Nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính lạy Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Tổ khai sáng Hệ phái Khất sĩ.

Kính bạch chư Tôn Hòa thượng chứng minh,

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị khách quý cùng toàn thể quý Phật tử thân mến.

Thật hạnh phúc cho chúng con, được đắp lên mình chiếc huỳnh y, được ôm bình bát, được đắm mình trong nguồn sữa pháp thiêng liêng… để trở thành một vị Tỳ-kheo-ni Khất sĩ, tất cả đều nhờ ân đức Tổ sư Minh Đăng Quang – bậc xuất trần thượng sĩ. Tùy thuận nghiệp duyên, Ngài thọ nạn rồi vắng bóng khi Giáo hội Khất sĩ chỉ mới trong giai đoạn hình thành. Nhưng thừa hưởng ân đức của Tổ Thầy cộng với sự khế cơ khéo léo, chư Đức Thầy, Trưởng lão đã tiếp nối bổn hạnh Ngài, giờ đây Hệ phái Khất sĩ đã lan tỏa nhiều nơi không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn ra các nước khác trên thế giới.... Hôm nay, những người con Khất sĩ khắp nơi trở về dưới mái Tổ đình, cùng nhau hành trì giới pháp, cùng sống cùng tu theo lời dạy của Ngài: “Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung[1]. Chúng con vô cùng hạnh phúc, hình ảnh này gợi cho chúng con liên tưởng đến Tăng đoàn thời Đức Phật, một hình ảnh được xem là “mẫu xã hội lý tưởng” mọi thời đại, một hình ảnh mang đậm bản sắc Việt Nam, thanh bần đơn giản, giải thoát. Cho nên, nhân Đại lễ Tưởng niệm 60 năm Đức Tổ sư vắng bóng, chúng con xin được trình bày một số nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ thông qua bộ Chơn lý và từ nếp sống thanh cao hằng ngày của chư Tôn Giáo phẩm trong Hệ phái.

Kính bạch chư Tôn thiền đức,

Kính thưa đại chúng,

Hệ phái Khất sĩ có mặt đầu tiên trên đất nước Việt Nam vào những năm đất nước trong tình trạng khói lửa đạn bom, nhân dân nghèo đói, Phật giáo bị suy yếu do chế độ thực dân đàn áp. Vì lẽ đó, các phong trào, tổ chức hội, đoàn Phật giáo lúc bấy giờ nổi lên nhằm khôi phục lại các giá trị tôn giáo trên khắp mọi miền đất nước. Ở Nam Bộ trước tình cảnh ấy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang sau bao năm du phương tầm đạo nơi xứ người, không ngừng tham cứu nền giáo lý của hai truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền đã dung hòa hai nguồn tư tưởng trên cộng thêm sự tu tập thấu đạt lý đạo của bản thân, thành lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam nhằm chấn hưng Phật giáo bằng con đường “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” bắt đầu tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho (Tiền Giang) vào năm 1946.

Hthao 1

Sau đây là một số nét đặc thù riêng của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam.

1. Về hệ thống giáo lý

Có thể khẳng định, toàn bộ hệ thống giáo lý của Hệ phái Khất sĩ được Tổ sư xây dựng trên nền tảng Kinh – Luật – Luận của Phật giáo, đúc kết thành bộ “Chơn lý” gồm 69 quyển. Bộ Chơn lý được Tổ sư viết dưới dạng văn xuôi, lời văn mộc mạc, trong sáng, với nghệ thuật sử dụng biện pháp ẩn dụ, tu từ, nhân hóa, điệp từ… giúp cho người đọc dễ dàng am hiểu. Tư tưởng xuyên suốt của bộ Chơn lý là đề cao vai trò của người xuất gia giải thoát đó là Khất sĩ, được chia làm 5 phần:[2]

a. Nhân sinh quan: Trình bày quan điểm của Phật giáo về đời sống con người, gồm các bài: Ngũ uẩn, Lục căn, Nam và nữ, Sanh và tử.

b. Vũ trụ quan: Nói về sự hình thành và phát triển của vũ trụ theo quan điểm Phật giáo như: Võ trụ quan, Công lý võ trụ, Xứ thiên đường.

c. Giáo lý của đạo Phật: Nói về triết lý Phật giáo, gồm: Mười hai nhân duyên, Bát chánh đạo, Chánh đẳng Chánh giác, Nhập định, Tâm, Chánh pháp, Chánh kiến, Tam giáo, Tông giáo, Thần mật, Giác ngộ, Chư Phật, Đại thừa giáo, Phật tánh, Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quan Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp Hoa, Pháp chánh giác, Số tức quan, Chơn như.

d. Khuyến tu và phương pháp học: Nhắc nhở, khuyên răn mọi người lo tu và Ngài chỉ ra phương pháp tu, sám hối để chuyển nghiệp, gồm các bài: Ăn chay, Bài học cư sĩ, Tánh thủy, Học chơn lý, Khuyến tu, Đi tu, Ăn và sống, Sợ tội lỗi, Đi học, Đời đạo đức, Học để tu, Tu và nghiệp, Sám hối, Lễ giáo, Khổ và vui, Hòa bình, Trường đạo lý, Nguồn đạo, Thờ phượng, Pháp học cư sĩ, Cư sĩ.

e. Đạo Phật Khất Sĩ: Gồm các quy định về phép tắc, nghi lễ, giới luật và nếp sống sinh hoạt truyền thống của Tăng đoàn, có các bài: Khất sĩ, Y bát chơn truyền, Đạo Phật Khất Sĩ, Kinh Tam Bảo, Luật nghi Khất sĩ.

Tất cả những tinh hoa, căn bản của giáo lý Phật giáo được Tổ sư ghi lại trong bộ Chơn lý này và giáo lý căn bản của Hệ phái Khất sĩ được Tổ sư tóm lại như sau: “Giáo lý Khất sĩ một là dứt điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp vì lẽ không có thì giờ dư dả, và cũng biết rằng: các việc lành là để trau tâm vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch”.[3]

2. Về nghi thức

Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ khá đơn giản, không sử dụng mõ, khánh, mà chỉ dùng chuông làm pháp khí. Âm điệu cũng khác hẳn với truyền thống Phật giáo Bắc tông, không lên giọng, xuống giọng hay tán kệ, ngâm ca, không kéo dài âm từ cuối đoạn… mà tất cả đại chúng cùng nhau hòa âm, giọng ngang, đều hơi, không nhanh quá cũng không chậm quá, đọc rõ ràng từng câu chữ trong Kinh.

Trong những buổi lễ truyền thống Hệ phái, nghi thức tổ chức cũng được Tổ sư giản lược thành ngắn ngọn, vừa ít tốn thời gian vừa nhấn mạnh nội dung chính của buổi lễ như: phần dâng hoa, ca nhạc… rất hạn chế, thay vào đó là một thời thuyết pháp của chư Tôn đức chứng minh nhằm nhắc nhở, khuyến tấn mọi người cố gắng nỗ lực tu tập để được an vui trong cuộc sống hiện tại.    

3. Về kiến trúc tịnh xá

Có thể nói, kiến trúc của Hệ phái Khất sĩ kết cấu rất đặc trưng. Hầu hết các tịnh xá được xây cất dưới dạng bát giác, tượng trưng cho Bát chánh đạo, đây là con đường Trung đạo duy nhất đưa chúng sanh đến quả vị cứu cánh Niết-bàn. Bên trên là hình tứ giác tượng trưng cho Tứ quả Thanh văn như nhắc nhở tứ chúng muốn thoát ra khỏi khổ đau phải biết được nguyên nhân của khổ và con đường đi đến diệt khổ.

Bên trong chánh điện tôn thờ bảo tượng Đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni trong bảo tháp giữa bốn trụ cột, tượng trưng cho tứ chúng đồng tu, mỗi đại trụ có bông sen nâng đỡ với ý nghĩa: tứ chúng tu phải dựa trên nền tảng tam nghiệp thanh tịnh như hoa sen mới chống đỡ được ngôi nhà Phật pháp. Mái tháp gồm 13 tầng, là 13 nấc thang tiến hóa của chúng sanh từ địa ngục đến quả Phật, bốn cửa tháp thường để trống hàm ý Tổ bảo tứ chúng hãy mở rộng lòng từ, bi, hỷ, xả đến với tất cả chúng sanh muôn phương. Bề cao tháp cao 3 mét và chu vi mỗi bên 1,8 mét. Nền tháp gồm ba bậc, tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Di ảnh Tổ sư được tôn trí sau bảo tháp thờ Phật để chư Tăng Ni và hàng Phật tử tưởng nhớ. Xung quanh chánh điện là các dãy nhà như giảng đường, thư viện, Cửu Huyền, Tăng xá, trai đường…

Tên các tịnh xá hầu hết được bắt đầu bằng chữ “Ngọc” và tiếp sau được Tổ sư đặt theo tên của từng địa phương khá ấn tượng nên khi nhắc đến tỉnh nào, người ta nghĩ ngay ra ở đó có tịnh xá mang tên đó, ví dụ như: Tịnh xá Ngọc Vinh tỉnh Trà Vinh, Tịnh xá Ngọc Cầu huyện Cầu Kè, Tịnh xá Ngọc Ninh tỉnh Ninh Thuận… ngoài ra cũng có một số ngoại lệ như Tịnh xá Mộc Chơn, Tịnh xá Trung Tâm, Tịnh xá Lộc Uyển, Tịnh xá Trúc Lâm, Tịnh xá Liên Hoa…

Ngày nay, do nhu cầu phát triển, một số tịnh xá được cất lầu nhưng vẫn giữ nguyên mô hình chánh điện bát giác và tôn trí thờ tự bên trong. Có thể nói, kiến trúc đặc thù của Hệ phái Khất sĩ đã đóng góp điểm tô cho nền nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam thêm phong phú.

4. Pháp phục và sinh hoạt

Thời Tổ sư còn hiện tiền, khất thực là pháp hành không thể thiếu trong đời sống tu học hằng ngày đối với chư Tăng Ni Khất sĩ, Tổ dạy: “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học, Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy.”[4] Khất thực nghĩa là thể hiện lối sống chan hòa cho nhau, để dứt bỏ cái ta, sống theo lẽ vô thường, là công lý của võ trụ “ta sống cho tất cả, tất cả sống giúp cho ta”[5]. Về pháp này, có phần giống Nam tông nhưng khác ở chỗ: Tăng Ni Khất sĩ không nhận thức ăn mặn, chỉ nhận thức ăn chay mà thôi.

Một nét đẹp đặc thù của Hệ phái Khất sĩ là chư Tăng Ni không được trụ yên một chỗ mà chia làm hai, tùy theo hạnh nguyện của mỗi vị. Một là ai phát nguyện đi du phương hành đạo thì khi đi không được ở một chỗ quá một tuần, thường thì khoảng 2, 3 ngày hoặc đến giảng pháp xong rồi tiếp tục đi nơi khác. Hai là những ai phát nguyện ở lại tịnh xá vừa phục vụ vừa tu học thì ở một tịnh xá không quá 6 tháng, thường thì luân phiên ba tháng hoặc sáu tháng một lần. Khi hết hạn trụ, mỗi vị ra đi chỉ mang theo y bát, đãy kinh sách và túi chăn áo. Tuy nhiên, hiện tại pháp luân phiên trụ xứ này không còn thực hiện như trước nữa vì nhiều nguyên nhân.

5. Pháp hành

Với tông chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, đời sống tu tập hành trì của Tăng-già Khất sĩ giống y như Tăng đoàn thời Đức Phật còn tại thế. Cụ thể như ngay từ buổi đầu thành lập Hệ phái, Tổ sư đã chủ trương chư Tăng sống tập thể theo tinh thần Lục hòa cộng trụ và cùng hành trì Tứ y pháp:

1. Người tu xuất gia: phải lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

2. Người tu xuất gia: chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp, đọc giới bổn, được ăn tại chùa.

3. Người tu xuất gia: phải ngủ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.

4. Người tu xuất gia: chỉ dùng cây, cỏ, vỏ, lá làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.

Trong Chơn lý, Ngài dạy: “Khi xưa Đức Phật chỉ ra chánh pháp là Tứ y pháp, trung đạo mà chư Phật và chư Tăng đã hành tr씓ai hành trì đúng Tứ y pháp là đúng chánh pháp của chư Phật ba đời, là giáo lý y bát chơn truyền”[6]. Qua lời dạy trên, ta thấy pháp hành của Tăng-già Khất sĩ là Tứ y pháp. Đây cũng là pháp hành căn bản của Tăng đoàn thời Phật còn tại thế.

Hiện nay, Tứ y pháp không được giữ một cách trọn vẹn như ngày xưa, tuy nhiên, chư Tăng Ni Hệ phái luôn lấy đó làm chuẩn mực và tùy theo duyên cảnh trú xứ mà có thể thêm bớt thay đổi để tự trau sửa thân tâm trong quá trình tìm về bến giác.

Kính bạch chư Tôn đức,

Thưa quý liệt vị,

Chúng con vừa trình bày xong một vài nét đặc thù của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, bài viết vẫn còn khá nhiều khuyết điểm, chúng con thành kính mong chư Tôn đức chỉ dạy thêm để chúng con được am tường.

Cuối cùng chúng con kính chúc chư Tôn đức Giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể an khương, pháp sự viên thành để không ngừng giúp cho Hệ phái Khất sĩ Việt Nam có thể phát triển rộng khắp.

Kính chúc quý vị khách quý, Phật tử hiện diện kiết tường như ý.

 


[1]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập III “Hòa bình”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 353.

[2]Thích Hạnh Thành, 2007, Tìmhiểu Phật giáo Khất sĩ ở Nam Bộ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr. 76.

[3]Sđd, tập III “Đạo Phật Khất Sĩ”, tr. 426 - 427.

[4]Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr.259.

[5]Sđd, tr. 266

[6]Sđd, tập II “Chánhpháp”, tr. 12 – 13.