Ngày thứ 2 - khóa Bồi dưỡng trụ trì

Sáng hôm nay, ngày 19 tháng 4 năm Đinh Dậu, (nhằm ngày 14 tháng 5 năm 2017), chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ tham dự khóa Bồi dưỡng Trụ trì được cung đón Hòa thượng Thích Huệ Thông – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, kiêm Phó văn phòng II Trung ương, viếng thăm và chia sẻ với hội chúng đề tài: “VAI TRÒ CỦA TRỤ TRÌ TRONG VIỆC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH, HOẰNG PHÁP TRONG THỜI HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN”. Sở dĩ Hòa thượng trình bày chủ đề này vì nó có liên hệ mật thiết đến quá trình hình thành, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của vị trụ trì trong việc hoằng dương Chánh pháp.

Đây quả thật là một vấn đề ý nghĩa, thiết thực cho khóa học này. Hòa thượng đã giúp cho hội chúng hiểu rõ định nghĩa cũng như xuất xứ của thuật ngữ và trách nhiệm trụ trì. Vào thời đức Phật còn tại thế, chư Tăng du hành, tu tập nghỉ dưới gốc cây, hang đá đơn sơ, ý niệm trụ trì chưa có. Đến thế kỷ thứ 8, thời Tổ Bách Trượng Hoài Hải, hàng ngàn Tăng chúng quy tụ về tu học chung, trong hoàn cảnh này tình trạng bất hòa, tranh giành, hơn thua, thị phi xuất hiện. Để ổn định lại trật tự, trang nghiêm, thanh tịnh cho Tăng đoàn, Tổ Bách Trượng Hoài Hải đã thiết lập bộ thanh quy nội viện và Ngài đặc biệt dành riêng chương thứ 5 trong 9 chương của bộ thanh quy bàn về vấn đề trụ trì, như tài sản của trụ trì, trụ trì thoái vị, v.v…. Cũng trong thời điểm này, Ngài Quy Sơn cũng lao tâm khổ tứ viết xuống tập Quy Sơn Cảnh Sách để khuyên răn, sách tấn Tăng Ni thúc liễm Tăng Ni tu học. 

Tiếp theo, Hòa thượng phân loại trụ trì trên 3 khía cạnh: Y báo trụ trì; Chánh báo trụ trì; Hoằng pháp trụ trì. Y báo trụ trì là nói đến tự viện, tịnh xá, tịnh thất nơi vị Tăng Ni ấy có trách nhiệm quản lý, gìn giữ và phát triển. Chánh báo trụ trì là chỉ cho vị Tăng Ni đang có bổn phận chăm sóc tự viện, đệ tử. Hoằng pháp trụ trì là vị trụ trì lấy sứ mạng hoằng pháp làm nhiệm vụ. Mỗi vị trụ trì đều cho thấy phước đức của vị ấy rất lớn. Làm người là khó, xuất gia khó hơn, và vị trụ trì được Giáo hội tin tưởng giao phó về chăm lo cho ngôi tự viện, được Phật tử kính mến hỗ trợ, lại càng khó hơn nữa. Thế nên nói, các vị đang là những trụ trì chính thức quả thật là phước đức rất lớn vậy.  

Đồng thời Ngài cũng trình bày đường lối của đức Tổ sư Minh Đăng Quang - những vấn đề liên quan trách nhiệm trụ trì và vai trò trụ trì trong hoằng pháp, công tác xã hội. Tuy rằng trước đây đức Tổ sư chủ trương: “Nhất bát thiên gia phạn// Cô thân vạn lý du// Thanh mục đổ nhân thiểu/ /Vấn lộ bạch vân đầu”, ngày nay thì không như thế nữa, các Tăng Ni phần lớn đều lãnh sứ mệnh trụ trì và những lời dạy của Tổ sư vẫn luôn có thể được áp dụng thích ứng. Điểm nổi bật, Tổ dạy rằng hãy sống chung, học chung, tu chung trong tinh thần hòa hợp, chỉ chừng đó thôi chư hành giả hành trì đều thành tựu kết quả tốt đẹp  

Trong xã hội ngày nay, ngoài việc thông hiểu kinh luật luận, người trụ trì cần phải biết nhiều hơn các vấn đề xã hội mà nó có ảnh hưởng tiêu cực, nhiễu sóng tâm thức của các đệ tử non trẻ, để hướng dẫn cho đệ tử và tín đồ Phật tử đúng mức. Đó là vì lòng từ bi hoằng hóa độ chúng sinh. Người trụ trì phải hết sức linh động, uyển chuyển và trí tuệ để dìu dắt đệ tử tu học trong chánh đạo và hãy nhớ rằng: “Phật pháp bất ly thế gian giác” mà dõng mãnh đi vào đời hành đạo độ sinh. Nếu được như vậy, chư vị trụ trì ngày nay nào khác chư Tổ năm xưa dấn thân vào đời truyền trì mạch pháp. 

Kết thúc buổi chia sẻ ý nghĩa, Đại đức Giác Hoàng thay mặt Ban Tổ chức đã có lời tri ân chân thành đến Hòa thượng Thích Huệ Thông.

HTHueThong 1

HT. Thích Huệ Thông

HTHueThong 2

HT. Giác Hà

HTHueThong 3

HTHueThong 4

HTHueThong 5

HTHueThong 6

HTHueThong 7

HTHueThong 8

HTHueThong 10

HTHueThong 11

HTHueThong 12

HTHueThong 9