Một vài suy nghĩ chia sẻ cùng đại chúng khóa BDTT 2017

Hôm nay ngày cuối của khóa Bồi dưỡng Trụ trì, nhà Sư chỉ có ý định tham dự ngày học cuối và Lễ Bế mạc khóa học. Tuy nhiên, Ban Tổ chức cho biết, vị thuyết trình sáng nay không đến được và thỉnh nhà Sư có đôi lời thăm đại chúng. Bản thân nhà Sư không dám chối từ vì đây là chuyện chung.

bemac1b

Khóa Bồi dưỡng này đã là khóa thứ 14. Trong hội chúng tại đây, lúc này, có nhiều Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, niên cao lạp trưởng, lại cũng có rất nhiều Tăng Ni tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân trong nước, ngoài nước. Thế nên nói về kiến thức, pháp học Tăng Ni có đủ rồi. Hiểu biết của chư Tăng Ni ngày nay phần lớn rất hay, rất giỏi. Song sở dĩ Tăng Ni về đây tham học khóa Bồi dưỡng trụ trì là vì muốn trong một tuần này được các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư giảng huấn, trình bày những kinh nghiệm trụ trì cho tất cả Tăng Ni học hỏi, sau đó trở về trụ xứ tịnh xá của mình áp dụng, hoặc có thêm bài học tu hành tốt hơn.

Sau đây là một vài ý nhỏ chia sẻ với đại chúng.

HT.GiacHa

Chúng ta hôm nay đang ngồi trong giảng đường pháp viện Minh Đăng Quang. Nhìn khung cảnh pháp viện, nhà Sư không nghĩ có ngày hôm nay. Vì truyền thống Khất sĩ từ xưa, nơi ở đơn sơ, cốc lá mái tranh, thanh bần giữ đạo, sáng trì bình khất thực, trưa về độ ngọ, chiều thời thuyết kinh, làm sao hôm nay lại có thể hiện hữu một Pháp viện nguy nga tráng lệ, đồ sộ trang nghiêm như thế này! Đó là nhờ vào sự tinh tấn tu học của tất cả Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tác thành nên.

Hệ phái Khất sĩ phát triển rất nhanh. Các tỉnh thành trong nước từ miền Nam đến miền Trung và một số nước trên thế giới đều có bóng huỳnh y Khất sĩ. Điều này ai cũng công nhận. Đó là điều rất đáng mừng. Chỉ trong vòng mấy mươi năm, rất nhiều tịnh xá Khất sĩ đẹp đẽ mọc lên, Tăng Ni Khất sĩ đi học, hành đạo khắp nơi. Thế nhưng, bên cạnh sự mừng vui ấy lại có nỗi lo và nỗi lo này là nỗi lo chung của chư Tôn đức Tăng Ni và các Phật tử lão thành.

Nhà lớn, tốt đẹp ấy còn chủ nhà thì sao? Có tương xứng với ngôi nhà ấy không? Tịnh xá khang trang đó nhưng vị trụ trì có đầy đủ giới đức, kinh nghiệm tương xứng không? “Tạo tự thì dễ nhưng tạo Tăng thì khó”. Tạo chùa dễ, nhưng tạo người quản lý không phải dễ.

Một vị trụ trì, người chủ cơ sở, là đạo sư, giảng sư, thiền sư có trách nhiệm xây dựng phát triển tự viện, giáo hóa đệ tử Tăng Ni và Phật tử làm đạo tràng tốt đẹp, uy tín, Phật tử về tu học đông đảo. Thế nên, ngắm nhìn TƯỚNG của đạo tràng tốt đẹp, chúng ta phải nghĩ đến cái TÁNH của nó và tự hỏi, chúng ta phải làm gì đây? Trách nhiệm của mình là gì đây? TÁNH phải tương xứng với TƯỚNG. Vị trụ trì phải tương xứng với ngôi tịnh xá.

Tu là sửa, ai cũng có lỗi và vị trụ trì không ngoại lệ. Tuy nhiên, có lỗi biết sửa mới quan trọng; phải có hướng tích cực cố gắng sửa đổi. Trong Kinh Thủy Sám có dạy: “Người không có lỗi là tối thượng và người có lỗi mà biết sửa lỗi, cũng là người tối thượng”. Vì vậy, Tăng Ni hãy ý thức điều này và dõng mãnh sửa lỗi. Vị trụ trì là một tấm gương cho Tăng/Ni chúng và Phật tử. Nếu Tăng Ni hay Phật tử không hài lòng, không vui, tức mình đang có lỗi gì đó. Và nếu biết lỗi mà không sửa, chúng ta có tội với Tam bảo, với mọi người.

Vị trụ trì không phải là người hoàn mỹ, đôi lúc cũng có chỗ sai. Bản thân nhà Sư cũng có cái sai nhưng mình biết và sửa đổi. Trong việc dạy chúng, vị trụ trì còn phải tâm lý, thông cảm, và để có đức tánh này vị trụ trì cần phải sáng suốt. Ví dụ, có lần nhà Sư bảo một đệ tử đi làm việc, nhưng chú ấy không chịu đi làm. Nhà Sư la rầy. La là đúng rồi, đúng với trách nhiệm, đúng với việc dạy bảo đệ tử; nhưng nhà Sư suy nghĩ lại, hồi xưa, từng tuổi như chú, Thầy mình bảo, mình cũng đã từng dùng dằng không chịu làm theo, thế thì bây giờ, mình không nên rầy la chú quá nặng nề. Thế rồi nhà Sư chỉ nói nhẹ vài câu để chú nhìn lại bản thân, và cách này có hiệu quả. Chú đệ tử ấy hoan hỷ vì thấy thầy thương mình, thông cảm với mình, tự nhiên chú ấy thay đổi tính tình, siêng năng tu học tốt hơn.

Có đôi khi đệ tử không phục thầy lắm, thầy rầy thì im lặng nhưng lòng không phục. Và cũng có vị trụ trì chủ quan, nghĩ mình lúc nào cũng đúng, trọn vẹn trách nhiệm của trụ trì. Điều này mỗi vị trụ trì cần nhìn lại. Chính trong khóa học chỉ 7 ngày này, vị trụ trì phải phản quang tự kỷ để thấy rõ mình cần sửa đổi hay chăng.

Trong cuộc sống ngày nay, Phật tử về chùa tu học, cầu nguyện khá đông. Chúng ta thường dạy họ làm lành, cúng dường bố thí, nên làm những điều trong lòng hoan hỷ đều có phước. Chúng ta lại dạy cho mọi người đạo lý nhân quả, nghiệp báo, thế nhưng bản thân chúng ta suy xét lại mình đã tin nhân quả chưa? Thật ra, lắm lúc mình khuyên Phật tử tin, nhưng bản thân mình không tin vào luật nhân quả.

Vì sao nhà Sư nói vậy?

Ví dụ trong khu vực mình ở có khoảng 30 hoặc 50 ngôi tịnh xá, nhà Sư được Giáo đoàn bổ nhiệm về trụ trì một tịnh xá. Đây là tịnh xá của Giáo đoàn, của Tăng Ni, của thập phương bá tánh. Tuy nhiên, khi về ở mình phải lo trong ngoài nơi tịnh xá ấy. Dần dần mình lại xem tịnh xá ấy của mình, chỉ biết lo phát triển nơi mình ở mà không nghĩ đến 29 hoặc 49 chùa tịnh xá xung quanh. Mình xây dựng tịnh xá, có người cúng dường mình xây dựng, nhưng có thầy cô chùa tịnh xá khác đến nhờ giúp đỡ mình lại thấy nặng nề, khó chịu. Mình nghĩ tịnh xá mình thì mình lo, còn tịnh xá khác mình không cần phải lo. Thật ra người ta cúng mình 100 triệu xây tịnh xá, mình bớt 5 triệu cúng dường huynh đệ cũng lo cho trụ xứ của những vị ấy thì có gì khó lắm đâu. Vậy mà, làm không được.

Chúng ta quên rằng nếu thiên hạ xung quanh chết hết, mình làm sao sống được. Chúng ta không thể sống đơn độc một mình mà là sống nhờ tứ chúng. Tứ chúng trợ duyên, mình mới sống được. Chúng ta học kinh, có nhiều kiến thức Phật pháp nhưng tâm tư hữu không đoạn trừ, nghiệp chướng cũng sẽ không giải nổi vậy.

Chúng ta hãy tập quan niệm tất cả chùa chiền, tịnh xá thờ Phật đều là chung cả. Lo cho trụ xứ mình và cũng nhìn xung quanh xem huynh đệ có cần gì không, có cần giúp đỡ gì không. Hễ cái nhà sập thì cái giường của mình cũng hư luôn. Nhưng tâm ích kỷ chỉ biết mình, sáng lau, trưa lau, chiều lau cái giường của mình mặc cho cái nhà sắp sập không lo. Nếu không có tâm tương tợ, không từ bi, không lo chung, chúng ta không phải là một trụ trì đúng nghĩa. Người trụ trì hãy nghiên cứu kỹ điều này mà hoan hỷ, không còn cố chấp, nếu không mình dạy Phật tử tin hành theo nhân quả nhưng mình hành xử nhân quả không thông.

Chúng ta đến cõi đời này, có duyên xuất gia, tu học, tự lợi lợi tha, đền ơn Phật Tổ Thầy và rồi nhẹ nhàng ra đi. Nếu không ý thức, không khéo bỏ cha bỏ mẹ vô tu, lại không giải thoát nổi ngôi nhà lớn, thế là mình không trọn vẹn với con đường tu hành. Làm người trụ trì phải thường canh cánh bên lòng, cái đúng cái sai để phát huy và sửa đổi.

Hôm nay, trong ngôi Pháp viện đồ sộ uy nghi này, chúng ta có tự hỏi, một ngày Hòa thượng trụ trì nơi đây về Phật rồi, nơi đây sẽ ra sao? HT. Giác Toàn đại diện Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ vận động xây dựng cơ sở này cho Hệ phái Khất sĩ. Pháp viện không phải là một trung tâm của Giáo đoàn IV mà là trụ sở của cả Hệ phái Khất sĩ trong nước và thế giới. Thế nên chọn lựa, đào tạo vị Tăng tương xứng nơi đây là điều chư Tôn đức cần suy ngẫm. Càng suy ngẫm, nỗi lo lắng càng lớn dần theo tỷ lệ thuận với niềm vui ở trong ngôi Pháp viện to lớn này.

Có những bài học cũng khiến chúng ta suy nghĩ. Ngày xưa còn khó khăn, chúng ta chỉ có ngôi nhà trệt nhỏ nhắn. Thời gian sau, có điều kiện vật chất, chúng ta xây dựng nhà lầu cao ráo hơn. Ngày xưa không ai biết trong ngôi nhà nhỏ kia thế nào, giờ đây vì ngôi nhà cao lớn trội hơn các nhà trong vùng, ai cũng thấy hết cái hay cái dở trong ngôi nhà mới ấy.

Lại nữa, lâu nay chúng ta nương vào khúc gỗ mà sống, tu học. Thế rồi một ngày khúc gỗ ấy mục đi, chúng ta phải làm gì?

Những điều trên đây, xin chư Tôn đức Tăng Ni suy ngẫm và nhà Sư rất mừng vì vừa rồi tiếp chuyện với Hòa thượng Giác Giới – Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Hòa thượng có dạy, sẽ chọn một ngày gần đây, chư Tăng cử ra 10 vị có đạo hạnh, nhiệt huyết và chư Ni cũng cử ra 10 vị. 20 vị này cùng chư Tôn đức Chứng minh, Giáo phẩm Hệ phái họp lại, bàn bạc, suy nghĩ tìm ra những giải pháp thiết thực cho các vấn nạn của Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ ngày nay. Sau khi tìm ra giải pháp, chư Tôn đức sẽ ghi thành văn bản và phổ biến thực hiện đến các Giáo đoàn, tịnh xá, tịnh thất trực thuộc Hệ phái Khất sĩ. Đây là một việc làm ý nghĩa đúng đắn để tìm ra một định hướng tích cực nhằm đưa Hệ phái Khất sĩ trong tương lai thanh tịnh, trí tuệ.

Thật ra trong hiện trạng Tăng Ni ngày nay, thật khó lòng mà nói hết.

Vị trụ trì nhận đệ tử phải làm tấm gương sáng để đệ tử noi theo tu học. Cũng như cha mẹ, nếu không có khả năng dạy con, thì không nên có con. Sinh con ra phải dạy dỗ nuôi nấng con đúng với trách nhiệm của cha mẹ. Nếu không như vậy, chúng trở thành những đứa con hư, phá nhà phá xóm, cha mẹ cũng phải chia phần tội lỗi ấy. Thế nên, trách nhiệm của cha mẹ rất lớn.

Có đôi khi đệ tử không hoan hỷ với thầy với tịnh xá của mình, ra mua đất cất thất ở. Rồi vị ấy liên hệ chính quyền xin giấy phép, danh chánh ngôn thuận hợp thức hóa nơi ở. Vị ấy về lại và nói cúng dường cơ sở này cho Hệ phái, cho Giáo hội. Vị thầy phải làm sao? Không thể không nhận sao? Trên cở sở pháp lý là của chung, của Giáo hội nhưng thực chất là của riêng vị ấy. Rồi vị ấy vì có quen biết với một vài mạnh thường quân ở tịnh xá cũ, kêu gọi họ cúng dường xây dựng thất mình ở lớn hơn. Vị ấy lại thỉnh vị thầy về chứng minh rồi chụp hình rửa lớn treo ngay phòng khách chính và nói với mọi người đây là thầy tôi. Trong trường hợp này, người thầy phải làm sao? Không đến dự lễ chứng minh sao?

Hoặc chư Tăng Ni ra cất thất, sống đơn chiếc chỉ có một vị Tăng và một Phật tử nữ nấu cơm. Nhìn nếp sống tu học ấy thật không đúng giới luật và hình ảnh quá sai lạ trong mắt mọi người.

Trên đây là vài chuyện nan giải trong Tăng Ni hiện tại, và dự định chư Tôn đức họp lại tìm ra giải pháp để chấn chỉnh Hệ phái Khất sĩ thì quả là điều vô cùng hoan hỷ, vô cùng đúng đắn vậy.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.