Ngày thứ 7 của khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 19

Sáng ngày 10/03/Bính Thân (nhằm ngày 16/04/2016), là ngày sinh hoạt cuối trong tuần lễ tu tập, Thượng tọa Minh Thành - Phó ban Hoằng pháp TW. GHPGVN, Giáo Phẩm Hệ phái đã viếng thăm và chia sẻ với đại chúng về phương pháp tu tập tứ thiền trong hệ thống kinh Nikaya.

3a

Tứ thiền là bao gồm tầng thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư nhưng khi đưa vào thực hành thì không có sự cách biệt nhiều, mà nếu xảy ra chỉ là dấu mốc của sự vận hành tâm thức. Việc vận hành của thiền thứ nhất đến cho trạng thái tinh tế của đệ tứ thiền không hề có một cái khoảng ngăn gì cả, và nếu có là cố tình nhìn để nhận ra.

Kinh nghiệm thứ nhất: Bản thân hành giả cũng không nhận ra từ cái tâm tạp loạn đến trạng thái lắng động, không có vọng tưởng, và không biết rằng đoạn đường từ trạng thái vọng tưởng trùng trùng đến lúc vắng lặng mà không biết nó xảy ra lúc nào, thì đó là trải nghiệm.

Kinh nghiệm thứ hai: Tâm ngăn cách, tâm chia cắt, lại có tâm phân biệt cao thấp, cho rằng tầng thiền đầu là thấp, tầng thiền thứ tư là cao. Khi vị hành giả thiền tọa lại mong mỏi chứng được thiền thứ tư, nếu không có được thì không được vui lòng, không hoan hỷ. Điều này, là vọng niệm do khởi tâm phân biệt. Một hành giả dù ở bất cứ trong tầng thiền nào, thứ nhất, thứ hai, thứ ba hay thứ tư đều xem tầng thiền đó là quý nhất. Dĩ nhiên khi đạt được thì sự vận hành tự nhiên dòng nước, như một luồng gió dẫn đến.

Thiền thứ nhất: “Ly dục, ly các pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.” Đây được xem là tầng thiền sơ cơ nên có nhiều nội hàm. Ly dục song song với các ác bất thiện pháp là nghiêm trì giới hạnh. Chúng ta nghĩ ngồi thiền là đủ chứ không đề cập đến việc giữ giới, nhưng sự thật của việc hành thiền mang lại lợi ích hay không, có hiệu quả không là do cuộc sống hàng ngày có tỉnh giác, tỉnh thức trong việc giữ giới hay không. Vì vậy điểm khởi phát của thiền thứ nhất liên quan chặt chẽ tới giới hạnh của vị xuất gia.

Trạng thái của thiền thứ nhất không gì xa xôi mà do giới sanh ra, trạng thái yên ổn, khỏe khoắn, không có ăn năn, lo lắng, phiền muộn thì đó chính là hỷ lạc. Trạng thái thiền thứ nhất không khó để thực hiện vì giữ giới trọn trong ngày, tuần, tháng, một năm, mười năm, … thì đó đã có trạng thái thiền thứ nhất xuất hiện, và trong kinh còn nói người cư sĩ cũng có đạt được trong cuộc sống đời thường.

Thiền thứ hai: “Diệt tầm và tứ, Ta chứng và trú thiền thứ hai, một trạng hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.” Tầm được dùng hình ảnh của một con ong bay tới đóa hoa là tầm, con ong lại bay chung quanh mục tiêu, đối tượng ấy thì đó gọi là tứ. Trong việc tu tập thiền định, có một pháp để hướng tới gọi là tầm, và phân tích, nhận định, quan sát thì gọi là tứ. Người tu thiền dùng phương pháp niệm hơi thở, đặt đề mục để tâm an trú ở môi trên hay ngay chóp mũi thì đó là pháp. Khi vọng tâm, tạp ý thì đưa về đó bám chặt không buông ra thì đó gọi là tứ.

Thiền thứ hai với công thức diệt tầm, diệt tứ vì còn phóng tâm, hướng tâm, vận hành cái tâm nhiều thì trở thành động niệm. Vì vậy, thiền thứ hai là không tầm, không tứ nhưng không được loạn tâm và thường xuyên nhắc nhở bởi sự tỉnh biết, đó gọi là nội tỉnh nhất tâm.

Thiền thứ ba: “Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba.” Chúng ta thấy hai tầng thiền đầu đều có một trạng thái hạnh phúc, được gọi là hỷ và lạc. Khi tới tầng thiền thứ ba thì hỷ không còn mà chỉ có lạc. Hỷ là trạng thái thô hơn lạc, lạc là trạng thái hạnh phúc vi tế, nhu nhuyến hơn hỷ. Tầng thiền thứ nhất và hai không có yếu tố xả nhưng thứ ba lại có yếu tố xả “Ly hỷ trú xả”. Vị hành giả lấy xả làm cái trọng tâm, lấy xả làm công việc chủ yếu, và chánh niệm tỉnh giác thường xuyên có mặt, như câu thần chú để hộ thân. Xả niệm lạc trú là trú vào chỗ lạc, trú vào chỗ hạnh phúc và công việc phải làm là xả niệm. Vì chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối bởi vọng niệm gây nên.

Thiền thứ tư: “Xả lạc xả khồ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.” Xả lạc xả khổ là nói về quá khứ vì người tu thiền thì ngồi bán già, kiết già làm gì có khổ. Mà cái khổ hiện hữu là do từ trước nên kinh nói diệt hỷ ưu đã được cảm thọ trước. Người đạt được thiền thứ tư thì nhiêu bao cái oan khiên, đau khổ, hạnh phúc ở quá khứ được vắng bặt và thiền thứ tư là trạng thái an trú trong giây phút hiện tại. Chúng ta bị áp lực của quá khứ từ thân tướng, sợi tóc bạc, chiếc răng lung lay, …và ý tưởng nghiêng về kết quả này hay kết quả kia cũng là kết quả của quá khứ. Nhưng ở thiền thứ tư thì quá khứ vắng bặt để hiện ra cái tinh khôi, mới mẽ. Đó chính là giá trị của người tu, còn không thì bị bóng ma quá khứ che khuất, bóng tối vui buồn của quá khứ ám. Và “không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh” xả niệm là được hiện hữu trong mọi tầng thiền nhưng trong thiền thứ tư được nhắn mạnh hơn.

Qua kinh nghiệm tu học thâm niên của Thượng tọa đã giúp cho chư vị hành giả hiểu rộng, biết nhiều về bốn thiền được trình bày một cách vắn tắt nhưng đầy đủ nội dung và phong phú ý nghĩa.

3b

3c

3d

3e

3f

3g

* Video buổi giảng của Thượng tọa Minh Thành