Nhà văn Võ Hồng và tùy bút “Nghĩ về mẹ”

hinhchumeNhà văn Võ Hồng sinh 1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên và qua đời ngày 31/3/2013 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nhớ đến nhà văn Võ Hồng là nhớ tới những tác phẩm nổi tiếng của ông như: Hoài cố nhân, Một bông hồng cho cha, Vết hằn năm tháng, Lá vẫn xanh, Thương mái trường xưa, Vẫy tay ngậm ngùi, Nửa chữ cũng thầy, Vùng trời thơ ấu, Chúng tôi có mặt

Theo website mang tên nhà văn Võ Hồng (http://www.vohong.de), thuở nhỏ Võ Hồng học ở trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi ra học Trường Trung học Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1940, ông học ban tú tài ở Hà Nội. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim (tháng 4/1945), ông làm bí thư tòa tổng đốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến ông cùng vợ dạy học ở Trường Trung học Lương Văn Chánh (Phú Yên), sau đó làm hiệu trưởng trường này. Năm 1953, ông bị bệnh xin nghỉ dài hạn. Năm 1954, ông đưa gia đình về sống ở Ðà Lạt. Từ năm 1956, ông về sống ở Nha Trang, dạy học ở các trường tư thục và nghỉ hưu năm 1982. Về văn nghiệp, tính đến nay, Võ Hồng đã cho ra đời ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình… Truyện ngắn đầu tay Mùa gặt của ông được đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn, khi ấy ông còn là một học sinh đệ tam niên (theo hệ giáo dục thời đó). Mãi đến năm 1959, ông mới gia nhập làng văn với tác phẩm đầu tay Hoài cố nhân… Sau năm 1975, trong một số tác phẩm của mình, Võ Hồng đã ký bút hiệu Võ An Thạch hoặc Võ Tri Thủy…  

Nhiều tác phẩm của nhà văn Võ Hồng đã được trích giảng trong sách giáo khoa văn cho chương trình trung học trước năm 1975. Sau năm 1975, văn nghiệp của ông là đề tài cho nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ văn chương. Văn chương của ông đề cao tình yêu quê hương thôn dã, tình cảm gia đình, tình thầy trò, bằng hữu. “Nghĩ về mẹ” là tùy bút đặc sắc in trong tập “Một bông hồng cho cha” của nhà văn.

Mẹ! Tiếng gọi thiêng liêng nhất và thường xuất hiện trên môi con trẻ khi cất tiếng nói đầu đời. Từ cổ chí kim đã có biết bao áng văn thơ miêu tả lòng mẹ thương con và tấm lòng của con với mẹ. Nghĩ về Mẹ - tùy bút của nhà văn Võ Hồng góp thêm một tiếng nói dịu êm vào tiếng chuông ngân vang trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu.

Tùy bút đã đưa độc giả về với những câu chuyện dân gian mô tả lòng mẹ thương con thật là cảm động. Một người mẹ bị rắn độc cắn, biết mình không sống nổi nhưng lo cho con nên vội vàng bỏ lúa vào cối xay lấy gạo để nếu có chết con còn có cái mà ăn. Điều huyền diệu đã xảy ra. Vì gắng hết sức, chất độc toát ra theo mồ hôi và người mẹ không chết. Đó là câu chuyện về vua Salomon - vị vua Do Thái nổi tiếng xử kiện hai người đàn bà tranh nhau một đứa bé. Nhà vua không biết phân xử thế nào nên đã ra lệnh xé đứa bé làm hai chia cho mỗi người một nửa. Nghe vậy, một người bảo “Dạ, thà như vậy cho công bằng”, còn một người hốt hoảng “Thôi, tôi xin nhường”. Và, nhà vua đã nhận ra ai là mẹ thật.

Đó là tình mẹ dành cho con, còn lòng con dành cho mẹ cũng đầy cảm động. Lão Lai đã 70 tuổi nhưng hàng ngày đều múa hát làm vui cho cha mẹ già. Đó là câu chuyện mẹ Vương Thôi sợ sấm sét. Hàng ngày, khi đi làm đồng, mỗi lần nghe sấm sét, Vương Thôi lại vội chạy về nhà để mẹ bớt sợ. Khi mẹ qua đời, mỗi khi trời mưa sấm sét, ông lại chạy ra ôm mộ mẹ và nói: “Có con đây, mẹ đừng sợ”. Đó là câu chuyện về một vị hiền tử nọ, một hôm phạm lỗi bị mẹ đánh, ông khóc rất nhiều. Mẹ hỏi “Lần này mẹ đánh ít sao con khóc nhiều?” Ông thưa: “Những lần trước mẹ đánh nhiều, ngọn roi mạnh, con khóc vì đau. Lần này mẹ đánh ít, ngọn roi nhẹ, con thấy ít đau, con biết sức mẹ đã yếu, mẹ đã già, nghĩ vậy mà con khóc” v.v…

Kể sao cho hết tình mẹ thương con và tình thương con dành cho mẹ, bởi trên đời không có ai yêu ta bằng mẹ: “Người tình dẫu thủy chung, cũng chỉ yêu ta với điều kiện. Hoặc là ta đẹp, hoặc ta có tài. Mẹ thì không, xấu xí cũng thương, xấu xí càng thương như nhằm bù lại những thiệt thòi cho con, như ngầm nhận sự xấu xí là do lỗi mẹ”. Ngày lễ Vu Lan là để nhớ đến mẹ cha. Trong ngày này có nghi thức Bông hồng cài áo: ai còn mẹ được gắn một hoa hồng đỏ, ai mất mẹ thì được gắn một bông hồng trắng. Một cách để nhớ mẹ, để tôn vinh mẹ, để mừng mẹ còn tại thế, để xót xa nghĩ đến mẹ đã qua đời.

Nghĩ về Mẹ của Võ Hồng là món quà ý nghĩa dành tặng cho tất cả những người con nhân ngày lễ Vu Lan.