Ngày tu thứ 5: Hòa thượng Thiền chủ chia sẻ tiếp về con đường độc nhất của đạo Phật

Bước sang ngày tu thứ 5 của Khóa tu Truyền thống Hệ phái Khất sĩ lần thứ 26, HT. Giác Giới, Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái – Thiền chủ Khóa tu đã tiếp tục dành thời gian chia sẻ về những tư tưởng và giáo lý của truyền thống Bắc truyền và Nam truyền đến chư tôn đức hành giả.

Mở đầu buổi chia sẻ Hòa thượng cho rằng với những kinh điển của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền, rồi thông qua những giáo lý trong Chơn lý Tổ sư Minh Đăng Quang đã để lại cho người tu học nghiên cứu tỏ sáng hơn hai hệ thống giáo lý lâu đời hiện đang có tại Việt Nam.

- Ngài cho biết, chúng ta từng có nghe: “Đạo nào cũng tu tốt, không có đạo nào không tốt hết”. Mà thực tế đức Phật đã nói rằng: “Này các tỳ kheo, chỉ ở đây trong pháp và luật này mới có đệ nhất sa môn, đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn, đệ tứ sa môn. Các ngoại đạo khác là không có”

Chính vì thế ở đây đức Phật đã khẳng định trong bài kinh: Tiểu Kinh Xư Tử Hống. Đức Thế Tôn chỉ dạy: Này các tỳ kheo, các ngươi hãy rống những tiếng rống xư tử, chỉ ở đây trong pháp và luật này mới có đệ nhất sa môn, đệ nhị sa môn, đệ tam sa môn, đệ tứ sa môn. Các ngoại đạo khác là không có. Qua đó cho thấy đức Phật đã khẳng định rất rõ sự sai khác giữa đạo Phật và các đạo khác.

Còn trong nội dung bài kinh Đại Kinh Xư Tử Hống, Hòa thượng Thiền chủ chia sẻ: Trong bài kinh, Như Lai tự nhận mình địa vị Ngưu Vương rống tiếng rống xư tử trong các hội chúng. Với hàng trăm hội chúng nhưng Ngài rất tự tại không bao giờ dao động. Vì Ngài đã thấu đạt chân lý cho nên Ngài không bao giờ dao động. Ngài đã rống tiếng rống xư tử trong các hội chúng và chuyển pháp luân rất tự tại.

Từ đó Hòa thượng đã đưa ra kết luận với đại chúng: đạo Phật là con đường độc nhất, cao thượng không có con đường nào khác được xem là tối thượng hơn.

- Sang ý thứ hai, hòa thượng cho rằng: Ở đây chúng ta cần khảo sát một cách tường tận trong những hệ thống giáo lý của đức Phật, để chúng ta có 1 cái quyết định tánh. Người có quyết định tánh là người có sơ quả nhập lưu. Nói theo truyền thống Bắc tông là người có kiến tánh, mà các bậc Tổ đức chúng ta có nói rằng tu không học là tu mù.

Điều này trước tôi đã nói rồi, có những bậc không học như bậc Chánh đẳng giác, họ học ở nhiều đời nhiều kiếp trước, còn ở kiếp hiện tại không có ai chỉ dạy hết, mà các ngài tự giác ngộ. Còn chư Phật độc giác cũng vậy, không có thầy, sanh ra trong thời kỳ không có đức Phật xuất hiện và cũng không có giáo pháp nữa, nhưng nhờ nỗ lực tu tập mà tìm ra chân lý.

Chúng ta bây giờ tuy đức Phật đã nhập diệt nhưng vẫn còn có giáo pháp. Mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài còn là giáo chủ của cõi ta bà này, trong thời gian này giáo lý của Ngài còn nên còn ảnh hưởng, hình ảnh chư tăng vẫn còn. Nhưng mà đức Phật không có ở đây, tuy giáo pháp còn đó. Vì thế, chúng ta là loại người thứ ba, bắt buộc phải có thầy, có bạn pháp, có gặp giáo lý, cùng nhau trao đổi học hỏi, chúng ta mới sáng tỏ được con đường tu. Từ đó chúng ta mới có quyết định tánh được.

Bên Thiền Tông thì tổ Hoàng Nhẫn cũng nói rằng người chưa kiến tánh thì tu hành cũng vô ích, muốn được cái kiến tánh không phải ngồi đó tự kiến, phải bước chân hành trước đó đây các hang động, tầm cầu thiện tri thức, lại chính mình xin khai thị cho được kiến tánh, rồi mới khởi tu.

Chúng ta phải có pháp nhãn rồi khởi tu thì mới chính xác, nếu chưa có pháp nhãn mà tu thì đó là kiểu tu mù, cho nên quan trọng chúng ta phải nghiên cứu cho kỹ để xác định cái hướng đi, nên luôn luôn phải có như lý tác ý. Như lý tác ý đó là phải có chánh kiến để làm định hướng tu tập cho mình, cho tất cả.

Những ai chưa khẳng định được mình đã kiến tánh, hoặc thành tựu pháp nhãn thì mình phải quyết tâm trong vấn đề thực hiện cái chổ kiến tánh, nói theo truyền thống Bắc truyền và cái đạo quả Nhập lưu. Muốn vậy thì bên Bắc truyền cũng phải hành cước đó đây, cầu thỉnh bậc đức thầy khai thị. Còn bên những vị tu học như chúng ta cũng phải tham vấn các bậc thánh, bậc chân nhân thì mới tỏ sáng được con đường, nếu lười thì sẽ không thành được.

Ngoài các nội dung trên, Hòa thượng thiền chủ cũng thông qua một số bài kinh để khẳng định về con đường độc nhất của Phật giáo: Thứ nhất về niềm tin bất động Phật Pháp Tăng, căn cứ truyền thống kinh điển truyền thừa và một số kinh điển luận giải của chư Tổ. Trước tiên tôi muốn nói về nội dung trong bài kinh đức Phật đã từng thuyết. Đó là trước khi Ngài chuyển luân Thánh vương Ngài sống và không tự thỏa mãn, đôi với đời sống mặc dù là những dục của chư thiên rất đầy đủ. Ngài cảm thấy không có thể ổn định, cho nên Ngài tự tìm 1 con đường cao hơn. Ngài đã xác định được con đường đó bằng con đường tứ vô lượng tâm.

Sau khi chúng sanh sinh về cõi trời Phạm Thiên hưởng cái lạc của cõi trời Phạm Thiên, Ngài rất là tâm đắc với pháp này, Ngài dạy các con: các hoàng tử, các ngươi chớ để pháp này bị đoạn diệt, các người chớ được lùi tối hậu sau ta. Đến khi Ngài đạt chánh đẳng chánh giác thì nói với các đệ tử, bây giờ ta là bậc A La Hán chánh đẳng giác. Hồi xưa ta còn phàm cho nên thấy cái pháp đó cao siêu nên dặn các con không để bị đoạn diệt, nhưng bây giờ ta bậc A La Hán chánh đẳng giác rồi mới thấy pháp đó không đưa đến viễn ly, không đưa đến ly tham đoạn diệt, bậc trí chứng ngộ niết bàn được.

Cái pháp mà hôm nay ta chứng đạt, pháp mà bây giờ ta đã là A La Hán chánh đẳng giác, chứng đặng pháp này mới đưa đến viễn ly ly tham đoạn diệt thậm chí chứng ngộ quả vị Niết bàn. Ngài khích lệ các đệ tử các ngươi hãy khéo học hỏi pháp này, tu tập pháp này, để chánh pháp trường tổn vĩnh cửu. Các ngươi chớ nghĩ, chớ để pháp này bị đoạn diệt. Các người chớ để trở thành người tối hậu sau ta. Qua đó thấy đó là con đường độc nhất.

- Hay trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ), Hòa thượng cũng chia sẻ: đức Phật sau khi công bố 3 tháng nữa sẽ nhập Niết Bàn, Ngài cùng với đệ tử bộ hành đi đến Câu Thi Na để nhập Niết Bàn, Ngài đã ghé lại 9 điểm (9 quốc độ). Mỗi quốc độ thì Ngài thuyết pháp khác nhau nhưng mà đến phần đoạn kết luận thì 9 lần giống nhau, thống nhất. Ngài nói: giới cùng tu với định, cùng tu với tuệ, lợi ích lớn, phước báu lớn. Định cùng tu với giới, cùng tu với tuệ. Tuệ cùng tu với giới, cùng tu với định lợi ích lớn, phước báu lớn. Ngài xác định tầm quan trong của giới định tuệ.

Một ngày khi đến tại 1 trú xứ, Ngài tập hợp chúng tỳ kheo lại trong giảng đường và đã có cái xác quyết: Này các tỳ kheo, giáo lý mà ta đã chứng ngộ, tu tập chứng đạt công bố xuyên suốt những năm qua. Bây giờ cô đọng lại gồm trong 37 phẩm trợ đạo. Giáo lý này các ngươi khéo học hỏi, học cho đến được chứng đạt, chứng ngộ hãy công bố giáo pháp đó để chánh pháp được trường tồn. Giáo pháp đó tức là 37 phẩm trợ đạo. Để cho chánh pháp được trường tồn, để chánh pháp được vĩnh cửu và đem lại sự an lạc cho đời, đem lại an lạc cho loài trời, và loài người. Đức Phật khuyên các vị tỳ kheo khéo học hỏi pháp này, tu tập cái này để chứng đạt quả vị. Ngài không nói cái gì khác. Đây cũng coi là con đường độc nhất.

Sau khi đức Phật nhập diệt, Phật giáo chia ra Phật giáo bộ phái rồi đến Phật giáo đại thừa phát triển thì có những phân biệt giữa Nam truyền và Bắc truyền, nào là Đại thừa – Tiểu thừa làm cho người tu học có nhiều cái rối rắm. Không phân biệt chổ nào là chánh pháp hay là tà pháp. Khó phân biệt

Ví dụ như: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, trong 37 phẩm trợ đạo đó, Tổ sư Minh Đăng Quang trích từ bản dịch của cư sĩ Đoàn Trung Còn, cho nên có những điểm mà dùng từ nó hơi khác nhau chút.

Ở trong kinh Pāli thì Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần. Cái đó cũng là con đường được triển khai đầy đủ của giới định tuệ, chứ không có gì khác. Đây cũng là đạo đế, 37 phẩm trợ đạo cũng thuộc phần đạo đế, các pháp tu tập.

Trong 9 quốc độ mà Ngài đi qua, thì sau mỗi bài thuyết giảng ở mỗi nơi, kết thúc bài giảng, Ngài cũng đều có sự thống nhất là giới cùng tu với định, cùng tu với tuệ… tu với nhau lợi ích lớn, phước báu lớn. Rồi Ngài cũng có lời khuyên: Đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống, các ngươi hãy tinh tấn, nỗ lực để khỏi phải hối tiếc về sau. Đây là một phần để nói lên sự thống nhất giáo lý của Ngài là con đường duy nhất

Ngoài các bài kinh trên, Hòa thượng cũng đưa ra nội dung trong các bài kinh Dấu Chân Voi; kinh Niệm Xứ số 10 (Kinh Trung Bộ); kinh Lời Vàng (HT Thích Minh Châu dịch) với các pháp cú 276, 277, 278, 279; Kinh Vô Minh trong Tương Ưng tập 5, Đại Phẩm; kinh Rau Lúa Mì… Hòa thượng Thiền chủ với những ví dụ rõ ràng đã chỉ ra tính chung nhất từ đầu chí cuối của truyền thống kinh điển không có gì sai biệt

Xét qua giáo lý mà Tổ sư Minh Đăng Quang để lại trong 69 chủ đề Chơn Lý. Hòa thượng cũng nhìn nhận, Tổ sư đã thu tóm những giáo lý của Nam truyền và Bắc truyền. Từ đó Tổ sư đã cho rằng: không phân biệt tiểu thừa đại thừa gì cả mà chỉ thấy cái khổ của chúng sanh. Và chỉ có giới định tuệ là cần tu mà thôi. Đây là khẳng định duy nhất của Tổ. Thể hiện trong nội dung Chơn lý: Y Bát Chân truyền.

Hòa thượng cho biết thêm: Đức Tổ sư cũng có những câu nói giống Phật hồi xưa: Có người tu giới trước tu định huệ sau; có người tu định trước tu giới huệ sau; có người tu huệ trước, tu giới định sau. Qua đó cho thấy giữa lời Phật và Tổ có sự khớp nhau. Tổ có dạy rằng: Người chỉ có giữ giới không mà không tu định huệ thì không trọn người Khất sĩ. Qua đó cho thấy người Khất sĩ phải tu định huệ nhưng dựa trên giới, tu định dựa trên giới huệ, tu huệ dựa trên giới định mới phát sanh.

Cuối cùng, Hòa thượng nhìn nhận hiện nay mỗi cá nhân khi tiếp cận giáo lý Phật giáo đã có 1 cách hiểu khác nhau, chính sự điều đó mà Phật giáo đã phát sinh ra các tông phái. Nguyên nhân đầu tiên là do bất đồng ngôn ngữ về giáo chế, đó cũng là do cái nhìn sai biệt. Lần lần bất đồng quan điểm dẫn tới sự chia sẻ, từ đó mà chia tông, chia phái ra. Rồi nói tông này chính, tông kia phụ gì đó. Nếu chúng ta có kiến hòa đồng giải, tức là đồng lời Phật dạy thì chúng ta sẽ thống nhất với nhau

Ngoài ra, xã hội hiện nay luôn không ngừng phát triển, có nhiều người cho rằng đạo Phật xuất hiện đã hơn 2000 năm, chúng ta cần có 1 sự thay đổi thì đạo Phật mới thích ứng được với hoàn cảnh, nó thích ứng mới được thời cơ, sự hoàng hóa mới được thích hợp được. Quan điểm nghe vậy thì rất là hợp lý, nhưng mà nó có hợp lý không?

Trả lời cho câu hỏi đó, Hòa thượng khẳng định: Người ta đòi đổi mới đạo Phật, nhưng đạo Phật không được đổi mới, đổi mới thì không còn đạo Phật. Mà đạo Phật là chân lý, chân lý thì đâu có chân lý mới, đâu có chân lý cũ. Đâu có chân lý nào là chân lý cũ mà bây giờ mình phải đổi lại chân lý mới. Nếu nó có chân lý cũ và chân lý mới thì đó chỉ là sự thay đổi hữu vi của các pháp hành, vô thường. Cho nên nó đâu phải là đạo Phật.

Chân lý không thay đổi, đạo Phật xưa nay không mới cũ. Tổ mình cũng đã nói: “Đạo Phật xưa nay không mới cũ, vì tham sân si xưa nay không mới cũ. Hồi xưa tham khổ thì đời nay tham khổ không? Hồi xưa sân khổ thì đời nay sân khổ không? Hồi xưa si khổ thì đời nay si khổ không?.Tham sân si xưa nay không mới cũ, thì đạo Phật xưa nay không mới cũ.” Chính vì thế đạo Phật phải được giữ nguyên gốc như vậy.

Xét về khía cạnh nội dung thì Đạo Phật tuy không thay đổi về nội dung, về các giá trị chân lý nhưng phương tiện hoằng hóa thì phải có sự thay đổi. Giống như việc hồi xưa đức Phật đâu có đi xe để đi lại trên con đường hành đạo, còn Tổ sư Minh Đăng Quang khi chưa vắng bóng đã có sử dụng xe ô tô để làm Phật sự… Chúng ta phải hiểu cái thay đổi đó là có. Còn chân lý thì làm sao thay đổi được  

Sau những lời chia sẻ của Hòa thượng, đại chúng hành giả đã có những trao đổi để làm rõ hơn với nhau theo đúng tinh thần kiến hòa đồng giải về vấn đề nêu trên. Đây thật sự là những kiến thức quan trọng cho các vị Khất sĩ trên bước đường tìm cầu giáo pháp của đức Như Lai đã chứng ngộ, cũng như những lời chỉ dạy của đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã lại trong 69 bộ Chơn lý của Hệ phái.