Nghĩ về vấn đề Tu-Dạy-Học của Tổ sư Minh Đăng Quang

Vào những thập niên của nửa đầu thế kỷ XX, đất nước Việt Nam đang lâm vào tình trạng bị các nước ngoại bang xâm lược, khiến cho đời sống của nhân dân vô cùng bức bách, cơ cực. Cùng chung số phận, Phật giáo lúc bấy giờ cũng mất quyền tự chủ, nhiều mặt hạn chế dần dần bộc lộ, tệ nạn mê tín cũng bắt đầu lan tràn. Điều này đã được ghi rõ trên trang sử liệu Phật giáo: “tình trạng khốn đốn của thời buổi này chẳng khác nào đóng cửa để chờ chết, vì chẳng còn hệ thống tổ chức như trước kia… mọi hình thức của Phật giáo bị chúng làm tê liệt cả”. Do điều kiện khách quan của thời cuộc, lại đang trên chặn đường khai lập Hệ phái, với danh xưng là Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam, bằng phương châm nối truyền Thích Ca chánh pháp. Đối với việc tu tập và hoằng đạo Tổ sư hoàn toàn không theo đường lối cũ. Sự thật này trong bài viết: Tổ sư Minh Đăng Quang với phong trào chấn hưng Phật giáo cùng tâm nguyện nối truyền Thích Ca chánh pháp của Hòa thượng Trung Hậu đã nêu ra rất cụ thể: “Đạo Phật Khất sĩ ra đời đã đem lại cho Phật giáo Việt Nam một bộ mặt mới, một sức sống mới. Sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang thông qua sự kiện cầu đạo, ngộ đạo, hành đạo và hình thành hệ phái Khất sĩ… có thể xem đây là một đóng góp, một nối tiếp của phong trào chấn hưng Phật giáo”.‚ Bàn về đường lối, tổ chức, nghi thức, tu học và giáo hóa... nội dung này tương đối rộng.

Ở đây trong phạm vi ôn lại đường lối tu học và hành đạo của Tổ Thầy. Vì vậy người viết chỉ xin giới thiệu về hai vấn đề: Một là đường hướng Học – Tu – Dạy bằng thân giáo qua hạnh khất thực du phương, hai là phương cách Học – Tu – Dạy bằng khẩu giáo được biểu hiện từ những ý pháp trong Chơn lý.

NS. Nguyện Liên trình bày trong khóa Bồi dưỡng trụ trì 2018 tại PV. Minh Đăng Quang

Trước sự diễn biến của bối cảnh xã hội đương thời, trong giai đoạn đầu mở đạo và hành đạo của Hệ phái Khất sĩ nói chung và chủ trương của Tổ nói riêng. Tổ cho rằng, để đáp ứng với nhu cầu xã hội lúc bấy giờ, việc cấp bách trước mắt là xã hội đang cần bồi dưỡng những bậc chân tu phạm hạnh, hầu góp phần chấn hưng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng để làm chỗ dựa tinh thần cho người dân, hầu đáp ứng kịp thời trước xu thế chung của thời đại. Vấn đề này đã được phản ánh vô cùng rõ nét trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược như sau: “Những bậc Cao Tăng tuệ đức thì ít như sao mai, kinh điển còn nằm nguyên trong Hán tạng, người xuất gia thì quên chí nguyện cao cả của mình là ‘tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự’ để hoằng hóa chánh pháp, phổ độ chúng sanh. Lại còn đồng hóa theo thế tục… lấy sự cúng kiến làm kế sinh nhai… Nhìn chung thì cả bầu trời Phật giáo Việt Nam lúc đó đang chìm trong bóng tối âm u”.‚

Đối diện trước tình trạng xã hội đạo đức người xuất gia đang bị tha hóa, trụy lạc trầm trọng, từ phẩm hạnh đạo đức, lối sống, giới luật phạm hạnh cho đến lý tưởng xuất trần cao cả… cả thảy đều suy thoái, tiêu cực, mê lầm không thể nghĩ bàn, phần lớn chỉ chuyên chú đến hình thức xen lẫn sắc màu mê tín tà đạo, làm bế tắc đời sống tâm linh đối với tín đồ. Với sứ mạng thiêng liêng của bậc sứ giả Như Lai kết hợp tinh thần nối truyền Thích Ca chánh pháp, Tổ sư cho rằng, việc chấn chỉnh, trang nghiêm thân hành bằng cách dọn lòng an tịnh, sống đời tri túc, vô tham, vô si, xả kỷ, lợi tha, hướng thượng bằng lộ trình du phương khất thực là điều cần yếu hơn hết. Đó cũng chính là cách hoằng pháp sống động và thiết thực nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Điều này đã được Đức Tổ sư đề cập và vạch ra phương hướng rất tiêu biểu trong Chơn lý 58 Đạo Phật Khất sĩ: “Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn. Con đường ấy là Khất sĩ. Họ của chư Phật ba đời là Khất sĩ. Khất sĩ là lẽ thật của chúng sanh, mục đích của chúng sanh. Khất sĩ là đến với giác chơn, toàn học, biết sáng tự nhiên, hết mê lầm vọng động...”

Bước kế tiếp Ngài còn triển khai tinh thần sống theo con đường Khất sĩ ấy như thế nào qua chơn lý Trên mặt nước: “Vừa đi xin ăn tạm để nuôi thân sống qua ngày mà lo việc muôn năm khắp cùng thiên hạ, lo cải sửa phong hóa lễ nghi, đức tánh, gương hiền đem sự trong sạch, yên lặng, sáng suốt cho đời, cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, chỉ đạo cho người tu, dìu dắt lớp trên, ông già, cao trên xã hội”.

Qua lời dạy trên chúng ta phải nên thừa nhận rằng, trong đời sống tu hành, khất thực là một nếp sống không phải là do Tổ sư hay một ai chế ra mà là hạnh lành của ba đời chư Phật. Lối sống này không những đã khôi phục được đời sống phạm hạnh của Tăng đoàn xưa, còn làm gương sáng mẫu mực cho đời nương theo và cũng để củng cố niềm tin đối với giới cư sĩ tại gia. Nói khác hơn, đây cũng chính là phương pháp hàm chứa tinh thần lợi hành và đồng sự trong tứ nhiếp pháp, hầu dễ dàng gần gũi tiếp độ tha nhân đến với đời sống thiện lành và đạt thành giác ngộ giải thoát.  

Mặt khác, trong việc giáo hóa môn đồ, tín chúng như trên đã đề cập, Tổ sư không chủ trương dùng hình thức cũ như tổ chức trường lớp theo hệ thống giáo dục truyền thống, cũng chẳng bày biện những nghi thức cúng kiến rườm rà, phiền phức như trước kia, Ngài chỉ giáo dục theo tinh thần gia giáo, tức thầy trực tiếp truyền dạy cho trò. Thế nhưng cách truyền dạy rất đặc biệt qua thân giáo và khẩu giáo của Ngài đã để lại trong lòng đệ tử và tín chúng một dấu ấn vô cùng sâu sắc. Có thể nói phương pháp đó đã ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của hàng đệ tử, tín đồ Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, đặc biệt là Tăng tín đồ của Hệ phái Khất sĩ. Bởi vì định hướng ấy đương thời quả thật rất phù hợp với nhu cầu tâm linh của đại đa số quần chúng đang mong mõi tìm cầu, nhưng hoàn toàn không lệch lạc với chánh kiến và giáo nghĩa đạo Phật. Quan điểm này được phản ánh linh hoạt trong bài viết của Đại đức Minh Duy: “Ngài giảng dạy nghĩa lý bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, rõ ràng, cụ thể… chính sự giản dị, thanh thoát, cao thượng trong pháp tu, pháp hành, trong sở đắc, đặc biệt là trong các buổi dạy cho hàng đệ tử, nên thời gian tuy ngắn, nhưng hàng đệ tử xuất gia và tại gia được mở rộng và phát triển rất nhanh”.ƒ

Sau đây chúng ta thử tìm hiểu nội dung chủ yếu của vấn đề Học – Tu – Dạy của Tổ sư được thể hiện nổi bật qua hai mặt như sau:

1. Đường hướng Học – Tu – Dạy bằng thân giáo qua hạnh khất thực du phương

Xuất phát từ tâm nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” nhằm kế thừa tinh thần tu đạo và hành đạo của ba đời chư Phật, trong Chơn lý Khất sĩ Tổ đã khẳng định: “Người xuất gia nào cũng phải đi từ hai chữ Khất Sĩ đi lên, để đạt đến cảnh giới Vô Thượng Sĩ là Phật”. Do vậy Tổ sư đã hướng dẫn đệ tử dùng đạo hạnh thanh thoát đi du phương khắp nơi cùng xứ, sống đời rày đây mai đó. Theo quan niệm của Tổ Sư, bậc du Tăng Khất sĩ không phải xin ăn chỉ để bảo tồn sinh mạng, mà phải xin ăn với ý nghĩa cao thượng, trong sạch: “Xin vật chất để nuôi thân và xin tinh thần để nuôi trí. thân trí tròn đầy mới có thể hướng đến tâm Phật chơn như”. Lại nữa, chủ trương của Tổ cũng xác định rằng: “Người thật hành đúng theo chơn lý gọi là Khất sĩ. Khất ấy là xin, sĩ đây là học. Xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy, xin thực phẩm để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành bằng phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu”.

Chúng ta biết khất thực là truyền thống của mười phương ba đời chư Phật. Ngày nay Tổ sư muốn duy trì truyền thống này nhằm mục đích đưa đến tự lợi, lợi tha. Tự lợi là dùng khất thực làm phương tiện nuôi dưỡng sắc thân để tu tập. Lợi tha là dùng thân hành trang nghiêm, hạnh đức trong sáng nhằm gợi phát sự phát tâm bồ đề của tín chúng hầu giáo hóa và làm phương tiện tạo phước điền cho chúng sanh.

Hơn thế nữa, Tổ còn nhấn mạnh, người Khất sĩ ngoài việc xin vật chất nuôi thân, tinh thần nuôi trí ra, còn phải hiểu rõ lẽ xin là chơn lý của võ trụ. Bởi vì chơn lý là cái biết của bản thể, nhờ cái biết ấy mà chúng ta mới thấu suốt được các pháp do nhân duyên sanh và thấu rõ bản chất vô thường, biến động và không thật của vạn pháp. Từ đó giúp ta có được cái nhìn đúng đắn trước sự biến động của vạn vật, để hóa giải được mọi lo âu, sầu muộn, tránh khỏi những thói quen xấu ác, tham lam, ích kỷ, bám víu, chấp chặc và si mê. Đồng thời sự quán chiếu này cũng giúp chúng ta rút ra những bài học, lẽ sống nơi vũ trụ và các pháp, đem lại cho chính mình đời sống an bình, hạnh phúc, xả kỷ, lợi tha cùng tâm thức trong sáng, tỉnh lặng. Thế nên trong Chơn lý Khất sĩ, Tổ nêu lên từng sự việc tu tập cụ thể như sau: “Các Ngài nói mình Khất sĩ là để giữ cái gốc vốn chơn như không tham vọng. Các Ngài nhớ mình Khất sĩ là để cho ý muốn tham chẳng còn sanh. Các Ngài thực hành Khất sĩ là để cho thấy rõ cái không không của tham vọng. Khất sĩ là giải thoát trói buộc, phiền não vô minh vọng động, để sống bằng chơn như, trí tuệ, an lạc, thong thả, rảnh rang không còn tạo nghiệp thì luân hồi sanh tử, khổ não mới đặng dứt”. Hoặc trong Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ cũng tóm kết: “Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời, về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau để gương cho đời bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý sống, biết, linh, trong võ trụ đạo đức”.

Thông qua hàm ý trên chúng ta có thể thấy đường lối học đạo, hành đạo của Tổ rất đặc trưng, Ngài dạy người xuất gia hằng ngày phải sống đúng với danh xưng Khất sĩ. Tức sử dụng lộ trình du phương hành đạo, vừa trang bị cho mình thân tướng trang nghiêm, thanh tịnh, vừa thấu suốt chơn lý lẽ thật của vạn pháp. Điều này thật sự phù hợp với vai trò và bổn hoài của người xuất gia, đó là thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sanh. Vai trò của người xuất gia là phải tự mình học hỏi chánh pháp để tự mình thấu suốt, giác ngộ chơn lý, sau đó giáo hóa, hướng dẫn người khác cùng giác ngộ, cùng tu tập, đạt đến cảnh giới giải thoát Niết bàn.

Bởi vì chính hạnh nguyện đi khắp đó đây du phương khất thực ngoài việc tạo ruộng Phước cho người người gieo giống bồ đề. Thứ đến là nhờ chiếc bát hóa duyên sẽ giúp người Khất sĩ diệt trừ được tham sân si cho tự thân, bên cạnh đó phương pháp hóa duyên cũng thể hiện tinh thần vô ngã vị tha rất cao, vì ngày ngày người Khất sĩ chỉ sống bằng đời sống thảnh thơi, tâm trí luôn theo đuổi mục đích tu học vì chúng sanh và tế độ chúng sanh. Nói cụ thể hơn, đó cũng chính là đời sống du phương của ba hạnh Khất sĩ, Khất sĩ thinh văn, Khất sĩ duyên giác và Khất sĩ Bồ tát, như trong Chơn lý Khất sĩ đã đề cập: “Sống đời thanh bần đơn giản, chỉ để tâm trí theo đuổi mục đích của tu học vì chúng sanh, để tế độ chúng sanh, bụi trần không ô nhiễm, sáu căn thanh tịnh, không còn sự mê lầm bổn ngã…” hoặc “Tinh tấn tu hành, an lạc trong vòng đạo đức, thắng phục tâm ý mình đặng làm lành… vạch đường giải thoát cho muôn loài tránh khổ…. đem thân làm ruộng phước tốt đẹp cho kẻ mong cầu cúng thí đặng gieo giống Phật, diệt lòng ma. Chính sự không nói làm sái quấy là phân chất nước trong tốt đẹp, để cho người xem thấy đó mà nảy phát thiện huệ, chơn tâm, hột giống đặng đem gieo trồng có chỗ tưới vun”.

Ngoài ra Tổ còn chỉ rõ: “Sĩ là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò; học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp; học với Phật Pháp Tăng ba đời; học từ xóm làng tỉnh xứ đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh; nghe lời nói; học bằng lo lắng nghĩ ngợi; học nơi sự thật hành; học nơi cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, đất, nước, lửa, gió”.

Vậy đối với vấn đề học, chúng ta thử tìm hiểu xem học nơi Thầy, nơi bạn, học với tất cả vạn vật chúng sanh, các pháp là thế nào?

Theo chủ trương của Tổ, người Khất sĩ không chỉ học nơi trường học, mà phải học khắp chốn cùng nơi, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học nơi xóm làng, tỉnh xứ đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh.

Bởi vì Người Khất sĩ là người sống đời rày đây mai đó, nên có thể học với tất cả chúng sanh vạn vật, do đây có thể quán chiếu vạn pháp, thấu suốt được lẽ thật chơn lý, tức sẽ giản trạch, nhận chân được cảnh đời vô thường, vạn pháp vô ngã, để không bị cột trói trong thất tình lục dục, tự tại đối với tám ngọn gió trần tục. Không những thế Người khất sĩ còn phải học nơi cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, đất, nước, lửa, gió. Như Đức Phật đã từng dạy La Hầu La quán sát về đất và hãy trưởng thành như đất. Bởi vì đối với đất dù con có ném phân, nước tiểu, hay máu trên đất thì đất cũng tiếp nhận không hề tức giận, không vướng mắc, tự hào, cũng không oán hờn tủi nhục.... Ngược lại đất vẫn luôn vận hành trong trạng thái tự nhiên. Tại sao? Tại vì đất là địa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hoá.

Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hoá tất cả mọi bất công, oan ức.. và những thứ ấy không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau. Thế nên con hãy phát triển tâm mình giống như đất vậy. Đối với nước, lửa, gió, không gian cũng vậy… con nên thực tập được như chúng, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả. Chính từ ý pháp này, nên trong Chơn lý “Võ trụ quan” Tổ dạy rằng: “Hãy sống với võ trụ! Hãy học hiểu thấu rõ chơn lý, ta sẽ thấy ta không còn cách biệt với vạn vật nữa”. Hoặc linh động hơn, trong chơn lý Khất sĩ Tổ còn khéo léo nhắc nhở hàng đệ tử nên chú ý: “Muốn được học, nếu là kẻ thật học, phải ra người khất sĩ, khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng rèn nuôi chí nhẫn, và thong thả học hành, ngao du thiên hạ. Vừa là tự mình đi tới, và dắt lần những kẻ khác cùng đi theo”.  

Qua cách định nghĩa cho thấy, cách học của Tổ là cái học thực dụng, cái học để quay trở về bản tâm, để lợi ích cho mình và người, chớ không phải học như người đời chỉ với mục đích hướng về đời sống cá nhân, hoặc để hưởng lợi ích vật chất. Tóm lại, đối với Tổ việc xin, học của người Khất sĩ có mối tương quan hết sức mật thiết và đã thể hiện đầy đủ phương pháp tu tập tự lợi và lợi tha ngay trong cuộc sống này. Và đây cũng chính là hàm ý của lối Học – Tu – Dạy bằng con đường du phương, bằng hạnh Khất sĩ. Điều này trong Chơn lý “Hòa Bình có thể minh chứng: “Học bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. Dạy là đem kết quả thật hành đặc điểm, chỉ lại cho người! Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, hai pháp nương sanh, mở ra một con đường xán lạn cho tất cả kẻ về sau tiến bước”.

Ngày nay tuy việc khất thực không còn phổ biến như xưa. Nhưng với vai trò sứ giả Như Lai, kết hợp với việc học gương hạnh xưa của Tổ Thầy, con thiết nghĩ người con Khất sĩ phải nên ứng dụng và thể nghiệm pháp xin, học và dạy bằng ý pháp khất thực qua tính triết lý và thực dụng như trên đã hướng dẫn, để người người cùng Học – Tu – Dạy lẫn nhau về đạo đức nhân sinh, khuyên nhắc lẫn nhau cách sống vô tham, vô gia sản theo tinh thần Khất sĩ, đây cũng là điều kiện, là nhân duyên khiến người người biết chia sẻ cho nhau những điều tốt lành, những kinh nghiệm hóa giải phiền não, hầu góp phần làm lợi lạc cho muôn loài cùng tất cả xã hội, nhân loại. Tuy nhiên muốn viên mãn lộ trình này, ngoài bổn phận tích cực trong việc nghiên cứu, tô bồi trí tuệ, còn phải tu tập Giới Định Tuệ, để trang nghiêm tự thân và thuyết pháp độ sanh theo bổn hoài của bậc xuất trần thượng sĩ đúng với ý nghĩa thượng cầu hạ hóa. Hay nói theo tiêu đề bài viết là Học – Tu – Dạy theo đường lối Khất sĩ của Tổ sư.

 Nói cách khác, với tâm nguyện kế thừa Thích Ca chánh pháp cùng bi nguyện xót thương, luôn nghĩ tưởng đến nhân loại còn đang sống trong lầm than đau khổ. Noi gương Tổ sư, các Đức thầy, cùng chư vị Ni trưởng, người con Khất sĩ chúng ta cần phải chuyên chú tư duy về lý tưởng hạ hóa chúng sanh bằng thân giáo, tức ngày xin vật thực do thiện tín cúng dường nuôi thân tạm, đồng thời phải có trách nhiệm tích cực trang nghiêm tự thân bằng thân hành chánh niệm tỉnh giác từ ý nghĩ, lời nói, việc làm cho đến tứ uy nghi đi, đứng, ngồi, nằm luôn thu thúc, hầu đem gương lành trong sáng của đời sống phạm hạnh để cảm hóa và kết duyên với thế nhân, dìu dắt họ bước dần đến địa vị Thánh hiền.

Bởi vì chúng ta đều biết theo lý duyên sinh thì sự sống của con người vốn phải nương nhau và phải biết hướng tới một lối sống theo lẽ đạo như một Khất Sĩ. Hơn thế nữa, thấu rõ được lẽ sống tương quan, tương duyên trong cuộc đời bằng thuyết nhân duyên trong giáo lý nhà Phật, sẽ giúp chúng ta rõ biết được ý nghĩa cao thượng của việc ăn xin như lời Tổ dạy: “Giáo lý ăn xin là sự chan hòa cho nhau, tức là công lý võ trụ, là pháp bảo, hay chơn lý, triết lý nhiệm mầu. Người này nấu cơm, người kia ăn. Người khác may áo, người nọ mặc. Kẻ này cất nhà, kẻ kia ở. Kẻ khác lo thuốc cho kẻ nọ đau”. Ngoài ra, trong Chơn lý Trên mặt nước, Tổ cũng từng nói rõ tầm quan trọng và mối quan hệ mật thiết giữa mình, người và xã hội như sau: “Những bậc tu xuất gia, tuy không còn dính dấp với xã hội gia đình, nhân loại, nhưng cũng đem thân mạng đền trả cho đời bằng gương nết hạnh hiền lương; và lời nói, việc làm, ý niệm, đạo lý, đem giúp đỡ cho xã hội, gia đình bình yên, trong sạch sáng láng, nên mới được đứng vững lâu dài, không rối loạn”.

Như vậy lời dạy của Tổ về giáo lý ăn xin kết hợp với lý duyên sinh rõ ràng đã chỉ đạo cho chúng ta một phương pháp Học – Tu – Dạy bằng lối sống chia sẻ, chan hòa cho nhau, không những vậy còn có trách nhiệm đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ nhau, để cùng nhau tồn tại và phát triển. Càng phong phú hơn nữa, nếu mỗi người Khất sĩ hiểu và ứng dụng được tinh thần trên sẽ giúp chúng ta thực hiện được sống đời vô tham, không tự kỷ, si mê, cố chấp, ngược lại còn dạy chúng ta sống có trách nhiệm, biết đóng góp, sẻ chia và nâng đỡ cho tha nhân. Đây chính là con đường Học – Tu – Dạy bằng thân giáo của Tổ sư đã kế thừa Thích Ca Chánh Pháp nhằm hướng dẫn cho nhân sinh sống đời hòa hợp an vui và giải thoát ngay trong hiện tại.

2. Phương cách Học – Tu – Dạy bằng khẩu giáo được biểu hiện qua bộ Chơn lý 

Bước kế tiếp theo tinh thần giáo hóa và bổn hoài của Tổ sư, Ngài đã khẳng định một cách sâu sắc về cách Học – Tu – Dạy bằng khẩu giáo qua những ý pháp vô cùng đặc sắc như sau: “Người Khất sĩ phải là người có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ”. Hoặc trong Chơn lý 19, Học chơn lý, Tổ còn nói rõ hơn về quan niệm này: Chúng ta phải qua khỏi cái học ác buổi đầu, để đến với cái học thiện thứ hai và lần lên cái học chơn lý thứ ba rốt ráo… Vậy chúng ta phải đến với sự học chơn lý; người biết chơn lý là sẽ biết rõ tất cả thiện ác, vì người biết chơn lý là đã ở ngoài vòng giả dối của thiện ác, nên chi dòm ngó vào trong là sẽ được thấy biết rõ ràng.

Chúng ta đều biết, trong kinh điển Đại thừa Đức Phật đã từng khẳng định tất cả mọi người, cũng như tất cả các loại chúng sinh khác, đu có đầy đủ khả năng thành Phật. Chúng sinh và Chư Phật đu có chung một bản thể sáng suốt, thể tính ấy trong sạch, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt. Nhưng thể tính của chúng sinh lại bị bụi dơ phủ kín, làm cho mình mê lầm, ngu tối. Do đây sự khác biệt giữa chúng sinh và Phật không phải do nơi bản thể, nơi chân tâm, mà do ở sự sai biệt giữa sự giác ngộ sáng suốt và ngu tối mê lầm. Khác với chúng ta chư Phật là những chúng sinh đã giác ngộ hoàn toàn, còn chúng sinh cứ mãi đắm say trong cảnh tham lam, sân giận, si mê giả tạm, nên chưa thành Phật. Vậy nên, đường lối tu ở đây là nhắc nhở chúng ta phải thấu suốt và hằng tỉnh giác. Bởi vì lâu nay chúng ta cứ lầm tưởng cái gì cũng thật, mà vạn vật vốn là duyên hợp hư dối, nếu thấy nó thật tức là mê. Bởi mê cho nên chạy đuổi theo vật, rồi bám víu, tranh giành, chấp giữ, do đó mà đưa đến đau khổ. Như Tổ Huệ Năng đã từng dạy: Niệm trước mê tức phàm phuniệm sau ngộ tức Phật”.

Trong Chơn lý 33 Trường đạo lý, ngay đoạn mở đầu, Tổ sư cũng giới thiệu trong một xóm làng nọ, các bậc làm cha mẹ vì suốt ngày lo làm ăn vất vả. Cả đời họ chỉ mãi quanh quẩn chạy đuổi theo sự ăn mặc ở bệnh, thậm chí Ngài còn mô tả hoàn cảnh sống của họ chẳng khác gì cái rọ. Vì thế đối với khái niệm trường học, học vấn giáo dục, họ hoàn toàn chẳng hiểu biết, thế thì họ làm sao biết đến mục đích tấn hóa về đạo đức?

Thật vậy, đa phần chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay cứ lầm tưởng cuộc sống hạnh phúc của con người chính nhờ có đầy đủ đời sống vật chất, tiện nghi và mức sống sung túc nên chúng ta đã không ngần ngại lao mình vào công việc, tiền tài và danh vọng. Chúng ta chẳng nhận ra rằng, tiền tài và những tiện nghi vật chất xa hoa kia không thể giải quyết mọi vấn đề, đôi khi chính vì chúng mà chúng ta có thể đánh mất chính mình. Thế nên trong đoạn Chơn lý trên Tổ đã cảm khái và xót thương cho các bậc làm cha mẹ cứ mãi mê vất vả lo làm ăn, cả một đời họ sống như cái rọ, để rồi chẳng biết gì về khái niệm trường học, giáo dục, đạo đức…

Theo quan niệm thông thường cho rằng, trường học là nơi thắp sáng những ước mơ hoài bão, hay nói khác hơn, đó cũng là nơi cung cấp cho con người những kiến thức đầu đời, dạy cho con người đạo nghĩa sống. Để mai sau lớn lên mỗi người trở thành một thành viên hữu dụng cho gia đình và xã hội. Đối với Tổ sư trong Chơn lý 19 Học chơn lý, Ngài cho rằng “Trường học là chơn lý, nơi đây có nghĩa là học dài, học mãi, học không chán, không lui, là sự học có đầu có đuôi, có khoảng giữa, có mục đích, có ích lợi, cái học không bao giờ gián đoạn”. Như vậy trước tiên Tổ cho rằng, trường học là chơn lý, sự học ấy phải có mục đích, có lợi ích, sự học ấy phải có đầu, có đuôi, có khoảng giữa và phải học mãi không ngừng, không chán, học cho đến lúc viên mãn. Theo quan điểm của Tổ, trường học là chơn lý, thế thì chơn lý là gì?

Nói đến chơn lý, trong Chơn lý 21 Chánh pháp Tổ định nghĩa: “Chơn lý là lẽ thật trong võ trụ. Từ tứ đại địa cầu sanh ra cỏ, cây, thú, người, Trời, Phật. Lẽ thật ấy là tiến, là sống, mà chánh pháp của chư Phật là sự chỉ rõ cách tiến đến quả Phật cuối chót”.

Lại nữa, trong Chơn lý Đời đạo đức cũng giới thiệu rằng: “Kìa một người nọ, sớm đã giác ngộ chơn lý, biết rõ lẽ không ta, không của ta trong võ trụ, nên người dứt lòng tham muốn, không tâm chủ một vật chi cả. Người dùng nhà đất làm của tạm chung đúng phép, người lập ra đạo tràng, trường dạy học tu để sống chung”.

Hoặc trong Chơn lý 9 Chánh đẳng chánh giác lại khẳng định: “Chơn lý tức là công lý, hay là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác vậy…. Chánh đẳng chánh giác Giáo lý của trung đạo cốt yếu để đem lại chữ hòa cho tất cả, tức là chơn lý của võ trụ. Cũng như gò đất cao thì chan sớt vào trũng thấp, cao phải thấp bớt, thấp phải đầy lên, để cho được bằng nhau, mới là yên tịnh”.

Đức Phật thì cho biết rằng: việc nhận biết sự vật đúng như thật là sự nhận biết cao nhất. Tất cả những gì Đức Phật dạy đều là thực tại như thật. Ngài nói rằng dù Như Lai có thuyết giảng hay không thuyết giảng giáo pháp cho các đệ tử thì giáo pháp ấy vẫn y như vậy”.

Thông qua những định nghĩa về khái niệm chơn lý cho thấy, đối với những người con Phật trên lộ trình tầm cầu giác ngộ giải thoát thì chơn lý chỉ là những nguyên lý sống đúng theo sự vận hành của các pháp. Nghĩa là người con Phật chỉ cần triệt để sống thuận theo những nguyên lý đó tức đã tìm được chơn lý giải thoát rồi vậy. Hay nói cách khác, muốn đạt được chơn lý chúng ta chỉ cần sống đúng, sống thuận với nguyên lý của vũ trụ, tức biết rõ vạn pháp trong thế gian này luôn vận hành theo tiến trình “sanh, trụ, dị, diệt”, vạn pháp có sanh thì có trụ, rồi hoại và dần dần tiến đến chỗ diệt vong. Khi biết rõ như vậy chúng ta sẽ không còn bị quá trình “sanh lão bệnh tử” chi phối, hoặc khổ đau vì chúng, vì chúng ta luôn biết rõ có thân ắt có bệnh. Khi đã giác ngộ thế gian vô thường thì lúc bệnh hoạn ốm đau chẳng làm ta buồn chán, khi xa lìa người thân thương cũng chẳng cảm giác khổ đau, hoặc mong cầu điều chi không được chẳng hề than trách, bởi vì các pháp do duyên sinh, có gieo nhân mới gặt quả…. Quan trọng hơn nữa, nhờ thấy rõ mặt thật của vạn hữu nên giúp chúng ta biết rõ lẽ không ta, không của ta trong võ trụ, thế nên con người mới dứt được lòng tham muốn.

Thông qua dẫn chứng và lập luận trên cho thấy, Tổ đã chỉ rõ phương pháp sống thế nào mới gọi là sống đúng với chơn lý, tức thấy được lẽ thật qua quá trình vận hành của muôn pháp, mà sống theo lẽ thật ấy chính là lối sống tiến. Tuy nhiên để thành tựu đời sống tiến này chúng ta phải nương tựa nơi chánh pháp của chư Phật. Như vậy Ngài đã hướng dẫn cách sống tiến như thế nào để đạt đến quả Phật cuối chót. Hoặc thiết thực hơn nữa, trong Chơn lý Chánh đẳng chánh giác Tổ cũng khẳng định rằng, Chơn lý tức là Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác, con đường Trung đạo này cốt đem lại chữ hòa cho tất cả, ví như gò đất cao thì chan sớt vào trũng thấp, cao phải thấp bớt, thấp phải đầy lên, để được bằng nhau, có thế mới yên tịnh. Trong cuộc sống nếu chúng ta biết sống theo lẽ Trung đạo, tức sống đời chan hòa, kẻ có chia sẻ cho kẻ không có, kẻ trí dạy cho kẻ ngu, người thiện lành, giác biết hướng dẫn dìu dắt kẻ hung dữ, chưa biết… để tất cả được chan hòa, bằng nhau, đời sống ấy chính là Trung đạo, đúng theo lẽ sống chung.

Mặt khác, trong đoạn Chơn lý Đời đạo đức như trên đã nêu ra cũng khẳng khái một điều, nếu người nào sớm giác ngộ chơn lý, biết rõ lẽ không ta, không của ta trong võ trụ, thì người ấy sẽ dứt được lòng tham muốn, bởi họ hiểu được về giáo lý vô thường, vô ngã, duyên sinh, tức lẽ vận hành như thật của chơn lý võ trụ.

Chính vì ý pháp này nên trong Chơn lý 56 Hòa bình Tổ đã ân cần khuyên nhắc: “Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ. Kẻ thật hành đúng chơn lý gọi là Khất sĩ”.

Điều này càng biểu hiện rõ, con người nếu biết sống cho tất cả, vì tất cả, thì sự sống ấy là thiện lành, là hợp chơn lý. Bởi vì sự Sống thiện chính là sống có trách nhiệm, cũng là sự sống đầy đủ hiểu biết, tin sâu nhân quả, tin khả năng làm chủ của chính mình và biết san sẻ, nâng đỡ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống. Thế nên một tư tưởng gia đã nói: “Ðạo Phật đúng ra không phải là một tôn giáo, mà là một nghệ thuật sống thiện để tiến hóa”.

Chúng ta đều biết con người là tổng hợp của các mối quan hệ trong xã hội, không ai có thể tồn tại đơn lập trên trái đất này. Do vậy có thể nói, vấn đề Tu - Học – Dạy đối với xã hội hiện nay càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi vì chỉ như vậy mới giúp từng cá nhân hòa hợp tốt hơn đối với đời sống gia đình, xã hội, tạo nên các mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người, con người với môi trường.

Đặc biệt hơn nữa, tư tưởng Học - Tu của Tổ sư đã từng nhấn mạnh, học là để khai tâm mở trí, chuyển hóa nội tâm, đưa người học hướng đến đời sống xuất ly thông qua thực hành con đường phạm hạnh. Ngoài ra, Tổ còn quan niệm, làm người phải có sự học mãi, học không ngừng, nhưng sự học ấy phải có mục đích, có lợi ích và học cho đến viên mãn. Bởi vì chúng ta học là để phát triển hết năng lực của chính mình, tức biết làm chủ bản thân, biết giá trị sống của đời mình, đó chính là mục đích của sự học. Vậy nên theo Tổ sư mục đích của sự học không gì khác hơn là thấy đúng như thật sự vận hành của các pháp, nên trong Kinh Pháp Cú nói: “Nếu người sống trăm năm, không biết pháp sinh diệt, chẳng bằng sống một ngày, mà được rõ biết chắc”.

Quả thật, khi hiểu rõ pháp sinh diệt, chúng ta sẽ tự biết điều phục cuộc đời mình để sống sao cho tốt đẹp, giá trị và tấn tới. Nên ở trên Tổ đã tuyên bố chơn lý là lẽ thật, lẽ thật ấy là tiến, là sống. Tuy thời gian chúng ta sống trên cuộc đời này không quá dài, nhưng cũng tạm đủ để chiêm nghiệm về giá trị sự sống. Đồng thời cũng thấu suốt rằng, sự sống quý ích chẳng phải để hưởng thụ, tranh đấu và chiếm đoạt, mà chính là giác ngộ chánh pháp, biết yêu thương và tô đắp cho cuộc đời được tươi đẹp, ngoài ra còn phải biết thương yêu, bao dung, tha thứ và hỗ tương cho nhau như lời Tổ dạy trong Chơn Lý Hòa bình: “Nào ai có thể tự sống riêng biệt lấy mình, mà không cần nhờ nơi tất cả? Chính thân ta đây, đã do biết bao người tạo sanh và nuôi dưỡng... Từ lúc lọt lòng, đã chịu ơn muôn loại: thức ăn, sự mặc, chỗ ở, thuốc men, các việc nhu cầu,.... há phải chỉ một đôi người đảm nhận? Vạn vật chung quanh ta lúc nào cũng đỡ nâng đùm bọc”. Ở đây Tổ muốn nhắc nhở chúng ta, con người là một thành phần của thiên nhiên chứ không phải là chủ của thiên nhiên. Quyền sống, quyền phát triển tốt đẹp là của chung cho các loài chúng sanh. Do đó, con người phải có bổn phận và trách nhiệm gìn giữ bảo vệ và giúp đỡ nhau. Và đặc biệt hơn nữa, trong ý nghĩa sống tiến để ngày càng tốt đẹp, hoàn hảo, thì mỗi người cần phải tu sửa thân tâm, cùng chung nhau kiến tạo cuộc sống hạnh phúc, đồng thời cùng tiến đến mục tiêu Niết bàn. Có thế thì cuộc đời dẫu vô thường, tạm bợ, ngắn ngủi, nhưng cuộc đời này vẫn tạo cho ta sức sống tốt đẹp, biết hướng thiện và xây dựng cho mình cùng nhân loại một kiếp nhân sinh trong sáng, đáng yêu và đúng ý nghĩa.

Tuy nhiên như trong kinh đã tuyên thuyết, tất cả chúng ta đều có Phật tính, đều có mầm giác ngộ nơi chính mình, thế nhưng do vô minh che lấp, khiến cho mê mờ, chẳng nhận ra mặt thật của vạn pháp, rồi cứ thế đắm chấp, mê nhiễm theo thói đời, để rồi phải lăn lên lộn lại hết đời này sang kiếp nọ nơi bể khổ trần gian. Do vậy, ngày nay muốn sống tiến, sống thuận theo chơn lý, hay nói cụ thể hơn, muốn học, tu và giáo hóa theo lộ trình thượng cầu hạ hóa đúng với vai trò sứ giả Như Lai để tiến đến bờ giác ngộ giải thoát. Người con Khất sĩ cần phải y theo lời chư Phật, chư Tổ chỉ dạy.

Theo tinh thần hướng dẫn của Tổ, về việc học, trong Chơn lý Công lý võ trụ Tổ sư đã nhắc nhở, để tiến bước trên lộ trình giải thoát và giáo hóa nhân sinh cần phải noi theo dấu chân chư Phật, chư Bồ tát như sau: “Xưa kia chư Bồ tát triệu ức kiếp vay của chúng sanh hoặc bằng thân mạng, hoặc món cửa nhà, để lo ăn học đeo theo mãi mục đích của sự học, nhờ vậy mà đặng thi đậu đắc quả thành công, trở nên bực toàn năng toàn giác. Các bậc ấy không sợ quả báo luân hồi là do nhờ chủ định, thấy ra mục đích của chúng sanh là học, nên lo tìm học công lý cho mau giác ngộ để cứu đời”.

Lại nữa, trong Chơn lý 33 Trường đạo lý, Tổ cũng đề cao mục đích sự học nhằm đem đến lợi ích cho mình và chúng sanh: “Mục đích học là để cho được sáng suốt hiền lương khỏi khổ, tuy sự vào học hay không là không có quyền ép buộc, nhưng sự dạy học là bao giờ cũng khuyến khích nhân loại tất cả, phải nên đi học để cho xóm làng được trở nên mặt đất tốt đẹp”. Hoặc đoạn kế tiếp Ngài cũng nêu rõ tính quyết định của sự học: “Cái học sẽ đánh đổ cái ăn, cái ác, cái tranh, cái tham, cái chơi, tất cả. Cái học cũng như bức tường, nó cản dừng hết thảy những ngọn gió, thì những lá cây sẽ không còn xao động. Cái tiếng học, nó thắng tất cả sự hơn thua mê muội. Người ngó ngay nơi cái học làm mục đích là sẽ không còn tham sân si chi nữa hết, thế giới tất sẽ bình yên”.

Thông qua những ý pháp được trích dẫn trên, Tổ đã đề cập đến mục đích, ý nghĩa và phương pháp của việc học rất cụ thể hầu giúp cho hành giả tu tập đạt được những lợi ích thiết thực. Bởi vì mục đích cứu cánh của sự học là để kiến tánh. Xưa nay chúng ta luôn sống trong vọng tưởng, ham muốn, mê lầm, mà sự học là nền tảng đưa dẫn chúng ta tiến đến con đường giác ngộ, giải thoát khỏi mê lầm, nên trong Chơn lý Nhập định Tổ đã khẳng định: “Người có được học thức thì mới khỏi sai lầm theo ý dốt nát muốn càn mà tránh được khổ sở nạn tai. Người sống bằng cái trí sáng láng hay khéo gọi là bậc Trời. Nhưng cái trí khôn ngoan ấy cũng chưa phải là hết khổ sở thất bại, người ta phải cần đổi trí ra làm cái giác, giác là cái biết sáng suốt chắc chắn chơn thật không mê lầm”. Lời dạy này ngầm hướng dẫn cho chúng ta phương pháp học. Nương theo pháp học này thì ai ai cũng có thể hướng thượng, ai cũng có thể làm Phật được. Bởi vì tất cả chúng sanh đồng một Phật tính, thế nhưng Phàm, Thánh là do người trưởng dưỡng hạt giống, hễ gầy giống phàm thì ra giống phàm, gieo giống Thánh thì gặt quả Thánh. Thông thường người đời cứ mãi lo toan tính, ước ao, bám víu, rồi chạy đuổi theo vui, buồn, giận, lo, yêu, ghét... đó là mây vô minh che phủ, đưa đến sự mê lầm. Nên trong Chơn lý Đi tu Tổ nói: “Chúng sanh chỉ biết có mỗi nấc thang là ngừng nghỉ, mà cho là địa vị của mình, không lo đi tới... khi làm thì chấp làm, làm thái quá, khi nghỉ thì chấp nghỉ, nghỉ bất cập, thật là tai hại, chúng ta mãi tìm vui sướng tham vọng, để cho phải khổ tìm khổ, mà ít hiểu được Niết bàn ở nơi trung đạo”. Còn đức Phật vì là bậc giác ngộ, có đầy đủ giới đức và tuệ đức. Ngài biết rõ chính mình có đầy đủ trí tuệ để chọn con đường sáng để đi. Nhờ trí sáng mà biết gieo nhân tốt để sống cho có kết quả tốt. Lại nữa, Phật bảo tất cả chúng sanh đều có tánh giác, nếu chịu khó tu tập sớm muộn gì mình cũng sẽ nhận được nó. Nên trong Kinh Pháp Cú nói rằng:

Tự mình, làm điều ác,

Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình không làm ác,

Tự mình làm thanh tịnh.

Tịnh, không tịnh tự mình,

Không ai thanh tịnh ai.

Điều này muốn nhắc nhở rằng, tự mình làm cho mình trong sạch hoặc nhơ bẩn, chẳng một ai làm cho ai trong sạch hoặc nhơ bẩn cả. Nếu chúng ta ý thức rõ ràng sự tốt đẹp hay xấu xa cũng từ mình mà ra. Do vậy điều cần yếu là chúng ta phải nhận ra được bổn tâm và trở về an trú với bổn tâm thanh tịnh của chính mình. Có thế thì chúng ta mới phát khởi được trí tuệ và trải rộng tình thương vô bờ đến nhân loại. Thế nên đối với việc tu một lần nữa trong Chơn lý Đi tu Tổ lại nhắc nhở: Chúng ta phải tu trước mới nên được việc. Tất cả chúng sanh đều có tương lai tối cao tốt đẹp, ai ai cũng sẽ là Phật, nhập Niết bàn được hết, ai cũng là đấng chúa tể võ trụ như nhau, chớ không ai hơn ta được. Như vậy rõ ràng chư Phật và Tổ đều tuyên bố như nhau, ai ai cũng có thể làm Phật, làm Thánh, vấn đề là chúng phải học và tu. Hơn nữa như trên đã luận bàn, việc tu học không phải là chỉ học cho mình, mà học phải đi đôi với dạy, học để chỉ dạy lại cho đời, đem lợi ích cho đời.

Chính vì thế, trong đoạn tiếp Ngài đã giải thích rõ lý do vì sao chúng ta phải đi tu, và nói rõ việc đi tu có ích gì: Trong đời kẻ không tu thì lo việc này, làm việc kia, nói việc nọ để cho có ích lợi, còn tôi lo cho tâm, nói cho tâm, làm cho tâm, để cho có ích lợi. Việc của người không tu thì thất bại, còn việc của tôi thì thành công. Con người sinh ra trên cuộc đời này, vì sao có người được sống an vui hạnh phúc, có người lại chịu nhiều khổ đau bất hạnh. Trong giáo lý nghiệp đức Phật đã từng khẳng định, tất cả sự đau khổ hay hạnh phúc đều do sự tác động mật thiết từ ba nghiệp trong mỗi người. Nếu ai biết thực hành những thiện pháp từ ba nghiệp thân khẩu ý được trong sạch, thì sẽ hưởng được đời sống an lành hạnh phúc, còn trái lại nếu ba nghiệp luôn tạo pháp bất thiện đó là tự chuốc lấy khổ đau cho mình. Như vậy, cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ là do chính mình quyết định, chứ không phải một ai khác can thiệp vào.

Đặc biệt hơn nữa, ở đây Tổ còn nhấn mạnh đối với việc tu trước hết là lo cho tâm, tức phải cố công tu tập để cải thiện tự tâm, từ đó mới dùng tâm từ bi rộng lớn mà giáo hóa thế nhân để đem lại an lạc cho đời. Sở dĩ điều thiện và ác phát sinh trong con người chẳng qua là do sự đối kháng nhau, mâu thuẫn nhau trong cách hành xử mỗi ngày của chúng ta mà thôi. Do vậy Tổ mới dạy: Chẳng nên để cho sự buồn vui mừng giận, thương ghét, muốn ưa nơi ngoại cảnh, làm vọng động xao xuyến trí tâm. Phải lấy sự yên lặng làm tâm, lo tìm một việc học mà thôi. Phải răn ngừa tất cả sự vui chơi biếng nhác, tham muốn giận hờn, say mê, lợi hại, khổ vui, có không, còn mất, đến đi, khen chê, sống chết, ta người chi khác”. Nhưng muốn chế ngự những sự tham muốn trên tất nhiên phải đừng đắm say, trụ chấp vào sự thương ghét, mừng giận, muốn ưa nơi ngoại cảnh… Bên cạnh đó, chúng ta còn phải tự soi rọi chính mình để thấy rõ vì sao chúng ta lại tham, sân, si... Qua đó xét nét với chính mình xem sự giận, hờn, thương, ghét… đã đem lại cho ta những gì? Nếu chúng chỉ đem lại phiền não, đau khổ thế thì làm sao mà được giải thoát?

Do vậy trong Kinh Tương Ưng đức Phật đã trình bày vấn đề khổ vui của con người là do thái độ ứng xử thế nào đối với năm uẩn: “Đối với năm uẩn, ai chưa viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại, đổi khác, sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, ai đã viễn ly tham, dục, nhiệt tình, khát ái, thì khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức biến hoại sẽ không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”.

Tóm lại, qua lời dạy trên cho thấy, con người có khổ đau hay không chẳng phải do năm uẩn, cũng chẳng do tính vô thường của năm uẩn mà chính do con người tham ái, chấp thủ mà tạo ra. Thế nên đối với việc tu tập, Tổ chủ trương người tu việc cốt yếu là lo cho tâm, lo cho tâm theo Tổ sư chính là nhận biết cái vọng, cái chơn, cái thiện, cái ác để từng bước chủ động cuộc sống bằng chánh niệm. Nói cụ thể hơn, lo cho tâm cũng chính là tu tâm, tức biết rõ sự sống, biết rõ nghiệp chướng, thấu suốt tất cả để biết những gì làm ta khổ đau, điều kiện nào đem đến bình an. Chúng ta biết mục đích Đức Phật ra đời là để khai mở và chỉ bày cho tất cả mọi người thấy rõ “bản tâm thanh tịnh” của chính mình. Riêng chúng ta phải ngộ nhập được bản tâm thanh tịnh đó thì mới thấy đạo.

Thế nhưng như trên Tổ đã dẫn dụ, giải thích về pháp học, pháp tu và giáo hóa nhân sanh thông qua những đoạn chơn lý được trình bày, càng giúp chúng ta nhận định rõ ràng hơn ý pháp của Tổ. Tổ quan niệm chúng ta học để thấy cho rõ đời là vô thường, vạn pháp vốn vô ngã. Tất cả đều do duyên sanh mà hiện hữu, duyên diệt thì tan biến. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta cứ luôn cố trì giữ, bám víu cho được những thứ đã tan biến và không còn tồn tại ấy. Nên nói tính vô thường của vạn pháp, tự nó không làm khổ bất kỳ ai, chính lòng tham ái và chấp thủ của chúng ta mới làm khổ chúng ta.

Do vậy trong Chơn lý Đi tu Tổ mới khái quát trách nhiệm của bậc xuất gia tu hành như sau: Người trau tâm giồi trí tu hành, tìm học, dạy lại người khác, để mở lối đi ra cho tất cả tiến lên. Thứ nữa, người tu để lập một thế giới tốt đẹp hiền lương cho mọi người cùng hưởng. Cuối cùng người tu để lập đại gia đình, xã hội và thế giới chư Phật sống chung. Xuất phát từ khái niệm trên khiến chúng ta liên tưởng đến vai trò của người Khất sĩ là phải Thượng cầu, hạ hóa. Nghĩa là trên lộ trình giải thoát, người xuất gia ngoài việc sống thiện, sống đúng chơn lý như Tổ đã dạy để thành tựu đạo quả, còn phải thực hiện lý tưởng tự độ, độ tha, đưa mình và người thoát khỏi biển khổ luân hồi sinh tử.

Tuy nhiên, muốn học làm Phật, trước phải học chơn lý, muốn hóa độ chúng sanh, trước hết phải hóa độ mình. Nghĩa là phải sống và tu trong tinh thần từ bi và trí tuệ. Đồng thời phải quên đi bản ngã thấp hèn của riêng mình, chỉ hướng về con đường cao đẹp, đó là giải thoát giác ngộ. Thứ đến Tổ còn nói, người tu để lập một thế giới tốt đẹp hiền lương cho xã hội và nhân loại. Quan điểm này muốn xác định rõ giáo pháp đức Phật ra đời mục đích để ban vui cứu khổ cho mình và cho đời. Như trong Trung Bộ Kinh I, 83 đã tuyên bố: Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”. Cuối cùng là người tu để lập đại gia đình, xã hội, thế giới sống chung. Điều này muốn nhắc nhở người con Phật phải luôn sống bằng tinh thần lục hòa, tứ nhiếp, hiểu rõ lý duyên sinh để biết rõ tất cả chúng ta đều tồn tại trong mối tương quan tương duyên với nhau, nhờ đó mới kiến tạo nên một thế giới sống chung để cùng bảo vệ và phát triển cho nhau.

Ngoài nội dung trọng yếu này, vấn đề Học – Tu – Dạy cũng được Tổ tóm kết ngắn gọn trong Chơn lý Trường đạo lý với ba ý pháp như sau: “Chúng sanh có cái biết là mục đích phải học, có cái linh là mục đích phải tu, có cái sống là mục đích phải chung hiệp. Hiểu ra được ba phép ấy, thì đâu còn có chi cái dốt, cái loạn chia rẽ, giết hại nhau được”.

Trong ý pháp đầu tiên nói, Chúng sanh có cái biết là mục đích phải học. Trong kinh Phật cho rằng, mọi người đều có tánh biết sáng suốt của mình. Cái thấy biết này nói theo Tổ Huệ Khả ở Trung Hoa là “thường biết rõ ràng”.

Nên trong Chơn lý “Chơn như”, Đức Tổ sư đã khẳng định rằng: “Cái biết của ta nó cũng vốn là tự nhiên không vọng động, và từ nơi tự nhiên không vọng động, có sẵn từ lâu, tự hồi nào, chớ nào phải mới có hiện tại đây”. Thế nhưng ít ai sáng tỏ để nhận rõ được lẽ thật này. Thật vậy chúng ta vốn có thể tính sáng suốt này, nhưng phần nhiều đều bị tà kiến mê hoặc, dục vọng đảo điên, cho nên mãi chìm đắm trong chỗ tối tăm. Thế nên chủ trương của Tổ mặc dù chú trọng pháp hành hơn pháp học, nhưng Đức Tổ sư vẫn luôn nhắc nhở, người Khất sĩ học chơn lý của vũ trụ, học hết thảy các pháp. Bởi vì học chơn lý để sống thuận theo lẽ tiến hóa, sống theo tinh thần trung đạo, để giải thoát nhà đời bước vào trường đạo. Như vậy, theo Tổ sư muốn trở về với cái biết, với chân tâm trong sáng, thì học chơn lý chính là nền tảng tu tập để thành tựu con đường giải thoát giác ngộ. Do vậy, trong Chơn lý 36 Đi học Tổ thường dạy rằng: “Các ngươi có được cái biết là mục đích, phải cố gắng tìm học cho được toàn giác”.

Tiếp đến Tổ lại dạy, Chúng sanh có cái linh là mục đích phải tu. Trong Chơn lý 7 Sanh và tử Tổ nói: Cái biết linh diệu là nhờ vắng lặng, khi nó đứng ngừng thì cái điển của nó thâu rút được các pháp khắp nơi. Càng yên lặng một chỗ thì càng vung tỏa ra rộng lớn”. Thông qua nội dung bài viết, rất nhiều đoạn Chơn lý đã nêu rõ thâm ý của Tổ cho rằng, học không phải chỉ để có kiến thức, bằng cấp, mà học với ý nghĩa để thông suốt các pháp, rõ thấu đường hướng mà tu hành. Vậy nên ở trên đã đề cập nhiều lần, tuy tất cả chúng ta đều có tánh giác, nhưng vì mê mờ, nên cần phải học để biết phương pháp làm cho tính giác biết hiển hiện trở lại. Thứ đến trên bước đường tu hành, để hiển lộ cái biết linh diệu, đạt đến trí toàn giác, trở về với chơn tánh tịch lặng của chính mình. Trong từng sát na tâm thể chúng ta phải hoàn toàn giữ gìn, thúc liễm cho được thanh tịnh tịch nhiên, không còn chút trần cấu nào cả, gọi đó là tu, nên Tổ nói mục đích của tu là quay về với nguồn cội tâm linh sáng suốt của chính mình.

Sau đó, Tổ mới dạy tiếp cái sống là mục đích phải chung hiệp. Ở đây ý nghĩa sống chung tức muốn nhắc nhở đến lý tương tức, tương quan, tương duyên, trùng trùng duyên khởi như trên đã từng đề cập, để chúng ta luôn ý thức rằng, cuộc sống này tồn tại không thể độc lập. Cho nên, việc tu học không phải là chỉ học cho mình, mà học phải đi đôi với dạy, học để chỉ dạy lại cho đời. Như trong Chơn lý Nguồn đạo lý Tổ sư dạy: “Thế giới là sự sống chung, gồm cả những xã hội, cũng như xã hội là gồm những gia đình, gia đình là gồm những kẻ lẻ loi vậy. Giáo lý thế giới sống chung kêu là Đạo”.

Tóm lại thông qua nhiều ý pháp được trình bày ở hai hai nội dung trên, đã chỉ dạy cho chúng ta thấy rõ phương hướng Học – Tu – Dạy của Tổ sư bằng thân giáo lẫn khẩu giáo rất mạch lạc, linh động, thiết thực và sâu sắc. Giáo pháp này không những đã hàm ẩn các đạo lý vô thường, vô ngã, nhân quả, nhân duyên và nghiệp báo rất cụ thể. Mà còn khẳng định cho chúng ta thấy rõ, chỉ cần chuyên tâm thực hành, thì chắc chắn người người được giác ngộ và giải thoát. Nói khác hơn, những lời dạy của Tổ hoàn toàn phù hợp với tông chỉ “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, tức thể hiện được ý chỉ mấu chốt của đức Phật. Không những thế, những quan điểm của Tổ cũng biểu lộ một giáo pháp được xây dựng bằng từ bi và trí tuệ của bậc Thánh đức. Bởi vì Ngài hướng dẫn hàng đệ tử hoàn toàn dựa vào năng lực của chính mình để làm lợi lạc cho mình và tha nhân. Mặt khác còn khuyến tấn thính chúng phương thức sống chung tu học bằng giáo lý sống hòa, bằng tinh thần trung đạo kết hợp giáo lý duyên sinh để mọi người biết rõ, sự sống con người vốn nương tựa và hỗ tương cho nhau. Từ đó, mọi người cùng nhau kiến tạo một thế giới đại đồng chung hiệp, đó chính là con đường đạo.

 

 Vân Thanh: Lược khảo Phật giáo sử liệu Việt Nam, tr.189-190.

‚ Hòa thượng Trung Hậu: Tổ sư Minh Đăng Quang với phong trào chấn hưng Phật giáo cùng tâm nguyện nối truyền Thích Ca chánh pháp. Trích từ  tác phẩm Hệ phái Khất sĩ quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, năm 2016, tr. 3.

‚ Thượng tọa Thích Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử liệu.

ƒ Tham khảo Đại đức TS Minh Duy: Đạo Phật Khất sĩ, những thách thức trong quá trình hội nhập và phát triển, tr 892.

 Chơn lý 11 Khất sĩ.

 Trung Bộ Kinh, 62 - Ðại kinh Giáo giới La Hầu La.

 Kinh Pháp Bảo Đàn – phẩm thứ 2 Bát nhã.

 Kinh Pháp Cú 08 – Phẩm Ngàn – câu 113.

 Kinh Pháp Cú, Phẩm Tự ngã, câu 165.