Nhiệm vụ Tăng già thời hiện đại

 

IMG 0983 CopyI. DẪN NHẬP

Dòng thời gian cứ mãi trôi, vạn vật cứ chuyển biến không ngừng trong qui trình sinh trụ dị diệt. Từ quá khứ đến nay đã bao lớp người hiện hữu rồi ra đi, bao sự kiện thăng trầm biến dịch, trùng trùng tiếp nối, không biết đến khi nào dừng lại. Trong quá trình ấy có một thứ không hề đổi thay, mất dạng mà vẫn tồn tại một cách hiên ngang, kiên cố, sáng ngời, đó chính là đạo Phật.

Đúng thực như thế, chúng ta không quá chủ quan với nhận định này khi ngược dòng thời gian cách đây hơn 25 thế kỷ, đạo Phật xuất hiện trên xứ Ấn Độ như ánh mặt trời mọc lên xua tan đi tất cả những u ám của đêm đông giá buốt; như ánh nhiên đăng soi sáng nẻo về bến giác cho tất cả chúng sanh. Sự xuất hiện của đức Thế Tôn là một nhu cầu cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, bởi trước hoàn cảnh phân chia giai cấp trầm trọng ở xứ Ấn đã khiến cho dân chúng thời ấy phải chịu biết bao thống khổ! Ngài đã đứng lên làm một cuộc cách mạng vĩ đại xóa bỏ giai cấp với lời tuyên bố hùng hồn: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”. Và hơn thế nữa: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh - Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời tuyên bố này đã làm sững hồn, ngơ ngác và đảo lộn tư tưởng, quan niệm sai lầm cố hữu của những nhà lãnh đạo độc tài lúc bấy giờ, đồng thời cũng ổn định lại xã hội Ấn đã một thời hỗn loạn. Sự kiện rõ nét nhất là Ngài đã nhận vào Tăng đoàn những người thuộc giai cấp hạ tiện nhưng tâm hồn thật sự giác ngộ. Và như thế, đức Phật đã sống, trải nghiệm theo chơn lý để đưa con người gần lại với nhau trong tinh thần bình đẳng hòa hợp, tạo thành một Tăng đoàn thanh tịnh, gương mẫu, xứng danh đạo giác ngộ giải thoát. Đức Phật nay đã tự tại chốn Niết Bàn. Cho nên, việc truyền thừa và bảo tồn mạng mạch Phật pháp và làm cho Tăng đoàn mãi vững mạnh, đó là nhiệm vụ của Tăng già mà chúng ta cần phải ý thức cao độ đối với trọng trách thiêng liêng của mình.

II. NỘI DUNG

Tăng-già là một đoàn thể Tăng chúng từ bốn người trở lên, xuất gia tu học trong tinh thần bình đẳng, hòa hợp và thanh tịnh. Tăng-già được mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai nên nhiệm vụ của Tăng-già vô cùng quan trọng, là người đại diện Phật-đà tuyên dương chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai thì phải làm sao cho mình cùng người đều đạt đến giải thoát an lạc chân thật. Do vì trách nhiệm cao cả và thiêng liêng như thế mà Tăng-già được ở vào một địa vị trong ba ngôi báu: Tăng bảo. Nhiệm vụ của Tăng-già có hai phần:

1. Trú trì chánh pháp tức là duy trì, giữ gìn và bảo vệ chánh pháp.

Tăng-già là người nắm giữ mạng mạch Phật pháp, sự hành trì và truyền bá giáo pháp của Tăng-già ảnh hưởng trực tiếp đến sự hưng thịnh hay suy vong của đạo pháp. Vậy thì trong xã hội phức tạp ngày nay, Tăng-già chúng ta cần phải làm gì?

Trong cuộc sống hiện nay, nhân loại đang chuyển mình từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ xã hội công nghiệp sang kỷ nguyên công nghệ thông tin. Sự thay đổi trên đà văn minh tiến triển này gây ảnh hưởng và có thể nói là một thách thức lớn đối với hàng xuất gia chúng ta. Thế cho nên, đòi hỏi ở Tăng-già phải có một nội lực tu tập vững chắc, một giới hạnh mẫu mực, một trí tuệ uyên bác (từ kiến thức Phật học đến tri thức thế gian).

Hàng xuất gia chúng ta may mắn sớm gặp được chánh pháp Như Lai, nhìn lại thế gian ta thấy biết bao chúng sanh còn vô minh nghiệp chướng nặng nề chưa biết lối về nguồn chơn tánh giác, tự hỏi làm thế nào để đem chánh pháp đến được với các tầng lớp nhơn sanh trong xã hội, để họ quy hướng Phật pháp, để tin hiểu và thực hành đúng chánh pháp? Làm thế nào cho vơi bớt nỗi đau khổ đang ngập tràn và giày xéo kiếp người? Làm thế nào để vận dụng thành quả khoa học kỹ thuật cho việc phát triển đạo pháp?... Tất cả đang trông đợi vào câu trả lời và việc làm thiết thực của chúng ta.

Do vậy, để thuyết phục họ hay nói khác hơn là để xứng đáng với những bậc “thiên nhơn chi đạo sư” trong thời đại mới thật không phải chuyện dễ! Muốn hoàn thành sứ mệnh ấy, Tăng-già nói chung và mỗi cá nhân Tỷ-kheo chúng ta nói riêng phải luôn tự hoàn thiện tổ chức mình, tự hoàn thiện bản thân mình, không ngừng nâng cao phẩm hạnh và trí tuệ, sẵn sàng đối phó và vượt qua sóng gió cuộc đời. Có như thế, chúng ta mới mong đem lại lợi ích cho chính mình và niềm an vui cho toàn thể xã hội.

- Hoàn thiện tổ chức: thiết nghĩ, trong việc tiếp tăng độ chúng của mỗi tự viện, phải có tổ chức đạo tràng tu học cho Tăng chúng nội tự và hàng Phật tử tại gia. Ngày xưa, các bậc tiền bối dẫn đạo trong mỗi già lam đều có tổ chức lập thời khóa tu học giảng đạo cho đồ chúng nhằm nâng cao trình độ nhận thức về nội điển, giới luật, tham thiền... nắm vững đường hướng tu tập. Chủ yếu hơn nữa là để chọn người kế thừa (xưa chư Tổ gọi là truyền y bát, tâm pháp). Đó là ý nghĩa truyền đăng tục diệm hay tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức. Nhờ sống chung hòa hợp trong tinh thần lục hòa, Tăng chúng kiền thiền tu học nghiêm mật, giữ giới luật tinh chuyên, khép mình trong thiền môn thanh tịnh, sống thiểu dục tri túc an bần thủ đạo. Trong cuộc đời hành đạo của chư Tổ đều chọn ra được người kế thừa xứng danh bậc thạch trụ chốn tùng lâm, bậc long tượng trong Phật pháp, đủ năng lực để xiển dương chánh pháp để làm lợi lạc trời người, làm cho đạo pháp ngày càng xương minh và hưng thịnh.

- Hoàn thiện bản thân: một tu sĩ Phật giáo phải thông hiểu ngũ minh, nói cách khác là ngoài việc học hỏi thâm nhập giáo lý (nội điển), thì còn phải biết ngoại điển để khi gặp thời duyên nhập thế độ sanh thì rộng phương tiện mà hành đạo. Tuy nhiên điều then chốt, cốt lõi của người xuất gia vẫn không rời giới luật, trọn đời phải nắm giữ không dám buông lơi!

Hiện hữu ở đời, sống trong cộng đồng xã hội, ai trong chúng ta cũng đều phải có trách nhiệm bổn phận của mình. Xuất gia làm đệ tử Phật, chúng ta phải có bổn phận trách nhiệm của người con Phật đối với Tam bảo, với xã hội và nhơn sanh. Bổn phận trách nhiệm đó là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Trên chúng ta cầu thành đạt sự giác ngộ giải thoát, dưới đem kinh nghiệm tu tập giác ngộ giải thoát cứu giúp chúng sanh. Một tu sĩ có hai việc cần phải làm là “tự giác” và “giác tha”. Người xuất gia cần phải có tinh thần tự giác mãnh liệt, chí giải thoát dứt khoát, tự ý thức rằng lửa vô thường đang cháy, vũ trụ là tướng biến hoại, bất an (tam giới vô an du như hỏa trạch). Sự tu tập tất yếu của một Tăng sĩ không ngoài con đường tinh tấn và kiện toàn tam vô lậu học: Giới-Định-Tuệ. Đời sống tinh thần của người xuất gia được viên mãn hay không đều nhờ vào sự thành tựu của giới. Thành tựu Giới thì sẽ đưa đến việc thành tựu Định và Tuệ. Giới đức được thành tựu là do sự nhất tâm tu hành nghiêm trì giới luật. Nghiêm trì Giới tướng tất sẽ thành tựu Giới thể. Giới thể thanh tịnh là điều kiện tiên quyết để dấn thân vào đời, phục vụ và làm lợi ích cho đời.

2. Giáo hóa chúng sanh là nhiệm vụ chính yếu của Tăng-già. Làm việc, nói năng, suy nghĩ đều nhắm vào mục đích trên thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, là 3 phương thức giáo hóa chúng sanh mà chỉ có Tăng-già mới có đủ khả năng thực hiện. Điều đáng lưu ý khi giáo hóa là cải tạo nguyên nhân chứ không phải cải tạo kết quả, vì kết quả là sự việc đã rồi, và nhất là trả mà không vay, mới có thể giáo hóa chúng sanh được. Trách nhiệm lớn lao như thế nên Tăng-già phải có chánh giải và sự tấn tu mới đảm đương trách nhiệm ấy nổi. Với ý hướng tích cực, chánh pháp dạy Tăng-già vào trong sinh tử như vào trong vườn hoa, như khách qua đường không tham không luyến, ở trong đau khổ mà vẫn giáo hóa người một cách tự tại như dạo trong vườn hoa tươi đẹp.

Trong vô lượng kiếp vào ra sinh tử, mỗi kiếp đi qua đều do nhân duyên chuyền níu, oan trái, yêu thương... mỗi chúng ta đã có không biết bao nhiêu là quyến thuộc! Thế thì tất cả chúng sinh đang hiện hữu đều là ông bà, cha mẹ, bà con của mình. Chúng sinh khổ tức là bà con quyến thuộc của mình khỗ, lẽ nào ta lại làm ngơ đứng nhìn họ chìm đắm trong bể khổ! Hơn nữa, lòng từ bi của người con Phật không cho phép chúng ta quay lưng trước thực trạng khổ đau tội lỗi mà chúng sinh đang gánh chịu, tất nhiên phải ra tay cứu giúp tế độ. Làm sao chuyển hóa, hướng họ về đường chơn nẻo chánh, lìa xa con đường tội lỗi, tham đắm ngũ dục, trầm luân biển ái khổ đau triền miên bất tận ấy, để đến với chân trời giải thoát an vui chân thật vĩnh cửu. Đó là trách nhiệm thiêng liêng cao cả mà Tăng-già phải canh cánh bên lòng và quyết tâm thực hiện, để dần dần giúp chúng sinh dứt khổ được vui, biến cõi nhân gian này thành Tịnh độ hiện tiền.

Muốn hoàn thành hai nhiệm vụ trên, Tăng-già phải hoàn bị tự thân thông qua nền tảng căn bản là giới luật.

3. Giới luật là căn bản để hoàn thiện tự thân, là nền tảng để giữ vững Tăng đoàn

Trong đời sống tu tập của hàng Tăng-già, giới luật được xem là thức ăn, nước uống để bồi dưỡng cho Pháp thân, giới luật như tròng con mắt của chính mình, hãy thận trọng giữ gìn, nên đức Thế Tôn luôn nhắc nhở rằng: “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn, Giới luật mất là Phật pháp mất”. Như trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có câu:

Giới như đèn sáng lớn

Soi sáng đêm tăm tối;

Giới như gương báu sáng

Chiếu rõ tất cả pháp.

Như vậy, Giới luật là nền tảng để hành giả hoàn thiện nhân cách, làm trong sạch thân tâm, hóa giải phiền não, xây dựng Tăng đoàn, tận trừ mọi lậu hoặc. Người nào tha thiết nghiêm trì giới luật thì chính là giữ gìn sự an lạc hạnh phúc cho mình và tha nhân ngay trong hiện tại và tương lai. Ngược lại người nào không nghiêm túc vâng giữ Giới luật là tự mình gây tổn hại đến nguồn an lạc hạnh phúc ấy. Sự giải thoát hay hạnh phúc của một người nhiều hay ít, cao hay thấp đều tùy thuộc vào hành vi đạo đức của người ấy, nghĩa là tùy thuộc vào sự chế ngự dục vọng nhiều hay ít, nhất thời hay triệt để.

Giới luật đem lại an lạc cho mình và người, nên giúp cho người tu tập đạt được an lạc trong từng bước đi. Bên cạnh đó, Giới luật là một điều kiện trọng yếu để bảo trì giới thể cho một Tỳ-kheo như pháp. Nếu không thọ trì Giới luật một cách nghiêm mật thì bản thể thanh tịnh của một Tỳ-kheo khó có thể được bảo toàn, bởi Giới luật đóng vai trò hết sức quan trọng nếu không muốn nói là yếu tố quyết định. Đó chính là nền tảng, là giềng mối cho sự tu tập tiến đến giác ngộ giải thoát. Tính trọng yếu của Giới luật được xác quyết và khẳng định bằng bài kệ:

Dục tu vô thượng bồ-đề

Tiên tắc nghiêm trì giới luật

Giới luật nhược bất nghiêm trì

Bồ-đề chung bất thành tựu.

Vì rằng điều kiện để trở thành một Tỳ-kheo như pháp là bạch tứ yết ma và thọ trì Giới pháp. Vô tác giới thể của một Tỳ-kheo được thành tựu là do bạch tứ yết ma, nhưng để giữ gìn được bản thể thanh tịnh đó lại là công năng của Giới. Chúng ta không thể trở thành một Tỳ-kheo như pháp nếu không nghiêm trì Giới luật. Do đó Giới luật không phải là một bộ môn học hay một tông phái riêng biệt mà ai thích thì theo. Vì vậy, mỗi một tu sĩ chúng ta hãy tinh tiến nỗ lực tu tập, hành trì Giới luật để tự thăng hoa đời sống của chính mình, và cũng là để kiện toàn một Tăng đoàn thanh tịnh hòa hợp ngõ hầu duy trì mạng mạch Phật pháp.

III. TÓM KẾT

Là tu sĩ Phật giáo có phước duyên được dự vào hàng ngũ Tăng-già, mệnh danh là Trưởng tử Như Lai, chúng ta phải ý thức cho thật rõ trọng trách thiêng liêng cao cả của mình đối với mạng mạch Phật pháp, đối với chúng sanh. Xin hãy thường quán xét, điều phục tâm mình cho khéo đừng buông thả các căn để nó đắm nhiễm vào các duyên trần, khó mà dừng lại. Ví như nhà lợp không kín ắt bị mưa dột, hàng Tăng-già chớ khinh suất luật giới mà mình đã phát nguyện lãnh thọ, chớ mạo hiểm đi vào vùng đất chết để lỡ sa chân vào rồi thì khó bề cựa quậy, mà càng cựa quậy thì vô tình càng lún sâu hơn! Hơn ai hết, qua lời Phật dạy chúng ta đã hiểu rõ tính vô thường huyễn hóa, nhơn duyên sinh của các pháp, ngay chính thân này cũng giả hợp, có gì vui sướng bền dài chắc thật, mà để vì nó khiến mình phải tiêu vong giới thân huệ mạng! Nên thức tỉnh kịp thời để giữ lại những điều quý báu cao thượng của bậc xuất gia, ngõ hầu làm lợi ích cho mình và cho vạn loại chúng sinh, làm vẻ vang cho đạo pháp.

Hãy thực hiện đúng hoài bão “Thượng cầu, Hạ hóa” để trước hết hoàn thành đạo nghiệp chân chính của mình, sau báo đáp tứ trọng ân, và quý báu hơn hết là đền đáp trọn vẹn thâm ân đức Phật. Đền đáp ân đức của Phật không gì hơn chúng ta phải tiếp bước theo chân chư Phật Tổ mà lấy việc hoằng hóa lợi sanh, vun bồi trí tuệ làm sự nghiệp cao thượng hướng tới chân trời xán lạn, giải thoát. Nhìn lại thực trạng xã hội ngày nay, đời sống con người dần dần đi vào ngõ cụt, bế tắc, vì bởi đạo đức, nhân cách bị xuống cấp trầm trọng! Con người đã đánh mất nhân cách đạo đức và tình thương, nên đối xử với nhau bằng bạo lực, oán thù, hiềm khích, tranh đấu, giết chóc, chiến tranh, nạn tai xảy ra cùng khắp thế giới! Là sứ giả Như Lai, chúng ta cần phải làm sống dậy tinh thần từ bi, bình đẳng, thương yêu, tha thứ, sẻ chia với nhau giữa con người với con người trong xã hội này. Để chuyển hóa lòng người, thăng hoa cuộc sống đạo đức, để cõi nhân gian nhiều uế trược khổ đau này sớm biến thành tịnh độ trang nghiêm an lạc. Đó chính là sứ mạng thiêng liêng, là trọng trách cao cả mà hàng Tăng-già đệ tử Phật cần làm và sẽ làm trong thời hiện tại để hướng đến tương lai tốt đẹp.