Ngày giờ tốt xấu đầu năm

Trong những ngày sắp đón Xuân, Ban biên tập Đuốc Sen đã có dịp đảnh lễ vấn an HT. Giác Dũng – Trưởng giáo đoàn III. Nhân dịp này, chúng tôi đã trao đổi với Hòa thượng về những vấn đề liên hệ đến niềm tin của người Phật tử.

1. Kính bạch Hòa thượng, chúng con thường thấy vào ngày đầu năm mới, một số Phật tử vì sợ xuất hành vào giờ kiêng kỵ, không may mắn, không như ý nên thường xem ngày giờ, phương hướng xuất hành. Chúng con xin thỉnh ý Hòa thượng về vấn đề này?

HT. Giác Dũng: Theo truyền thống Đông phương, ngày đầu năm là ngày vô cùng quan trọng. Mọi việc làm, cử chỉ phải nhẹ nhàng, thận trọng. Từng lời ăn, tiếng nói phải vui vẻ, hòa nhã. Tập quán đó nói lên lòng ao ước một năm an vui, cát tường. Đó là một tập quán tốt. Còn riêng việc xem ngày giờ, phương hướng xuất hành, theo Sư, nó cũng xuất phát từ tâm niệm tốt là ao ước một năm mới an lành, nhưng cách thức thực hiện để có được an lành như trên thì nên xem lại. Sư không rõ lắm về ngày giờ, phương hướng tốt xấu, vì từ thời đức Phật còn tại thế, Ngài đã từng khuyến cáo các thầy Tỳ-kheo, những người đã thọ dụng sự cúng dường của tín thí Phật tử, không nên thực hành những tà hạnh như chiêm tinh, chiêm tướng, đoán số mạng, xem địa lý, xem mặt trăng, mặt trời, các sao mọc lặn, sáng mờ,… , dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro… Với quan điểm nhà Phật, ngày nào cũng tốt, hướng nào xuất hành cũng tốt với điều kiện là tâm lúc nào cũng tốt. Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo, nên dù xuất hành vào bất cứ ngày nào, hướng nào mà tâm ý thiện lành, biểu hiện ra thân khẩu thì đi đến đâu đều tốt cả. Ngược lại, nếu tâm ô nhiễm, tâm phiền não, tâm tham, tâm sân, tâm si, v.v… thì dù xuất hành ở phương nào, giờ nào cũng có thể gặt hái những quả báo không tốt đẹp (Kinh Pháp Cú, 1 & 2).

Thông qua việc các Phật tử coi ngày, giờ, phương hướng… chứng tỏ rằng trong tư tưởng Phật tử xuất hiện hai thái cực là thích an lành, may mắn và sợ rủi ro, xui xẻo. Vì sợ nên mới xem ngày giờ để tìm cách trốn tránh. Thử hỏi các Phật tử đã trốn tránh thành công không và trốn tránh được bao nhiêu lần?

Nay Phật tử nên thử thay tâm sợ ấy bằng tâm bình thản, sẵn sàng chấp nhận những rủi ro, xui xẻo đó, và nếu được, chuyển xấu thành tốt. Được như vậy, Sư nghĩ rằng đời sống Phật tử sẽ giải quyết được rất nhiều nỗi lo lắng, bất an. Tâm thức bị động trước mọi việc sẽ chuyển sang chủ động, nhờ vậy Phật tử sẽ thấy rằng chính mình là chủ nhân ông cuộc đời mình.

2. Thưa Hòa thượng, bên cạnh coi ngày giờ, phương hướng xuất hành, con còn thấy nhiều Phật tử coi tử vi, bói toán. Về vấn đề này, Hòa thượng nghĩ như thế nào?

HT. Giác Dũng: Vì lo lắng cho tương lai nhiều bất trắc, rất nhiều người trong đó có không ít Phật tử muốn biết vận mệnh của mình, nên việc xem tử vi, bói toán ngày càng phổ biến. Giới làm ăn buôn bán cũng dựa vào bói toán để quyết định công việc đầu tư và làm ăn. Những người khác từ việc mua nhà, dựng vợ, gả chồng, cho đến việc tang ma… đều tìm đến những người coi bói toán để tham vấn, dựa vào những lời khuyên đó mà làm theo. Tử vi, bói toán đang lan rộng ra nhiều người, nhiều giới và nhiều nơi.

Cái mà mọi người thường gọi là “vận mệnh”, theo quan điểm của nhà Phật là “nghiệp lực”. Nghiệp lực có nhiều dạng, có thể thay đổi và có loại không thay đổi. Có một số ông thầy bói, nhà tiên tri có khả năng đoán được vận mạng trong thời gian ngắn, hoặc lâu xa hơn, nhưng thật không đoán nổi số mạng của các bậc chân tu đạo hạnh, hoặc những vị đang nỗ lực tinh cần tu tập. Có một vài vị thầy coi số, tử vi cũng dựa vào việc toán số này mà khuyên người làm lành, lánh dữ, ăn chay, làm phước; nhưng cũng có một số người lợi dụng lòng mê tín mà trục lợi, tạo nên sự sợ hãi cho người xem. Rất nhiều vị thầy coi bói không trúng, coi tử vi không nhằm, bảo rằng ngày đó tháng đó sẽ bị tai nạn, bị rủi ro, bị chết, v.v… làm cho cả gia đình phải sợ hãi, lo toan. Ngược lại, nhiều người cứ làm phước, làm lành, tu nhân tích đức, không coi thầy bói nào, không coi ngày giờ năm tháng gì, ấy thế mà cuộc đời cứ hanh thông!

Quý vị cần lưu ý rằng, do niềm tin mù quáng, khiến con người mất hết khả năng phán đoán và trí thông minh, thường gọi là mê tín. Mê tín đem lại những tai hại không thể lường được, lắm lúc dẫn đến một kết thúc bi thảm, có thể làm hại cuộc đời con người, có thể làm tan nát cả gia đình, có thể làm băng hoại xã hội. Ví dụ, trước khi cưới hỏi cho con, bố mẹ thường xem tuổi đôi trai gái có hợp hay không? Ở trường hợp này, nếu tuổi đôi trẻ hợp thì tốt rồi, nhưng nếu không hợp cố tách chia, tìm người hợp tuổi để cưới gả, và kết quả dẫn đến tình cảm hai người mới không gắn kết, và dấu chấm hết là chia tay! Ngược lại, có một số tuổi tuy không hợp, nhưng rồi họ sống đến đầu bạc răng long, con cháu đông vầy, rất là hạnh phúc.

Theo quan điểm Phật giáo, vấn đề tai họa hay phước báu, sung sướng hay khổ cực, bất hạnh hay may mắn, giàu có hay nghèo khổ đều do thiện nghiệp hay ác nghiệp được chính chúng ta gieo trồng trong hiện kiếp hoặc nhiều kiếp quá khứ. Sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại là một trong những yếu tố rất trọng yếu có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng đời này hoặc đời sau. Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng, giáo dục, mối quan hệ huyết thống như anh em, họ hàng; và mối quan hệ xã hội như thầy bạn và cả những người xung quanh. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của mình và người. Dù cho nhân được gieo ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại xấu, nhưng nếu có sự tu tập về đạo đức, luyện tập thân thể, trau dồi kiến thức thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt.

Ngài Trí Khải đại sư, trong bài tựa cuốn Đồng Mông Chỉ Quán, có kể rằng: Có một chú Sa-di trẻ ở cùng chùa với một vị thầy đã chứng quả A-la-hán. Vị thầy biết trong vòng một tuần nữa Sa-di này sẽ bệnh chết, không thể tránh khỏi, bèn cho chú về thăm nhà. Trên đường về nhà, chú thấy một ổ kiến trên bờ đê đang bị một dòng nước xoáy đe doạ cuốn trôi đi. Chú Sa-di trẻ động lòng thương lũ kiến đang nháo nhác, ra sức đắp lại chỗ đê có thể bị vỡ để cứu ổ kiến. Cứu được ổ kiến, chú Sa-di tiếp tục lên đường về thăm nhà và sau một tuần trở lại chùa an toàn. Vị thầy thấy học trò mình trở lại chùa, khí sắc lại còn hồng hào hơn xưa, rất lấy làm lạ, bèn hỏi chú Sa-di, tuần lễ vừa qua đã làm những gì.  Sau một hồi nhớ lại, chú Sa-di đã tường thuật cặn kẽ đầu đuôi chuyện cứu ổ kiến thoát chết. Vị thầy đã kết luận là do chú Sa-di phát tâm từ bi rộng lớn cứu ổ kiến cho nên đã chuyển nghiệp, đáng lẽ phải chết trong vòng một tuần, nhưng rồi lại sống an toàn và còn tiếp tục sống thọ trong nhiều năm nữa.

Từ câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng không có một cái gì là cố định, không có một cái gì là định mệnh hay số mệnh, tâm thức chúng ta biến chuyển từng sát na và do đó nghiệp thức lẫn nghiệp quả cũng thay đổi từng sát-na. Nếu các ông thầy bói, tử vi, tướng số nói những gì xảy ra trong tương lai mà chúng ta tin, tức là chúng ta cho rằng muôn sự muôn việc là thường chứ không phải là vô thường, là định pháp chứ không phải là bất định pháp, tức là chúng ta mù quáng mà phủ nhận định luật nhân quả và nguyên lý vô thường do đức Phật dạy.

3. Tất cả những vấn đề mà chúng con vừa trao đổi với Hòa thượng, chung quy đều xuất phát từ tâm lý mong muốn một đời sống bình an và sợ rủi ro, xui xẻo của mọi người. Chính vì thế nên họ đã tìm cách giải quyết vấn đề, trong đó có một số cách không hợp với chánh pháp. Qua buổi gặp gỡ hôm nay, xin Hòa thượng cho Phật tử một lời khuyên, để chúng con lấy đó làm kim chỉ nam mà thực hành theo để có một đời sống an lạc, hạnh phúc.

HT. Giác Dũng: Phật giáo quan niệm con người không phải do một đấng tạo hóa, hóa công hay thượng đế nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay cho chết. Phật giáo không chấp nhận vào cái gọi là “số mệnh” hay “định mệnh” an bài.  Phật giáo cho rằng sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự tương tục tái sanh là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên (nghiệp cảm duyên khởi). Quá trình gieo nhân và hái quả không do một nhân vật toàn năng nào điều khiển và định đoạt mà do hành động qua thân, khẩu và ý của chúng ta hằng ngày. Nhà Phật có câu “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” nghĩa là, muốn biết đời trước chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang thọ lãnh; muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại.

Tuy nhiên, nhân quả không đơn thuần mà rất đa dạng, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà có thể do ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ. Ðó là một định luật tự nhiên. Chúng ta phải học hỏi cách gánh lấy trách nhiệm về những hành động chúng ta đã và đang làm. Chính chúng ta làm chủ tạo nhân và chính chúng ta làm chủ thọ quả. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Nếu chúng ta tin sâu vào nguyên lý này, chắc chắn sẽ không còn sợ hãi mà phải chạy đông chạy tây, coi bói toán tử vi hay coi ngày giờ. Cầu xin quả tốt mà không chịu gieo nhân tốt; sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến mà không dừng tay tạo nhân xấu; sự cầu xin ấy chỉ là việc lòng thành được đi kèm bởi vô minh. Phật giáo dạy rằng bất luận việc gì xảy đến cho chúng ta, đều do nhiều nhân duyên, không phải ngẫu nhiên, thời vận hên xui hay số mạng an bài.   

Sư khuyên các Phật tử nên có thái độ dõng mãnh trước nghiệp báo của mình. Chính thái độ dõng mãnh ấy sẽ giúp cho các Phật tử giải quyết được phân nửa vấn đề. Ngoài ra các Phật tử nên làm các công đức lành để có thể chuyển những ác nghiệp trong quá khứ của mình và tạo thiện nghiệp cho tương lai. Bên cạnh đó còn một việc rất quan trọng là hãy cố gắng, tinh tấn, nỗ lực tu tập. Một thời tọa thiền hay niệm Phật hằng ngày giúp ích rất nhiều để tự thanh lọc tư tưởng bất thiện trong tâm. Tâm được thanh lọc thì dẫn đến một thân thể trong sạch và khoẻ mạnh là điều đương nhiên. Pháp Phật là liều thuốc chữa khỏi các loại tâm bệnh này. Một phút tâm thanh tịnh là ngưng tạo bao nhiêu nghiệp và xa bao nhiêu khổ ải. Nếu Phật tử luôn tâm niệm điều này thì Sư tin chắc rằng đời sống của quý vị luôn an lạc, bình an, hạnh phúc. Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú:

“Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy”.

Nhân dịp năm mới, kính chúc toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni pháp thể khương an, tinh tấn tu hành, đạo nghiệp tăng trưởng. Chúc quý thiện nam tín nữ Phật tử gần xa được nhiều thuận duyên trong đời sống và an lành trong Chánh pháp.

Chúng con xin thành kính đảnh lễ, tri ân những chia sẻ của Hoà thượng. Kính chúc Hoà thượng sức khoẻ dồi dào, tuệ đăng thường chiếu để chia sẻ những ý pháp tương tự như vậy, lợi ích cho mọi giới trong những tập sau.