Mục tiêu, lý tưởng và những phẩm chất cần có của vị xuất gia giải thoát trong quyển Chơn lý “Đi Tu”

Thứ năm, ngày mùng 3/7/Đinh Dậu (nhằm 24/08/2017) tại Pháp viện Minh Đăng Quang, HT. Giác Toàn – Trưởng ban Tổ chức khóa tu đã viếng thăm và khuyến tấn chư vị hành giả với chủ đề: Mục tiêu, lý tưởng và những phẩm chất cần có của vị xuất gia giải thoát trong quyển Chơn lý “Đi tu”.

Hòa thượng đã phân tích và giảng giải một cách rất chi tiết, cụ thể bài Chơn lý “Đi tu” bằng những đề mục xoay quanh đời sống xuất gia cao thượng, như: 1/ Vì sao chúng ta đi tu?, 2/ Người không bỏ gia đình, xã hội có tu được không? 3/ Mục tiêu, lý tưởng của người đi tu đối với cuộc đời, 4/ Những phẩm chất cần có của vị xuất gia giải thoát, và thêm 6 tiêu đề nhỏ.

1/ Vì sao chúng ta đi tu?

Với việc đi tu sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi: tại sao ta đi tu? Nguyên do truyền thống gia đình, mến chùa thích cảnh yên tịnh, thấy đời sống an lạc giải thoát của chư Tăng, hay đơn giản chỉ là thích đi tu, … mà xin phép cha mẹ được xuất gia; có vị do sự giác ngộ cảnh đời mà phát tâm đi tu. Nhưng dù xuất gia với lý do gì đi nữa, tựu chung thì lý tưởng cao đẹp và mục tiêu tối hậu của việc đi tu vẫn là để giải thoát sanh tử và trợ giúp người khác được giải thoát. Hòa thượng đã dẫn chứng câu chuyện trong Chơn lý: “Thuở xưa có người hỏi một vị tỳ-kheo rằng: Tại sao ông đi tu? Vị sư trả lời rằng: Tôi đi tu cũng như các ngài không tu. Trong đời kẻ không tu thì lo việc này, làm việc kia, nói việc nọ để cho có ích lợi, còn tôi lo cho tâm, nói cho tâm, làm cho tâm, để cho có ích lợi. Việc của người không tu thì thất bại, còn việc của tôi thì thành công... Vậy nên, người ta phải tu, có tu mới được kết quả, thành công toại hưởng ở trong cõi đời”. Và Tổ sư cũng khuyên nhắc thêm: “Từ vô thỉ tới nay, cõi đời nào đã là thế giới Phật? Còn tâm của chúng ta, ai mà không yếu đuối nhũn mềm nhỏ hẹp ích kỷ, ai mà chẳng luyến ái tư riêng? Nào là thất tình điên đảo, nào là tám gió cuộn xoay, nào là lục dục hấp dẫn, nào là tám pháp trầm mê, tam đồ, bát nạn, vì nhơn duyên tập mà phải khổ, vì ngũ trần mà phải chết v.v… sự phiền não không sao kể xiết được! Cũng vì thế mà có một nhà sư dạy rằng: Trần thế bảo ta phải tu, ta không nên trái cãi, lẽ không thường khổ não, không ta, không của ta là bảo chúng ta phải đi tu.

Sự không tự do, sự bất mãn, các sự khổ ép ngặt là bảo chúng ta phải đi tu. Chúng ta không đi tu là có tội, là tội nhơn bị nạn khổ… Cũng vì vậy mà chúng ta phải tu, có đi ra khỏi bụi trần mới có tu, đi tu là để phủi rửa sạch bụi trần, đứng trên trần bụi, đừng cho lem lấm, mới nên được sự yên vui ích lợi."

2/ Người không bỏ gia đình, xã hội có tu được không?

Tổ sư đã lý giải vấn đề này: “Không! Ở trong trần thế, người ta chỉ mới tập tu, hay là tu để làm người, làm Trời, chớ chưa thành Phật, toàn giác tối cao ích lợi được. Nên đối với đạo Phật thì gọi tại gia cư sĩ là chưa tu, mới làm bậc từ thiện thôi. Ở trong cảnh trần tục, người ta không thể trau tâm y như Phật được. Ở trong bùn có ai mà không dính bùn, có ai uống rượu mà chẳng say, dễ ai say mà không loạn, khó mà gần sắc không đắm, gần tiền thì phải tham, gần ác thì không thiện. Chúng ta đâu dám tự cao, xưng Phật mà gọi tâm tịnh hơn cảnh tịnh. Đâu có vị Phật nào ở trong trần, đâu có hoa quả sen nào ngâm trong nước đất”.

3/ Mục tiêu, lý tưởng của người đi tu đối với cuộc đời

Tổ sư đã nêu rõ mục tiêu, lý tưởng xuất gia giải thoát là để tránh khỏi tội lỗi, nghiệp báo xoay vần, nhằm thiết lập cảnh giới tốt đẹp và mục tiêu cao thượng là giác ngộ, giải thoát khỏi mọi hệ lụy, não phiền trong kiếp sống Ta bà, “Người đi tu là đổi xã hội xấu ra xã hội tốt, đổi gia đình dơ ra gia đình sạch. Người đi tu chớ đâu phải bỏ chúng sanh! Đời là chết đến khổ, khổ rồi chết, ác đến thiện, thiện rồi ác, chẳng đường đi, xã hội gia đình nhơn loại có đâu tốt đẹp. Thế nên, một người tu là đứng ra một bên ngoài, tránh khỏi chỗ tội lỗi xoay tròn ấy. Người trau tâm dồi trí tu hành, tìm học, dạy lại người khác, để đi trước dắt đường, mở lối đi ra cho tất cả tiến lên. Người tu để lập một thế giới tốt đẹp hiền lương cho những bậc khá cao, học trò cũ. Người tu để lập đại gia đình chư Phật sống chung. Người tu để lập đại xã hội chư Phật sống chung. Người tu để lập đại thế giới chư Phật sống chung.

Vậy nên chúng ta phải đi tu, đi tu quí ích lắm, để dẫn đường cho thiên hạ, và để đem lại sự tốt đẹp trang sức cõi đời, lập đạo cứu vãn cho đời.

Đi tu đúng chơn lý, chánh lý hơn hết.

Đi tu là con đường giác ngộ quý báu lắm.

Đi tu là để giải thoát trần khổ, để làm người giác ngộ, và dắt dẫn chúng sanh.

Đi tu để lập đời tốt đẹp, cải sửa phong tục, khai đường mở lối cho thiên hạ.

Người tu sẽ được đứng yên trên mặt đất, cõi đời chỉ dung chứa người tu.

Người tu là được sống ở đời tốt đẹp”.

4/ Những phẩm chất cần có của vị xuất gia giải thoát

4.1/ Nuôi dưỡng, phát bồ đề tâm; thực hành nguyện lực độ tha

Phần này, Hòa thượng triển khai về Bồ đề tâm, Bồ đề tâm nói đủ là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm, tức là tâm cầu thành Phật. Tâm bồ đề chính là hạt giống, là ruộng tốt nuôi lớn các pháp trong sạch. Nếu chúng ta phát khởi tâm này mà tu hành tinh tấn, thì sẽ mau chóng thành tựu đạo nghiệp giải thoát. Cho nên biết phát tâm bồ đề chính là chỗ thệ nguyện chân chính, là điều tối cần thiết của người đệ tử Phật. Và Tổ sư dạy người xuất gia nên phát đại tâm dũng mãnh làm lợi ích cho chúng sanh vạn loại sẽ có kết quả thù thắng, như phần Chơn lý, Ngài có dạy: “Trong đời có lắm người nghe thấy, một vị Bồ-tát phát nguyện độ tận chúng sanh mới thành Phật, là vội lo sợ không đặng thành Phật. Người ta vì tham mà lầm, bởi không hiểu rằng sự phát nguyện là để nhắc chừng trong tâm thiếu nợ, nguyện lực như dây xích kéo lôi, như vách tường sau lưng cản hậu, nhờ đó mà người tu hành tinh tấn đến đắc quả. Cũng như một người đói ăn cơm, càng ăn càng no, càng thấy đói mãi là ăn mãi, tới no đầy không hay, ngủ quên hồi nào không biết vậy.

Một vị Bồ-tát vì nguyện lực mà độ chúng sanh, mới độ được một người như ăn một miếng cơm, càng độ càng no đầy đủ, không còn lưng thiếu. Nhờ mãi độ chúng sanh mà lòng từ bi no đủ tròn trịa, trí huệ sáng thông toàn giác, chơn như, Như Lai thành Phật hồi nào chẳng hay, nhập Niết-bàn ngủ nghỉ lúc nào chẳng biết đến. Càng độ chúng sanh lâu năm, nguyện lực càng mỏn mòn lần, đến khi tâm đã chơn như đại định thì hết mất nguyện lực, hết dứt từ bi, tự nhiên yên nghỉ, chớ không còn thấy thiếu, thấy có chi nữa. Nguyện lực cũng như sợi dây lòi tói, độ được một chúng sanh, cũng như rớt đi một khoen, lâu ngày rớt hết luôn, đâu còn có được.

Người ta có biết đâu rằng chư Bồ-tát thành Phật Như Lai là tâm đã được chơn như toàn giác, đại định, trong tâm định đâu còn có cái chi trong ấy. Các Ngài đã thành Phật mà nào có độ hết chúng sanh, cái Phật, cái Niết-bàn, cái chơn như đâu có ai cấm cản nó được, khi nó đã được toàn giác, toàn giác là nhờ độ chúng sanh, độ chúng sanh là trau dồi tâm trí; trau dồi tâm trí không giải đãi là do nguyện lực. Nguyện lực làm cho thiếu nợ mãi, trả mãi mới nên được”.

4.2/ Kham nhẫn, vui chịu trước mọi nghịch cảnh để trau tâm

Với phần này, Hòa thượng khuyên người tu là phải luôn nhẫn nại chịu đựng, không ngại mọi khó khổ trước nghịch cảnh và những điều bất như ý. Pháp tu của người xuất gia cần phải có sức nhẫn chịu, chui rèn tâm tánh, như Tổ sư có dạy: “Chúng sanh rất sợ cái thiếu, chẳng bao giờ xem coi mình còn thiếu, vì vậy chẳng tấn hóa, theo kịp ai được hết, thế nên gọi cõi này là cõi ta-bà, nghĩa là kham nhẫn chịu thiệt vậy.

Trong đời khi chúng ta bị người sai khiến, chúng ta đã vội phản đối. Khi bị người ghét khinh, chúng ta lại phiền giận mà chúng ta quên mất bài học, phép tu quý báu đó, có ích cho tâm ta, có lợi cho ta về sau. Trong đời lắm người sợ cái nghèo, cái hèn, cái nhục xấu thấp thỏi; kẻ ấy rất lầm, vì bởi quên sự tu học, chẳng chịu ngó đến các nhà tu học. Kìa đức Phật Thích-ca Mưu-ni bỏ ngôi vua đi làm kẻ ăn xin tu học, mà thiên hạ tôn là Pháp Vương, thầy cả cõi trời người”.

4.3/ Nỗ lực tu tập nhiếp phục tham sân si, đặc biệt là ngã mạn

Hòa thượng nói về tam độc là ba thứ phiền não như tham dục, sân nhuế, ngu si. Chính ba thứ phiền não này là nguồn gốc của ba hành vi ác thân, khẩu, ý; cho nên cũng gọi là Tam bất thiện căn, chúng đứng đầu trong căn bản phiền não. Mặt khác ngã mạn cũng là một trong sáu căn bản phiền não, có gốc rễ từ si mê, chấp ngã mà tạo nên., Tổ sư đã dạy trong chơn lý để cho chúng ta thấy rõ sự nguy hại của ba độc và ngã mạn như sau: “Một ông vua còn một chút sân giận thì nguy nan cho tánh mạng ông ấy và hại tất cả thần dân. Một ông vua còn một chút tham lam thì nguy nan cho tánh mạng ông ấy, và hại cho tất cả thần dân. Một ông vua còn một chút si mê thì nguy nan cho tánh mạng ông ấy, và hại cho tất cả thần dân. Ông vua ấy vì cao ngôi quá, không ai dám dạy được ông, nên mới như vậy!

Một ông vua thánh kia vì sợ tội lỗi, sợ chết, sợ khổ, sợ cái tự cao, nên bỏ ngôi vua, hạ mình thấp thỏi xấu xa, để tập tâm sửa tánh, vui chịu sự chê bai khổ nhọc, là bởi ông vua ấy xét rằng trong đời chúng sanh ai mà không khổ, ai mà không muốn kiếm tìm nương dựa theo ông, nhưng nếu tâm ý ông còn tham sân si tội lỗi thì chúng sanh kia ắt lầm lạc ông, chắc chết khổ hết, chẳng ai dám theo ông, họ không còn tin ông là: cội cây che chở cho họ, vì tâm ông như thế là chết khổ cho họ, chớ đâu phải là hạnh phúc của họ.”

4.4/ Xả ly, buông bỏ chấp trước với những việc đã làm

Người tu nếu không khéo thì rất dễ dính mắc vào sự vật, sự việc, cũng như môi trường xung quanh, ví như ở nhà thì dính mắc vào ngôi nhà, bước vào đạo thì dính mắc vào tịnh xá, tín đồ, bổn đạo, những việc mình làm, …Và con đường Trung đạo là vượt thoát những ý niệm chấp trước đối việc làm, hành động. Để có thể buông bỏ được sự dính mắc, chúng ta cần phải hiểu rõ về căn nguyên của những sự dính mắc. Và chính phương cách đưa đến sự đoạn tận các phiền não, dính mắc, buộc ràng là được lắng nghe giáo pháp, thực tập thiền định, quán chiếu sự vô thường, vô ngã của các pháp, như lời đức Tổ sư dạy: “Chúng ta rất ít ai ngờ rằng một kẻ siêng năng làm việc, làm mãi không nghỉ, kẻ ấy làm việc vừa vừa thong thả, nghỉ trong cái làm không sở chấp, mà sau rốt được yên nghỉ hoàn toàn.

Việc ấy có khác hơn chúng ta, khi làm thì chấp làm, làm thái quá, khi nghỉ thì chấp nghỉ, nghỉ bất cập, thật là tai hại. Chúng ta mãi tìm vui sướng tham vọng để cho phải khổ tìm khổ, mà ít hiểu được Niết-bàn ở nơi trung đạo. Thật vậy, chúng ta ai cũng muốn hưởng sự vui sướng bây giờ mà ít ngó lại về sau, chớ chi chúng ta hãy ngó lại về sau, ngó lại trong tâm, thì xác thân bây giờ có cực nhọc chút ít, không nên chán nản mới phải; cũng vì thế mà chúng ta bị ai chê bai cho là xấu hổ, chớ chẳng biết đó là vinh hạnh, vì cái tâm của ta nó sẽ tấn lên một nấc khá cao, và về sau sẽ được vẻ vang rực rỡ”.

4.5/ Nhìn những lỗi lầm nơi tâm mình, đừng nhìn lỗi người

Đây là điều rất cần thiết không kém phần quan trọng đối với người tu mang lý tưởng siêu phàm thoát tục, “Tha phi ngã bất phi, ngã phi tự hữu quá”, nghĩa là nếu người làm việc sai trái là họ tự chịu, mình đừng giành cái sai trái của người khác. Nhưng đôi lúc chúng ta lại rơi vào trường hợp này, như Đức Thế Tôn có dạy trong kinh Pháp cú số 252:

“Lỗi người dễ thấy, dễ buồn

Lỗi mình khó thấy, lại thường dễ quên

Lỗi người cố bươi móc tìm

Lỗi mình cố giấu như ghìm bài gian”.

Và trong Chơn lý “Đi tu”, đức Tổ sư cũng nhấn mạnh: “Trong đời chúng ta ai chẳng mong ước sự thành công, sự vẻ vang bên ngoài, nhưng ít ai chịu ngó lại thâm tâm mình, nên phải bị vô thường thất bại, xấu hổ mà chúng ta chẳng biết nguyên nhân từ đâu.

Khi chúng ta bị ai chửi là chúng ta giận ngay kẻ đó, mà không chịu xét lại tại cặp mắt mình có lỗi, háy nguýt người ta.

Khi chúng ta bị người đánh đập thì chúng ta vội đánh lại họ, mà chẳng chịu tự đánh lấy cái nết hạnh xấu xa, không nghiêm chỉnh của mình.

Chúng ta mãi chê người mà chẳng biết tìm kiếm chỗ chê mình, chúng ta hẹp lượng quá, sái quấy quá. Chúng ta quên rằng cái trái nó vẫn lo sống lấy nó, mà khi nó chín thì ai cũng tìm đến cũng dùng được.

Một viên ngọc nó có khoe khoang đâu, mà ai ai cũng tìm kiếm chen đua.

Một ngọn đèn nào có ngó riêng ai mà tất cả ai cũng nhìn xem, và đến gần nó.

Như vậy tại sao chúng ta chẳng trau tâm ta cho tốt đẹp trước sự thành công vẻ vang. Tại sao chúng ta chẳng lo trau quả tâm ta để mãi lo việc đạo bên ngoài chi cho thất bại tội lỗi. Chúng ta ai cũng sợ người ta xem mình là vô ích, là không quan trọng, nhưng cái hữu ích và quan trọng là tâm ta chớ, vì ai cũng tin được tâm ta hơn là việc làm bên ngoài của ta.

Thế thì chúng ta phải tu, tu trước đã. Hãy xét ngó tâm mình, đừng ngó việc người”.

4.6/ Tu sửa, trau dồi tâm tánh trở nên thuần tịnh; đức hạnh chính là phẩm chất cao quý của người tu

Phần cuối cùng, Hòa thượng dẫn chứng những lời dạy của đức Tổ sư để nói lên tầm quan trọng của người tu là phải trau tâm dồi trí sao cho xứng với tên gọi của mình.

“Sự thành công vẻ vang là bởi tại tâm, sự thất bại xấu hổ cũng tại tâm. Vậy chúng ta nên phải trau tâm, tâm quả thành là đạo sẽ thành, tâm quả thất là đạo sẽ thất. Vì vậy mà kẻ trí trau tâm chớ chẳng dồi thân, nói ít mà nên, làm ít mà hay, lo ít mà đặng, là bởi nơi tâm đã trọn tốt. Một người địa vị tối cao quan trọng mà tâm tánh xấu xa, thì cơ thâm họa diệc thâm, chớ có ích chi mà chúng ta vội tìm ham muốn.

Tài học sao cho bằng đức hạnh. Đức hạnh mới được bền dài cao quý hơn.

Cũng vì vậy mà đức Phật xưa có nói, thà là chúng ta đừng làm chi hết, hay tốt hơn là trau tâm trước rồi sẽ làm sau, chớ đừng vội tham làm, làm cho nhiều để thất bại cho nhiều, đã bị chúng cười chê và không kể công lao với ai đặng.

Hạnh phúc của ta ở nơi tâm ta. Sự nghiệp của ta lớn nhỏ là tùy nơi tâm ta lớn nhỏ. Đạo quả trong ngoài kết thành một lượt không mau chậm.

Vậy nên chúng ta phải tu trước mới nên được việc, và tất cả chúng sanh đều có tương lai tối cao tốt đẹp, ai ai cũng sẽ là Phật, nhập Niết bàn được hết, ai cũng là đấng chúa tể võ trụ như nhau, chớ không ai hơn ta được. Vậy nên, chúng ta chớ nên chịu thua sút kém ai, ta chớ nhịn nhường ai, ta phải tu, ta phải ngó vào tâm ta, ta cung kính tâm ta hơn hết, tâm ta đừng kham nhẫn, chịu thiệt kém hơn ai; còn thân ta, việc ngoài hôm nay ta không nên cố chấp hơn người cho lắm, ta nên xem sự thiếu thốn đó là những pháp trau tâm, rèn luyện tâm, tốt đẹp cho tâm vậy.

Quả thật như vậy, chúng ta chỉ lo tu học, không nói làm lo nghĩ chi cả, mà lại thành công, mới thật là báu hay quý lạ! Vì bởi lẽ trần thế không bao giờ tôn trọng một người ác quấy tội lỗi.

Vậy thì đi tu là đúng lý hơn hết”.

Với kinh nghiệm tu học và hoằng pháp thâm niên trong giáo pháp, Hòa thượng đã giảng dạy, khích lệ làm cho hội chúng tân học vô cùng hoan hỷ vì thấy được giá trị thiết thực trong đời sống xuất gia phạm hạnh.

HTToan 1

HT. Giác Toàn chia sẻ Chơn lý "Đi tu"

HTToan 2

HTToan 3

HTToan 4

HTToan 5

HTToan 6

HTToan 8

HTToan 9

HTToan 10

HTToan 11

HTToan 12