Ngày thứ 6 - Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ lần thứ 26

Mới đó mà khóa tu đã đến ngày thứ 6. Ngày kết thúc khóa đã cận kề. Một ngày như mọi ngày, chư hành giả tĩnh lặng tinh chuyên thực tập giáo pháp và nếm thưởng hương vị giáo pháp.

Bao năm làm kiếp phong trần khách,

Nay trở về rồi, hơi thở yên,

Ta nghe vị pháp dần tỏa khắp,

Ao bùn sớm nở đóa hoàng liên.

n6 1

Sáng hôm nay, hội chúng ôn tiếp bài Chơn lý - Chánh Pháp. Ni sư Hạnh Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Hương (Ban-mê-thuột) đọc lại nguyên bản và Ni sư Yến Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn (Vĩnh Long) giảng giải.

Ngay vào đầu bài pháp, đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã tôn vinh danh hiệu Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Ở đây, Ni sư cũng lưu ý cho đại chúng hiểu được thâm ý của Tổ sư. Bồ-đề phiên âm từ chữ Bodhi (Pali), có nghĩa là giác ngộ và Đạt-ma phiên âm từ chữ Dhamma (Pali) có nghĩa là pháp. Bồ-đề Đạt-ma có nghĩa là pháp giác ngộ. Tổ Bồ-đề Đạt-ma là vị Tổ thứ 28 bên Ấn Độ và truyền pháp đến Trung Hoa làm Sơ Tổ thiền tông Trung Hoa. Danh hiệu của Ngài cũng chính hạnh nguyện mang pháp giác ngộ đến với người dân Trung Hoa.

Đức Tổ sư dạy: “Pháp chánh giác có hai chơn là pháp học và pháp hành. Còn hành thì còn đạo, hết hành thì hết đạo. Cho nên đời nay người ta gọi đời mạt pháp, là bởi có học chớ không có hành”. Và Tổ cũng nhắc: “Cái pháp tự nó vốn đâu có hưng hay mạt, mà là chỉ tại nơi người làm mạt đó thôi. Cũng như đạo đâu có bao giờ mất, mất là chỉ tại người bỏ đạo làm mất đó thôi. Người tà chớ đâu phải đạo không chánh, người mạt chớ đâu phải pháp không hưng”.

Ni sư cũng nhấn mạnh ý Tổ rằng chơn lý là lẽ thật trong vũ trụ, từ tứ đại địa cầu sanh ra cỏ cây, thú, người, trời, Phật. Lẽ thật ấy là tiến, là sống mà Chánh pháp của chư Phật là chỉ rõ cách tiến đến quả Phật sau cùng hết. Đức Tổ sư cũng chỉ thẳng cái gì là Chánh pháp của chư Phật? Chính Tứ y pháp là Chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy. Tứ y pháp là:

1. Người tu xuất gia chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội thuyết pháp được ăn tại chùa.

2. Người tu xuất gia phải lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải đồ cũ thì được nhận.

3. Người tu xuất gia phải nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều am nhỏ bằng lá, một cửa thì được ở.

4. Người tu xuất gia chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, dầu, đường thì được dùng.

Tứ y pháp là pháp xuất gia, giải thoát ra khỏi nhà: ăn, mặc, ở, bịnh của hang ma lầm lạc, sống đúng y theo chơn lý, miếng ăn có sẵn trái rau, sự mặc có sẵn lá vỏ, chỗ ở có sẵn bộng hang, thuốc uống có sẵn nơi cây cỏ, cổ nhơn xưa, người chơn thật, không hay vọng động khổ não. Tứ y pháp là pháp Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác, không thái quá bất cập, nhờ đó mà chư Phật mới đắc tâm chơn thành Phật. Tứ y pháp cũng gọi là Tứ Thánh chủng (cattāro ariya-vaṃsā), là vì thực hành bốn pháp này là hạt giống, là bậc thang tiến vào bậc Thánh.

N6 2

Ni sư Hạnh Liên đọc nguyên bản bài Chánh pháp trong Chơn lý

N6 3

Ni sư Yến Liên nghiên cứu giảng giải rộng bài Chơn lý – Chánh pháp

N6 4

N6 5

N6 6

Sau giờ đọc học Chơn lý, Ni chúng lại tiếp tục thiền hành. 6 giai đoạn trong một bước chân nhón, giở, bước, đạp, đụng, ấn được quán sát niêm mật.

N6 8

N6 12

Trưa hôm nay, có một số Phật tử Gia Lai vượt qua 100 cây số về đảnh lễ sớt bát cúng dường khóa tu.

N6 13

N6 14

N6 16

Đầu thời tu buổi chiều, Ni chúng thực tập thiền hành. Bước chân càng lúc càng tĩnh tại, tâm càng lúc càng bình yên.

N6 17

Với số lượng hơn trăm hành giả, bốn buổi chiều qua các hành giả đều đã được trình pháp. Thời trình pháp chiều nay, quý Ni trưởng dành cho một số hành giả đặc biệt.

N6 19

N6 20

N6 21

Ngày tu học thứ sáu trang nghiêm trôi qua. Nhận thức thời gian thoáng qua nên những ngày nơi đây đại chúng hết sức tinh tấn tu tập và thường tâm niệm bài kệ cảnh tỉnh của ngài Duy-ma: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có chi vui. Đại chúng hãy cùng nhau tinh tấn, tu tập hết mình, nhớ đến vô thường, chớ nên phóng dật”.

Cố Đệ I Ni trưởng cũng đã tha thiết nhắc:

Ngày đã cận, cần tu gấp rút,

Giới giữ sao trong sạch như xưa,

Định – Huệ không thiếu không thừa,

Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.

Đại chúng hãy cố gắng công phu hơn nữa!