Nền luân lý đạo đức mới cho hành tinh nhỏ bé

nendaoduc Copy

Bức tranh sơn dầu mang chủ đề Quần đảo đông người - Ngọn gió Tây, năm 2006 của họa sĩ Nichola Bealing trong Bộ Sưu tập cá nhân, Thư viện Nghệ thuật Bridgeman.

Trong một lời kêu gọi chân thành, Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng: “Nếu thế kỷ XXI là một thế kỷ của hòa bình và yêu thương, chúng ta phải phát triển một nền luân lý đạo đức mới về các giá trị nhân loại vượt qua khỏi lãnh vực tôn giáo.

“Bây giờ tôi là một người già nua rồi. Tôi sinh năm 1935 tại một ngôi làng nhỏ ở phía đông bắc Tây Tạng. Vì những nguyên do vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi nên phần lớn quãng đời trưởng thành của tôi phải sống một cuộc sống tị nạn không quốc tịch ở Ấn Độ, quê hương thứ hai hơn 50 năm qua. Tôi thường nói đùa rằng tôi là vị khách ở lâu nhất của Ấn Độ. Nhìn chung, nhiều người trạc tuổi tôi đều đã chứng kiến nhiều sự kiện đầy kịch tính định hình cho thế giới mà chúng ta đang sống đây. Kể từ cuối thập niên 1960, tôi đã đi du lịch rất nhiều nơi, đã vinh dự gặp gỡ rất nhiều người ở nhiều vai vị khác nhau: không chỉ gặp các vị tổng thống, thủ tướng, vua, hoàng hậu, lãnh đạo các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới, tôi còn được gặp một số lượng lớn những người dân bình thường từ các tầng lớp trong xã hội.  

“Nhìn lại những thập kỷ qua, tôi tìm thấy nhiều lý do khiến tôi rất vui. Ngang qua những tiến bộ trong khoa học y tế, nhiều căn bệnh gây chết người đã bị triệt tiêu. Hàng triệu người đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và được tiếp cận với nền giáo dục và chăm sóc sức khỏe hiện đại. Chúng ta đã có một tuyên bố chung về nhân quyền, nhận thức về tầm quan trọng của các quyền đó đã và đang lớn mạnh vô cùng. Kết quả là, những ý tưởng về tự do và dân chủ đã lan rộng khắp nơi trên thế giới và việc thừa nhận sự hiệp nhất của toàn nhân loại đang có xu hướng ngày càng tăng. Ngoài ra, nhận thức về tầm quan trọng của một môi trường lành mạnh cũng đang phổ biến. Bằng rất nhiều cách, khoảng nửa thế kỷ sau thế giới đã có một sự thay đổi tiến bộ và tích cực.  

“Đồng thời, bất chấp những tiến bộ vượt bực trong nhiều lĩnh vực, nỗi khổ lớn vẫn đang còn và nhân loại vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và vấn nạn khổng lồ. Trong khi những con người trong tầng lớp giàu có trên thế giới đang hưởng thụ đời sống tiêu dùng cao cấp, vẫn còn đó vô số người mà những nhu cầu cơ bản của đời sống cũng không được đáp ứng. Cuộc chiến tranh lạnh kết thúc, các mối đe dọa hủy diệt toàn cầu của bom nguyên tử đã rút lui, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục phải chịu đựng đau khổ và bi kịch của cuộc xung đột vũ trang. Ở nhiều nơi, lắm người đang phải đối phó với vấn đề môi trường, nguyên nhân gây nên các mối đe dọa đến đời sống sinh nhai của họ một cách tồi tệ hơn. Cũng trong lúc này, nhiều người khác đang phải vật lộn tranh đấu vì phải đối mặt với sự bất bình đẳng, tham nhũng và bất công.

“Những vấn đề này không giới hạn ở những nước đang phát triển. Ở các quốc gia giàu có hơn cũng vậy, có rất nhiều khó khăn, bao gồm cả các vấn nạn phổ biến trong xã hội: nghiện rượu, lạm dụng ma túy, bạo lực gia đình, gia đình tan vỡ. Mọi người đang lo lắng về con cái của họ, về nền giáo dục cho chúng và những gì thế giới đang chất chứa sẽ ảnh hưởng trong tương lai cho chúng. Cũng thế, bây giờ chúng ta phải nhận ra một khả năng rằng hoạt động của con người đang gây tổn hại cho hành tinh của chúng ta, vượt quá điểm mốc mà không còn cách nào để trở lại, một mối đe dọa khiến phát sinh sợ hãi thêm nữa. Và tất cả những áp lực cuộc sống hiện đại mang lại cho họ căng thẳng, lo âu, trầm cảm, và ngày càng cô đơn. Kết quả là, ở khắp mọi nơi tôi đi, mọi người dân đều phàn nàn. Thậm chí đôi lúc tôi cũng thấy bản thân mình phàn nàn nữa.

“Rõ ràng có một cái gì đó đang thiếu trầm trọng trong cách sống của con người chúng ta hiện nay. Nhưng chúng ta đang thiếu gì vậy? Vấn đề cơ bản, tôi tin đó là ở mọi cấp độ chúng ta đang tập trung quá nhiều vào những mặt vật chất bên ngoài của đời sống, trong khi lãng quên nền luân lý đạo đức và các giá trị bên trong.

“Những giá trị bên trong, ý tôi là những phẩm chất mà tất cả chúng ta đánh giá những người khác và bởi tất cả chúng ta có một bản năng tự nhiên được truyền lại bởi tính sinh học của chúng ta như các loài động vật tồn tại và chỉ phát triển trong môi trường được quan tâm, có tình cảm và lòng tốt hay trong một từ duy nhất, đó là từ bi. Bản chất của lòng từ bi là một mong muốn để giảm bớt sự đau khổ của người khác và thúc đẩy phúc lợi cho họ. Đây là nguyên tắc thiêng liêng mà từ đó tất cả những giá trị nội tâm tích cực khác phát sinh. Tất cả chúng ta đánh giá người khác với những phẩm chất bên trong như sự tử tế, tính kiên nhẫn, lòng khoan dung, tha thứ, quảng đại và cũng cùng cách ấy, tất cả chúng ta không thích những biểu hiện của tham lam, ác ý, hận thù, và cố chấp. Vì vậy, tích cực thúc đẩy những phẩm chất tốt bên trong tâm con người theo khuynh hướng chính yếu là tâm từ bi và hiểu biết để đấu tranh với những xu hướng tiêu cực hơn của chúng ta là điều tất cả chúng ta đều phải nhận thức rõ. Và những người hưởng hoa lợi đầu tiên của sự củng cố các giá trị nội tâm của chúng ta sẽ chính là tất cả chúng ta. Đời sống nội tâm của chúng ta là một cái gì đó mà chúng ta đã lãng quên khi mình gặp hiểm nguy và nhiều vấn đề trọng đại nhất chúng ta đối mặt trong thế giới ngày nay là kết quả của sự thờ ơ này.

“Vì vậy, chúng ta phải làm gì bây giờ đây? Chúng ta nương vào đâu để tìm sự giúp đỡ? Khoa học, tất cả lợi ích nó mang lại cho thế giới bên ngoài của chúng ta nhưng vẫn chưa cung cấp nền tảng khoa học cho việc phát triển những nền tảng của tình trạng nguyên vẹn cá nhân, các giá trị con người bên trong cơ bản mà chúng ta đánh giá người khác và sẽ làm tốt để thúc đẩy trong chính tự thân chúng ta. Phải chăng chúng ta nên tìm kiếm các giá trị bên trong từ tôn giáo như mọi người đã làm trong nhiều thiên niên kỷ qua? Chắc chắn tôn giáo đã giúp đỡ cho hàng triệu người trong quá khứ, giúp đỡ cho hàng triệu người trong hiện tại và sẽ tiếp tục giúp đỡ cho hàng triệu người trong tương lai. Tuy nhiên, vì lợi ích cho tất cả trong việc hiến tặng một hướng dẫn về đạo đức và ý nghĩa trong cuộc sống, chỉ có tôn giáo trong thế giới thế tục ngày nay làm cơ sở cho đạo đức thì không còn phù hợp nữa. Một nguyên nhân cho điều này đó là rất nhiều người trên thế giới không còn đi theo bất kỳ tôn giáo nào. Một lý do khác là như các dân tộc trên thế giới càng trở nên gắn kết với nhau hơn trong thời đại toàn cầu hóa và trong các xã hội đa văn hóa, đạo đức dựa trên bất kỳ một tôn giáo nào sẽ chỉ hấp dẫn được một số trong chúng ta; nó sẽ không có ý nghĩa cho tất cả. Trong quá khứ, khi các dân tộc sống trong tình trạng tách rời nhau như người Tây Tạng chúng tôi chẳng hạn sống khá hạnh phúc trong nhiều thế kỷ đằng sau bức tường của những dãy núi, sự thật nhiều nhóm người có nền tín ngưỡng riêng của họ dựa trên nền tảng đạo đức không có bất cứ khó khăn gì. Tuy nhiên, ngày nay, tôn giáo nào dựa trên giải pháp cho những vấn nạn mà các giá trị nội tâm lãng quên có thể không bao giờ được phổ cập và cũng sẽ không đầy đủ. Những gì chúng ta đang cần ngày nay đó là sự tiếp cận với nền luân lý đạo đức mà nó không hề cậy nhờ vào tôn giáo và có thể được công nhận một cách công minh đối với những người có tín ngưỡng và những người không tín ngưỡng, đó là nền luân lý đạo đức muôn thuở.

“Tuyên bố này có vẻ rất lạ khi nó đến từ một người từ rất nhỏ đã choàng chiếc y nhà sư. Song tôi vẫn thấy không có gì mâu thuẫn ở đây cả. Niềm tin của tôi ra lệnh cho tôi cố gắng vì hạnh phúc và lợi ích cho tất cả chúng sinh và rộng ra khỏi phạm vi truyền thống riêng của tôi, đối với những tôn giáo khác và những người vô đạo đều hoàn toàn phù hợp với điều này.

“Tôi tin tưởng rằng cả hai tính khả thi và đáng giá để cố gắng tiếp cận nền đạo đức phổ biến muôn thuở mới. Sự tự tin của tôi xuất phát từ niềm tin rằng tất cả chúng ta, tất cả mọi người đều có khuynh hướng cơ bản hoặc khuynh hướng những gì chúng ta nhận biết là đúng. Bất cứ điều gì chúng ta làm, chúng ta làm bởi vì chúng ta nghĩ nó sẽ có lợi ích nào đó. Đồng thời, tất cả chúng ta đánh giá cao lòng tốt của những người khác. Tất cả chúng ta, trong bản chất luôn hướng tới các giá trị nhân bản như tình thương và lòng từ bi. Tất cả chúng ta đều thích những người khác thương yêu mình chứ không phải thù ghét mình. Chúng ta đều thích sự hào phóng của người khác hơn sự ích kỷ nơi họ. Và những ai trong chúng ta không thích tính khoan dung, tôn trọng và tha thứ cho những thất bại của chúng ta để rồi cứ cố chấp, không tôn trọng và bất mãn?

“Trong quan điểm này, tôi có ý kiến rằng chúng ta đang có trong tay một phương thức và một phương tiện làm nền tảng cho các giá trị nội tâm mà không mâu thuẫn với tôn giáo nào, và một điều quan trọng là không phụ thuộc vào tôn giáo. ​​

“Tôi nên làm cho rõ điều này rằng ý của tôi không phải là kêu gọi các giá trị đạo đức. Làm như vậy sẽ không có lợi. Cố gắng áp dụng những nguyên tắc đạo đức từ bên ngoài áp đặt vào chúng, để chúng phục tùng theo mệnh lệnh thì có thể sẽ không bao giờ có hiệu quả. Thay vào đó, tôi kêu gọi mỗi người chúng ta đến với sự hiểu biết riêng của mỗi người về tầm quan trọng của các giá trị nội tại. Chính các giá trị bên trong này là nguồn gốc của thế giới hòa hợp đạo đức và sự bình an nơi tâm của mỗi cá nhân, sự tự tin và niềm hạnh phúc mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Dĩ nhiên, tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, họ chú trọng vào tình thương, từ bi, kiên nhẫn, khoan dung và tha thứ có thể làm tăng các giá trị nội tại. Nhưng trên thực tế trong thế giới ngày nay, chính nền đạo đức dựa vào tôn giáo không còn thích hợp nữa. Đấy là lý do tại sao tôi tin tưởng đã đến lúc phải tìm ra được một lối suy nghĩ về tâm linh và nền đạo đức vượt ngoài tôn giáo.

“Lớp người ở thế hệ chúng tôi thuộc thế kỷ XX hầu như đã đi qua. Trong suốt kỷ nguyên đó, nhân loại chúng ta thử nghiệm đủ loại kể cả chiến tranh quy mô lớn. Kết quả là điều đó khiến cho đau khổ khủng khiếp mà chúng ta đã kinh qua, tôi cảm thấy trưởng thành hơn một chút, khôn ngoan hơn một chút. Trong kỷ nguyên đó, chúng ta cũng khá thành tựu trong sự tiến bộ vật chất. Tuy nhiên, khi làm như vậy, chúng ta đã tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội và làm môi trường suy thoái, cả hai điều đó bây giờ chúng ta phải đối phó. Bây giờ đến lớp trẻ ngày nay phải làm cho thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới được truyền thừa lại cho họ. Gánh nặng đang đặt để trên vai họ.

“Với thực tế này và cũng là một sự thật rằng sự thay đổi xã hội có hiệu lực chỉ có thể xảy ra ngang qua những nỗ lực của các cá nhân, một phần quan trọng trong chiến lược của chúng ta để đối phó với các vấn nạn này phải là nền giáo dục cho thế hệ kế tiếp. Đây là lý do tại sao trong suốt chuyến đi, tôi luôn cố gắng tiếp cận với những người trẻ tuổi và dành thời gian cho họ. Hy vọng và mong muốn của tôi là có một ngày, nền giáo dục chính thức sẽ chú ý đến những gì tôi gọi là giáo dục con tim. Cũng như chúng ta coi trình độ thông thạo các môn học là cần thiết, tôi hy vọng có một thời điểm chúng ta có thể thấy trẻ em sẽ học tính tất yếu của các giá trị bên trong như tình thương, từ bi, công bằng và tha thứ, như một phần trong chương trình giảng dạy tại trường của chúng.

“Tôi mong đến một ngày như là kết quả của việc tích hợp các nguyên tắc bất bạo động và giải quyết xung đột vì hòa bình ở trường, trẻ em sẽ có ý thức hơn về những cảm giác và cảm xúc của mình và cảm thấy một ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm cho cả hai - bản thân chúng và thế giới rộng lớn hơn. Thật tuyệt vời không gì bằng! Để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, vì vậy tất cả chúng ta, già hay trẻ, không phải là người dân của đất nước này hay đất nước kia, không phải là tín đồ của tôn giáo này hay tôn giáo kia, chỉ giản dị là từng cá nhân thành viên trong một gia đình nhân loại vĩ đại với 7 tỷ người hãy cố gắng có cùng một tầm nhìn, lòng can đảm và tinh thần lạc quan. Đây là lời kêu gọi khẩn thiết nhỏ bé của tôi.

“Trong cái đĩa cân của cuộc sống, của vũ trụ, đời sống con người không lớn hơn một đốm sáng nhỏ. Mỗi chúng ta là người khách đến hành tinh này, một người khách chỉ có một khoảng thời gian giới hạn ở lại. Còn sự điên rồ nào hơn khi chỉ ở lại một thời gian ngắn lại sống tách rời, không hạnh phúc và xung đột với những người khách khác? Chắc chắn tốt hơn nhiều nếu chúng ta dùng khoảng thời gian ngắn ngủi này để tìm thấy một đời sống ý nghĩa, phong phú bằng sự gắn kết và phụng sự giúp đỡ người khác.

“Cho đến nay, trong thế kỷ XXI này, chỉ hơn một thập kỷ trôi qua; phần chính của nền giáo dục luân lý đạo đức vẫn chưa được thực thi. Đó là hy vọng của tôi rằng đây sẽ là một kỷ nguyên của hòa bình, một kỷ nguyên của đối thoại, một kỷ nguyên nhân loại quan tâm nhiều hơn, có trách nhiệm, và lòng từ bi trong con người sẽ trỗi dậy. Đây cũng là lời cầu nguyện của tôi”.

(Trích từ “Beyond Religion: Ethics for a Whole World”, của Đức Đạt-lai Lạt-ma, đăng trên Lionsroar, ngày 02 tháng 12 năm 2015)