Mùa xuân - Những điều muốn nói

 Thư gửi cho em: Mùa Xuân

Ngót nghét mà đã hơn ba mươi mấy mùa xuân trôi qua. Hơn nửa đời người nổi trôi, rong ruổi; đã bao giờ em chạnh lòng tự hỏi: Thư cho em dù chỉ một dòng mà sao anh không viết gửi tặng em? Biết là thế, xong anh cũng tự trách mình: Phải chăng anh vô tình quá ư? Thời gian có thể làm cho ta mệt nhoài thể xác, nhưng đâu làm ta mất đi cảm xúc phải không em? Và thế là anh nợ em những mùa xuân qua, những mùa “rụng vàng cánh mỏng hoa mai” và ta lại nhớ Em – một hành trình với những lo toan và trăn trở, những bồn chồn và cả những chờ mong. Xuân này anh viết gửi tặng em những điều yêu thương nhất nhé!

Hôm nọ trên lộ trình đi công tác vùng cao nguyên, anh trộm nghe một câu chuyện. Thoạt đầu câu chuyện khi nghe ai cũng nghĩ không có gì, thậm chí đó là lẽ thường tình trong xã hội. Một gia đình đến bốn thế hệ chung sống với nhau: Ông bà, con, cháu và chắt. Họ sống một cuộc sống thanh đạm, êm ấm và luôn biết yêu thương, đùm bọc nhau. Một bữa nọ sắp đến sinh nhật của bà cụ, ông cụ làm công tác âm thầm thông báo đến mọi thành viên trong gia đình về sinh nhật của bà cụ vợ ông và ông nói với mọi người: “Ngày mai là sinh nhật của Bà các cháu, ông muốn các cháu và các con cùng có một món quà cho Bà, nhưng món quà đó không được hơn hai mươi ngàn đồng đó nha!”. Tất cả mọi người khi nghe ông thông báo, ai cũng háo hức và lặng thầm chuẩn bị, thậm chí còn tìm cách tạo sự bất ngờ lẫn nhau.

Đêm hôm ấy bé Na 7 tuổi đang nằm cạnh Mẹ của mình mà không sao ngủ được. Na trằn trọc suốt khiến Mẹ quay qua hỏi gặng: “Con sao thế! Không ngủ sớm mai còn đi học à?”. Na miễn cưỡng trả lời: “Thì con đang ngủ mà Mẹ!”. Nhưng Mẹ Na hiểu Na: “Con yên trí đi, sáng mai đưa con đi học, Mẹ sẽ ghé cửa hàng bánh mua cho con hộp bánh để tặng bà cố! Giờ thì con ngủ đi con gái cưng ạ!”. Na như mở cờ trong bụng và tíu tít cùng mẹ: “Mẹ ơi, con không muốn tặng bà cố bánh đâu, vì bà cố không thích bánh ngọt, con muốn tặng bà cố thứ khác cơ!”. Mẹ Na thủ thỉ: “Con định tặng Cố gì nào?” – “ Bí mật! Sáng mai Mẹ cho con mười ngàn nha Mẹ!” . Mẹ Na cũng bất ngờ với ý kiến của con, song vì đã khuya, muốn con bé chóng ngủ nên Mẹ Na cũng ậm ừ cho qua và thúc Na ngủ sớm.

Chiều hôm nay, cả nhà đều có mặt đông đủ không thiếu một ai. Dường như ai cũng tất bật điều gì cho riêng mình mà chẳng ai quan tâm đến bà cụ đang nghĩ gì. Cả ngày hôm nay bà ở nhà, đi ra đi vào và tủi tủi trong lòng: “Có lẽ mọi người không ai nhớ sinh nhật của mình! Cả ông của sắp nhỏ cũng quên luôn thì phải!............” và kéo theo cái thở dài nhè nhẹ nghe buồn mênh mang. Theo như câu chuyện thì đời bà cụ từ khi lọt lòng đến ba tuổi là mồ côi mẹ. Ở với bố lăn lóc đến bảy tuổi thì bố cũng qua đời bỏ lại bà một mình tứ cố vô thân. Bà đi ở nhà người ta kiếm cơm. Cho đến khi lớn ra buôn gánh bán bưng, duyên tơ hồng cho bà gặp ông cụ bây giờ là chồng bà là lính bộ đội. Về nhà chồng bị hất hủi, coi khinh, bà và ông dắt dìu nhau ra riêng tá túc nhà người quen để kiếm kế sinh nhai rồi sinh con đẻ cháu bây giờ. Mấy mặt con là bấy nhiêu cơ hàn tủi cực đời ông và bà. Đến hôm nay tuy không giàu nhưng đề huề sum vầy và vui vẻ. Những khi vui với các con, ông cụ thường hay nói: “Má tụi con ngày xưa gặp ba cực lắm, đi ăn cỗ không được son phấn như tụi con bây giờ, mà Má tụi con hay lấy giấy bao nhang đỏ thấm nước thoa môi hồng và má hồng thôi!”.

Màn đêm buông xuống, khu thị tứ cũng lên đèn, những ngọn đèn thưa vắng nhưng ấm áp một góc phố lạ thường. Bà cụ ngồi co cụm đôi giò mong manh trên đi-văng gỗ ra vẻ buồn cô đơn vì không hiểu sao hôm nay mọi người xa lánh mình vậy. Ông nhà thì tụng kinh trên nhà thờ. Con dâu, cháu rể, bé Na cũng làm gì mà rúc hết vào phòng riêng vậy chứ. Bà tự than vấn riêng mình!

Bỗng nhiên đúng 19 giờ, đèn nhà bà tắt rụi hết. Trời tối om, bà vừa lò mò vừa kêu lên: “Sắp nhỏ đâu, ông tụi nhỏ đâu, đèn nhà mình sao tắt hết vậy kìa!”. Bà vừa định leo xuống đi văng thì “cắt” một tiếng,… đèn nhà bật sáng trưng và dường như sáng hơn mọi ngày, kèm theo đó là bài hát Happy Birthday vang lên theo đoàn người trong gia đình từ ông cố đến các con, cháu rồi các chắt, cứ nhịp nhàng, khoan thai, vỗ đều tiến ra đi văng gỗ mà bà đang ngồi. Mọi người đứng quây quanh bà và cùng đồng thanh: “Chúc mừng sinh nhật bà, mẹ, bà nội, bà cố,..”. Bà cụ ngỡ ngàng khôn xiết. Bà lặng đi giây lát. Trong niềm hân hoan bà rơi nước mắt. Những giọt nước mắt sung sướng của tuổi xế chiều. Bà hạnh phúc. Ai cũng trịnh trọng trao tay bà những món quà tuy đơn sơ nhưng thật gần gũi và ai cũng muốn cho bà được vui. Bất ngờ bé Na bước lên đi văng tiến lại gần bà cố dâng món quà hai tay và nói: “Bà cố ơi! Hôm nay sinh nhật bà cố, con kính tặng bà cố một ngọn nến hồng,… ngập ngừng giây lát, Na nói tiếp: … “Bé Na mong muốn bà cố mãi luôn sống với mọi người trong gia đình như ngọn nến hồng dù không tỏa sáng lắm nhưng sẽ giữ ấm ngôi nhà mình bà cố nhé!”. Giây phút này đúng ra ai cũng sẽ bất ngờ và vui lên, reo hò lên, tung hô bé Na chứ,.. nhưng mọi người ai cũng đứng lặng yên.

Ông cụ không hiểu sao, trên gò má nhăn nhúm của ông lăn dài những giọt lệ. Ông xoay người lau vội và cất lời: “Bà à! Bà vui chứ, vậy là bà hạnh phúc lắm đó. Bao nhiêu năm qua tôi chưa làm được gì cho bà vui. Hôm nay các con, các cháu đã giúp tôi thực hiện niềm mong ước bấy lâu của tôi dành cho bà. Tôi hạnh phúc lắm!...”. Trong tiếng nói ông cụ xen lẫn là những tiếng sụt sùi của các cháu, các con và xen lẫn là những giọt nước mắt lăn lã chã liên hồi trên gò má gầy rộp của bà.

Dù không ai nói gì, chỉ là câu chúc mừng sinh nhật thường tình như ai kia, thế mà nó vẫn có sức lan tỏa làm vỡ òa niềm yêu thương hạnh phúc bấy lâu trong bà. Bà cụ vẫn cứ khóc mà gương mặt như đong đầy niềm hạnh phúc vô tận của một đời gió sương.

***

Mùa xuân của anh! Em có thấy không, dường như em có mặt khắp chốn, khắp nơi, ở mọi không gian và thời gian, chứ nào chỉ đến xuân thì em mới ùa về trong lòng anh và mọi người phải không nào?

Thói thường cái chợt đến tan biến, cái âm thầm sâu lắng, gợi con người ta những dỗi hờn vu vơ hoặc miên man nỗi nhớ… Vạn vật luân chuyển hữu sanh hữu diệt! Ấy thế mà…! Có khi… em biết không! Những câu chuyện không là câu chuyện nữa thì cứ như nắng xuân hanh vàng sáng láng mà ran rát da ta.

Miền Trung – dải đất với quanh năm chỉ vỏn vẹn hai mùa mưa nắng khắc nghiệt; với những ngọn gió nam Lào ùa về gây nên những trận bão cát khô cằn và cháy rát cho người dân vốn bao phen bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Miền Trung – hai tiếng danh xưng như bao miền quê khác, ấy thế mà không hiểu sao lại gánh bao nỗi cực lòng và tan thương!

Lần về thăm quê khi ấy, anh như chết lặng đi khi chứng kiến và đọc từng trang báo điện tử mới thấy hết nỗi đau cùng cực mà xứ sở này gánh chịu. Mùa xuân! Em ở đâu? Trong tận đáy lòng mình có lẽ anh sẽ hiểu em – hiểu như một cách: Em mãi lãng du và phiêu bồng gì đó chăng? Hay em thờ ơ với số phận từng mảnh đời đang vắt lên đôi vai? Hay em cho đó là bản năng sinh tồn của kiếp người, để rồi em phó mặc?

Trách hờn em ư? Không, vạn lần không! Anh chẳng buồn lòng vì em! Nhưng khi ấy anh lại tự hỏi mình: tạo hóa sinh ra bốn mùa trong năm để làm gì nhỉ? Nếu nói để nhận biết sắc thái riêng của từng mùa và thấy sự chuyển mình của vũ trụ rồi từ đó con người sẽ dịch chuyển “càn khôn” cho phù hợp tạo ra hiệu quả kinh tế, tìm biện pháp tối ưu cho đồng bào ta tránh xa “nạn kiếp” thiên tai (một trong nhiều việc cần làm). Ấy thế mà “lực bất tòng tâm” và mỗi mùa bão lũ đi qua, đồng bào mình vẫn chết chóc nhiều, bị thương nhiều, tan hoang nhà cửa, ruộng vườn tiêu điều, v.v… Anh chạnh lòng! Biết nói gì với em đây nhỉ! Nhưng cũng không phải vì thế mà tình cảm chúng ta nhợt phai chứ! Em lo lắng bồn chồn điều ấy mà làm gì. Hãy hiểu rằng: Nước ta còn nghèo, chúng ta đã cố gắng vượt qua số phận, khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế vị thế và sứ mạng của Việt Nam chúng ta.

Trong mỗi nhiệt huyết của tuổi trẻ hôm nay luôn mang theo những hoài bão, ước mơ. Anh và em cũng thế chứ! Mùa xuân là tuổi trẻ nhân loại. Dẫu biết rằng em còn nặng lòng với những thương tâm: Bà mẹ kia duy chỉ có đứa con vì kế sinh nhai theo đoàn tàu đánh bắt, gặp thiên tai ra đi mãi mãi không về; hai đứa bé vô tội kia vĩnh viễn mất cả cha lẫn mẹ khi cơn lũ đột ngột cuốn trôi; mười mấy thi thể vô vọng chỉ vì anh tài xế chủ quan muốn vượt lũ bằng xe v.v… và còn nhiều lắm ai ơi những đau lòng! Hãy biến đau thương thành hành động thiết thực nhất em nhỉ!

Như em mùa xuân đến xóa bao điều lụy phiền. Như em mùa xuân đến cất bao lời yêu thương. Hãy xoa dịu nỗi đau ấy bằng chính con tim chân thành, bằng bàn tay chìa ra níu kéo sự sống cho ai đó, bằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, … chúng ta biến đau thương thành mùa xuân đó em à. Tên em khắc ghi như một huyền thoại và nhân loại vẫn luôn chờ đợi em!

Mùa xuân ơi! Em có nghĩ rằng anh quá tham lam và dường như anh không cần biết cảm xúc của em nghĩ gì mà anh cứ muốn thể hiện điều anh cần nói và chia sẻ với em không sao? “Em không nghĩ vậy đâu anh, em hiểu anh như hiểu bản thân mình vì những trăn trở ấy anh mang đến em như là một sự chia sẻ để em tự phải biết mình sẽ làm gì đồng hành cùng anh mà, đúng không anh?” Em vẫn luôn nói với anh vậy! Anh phải lòng em từ câu nói ấy tự bao giờ và chỉ biết yêu thương em như yêu mảnh đất Miền Trung – nơi sinh ra anh vậy!

Dòng người trẩy hội xuân, ai cũng sáng láng, ai cũng hăm hở,.. nhịp đời vụt qua và bất giác anh chạm phải ánh mắt một cụ già trọ trẹ: “chú choa bà xin vài đồng mua cơm ăn đói lắm!” và anh không thể nghĩ được gì đẹp hơn để kể tiếp em nghe – “Con gửi bà!” … mùa xuân lặng lẽ cũng theo đi…

Tản mạn, ngày 10 tháng 10 năm 2010