Nghiên cứu tư tưởng "Phật tánh" trong Chơn lý của đức Tổ sư

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, Tổ khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, tuy đã vắng bóng 60 năm nhưng giáo lý mà Ngài tuyên thuyết được ghi lại trong bộ Chơn lý chính là cốt cách nhận thức của Ngài, là kho tàng pháp bảo để lại cho hàng đệ tử.

Chơn lý trọn bộ 69 quyển, gồm có 9 quyển nói về giới luật và pháp hành của giới Tăng Ni xuất gia, còn lại là 60 quyển là 60 đề tài liên quan đến các vấn đề Phật học. Ngoài các bài có nội dung căn bản như Ngũ uẩn, Lục căn, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo, Có và Không, Thiền định... Chơn lý còn có các tư tưởng Phật học trong nhiều kinh điển Đại thừa như Pháp Hoa, Quan Thế Âm, Vô Lượng Cam Lộ, Đại Thái Thức, Phật tánh, Chơn như... Trong đó “Phật tánh” đã trở thành một tư tưởng trọng yếu trong bộ Chơn lý và Ngài đã dùng trọn một quyển “Phật tánh” để triển khai.

03 Copy

1. Định nghĩa

Phật Quang đại từ điển đã định nghĩa “Phật tánh” như sau: “Phật tánh, tiếng Phạn là Buddhadhàtu, Buddhagotra, còn gọi là Như Lai tánh, Giác tánh, tức là bản tánh của Phật, hoặc chỉ cho tánh chất Bồ-đề vốn có, hạt giống Bồ-đề, nhân tánh, tánh có khả năng thành Phật, là tên khác của Như Lai tạng”[1].

Trong lịch sử phát triển tư tưởng Phật học, Phật tánh bắt nguồn từ ý niệm “Tâm tánh bổn tịnh”. Tất cả chúng sanh đều có tâm tánh bổn tịnh, cũng tức là đều có khả năng thành Phật, nên gọi là Phật tánh. Căn cứ Cứu cánh nhất thừa bảo tánh luận, Phật tánh chủ yếu có 3 nghĩa: Phật giới (Buddha-dhatu), Phật chủng tánh (Buddha-gotra), Phật tạng (Buddha-garbha) tức Như Lai tạng (Tathagata-garbha). Chữ “tánh” ở đây không chỉ là tánh chất, nguyên văn của nó có nghĩa là “giới”, có nghĩa là “nhân”. Trong Đại Bát Niết-bàn còn dịch thành “Phật giới”. Đây là ý nghĩa ban đầu của Phật tánh. Kinh nói: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", cũng có thể dịch là “Tất cả chúng sanh đều có Phật giới". Phật giới lại có 2 nghĩa "Bản tánh của Phật" và "Nhân tánh của Phật"[2].

Đức Tổ sư ngay trong bài "Phật tánh" đã định nghĩa: "Tánh là nguyên lý sanh ra chúng sanh, vạn vật các pháp. Tánh tức là võ trụ không gian trơ lặng. Tánh là bản nguyên của tất cả. Tánh là gốc nguồn của muôn loại. Tánh cũng là bản chất đầu tiên của võ trụ. Tánh là họ, vốn, chơn thật của cả thảy, cũng là căn bản của hết thảy"[3]. Từ định nghĩa này chúng ta có thể thấy Đức Tổ sư đã sử dụng từ ngữ tuy không hoàn toàn giống như các kinh điển hoặc từ điển nhưng rõ ràng cách diễn tả đã bao hàm các ý nghĩa của chữ “tánh” trong Phật tánh.

Còn Phật có nghĩa là: "Tâm chơn chẳng vọng, tánh giác không mê thường gọi là Phật", "Chơn tâm là Phật"[4].

Đại thừa khởi tín luận nói: “Tâm này từ xưa đến nay tự tánh vốn thanh tịnh, mà bị vô minh làm nhiễm ô, tuy bị nhiễm ô nhưng tự tánh thanh tịnh vẫn thường hằng bất biến”[5].

Kinh Viên giác nói: "Tất cả Như Lai bổn khởi nhân địa đều y theo tướng viên chiếu thanh tịnh giác ngộ, đoạn trừ hẳn vô minh mới thành Phật đạo"[6].

Như vậy trong nhiều kinh điển, Phật tánh chính là chân tâm thường trụ, là thể tánh sáng suốt, là tánh giác, là Pháp thân bình đẳng...

Đức Tổ sư cũng đã nói về Phật tánh: "Phật tánh, tánh của chư Phật. Tánh ấy chơn như, không vọng động, trơ lặng không không, chơn thật, nguyên lý, bản chất, gốc vốn, cội nguồn, mà ai ai giác ngộ ra, cũng đều trở lại! ... Phật tánh là tánh chơn như của võ trụ, bậc giác ngộ nhận ra, lấy giữ làm mình, làm tâm, làm món ăn nuôi sống cái tâm"[7].

Đức Tổ sư sáng lập ra Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với hạnh nguyện, tông chỉ "Nối truyền Thích-ca Chánh pháp", Ngài đã tuyên bố: "Phật tánh là giới Khất sĩ"; "Khất sĩ là họ của Phật Thích-ca"; "Phật tử, Thích tử, Phật tánh, Thích tánh, phải là những kẻ xuất gia giải thoát, Khất sĩ du Tăng, y như Phật Thích-ca mới đặng"; "Khất sĩ là chơn tánh võ trụ"[8]. "Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn. Con đường ấy là Khất sĩ. Họ của chư Phật ba đời là Khất sĩ, Khất sĩ là lẽ thật của chúng sanh, mục đích của chúng sanh. Khất sĩ là đến với giác chơn, toàn học biết sáng tự nhiên, hết mê lầm vọng động"[9].

Đây là một cách diễn tả hết sức đặc biệt, để nói về Phật tánh theo kinh nghiệm tu chứng của Đức Tổ sư và cũng theo tinh thần lịch sử được ghi chép trong nhiều kinh điển.

Sau khi Đức Phật thành đạo, trong lần Ngài trở về thành Ca-tỳ-la-vệ để hóa độ vua cha, di mẫu và thân bằng quyến thuộc. Khi đó, Đức Phật giữ theo hạnh khất thực trì bình với chư đệ tử, vua Tịnh-phạn nghe được rất buồn, đi đến nơi ngăn cản, và nói rằng: "Dòng họ Thích-ca từ xưa đến nay, thảy đều là vua chúa, nào có ai phải đi xin đâu?"

Đức Phật trả lời: "Dòng họ tôi là Phật, cả chư Phật mười phương ba đời, thảy đều Khất sĩ cả, tôi có bổn phận phải noi dấu, giữ lấy họ hàng Khất sĩ".

Theo quan niệm của vua Tịnh-phạn, dòng họ của vua là phải ngồi trên ngai vàng để thọ hưởng thần dân bá tánh cung phụng, phải nắm quyền sanh sát trong tay. Vì thế “Thái tử xin ăn giữa đế đô, làm cho xấu hổ cả dòng vua [10]. Còn đối với tinh thần Khất sĩ của chư Phật là: "Để giữ cái gốc vốn chơn như không tham vọng... là để cho ý muốn tham chẳng còn sanh... là để cho thấy rõ cái không không của không tham vọng. Khất sĩ là giải thoát trói buộc phiền não vô minh vọng động để sống bằng chơn như trí huệ, an lạc thong thả, rảnh rang, không còn tạo nghiệp, thì luân hồi sanh tử khổ, mới đặng dứt"[11].

Như vậy, ngoài phần trình bày tư tưởng Phật tánh như trong kinh điển, Đức Tổ sư còn nhấn mạnh: "Cả thảy chư Phật đều là Khất sĩ, đúng y chơn lý, Khất sĩ sẽ là đạo Phật, là họ Phật, là chơn tánh, Phật tánh, họ gốc con đường của người giác ngộ"[12]. Đây chính là điểm đặc sắc của Đức Tổ sư khi nói về Phật tánh.

2. Tư tưởng Phật tánh theo tinh thần Phật giáo Nguyên thuỷ

Nghiên cứu các sử liệu văn hiến, chúng ta có thể thấy Đức Phật Thích-ca Mâu-ni khi còn tại thế, khái niệm Phật tánh chưa được phổ biến. Khi đó, các đệ tử theo Ngài tu hành tinh tấn được chứng đắc các quả vị Tu đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán là điều rất thường xảy ra; còn khái niệm “Phật tánh” hầu như không tìm thấy. Phật giáo Nguyên thủy và các bộ phái chịu ảnh hưởng nặng tư tưởng Phật giáo Nguyên thủy đều cho rằng trong hiện kiếp chỉ một mình Đức Phật Thích-ca thành Phật và các vị đệ tử Thanh Văn không thể thành Phật. Do đó, tác giả của Hoa Nghiêm ngũ giáo chương khi liên hệ đến vấn đề Phật tánh đã có kết luận: "Trong Phật giáo Tiểu thừa chỉ có một mình Đức Phật có Phật tánh, còn tất cả những người khác thì không có". Đồng quan điểm này, Kinh Đại Bát Niết-bàn cũng thể hiện rất rõ về quan điểm của mình và cũng khẳng định các kinh trong 9 thể loại văn học Phật giáo Thượng Tọa Bộ chưa đề cập đến khái niệm Phật tánh: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chưa nghe nói trong chín bộ kinh [13].

Trong Chơn lý, Tổ sư nói: "Thật vậy, từ xưa cho đến nay, những kẻ Tăng sư chơn đạo, họ chỉ mãi lo tu, mà nào có dám nói là thấy mình, là có cái đắc, cái Phật, cái tánh gì đâu; khi xưa chư Bồ-tát lớn, còn không dám suy tưởng đến quả Phật, chư Thinh Văn, Duyên Giác, lại cũng chẳng trông mong, huống chi chúng ta đời nay quá xa lạc" [14].

Ngài nhấn mạnh:“Thuở xưa các vị ấy, chỉ biết có cái giới định huệ giải thoát, khất sĩ là đủ rồi, thế mà tốt đẹp hơn chúng ta lắm... Dầu Đức Phật có ban ân khuyến dụ đi nữa chớ người tu là bao giờ cũng phải thấy lại nơi mình, thấy cái Phật tánh của mình, xem lại mình có giống y như Phật chăng, rồi sẽ hay, chớ đối với những ông già kỹ càng thận trọng, dày công tu tập lâu đời, mà hãy còn sợ sệt lắm, không ai dám vội mở mắt ra, bôn chôn láu táu cả” [15].

Đức Tổ sư cảnh tỉnh cho những người không thấu hiểu đạo lý Phật tánh, cứ nghĩ rằng mình đã có chủng tử Phật, có Phật tánh, có chơn tâm thanh tịnh, không cần tu cũng có thể thành Phật, nên cứ buông lung giải đãi cho qua ngày đoạn tháng theo tâm niệm vọng tưởng sai lầm, ham thích tranh luận có không, rồi cuối cùng rơi vào tà kiến sai lầm. Thế mới biết rằng: "Tiếng Phật cũng có lợi và cũng có hại. Lợi cho kẻ chơn tu hiền trí, mà hại cho kẻ sái quấy vọng ma"[16].

3. Tư tưởng Phật tánh theo tinh thần Phật giáo Đại thừa

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Tăng đoàn đã mất đi chỗ nương tựa vững chắc, nhất là các vị Thánh đệ tử lớn lần lượt nhập Niết-bàn, Tăng chúng không còn niềm kính ngưỡng như xưa. Từ đó trong văn học Phật giáo mới xuất hiện cách nói pháp thân bất diệt của Đức Phật: “Đức Phật xuất thế tuổi thọ rất ngắn, tuy sắc thân không còn, nhưng pháp thân vẫn còn tồn tại[17].

Khái niệm “sắc thân” cũng đồng nghĩa với “sanh thân” của Phật. Tám tướng thành đạo tức là sanh thân của Đức Phật. Sau khi Đức Phật nhập diệt, sanh thân không còn nữa, nhưng không thể nói không có Phật. Chân lý mà Đức Phật chứng đắc, ngôn giáo mà Đức Phật nói ra tức là “Pháp” vẫn còn tồn tại. “Pháp” còn tồn tại, vì thế, nói Phật lấy pháp làm thân, gọi đó là pháp thân. Đại thừa có cách nhìn tiến triển hơn. Trong Đại thừa, thân Phật phân chia làm pháp thân và biến hóa thân. Pháp thân thì thực tại, ứng hóa thân là phương tiện ứng hóa[18].

Theo Ấn Thuận đại sư, từ sự hoài niệm về Đức Phật, mới xuất hiện kinh điển Đại thừa hậu kỳ nói về tất cả chúng sanh đều có Như Lai tạng, ngã, tự tánh thanh tịnh. Như vậy, Chánh pháp từ “duyên khởi luận” mà phát triển thành “pháp tánh luận”, pháp pháp bình đẳng vô ngại, lại từ pháp tánh luận mà diễn biến thành Phật tánh (Như Lai tạng)[19].

Tại Ấn Độ, sự hưng khởi của Như Lai tạng khoảng thế kỷ thứ III, thừa kế tinh thần của Phật giáo Nguyên thuỷ và cũng kế thừa tư tưởng Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu mà phát huy và thịnh hành, phát triển vào khoảng thế kỷ thứ IV, thứ V, các kinh điển triển khai về vấn đề Như Lai tạng, Phật tánh cũng lần lượt xuất hiện rất nhiều và cũng là nội dung trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Đại thừa Phật giáo cho rằng Phật có rất nhiều, không chỉ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thành Phật mà tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật.

Kinh điển Đại thừa chú trọng triển khai tư tưởng Phật tánh và sử dụng rất nhiều tên để diễn tả chân tâm, Phật tánh, như Kim Cang Bát-nhã dùng danh từ “Trí tuệ Bát-nhã”, “Chân không diệu hữu”, “Thật tướng Bát-nhã”, “Bát-nhã chân không”; Kinh Hoa Nghiêm dùng danh từ “Pháp giới”; Đại thừa khởi tín luận dùng danh từ “Chơn như tâm”, “Như Lai tạng”, “Bản giác”; Kinh Viên giác dùng danh từ “Viên giác diệu tâm”, “Bản tâm thanh tịnh”, “Như Lai tạng”; Kinh Pháp Hoa dùng danh từ “Tri kiến Phật”, “Phật tánh”; Kinh Thủ Lăng Nghiêm dùng danh từ “Chơn tâm”, “Thủ Lăng Nghiêm tam-muội”; Kinh Đại Bát Niết-bàn dùng từ “Pháp thân thường trú”, “Phật tánh”; Kinh Thắng Man dùng từ “Như Lai tạng”, “Như Lai tạng tự tánh thanh tịnh tâm”; Kinh Lăng Già cũng dùng danh từ “Như Lai tạng”; Thiền Tông dùng từ “Ông chủ”, “Bổn lai diện mục”, “Tánh”… để chỉ bộ mặt thật muôn đời của mình. Tên tuy khác nhưng ý nghĩa giống nhau. Như Kinh Niết-bàn, Phật nói: “Phật tánh có nhiều tên, cũng gọi là Pháp tánh, Niết-bàn, Bát-nhã, Nhất thừa, Thủ Lăng Nghiêm Tam muội, Sư tử hống tam muội…”[20] Tất cả những danh từ khái niệm trên đây đều dùng để chỉ cho cái thể tánh bất sinh bất diệt, thường hằng, thường trú của mỗi chúng sanh và nhấn mạnh đến việc tu tập khai mở trí huệ, để hiển lộ chân tâm Phật tánh là tư tưởng trọng yếu của các bộ kinh này.

Căn cứ theo Kinh Niết-bàn quyển 7 (bản Bắc)[21] thì: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng phàm phu do vì phiền não che đậy nên không hiển bày ra được. Nếu đoạn trừ được hết phiền não thì sẽ hiển bày ra Phật tánh[22].

Đức Phật khi mới thành đạo dưới cội cây Bồ-đề đã thốt lên: “Lạ thay! Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có bản tâm thanh tịnh thường nhiên, trí tuệ đức tướng của Như Lai, chỉ vì ngu si mê hoặc, vọng tưởng chấp trước, nên không hay không biết mà bị trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử[23].

Tự tánh thanh tịnh vốn đầy đủ hết thảy trí tuệ, phước đức nhưng do những niệm vô minh vọng tưởng nên chưa bày tỏ ra. Mọi người chúng ta phải buông bỏ tất cả các vọng tưởng vô minh, xoay lại tánh giác của chính mình liền thấy Đức Như Lai. Thấy Như Lai tức là nhận được tánh giác ở nơi mình, hằng sống với tánh giác đó, đây là chỗ giác ngộ cứu cánh.

Về phần này, Tổ sư đã giải thích rất tường tận, Ngài nói: "Khi xưa, dưới gốc cây Bồ-đề chánh giác, Đức Phật nói lý Hoa Nghiêm, làm cho bậc Trời người ngơ ngác, chẳng hiểu chi cả. Kinh Hoa Nghiêm là chơn lý của Phật giác ngộ, là lẽ thật rất thường, thế mà khi đem cái thường thật ấy nói ra thì không ai hiểu. Ấy bởi chúng sanh quá say đắm, lạc lầm, chấp lấy cái thấy nghe nơi tội lỗi làm quen tâm trí, cho đó là thật của mình, là chánh phải trúng hay thì nào có nghe được lời chơn thật ngay thẳng của Phật!"[24].

Kinh Hoa Nghiêm có đoạn:" Tất cả pháp thế gian đều do vọng tưởng sanh, là pháp vọng tưởng, tánh đó chưa từng có. Tướng chân thật như thị, chỉ có Phật mới hay cứu cánh, nếu có thể biết được như vậy thì thấy được bậc Đạo sư " [25].

Cùng tư tưởng trên, Đức Tổ sư nói: “Thân hành và khẩu thức, cũng gọi là trí phàm. Tâm vọng nói đây là cái tim sống hay là ngòi sống phát sanh từ nơi tứ đại, trước nhứt là cỏ cây thú. Tâm vọng sanh trí phàm là sự khổ sở điên đảo, do đó mới có pháp thánh chơn, để nuôi tánh giác là Phật [26].

Sau 49 năm hoằng pháp độ sanh, Đức Phật chỉ với một mục đích “khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” chính là quay trở về với chơn tâm Phật tánh thường hằng, bất sanh bất diệt vốn có của mình. Do đã giác ngộ giải thoát, đã nhận chân được chơn tâm Phật tánh của mình nên Đức Phật thường an trụ trong bản thể thanh tịnh sáng suốt, còn chúng sanh vì bị vô minh phiền não che lấp nên vẫn còn xoay vần trong vòng luân hồi sanh tử triền miên, chưa thể thành Phật được.

Trong nhiều kinh điển Đại thừa, Đức Phật đã nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”, "Tất cả chúng sanh vốn đã thành Phật, tất cả chúng sanh vốn là Phật[27], mà bản tánh của tâm tức là Phật tánh vốn có đầy đủ của mỗi người. Bản tánh của tâm là cái tâm tánh bất sanh bất diệt. Bản thể của tâm tánh lìa các vọng niệm, rộng khắp tất cả, rộng lớn như hư không, cũng gọi là “Pháp thân bình đẳng” của Như Lai. Pháp thân này tất cả chúng sanh sẵn có, nên gọi là tánh Phật sẵn có.

Vì thế, chúng ta phải quay về với chơn tâm bản tánh từ sự nỗ lực tu hành của tự mình, bằng cách chuyển mê thành ngộ, chuyển ác thành hiền, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển sanh tử thành Niết-bàn.

Trong Kinh Hoa Nghiêm: “Tâm, Phật, chúng sanh đều không sai khác[28]. Ai cũng có thể thành Phật, bởi vì đầy đủ chân tâm Phật tánh, đều có chủng tánh thành Phật. Nhưng do vì sự vọng tưởng chấp trước nặng nhẹ của chúng sanh mà có trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Trong Chơn lý quyển 51, Đức Tổ sư có dẫn chứng trong Kinh Pháp Hoa để nói về Phật tánh là chủng tử, hột giống vốn có của mỗi người, do chủng tử này mà mọi người đều có thể thành Phật, chỉ khác ở chỗ mau hay chậm:

Kẻ mà nghe đến một tiếng Phật cũng là có hột giống Phật trong tâm, mai sau cũng sẽ thành Phật đặng. Kìa như Đề-bà-đạt-đa, kẻ hại Phật, bị sa địa ngục, chớ lâu sau cũng sẽ thành Phật, là do nhờ có sẵn hột giống[29].

Như Kinh Lăng Nghiêm có đoạn: “Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử nối tiếp, đều do không biết chân tâm thường trụ, thể tánh thanh tịnh sáng suốt, lại dùng các vọng tưởng, các vọng tưởng này không phải chân thật, nên có luân chuyển[30].

Như thế tức là Đức Phật dạy bảo chúng ta nên hãy nhận ra cái chơn như võ trụ đạo đức không vọng động, không không vắng lặng, tự nhiên chơn thật, làm tâm, làm trung tâm, trụ cốt, chỗ đến. Kìa như cái biết của ta nó cũng vốn là tự nhiên không vọng động, và từ nơi tự nhiên không vọng động, có sẵn từ lâu, tự hồi nào, chớ nào phải mới có hiện tại đây. Vì nếu không có trước kia, thì bây giờ đâu có. Sở dĩ trước kia nó chưa xuất lộ ra, chưa tập thành tướng, là chính nó đang ở ẩn trong các pháp chúng sanh vạn vật đó thôi, nên gọi là cái sống biết linh, có sẵn nơi chúng sanh vạn vật các pháp, vốn là tự nhiên ở trong võ trụ. Thế nghĩa là cái biết của chúng sanh đã có, đang có, sẽ có, chớ chẳng phải không. Nó là cái có sanh ra, có sẵn, ở trong võ trụ hư vô chơn như đạo đức. Và cũng là chơn như đạo đức võ trụ hư vô, đang có sẵn ở trong mỗi cái [31].

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở Tu-bồ-đề là quả vị Vô thượng Bồ-đề không phải dành riêng cho một mình Đức Như Lai, vì tất cả chúng sanh ai cũng có đầy đủ Trí tuệ Bát-nhã, đầy đủ Như Lai tạng, sớm muộn gì mình cũng thành tựu đạo quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Tổ sư nói: "Trong cái chơn không mực trung không vọng, thì đâu có chi là cái có hay không cái sắc thân, thọ cảm, tư tưởng, hành vi, thức trí của ngũ uẩn; tâm đã là định chơn như, thì trong đó đâu có chấp biết gì: sanh, già, bịnh, chết, sáu căn, sáu trần, sáu thức, khổ, tập, diệt, đạo; như vậy thì đâu còn có pháp gì là vô minh! Đâu có cái trí, cái đắc mà mong muốn Niết-bàn" [32].

Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ, sau khi truyền vào Trung Quốc, các kinh luận về Như Lai tạng cũng được phiên dịch rất nhiều. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, tư tưởng Phật tánh trong thời kỳ Phật giáo Đại thừa lại không được xiển dương mạnh mẽ và thịnh hành như ở Trung Quốc. Tư tưởng Phật tánh đã được các bậc cao Tăng triển khai sâu rộng tại Trung Quốc, xoay quanh các vấn đề bản tánh của Phật là gì? Chúng sanh có thể thành Phật hay không? Từ đời Đông Tấn, sau khi ngài Đạo Sanh mạnh dạn khởi xướng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Nhất-xiển-đề cũng có thể thành Phật và Kinh Niết-bàn (bản Bắc) được truyền dịch, tư tưởng Phật tánh đã được nhiều người quan tâm và thạnh hành cho đến ngày hôm nay, nhất là trong tư tưởng Thiền tông, tức tâm tức Phật, trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật.

4. Tư tưởng Phật tánh theo Thiền tông

Tông chỉ của Thiền tông là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” (chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật). Tự tánh vốn thanh tịnh sánh suốt, đầy đủ trí huệ phước đức, một khi phiền não, vô minh, vọng tưởng, chấp trước không còn thì bản lai chính là Phật. Tất cả những phiền não chấp trước, thị phi, thiện ác, xấu tốt, đều do tâm phân biệt vọng tưởng, vì thế người xưa nói: buông bỏ dao đồ tể lập tức thành Phật. Dao đồ tể biểu trưng cho những phiền não vọng tưởng phân biệt chấp trước đó, một khi buông bỏ thì chính là Phật. Trong Kinh Lăng Nghiêm: “Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, mê mình là vật, bỏ mất bản tâm, bị vật xoay chuyển, cho nên trong đó thấy lớn thấy nhỏ. Nếu chuyển được vật, đồng với Như Lai [33]. Chính ở trong cái tâm không, không sở chấp, trong ấy mới thấy rõ cái bản tánh, là cái ta chơn thật [34].

Trên núi Linh Thứu, Đức Phật đã đưa cành hoa sen lên để khai thị đại chúng, trong Pháp hội chỉ có Ngài Ca-diếp mỉm cười, đã để lại giai thoại "niêm hoa vi tiếu" được ghi chép trong nhiều kinh điển của Thiền tông. Lúc đó Đức Phật dạy: "Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay giao cho Ca-diếp[35]. Và sau đó từ Ngài Ca-diếp truyền cho A-nan, và cho đến Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma khi đem pháp môn thiền truyền vào Trung Quốc đã từ tông chỉ này nêu rõ chủ đích của Thiền tông. Mọi cách tiếp hóa đệ tử của Tổ sư Thiền tông dù là gậy đánh, tiếng hét, hay im lặng cũng đều để dứt hẳn sự suy nghĩ vọng tưởng, đều nhằm chỉ thẳng bản tâm chúng ta, thấy tánh liền thành Phật.

Đức Tổ sư cũng nhấn mạnh đến vấn đề xem trọng bản tâm: "Đức Phật dạy chúng sanh phải biết ở trong bản tâm yên lặng của mình, chớ đừng ở đâu hết vì chỗ nào cũng không bền. Và chỉ có cái chơn như, mới là giải thoát tất cả luân hồi sanh tử mà thôi"[36].

Đức Phật đã từng nói rằng: “Kinh điển ta nói ra như ngón tay chỉ mặt trăng”, “Như chiếc bè qua sông, chánh pháp còn bỏ huống hồ là phi pháp” hoặc “suốt từ khi thành đạo đến lúc nhập Niết-bàn, ta không nói lời nào”[37], nhưng mặt khác Đức Phật lại sử dụng đủ thứ ngôn từ, đủ thứ phương tiện để chỉ cho chúng ta cái thể tánh bất sanh bất diệt đó. Trong nhiều bộ kinh, Đức Phật dùng đủ pháp môn khác nhau nhằm muốn chỉ cho chúng ta cái mà chúng ta phải xa lìa ngôn ngữ, tư duy hình tướng mới trực nhận, mới thể nhập được. Tất cả những thứ đó như ngón tay chỉ trăng giúp chúng ta nương vào đó nhìn thấy ánh trăng bản thể, ánh trăng chân lý, như thuyền bè qua sông đưa chúng ta đến bờ bên kia.

Trong Chơn lý, Đức Tổ sư cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự siêu vượt ngôn ngữ, kiến tánh thành Phật: "Giáo lý y bát không còn có nương theo văn tự, lời nói việc làm"[38] ... Vậy nên ai cũng muốn thấy nó, thấy bằng cách nó có cho mình, nó ở với mình, mình đạt được. Như thế là thấy tánh thành Phật! Mà thấy tánh là thấy cái chơn như, không vọng động, thấy cái giải thoát các pháp, các sở chấp, do sự giác ngộ trí huệ là Phật của mình; chớ chẳng phải thấy bằng nói, nghe, chữ viết, suy gẫm, tưởng tượng… [39].

Mặt khác, Ngài cũng không hoàn toàn loại bỏ văn tự ngôn ngữ, có lúc Ngài dạy: "Người học đạo cũng vậy, họ nương văn tự, hình thức một lúc đầu, rồi là họ đi sâu vào trong huyền bí thâm u khó gặp" [40]. "Trước dùng văn tự mở trí, để đi sâu vào chơn lý nhiệm mầu, hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo" [41].

Nếu như Thiền sư Quảng Nghiêm nói: "Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành", nam nhi phải tự mình có chí xông trời thẳm, chớ đi theo hướng lối của Như Lai, thì Đức Tổ sư cũng khuyên chúng ta nên nhìn cho được cái chơn tâm bản tánh của mình, không quá câu nệ vào kinh sách văn tự. Ngài nói: "Còn như sự thờ cúng thì thờ cốt tượng đâu bằng thờ kinh sách học hành, dầu thờ kinh sách cũng chẳng bằng thờ ông thầy dạy đạo cho mình hiện tại đang sống. Nhưng thờ ông thầy kia sao bằng thờ bản tâm của mình trong sạch"[42].

Bản tâm, trong nhà Thiền thường dùng danh từ “Ông chủ” hay “Bản lai diện mục” để chỉ cái tâm chân thật sẵn có nơi mọi người chúng ta. Giác ngộ được mình có bản tâm, thấy được bộ mặt thật muôn đời của mình và hằng sống với thể tánh giác đó gọi là “Kiến tánh”.

Khi Lục Tổ Huệ Năng nghe người đọc Kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền đại ngộ, và sau đó đến Hoàng Mai, sau bao tháng ngày thử thách giã gạo trong nhà bếp, cuối cùng được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền tâm ấn, đã nhận ra được chân tâm bản tánh của mình, nên đã thốt lên: "Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn không sinh diệt, đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, đâu ngờ tự tánh vốn không dao động, đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp[43].

Khi đã biết tự tánh của mình vốn thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn không dao động, hay sanh muôn pháp thì liền ngay lúc đó "đồng với Như Lai".

Đức Tổ sư nói: "Huệ Năng nghĩa là năng trau giồi trí huệ, trí huệ có ra do nhờ thiền định; trong sự vắng lặng thiền định, là chỉ có trí huệ, chớ đâu còn văn tự, hoặc cái chi trong ấy, mà không phải là dốt, với cái khoe học, mới học”[44].

Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cũng giác ngộ được cái tâm chân thật này, trong bài phú “Cư trần lạc đạo” đã viết:

“Cư trần lạc đạo thả tu duyên

Cơ tắc xan h khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thin”.

Nghĩa là :

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Ðói đến thì ăn mệt ngủ liền,

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,

Ðối cảnh không tâm chớ hỏi thiền[45].

Đã nói lên tư tưởng Phật tánh trong nhà thiền, trong Phật giáo, đó là của báu ở trong nhà của chính mình, có gì đâu mà đi tìm kiếm. Phật tánh, Chơn như, Niết-bàn không phải do tu mới có, hay nhờ các duyên bên ngoài luyện tập mới thành, nó có sẵn trong mỗi chúng sanh từ vô thủy đến nay, dù ở địa vị phàm phu cũng không giảm, hay chứng quả Thánh cũng không thêm.

5. Pháp môn tu học

Mỗi bộ kinh, mỗi pháp môn, mỗi bộ phái đều có phương pháp tu học riêng để hướng dẫn chúng sanh từ bến mê quay về bờ giác, từ “hóa thành” trở về “bảo sở”, quay trở về với tánh giác thanh tịnh của mình. Trong Chơn lý, Đức Tổ sư đã nhấn mạnh rất nhiều pháp môn tu học để quay trở về với bản tánh thanh tịnh của mình. Ngài nói: "Vậy thì sự thành Phật là do nơi pháp nguyện, nguyện của pháp giải thoát xuất gia Khất sĩ, ai hành đúng thì chắc sẽ thành Phật. Phật là giác chơn, chơn như là do trí huệ, chánh giác là do Pháp Tạng đại nguyện; pháp nguyện là từ bi, tinh tấn, giải thoát, thiền định, trí huệ, thì chơn như ắt sẽ tự nhiên xuất hiện từ lần mà đắc đạo đặng " [46].

Qua câu nói ở trên, chúng ta thấy Đức Tổ sư đã đưa ra các pháp môn pháp nguyện, từ bi, tinh tấn, giải thoát, thiền định, trí huệ, muốn đắc đạo, muốn đạt đến chơn như, phải thực hành, tu tập các điều này. Trong đó, Ngài nhấn mạnh đến pháp nguyện, nguyện của pháp giải thoát xuất gia Khất sĩ, ai hành đúng thì chắc sẽ thành Phật.

Một đoạn khác, Đức Tổ sư dạy: "Nhờ bố thí mà đến được sự trì giới xuất gia Khất sĩ giải thoát chứng quả vô sanh, bậc hiền thánh. Nhờ nhẫn nhục mà đến được sự nhập định yên lặng, có thần thông quả linh, chứng quả Duyên Giác như tiên. Nhờ tinh tấn mà đến được trí huệ, suốt thông đạo lý, giáo hóa chúng sanh làm chư Bồ-tát, thi hành Phật sự, theo đường vô lậu đến quả chơn như, Niết-bàn hưu trí "[47].

Ở đây Đức Tổ sư dạy chúng ta phải tu tập từ Thanh Văn đến Duyên Giác rồi tu lục độ vạn hạnh của Bồ-tát và làm các việc Phật sự để đạt đến quả chơn như. Và phương pháp tu tập, pháp môn hành trì trong Chơn lý còn rất nhiều, trong bài này, không thể triển khai hết tất cả các pháp môn mà Đức Tổ sư đã đề cập, xin giới hạn trong pháp môn tu học Giới Định Huệ theo tinh thần Khất sĩ giải thoát : "Khất sĩ có đủ ba báu: Giới, định, huệ"; "Giáo lý y bát không còn có nương theo văn tự, lời nói việc làm, người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Huệ... Giới luật là y bát là Khất sĩ. Khất sĩ là định huệ. Nếu Khất sĩ không có tu về định huệ dầu mà có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là Khất sĩ, vì chữ sĩ đây là sự học đạo lý với quả linh, bằng pháp tu định huệ [48].

Khất sĩ là tên riêng của Tỳ-kheo, tiếng Phạn là Tỳ-kheo, tiếng Hán dịch là Khất sĩ. Đại trí độ luận định nghĩa: "Thế nào gọi là Tỳ-kheo? Tỳ-kheo là Khất sĩ". Pháp Hoa nghĩa sớ có viết: "Tỳ-kheo gọi là Khất sĩ, trên xin pháp của Như Lai để nuôi tâm, dưới xin phẩm thực của người thế để nuôi thân, nên gọi là Khất sĩ"[49]. Khất sĩ cũng là một trong 3 nghĩa của Tỳ-kheo. Hai nghĩa còn lại: “phá ác” là tiêu trừ tất cả các phiền não tham sân si trong tâm bằng tam học Giới Định Huệ; “bố ma”, người xuất gia vượt ra khỏi vòng khống chế của thiên ma 6 cõi dục, vượt qua 3 cõi, làm thiên ma kinh sợ.

Về ý nghĩa Khất sĩ, Đức Tổ sư đã dạy: "Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ. Kẻ thật hành đúng chơn lý gọi là Khất sĩ. KHẤT ấy là xin, SĨ đây là học. Xin ấy rồi lại cho. Học đây rồi lại dạy. XIN phẩm thực, để nuôi thân giả tạm, CHO sự thiện lành phước đức, để bảo giữ sự sống dài lâu. HỌC bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. DẠY là đem kết quả thật hành đặc điểm, chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, hai pháp nương sanh, mở ra một con đường xán lạn cho tất cả kẻ về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là đạo. Đạo của sống là xin nhau sống chung, đạo của biết là học chung, đạo của linh là tu chung"[50].

Lại nói: "Người có giới định huệ mới được chơn như, chơn như là hột giống sau chót của các pháp, là pháp tồn tại vĩnh viễn, kêu là ta, chơn ngã tức là tánh chơn, không vọng, tự nhiên không dời đổi, mới gọi là trung tâm điểm, cốt yếu mục đích của chúng ta, nên gọi pháp chơn tâm ấy là đạo của chúng ta, đạo của người giác ngộ hay đạo Phật"[51].

Giới Định Huệ là pháp tu quan trọng trong Phật giáo, xuyên suốt trong tất cả kinh điển Nguyên thủy, Đại thừa, tùy theo kiến giải mà các vị Tổ sư, các nhà nghiên cứu, nhưng căn bản đều giải thích theo tinh thần tam vô lậu học, nhân giới sanh định, nhân định phát huệ. Do giữ giới thanh tịnh mà thân tâm được định tĩnh, từ đó phát sanh trí tuệ.

Đức Tổ sư nói: "Chúng ta ai ai cũng có thể thật hành giác ngộ được hết, mà điều cần nhứt là phải giải thoát; vì chỉ có giới định huệ cụ túc, mới nuôi chơn như cụ túc ấy đặng"[52].

Qua các phân tích ở trên, chúng ta thấy Đức Tổ sư rất xem trọng pháp tu Giới Định Huệ. Ngài dạy chúng ta đi theo con đường Khất sĩ và nương vào Giới Định Huệ để viên thành bản tánh thanh tịnh sáng suốt của mình. Có giác ngộ chơn chánh, Phật tánh, bản tâm thanh tịnh tròn sáng mới tỏ lộ ra, còn không thì chỉ là những kẻ chăn bò chỉ đếm bò cho người.

6. Kết luận

Đức Tổ sư khi tầm đạo và sau khi chứng đạo đã đi nhiều nơi, tìm các vị cao Tăng để tham học nghiên cứu về chơn lý, 3 năm tại xứ Chùa Tháp Campuchia tìm hiểu về tinh hoa của Phật giáo Nguyên thủy, sau đó thăm viếng, tham vấn các vị Thiền sư Minh Trực ở Phật Bửu tự, Đại sư Huệ Nhật phái Thiền Lâm, Ngài Thiện Tường (Chùa Vạn Thọ - Tân Định), Hòa thượng Thiên Thai (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ đó khéo dung hợp tinh hoa tư tưởng giáo lý của 2 truyền thống Phật giáo Bắc truyền và Phật giáo Nam truyền.

Từ những phân tích trong bài, chúng ta có thể thấy tư tưởng Phật tánh của Đức Tổ sư là một mặt vừa chắt lọc tinh yếu của Phật giáo Nguyên thủy, vừa kế thừa tư tưởng Phật tánh trong các kinh điển Phật giáo Đại thừa, mặt khác phát huy tinh thần trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật của Thiền tông, cùng với sự chứng ngộ tự thân, đặt trên nền tảng căn bản của pháp tu Giới Định Tuệ truyền thống của đạo Phật, từ đó hình thành tư tưởng Phật tánh của mình.

Đức Tổ sư với chí nguyền “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, noi gương “Y bát của Phật Tăng xưa”, khai sáng “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” để đem đạo mầu ban rải khắp muôn nơi, giúp cho mọi người trong xã hội được giác ngộ giáo lý của đạo Phật, từ đó độ sanh chúng đang chìm đắm trong bể khổ đưa đến bờ giác an vui, quay trở lại với bản thể Phật tánh thanh tịnh của mình. Công đức Ngài thật vô lượng vô biên, chúng con hết dạ thành tâm phụng thờ.

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, Nxb. Tôn giáo, 2004.

- Đại tạng kinh Hán văn (bản điện tử).

- Đại sư Ấn Thuận, Nghiên cứu Như Lai tạng (bản điện tử Hán văn).

- Đại sư Ấn Thuận, Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử (bản điện tử Hán văn).

- Hạ Kim Hoa, Duyên khởi – Phật tánh – Thành Phật, Nxb. Tôn giáo Văn hóa, 2003 (bản Hán).

- Lữ Trừng, Khái luận tư tưởng Phật học Trung Quốc, Nxb. Thiên Hoa, 1999 (bản Hán).

- Quách Bằng,Trung Quốc Phật giáo tư tưởng sử , Nxb. Phúc Kiến, 1994 (bản Hán).

 


[1]佛光大词典佛性 又作如來性、覺性。即佛陀之本性或指成佛之可能性、因性、種子、佛之菩提之本來性質。為如來藏之異名。

[2] Dẫn từ Lữ Trừng: Khái luận tư tưởng Phật học Trung Quốc .

[3] Chơn lý tập III “Phật tánh”, tr. 5.

[4] Chơn lý tập I “Ngũ uẩn”, tập III “Phật tánh”.

[5]《起信論》是心從本已 自性清淨而有無明為無明所染 有其染心而常恆變。T.32, P.577c

[6]《圓覺經》 本起因地皆依圓照清淨覺 永斷無明方成佛道。 T.17, P.913b

[7] Chơn lý, tập III “Phật tánh”, tr.6.

[8] Sđd, “Phật tánh”.

[9] Sđd Đạo Phật Khất S ĩ”, tr. 401.

[10] Ni trưởng Hunh Liên, Kệ Chơn lý. Nguyên v ăn bài kệ “Thái tử xin ăn giữa đếđô / Làm cho xấu hổ cả dòng vua / Thưa ngài, dòng Phật từ bao kiếp/ Tăng sĩ trì bình giữ hạnh xưa ”.

[11]Chơn lý, tập III “Phật tánh”, tr.22.

[12] Sđd, tr. 23.

[13] 經》:一 者。九 (T.12, P.405 a)

[14]Sđd, tr. 14-15.

[15]Sđd, tr. 15.

[16]Sđd, tập III, Thờ phượng, tr.247.

[17]Pháp thân bất diệt xuất hiện trong bài tựa của T ăng Nhất A Hàm《增壹阿含經序品: 極短,肉 在。(T.2, P.549c)

[18]Theo Lữ Trừng, Khái luận tư tưởng Phật học Trung Quốc.

[19]Đại sư Ấn Thuận, Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử.

[20]《大乘玄論》:涅槃經自說佛性有種種名。於一佛性亦名法性涅槃。亦名般若一乘。亦名首楞嚴三昧師子吼三昧。(T.45, P.41c)

[21] Kinh Đại Bát Niết Bàn, 40 quyển, do ngài Đàm-vô-sấm (385-433) dịch vào thời Bắc Lương (397-439) được gọi là Kinh Niết Bàn bản Bắc. Kinh Phật Thuyết Đại Bát Nê Hoàn, 6 quyển, do ngài Pháp Hiển (337/340?-422?) dịch vào thời Đông Tấn (317-420) được gọi là Kinh Niết Bàn bản Nam.

[22]《大般涅槃經》:一切眾生悉有佛性。煩惱覆故不知不見。是故應當勤修方便斷壞煩惱。(T.12, P.405a)

[23]《大方廣佛華嚴經》:奇哉!奇哉!此諸眾生云何具有如來智慧,愚癡迷惑,不知不見?我當教以聖道,令其永離妄想執著,自於身中得見如來廣大智慧與佛無異。(T.10, P.272c)

[24] Chơn lý, tập I Học chơn lý, tr.467. 

[25]大方廣佛華嚴經》:一切諸世間,皆從妄想生,是諸妄想法,其性未曾有。如是真實相,唯佛能究竟,若能如是知,是則見導師。(T.9, P.424b)

[26] Chơn lý, tập I “Sanh và Tử”, tr.147.

[27]《華嚴一乘成佛妙義》 眾生本成佛。T.45, P.791a 法華義疏》:眾生本 是佛T.34, P.616c 《大般涅槃經》:一切眾生悉有佛性。( T.12, P.402b

[28]《大方廣佛華嚴經》:心佛及眾生,是三無差別。T.9, P.465c )《般若波羅蜜多心經幽贊》心佛及眾生,此三無差別。(T.33, P.526a).

[29]Chơn lý tập III “Thờ phượng”, 2009, tr.247. Nguyên văn妙法蓮華經提婆達多品 》: 若人散亂心入於塔廟中一稱南無佛 皆已成佛道。 (T.9, P.7c).

[30]《大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經》:一眾生,從無始 生死相續,皆由知常住真心,性淨明體,用 妄想,此想 真,故有轉。 (T.19, P.106c)

[31]Chơn lý tập III “Chơn như”, tr.335-336.

[32]Sđd, tr.332.

[33]《大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經》: 一切眾生。從無始來。迷己為物。失於本心。為物所轉。故於是中。觀大觀小。若能轉物。則同如來。 (T.19, P.111c)

[34]Chơn lý tập III Khổ và Vui, tr.445.

[35]《禪宗無門關》:世尊昔在靈山會上。拈花示眾。是時眾皆默然。惟迦葉尊者破顏微笑。世尊云。吾有正法眼藏涅槃妙心實相無相微妙法門。不立文字教外別傳。付囑摩訶迦葉。(T.48, P.293c)

[36]Chơn lý tập II Tam giáo, tr.78.

[37]《大佛頂如來密因修證了義諸菩薩萬行首楞嚴經講錄》:要知我說法者。如指月之人。汝聽法者。如看月之人。T.15, P.24c )《大乘入楞伽經》:如愚見指月,觀指不觀月;計著文字者,不見我真實T8, P.510c ) ;《金刚经》:汝等比丘,知我說法,如筏喻者,法尚應捨,何況非法。(T8, P.749b ) 《摩訶般若波羅蜜經》: 我不說一字亦無聽者T.8, P.275b) 。《入楞伽經》:何等夜證法,何等夜入滅,於此二中間,我不說一字 T.16, P.576a)

[38]Sđd, tập I, Y bát chơn truyền  , tr. 304.

[39]Sđd, tập III, Phật tánh  , tr.9.

[40]Sđd, tập II, Thần mật  , tr.137.

[41]Sđd, Cư sĩ

[42]Sđd“Chánh kiến”.

[43]《六祖大師法寶壇經》:何期自性本自清淨。何期自性本不生滅。何期自性本自具足。何期自性本無動搖。何期自性能生萬法。(T.48, P.349a

[44]Chơn lý “Học để tu”.

[45] Nguyên tác: 居塵樂道且隨緣 , 饑則飧兮困則眠, 家中有宝休寻覓, 对鏡無心莫問禪 :

[46]Chơn lý, tập III “Vô Lượng Cam Lộ , tr. 95 - 96.

[47]Sđd, tập I “Khất sĩ”, tr. 263 .

[48]Sđd, tập I “Y Bát chơn truy n”, tr. 304 - 305.

[49]《大智度論》:云何名比丘?比丘名乞士。(T.25, P.79b) ;《法華義疏》:比丘者名為乞士,上從如來乞法以練神,下就俗人乞食以資身,故名乞士。 (T.34, P.457b)

[50]Chơn lý, tập III “Hòa bình , tr. 350.

[51]Sđd, tập I “Tâm”, tr. 410 .

[52]Sđd, tập III “Phật tánh , tr. 14.