Ngày thứ ba khóa tu Ni giới Giáo đoàn VI

Sáng ngày 03/05/2018 (18/03/Mậu Tuất) là ngày tu thứ ba của khóa tu “Tập sống chung tu học” lần II Ni giới Giáo đoàn VI. Đại đức Minh Sĩ - Phó Thư ký Ban Trị sự GHPGVN Quận 6, Thư ký Giáo đoàn VI kiêm Quản chúng Tịnh xá Lộc Uyển, Giáo thọ Sư khóa tu đã chia sẻ với hành giả những căn bản sinh hoạt trong Phật giáo.

Đại đức chia sẻ về Phật giáo truyền thừa theo hai đường truyền Nam truyền và Bắc truyền. Nam truyền được truyền bằng đường biển bắt đầu từ Ấn Độ qua các nước Srylanka, Tích Lan, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, một phần miền Nam của nước Việt Nam bắt đầu từ những thương buôn họ muốn trên tàu buôn họ có những vị tu sĩ thì họ sẽ yên tâm hơn.

Bắc truyền được truyền bằng đường tơ lụa truyền qua một số nước Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một phần miền Bắc nước Việt Nam. Nhưng Việt Nam có ưu điểm là dung hòa nét đẹp của hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền. Đến năm 1944, đức Tổ sư Minh Đăng Quang kết hợp hai mối đạo truyền thống của Nam truyền và Bắc truyền. Tổ lấy những cái đẹp của Nam truyền là đắp y theo truyền thống thời Đức Phật, văn hóa ăn chay, phụ từ tử hiếu… ảnh hưởng của Khổng giáo từ Bắc truyền. Đạo Phật Khất Sĩ kết hợp dung hòa từ nét đẹp của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền để tạo ra Hệ phái Khất sĩ biệt truyền, tức là Nối truyền Thích-ca Chánh pháp.

Đại đức chia sẻ thế nào là chùa, thế nào là tịnh xá và xuất phát từ đâu? Thế nào là đền, miếu, điện, đình… và những vị công thần có công với nước, với dân tộc thì thờ ở đâu? Tại sao Phật lại ở điện….

Về y phục, Đại đức chia sẻ ý nghĩa về y hoại sắc của những người đệ tử Phật cũng như y phục của hàng bạch y.

Được biết hôm nay Phật tử Thiện Công đại diện Tịnh xá Phước Hưng đã tác bạch sớt bát cúng dường, chư hành giả đi khất thực trong khuôn viên của Tịnh xá Phước Hưng tái hiện lại truyền thống năm xưa của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Buổi trưa cùng ngày, sư Minh Toàn theo lời dạy của Thượng tọa Giác Nhuận trùng tuyên lại Chơn lý số 3 – Bát Chánh đạo.