Nhìn lại Phật sự của Hệ phái trong năm 2015

Kính bạch chư Tôn đức,

Thưa quý Phật tử,

Ngoài Phật sự trong các Ban, Viện Trung ương GHPGVN[1] hoặc các đơn vị tỉnh/ thành, chư Tôn đức Tăng Ni vẫn dành thời gian để chu toàn Phật sự trong Hệ phái. Thay mặt Ban Thư ký Hệ phái, chúng con xin lược trình một vài Phật sự quan trọng của Hệ phái năm Ất Mùi – 2015 như sau:

CÁC KHÓA TU HỌC HỆ PHÁI

1. Khóa tu Truyền thống Khất sĩ

14

Thực hiện thống nhất chủ trương của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, mỗi năm chư Tăng 6 Giáo đoàn tổ chức 3 khóa tu Truyền thống Khất sĩ: Mùa xuân, mùa Thu và mùa Đông (ngày 4/3, 4/9 và 4/11 âm lịch). Khóa tu mùa Xuân tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang – Q. 2 - TP. HCM, mùa Thu tại Tịnh xá Ngọc Thạnh – Bà Rịa - Vũng Tàu và mùa Đông tại Tịnh xá Ngọc Như – Tây Ninh. Số lượng hành giả của mỗi khóa tuy có tăng giảm khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn đạt được chỉ tiêu mong ước của Ban Tổ chức là từ 110 - 150 vị. Tinh thần ham tu thể hiện ngày càng rõ nét đối với hành giả. Các vị Giáo phẩm Hệ phái gắn bó nhiều hơn so với các khóa trước đây. Các bài giảng và chia sẻ pháp của chư Tôn đức thiết thực, có khả năng chuyển hóa, đánh thức tâm thức người tham dự. Nhìn chung, tính đến nay, Hệ phái đã tổ chức được 18 khóa, ổn định và ngày càng củng cố cả số lượng lẫn chất lượng, pháp học lẫn pháp hành.

2. Khóa tu Truyền thống Ni giới Hệ phái Khất sĩ

Nquang21 HTGioi 1

Hưởng ứng lời kêu gọi, chỉ dạy của chư Tôn đức Tăng, chư Tôn đức Giáo phẩm Ni giới thuộc hệ thống Tổ đình Ngọc Phương cũng tổ chức khóa tu Truyền thống Ni giới Khất sĩ, mỗi năm 3 hoặc 4 khóa, tùy theo thời duyên cho phép. Trong năm qua, Ni giới HPKS tổ chức 4 khóa (khóa 18 – 21). Mùa Xuân tổ chức tại TX. Ngọc Châu – Hội An, Quảng Nam và TX. Ngọc Chung – Hóc Môn – TP. HCM. Đầu mùa Hạ tổ chức tại TX. Ngọc Phương – TP. HCM. Mùa Thu tổ chức tại TX. Ngọc Tâm – Long An. Mùa Đông tổ chức tại TX. Ngọc Quang – Tiền Giang. Số lượng hành giả tham gia trung bình là 150 vị. Nội dung và thời khóa tu học cũng giống như các khóa trước. Điểm đáng chú ý là các khóa này được sự quan tâm của chư Ni các Giáo đoàn, các Phân đoàn tham gia ngày càng nhiều hơn.

3. Khóa tu Ni giới Giáo đoàn IV

pd1 3

Trong hai năm qua, chư Ni Phân đoàn 1 và Phân đoàn 2 thuộc Giáo đoàn IV, mặc dù số lượng không đông, cũng tổ chức tu tập, góp phần thúc đẩy pháp hành và tạo nên sự hòa hợp trong Giáo đoàn. Năm 2015, Phân đoàn 1, dưới sự điều hành của NT. Thông Liên và một số Ni trưởng, Ni sư khác, hưởng ứng phong trào tu tập của Ni giới, nên tổ chức được 4 khóa. Mùa Xuân 2 khóa, mùa Thu một khóa và mùa Đông 1 khóa. Số lượng hành giả từ 20-25 vị.

Phân đoàn 2 dưới sự điều hành của quý Ni trưởng và Ni sư Tuyết Liên, năm 2015 tổ chức 4 khóa. Mùa Xuân 2 khóa, mùa Thu 1 khóa và mùa Đông 1 khóa. Hiện giờ đã đến khóa thứ 6. Mỗi khóa trung bình từ 20 – 25 vị.

Nội dung tu tập trong hai phân đoàn căn bản giống nhau: Thiền tọa, thiền hành, pháp đàm, học Chơn lý, học Luật, sám hối và thọ trai hòa chúng trong Chánh niệm. Nhờ sự điều hành của quý Ni trưởng, Ni sư đúng với tinh thần giáo pháp, nên khóa tu đã đem đến sự hòa hợp thống nhất và tinh thần cầu pháp, mong muốn đạt được sự giải thoát, giác ngộ ngày càng cao.

4. Khóa “Sống chung tu học” của Ni giới Giáo đoàn III

DSC 1185 Copy

Hòa chung niềm vui tu tập của chư Tôn đức Tăng Ni trong Hệ phái tổ chức các khóa tu, Ni giới Giáo đoàn III được sự chứng minh và chỉ đạo của chư Tôn đức Giáo phẩm, đặc biệt là Ban Giáo dục Tăng Ni Giáo đoàn III, Ni trưởng Hiệp Liên và Ni trưởng Cảnh Liên cũng như các Ni trưởng, Ni sư khác hưởng ứng khóa “Sống chung tu học” dành cho các vị Tỳ-kheo-ni mỗi năm 2 khóa, khởi động từ đầu năm 2015 từ TX. Ngọc Trung – An Khê – Gia Lai và khóa thứ hai tại TX. Ngọc Chơn – thị xã Buôn Hồ - tỉnh Đăk Lăk. Mỗi khóa có khoảng 60 - 70 vị trụ trì, phó trụ trì và Tỳ-kheo-ni tham dự. Đặc điểm của khóa tu này là chư Tôn đức Tăng Ni trong Giáo đoàn cùng đứng ra tổ chức và giảng dạy. Đơn vị đăng cai chịu trách nhiệm tứ sự. Khóa tu đã nâng cao tầm nhận thức của Ni chúng về việc tu tập và giáo hóa, cũng như sự chia sẻ những khó khăn trong công tác quản lý và thừa hành Phật sự tại địa phương. Khóa tu đã đem đến lợi lạc rất lớn cho Ni chúng Giáo đoàn.

5. Khóa học Luật của Ni giới Giáo đoàn I

nigd1 2

Trong tinh thần thọ trì giới luật, Ni giới Giáo đoàn I đã tự tổ chức khóa học Luật Tỳ-kheo-ni từ năm 2010 đến nay đã được 16 khóa. Mỗi khóa trung bình trên 40 vị. Các đơn vị tịnh xá thường đăng cai tổ chức: TX. Ngọc Tân (Long An), TX. Ngọc Mai (Tịnh Biên – An Giang), TX. Ngọc Quang (Thốt Nốt – Cần Thơ) và TX. Ngọc Liên (Vĩnh Long). Hiện nay, Ni chúng đã học xong bộ Tứ phần luật Tỳ-kheo-ni giới bổn hội nghĩa của Sa-môn Đức Cơ do Sư cô Diệu Sơn Việt dịch và tác phẩm Các pháp Yết-ma do Ni sư Thích nữ Tuệ Như biên soạn. Hiện nay, chư Ni đang học và tìm hiểu bộ Luật tứ phần Tỳ-kheo-ni của Ni sư Phật Oánh do Hòa thượng Trí Minh dịch. Khóa học luật này sẽ được duy trì để củng cố sự hiểu biết và thúc đẩy sự hành trì Luật tạng, góp phần xương minh giáo pháp Phật của Ni giới Giáo đoàn I.

6. Khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Hệ phái

1 kmac12

Trước nỗi lo chung của chư Tôn đức Giáo phẩm về sự sa sút đạo hạnh và mất phương hướng tu học của Tăng Ni trẻ và lớp vừa mới xuất gia, chư Tôn đức tổ chức khóa tu nhằm thúc đẩy tinh thần tu học và củng cố giới hạnh cho các vị Sa-di, tập sự trong Hệ phái; giúp các Tăng Ni vừa xuất gia hiểu rõ đường lối và truyền thống của Phật giáo Khất sĩ, góp phần xây dựng hình ảnh tu sĩ và trang nghiêm Giáo hội. Do đó, chư Tôn đức Giáo phẩm đã thống nhất một năm mở hai khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” cho lớp Sa-di, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni và và tập sự. Năm 2015, theo dự định Hệ phái sẽ tổ chức khóa tu lần thứ nhất vào tuần cuối An cư kiết hạ, nhưng vì Đại lão Hòa thượng Pháp sư viên tịch, nên khóa tu được dời đến tháng 10 âm lịch (từ mùng 6 đến 13), gần thời gian với Đại Giới đàn TRÍ ĐỨC do GHPGVN TP.HCM tổ chức.

Khóa tu được sự hưởng ứng của chư Tôn đức lãnh đạo các Giáo đoàn, do đó số lượng hành giả lên đến 267 (gồm các Tăng Ni thuộc 6 Giáo đoàn Tăng quản lý). Thời khóa nghiêm ngặt. Các vị trong Ban Quản chúng đồng tu với hành giả và kịp thời điều chỉnh, nhắc nhở về oai nghi, giới hạnh và thời khóa sinh hoạt. Do đó, khóa tu đã đạt kết quả mỹ mãn, tạo tiền đề cho những khóa tu sau.

7. Khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Giáo đoàn III

Thien

 

Góp phần bồi dưỡng tư cách, đạo đức, nhân phẩm, đạo hạnh cho các vị vừa mới xuất gia, và trong giai đoạn làm Sa-di, chư Tôn đức Giáo đoàn III, đặc biệt cố Hòa thượng Giác Dũng đã chỉ đạo, tổ chức khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” cho các vị Sa-di, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni và Tập sự từ mùa Xuân năm 2012, mỗi năm 3 khóa, đến nay đã được 11 khóa. Năm 2015, vì Hệ phái mở khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” chung cho 6 Giáo đoàn, nên Giáo đoàn III chỉ tổ chức mỗi năm 2 khóa, mùa Xuân và mùa Thu (hoặc mùa Đông, không trùng với thời gian Hệ phái tổ chức vào những năm sau). Năm 2015, khóa mùa Xuân tổ chức tại TX. Ngọc Chánh – EaHleo – Đăk Lăk và mùa Thu tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Ninh – Ninh Gia – Đức Trọng – Lâm Đồng. Mỗi khóa gần 100 vị và tùy vào hoàn cảnh địa lý mà Ban Tổ chức cung thỉnh các vị Giáo thọ khác nhau để truyền trao Chánh pháp và kinh nghiệm tu tập cho đoàn hậu học. Nhìn chung, khóa tu này đã tạo điều kiện cho các vị tân học tiếp cận được và hiểu rõ hơn đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang và giáo pháp Phật-đà, học được các phép tắc oai nghi, bổn phận của một người học trò Sa-di, tập sự.

8. Khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Giáo đoàn II

Nhằm góp phần đào tạo thế hệ Tăng trẻ và gắn kết tình Linh Sơn thầy trò, Giáo đoàn II cũng tổ chức khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” cho Sa-di và tập sự từ năm 2012 đến nay. Nội dung học tập là Kinh luật dành cho Sa-di và Tập sự. Địa điểm: Tịnh xá Trúc Lâm, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Thời gian từ mùng 1 tháng 6 đến 30 tháng 6. Tuy nhiên, những vị đi học bổ túc văn hóa có thể tham gia 15 ngày. Số lượng hành giả không đông, chỉ 15-16 vị.

9. Khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Ni giới HPKS

Tổng cộng học Ni của Ni giới HPKS là 132 vị. Tỳ-kheo-ni từ năm 2000 đến năm 2014: 43 vị, Thức-xoa-ma-na: 30, Sa-di-ni: 35, và tập sự: 24. Chương trình học và thời khóa biểu cũng tương tự như chư Tăng. Khóa học này được khởi động vào tuần cuối của tháng 6 âm lịch năm Ất Mùi tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương. Điểm khác biệt của khóa tu này so với các khóa tu khác là Hội chúng được chia thành 5 nhóm để được chư Tôn đức chia sẻ và chỉ dạy trong giờ sám hối.

10. Khóa tu “Bồi dưỡng đạo hạnh” của Ni giới Giáo đoàn I

Hiện nay, Ni giới Giáo đoàn I mỗi tháng đều có khóa tu 7 ngày dành cho các tập sự, Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na. Các điểm tu tập được luân chuyển trong Giáo đoàn, tùy vào thời duyên của mỗi trụ xứ: TX. Ngọc Chơn (Vĩnh Long), TX. Ngọc Tâm (Kiên Giang), v.v...

11. Khóa tu “Tâm tĩnh lặng”

Khóa tu này được cố Hòa thượng Giác Dũng chứng minh, ĐĐ. Giác Hoàng thực hiện, từ những năm 2007 – 2008, được tổ chức đầu tiên ở TX. Ngọc Chơn - Buôn Hồ - Đăk Lăk, sau đó mở rộng ra một vài tịnh xá như Ngọc Túc và Ngọc Trung (An Khê – Gia Lai), Ngọc Chánh (EaHleo – Đăk Lăk), Ngọc Đà (Đà Lạt – Lâm Đồng). Đến nay, khóa tu này đã thực hiện trên 25 khóa. Năm 2015, khóa tu này được tổ chức 2 lần tại TX. Ngọc Túc, một lần vào mùa Xuân và một lần trong Hạ. Số lượng thiền sinh mỗi khóa khoảng 70-80 vị (bao gồm Tăng Ni và Phật tử). Pháp hành chủ yếu là Tứ Niệm xứ.

12. Khóa tu Minh sát tuệ (Vipassana)

Khóa tu Vipassana (thực tập thiền hơi thở và quán cảm thọ là chủ yếu) được Ni sư Hằng Liên hành trì từ dòng thiền Vipassana do ngài S. N. Goenka chủ xướng từ những năm tháng khi còn học ở Ấn Độ. Khi về nước, Ni sư đã nỗ lực hoằng truyền Chánh pháp bằng con đường rất riêng của mình tại chùa Hồng Trung Sơn (Nam Cát Tiên - Đồng Nai) và một số địa điểm được thỉnh. Năm 2015, Ni sư mở 10 khóa. Mỗi khóa 10 ngày 11 đêm, dành cho mọi đối tượng. Đầu năm Bính Thân, Ni sư mở khóa 3 ngày tại Đà Lạt và với tiêu chí mỗi tháng một khóa 10 ngày 11 đêm. Nội quy tu tập tương đối nghiêm ngặt, dựa theo mô hình khóa tu tại các trung tâm Vipassana ở Ấn Độ. Trang mạng cung cấp thông tin đầy đủ về khóa tu: www.phapdangthientue.com.

13. Thực tập và trao đổi thiền học

DSC 2697 Copy

Ngoài Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), Tịnh xá Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk), chùa Hồng Trung Sơn (Đồng Nai) là 3 đạo tràng tiêu biểu có Phật tử về tham gia tu tập thiền định vào mỗi buổi chiều tối từ 6 giờ đến 6 giờ 45, Tịnh xá Ngọc Đăng (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) do ĐĐ. Giác Phước trụ trì cũng tạo ra một bước ngoặc mới cho Ngọc Đăng trong năm 2014-2015, thành lập một thiền đường dành cho bất kỳ hành giả nào và bất kỳ lúc nào trong ngày đều có thể đến thiền tập. Trong năm 2015, Đại đức tổ chức 3 lần tọa đàm về hiệu ứng của thiền trong đời sống hàng ngày, đặc biệt lớp thiền dành cho doanh nhân và một số vị công chức nhà nước. Việc tọa đàm này khích lệ rất nhiều người nghiên cứu và tham gia các thời tu thiền tại tịnh xá, góp phần lành mạnh hóa xã hội và hiệu suất làm việc.

14. Khóa tu mùa hè

- Mặc dù bận với nhiều công tác Phật sự, nhất là giảng dạy và thuyết pháp tại các đạo tràng, Thượng tọa Giác Duyên, Trụ trì Tịnh xá Phú Cường (thôn 1, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) là một trong những vị của Hệ phái đi tiên phong trong việc tổ chức sân chơi cho các em thanh thiếu niên. Mùa hè năm 2015, Thượng tọa đã tổ chức 2 khóa tu mùa hè 4 ngày cho các em Phật tử. Lần thứ nhất từ ngày 19 đến 22 tháng 6 (4-7/5 Ất Mùi), và lần thứ 2 từ ngày 28 đến 31 tháng 7 (13-16/6 Ất Mùi) với số lượng khoảng 250 em, trong đó có 40 em Phật tử đồng bào dân tộc Jrai ở 4 làng HLú, Mung, Blo, Tà Ròn và dân tộc Ba Na ở làng Koái. Đại đức Giác Phổ và sư Giác Minh Tôn được mời chia sẻ pháp thoại đến các em. Nhờ có khóa tu mùa hè này, quý Đại đức và thầy cô giáo Phật tử có cơ hội khích lệ, khuyên răn các em chăm học, hiếu thảo với cha mẹ, sống tốt với bạn bè, góp phần giáo dục thế hệ trẻ cho xã hội.

- Hội trại Thanh niên Phật giáo 2015 tại Khu Du lịch Kawasami (Bà Rịa – Vũng Tàu) của CLB Nhân Sinh tổ chức vào ngày 27-28/06/2015 dưới sự chứng minh và hướng dẫn của ĐĐ. Giác Hiếu, ĐĐ. Giác Nhường, TK. Giác Minh Luật, với sự tham dự của hơn 300 trại sinh.  

15. Các đạo tràng

Hiện nay, các khóa tu một ngày Bát Quan Trai một ngày đêm hoặc Niệm Phật một ngày, hoặc tu thiền dành cho Phật tử trong Hệ phái đang được mở rộng vào các ngày Chủ Nhật và ngày 8 hoặc 23 âm lịch.

Hệ phái có các đạo tràng sinh hoạt như sau:[2]

- Bát Quan Trai: 96 đạo tràng (Mỗi đạo tràng có khoảng 100 - 120 Phật tử). Đạo tràng tiêu biểu tại TP. Hồ Chí Minh là Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh), Tịnh xá Trung Tâm (Q. 6), Tịnh xá Lộc Uyển (Q. 6). Một số đạo tràng ở các tỉnh thành khác như: Tổ đình Minh Đăng Quang (Vĩnh Long), TX. Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột), TX. Ngọc Hội (Bồng Sơn, Bình Định), TX. Ngọc Giáng (Đà Nẵng), TX. Ngọc Cẩm (Hội An – Quảng Nam), TX. Ngọc Hạnh (Kon Tum)...

- Niệm Phật: 30 đạo tràng (Mỗi đạo tràng có khoảng 180 - 190 Phật tử). Tiêu biểu là đạo tràng TX. Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), TX. Ngọc Duyên (Đập Đá, Bình Định), TX. Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột), TX. Ngọc Đà (Đà Lạt, Lâm Đồng), TX. Ngọc Pháp (Nha Trang), TX. Ngọc Hiệp (Gò Công, Tiền Giang), TX. Ngọc Tân (Vĩnh Long)...

- Tu thiền: 18 đạo tràng (Mỗi đạo tràng có khoảng 40 – 50 Phật tử). Tiêu biểu là TX. Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), TX. Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột), Tịnh xá Ngọc Đăng (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), TX. Ngọc Sơn (Tuy Phước, Bình Định),...

- Sinh hoạt giáo lý/ thiền học: 28 đạo tràng (Mỗi đạo tràng trung bình từ 40 – 45 Phật tử). Tiêu biểu là TX. Lộc Uyển (Q. 6, TP. HCM), TX. Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột), TX. Ngọc Đăng (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), TX. Ngọc Lợi (Tiền Giang)...

- Khóa thuyết giảng định kỳ: 284 đạo tràng (Mỗi tháng 2 lần, mỗi lần khoảng 80 Phật tử). Tiêu biểu: TX. Phú Cường (Gia Lai), TX. Ngọc Bửu (Tuy Hòa – Phú Yên),...

- Gia đình Phật tử: 9 đơn vị. Tiêu biểu là đơn vị GĐPT Tịnh xá Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột), Phật tử Tâm Minh (TX. Trung Tâm, Q. Bình Thạnh, TP. HCM), v.v...

- Câu lạc bộ: 4 đơn vị. Tổng số thành viên của 4 câu lạc bộ khoảng 2.000 thành viên.

Các vị giảng sư Hệ phái phụ trách: HT. Giác Toàn, HT. Minh Bửu, HT. Giác Pháp, HT. Minh Thuấn, TT. Giác Nhân, TT. Giác Ngạn, TT. Minh Hóa, TT. Giác Tây, TT. Giác Đăng, ĐĐ. Minh Lực, ĐĐ. Giác Phổ, ĐĐ. Giác Hoàng, ĐĐ. Minh Liên, ĐĐ. Giác Nhường, ĐĐ. Giác Phước, ĐĐ. Minh Nghi, ĐĐ. Minh Điệp, v.v... Ngoài ra, còn nhiều vị tại địa phương được chư Tôn đức cung thỉnh giảng thuyết.

Một số đạo tràng tiêu biểu có các sinh hoạt nêu trên thuộc NGHPKS: Tổ đình TX. Ngọc Phương (Gò Vấp, TP. HCM), TX. Ngọc Liên (Cần Thơ), TX. Ngọc Hải (Cà Mau), TX. Ngọc Phú (Châu Đức), TX. Ngọc Thạch (Phan Thiết), TX. Ngọc Sơn (Cát Lợi – Nha Trang), TX. Ngọc Đức (Thủ Đức), TX. Ngọc Phước (Bạc Liêu), TX. Ngọc Bình (Bình Dương), TX. Ngọc Chơn (Tây Ninh), TX. Ngọc Uyển (Cầu Hang – Biên Hòa – Đồng Nai), Thiền viện Minh Đăng (Phú Cường – Định Quán – Đồng Nai), TX. Ngọc Phú (Đồng Xoài – Bình Phước), v.v...

Quý Ni trưởng, Ni sư phụ trách phần lớn là: NT. Tố Liên, NS. Tín Liên, NS. Phụng Liên, SC. Trí Liên (Phan Thiết), SC. Liên Trí (Tam Kỳ), SC. Hòa Liên, SC. Hạnh Liên (Lâm Đồng), SC. Đàn Liên (Quảng Ngãi), SC. Thùy Liên (An Giang), SC. Châu Liên (Long Khánh), SC. Khoa Liên (Biên Hòa), SC. Nguyện Liên (TP. HCM), SC. Thảo Liên (Bến Tre)...

KHÓA BỒI DƯỠNG TRỤ TRÌ & AN CƯ KIẾT HẠ

1. Khóa Bồi dưỡng trụ trì

BDTT 1

Như thường lệ, khóa “Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” hay còn được gọi là “Khóa Bồi dưỡng trụ trì” nhằm hướng vào các vị trụ trì không có điều kiện đi An cư suốt 3 tháng, nên chư vị Tôn túc Giáo phẩm tổ chức khóa “Trao đổi kinh nghiệm trụ trì” để các vị vừa được thắp sáng lý tưởng giải thoát của bậc xuất sĩ, vừa nhìn lại đường lối của đức Tổ sư Minh Đăng Quang mà mình có nhân duyên tiếp cận và hành trì. Khóa này tổ chức tại địa điểm An cư, tức là Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM), vào tuần đầu tiên của mùa hạ, từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 4 âm lịch, với chủ đề chính: 1) Tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong Chơn lý Tổ sư Minh Đăng Quang; 2) Cách tiếp chúng độ Tăng trong truyền thống Hệ phái Khất sĩ. Chư Tăng Ni và các hành giả An cư đồng thọ học, với số lượng trên 300 vị. Các vị phụ trách thuyết trình: HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Giác Ngộ, HT. Giác Pháp, TT. Giác Nhân, TT. Giác Minh (GĐ II), TT. Giác Trong, TT. Giác Tây, TT. Giác Nhuận, TT. Giác Duyên, ĐĐ. Giác Hoàng, NT. Khiêm Liên, NT. Thông Liên, NT. Mai Liên, NT. Hiệp Liên, NT. Cảnh Liên, NS. Yến Liên, NS. Tuyết Liên, NS. Tín Liên, NS. Tuệ Liên và một số ý kiến đóng góp. Một số chư Tôn túc Giáo hội PGVN được cung thỉnh quang lâm thăm viếng và thuyết giảng như HT. Thích Trí Quảng và HT. Thích Thiện Nhơn, khích lệ và soi sáng cho hành giả tham dự rất nhiều về giáo pháp Phật-đà. Đặc biệt, những quan điểm chính yếu của Phật giáo Bắc truyền, Khất sĩ và cách quản lý một ngôi đạo tràng, bổn phận của một vị trụ trì hoặc trụ xứ, đã đem lại lợi ích rất lớn đối với người thọ học và người đang làm bổn phận trụ trì.

2. Khóa An cư kiết hạ

Việc tổ chức An cư kiết hạ là việc của Tăng-già. Tăng-già được hưng thịnh thì Phật pháp được hưng thịnh. Do đó việc tổ chức An cư kiết hạ của Hệ phái là việc xưa nay, tuy nhiên vẫn có một vài điểm mới, kính trình lên chư Tôn đức liễu tri: 1) Địa điểm An cư kiết hạ chung cho Hệ phái được dời ra Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM). Đây là điểm An cư đầu tiên của Hệ phái sau 35 năm An cư tại Tịnh xá Trung Tâm; 2) TX. Ngọc Viên được xem là điểm An cư kiết hạ do Giáo đoàn I tổ chức, được Hệ phái công nhận (sau Pháp viện Minh Đăng Quang); 3) TX. Ngọc Tâm (Kiên Giang) do NS. Nhu Liên trụ trì là điểm An cư kiết hạ cho chư Ni Phật giáo Bắc tông và Khất sĩ thuộc TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; 4) Các địa điểm khác như Tổ đình TX. Ngọc Phương (Gò Vấp, TP. HCM), TX. Ngọc Thạnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) là điểm An cư chung cho cả chư Tăng Khất sĩ và Bắc tông khu vực lân cận TX. Ngọc Thạnh; 5) TX. Ngọc Tâm (Long An) – điểm An cư thuộc Tổ đình Ngọc Phương, Tịnh xá Ngọc Phú – điểm An cư của Ni giới Giáo đoàn IV. TX. Ngọc Trung - An Khê - Gia Lai - điểm An cư dành cho chư Ni GĐ III. Nói chung, việc An cư kiết hạ được tổ chức đúng pháp, với số lượng hành giả tương đối đông và tinh cần cầu học, tạo nên bản lề cho việc tu học của Hệ phái, góp phần trang nghiêm Giáo hội.

GIÁO DỤC HỆ PHÁI

Giáo dục Tăng Ni để định hướng pháp học và pháp hành là một trong những yếu tố chính yếu làm cho Tăng đoàn hưng thịnh. Năm 2015, Ban Thư ký Hệ phái được biết với những thông số như sau:

- Hiện nay Tăng Ni sinh đang du học các nước là 87 vị. Ấn Độ 26 vị, Tích Lan 10 vị , Thái Lan 13 vị, Miến Điện 22 vị , Trung Quốc - Đài Loan 16 vị . Vừa qua, một số vị tốt nghiệp khóa IX tại Học viện cũng đã làm thủ tục xuất dương sang Tích Lan và Ấn Độ tiếp tục học tập, nghiên cứu.

- Tăng Ni sinh đang học trong nước phần lớn tập trung tại Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh, Huế và các trường Cao đẳng, Trung cấp ở các tỉnh/ thành. Cấp bậc đào tạo từ Sơ cấp đến Thạc sĩ. Số lượng Tăng Ni sinh Khất sĩ chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số Tăng Ni sinh Bắc tông tại các trường.

+ Sơ cấp: Hiện nay Hệ phái quản lý 2 lớp Sơ cấp Phật học do Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM phân công, đặt tại Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh) và Tịnh xá Ngọc Phương (Q. Gò Vấp). Số lượng của cả hai lớp đều ít.

Tăng sinh khóa Sơ cấp tại TX. Trung Tâm khóa VI, ngày 22 tháng 9 vừa qua làm lễ tốt nghiệp, chỉ có 22 vị Khất sĩ, cộng với 2 vị Bắc tông. Đồng thời, Lớp cũng chiêu sinh khóa VII, hiện có 20 Tăng sinh theo học (có 2 vị Bắc tông).

Cuối năm 2015, Ni sinh tốt nghiệp lớp Sơ cấp tại TX. Ngọc Phương có 29 vị. Hiện đang chiêu sinh khóa mới.

+ Học viện: Tăng Ni sinh vừa tốt nghiệp khóa Cử nhân Phật học khóa IX là 33 vị (6 Tăng và 23 Ni) và 4 vị hệ Đào tạo từ xa.

Tăng Ni sinh đang học tại Học viện PGVN tại TP. HCM khóa X là 30 vị (bao gồm các vị học văn bằng 2).

Tăng Ni sinh vừa trúng tuyển tại Học viện khóa XI có 51 vị (16 Tăng và 35 Ni) và bổ sung XIB có 9 vị (4 Tăng và 5 Ni). Tuy vậy, một số Tăng Ni phải học hệ Đào tạo từ xa (ĐTTX), hoặc phải tạm gác bút nghiên, trở về trú xứ, chung tay góp sức với thầy, cùng lo Phật sự tại đạo tràng và được thầy trực tiếp dạy dỗ.

Một số Tăng Ni sinh Khất sĩ đang theo học ĐTTX III và IV. Vừa qua, ĐTTX II tốt nghiệp (27/9/2015), Ni sinh Phước Liên thuộc Ni giới Giáo đoàn I là sinh viên thủ khoa của Khoa ĐTTX II.

+ Thạc sĩ: Học viện PGVN tại TP. HCM hiện đang đào tạo cấp Thạc sĩ. Hệ phái có một Tăng sinh đang làm thủ tục bảo vệ luận văn và 2 vị đang viết bài nghiên cứu.

Ngoài ra, một số Tăng Ni sinh đang theo học các trường Đại học bên ngoài để củng cố kiến thức.

Song song với việc đào tạo Phật học tại các trường Phật học, Tịnh xá Trung Tâm trong những năm qua, đã mở Lớp Bồi dưỡng tiếng Anh luyện thi trường Đại học Truyền bá Phật giáo Nguyên thủy (International Theravada Buddhist Missionary University) tại Yangon, Miến Điện. Năm 2014, Lớp do cô giáo Dung (cư sĩ) hướng dẫn đã trúng tuyển được 5 vị (1 Bắc tông, 1 Nam tông, 1 Ni sinh Khất sĩ và 2 cư sĩ). Năm 2015, Lớp có 15 vị xuất gia (2 sư Nam tông, 3 thầy Bắc tông, 6 Sư cô Bắc tông, 4 Sư cô Khất sĩ) và một vài cư sĩ tham gia học và dự thi tuyển sinh vào ngày 11 tháng 1 năm 2016 tại Đại sứ quán Miến Điện, Hà Nội.

Vấn đề Tăng Ni sinh ở miền quê vào Thành phố học ở các trường Phật học hoặc học trường đời là một trong những vấn đề quan trọng mà chư Tôn đức quan tâm, dành nhiều tâm huyết đầu tư, vì đây là thế hệ kế thừa.

Ban giang huan HVPG Copy

Một số vị tham gia công tác quản lý và giảng dạy tại Học viện PGVN tại TP. HCM như HT. Giác Toàn (Phó Viện trưởng Thường trực), TT. Minh Thành, TT. Giác Duyên, ĐĐ. Giác Hoàng (Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Học viện TP. HCM), ĐĐ. Giác Nhường, NS. Tín Liên, NS. Phụng Liên, NS. Huệ Liên (Phó khoa Hoằng pháp), NS. Tuệ Liên (Phó khoa Trung văn), NS. Nguyện Liên, NS. Trí Liên (Phan Thiết), NS. Kiên Liên, NS. Dũng Liên, SC. Hằng Liên, SC. Nghiêm Liên, SC. Trí Liên (Tam Kỳ), SC. Đạt Liên, SC. Tâm Tâm, SC. Hạnh Liên, SC. Thảo Liên, SC. Ngân Liên.

Tham gia giảng dạy các trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học các tỉnh: ĐĐ. Giác Tri (Bình Định), ĐĐ. Giác Viễn (Phan Thiết), NS. Xuân Liên, NS. Phấn Liên, SC. Mẫn Liên (Bà Rịa – Vũng Tàu), SC. Hiệp Liên (Sóc Trăng), SC. Đạt Liên (Đồng Nai).

Tham gia giảng dạy tại lớp Sơ cấp Phật học TX. Trung Tâm: ĐĐ. Minh Khải, ĐĐ. Minh Hiếu, ĐĐ. Minh Phú, ĐĐ. Minh Điệp, ĐĐ. Giác Viên, ĐĐ. Minh Nghi, NS. Nguyện Liên. Giáo thọ lớp Sơ cấp TX. Ngọc Phương: NS. Xuân Liên, NS. Nguyện Liên, SC. Thảo Liên, SC. Đạt Liên, SC. Huy Liên, SC. Mẫn Liên, SC. Hạnh Liên.

VĂN HÓA HỆ PHÁI

Về lễ hội văn hóa, Hệ phái Khất sĩ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng vóc dáng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trước nhất, ngôi tịnh xá có hình Bát giác là một trong những nét đặc thù văn hóa kiến trúc tự viện PGVN.

Ngoài ra, mỗi năm Hệ phái góp phần vào văn hóa lễ hội, một di sản tinh thần của người dân Việt. Lễ Vu Lan thắng hội luôn được tổ chức song hành với lễ Tự Tứ của từng Giáo đoàn tạo nên một bản sắc rất riêng trong văn hóa Việt Nam, góp phần giáo dục con người tôn sư trọng đạo, hiếu đễ, nhân nghĩa, v.v... Lễ hội Vu Lan vừa rồi, Giáo đoàn I tổ chức tại TX. Ngọc Tâm - Rạch Giá - Kiên Giang, thể hiện lợi đạo ích đời, tạo nên hương thơm cho Hệ phái Khất sĩ tại tỉnh nhà nói riêng và Giáo hội Phật giáo tỉnh nói chung. Giáo đoàn III tổ chức lễ Vu Lan tại TX. Ngọc Tâm (Phan Thiết – Bình Thuận) trọng thể, với các tiết mục văn hóa Phật giáo: Đêm nhạc Phật giáo chào mừng “Ân đức sanh thành”, Thi giáo lý (Tiếng chuông tỉnh thức), Báo tường sinh hoạt các tịnh xá, Đốt nến cầu nguyện âm siêu dương thới... Mỗi nơi đều thể hiện chất Phật rất riêng, góp phần văn hóa lễ hội tri ân và báo ân nhân mùa Vu Lan báo hiếu.

BiaNo26 Xuan2016 1 CopyXiển dương Phật pháp ngang qua các ấn phẩm, Đuốc Sen là tiếng nói duy nhất của Hệ phái, thể hiện nhận thức, đường lối, chủ trương của Hệ phái, đồng thời ghi lại các dấu ấn Phật sự trọng đại của Hệ phái. Năm 2015, Ban Văn hóa Hệ phái thực hiện 4 ấn phẩm Đuốc Sen vào 4 kỳ: Lễ Tổ, Phật đản, lễ Vu Lan và Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn có Mãn Bồ-đề nguyện, tiểu phẩm ghi lại đôi nét về công hạnh cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên nhân ngày tưởng niệm 49 ngày. Ni sư Khiêm Liên, với sự kính trọng và ngưỡng mộ Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên, đã thể hiện tất cả cái nhìn của Ni trưởng qua ấn phẩm Ni trưởng Huỳnh Liên – Cuộc đời và đạo nghiệp. Ni sư Giác Liên (Viện chủ chùa Phước Hải, Mang Thít, Vĩnh Long) đã cho ấn hành 3 tuyển tập: Thắp sáng đèn Chơn lý (thơ), Bờ giải thoát (thơ) và Như thế nào là giải thoát? (đoản văn tự sự) đóng góp cho kho tàng văn học Khất sĩ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung những áng thơ đạo pháp xuất phát từ tình cảm trân quý của tác giả dành cho nhân sinh và vạn hữu.

Mùa hạ Ất Mùi, PL. 2559, Hòa thượng Giác Toàn còn cho ấn tống 15.000 (mười lăm ngàn) cuốn Gạn đục khơi trong do Như Nhiên – Quảng Tánh biên soạn, báo Giác Ngộ ấn hành để cúng dường đến chư Tôn đức Tăng Ni tại các Hạ trường trong cả nước.

Cuối năm 2015, quý Hòa thượng cho tái bản bộ Chơn lý – di sản Pháp bảo do đức Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác và để lại cho đời. Ấn phẩm này được chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đối chiếu với các phiên bản đã xuất bản trước đây, biên tập lại kỹ hơn so với các ấn bản trước. Quý Phật tử có thể liên lạc với quý vị trụ trì hoặc liên hệ trực tiếp với Văn phòng Tịnh xá Trung Tâm để thỉnh ấn bản Chơn lý mới.

Trang web Hệ phái: www.daophatkhatsi.vn là nơi thể hiện đường lối, bản sắc, tông chỉ và các Phật sự của Hệ phái. Ngoài ra, Ni giới Hệ phái Khất sĩ có trang web để cùng xiển dương giáo pháp: www.nigioikhatsi.net. Mặc dù trang nhà Hệ phái chưa được thẩm mỹ như mong đợi, do đó đang được chỉnh sửa và bổ túc một số mục, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, trang nhà Đạo Phật Khất Sĩ là một trang nhà có số lượt người xem hàng ngày khá đông. Mỗi ngày có ít nhất là 15 đến 20 ngàn lượt người vào xem. Nhiều thông tin Phật sự được thực hiện bởi các đạo tràng trong Hệ phái rất hoành tráng, rất quy mô, nhưng chưa có người viết tin gởi về trang nhà để giới thiệu. Rất mong chư Tôn đức Tăng Ni quan tâm và chỉ đạo các vị Tăng Ni trẻ dành chút ít thời gian để làm công quả, cống hiến tin vui cho mọi người và giới thiệu những bức ảnh Phật sự để mọi người cùng thưởng lãm, và khích lệ người làm Phật sự.

CHƯ TÔN ĐỨC VIÊN TỊCH TRONG NĂM

Mọi sự vật hiện tượng và nhân sinh luôn biến động, vô thường. Sanh tử luôn tương tức trong thân phận con người.

1) Năm 2015, Hệ phái nghiêng mình khấp lệ tiễn biệt Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên – Pháp tử đức Tổ sư Minh Đăng Quang, nguyên Viện trưởng Viện Hành đạo Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Trưởng Giáo đoàn sáng lập Giáo đoàn IV, Viện chủ Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh), Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM) và nhiều Tổ đình Minh Đăng Quang tại Mỹ quốc.

gn9

Hòa thượng đã từ giã huyễn thân vào ngày 19 tháng 6 âm lịch tại Viện Truyền thống Minh Đăng Quang, Mỹ Quốc. Kim quan của cố Hòa thượng được cung tống và an trí tại Pháp viện Minh Đăng Quang vào ngày mùng 3 tháng 7 năm Ất Mùi (16/8/2015). Trong suốt 7 ngày, kim quan được tôn trí để cho môn nhân tứ chúng đảnh lễ tri ân, hồi tưởng đến công đức một đời và đạo nghiệp của cố Đại lão Hòa thượng, có trên 400 phái đoàn đến viếng tang và phân ưu. Một số Ban Trị sự tỉnh/ thành kết hợp với các tịnh xá cử hành lễ truy điệu tại tỉnh trang nghiêm và trọng thể. Ngày lễ Truy điệu và cung tống kim quan trà-tỳ được cử hành vô cùng trọng thể, được sự quang lâm của chư Tôn đức Trung ương GHPGVN và các cấp tỉnh/ thành đều về tham dự.

Lễ cúng 49 ngày tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng, lễ tạ ân tại Pháp viện Minh Đăng Quang, lễ 100 ngày nhập xá lợi bảo tháp tại Tịnh xá Trung Tâm và Pháp viện Minh Đăng Quang cũng như lễ phân chia xá-lợi cho các nước hải ngoại để tôn thờ diễn ra vô cùng trang nghiêm, trọng thể. Thời gian đi qua, xóa nhòa tất cả, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn chói sáng trong lòng môn nhân đệ tử, Hệ phái và Giáo hội.

2) Hệ phái tiễn biệt Trưởng lão Giác Cẩm – trụ trì Tịnh xá Ngọc Hương (Thừa Thiên - Huế) thuộc Giáo đoàn II. Cuộc đời của Trưởng lão thầm lặng, chơn tu đạo hạnh. Mấy mươi năm ẩn thân nơi đất Huế thần kinh, rồi nay duyên trần viên mãn, Trưởng lão ly xả huyễn thân, tiếp tục hạnh nguyện vào ngày 12/8 Ất Mùi.

3) Giáo đoàn III tiễn biệt Ni trưởng Huệ Liên (Giáo phẩm Chứng minh Ni giới Giáo đoàn III) ngày 27 tháng 8 năm Ất Mùi.

4) Ni giới Hệ phái Khất sĩ tiễn biệt Ni trưởng An Liên - trụ trì Tịnh xá Ngọc Tín (Đà Lạt, Lâm Đồng) ngày 19 tháng 9 năm Ất Mùi.

TỪ THIỆN XÃ HỘI

Ban Thư ký Hệ phái chưa có bảng thống kê đầy đủ, chỉ nắm bắt khái quát về số tịnh tài của các Giáo đoàn hoặc các tịnh xá năm 2015 đã cùng với quý nam nữ Phật tử làm từ thiện như sau:

1. Cứu trợ Nepal: Đứng trước nỗi mất mát người thân, nhà cửa sụp đổ, không gì bù đắp được do hai lần thiên tai động đất tại một số tỉnh ở Nepal vào tháng 3-4 Ất Mùi, chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái đã thực hiện tâm nguyện từ bi cứu khổ của chư vị Bồ-tát, vận động Tăng Ni và Phật tử các miền tịnh xá từ ngày mùng 1 đến mùng 5 / 5 âm lịch với số tịnh tài là 180 ngàn USD cho chuyến cứu trợ, góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân. Chuyến cứu trợ thứ hai do chư Tôn đức Ni giới Hệ phái Khất sĩ cùng với chư Tôn đức Tăng Ni Phật giáo tại Mỹ đã cứu trợ, tổng tịnh tài là 85 ngàn USD.

2. Ni giới HPKS đã vận động150/211 ngôi tịnh xá đã làm từ thiện với số tịnh tài là 40.299.339.000đ (bốn mươi tỷ hai trăm chín mươi chín triệu ba trăm ba mươi chín ngàn đồng).

3. Giáo đoàn I gồm nhiều tịnh xá ở miền Tây Nam Bộ, dưới sự chỉ đạo và vận động của Hòa thượng Giác Dũng, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử làm từ thiện với số tịnh tài là 20 tỷ đồng.

4. Tịnh xá Trung Tâm, Pháp viện Minh Đăng Quang và một số tịnh xá trong thành phố Hồ Chí Minh như TX. Ngọc Phú, TX. Ngọc Chung (Hóc Môn), TX. Ngọc Thành (Thủ Đức)... thực hiện hạnh cúng dường đến các đạo tràng An cư khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ và một số tỉnh thành xa xôi. Từ ngày 9/7/2015 đến cuối năm 2015, TX. Trung Tâm và các đạo tràng trực thuộc đã thực hiện 8 chuyến từ thiện trong và ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ nỗi khó khăn của đồng bào thiểu số, cơ nhỡ, tàn tật, v.v... Tổng giá trị cho 8 chuyến đi là 1.611.000.000 (một tỷ sáu trăm mười một triệu).

5. Giáo đoàn VI đã vận động Phật tử cùng tham gia cúng dường và công tác Từ thiện xã hội với số tịnh tài là 2.163.931.000đ (hai tỷ một trăm sáu mươi ba triệu, chín trăm ba mươi mốt ngàn đồng).

6. Chư Tăng và Phật tử tại Tịnh xá Ngọc Quang thực hiện hơn 10 chuyến cứu trợ trong và ngoài tỉnh. Tổng kinh phí cho các chuyến cứu trợ là 625.150.000 (sáu trăm hai mươi lăm triệu, một trăm năm mươi ngàn đồng).

7. Các Câu lạc bộ ở khu vực TP. Hồ Chí Minh vừa tu học vừa làm phước thiện như sau:

7.1. Câu lạc bộ Nhân Sinh” do Tỳ-kheo Giác Minh Luật chủ nhiệm, Đại đức Giác Nhường làm cố vấn. Đây là một tổ chức tình nguyện thu hút được nhiều giới trẻ nhất hiện nay tham gia tu học Phật pháp và hỗ trợ tình nguyện tại các lễ hội Phật giáo và tổ chức các hành trình từ thiện vào các ngày Chủ Nhật hàng tuần. Năm nay, CLB đã thực hiện 15 chương trình lớn. Tổng kinh phí cho 15 hành trình từ thiện là 1.200.000.000đ (một tỷ hai trăm triệu đồng).

7.2. Câu lạc bộ Tấm Lòng Vàng thành lập ngày 1 tháng 1 năm 2011,do quý Đại đức: Giác Thống, Giác Lâm và một số Đại đức điều hành. Hiện nay Đại đức Giác Thọ và Sư cô Yến Liên đang ở tại Việt Nam điều hành. Câu lạc bộ này cũng đã hoạt động thiện nguyện tích cực trên 10 chương trình có ý nghĩa trong nước và ngoài nước (cứu trợ động đất Nepal) với tổng kinh phí lên tới gần 1 tỷ đồng (660.310.000VNĐ, 13.930USD, 100AUD) cùng nhiều tịnh vật khác.

7.3. Nhóm Thiện nguyện Chánh đạo do Đại đức Minh Phú ở Tịnh xá Ngọc Chánh (Q.Bình Thạnh) lãnh đạo. Nhóm này hoạt động đã nhiều năm, góp sức công quả trong các khóa tu do Giáo đoàn I tổ chức, nhưng khuynh hướng không công bố số liệu cụ thể.

7.4. Câu lạc bộ Sen Hồng do HT. Giác Pháp (trú xứ TX. Trung Tâm, Q.6, TP.HCM) làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ này thành lập chính thức chưa được bao lâu, do HT. Giác Hà làm cố vấn, HT. Giác Pháp làm chủ nhiệm cùng với sự trợ lý của một số sư trẻ.

7.5. Hội Những Ace[3] với phương châm: “Đâu cần chúng tôi có, đâu khó có chúng tôi” do TK. Giác Minh Tôn chủ nhiệm. Hội này được thành lập từ cuối năm 2012 với tên gọi “Ánh lửa từ bi”, đến cuối năm 2014, Hội hoạt động tích cực và đổi tên, tạo nên bản sắc riêng của mình. Năm nay, Hội đã hộ trì, công quả và ủng hộ các khóa tu Giáo đoàn III, lễ Tự Tứ Giáo đoàn III, Hạ trường Pháp viện Minh Đăng Quang, Lễ tang Đại lão Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, xây cầu tình nghĩa ở Cà Mau, trao học bổng ở Bình Định, trao xe lăn tại Bến Tre và Bình Định, trao hai giếng khoan tại Bến Tre. Trị giá khoảng trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, hệ thống “Bát cơm ngàn nhà” liên tỉnh, ủng hộ người ăn chay. Hiện đã có 11 bếp trên các tỉnh: Đăk Lăk, Gia Lai, Bình Định, Bình Dương, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long. Mỗi tháng cung ứng từ 300 – 500 suất/ bếp.

7.6. Hội Đại Bi Tâm do cô Châu Ngọc (Phật tử TX. Trung Tâm, đệ tử cố Hòa thượng Giác Châu) làm Trưởng nhóm. Hội này phần lớn ủng hộ cho các cháu khuyết tật, nhà tình thương cho các gia đình khó khăn, phần lớn ở miền Đông và Tây Nam Bộ (Bình Dương, Tiền Giang và Bến Tre). Trong năm 2015, tổng giá trị tiền cứu trợ khoảng 900 triệu và một số tịnh vật.

Ngoài ra, một số Tuệ Tĩnh đường của Hệ phái đóng góp đáng kể vào an sinh xã hội: Tuệ Tĩnh đường Tịnh xá Trung Tâm (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), Tuệ Tĩnh đường Tịnh xá Ngọc Rạng (Vạn Giã – Sông Cầu), Tuệ Tĩnh đường Tịnh xá Lộc Uyển (Q. 6, TP. HCM) và nhiều trung tâm từ thiện khác mà Hệ phái chưa thống kê được.

QUỸ PHÁP HỌC KHẤT SĨ

IMG 2270 Copy

Chương trình “Quỹ Pháp học Khất sĩ” với phương châm: “Nuôi dưỡng Tăng tài, Hoằng dương Phật pháp” hoạt động chính thức đến nay đã hơn 3 năm do chư Tôn đức Hệ phái làm cố vấn chứng minh, TT. Minh Thành làm Chủ nhiệm, ĐĐ. Giác Hoàng làm Phó Chủ nhiệm Thường trực và quý Thượng tọa, Đại đức Giác Phước làm Thủ quỹ, Tăng Ni trong 6 Giáo đoàn tham gia làm thành viên thường trực trong Ban Điều hành và ủng hộ. Trong khóa “Trao đổi kinh nghiệm trụ trì”, Ban Chủ nhiệm có họp và thống nhất thành phần nhân sự năm 2015 - 2016 và phương hướng hoạt động toàn năm. Tịnh tài của Quỹ Pháp học phần lớn nhận được từ chư Tôn đức các Giáo đoàn và quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni các miền tịnh xá, nhóm Trợ duyên Phật pháp (TX. Trung Tâm, Q. Bình Thạnh) và một số Phật tử trong nước và nước ngoài.

Với số tồn cuối năm 2014 là: 147.745.000đ(một trăm bốn mươi bảy triệu, bảy trăm bốn mươi lăm ngàn đồng) , cộng thêm số nhận được tính đến cuối năm Ất Mùi (ngày12 tháng 12 âm lịch) là 455.079.000đ (bốn trăm năm mươi lăm triệu, không trăm bảy mươi chín ngàn đồng). Như vậy số tịnh tài năm 2014 + 2015 là 602.824.000đ (Sáu trăm lẻ hai triệu, tám trăm hai mươi bốn ngàn đồng) . Vào ngày 20/9/2015 (8/8 Ất Mùi), tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2, TP.HCM), với sự chứng minh của chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái, Quỹ đã trao học bổng lần 3 đến Tăng Ni đang học trong nước và nước ngoài là 408.602.879đ (Bốn trăm lẻ tám triệu, sáu trăm lẻ hai ngàn, tám trăm bảy mươi chín đồng) . Như vậy, số tồn hiện nay là 194.397.121đ (một trăm chín mươi bốn triệu, ba trăm chín mươi bảy ngàn một trăm hai mươi mốt ngàn).

Ba năm qua, với số tịnh tài khiêm tốn, nên Quỹ đã gởi tặng đến quý huynh đệ Tăng Ni đang học các nước và học trong nước rất khiêm tốn, mang tính khích lệ và cũng chưa có định hướng cho Tăng Ni bắt đầu đi du học. Hy vọng, trong tương lai, với sự hỗ trợ của chư Tôn đức hải ngoại, Quỹ sẽ gởi đến quý Tăng Ni hiếu học và có đạo hạnh, đang học trong nước và nước ngoài với số tịnh tài lớn hơn, để huynh đệ an tâm học tu và sẽ có định hướng, tư vấn tốt hơn trong việc chọn lựa đất nước đến học và ngành học, nhằm hướng đến việc phục vụ lâu dài trong nghiên cứu.

KIẾN TẠO, TRÙNG TU ĐẠO TRÀNG

Đối với việc xây dựng cơ sở mới hoặc trùng tu cơ sở cũ là một điều không thể thiếu trong quá trình vận động, phát triển. Hệ phái hiện nay có 4 trung tâm cần quan tâm:

1) Pháp viện Minh Đăng Quang (Q. 2, TP. HCM): Là trung tâm văn hóa và hoằng pháp của Hệ phái hiện nay, vẫn đang trên đà hoàn thiện dần dần. Việc tổ chức khóa tu cho Phật tử ở lại 3 đến 7 ngày là một nhu cầu. Do đó, khu nhà cho Phật tử cũng đang trong giai đoạn thi công. Dự kiến là cuối năm 2016 sẽ đưa vào sử dụng.

2) Tổ đình Minh Đăng Quang (ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long): Nơi Tổ sư chào đời, với mục đích xây dựng để làm trung tâm tu học của Hệ phái. Hiện nay, Tổ đình đang trong giai đoạn rốt ráo để chuẩn bị lễ Tưởng niệm Tổ sư vắng bóng lần thứ 62 (mùng 1 - 2 Giáp Ngọ 1954 đến 1 - 2 Bính Thân - 2016) và sau đó tổ chức khóa tu Hệ phái lần thứ 19 (bắt đầu cho một chu kỳ mới của khóa tu).

3) Tịnh xá Mộc Chơn (Mỹ Tho – Tiền Giang) - Nơi hoằng pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang: Các hạng mục kiến tạo để tưởng niệm Tổ sư đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến vào mùa xuân Bính Thân sẽ khánh thành các hạng mục và Tịnh xá Mộc Chơn sẽ trở thành một điểm vừa tịnh tu cho chư Tăng, vừa bảo tồn di tích của Tổ sư hoằng hóa.

4) Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang tại Mũi Nai – Hà Tiên: Hiện nay, thủ tục pháp lý để ủi đất, tạo mặt bằng, tiến hành xây dựng chưa hoàn tất. Quý Hòa thượng, Thượng tọa, Ni sư Hệ phái đang rốt ráo hoàn tất các thủ tục để tiến hành đặt đá xây dựng trước Phật đản năm Bính Thân.

Ngoài bốn địa điểm quan trọng nêu trên, các tháp, đạo tràng thuộc các Giáo đoàn đang trong giai đoạn xây dựng: TX. Ngọc Quang (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), TX. Ngọc Chơn (Buôn Hồ - Đăk Lăk), TX. Ngọc Bửu (Eakar, Đăk Lăk), TX. Ngọc Chánh (EaHleo, Đăk Lăk), Tịnh xá Ngọc Thiền (Phan Thiết), Tịnh xá Ngọc Lương (Phan Thiết)... Một số vừa hoàn tất thủ tục xin bảng hiệu (TX. Ngọc Xuân – Củ Chi – TP. HCM), hoặc đặt đá xây dựng (Chùa Thuận Phước – Long An, Tịnh xá Phú Cường – Gia Lai, TX. Ngọc Phúc – Phước Long – Bình Phước); hoặc xây dựng công trình kiến trúc mới, tạo nên nét văn hóa du lịch tâm linh đặc biệt tại khu vực Bình Định như tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đôi 30m, là tượng đặc biệt cao nhất Việt Nam, một mặt hướng về phía Nam, màu vàng với thế kiết tường Quan Thế Âm và một tượng hướng về phía Bắc, màu bạc với tư thế Quan Thế Âm nam hải.

PHẬT GIÁO KHẤT SĨ HẢI NGOẠI

Phật giáo Khất sĩ ở hải ngoại lúc trước do Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên ở Mỹ làm Pháp chủ. Ngày 19/6 Ất Mùi, Hòa thượng duyên trần đã mãn, ly xả huyễn thân, thâu thần thị tịch. Đó là một sự mất mát lớn lao không gì bù đắp được cho Phật giáo không những ở trong nước, mà đặc biệt là Phật giáo Khất sĩ hải ngoại. Hiện nay, Phật giáo Khất sĩ ở Úc do HT. Minh Hiếu lãnh đạo, phát triển tương đối mạnh. Ở Pháp, Phật giáo Khất sĩ do HT. Giác Huệ lãnh đạo. Phật giáo Khất sĩ ở Mỹ do HT. Giác Lượng lãnh đạo. Ngoài ra, còn có một số vị Tôn túc khác như HT. Minh Tuyên, HT. Minh Hồi, HT. Minh Thiện, TT. Minh Ẩn, TT. Minh Diệu,... và cùng một số chư Tôn đức Tăng Ni khác cùng làm Phật sự, góp phần duy trì mạng mạch Phật pháp ở hải ngoại. TT. Minh Thành, với tâm huyết vừa gánh vác Phật sự ở quê nhà Việt Nam, vừa gắn kết với chư Tôn đức hải ngoại, đóng góp cho sự phát triển Phật giáo Khất sĩ ở nước ngoài.

Không những vậy, chư Tôn đức Tăng trong Giáo đoàn I đã tùy hỷ sự phát tâm của quý Phật tử nước Mỹ, đã nhận đất và cử quý Thượng tọa đến hoằng dương Phật pháp. Tại Lào, Đại đức Giác Thiện – trụ trì Tịnh xá Ngọc Tâm đã hỷ cúng ngôi tịnh xá cho Giáo đoàn II, cũng gắn bó với chư Tôn đức Hệ phái. Mùa Hạ năm 2015, Đại đức đã về Pháp viện Minh Đăng Quang tham gia khóa An cư Kiết hạ. Khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 18, Đại đức cũng về cùng tu tập với chư Tôn đức trong Hệ phái.

NHẬN XÉT CHUNG

Trong năm 2015, chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái đã tích cực tham gia các hoạt động Phật sự chung của tỉnh, thành và Trung ương, và cũng đã dành nhiều thời gian để đóng góp cho sự xương minh của Hệ phái, góp phần trang nghiêm và phát triển bền vững cho Giáo hội.

Các vấn đề Tăng sự, Nghi lễ, Hoằng pháp, Văn hóa, Giáo dục, Nghiên cứu,... vẫn còn nhiều bất cập, đang được củng cố, góp phần cho Giáo hội PGVN. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bỏ ngỏ mà Hệ phái vẫn chưa thực hiện được, hoặc thực hiện chưa đồng bộ.

Hy vọng với năm 2016, với sự chỉ đạo của chư Tôn đức Giáo phẩm, chư huynh đệ Tăng Ni trong Hệ phái sẽ có những bước củng cố nhiều mặt, góp phần cho sự hưng thịnh Hệ phái nói riêng và PGVN nói chung.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.

 


[1] Ban Hoằng pháp Trung ương, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương, Ban Truyền thông Thông tin, Ban Từ thiện Xã hội, Ban Phật giáo Quốc tế, Viện Nghiên cứu Phật học VN...

[2] Số liệu các đạo tràng được lấy theo báo cáo của của Tiểu ban Phật tử Khất sĩ thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.

[3] Viết tắt của “Anh chị em”.