Nghi lễ Khất sĩ và truyền thống Phật giáo

10

Mỗi tôn giáo đều có các hình thức nghi lễ riêng biệt để thể hiện lòng tôn kính với vị giáo chủ của tôn giáo đó. Đạo Phật ra đời cách đây hơn 2.600 năm không phải đặt nặng về hình thức nghi lễ, nhưng thông qua nghi lễ của Phật giáo, chúng sanh hoàn thiện được chính mình dựa trên các qui tắc ứng xử trong đời sống thiền môn cũng như đời sống hằng ngày của người Phật tử. Một tôn giáo mà thiếu vắng đi nghi lễ thì tôn giáo đó chỉ là một học thuyết. Nghi lễ còn giúp người tín đồ hiểu sâu sắc hơn và dễ dàng tiếp nhận tôn giáo với mục đích sống của chính mình. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam với nhiều tông phái khác nhau như Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Khất sĩ, Hoa Nghiêm tông… Mỗi tông phái Phật giáo tại Việt Nam đều có các nghi lễ mang sắc thái riêng biệt tạo nên sự phong phú trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam nói chung. Nghi lễ của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là một điển hình tiêu biểu, là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống Phật giáo Việt Nam và truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Ấn Độ.

Để hiểu rõ hơn về nghi lễ của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, chúng ta lần lượt tìm hiểu về lễ đường, lễ phục, lễ tụng, lễ khí và lễ nghi thông qua giáo huấn từ Đức Tổ sư Minh Đăng Quang.

Đối với trú xứ của Hệ phái Khất sĩ: Hầu hết đều gọi chung là tịnh xá. Các tịnh xá có chung một hệ thống bao gồm chánh điện, nhà Tăng, giảng đường, trai đường…. Tịnh xá là từ được dịch từ Phạn ngữ “Vihàra”, vốn là một trú xứ thanh u, tịch tĩnh, là nơi ở của các vị Sa-môn đang tu tập giác ngộ, giải thoát, không phân biệt là truyền thống nào. Trong lịch sử Phật giáo, sau khi thành đạo, Đức Phật Thích-ca đã quay trở lại kinh thành Vương Xá để hóa độ cho đức vua Tần-bà-sa-la theo như lời hứa trước đó. Sau khi quy y và cúng dường đến Phật, đức vua có tâm nguyện muốn cúng dường nơi ở cho Phật và Tăng đoàn. Đức Phật dạy: “Nơi thích hợp cho Như Lai và Tăng đoàn là một nơi vắng vẻ, không xa mà cũng không gần thành thị, để cho ai muốn, có thể đến một cách dễ dàng. Một nơi mát mẻ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm yên tĩnh và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp”. Trúc Lâm tịnh xá ra đời và là tịnh xá đầu tiên được thiết lập để cúng dường đến Đức Thế Tôn và Tăng-già.

Trong Từ điển Phật học (Ban Biên dịch Đạo Uyển, Nxb. Tôn giáo 2006) có định nghĩa Tịnh là trong sạch, sạch sẽ, thanh khiết, không nhiễm ô, không phiền não, không còn sinh khởi vọng tưởng; là trú xứ, nơi ở. Tổ sư Minh Đăng Quang sử dụng từ tịnh xá dựa trên tinh thần truyền thống của Phật giáo từ thời Phật còn tại thế. Chánh điện của Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam có hình bát giác đã trở thành nét kiến trúc đặc trưng bậc nhất trong kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam. Đây là lễ đường mang tính sáng tạo mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã kết hợp dựa trên giáo lý căn bản của đạo Phật cùng với đạo lý văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Mặc dầu Đức Tổ sư có một thời gian tu tập và học đạo tại Campuchia, nhưng Ngài lại không hề rập khuôn theo lối kiến trúc chánh điện của các nước Phật giáo Nam truyền hoặc các chánh điện của đồng bào Khmer Nam Bộ. Ngài cũng không bị ảnh hưởng nhiều từ truyền thống chánh điện của Phật giáo Bắc truyền. Thông qua kiến trúc chánh điện trong lễ đường, ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa giáo pháp mà Tổ sư Minh Đăng Quang đã kết hợp giữa truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và truyền thống văn hóa Việt Nam. Lễ đường chánh điện của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam luôn theo mô hình bát giác, tượng trưng cho Bát chánh đạo, mái lầu phía trên chánh điện hình tứ giác tượng trưng cho Tứ diệu đế. Bát chánh đạo là con đường Thánh đạo tám ngành và Tứ diệu đế là bốn chân lý cao thượng, là những giáo lý căn bản mà Đức Thế Tôn chỉ bày cho chúng sanh trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Ngài, là nền tảng của mọi giáo pháp xuyên suốt trong giáo lý của đạo Phật. Đặc biệt, bốn trụ cột lớn trong chánh điện là sự kết hợp hài hòa trong kiến trúc tứ trụ nhà ba gian hai chái của người Việt ở Nam Bộ. Trong văn hóa truyền thống nhà ba gian hai chái ở Nam Bộ, gian chính giữa có tứ trụ là nơi thiêng liêng và quan trọng, là nơi tôn trí những gì quan trọng nhất của gia đình như bàn thờ Phật hay bàn thờ gia tiên. Tứ trụ là phần chống đỡ quan trọng nhất để bảo vệ toàn bộ kết cấu của ngôi nhà ba gian hai chái, nếu một trong tứ trụ này suy yếu hay đổ gãy sẽ làm cho toàn bộ căn nhà suy yếu. Bốn cột lớn trong chánh điện của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam tượng trưng cho tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc (cận sự nam) và Ưu-bà-di (cận sự nữ) cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật Pháp, che chở hồn dân tộc. Thiếu một trong các cột này, ngôi nhà Phật pháp sẽ bị lung lay. Thiếu một trong bốn chúng, Phật đạo khó phát huy, chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni hành pháp thì chúng Ưu-bà-di, Ưu-bà-tắc hộ pháp. Tất cả mọi người con Phật đứng dưới mái nhà Phật pháp này đều luôn hạnh phúc và vinh dự vì mình là một trong tứ chúng của Phật. Bất cứ một chúng nào trong tứ chúng mà thiếu đi sự tu học và trách nhiệm hoằng pháp sẽ làm cho ngôi nhà Phật pháp sụp đổ bất cứ lúc nào, như Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú: “Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu” (kệ số 194). Phải chăng Đức Tổ sư đã thể nghiệm những lời dạy của bậc thầy trời người về bốn thứ hạnh phúc chân thật nhất thế gian thông qua kiến trúc chánh điện của lễ đường Hệ phái Khất sĩ, để rồi trong thế giới hối hả, đầy phiền muộn này, bất cứ thế nhân nào đến với tịnh xá, đối trước chánh điện, họ sẽ tìm lại được sự an ổn, bình yên trong tâm hồn và chiêm nghiệm thứ hạnh phúc chân thật mà Đức Phật đã từng dạy. Giữa bốn cột lớn trong chánh điện, đó là bệ thờ có ba cấp tượng trưng cho Tam Bảo, trên bệ thờ tôn trí bảo tượng Đức Bổn-sư Thích-ca. Hình ảnh Tam Bảo thông qua ba cấp bệ thờ được thống nhất trong toàn bộ hệ thống tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ cũng minh chứng cho lời dạy của Đức Tổ sư về tầm quan trọng và cao quý của Tam Bảo là nơi mà mọi chúng sanh đều luôn hướng về nương tựa. Hay thay, ba cấp bệ thờ tượng trưng cho Tam Bảo này luôn đặt ở vị trí chính giữa của chánh điện và luôn là trái tim của cả khu tịnh xá. Trên nóc của lễ đường đó chính là hoa sen hoặc ngọn đèn chơn lý, biểu trưng cho sự thanh khiết mang sắc thái của tư tưởng Phật pháp bất ly thế gian giác hoặc ngọn đèn chơn lý là biểu trưng của ánh sáng trí tuệ từ Chánh pháp, soi đường chỉ lối cho con người hướng đến Chân-Thiện-Mỹ.

Thật vậy, kiến trúc lễ đường ở chánh điện theo hình bát giác đã tạo nên một lối kiến trúc riêng biệt, không hề nhầm lẫn với bất kỳ tông phong nào của Phật giáo tại Việt Nam. Chúng ta dễ dàng nhận biết được đây chính là trú xứ của Hệ phái Khất sĩ, là ngôi tịnh xá, cho dù chúng ta chưa nhìn thấy bảng hiệu của tịnh xá đó tên gì.

Ngoài kiến trúc lễ đường đặc trưng như vậy, lễ phục của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam cũng có một nét riêng biệt.

Lễ phục của Hệ phái Khất sĩ: Được phân biệt thông qua lễ phục của chư Tôn đức Tăng Ni và lễ phục của cư sĩ Phật tử tại gia. Đối với chư Tôn đức Tăng Ni, lễ phục của người xuất gia là tam y. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang giữ nguyên truyền thống thời Phật còn tại thế, tất cả các vị Tỳ-kheo Khất sĩ đều tuân thủ tam y. Tam y của Khất sĩ là y thượng, y hạ và y trung, dựa trên qui định của Tứ y pháp: “ Nhà sư Khất sĩ phải lượm vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải thì được nhận…”. Tổ sư đã kết hợp màu truyền thống của Phật giáo Bắc truyền cùng với truyền thống hoại sắc y ca-sa của Phật giáo Nam truyền tạo nên màu huỳnh y đặc trưng của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam. Ngoài ra, Tổ sư Minh Đăng Quang còn giữ đúng truyền thống của ba đời chư Phật là khất thực hóa duyên. Do vậy, mỗi nhà sư Khất sĩ đều luôn mang theo mình bình bát. Bát phải được làm bằng đất nung đỏ vuốt tròn, đốt sao cho đen và tạo một lớp sáp mỏng bên ngoài để không còn là giá trị quí giá, và cũng để cho người khác không khởi lòng tham. Y bát là tín vật thiêng liêng của Phật giáo từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế. Y bát cũng là sự kế thừa và phát huy giáo pháp của chư Phật ở đời. Không những thế, y bát còn là ruộng phước để bá tánh quảng kết thiện duyên với đạo Phật, làm lợi ích cho chúng sanh, đem tinh thần rỗng rang, vô quái ngại, xả kỷ lợi tha giáo hóa tha nhân bằng hạnh từ, bi, hỷ, xả. Cũng căn cứ trong Tứ y pháp “Nhà sư khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi,…”, Đức Tổ sư đã giữ đúng hạnh Khất sĩ của ba đời chư Phật trong truyền thống khất thực độ ngọ, không ăn phi thời giúp tín tâm tăng trưởng, tật bệnh đẩy lùi, với phương châm thiểu dục tri túc. Tuy nhiên, Ngài vẫn dung hòa qua cách thức ăn chay và tiếp nhận người nữ xuất gia theo tinh thần của Phật giáo Bắc truyền nhưng không quên giới luật của truyền thống Nguyên thủy là người Khất sĩ không nhận tiền khi đi khất thực, chỉ nhận đủ thức ăn để nuôi thân hành đạo. Vì thực hành hạnh khổ hạnh, truyền thống Khất sĩ Việt Nam luôn tạo đời sống thanh cao, nhẹ nhàng, rỗng không, để tiếp nhận những điều mầu nhiệm của chơn lý Thế Tôn và bình đẳng với mọi chúng sanh cho dù họ là giai cấp nào, tầng lớp nào trong xã hội. Lễ phục của tứ chúng trong Hệ phái Khất sĩ giản đơn, song toát lên vẻ giải thoát cao cả. Đối với lễ phục của hai chúng tại gia, áo giới dựa trên nền tảng của chiếc áo dài truyền thống Nam Bộ với sắc phục màu trắng tinh khiết đúng theo truyền thống thời Phật là bạch y cư sĩ. Trong Trung A-hàm, Đức Phật có giảng bài kinh Ưu-bà-tắc hay còn gọi là Kinh Người Áo Trắng đề cập việc Đức Phật giáo hóa cho người cư sĩ tại gia hộ trì Chánh pháp thông qua việc hóa độ cho nhóm cư sĩ Cấp Cô Độc trong việc gìn giữ ngũ giới: “Này thầy Xá-lợi-phất, thầy có biết rằng nếu một vị đệ tử áo trắng đạo hạnh, biết hộ trì năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp (tăng thượng tâm) thì có thể đạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại, và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh và các nẻo ác khác trong tương lai” (Kinh Người áo trắng, Thích Nhất Hạnh dịch và chú giải, 1992). Đức Phật đã nói rõ tầm quan trọng của người cư sĩ Áo Trắng gìn giữ 5 giới cấm cùng với những hạnh phúc có được khi thực hành ngũ giới và phụng sự Tam Bảo. Hay thay, còn gì quan trọng hơn đối với người Phật tử tại gia trong việc qui y và thọ trì ngũ giới. Hình ảnh chiếc “áo giới” theo truyền thống Khất sĩ Việt Nam đã nói lên hết được ý nghĩa của giới luật mà người Phật tử tại gia phải suốt đời ghi nhớ và gìn giữ sau khi đã vâng thọ. Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, giới luật còn thì Phật pháp trường tồn. Trong đời sống hằng ngày, với biết bao sự cám dỗ của vật chất, công việc, danh lợi, người Phật tử mỗi khi mặc áo giới nghiêm thân lúc đến chùa hay ở nhà lễ Phật, đều hằng tâm niệm rằng chúng ta là những người vinh dự được đứng trong hàng ngũ tứ chúng của Phật và thọ nhận giới luật như một lẽ sống để hoàn thiện chính mình và ngăn ngừa những việc bất thiện có thể phát sanh trong đời sống tại gia. Đức Phật cũng nhấn mạnh: “Xá-lợi-phất, thầy nên ghi nhớ rằng một người đệ tử áo trắng nếu thực tập được như thế là đã chấm dứt được sự sa đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các đường dữ khác, đã chứng đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, không còn thối đọa vào các ác pháp. Người ấy chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác và chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ…” (Kinh Người áo trắng, Thích Nhất Hạnh dịch và chú giải, 1992). Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã dựa trên chuẩn mực đạo đức mà Đức Phật dạy cho người cư sĩ áo trắng trong thời Phật còn tại thế để qui định lễ phục của người Phật tử trong tông môn của Hệ phái Khất sĩ, thật là ý nghĩa thâm sâu và vi diệu.

Không chỉ có lễ đường, lễ phục được Đức Tổ sư Minh Đăng Quang giảng dạy dựa trên việc dung nạp các truyền thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo, trong lễ tụng của Hệ phái Khất sĩ, Đức Tổ sư tài tình Việt hóa các hình thức tụng đọc kinh văn giúp người hành trì dễ dàng tiếp nhận và thấu hiểu sâu sắc những lời dạy của chư Phật, chư Tổ.

Lễ tụng của Hệ phái Khất sĩ: Dựa trên việc tụng niệm kinh điển hoàn toàn bằng tiếng Việt. Điều này vô cùng quan trọng và cần thiết để người đọc tụng thấu đạt những lời dạy thâm diệu của kinh văn mà ứng dụng trong đời sống tu tập hằng ngày. Có thể nói Đức Tổ sư là người đi tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ thuần Việt thông qua tụng kinh bái sám hằng ngày cho tất cả các tín đồ của hệ phái. Đặc biệt, tất cả những kinh điển này được Việt dịch từ kinh văn âm Hán và chuyển tải thành các thể thơ lục bát hay song thất lục bát. Như chúng ta biết cả 2 thể thơ này là 2 thể thơ thuần túy của Việt Nam, vô cùng êm dịu, nhẹ nhàng, sâu lắng giống như bản chất chân thật, hiền hòa, từ ái của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh túy trong văn hóa thi ca của người Việt Nam mà bất cứ ai cũng cần bảo tồn và phát huy tinh hoa đó của dân tộc. Ngoài ra, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là một tông phái biệt truyền tại miền Nam Việt Nam. Cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long là những cư dân nghèo từ xa xưa. Đó là những nông dân khó khổ bị chế độ phong kiến đàn áp, phân biệt đối xử từ miền Bắc, miền Trung tụ về; là những nông dân Khmer hay Chăm-pa thất bại trong cuộc đấu tranh khắc nghiệt chống chế độ phong kiến; là những sư sãi trí thức yêu nước bị vua chúa Thái Lan cướp nước, đàn áp trong thời kỳ hậu Angkor đã theo sông Cửu Long về đây; là những lưu dân, binh lính, địa chủ, thương gia người Hoa ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến vì yêu nước, bảo vệ dân tộc, chống lại chính sách đàn áp của triều đại Mãn Thanh. Cuộc khai sơn phá thạch đã phần nào khắc nên tính cách của họ, thích tự do, chuộng hòa bình, hào hiệp, chan hòa, chuộng thực tế và ưa hài hước. Chính vì đặc tính này, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã khéo léo vận dụng kinh văn trong lễ tụng của Hệ phái sao cho gần gũi với đồng bào miền Nam, không bóng bẩy, không hàn lâm, mộc mạc, nhưng đậm đà sâu lắng lời Phật dạy, nhằm dễ dàng giáo hóa người dân đương thời và giúp đạo Phật đi vào đời sống người Nam Bộ như một bài ca dao mang đậm tính truyền thống nhân văn. Bài ca dao mà bất cứ người Nam Bộ nào cũng thích đọc, thích tụng mỗi khi công việc nhà nông nhàn hạ, đến chùa lễ Phật hoặc suy ngẫm cuộc đời thế sự thăng trầm và dừng lại trước những việc làm sai trái mà nhìn lại chính mình.

“…Ôi! Thật đáng cho đời kính ngưỡng,

Công đức Ngài vô lượng vô biên,

Hỡi chư Phật tử hữu duyên,

Nhớ ơn Từ Phụ cần chuyên tu hành…”.

(Nhớ ơn Phật – Nghi thức Tụng niệm của HPKS)

Hoặc:

“Nhịn nhường là giới đầu tiên,

Kìa chư Phật vẫn nhắc khuyên ta hoài,

Kẻ mong lìa bỏ trần ai,

Mà còn phiền giận thật ngoài chữ tu…”.

(Giới – Tổ sư Minh Đăng Quang)

Thế nhưng xuyên suốt lễ tụng của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam phải kể đến bộ “Chơn lý” mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã dày công biên soạn, thể hiện đường lối quan điểm của mình đối với toàn bộ hệ thống tư tưởng triết học Phật giáo. Bằng tuệ giác và chánh kiến, Đức Tổ sư đã từng bước thay đổi những quan điểm lệch lạc của Phật giáo Nam Bộ ngày ấy, phê phán thói hư tật xấu, bài trừ mê tín dị đoan trong đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương bằng con đường thực hành chánh đạo nối truyền Thích-ca Chánh pháp. Không chỉ đọc tụng hằng ngày mà người học Phật phải suy ngẫm, quán chiếu tất cả những lời dạy của chư Phật, nhằm ứng dụng vào đời sống thường nhật làm lợi lạc cho mình và chúng sanh.

Trong lễ tụng của Phật giáo Bắc truyền, có kết hợp rất nhiều pháp khí khác nhau như mõ, chuông, đẩu, tang, khánh, đàn, trống, thanh la, chập chõa…

Lễ khí của Hệ phái Khất sĩ: Là những pháp khí phối hợp trong việc tụng niệm hằng ngày của Hệ phái. Nghi thức truyền thống của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam không sử dụng mõ, chỉ hòa âm đều nhau, giọng ngang, đều hơi, không sử dụng các pháp khí tán tụng như Bắc truyền Phật giáo, không lên giọng, xuống giọng, trầm bổng. Trong nghi thức của Hệ phái Khất sĩ, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang có phần kết hợp nghi thức của Nam truyền Phật giáo, nhưng có sử dụng chuông trong các thời khóa lễ. Như vậy, lễ khí của Hệ phái Khất sĩ, rất đơn giản và tinh lược, giữ nguyên truyền thống của Giáo đoàn Khất sĩ thời Phật, giúp lời kinh mầu nhiệm dễ dàng đi sâu vào lòng người đọc và chuyển hóa thân tâm của họ. Trong Nghi thức tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ ghi rõ: “Khi trì tụng chỉ đọc thường, chậm rãi, điều hòa, nghe cho dễ hiểu đặng hành theo. Chớ nên dùng sắc tướng, âm thinh trầm bổng, du dương làm sai ý nghĩa kinh pháp. Khi đọc dứt một đoạn, có chữ O thì đánh một tiếng chuông và lễ một lạy. Các nghi thức tùy theo trường hợp có thể linh động đọc nhiều hay ít cũng được, tùy theo thời giờ” (Kinh Nhật tụng của Phật giáo Khất sĩ).

Trong giao tiếp hằng ngày, oai nghi của vị tu sĩ xuất gia và hàng Phật tử tại gia của Hệ phái Khất sĩ cũng được Đức Tổ sư chú trọng.

Lễ nghi của Hệ phái Khất sĩ: Thông thường chư Tăng được hàng Phật tử tại gia kính trọng gọi bằng “Sư”, còn cách đáp từ khi xưng hô lại bằng một cảm từ rất gần gũi và khiêm tốn đó là “Trò”. Nhà sư là từ xuất phát từ “Bhikkhu” nghĩa là người khất thực (Khất sĩ), người sống bằng của bố thí tìm cầu chân lý giải thoát (từ điển Wikiphatgiao.org). Căn cứ vào những lời dạy của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn lý:

“Khất là xin. Sĩ là học (học trò). Có 2 thứ xin:

Xin vật chất để nuôi thân.

Xin tinh thần để nuôi trí.

Từ xin để nuôi thân như cỏ, cây, thú, đến xin để nuôi trí như người, Trời, Phật.

Sĩ là Học (học trò). Học nơi thầy, nơi bạn, học với tất cả vạn vật, các pháp. Nghĩa là học bằng văn tự, bằng lắng nghe (văn), bằng suy gẫm (tư), bằng thực hành, tu tập (tu).

Tất cả chúng sanh đều là học trò vì ai cũng học mới biết, mà học có nghĩa là xin. Người xuất gia nào cũng đi từ Khất sĩ đến Vô thượng sĩ là Phật. Chính Đức Phật là ông Thầy cao thượng Vô thượng sĩ, còn Tăng là Khất sĩ, là học trò đang học.

Khất sĩ là học trò nghèo xin ăn để tu học. Khất sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy, bởi vì chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ”.

Lẽ xin là chơn lý võ trụ mà chúng sanh kẻ thì xin vật chất để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí, ai ai cũng là kẻ đi xin cả”.

Thông qua đó để thấy hình ảnh Sư - trò gần gũi thân thương, dung dị giữa đời thường trong lễ nghi đối nhân xử thế giữa người xuất gia và người tại gia. Từ oai nghi, phạm hạnh, lời ăn tiếng nói có sự cẩn trọng ý tứ, khinh an, từ ngôn ngữ giúp đời bằng sự khiêm cung cầu học. Lễ nghi ấy thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao.

Nói tóm lại, từ các vấn đề nghi lễ của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, càng minh chứng cho đường lối tu tập “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” mà Đức Tổ sư hằng mong mỏi và dày công tạo dựng. Chúng con hàng hậu học, bằng tất cả tấm lòng thành kính thông qua bài viết này như một nén tâm hương kính cẩn dâng lên Người nhân dịp Tưởng niệm 60 năm Ngài vắng bóng.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang.

Ban Biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật học, Nxb. Tôn giáo, 2006.

Kinh Pháp Cú (bản dịch HT. Thích Minh Châu).

Thích Nhất Hạnh (dịch và chú giải), Kinh Người áo trắng, 1992.

Nghi thức Tụng niệm của Hệ phái Khất sĩ.

www.daophatkhatsi.vn

www.wikiphatgiao.org

www.anhnhiendang.com

ThS. Nguyễn Trung Toàn
Giám đốc Công ty Du lịch Hành hương Zenflower Travel
Giảng viên Khoa Văn hóa Du lịch, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM
Giảng viên môn Di tích lịch sử chùa,
Trường Trung học Nghiệp vụ DL & KS Saigontourist