Ngoại của con

Con kính tặng Ngoại, với lòng biết ơn muộn màng, tự tâm con.

ngoai

Mười bốn năm, ngày con xa ngoại.

Chừng ấy thời gian, liệu có đủ để con chiêm nghiệm lẽ vô thường?

Tuổi thơ con gắn liền với đoạn đời gian nan của ngoại,

Ký ức, như một đoạn phim dĩ vãng, nằm im trong tiềm thức.

Những lúc bão giông, và cả khi trời lặng gió, kỷ niệm xưa quay quắt hiện về.

Nhân duyên đã đưa con đến với cuộc đời này, gặp gỡ, gắn bó và yêu thương cùng ngoại. Ngoại đã cưu mang con từ khi con mới chào đời, tần tảo sớm hôm nuôi con khôn lớn.

Con vẫn nhớ nét hiền hòa, từ ái trong cách cư xử, nói năng và suy nghĩ của ngoại. Con chưa từng nghe ngoại gây gổ, nói dối hay lường gạt ai bao giờ.

Những tháng năm còn trẻ, ngoại chỉ biết chăm chỉ và lặng lẽ làm việc để nuôi đàn con cháu. Từng miếng cơm, manh áo, từng quyển vở con đi học đều ướt đẫm giọt mồ hôi của ngoại. Con lớn lên từng ngày trong tình thương của ngoại. Con nào hay, sự trầm tĩnh, vững chãi mà kiên định ở người cũng đã thấm dần trong con từ ngày ấy.

Ngày con đi học xa, ngoại tất tả vay tiền hàng xóm cho con làm lộ phí. Chuyến xe đò chiều hôm ấy chở con đi, chở luôn cả ánh mắt thương yêu, chở cả niềm hy vọng của tấm lòng bà.

Con vẫn nhớ lời ngoại nhờ bác tài xế: “Cậu làm ơn kiếm chỗ cho cháu ngoại tui ngồi!” Con làm sao quên được cảm xúc nghẹn đắng và nước mắt dâng trào trong con khi xe vừa rời bến. Tất cả những hình ảnh, tình cảm đó theo con suốt những tháng năm đại học, tiếp sức cho con vượt qua thử thách của những ngày đầu tiên, con chập chững bước vào đời.

Tuổi của con bây giờ đã nhiều hơn tuổi ngoại, ngày đưa tiễn ấy. Vậy mà, khi viết những dòng này, con thấy như con trở lại là đứa cháu nhỏ ngày xưa, trong vòng tay yêu thương ấm áp của bà. Giờ đây, ở một cõi xa nào đó, tâm ngoại có tương ưng cảm nhận được nỗi thương nhớ ngoại trong con?

Hồi đó, đều đặn hàng tháng, con về thăm ngoại. Ngoại chắt mót từng đồng bán mận, bán cam, đợi con về, cho tiền con trở lại trường. Chiếc phà Rạch Miễu ngày xưa từng là nỗi nhớ trong con, mỗi khi lòng con đau đáu vọng quê. Qua phà, chạy theo con đường đất ven sông Tiền, con sẽ được đặt chân nơi ngôi nhà tranh nhỏ.

Nơi đó, có người bà luôn dõi theo từng bước chân của đứa cháu học xa.

Nơi đó, con đã sống qua bốn mùa hè của thời sinh viên.

Nơi đó, con đã từng được thưởng thức món tương hột kho dừa, món bánh lá miền quê dân dã. Cả đời con, dù có đi đâu và làm gì, con cũng không sao quên được tấm lòng và tình thương của ngoại từ những điều tưởng chừng như đơn giản mà thâm trầm khắc sâu mãi trong tâm trí con.

Và cũng từ nơi đó, con đã viết những dòng thơ:

Đêm nay, nằm bên ngoại,

Ngoài trời, nặng hạt mưa.

Vẫn ấm áp một khoảng trời nho nhỏ.

Có ngọn đèn dầu khi tỏ khi lu.

Mai này, con lại đi,

Mái nhà tranh, ngoại sống đời đạm bạc.

Dành dụm hoài, tiền cho cháu học xa.

Bài thơ con viết xuống,

Không phải để cho con, cho người con yêu kính.

Sao ngập ngừng, không dám đọc người nghe?

Những câu thơ ấy, con đã đọc cho bạn bè nghe, vào những buổi tối ký túc xá trời mưa rả rích. Con đã kể với bạn bè con về ngoại bằng cách ấy, bằng tình cảm ấy, nhưng chưa bao giờ con dám đọc cho ngoại, nhân vật chính của con nghe. Con không đủ can đảm để thể hiện tình cảm của mình, với người mà suốt đời này, con mang ơn nặng !

Con tốt nghiệp và đi dạy ở trường làng. Ngoại rời quê về sống với con. Căn phòng tập thể ngày ấy có ngoại, con và mấy đứa em. Đồng lương giáo viên còm cõi cùng với thu nhập từ việc làm thêm lặt vặt, nên tất cả mọi người đều phải chi tiêu thật gói ghém.

Những ngày cuối đời, ngoại nhàn nhã hơn, nhưng cũng còn thật nhiều khó khăn, thiếu thốn. Con chưa thể chu toàn cho ngoại, về tất cả. Ngoại cũng chưa một lời than vãn. Lâu lâu, ngoại về thăm quê, lại khệ nệ xách từng giỏ mận, hái từng trái cam cho cháu.

Con chuyển trường về thành phố, ngoại cũng khăn gói theo con. Con biết, đêm đầu tiên nằm trong ngôi nhà mới con mua, ngoại mừng lắm. Ngôi nhà bé xíu, rách nát, lọt thỏm ở ngoại ô thành phố. Nhưng từ đây, nó sẽ là tổ ấm của hai bà cháu, con tự nhủ với lòng!

Con vẫn tất bật với công việc, vẫn đi sớm về trễ, bỏ mặc ngoại sáng chiều trông ngóng. Con chỉ chợt giật mình nhớ lại ánh mắt xa xăm của ngoại, khi nhiều năm sau ngày bà mất, con có dịp đi thăm những người già ở Trung tâm xã hội.

Đó là nơi nuôi dưỡng những người già không nơi nương tựa. Khi có bất cứ người khách nào đến Trung tâm, các cụ đều ùa ra hành lang các dãy phòng, ánh mắt đau đáu trông ngóng người thân. Ngoại của con chưa đến mức bị bỏ rơi, nhưng chắc chắn, đã từng có những thoáng chạnh lòng vì đứa cháu vô tâm như con.

Ngoại ra đi, sau một tai nạn. Một tuần nằm viện, trong cơn mê sảng, ngoại chỉ gọi tên con. Phòng hồi sức, nơi ngoại nằm, không cho phép người nhà thường xuyên túc trực. Con chỉ biết được điều đó sau này, qua lời kể của một học trò cũ là bác sĩ trực. Con nghe mà thấy quặn lòng. Đến lúc cuối đời, trong tâm thức, ngoại vẫn dành cho con một tình thương sâu đậm.

Mùa Vu Lan năm nay, con viết về ngoại. Ngày ngoại mất, con có làm được gì cho phần tâm linh của ngoại đâu. Một tiếng niệm Phật, con còn chưa biết nữa! Hồi đó, con chưa biết đạo. Những lúc phải đối mặt với khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống, con chỉ biết dựa vào chính mình. Con nào biết đến chân lý cứu khổ trong giáo lý của Đức Phật. Con loay hoay, bất lực trong vòng xoáy nghiệt ngã của đời thường. Con chưa đủ duyên để tìm về với đạo. Và vì thế, con đã không biết được rằng, ngoại con ngày ấy, cần biết bao một điểm tựa tâm linh!

Giờ đây, mỗi ngày đến tịnh xá, con có dịp gặp nhiều cụ ông, cụ bà đi lễ Phật. Có những trường hợp quy y ở tuổi bảy mươi, thậm chí còn ở độ tuổi cao hơn nữa. Con luôn nhận ra sự thành kính trên từng nét mặt, trong từng động tác lễ Phật của các cụ. Trong các khóa tu Phật thất, con cũng thường nhìn thấy những dáng đi lom khom, bước thấp, bước cao, theo tiếng nhạc kinh hành. Con nhận ra sự thanh thản, an lạc từ các Phật tử cao niên ấy. Con mừng cho các cụ.

Dẫu biết, tất cả là do duyên, không thể cưỡng cầu mà được, nhưng mỗi lần nhìn thấy những cụ ông, cụ bà được con cháu đưa đi tịnh xá, con lại nghĩ về ngoại. Giá như con và ngoại đủ duyên để về với đạo sớm hơn.

Dẫu biết, đời là vô thường, trong con, vẫn có chút tiếc nuối. Giá như, ngoại sống lâu hơn, con sẽ có điều kiện chăm sóc ngoại tốt hơn. Con sẽ chở ngoại đi tịnh xá niệm Phật mỗi ngày, ngoại nhé !

Nhưng thôi, đó chỉ là những suy nghĩ thoáng qua, trong con. Hiểu đạo rồi, con phải biết sống tùy duyên, biết lý giải và chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại. Con vẫn nhớ lời dạy của Đức Phật: cuộc sống con người chỉ là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Con người gặp nhau là bởi chữ Duyên, gắn bó và yêu thương nhau là bởi chữ Nợ.

Sự gặp nhau giữa ngoại và con đời này là do duyên từ quá khứ.

Con hiểu sâu hơn, thấm thía hơn lời Kinh Phạm Võng: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, ta đời đời kiếp kiếp đều từ họ thọ sinh. Vì vậy, chúng sinh trong sáu nẻo đều là cha mẹ của ta”.

Mùa Vu Lan luôn gợi cho những người con Phật ý niệm về đạo hiếu. Đời này, con nợ ngoại món nợ ân tình sâu nặng. Con không biết, đến một kiếp nào đó, đủ duyên, để gặp lại bà, đáp lại thâm tình con đã nhận. Con nguyện làm người Phật tử chân chính. Con nguyện sống xứng đáng với niềm tin và hy vọng, ngoại đã dành cho con

Mùa Vu Lan còn là mùa xá tội vong nhân. Con nguyện cầu cho hương linh ngoại được siêu thoát. Con nguyện cầu cho tất cả chúng sinh đời đời kiếp kiếp đều kết thành Bồ-đề quyến thuộc trong ánh đạo từ bi của chư Phật.

TX. Ngọc Tường, tháng 6 năm Bính Thân.