Nhặt mưa làm nước mắt

muaBố của con! Trời lại mưa Bố ạ. Và con lại nhớ đến câu nói của Bố năm nào khi con bước vào căn nhà với thân hình ướt sũng. Bố nhìn con lắc đầu với nụ cười một nửa: “Con lại lang thang nhặt mưa làm nước mắt và trả nước mắt cho mưa ư con gái?” Chỉ có Bố là hiểu con, và Bố nói cũng chỉ có con hiểu Bố.

Gia đình mình là một gia đình phức tạp Bố nhỉ! Bố đã gật đầu khi con buột miệng thốt ra câu ấy vào một buổi sớm hôm hai Bố con cùng ngồi ngắt những củ lạc đầu mùa. Bố Mẹ cùng với tám anh chị em của con nữa là mười – mười thành viên trong một ngôi nhà không quá lớn. Mỗi người một vẻ. Gia đình mình làm nên một thế giới muôn màu Bố ạ, con nghĩ thế.

Mẹ thì mạnh mẽ, chưa bao giờ con thấy Mẹ khóc. Anh Thiện và em Nguyệt giống Mẹ ở điểm này. Bố hay tủi thân, Bố không khóc nhưng nhiều lúc nước mắt tự ứa ra làm mắt Bố đỏ hoe. Anh Lương, anh Đức, chị Anh, chị Lý, em Nhật và cả con nữa, giống Bố như thế.

Tuổi thơ của con là một vỏ ốc chứa đầy nỗi sợ hãi và nước mắt. Còn tuổi thơ của các anh, các chị và hai em của con là sự chai lì. Con chứng kiến những bữa cơm chỉ có bát canh, tô cà và… nước mắt. Ông nội đánh mẹ. Mẹ la và lắm khi cãi lời ông nữa. Con nép trong xó nhà, ôm lấy cây cột và nuốt từng dòng nước mằn mặn trào ra từ khóe mắt. Con sợ Bố ạ.

Con nhớ hôm nhà mình mất đàn vịt, anh cả bắt mấy chị em con nằm sấp giữa nhà, (trừ con ra) và đánh. Con biết họ đau lắm, nhưng không một tiếng khóc. Con nép sau cánh cửa nhưng nhắm mắt không nhìn. Con khóc! Con không quên được buổi trưa năm đó, trên người anh Đức và anh Thiện đầy những vết lằn như những con chạch đỏ quạch, vì bị anh cả đánh. Con nhìn những cuốn sách của hai anh bồng bềnh trên mặt hồ, nước mắt tự chảy. Con chạy đến ngôi nhà hoang thấy hai anh của con đang ngồi run vì sợ.

Tuổi thơ của các anh chị và em con là những trận đòn.

Con run bắn mỗi lần anh cả say rượu. Con biết Bố không quên được những buổi tối anh cả giận dữ với Bố. Anh bảo ông bà không lo được gì cho tui cả, tui từ ông bà. Nước mắt Bố lại lưng tròng. Con biết Bố không trách anh, mà lại tự trách mình không thể lo cho anh ăn học chu đáo như bọn con. Anh đập hết chén bát và đồ dùng trong nhà. Con nép bên mép tủ và khóc. Con rất sợ Bố ạ.

Con nhớ có lần chị dâu đòi uống thuốc tự tử, chị bảo chị khổ quá. Mẹ thì bỏ nhà đi. Con chạy theo nhưng mẹ quát con. Mẹ bảo: “Mi cút về với Bố của mi đi, đừng theo tao”. Con khóc và ngã huỵch giữa đường, lầm lũi trở về với bộ đồ nhem nhuốc và hai con mắt sưng mọng.

Con cũng nhớ Tết năm ấy, Bố và con đang gói bánh chưng, háo hức. Rồi một chú người to bự đến. Con thấy nét mặt Bố nhợt đi, Bố nói gì đó, và hình như Bố khóc. Người ta chỉ tay vào mặt Bố dằn từng tiếng, con nhớ hình như là “ngày mai là hạn cuối cùng, không trả được nợ thì không xong đâu ông già”. Bố cảm ơn và đưa mắt nhìn theo người ta ra cổng.

Con chứng kiến những cuộc cãi vả của Bố Mẹ thường xuyên, và lần nào con cũng khóc. Bố nhìn thấy và nói với mẹ: “Thôi bà đừng làm khổ con Nga nữa, nó xỉu bây giờ”. Con nhìn ra đường, người ta đứng xem đông lắm Bố ạ. Có người cười hả hê. Có người lắc đầu cũng những ánh mắt thương cảm, (hình như họ tội nghiệp mình). Lúc đó con còn nhỏ lắm.

Rồi con học lên cấp hai. Các thầy cô ai cũng thương con. Họ hỏi con nhiều về gia đình mình. Con không dám kể. Bạn bè con thì thật ác. Họ không kêu mỗi mình tên con đâu, họ kêu cả tên Bố kèm theo nữa. Con không thích Bố à, nhưng họ vẫn cứ kêu, rồi họ cười, trông khoái trá lắm. Họ bảo: “Mẹ bây đẻ gì mà đẻ lắm thế?”. Con đỏ mặt. Con xấu hổ Bố ạ. Đi học về, con kể với Bố, Bố bảo: “Cứ kệ bọn nó, nhà mình đông anh em thì càng vui chứ sao, bọn chúng nói bậy”. Nhưng con lắc đầu, trong con bắt đầu có sự mặc cảm. Con không chơi với ai. Con sợ những câu hỏi của bạn bè. Con muốn lẩn tránh khi có ai đó hỏi về nhà mình có mấy anh chị em. Có lần con đã đánh thằng Thịnh, vì nó dám nói mẹ con là con gà mái. Lúc đó con cũng sợ lắm Bố ạ, vì nó là con trai, lại to lớn hơn con. Nhưng con cũng không biết nữa, con lao vào nó như một con bò muốn húc chết đối phương. Ngày hôm sau con xin lỗi nó nhưng hình như nó còn sợ. Từ đó, không ai còn trêu chọc con nữa. Bọn đó nói với nhau “nó mà điên lên thì có thể giết mình đó”. Nhưng mà bọn nó cũng lánh xa con hơn, không ai dám chơi với con Bố ạ. Con cũng không cần. Thế giới của con, chỉ có con, mưa, và Bố, và gia đình mình thôi, con cũng chỉ cần thế. Dường như con chỉ biết cười khi trời mưa. Cười vì biết con sẽ được khóc. Năm tháng cứ trôi, dưới mắt mọi người, con là con bé lầm lì, chưa ai thấy con khóc cả. Vì con không khóc trước mặt người khác, con khóc một mình. Và chỉ có Bố biết điều đó. Mỗi khi trời mưa, con đều đi tắm mưa. Con cứ đi trong mưa như thế, con đứng thật lâu dưới mưa ở một nơi thật vắng. Con khóc. Khóc to lắm Bố ạ. Đôi khi con còn hét thật to nữa. Xong rồi con lại cười, cười mấy lần để bắt đầu trở về nhà. Chỉ mỗi Bố biết con vừa khóc, và Bố cũng biết con thoải mái và nhẹ lòng nữa. Mẹ thì thường mắng con, vì Mẹ sợ con ốm. Mẹ nói: “Con này thật không bình thường”. Chỉ có điều Mẹ không bao giờ đánh con. Có một điều cho đến bây giờ con vẫn luôn tự hỏi mình và chưa thật sự tìm được câu trả lời. Đó là tại sao từ nhỏ đến giờ, trong khi các anh chị và hai em con luôn bị đòn của mẹ, của anh cả, thì con lại chưa khi nào bị đánh cả. Con luôn thấy mình nhận được một tình thương đặc biệt từ Bố Mẹ và anh chị. Con là đứa thứ sáu, là chị của hai đứa em nữa, nhưng lại luôn được cưng chiều nhất nhà. Có gì ngon, mẹ toàn dành cho con phần nhiều, có khi chỉ cất cho riêng con thôi. Những lúc con gà bị bệnh chết, cả nhà được bữa thịt ngon, con luôn được phần hai cái đùi to, còn hai em con lại không có. Nhưng mà như Bố biết đấy, chẳng khi nào con ăn đùi cả, con cho hai em hai cái. Con ăn cánh, hai cái chân và cái đầu. Ai cũng bảo con này ngu thế. Nhưng con có ngu đâu. Con ăn những cái mình thích mà. Kẹo ngọt, con không thích nên con cho hai em thôi, chứ những cái con thích con không cho đâu. Con cũng khôn mà, phải không Bố?

Công nhận là nhìn con gầy, họ cứ nói con như con mắm. Con nhỏ hơn cả hai em, mà lại lùn nữa. Hay vì thế mà con được thương nhiều nhất nhà Bố nhỉ? Con gầy yếu quá nên không ai nỡ đánh? Con cũng không ham chơi như hai em, vì con ghét đi chơi lắm. Con thích đọc sách hơn cơ. Con nhớ có ai đó nói với con chỉ có học thật giỏi thì sau này mới hết khổ, hết nghèo, hết bị khinh thường. Con tin. Và con muốn học giỏi Bố ạ.

Mà Bố ơi. Con cũng thấy lạ nữa. Sao mỗi lúc nhà mình ăn cơm, không ai mời Bố Mẹ ăn cơm cả. Con nhớ ngày xưa đi học mẫu giáo, cô giáo của con dạy là trước khi ăn cơm phải mời bố mẹ và người lớn mới được ăn. Ăn xong phải rót nước và lấy tăm mời bố mẹ và người lớn dùng. Con nhớ rõ mà. Và con làm theo. Bố Mẹ thì gật đầu, còn các anh chị và cả em con nữa thì cười khẩy: “Dẹp trò đó đi “con” ạ, lo mà kiếm miếng vào bụng”. Nhưng kệ, con vẫn cứ làm. Vì con vẫn là một đứa bướng bỉnh mà.

Sài Gòn mưa nhiều lắm Bố ạ. Con lại đi tắm mưa. Nhưng mưa trong này kỳ cục lắm, chẳng giống mưa ở ngoài mình. Nó cứ đến bất chợt và đi cũng bất chợt như thế. Có khi trời đang nắng, một thoáng đã thấy mây kéo về. Mưa. Xong rồi mặt trời lại ló ra, nắng bình thường trở lại. Con đành trở về. Nhưng rồi con ốm Bố ạ. Chắc Bố cũng ngạc nhiên lắm Bố nhỉ. Ở quê mình, có khi trời mưa cả ngày, ngày này qua tháng khác. Mùa lũ con và hai em còn lội bì bõm trong nhà nữa. Bọn con bắt những con cá lia thia cực đẹp trốn dưới chân giường nhà mình. Con có một lọ cá thật đẹp. Nhưng rồi con Miu Miu nhà mình đã ăn thịt hết bọn chúng. Con Miu Miu thật ác. Lúc nào có mưa, con đều đi tắm mưa, có khi còn trở về với đôi môi tím ngắt, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Người con lạnh queo. Nhưng chưa bao giờ con ốm cả. Vậy mà mưa Sài Gòn, con mới dầm một xíu đã bị ốm rồi. Lúc đầu con cứ thắc mắc mãi. Sau đó con tự cho mình câu trả lời. Chỗ con ở là khu công nghiệp, nhiều nhà máy lắm Bố ạ. Cứ mỗi chiều con ngồi ngắm hoàng hôn, lại ngắm cả những làn khói đen sì từ các nhà máy bay lên trời. Người ta nói họ thải khí độc. Họ đầu độc cơn mưa của con. Có lần Bố viết thư cho con, Bố bảo sao con không chuyển lên gần trường đi học cho tiện, đi xa chi cho cực. Trường của con nằm ở trung tâm thành phố, cái gì cũng đắt đỏ Bố ạ. Con ở gần khu công nghiệp, là thế giới của công nhân, hơi ồn ào tí nhưng thức ăn rẻ lắm, mọi thứ cũng đều rẻ hơn so với chỗ gần trường. Với lại con đi xe buýt quen rồi mà Bố. Con cũng thích nữa. Lúc nhỏ, cứ mơ một lần được ngồi ô tô. Nay vào đây, ngày nào con cũng được ngồi ô tô cả. Có ngày con được ngồi đến bốn, năm lần. Cũng mệt thật, nhưng con thấy vui và hài lòng Bố ạ.

Ngày xưa, con tự hứa với lòng mình sẽ phải vào Đại học. Con không muốn làm một người tầm thường. Và rồi con đã thi đậu. Con rời xa Bố Mẹ, rời xa cái mảnh đất mà trong con luôn cảm thấy sợ hãi. Ở đó có những ánh mắt nhìn như muốn nuốt tươi người ta, có những nụ cười hể hả khi nhà mình có chuyện. Họ không xem nhà mình là người hay sao đó Bố ạ. Họ nói nhà mình là những sinh vật lạ. Còn rất nhiều nữa, mà sau này lớn lên con mới tìm được cái tên mà mọi người gọi cho nó, đó là DƯ LUẬN. Con sợ cái dư luận ấy nên con rời xa, con vào Sài Gòn và sẽ trở về khi không còn là sinh vật lạ trong mắt mọi người nữa.

Mà Bố ơi! Lâu rồi anh cả có còn đánh hai em và có còn hay uống rượu say nữa không Bố? Và Bố Mẹ có còn hay cãi nhau như ngày xưa nữa không? Ngày xưa, lúc chập chững bước vào đời, con đã ước một chút bình yên cho gia đình mình. Và bây giờ, con vẫn ước điều đó, một chút thôi cũng được Bố ạ.

Ngày xưa, con thường đỏ mặt khi nghe ai hỏi nhà mình có mấy anh chị em. Con luôn mặc cảm về gia đình mình – một gia đình đông anh em, luôn có tiếng cãi cọ, luôn lục đục, chẳng lúc nào yên ổn. Nhưng nay thì con không thế nữa. Con có thể ngẩng cao đầu mà nói với bạn rằng, gia đình tớ có đến tám anh em cơ, và là một gia đình đặc biệt. Con học được cách tự bằng lòng và biết chấp nhận. Ý chí, sự chịu đựng và lòng quyết tâm của con được tôi luyện chính trong gia đình mình. Dù là thế nào đi nữa, đó vẫn là gia đình của con, là mái ấm của con, là thế giới của con. Nếu có kiếp sau, con vẫn muốn được là con của gia đình mình, con của một người Bố tuyệt vời nhất thế gian, và con của một người Mẹ đảm đang, rắn rỏi.

Trời đã về sáng rồi Bố ạ. Con sẽ đi ngủ một lúc để được về tắm lại cơn mưa ngày xưa của tuổi thơ con. Mưa xong, biết đâu con lại được ngắm cầu vồng Bố nhỉ…