Mừng xuân an lạc

maitreya01Mùa xuân là mùa tươi vui, hạnh phúc và tràn đầy niềm hỷ lạc, cho nên mùa xuân được xếp vị trí đầu tiên của các mùa trong năm: “Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ” (Năm có bốn mùa, mùa xuân đứng hàng đầu). Và mùa xuân là dịp những người thân được sum họp, viếng thăm, chúc tụng với nhau bằng những lời thật đẹp và mong rằng bắt đầu một năm mới sẽ gặt hái nhiều thành công tốt đẹp hơn một năm đã qua. Những lời chúc được diễn đạt bằng lời thơ:

“Cung chúc tân niên một chữ nhàn

Chúc mừng gia quyến đặng bình an

Tân niên đem lại niềm hạnh phúc

Xuân đến rồi hưởng trọn niềm vui.”

Theo chiết tự từ chữ Hán thì chữ Xuân () được kết cấu bởi ba Bộ thủ để tạo thành, Xuân () = (tam: ba) + (nhân: người) + (nhật: mặt trời), trong ngày tết ba người cùng vui chơi với nhau dưới mặt trời hồng. Và điều này cũng được nhắc tới trong bài kệ Ánh Sáng của Hệ phái Khất sĩ.

“Khắp vũ trụ ngày xuân quang đãng

Ánh vừng đông tỏ rạng chơn mây

Non sông gấm vóc trải bày

Bức tranh thủy mạc điểm màu tịch dương, …”

Cảnh xuân thật đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình khi được ánh mặt trời ló dạng xua tan đi bóng đêm mù mịt, còn ánh quang minh rực rỡ thì xua đi bóng tối mê lầm, vô minh của chúng sanh sầu khổ.

“…, Sống mịt mờ cần thay ánh sáng

Cả nhơn sanh ngày tháng nhu cầu

Xác thân nương ánh mặt trời

Tinh thần trái lại nhờ nơi pháp mầu, …”

Ánh sáng là nhu cầu rất cần thiết cho mọi người, mọi loài sinh hoạt sau một đêm dài bị bóng tối bao trùm khắp chốn, còn đối với chúng sanh muốn được giác ngộ, giải thoát phải nương vào ánh đèn tuệ giác soi đường dẫn lối để ra khỏi vòng xoáy của khổ đau.

Chính vì chúng sanh khổ não lâu dài trong màn vô minh tối tăm là do không được ánh sáng Phật pháp chiếu soi, như trong kinh Pháp Cú, phẩm Ngu có dạy:

“Ðêm dài cho kẻ thức,

Ðường dài cho kẻ mệt,

Luân hồi dài, kẻ ngu,

Không biết chơn diệu pháp.”

Và mục đích xuất hiện giữa cuộc đời này của đức Thế Tôn là mang lại ánh pháp mầu để phổ chiếu giúp cho chúng sanh đang chìm trong bể khổ sanh tử luân hồi nhận thức được hương vị ngọt ngào của các dục, sự nguy hiểm nằm sau vị ngọt ấy và con đường xuất ly tuyệt diệu.

Vậy để đón một mùa xuân được nhiều niềm vui và an lạc đúng nghĩa thì người Phật tử không chỉ đón mùa xuân Bính Thân của thế gian mà phải đón mùa xuân an lành trong Phật giáo, đó là mùa xuân Di Lặc.

Với mùa xuân thế gian luôn luôn thay đổi theo từng chu kỳ trong năm như Xuân qua, Hạ sang, Thu tới, Đông tàn. Còn mùa xuân trong Phật giáo hay còn gọi là mùa xuân Di Lặc thông qua hình ảnh của ngài Di Lặc an nhiên, tự tại trước sáu đứa bé quấy phá khắp cơ thể. Sáu đứa bé chỉ cho sáu tên giặc phiền não nhiễu loạn nhưng ngài Di Lặc vẫn nở nụ cười hoan hỷ. Sở dĩ Bồ-tát Di Lặc hoan hỷ trước những tên giặc phiền não là vì Ngài đã dùng trí tuệ quán chiếu thấy rõ sự sinh diệt của các pháp và giải thoát mọi phiền não khổ đau, đã vượt thoát khỏi bàn tay của ác ma, như kinh Pháp Cú số 170 có dạy:

“Hãy nhìn như bọt nước,

Hãy nhìn như cảnh huyễn,

Quán nhìn đời như vậy,

Thần chết không bắt gặp.”

Hay kinh Kim Cương cũng đã dạy:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

(Tất cả các pháp hữu vi

Như bóng, bọt nước có gì khác đâu

Như sương, như điện lóe mau

Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng)

Người học Phật phải có nhận định sáng suốt bằng tuệ giác để thấy rõ các pháp trên thế gian là vô thường, biến hoại hay thay đổi luôn luôn nhưng tâm vẫn kiên định trong niềm hỷ lạc của sự giải thoát, như câu nói: “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.” Và kinh Pháp Cú số 197 – 198 cũng nói đến niềm hạnh phúc an vui khi sống giữa cuộc đời mà tâm vững chãi.

“Vui thay, chúng ta sống,

Không hận, giữa hận thù!

Giữa những người thù hận,

Ta sống, không hận thù!

 

Vui thay, chúng ta sống,

Không bệnh, giữa ốm đau!

Giữa những người bệnh hoạn,

Ta sống, không ốm đau.

 

Vui thay, chúng ta sống,

Không rộn giữa rộn ràng;

Giữa những người rộn ràng,

Ta sống, không rộn ràng.”

Kinh 38 Pháp Hạnh Phúc cũng nói đến cuộc sống của một chúng sanh không bị chi phối bởi sầu, bi, khổ, ưu, não là niềm hạnh phúc lớn lao.

“Khi xúc chạm việc đời,

Tâm không động, không sầu,

Không uế nhiễm, an ổn,

Là phúc lành cao thượng.”

Tóm lại, người Phật tử đón mừng xuân mới, xuân Di Lặc với nhiều niềm vui và hạnh phúc thì phải nỗ lực tu học cho đến thấu đạt, chứng ngộ giáo pháp thậm thâm mà đức Phật đã giảng dạy. Khi đó mọi người sống bằng tâm từ bi hỷ xả để thương yêu, giúp đỡ nhau xây dựng một mùa xuân miên viễn, mùa xuân an lành khi không còn phiền não.

Mừng xuân hỷ xả thêm công đức

Đón tết từ bi bớt não phiền.