Ngẫm về chuyện khỉ tưới cây trong Jātaka

chuyentienthanducphatChuyện khỉ tưới cây là một trong những câu chuyện tiền thân của đức Phật được ghi lại trong tập Jātaka, và đây là câu chuyện “Kẻ làm hại vườn” số 46 trong phẩm Lợi Ái thuộc Tiểu bộ kinh tập 4. Câu chuyện này được đức Thế Tôn thuật lại qua một nhân duyên khi Ngài cùng Tăng chúng đi kinh hành đến vườn nhà của một vị điền chủ dâng cúng ngọ trai ở Kosala và thấy khoảng đất trống không cây cối trong vườn. Và mẩu chuyện ấy được thuật lại với nội dung như thế này:

Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một ngày lễ hội được tổ chức ở Ba-la-nại. Bắt đầu từ khi nghe tiếng trống lễ hội, toàn thể dân chúng trong thành ào ra tham dự. Lúc bấy giờ, trong vườn nhà vua có nuôi rất nhiều khỉ.

Người giữ vườn suy nghĩ: "Thành phố vui chơi lễ hội, ta sẽ bảo những con khỉ này tưới nước, còn ta sẽ đi chơi lễ hội". Anh ta đến con khỉ đầu đàn và hỏi: Này bạn khỉ chúa, vườn này đã giúp đỡ các bạn nhiều. Các bạn ở đây ăn hoa, trái và đọt non. Thành phố hôm nay đang vui chơi lễ hội. Ta sẽ đi dự hội. Cho đến khi ta về các bạn có thể tưới nước giúp các cây non trong vườn này không?

- Lành thay, chúng tôi sẽ tưới.

- Vậy các bạn hãy cẩn thận.

Ðể chúng có thể tưới nước, người giữ vườn đưa cho chúng những bao da chứa nước và các thùng gỗ, rồi ra đi. Các con khỉ bắt đầu tưới nước cho các cây non. Con khỉ chúa nói với chúng:

- Này các bạn khỉ, hãy gìn giữ nước. Khi các bạn tưới nước trên các cây non, trước hết hãy kéo những cây ấy lên, xem rễ của chúng như thế nào. Những rễ nào đâm sâu thì tưới nhiều nước vào rễ. Rễ nào không đâm sâu, hãy tưới ít nước. Nếu tưới nhiều nước, chúng ta thật khó tìm thêm nước.

Chúng vâng theo và làm đúng như vậy. Lúc bấy giờ, một người hiền trí thấy các con khỉ ấy làm như vậy trong vườn của vua, liền hỏi:

- Này các bạn khỉ, sao các bạn lại kéo các cây non lên và tưới nước tùy theo lượng của rễ?

Chúng trả lời: Chúa khỉ đầu đàn của chúng tôi khuyên như vậy!

Nghe chúng nói, người hiền trí ấy suy nghĩ: "Ôi! Những kẻ ngu si vô trí, dầu muốn làm điều tốt, lại làm điều có hại!" Rồi vị ấy đọc bài kệ này:

Bậc thiện không làm hại,

Làm lành đem đến lạc;

Người ngu hại điều lành,

Như khỉ giết hại trong vườn.

Người hiền trí ấy chỉ trích con khỉ đầu đàn như vậy rồi đem đoàn tùy tùng của mình ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhận định về tiền thân người hiền trí và con khỉ chúa đầu đàn.

Qua câu chuyện chắc mọi người đều nghĩ rằng ai đời nào lại đi nhổ cây non lên và tưới nước tùy theo lượng của rễ phải không? Nhưng ở đây những chú khỉ đã làm như thế. Phải chăng đàn khỉ này đã hành động như vậy để trả thù người chủ, hay muốn hủy hoại khu vườn đã cung cấp trái cây và thực phẩm để nuôi dưỡng chúng? Chắc những giả thuyết ấy đều không phải rồi, bởi đàn khỉ rất tôn trọng người chủ vườn bằng lời đáp “Lành thay, chúng tôi sẽ tưới”, và chúng bắt đầu công việc tưới cây một cách cẩn thận bằng cách làm tùy theo rễ cây non thế nào thì sẽ có lượng nước tương ứng thế ấy. Vậy tại sao việc làm đó không mang lại kết quả như mong muốn mà ngược lại còn bị người trí trách mắng và than rằng: “dầu muốn làm điều tốt, lại làm điều có hại!”, cũng như bị người trí chê cười là “những kẻ ngu si vô trí”.

Quả thật như thế, khi hành động được hướng dẫn bởi sự ngu si vô trí thì kết quả mang lại chắc chắn sẽ là những điều tai hại, ưu sầu và khổ đau. Hình ảnh con khỉ chúa hướng dẫn cho đàn khỉ phương pháp tưới cây ở đây cũng thế, do sự ngu muội kém hiểu biết của con khỉ đầu đàn đã đưa đến hậu quả là những cây non bị chết và để lại một khoảng trống trong vườn. Điều này cũng giống như người thế gian thường nói: ngu si dốt nát + cần cù siêng năng = phá hoại. Ở đây cũng thế, dù đàn khỉ không có ý hủy hoại vườn cây nuôi dưỡng chúng, nhưng do sự hướng dẫn một cách ngu muội của con khỉ đầu đàn mà đã đưa đến kết quả không được mong đợi như vậy. Đối với cuộc sống thế nhân cũng như thế, nếu chúng ta không có được định hướng đúng đắn thì kết quả mang lại cũng chỉ là những bi ai sầu khổ. Bởi định hướng đúng đắn chính là chiếc la bàn để điều khiển, hướng dẫn cho công việc chúng ta đi đến mục đích an toàn, bằng không chúng ta sẽ trôi dạt long bông và xoay vần trong khốn cảnh sương mù mây phủ của ưu sầu, khổ đau mà không thể biết được con đường nào để thoát ra. Chính vì sự quan trọng của việc định hướng ban đầu như thế nên trong kinh tạng đức Thế Tôn thường khuyên nhắc và nhấn mạnh đến tinh thần trí tuệ trên lộ trình nghe học pháp và tu tập. Điều này được Ngài minh thị qua hình ảnh “hãy lắng nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng…” nơi đầu mỗi bài pháp thoại, và cũng là hình ảnh nhấn mạnh đến thính giả cái định hướng ban đầu trước khi nghe. Và ngay nơi hình ảnh này chúng ta cũng có thể nhận ra được sự tồn tại của định và tuệ rồi; bởi muốn lắng nghe thì hành giả phải tập trung tâm ý để nghe, cho nên yếu tố định đã bắt đầu hiện hữu; và sự khéo tác ý cũng đồng nghĩa với việc hướng tâm tư duy theo con đường chân chánh, đây cũng chính là chánh tư duy hay nói cách khác chính là một chi phần của tuệ trong Bát chánh đạo. Chính vì thế mà bậc Chánh Biến Tri cùng chư vị Thánh Tăng luôn luôn đề cập đến chúng trước khi giảng giải một điều gì đó, là để giúp cho người nghe ý thức được việc mình đang nghe và có tác ý chân chánh, hay như lý giác sát đến đối tượng để phát triển định và tuệ. Chính việc giác sát sẽ giúp cho ta thấy được kết quả của việc làm đó sẽ mang lại niềm an vui hay đau khổ, để từ đó ta quyết định có nên thực hiện chúng hay không. Cho nên việc khéo tác ý sẽ là kim chỉ nam để hướng dẫn cho hành động của ta vượt qua được những cạm bẫy của dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, để đạt đến niềm hỷ lạc vô ưu, vô sầu và vô não như trong kinh “Đoạn Trừ Lậu Hoặc” đức Thế Tôn có dạy:

Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt”.

Và để minh chứng thêm cho sự diệu dụng của việc khéo tác ý, chúng ta hãy thử lắng nghe một lời dạy khác của đức Từ Phụ trong phẩm thứ 2 chương 1 của kinh Phật thuyết như vậy để thấy được lợi ích và kết quả của chúng:

Vị Tỷ kheo hữu học,

Hành như lý tác ý,

Không một pháp nào khác,

Nhiều lợi ích như vậy.

Ðể đạt cho bằng được,

Lợi ích thật tối thượng.

Vị Tỷ kheo như lý,

Tinh tấn và tinh cần,

Có thể thành đạt được,

Sự đoạn diệt khổ đau.

Như thế, chúng ta có thể thấy chính nhận thức ban đầu sẽ chi phối đến kết quả của việc làm và đưa đến đời sống an vui hay đau khổ. Cho nên chính việc tác ý theo khuynh hướng nào: như lý tác ý hay không như tác ý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chính ta. Nếu ta được hướng dẫn bởi tác ý không như lý hay cái nhìn tà kiến, nghĩa là cái nhìn sai lệch và không đúng với bản chất của sự vật, thì thân hành của chúng ta cũng giống như việc làm của những chú khỉ kia vậy, để rồi kết quả là làm hại đến chính mình cùng những người xung quanh, và đặc biệt là hủy hoại đi đời sống thiện lành. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy qua hình ảnh chàng thanh niên Ahimsaka (Tôn giả Angulimala lúc chưa xuất gia theo Phật). Ban đầu với cái tâm thiện lành mong cầu đạt được hạnh phúc tối thượng nhưng do sự tác ý không chân chánh mà thanh niên Ahimsaka đã bị người Thầy lừa và đưa vào con đường tà kiến sát hại sinh linh, và trở thành tướng cướp khét tiếng mà ai nghe qua tên cũng phải sợ hãi khiếp đảm. Nói như thế để chúng ta ý thức được sự nguy hại của không tác ý như lý và thấy được giá trị lớn lao của như lý tác ý là như thế nào. Cho nên, bậc Toàn Giác mới đề cao và khẳng định về lợi ích của việc hành trì như lý tác ý:

Hành như lý tác ý,

Không một pháp nào khác,

Nhiều lợi ích như vậy….

Lợi ích ở đây chúng ta có thể nhìn thấy qua việc chính như lý tác ý sẽ tác động và làm nhân để giúp cho hành giả phát triển chi phần chánh kiến, và kết quả ấy có ra cũng bởi định hướng ban đầu được đặt đúng hướng. Điều này đã được đức Thế Tôn khẳng định rất rõ trong phẩm Chủng Tử của Tăng Chi bộ kinh:

Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng, này các Tỷ-kheo, như như lý tác ý. Do như lý tác ý, này các Tỷ-kheo, chánh kiến chưa sanh được sanh khởi, hay chánh kiến đã sanh được tăng trưởng”.

Không đúng sao được khi mọi hành động, kế hoạch của chúng ta trước khi hiện hữu qua thân hành thì đều do chính cái niệm ban đầu tác khởi và hướng dẫn. Mà niệm này đúng đắn và có giác sát hay có như lý tác ý, nghĩa là lúc này hành động của chúng ta đã có sự hiện hữu của yếu tố quán chiếu suy xét, nhận rõ và phân biệt được đâu đúng đâu sai, đâu chân đâu ngụy. Và việc nhận rõ được đúng sai, chân ngụy cũng chính là tuệ tri được thiện với bất thiện. Mà khi tuệ tri được thiện và bất thiện thì cũng có nghĩa là đã thành tựu được chi phần chánh kiến như Tôn giả Xá-lợi-phất đã định nghĩa trong kinh Chánh tri kiến:

“Chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có Chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này”.

Và khi chánh kiến hiện hữu và trở thành yếu tố định hướng ban đầu cho mọi hành động của cuộc sống thì con đường phát triển tâm linh, thành tựu mục đích đoạn tận các lậu hoặc và đâm thủng màn vô minh để thành tựu mục đích đời sống phạm hạnh như trong phẩm Đặt Hướng và Trong Sáng của Tăng Chi bộ kinh đã dạy:

“Này các Tỷ-kheo, ví như các sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt đúng hướng, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm cho đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt đúng hướng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với tâm được đặt đúng hướng, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm được đặt đúng hướng”.

Đến đây, chúng ta có thể thấy câu chuyện tiền thân “Kẻ làm hại vườn” số 46 đã giảng dạy cho mọi người bài học làm thế nào để đem lại kết quả tốt nhất cho cuộc sống, chứ không phải chỉ cần siêng năng là đủ để đem lại niềm an vui, hạnh phúc. Đồng thời qua đó mẩu chuyện còn muốn truyền tải đến nhân sinh một điều hết sức căn bản để mang lại sự hỷ lạc, đó là phải có định hướng ban đầu đúng đắn và chân chánh, hay nói cách khác là cần có trí tuệ để hướng dẫn và soi đường cho hành động, bằng không sẽ giống như lời bậc hiền trí đã nói trong câu chuyện: “Người ngu hại điều lành, Như khỉ giết hại trong vườn”. Và để minh thị cho điều này chúng ta có thể xem lại ảnh dụ “bắt rắn” mà đức Thế Tôn đã sử dụng trong bài kinh Ví dụ con rắn để thấy được cái nhìn ban đầu sẽ tác động và ảnh hưởng như thế nào đến kết quả của việc làm:

“Chư Tỷ-kheo, ví như một người ưa muốn rắn nước, tìm cầu rắn nước, đi khắp chỗ để tìm rắn nước. Người đó thấy một con rắn nước lớn, và người đó bắt con rắn ấy ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay lại cắn người đó nơi tay, nơi cánh tay hay ở một phần nào khác của cơ thể, và người đó có thể do nhân này mà bị chết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Chư Tỷ-kheo, vì nắm bắt con rắn một cách sai lạc. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, ở đây, một số người ngu si học pháp chỉ vì lợi ích, muốn chỉ trích người khác, chỉ vì lợi ích, muốn khoái khẩu biện luận, và họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy vì nắm giữ sai lạc nên đưa họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì nắm giữ sai lạc các pháp”.

Qua đó, chúng ta có thể nhận ra và thấy được vấn đề trọng yếu mà mẩu chuyện tiền thân “Kẻ làm hại vườn” đã mang lại cho người đọc.