Ngẫm về Vu Lan

 

Đông qua, Xuân tới, Hạ lại về! Những chú ve đang đua nhau cất tiếng ríu ran vang cả một vùng trời. Hạ đã về rồi, một mùa hạ thật yên bình, mát dịu. Mỗi mùa có mỗi vẻ đẹp khác nhau, khác hơn những mùa khác. Hạ mang tới một khí hậu ôn hoà, giúp cho cuộc sống thuận lợi hơn.

Hạnh phúc hơn khi mùa Vu Lan báo hiếu cũng theo hạ mà sắp trở về. Nhắc tới Vu Lan, chúng ta nhớ đến không khí hân hoan của ngày đại lễ diễn ra ở tất cả các Chùa, Tịnh Xá. Vu Lan lại mang ý nghĩa thanh cao, trong sáng, an lành, khơi dậy trong lòng người con biết ân thâm tình mẫu tử. Có lẽ ngày ấy các người mẹ, các bậc làm cha đều hạnh phúc khi thấy con mình tặng những món quà hay đoá hoa thơm, hay bất ngờ cài lên áo mẹ những bông hồng tinh khôi. Những nụ cười nở thắm trên môi người mẹ, người cha, an ủi phần nào sau thời gian khổ nhọc. Vu Lan sắp đến, nên ai ai cũng ấp ủ bao nhiêu cảm xúc dành cho cha mẹ. Nhớ ngày ấy, con hay đi chùa, được thầy cho con hai đoá hoa hồng. Thầy dạy, về cài lên áo của cha mẹ nghe con. Thế là con khấp kha, khấp khểnh chạy một mạch về nhà cài lên áo cha mẹ. Mẹ xoa đầu con rồi cười rất tươi. Mới đó là giờ đây, con đã trở thành một ni cô, quy y cửa Phật. Giờ đây, đêm khuya thanh vắng, gió đìu hiu mang bao ký ức về với con, hình ảnh cha mẹ vẫn đẹp lung linh như ngày nào. Từ khi con xuất gia, khoảng cách không gian giữa con và cha mẹ khá xa, một quãng đường cả hàng trăm cây số. Đạo đời hai nẻo, cuộc sống khác nhau, nên lại càng xa hơn khi con đã trở thành một ni cô, một tu sĩ. Con chọn cho mình con đường hướng thiện hơn, một con đường mang lại lợi ích không chỉ cho mình mà cho chúng sanh.

“Xuất gia, xuất giá cũng đồng đi,

Hai nẻo khác nhau mới lạ kỳ.

Lối đạo trở về nơi tịnh lạc,

Đường đời đưa tới chốn sầu bi”.

Đã mấy năm trôi qua, từ ngày con theo thầy từ giã cha mẹ xuống tóc đi tu, con chưa một lần về thăm. Tuy nhiên, nhớ lại những năm tháng gia đình mình sống chan hoà vui vẻ với nhau, có cha, có mẹ, có chị, có em, con cảm thấy hạnh phúc biết bao. Ban ngày thì cha mẹ đi làm tất bật, còn chị em chúng con đi học, rồi chiều tối về sum hợp với nhau, quây quần bên bữa cơm, tuy đạm bạc đơn sơ, nhưng chan hoà đầy tình thương. Chị em con kể cho cha mẹ ở trên lớp học được điểm mười và được thầy cô khen, mẹ nhìn chị em chúng con mỉm cười. Con xuất gia, cha mẹ vui lắm, dù biết rằng con không phụng dưỡng cho cha mẹ khi tuổi già sức yếu, không chăm sóc mỗi khi mẹ bệnh, không phụng dưỡng khi cha ngày một hao mòn, sức yếu. Con biết cha mẹ một đời cực nhọc, không quản gian lao cực khổ, để nuôi chị em con khôn lớn nên người. Nhớ khi xưa, công việc của cha hằng ngày là lên rừng để đẽo cây. Sáng sáng, khoảng canh ba, cha đạp chiếc xe lộc cộc, lạch cạch, lên rừng để tìm những cây cao, to rồi đẽo thành từng khúc đem về để bán kiếm tiền cho chị em con ăn học. Có một lần, năm lên mười hai tuổi, con theo cha lên rừng, mới biết nỗi khổ của cha. Nhìn cha mồ hôi đầm đìa, con thương xót vô vàn. Vì nghĩ tới chị em con, cái khó, cái nhọc của cha không còn nữa. Trong mắt cha có lẽ niềm vui lớn nhất là thấy chị em con khôn lớn từng ngày. Với con, kiếm tiền không phải chuyện dễ dàng khi cha phải kéo khúc cây đó xuống núi để bán lấy tiền, đánh đổi bằng mồ hôi lẫn nước mắt. Quả không sai khi nói:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Hoặc:

Công cha nặng lắm ai ơi!

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”

Ngày nay, thân thể ốm gầy suy nhược của mẹ là vì lúc xưa, nhà rất khó khăn nên mẹ phụ cha trong công việc sinh hoạt gia đình. Vì ý chí và nghị lực của mẹ chúng con ngưỡng mộ và yêu mẹ nhiều hơn. Không như những phụ nữ khác, mẹ không chọn cho mình nghề phù hợp với những người chân yếu tay mềm như buôn bán hay thêu dệt. Mẹ chọn một việc mà chỉ dành cho đàn ông mới đủ sức mạnh mới làm được. Mẹ làm cho bao người phải ngơ ngác, bởi một người phụ nữ mà khiêng đá, xách hồ, tô vách. Một phụ nữ quá kiên cường, vì chị em con, mẹ không quản khó khăn. Đó là chưa nói ơn sanh thành dưỡng dục, từ lúc mang thai cho đến lúc sinh ra, nuôi nấng chị em con thành người. Biết bao sự đau, sự khổ mẹ không màng, mẹ nhường chị em con trong việc ăn, uống, ngủ nghỉ. Công ơn mẹ được diễn tả trong kinh Báo hiếu:

“Mẹ nằm chỗ ướt cũng xong,

Nhường con chỗ ráo ấm nồng khỏi lo.

Đói lòng sữa mẹ bú no,

Gió lòn áo mẹ che cho đỡ hàn.

Thương con mẹ phí giấc vàng,

Cưng con mẹ những miên man cợt đùa.

Miễn con ăn ngủ lu bù,

Mẹ dù cực khổ công phu chi nài”.

Thương cha mẹ nhiều, con muốn tìm cách báo hiếu cha mẹ. Đọc trong kinh, con thấy Ngài Mục Kiền Liên vì chữ hiếu nên xuất gia, muốn cứu cha mẹ ra khỏi ngục A tỳ. Thấy chúng sanh đang chịu thống khổ nơi địa ngục do nghiệp lực của tội ác gây ra, Ngài đã thỉnh Đức Phật cứu hồn mẹ và nhờ oai lực của mười phương chư Phật, ngày đó mẹ Ngài đã thoát khỏi địa ngục, đã sanh lên cõi trời để hưởng sự an vui, nhàn lạc. Không những thế ngày đó tất cả chúng sanh trong địa ngục đều được siêu thăng. Kể từ ngày ấy, Phật đã mở ra con đường cho những ai muốn báo đáp ân thâm của cha mẹ và bớt đi tội nghiệp thì con đường tối thượng là xuất gia tu học. Do vậy, con phát nguyện ly trần thoát tục, xuất gia tu học, hầu báo đáp công ơn sâu dày của cha mẹ.

Thế là vào ngày Vu Lan ba năm về trước con đã xuống tóc, nguyện trọn đời tu học theo gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên. Ngài Mục Kiền Liên đã để lại những vết chân trên con đường giải thoát để cho con lần theo dấu chân đó đi theo con đường cao quý, con đường đầy hương vị giải thoát, giải thoát mọi đau khổ, khi thấy chúng sanh vì vô minh từ nhiều đời, nhiều kiếp, che lấp căn tánh thiện lành mà đi theo nghiệp lực của vô minh sai sử nên cứ đọa mãi vào ba đường ác.

Con nguyện tinh tấn tu hành để phá màn vô minh, đem pháp âm như nước cam lồ rưới khắp chúng sanh, cho chúng sanh thức tỉnh quay về bến giác, quay về chính bản tâm của mình. Phật nói, chúng sanh ai ai cũng có tâm Phật: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vì tâm nguyện rộng lớn và muốn đáp đền công ơn sanh thành, muốn cửu huyền được siêu thăng nên con sẽ gắng tu tập không quản khó khăn, gian lao thử thách. Con sẽ không dao động khi đường tu gặp nhiều trắc trở. Vì cha, vì mẹ, vì chúng sanh muôn loại, con sẽ cố gắng tu hành cho đến ngày công viên quả mãn. Cảm ơn cha, cảm ơn mẹ sanh con ra trên cõi đời này, nuôi nấng con đến lúc trưởng thành, để con gặp minh sư, thâm nhập ý pháp và trở thành một ni cô. Công ơn cha mẹ con xin khắc ghi. Hằng đêm đối trước tượng Phật con thầm cầu cho cha mẹ được bình an, sớm tiêu trừ nghiệp tội, để cha mẹ được an nhàn về tuổi già. Con sẽ đi mãi, đi theo hạnh nguyện của mình, giống như Cố Ni Trưởng:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình,

Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.”

Mong những ai còn cha mẹ hãy phụng dưỡng hết lòng, chăm sóc, không chỉ tới mùa Vu Lan mà thông thường hằng ngày cũng vậy. Làm con phải lấy chữ hiếu đứng đầu. Vì chữ hiếu đứng đầu muôn hạnh, chứ đừng để cha mẹ mất rồi mới ăn năn. Tội bất hiếu nặng hơn bao giờ hết, ai phạm tội bất hiếu sẽ bị đọa địa ngục A tỳ chịu nhiều thống khổ không có ngày ra khỏi.

Hạnh phúc thay khi truyền thống Vu Lan báo hiếu ra đời và lưu truyền từ xưa tới nay, Vu Lan như ngọn đuốc thiêng, soi sáng con người đang bị vô minh không biết thâm tình của cha mẹ. Vu Lan là ngày an lạc của toàn chúng sanh cũng như chư thiên, địa ngục v.v… đều vui mừng và đồng tán thán.