Mùa xuân Di-lặc

Dia LacThông thường, mỗi khi nhắc đến mùa xuân, chúng ta liền liên tưởng đến bầu không khí trong lành, mát mẻ, cây cối xanh tươi đâm chồi nảy lộc. Khung cảnh dường như vui tươi nhộn nhịp hơn vì ngày Tết lại về trong những ngày xuân này. Có lẽ chính vì thế nên người xưa đã sắp xếp nó đứng đầu so với ba mùa còn lại là mùa hạ, mùa thu và mùa đông: “Niên hữu tứ thời xuân tại thủ”.

Chắc rằng trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đã từng cảm nhận niềm vui của ba ngày Tết như thế nào rồi. Riêng với đạo Phật, ngoài niềm vui của mùa xuân thế gian vốn bị chi phối bởi sự vô thường biến dịch, còn có một mùa xuân an vui và miên viễn hơn được biết đến với tên gọi là xuân Di-lặc. Đây chính là mùa xuân mà người học Phật cần suy gẫm và hướng đến.

Trong giới Phật giáo cho rằng ngày mùng một Tết là ngày đản sanh của đức Di-lặc. Vậy Ngài Di-lặc có nguồn gốc từ đâu và ý nghĩa gì khi mỗi mùa xuân đến?

1. Nguồn gốc và lịch sử

Theo Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn: Di-lặc (彌勒), Tàu gọi là Từ, Từ Thị (慈氏); Ngài cũng có tên A-dật-đa (Ajita), dịch nghĩa: Vô Năng Thắng (không gì có thể thắng nổi). Ngài là Bồ-tát, sẽ thành Phật kế đức Thích-ca Mâu-ni. Trong lúc đức Thích-ca thành đạo và thuyết pháp, đức Di-lặc có dự thính trong pháp hội của Ngài. Ngài từng nghe đức Phật hiện kiếp thuyết bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Đức Thích Tôn có giảng về công đức và các hạnh nguyện từ những tiền kiếp của đức Di-lặc và thọ ký rằng về sau đức Di-lặc sẽ thành Phật hiệu là Maitri (Maitreya, Di-lặc, Từ Tôn). Tuy đức Di-lặc còn là Bồ-tát nhưng dân gian lại quen gọi ngài là Phật. Có nhiều tài liệu nghiên cứu lịch sử cho biết Đức Phật Di-lặc xuất thân từ một gia đình quý tộc Bà-la-môn ở thôn Kiếp-ba-lợi thuộc Nam Thiên Trúc (Ấn Độ cổ đại).

Tín ngưỡng Phật Di-lặc gắn liền với tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã được lưu truyền rất sớm tại Trung Quốc, sau này, truyền sang nước ta và có ảnh hưởng rất sâu đậm. Ngay từ đời Tây Tấn (265 – 316), đã xuất hiện những bức tranh vẽ Phật Di-lặc. Những bức tranh này thường mô tả Phật Di-lặc giống như các vị Bồ-tát khác, chỉ khác ở chiếc mũ đội trên đầu và bình nước cam lồ trên tay. Vào thời Ngũ Đại (907-960) trở về trước tại Trung Quốc, Phật Di-lặc được mô tả ngồi trên một chiếc ghế hoặc một chiếc ngai với chân bắt chéo hoặc chân trái buông thõng xuống, tay phải chống cằm như đang suy nghĩ về tương lai.

Về sau này, có thêm một hình tượng Phật Di-lặc khác với miệng cười rạng rỡ hồn nhiên, sau lưng quảy bị vải gai, tính tình rộng rãi cởi mở, rong ruổi khắp nơi xuất hiện trong dân gian. Đó chính là hình tượng Phật Di-lặc thường thấy ngày nay trong những tranh tượng, kinh sách ở các tự viện Phật giáo và được gọi là “Tiếu khẩu Di-lặc Phật”. Thêm vào đó hình ảnh Ngài thường được vẽ hoặc tạo tượng ngồi với 5 đứa trẻ quanh mình tạo nên hình tượng “Ngũ tử quấy Di-lặc” hoặc ngồi với 6 đứa trẻ tượng trưng cho “Lục tặc - Lục căn” đã được giáo hóa.

2. Ý Nghĩa Di-lặc với mùa xuân

Ngày đầu xuân là ngày Tết trong truyền thống văn hoá nhiều quốc gia Á Đông, họ gặp nhau là chúc nhau được nhiều hạnh phúc, gặp nhiều may mắn… Còn đối với người tu Phật vào những ngày Xuân thì chư Tăng và Phật tử gặp nhau thường có lời chúc lành: “Kính chúc… một mùa xuân Di-lặc tràn đầy hỷ lạc”.

Theo huyền ký của đức Phật Thích-ca thì trong tương lai đức Phật Di-lặc sẽ ra đời, vào một khoảng thời gian rất là lâu xa, khó mà tính đếm được. Nhưng chúng ta tin rằng tương lai sẽ có đức Phật ra đời. Đó là một diễm phúc cho chúng sanh, là một ngọn đuốc sáng cho nhân loại. Vì vậy khi nghĩ đến đức Phật ra đời là chúng ta cảm thấy cả một nguồn hạnh phúc an lành.

Ngày mùng một đầu năm, chúng ta đi chùa lễ Phật, cầu nguyện, hứa hẹn đủ điều. Là người tu Phật, khi đảnh lễ Ngài, chúng ta nên phát nguyện sẽ làm Phật trong tương lai, giống như Ngài vậy. Mỗi khi gặp nhau nhân dịp đầu Xuân ta nên cầu chúc nhau một mùa Xuân Di-lặc - lời chúc của những vị Phật tương lai. Đó là ý nghĩa thâm sâu của ngày kỷ niệm đức Phật Di-lặc vào ngày mùng một Tết.

Tất cả chúng ta nhớ đến ngày này, tức là nhớ đến cái hy vọng tươi đẹp của ngày mai, chớ không phải chúng ta chỉ nhớ đức Phật Di-lặc mà quên hẳn nơi mình. Hễ nhắc đến Ngài Di-lặc là chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của Ngài bị sáu đứa bé quậy phá, đứa thì móc tai, móc rún, móc miệng… nhưng Ngài vẫn thản nhiên và miệng luôn cười toe toét, không phiền không não chi hết, vì Ngài không còn chấp trước, dính mắc và chạy theo cảnh bên ngoài, Ngài xem đó chỉ là một cuộc đùa vui. Còn chúng ta, khi rơi vào hoàn cảnh giống như thế, thường phiền não, khó chịu là vì ta còn thấy có người phá rối mình và thấy mình là nạn nhân của những kẻ phá ấy, cho nên ta cảm thấy có chướng ngại.

Yếu tố cơ bản của Bồ-tát là lòng từ bi và trí tuệ. Ngài Di-lặc biểu tượng cho một vị Bồ-tát với hạnh nguyện vào đời để hóa độ, sẵn sàng thọ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sanh, cũng như hồi hướng phước đức của mình cho kẻ khác. Hình ảnh sáu đứa trẻ quanh Ngài là chỉ cho lục trần bên ngoài.

Trên bước đường tu tập, khi chúng ta chưa làm chủ được tâm của mình, thì gặp phải những chuyện vui buồn, phải quấy là một việc hiển nhiên, vì sáu căn luôn tiếp xúc với sáu trần thì phát sinh phiền não. Khi mắt thấy cảnh xấu xí thì sinh chán ghét, tai nghe những âm thanh không vừa ý thì chê bai, mũi ngửi mùi hôi thì sinh gớm tởm, lưỡi nếm vị chua chát thì nhăn nhó, thân phải lao động cực nhọc thì sinh chán nản, ai làm trái ý nghịch lòng thì bực bội. Đây là biểu hiện của tâm sân vi tế, và ngược lại nếu như chúng ta gặp cảnh thuận lòng, phù hợp với sở thích của ta thì sanh tâm tham đắm.

Nếu hằng ngày mà chúng ta luôn sống trong hai trạng thái tham lam và sân giận thì khổ đau luôn đồng hành. Cho nên các bậc tôn túc trưởng lão xưa, đã từng nhắc nhở chúng ta rằng:

Mắt trông thấy sắc rồi thôi

Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không

Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng

Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân.

Nếu hằng ngày chúng ta sống được như thế, thì tinh thần của mùa xuân Di-lặc không chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định mà nó luôn hiện hữu trong mỗi người con Phật. Thông qua hình ảnh của Ngài Di-lặc với đôi mắt hồn nhiên, nụ cười hoan hỷ, thân hình mập phệ, biểu hiện sự tự tại an lạc giữa cuộc đời. Chính là bức thông điệp nhằm nhắn nhủ với tất cả những ai muốn hưởng trọn vẹn một mùa xuân bất tận, một mùa xuân mà trong lòng không phiền muộn lo âu. Nhớ đến Ngài Di-lặc, chúng ta phải cố gắng tu tập, chánh niệm tỉnh giác, luôn tự kiểm tra những hành động, lời nói, ý nghĩ của mình để không cho ngoại cảnh, lục tặc làm chủ và quấy nhiễu. Lúc bấy giờ, mùa xuân sẽ hiện diện trong từng giờ, từng phút… hay là một mùa xuân Di-lặc miên viễn tràn đầy hỷ lạc.