trụ tâm vào một chỗ, không cho tán loạn, để đi đến định và phát sanh trí tuệ.

Có một đoạn kinh ghi: Một thời Thế Tôn du hành ở Kosala, Ngài dạy các Tỳ-kheo: “Này các Tỳ-kheo, đoạn tận sáu pháp này, có thể đạt được và an trú Sơ thiền. Thế nào là sáu? Dục tham, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi và như thật khéo thấy với chánh trí tuệ về nguy hại trong các dục. Đoạn tận sáu pháp này, nầy các Tỳ-kheo, có thể đạt được và an trú trong Sơ thiền”. Trong bài kinh này Đức Phật dạy phòng hộ tâm, nếu thực hành được có thể thành tựu thiền định, chứng được tuệ giác giải thoát.

- Bài “Nhập định” trong Chơn lý, Tổ sư đã giảng giải về nhập định rất cặn kẽ sâu sát. Tổ nói: “Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch, tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải là được kết quả yên vui biết bao nhiêu. Và cũng nhờ định, mắt tai mũi lưỡi thân ý mới trọn lành hữu dụng, tốt đẹp trang nghiêm, mới ra con người có giá trị, xứng đáng để nêu gương…” (Chơn lý “Nhập định”, tr. 352).

Muốn nhập định không phải một lần mà được định. Chúng ta phải thận trọng bước đi từng bước, kiên nhẫn, tinh tấn hành trì. Định là kho tàng vô tận, là phòng bí mật, là tủ đựng kinh… trong định trí mới huệ, có huệ trừ vọng mới chơn. Nghĩa là định nhiều thì huệ nhiều, phép linh nhiều; định ít thì huệ ít, phép linh ít.

Có đoạn Tổ dạy chúng ta điều phục ý rất hay như: “Đừng cho nó gần 5 cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (hay là thân khẩu) với kẻ ác tà, với đồ cấu trược, thấp thỏi xấu dơ mà phải để nó lên cao chỗ thanh tịnh, mặc cho áo tốt bằng sự vắng lặng, cho nó ăn đồ ngon là thiện lành, thì nó mới lớn nên người được” (Chơn lý “Nhập định” tập 1, tr. 356).

“Trong cảnh tâm định thường có những sự vui như: da nổi ốc, trán mát lạnh, như thấy hào quang, như thấy mình nhẹ bay bổng lên không trung và bay theo mây gió. Điều mà phải tránh là trong khi nhập định, hãy để tự nhiên cho nó định chớ đừng vọng tưởng, nhưng khi vọng tưởng hoạt động thì phải xả đứng dậy đi ra, chớ đừng ngồi nán e thấy quấy suy nghĩ nhớ bậy...” (Chơn lý “Nhập định” tập 1, tr. 361).

KẾT LUẬN

Tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy rất rõ nét nhiều nơi trong bộ Chơn lý của Tổ sư, nhưng bài này chỉ nêu lên một số điểm cụ thể để thấy rằng Đức Tổ sư đã nghiên tầm từ hai hệ tư tưởng Nam truyền và Bắc truyền, đặc biệt ở đây là tư tưởng Nam truyền hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy. Qua đó, chúng ta thấy Tổ sư đã y theo phương châm “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” để kế thừa và phát huy tư tưởng của các truyền thống Phật giáo ở thời kỳ cách Phật quá xa. Thể hiện hướng đi Trung đạo, Tổ sư đã nghiên cứu hai hệ tư tưởng Nam và Bắc truyền dung hợp lại thành một dòng truyền thừa mới, riêng biệt, mang tính sáng tạo. Những giáo lý, tư tưởng quan trọng của hai trường phái lớn đều được kết tập trong bộ Chơn lý. Từ giá trị của bộ sách quý báu này, ngày nay các học giả, nhà nghiên cứu càng lúc càng thấy rõ hơn sự siêu việt của một bậc phi thường hy hữu. Sự xuất hiện của Tổ trong thời kỳ pháp nhược ma cường, quả thật như ánh đuốc thiêng sáng ngời, soi rọi thế gian u tối, khơi dậy niềm tin và giác tánh cho vô số người hữu duyên, khiến cho số đông được an lạc, giải thoát. Mặc dù Tổ không còn hiện hữu, nhưng chúng con tin chắc rằng Chơn của Ngài đã sáng tỏ, đang sáng tỏ, sẽ mãi sáng tỏ trong lòng nhân thế, để tiếp tục cứu độ bao sanh linh thống khổ, trở về nẻo giải thoát an vui. Công đức của Tổ sư to lớn vô vàn, chúng con xin mượn lời thơ sau đây để kết lại bài viết:

… Ôi thật đáng cho đời kính ngưỡng,

Công đức Ngài vô lượng vô biên,

Hỡi chư đệ tử hữu duyên,

Nhớ ơn Sư Tổ cần chuyên tu hành.

NT. Mai Liên
Giáo phẩm Ni giới thuộc Ni giới Giáo đoàn IV
Trụ trì Tịnh xá Ngọc Lâm – Long Hải