Ngày thứ 5 – Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ lần thứ 26

Sáng hôm nay, trong tình Linh Sơn pháp lữ, Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Gia Lai đến thăm viếng khóa tu. Hướng dẫn đoàn đi có Ni trưởng Hạnh Thiện, Chứng minh Phân ban Ni giới – Viện chủ Chùa An Thạnh, Ni trưởng Hạnh Nguyện, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh – Viện chủ Chùa Bửu Sơn.

Đoạn đường xa 100 km, đèo dốc giồng, lại đa đoan biết bao Phật sự lớn nhỏ của tháng Giêng, quý Ni trưởng vẫn thân hành đến đây để sách tấn cho chư hành giả. Không ai bảo ai, song lòng chúng con cảm động vô vàn trước lòng từ bi thương lo cho thế hệ măng non chúng con của quý Ngài. Ni trưởng Trưởng Phân ban Ni giới đã tán thán ý tưởng tổ chức khóa tu đầy ý nghĩa và lợi ích của quý Ni trưởng trong Ban Tổ chức khóa tu, cũng nhưng tinh thần tu học hòa hợp tinh tấn của đại chúng. Chúng con thật hỗ thẹn, nào dám đón nhận lời thưởng tặng của quý Ngài, chỉ một lòng dốc chí tu tập, điều hoài nghi xin giải bày để được sự chỉ dạy từ các bậc Tôn túc.

n5 1

n5 2

Ni trưởng Hạnh Nguyện ban đạo từ

n5 3

Ni trưởng Hiệp Liên – Viện chủ Tịnh xá Ngọc Trung, đơn vị đăng cai Khóa tu đáp lời tri ân

n5 4

N5 5

Quý Ni trưởng Phân ban Ni giới chụp hình lưu niệm cùng hội chúng Khóa tu

Về phần tu học, hôm nay đại chúng thực tập thiền hành với 6 giai đoạn – nhón, giở, bước, đạp, đụng, ấn. Cái tâm nhận biết bước chân càng lúc càng tinh tế hơn. Với sự nhận biết qua 6 giai đoạn diễn ra vài mươi giây này, tâm hành giả sẽ nhiếp tâm hơn, không còn vọng tưởng nào có thể mon men đột nhập được nữa.

Chào tâm! Bạn đã trở về,

Vui vầy ngày tháng đề huề có nhau.

Quên đi chuyện trước chuyện sau,

Thân đâu tâm đấy, nhiệm mầu chơn như.

n5 6

Theo chương trình tu học mỗi ngày, hôm nay giờ học Chơn lý, đại chúng ôn lại bài Nhập định. Ni sư Lãnh Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn (Buôn Hồ) đọc lại nguyên bản và Ni sư Gương Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Tâm nghiên cứu phân tích giảng rộng ý pháp của đức Tổ sư.

Tổ dạy: “Yên lặng là lẽ thật huyền bí, là không vọng động, nên cũng gọi là chơn như hay sự kín đáo. Định tức là mật, trong mật định có chứa linh, giác và thần. Cho nên gọi định năng sanh chơn huệ và giới… Chánh định là chỗ sanh ra tất cả chúng sanh vạn vật, và các pháp, mà cũng là chỗ trở về hay chỗ đến, nghỉ ngơi hưu trí của chúng sanh, vạn vật và các pháp kia vậy”.

Thể của định là bao la vô cực, không không vắng lặng và tối đen. Tướng của định là chơn như không vọng động, đứng ngừng chết nghỉ, trơ, sựng. Dụng của định là thay đổi tiến hóa an vui giác ngộ và quả linh thần thông. Lý của định là tự nhiên chơn thật. Thân của định là giới, trí của định là huệ, tánh của định là chơn, còn định là tâm của tất cả chúng sinh hay cũng là sự sống và sức mạnh và bao gồm tất cả, v.v…

Đức Tổ sư nhắc nhở chúng ta rằng ai ai cũng có định cả, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trong lúc ngủ yên. Chỉ vì từ bao lâu nay chúng ta lặn ngụp trong biển vật chất, quanh quẩn trong thế giới loạn động nên không biết gì về định và cũng không biết mình có định. Dầu chưa thể đại định, chỉ định trong chốc lát, nó cũng giúp cho chúng ta khỏe nhẹ, thanh thản, tỉnh táo, trí huệ. Cũng như nước xao động, bùn đất đục ngầu đâu thấy rõ đáy hồ ra sao. Một khi nước yên lặng, trong suốt, chúng ta mới thấy rõ muôn hình trong nước. Trí huệ sáng soi khi tâm định, không định thì không có tâm, không có tâm thì làm gì có ta, làm gì có sự sống. Tổ chỉ cách tu để tâm định và nhắc chúng ta phải tinh cần, kiên trì từng giờ chứ không phải vừa tập là được.

Ni sư Gương Liên đã giảng giải thấu đáo đúng với ý đức Tổ sư lại linh động lấy ví dụ để đại chúng được rõ hơn, nhất là về linh giác thần. Cuối thời giảng, Ni sư đã tha thiết khuyên đại chúng:

Hãy ráng tu, đừng chán nản,

Tu là cứu vãn đời mình…

n5 7

Ni sư Lãnh Liên đang đọc nguyên bản Chơn lý – Nhập định

n5 8

n5 9

Ni sư Gương Liên đang giảng giải bài Chơn lý – Nhập định

n5 10

n5 11

Đẹp thay áo trắng tinh khôi,

Trang nghiêm Giới đức, vun bồn phước thiên.

Bát cơm nay nhận kết duyên,

Mong cho tín chủ não phiền sạch trong.

Mỗi buổi trưa, Phật tử từ khắp nơi – Đăk Lăk, Gia Lai, An Khê sắp xếp phân công về cúng dường sớt bát. Nhiều Phật tử ở nơi xa, không đủ nhân duyên về đảnh lễ cúng dường cũng gởi tịnh tài tịnh vật dâng cúng tạo điều kiện thuận lợi cho chư Ni tu học.

n5 12

Trong Khuyến Phát Bồ-đề tâm văn, Đại sư Thật Hiền có dạy: “Phụ mẫu tuy năng sanh dục ngã thân, nhược vô thế gian sư trưởng, tắc bất tri lễ nghĩa; nhược vô xuất thế sư trưởng, tắc bất giải Phật pháp”. Nghĩa là c ha mẹ tuy sinh dưỡng sắc thân ta, nhưng nếu không có sư trưởng thế gian thì không hiểu biết lễ nghĩa; không có sư trưởng xuất thế thì không hiểu Phật pháp. Thế nên những hành giả mới tập đi những bước đi trên đường giải thoát không thể nào không có ánh mắt của các bậc Sư trưởng dõi theo chỉ bảo. Nơi đây, mỗi ngày chúng con thật hạnh phúc có giây phút được ở rất gần quý Ngài, nói hết những điều trong lòng mình và được lắng nghe lời dạy tâm huyết từ quý Ngài.

n5 13

n5 14

Ngày tu học thứ 5 trôi qua. Dường như cả đại chúng đều thấy thời gian nơi đây đi qua quá nhanh. Quả thật,

Thời gian, thời gian trôi rất nhanh,

Lặng lẽ lướt qua mạng chúng sanh,

Trở về quán chiếu dòng sinh diệt,

Buông xuống não phiền, tâm an lành…