Nhớ ân và đền ân

trianCuộc sống xô bồ, hối hả nhiều khi khiến chúng ta dành rất ít thời gian để nghĩ về công lao, sự nhọc nhằn của tất cả những người mà nhờ họ ta mới có ngày nay. Có được con người thành nhân chi mỹ là nhờ bàn tay chăm sóc đầy yêu thương trìu mến của Mẹ và Cha, người đã dành rất nhiều tình cảm, sự quan tâm đối với chúng ta trên cõi đời này. Bên cạnh đó, còn có biết bao nhiêu người trợ duyên tiếp sức cho ta khôn lớn. Vì rằng, con người sống trên cõi đời này là sống trong mối tương quan tương sanh, chúng ta tồn tại cùng với bao nhiêu con người khác, trong mối quan hệ chằng chịt vay trả lẫn nhau, nương tựa nhau, phải chịu ơn không biết bao nhiêu người. Vả lại, trong tất cả các hạnh lành, phẩm hạnh được coi là cao quý nhất của con người chính là lòng nhớ ơn và đền ơn. Tuy nhiên, trong vô số ơn nghĩa ấy, chúng ta cần ghi nhớ và chắt lọc nằm lòng bốn ơn nặng thường gọi là Tứ Trọng ân. Vậy Tứ Trọng ân gồm những ân gì và cách nhớ ân và đền ân theo quan niệm Phật giáo ra sao, chúng ta cùng tìm hiểu sau đây.

Cách nhớ ân theo quan niệm Phật giáo:

1. Ân cha mẹ

Cha mẹ là người trực tiếp đưa ta vào cuộc đời, cho ta vóc dáng đầy đủ lục căn, nuôi dưỡng ta nên người hữu ích, với một khối tình thương vô bờ. Nếu như, ngày xưa lúc mới hoài thai, cha hoặc mẹ vì lý do khó khăn nào đó không muốn sự có mặt của ta trong cuộc đời, đã đành lòng đoạn mất thai nhi, thử hỏi hôm nay chúng ta có được hiện diện trên cõi đời này không? Ngược lại, cha mẹ không làm thế, đã chấp nhận hy sinh tất cả để ta có mặt trên cõi đời, vất vả chín tháng cưu mang, ba năm bồng ẵm, nhường khô nằm ướt, lo cho con từng chén cơm manh áo, dạy dỗ cho con từ khi vỡ lòng, lớn lên lo kế sanh nhai, dựng vợ gả chồng, v.v... Vì thế, mỗi khi nhắc đến công ơn cha mẹ, chắc chắn không có bút mực nào tả cho cùng, không có ngôn từ nào diễn đạt cho trôi. Là người con Phật hay bất cứ ai cũng đều cảm nhận được điều thiêng liêng ấy. Ân đức cha mẹ vô cùng to lớn, đạo làm con phải luôn luôn ghi nhớ.

2. Ân sư trưởng

Ân nặng thứ 2 là nhớ ơn người thầy tâm linh của mình. Thế gian thường nói: “Học trăm thầy ngàn bạn muôn bài”, như vậy bất cứ ai cũng là thầy của ta. Tuy nhiên, với cái nhìn trong Phật pháp, người thầy tâm linh là người dìu dắt ta vào cửa đạo, dạy cho ta cách đối nhân xử thế, chỉ cho ta nẻo chánh đường tà, giúp cho ta có nội lực vững chãi để đối phó với cuộc đời đầy sóng gió khổ đau. Người giúp ta trưởng thành trong chánh pháp, nhờ đó chúng ta vượt qua được những chông gai. Cha mẹ chỉ sanh thân, thầy tổ tiếp năng lực cho ta thành nhân chi mỹ. Không những đời hiện tại mà cả đến tương lai, chúng ta có duyên được biết đến Phật giáo, về với Tam bảo, có nơi nương tựa tâm linh, có thêm tư lương trong cuộc sống, thầy dạy ta về đạo lý, lẽ sống ở đời, việc ấy không kém phần quan trọng đối với một con người. Nếu không có những vị thầy ấy, chắc chắn chúng ta không thể nào trở thành một người công dân tốt trong xã hội.

3. Ân quốc gia xã hội

Mảnh đất thương yêu chúng ta đang sống, trước đây đã trải qua biết bao nhiêu chiến tranh loạn lạc, xương máu của các anh hùng nằm xuống, hy sinh vì tổ quốc; nước mắt chia ly đã bao lần đổ xuống trên mảnh đất quê hương. Đ ức Phật đã từng nói: “Nước mắt của chúng sanh trong ba ngàn thế giới đem chứa tích lại còn nhiều hơn nước trong bốn biển”.[1] Thật vậy, bao lần chiến tranh đi qua là bao lần máu và nước mắt đổ xuống. Nói đến ơn quốc gia xã hội là nói đến ơn vua quan những người đã và đang thi hành trách nhiệm bảo vệ giang sơn bờ cõi. Hằng đêm, khi chúng ta an giấc, ngoài biên cương hải đảo xa xôi có những con người phải thức thâu đêm canh giữ để đem lại an ninh trật tự cho quốc gia xã hội. Nếu không có những người tận tụy như thế, xã hội sẽ rối loạn, không có an ninh trật tự; nếu không có những người hy sinh vì nhiệm vụ, ngoài đường phố ngày cũng như đêm không có trật tự, nạn giao thông, nạn ăn cướp … lan tràn. Nếu không có những người dùng trí tuệ của mình để đối phó với những âm mưu của nước láng giềng ngày đêm rình rập mong muốn chiếm lĩnh lãnh thổ của mình, thử hỏi chúng ta có được cuộc sống an ổn không, có được ấm no hạnh phúc không, có được ngồi yên trong ngồi chùa để gõ mõ tụng kinh không? Do vậy làm người công dân của đất nước chúng ta phải nhớ ân Quốc chủ.

4. Ân chúng sanh muôn loài

Hay còn gọi là ơn đàn na tín thí; ví dụ, để có một bát cơm trắng những nhà nông phu phải phơi lưng cho trời, bán mình cho đất, quanh năm suốt tháng làm việc vất vả. Nếu chúng ta muốn có chiếc áo che thân, cũng nhờ đến những người dệt vải ươm tơ; nếu cần sử dụng những vật dụng trong nhà, phải nhờ đến những người tạo ra sản phẩm cung cấp cho mình tiêu dùng. Nếu không có họ, không có những người nông phu, thương buôn, bác sĩ, y tá, thầy giáo, lấy đâu có của cải vật chất cho ta dùng. Không những thế, ngay cả người lao công hằng đêm tận tâm làm việc cũng chính là ân nhân của ta. Chúng ta cần trân quý những người chung quanh mình, phải tạo cho mình một quan hệ tốt với người chung quanh, thân thuộc, láng giềng. Có nghĩa là chúng ta phải biết giữ gìn, trân trọng những tình đồng loại cao quý. Tiền của mất, chúng ta có thể tìm kiếm lại, nhưng tình người đừng để mất đi, rất khó tìm lại

Như vậy, thưa quý vị, trên đây là bốn đối tượng mà chúng ta cần nghĩ đến và biết ơn sâu sắc. Vậy cách để chúng ta đền ơn là như thế nào?

Cách đền ân theo quan niệm Phật giáo:

1. Đền ân cha mẹ

Thông thường, người đời có đạo đức tốt thể hiện lòng từ hiếu thảo ở chỗ cung phụng cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ, vâng lời cha mẹ, lo thuốc thang khi cha mẹ ốm đau, lo chăn ấm nệm êm, quạt nồng khi thời tiết thay đổi,chăm sóc cha mẹ tận tình hiếu dưỡng, đến khi cha mẹ qua đời lo tang lễ cúng bái, v.v... Nhưng trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, đức Phật dạy: “Nếu có người vai trái cõng cha vai phải cõng mẹ đi vòng khắp núi Tu-di… cũng chưa báo đặng công ơn cha mẹ”.[2] Vì vậy, là đệ tử Phật, chúng ta cần nâng cao hơn một chút nữa. Trong Trường Bộ Kinh, đ ức Phật đề cập đến bốn trách nhiệm mà người con phải làm, hướng dẫn cha mẹ sống theo chánh pháp mới thật sự báo ân cha mẹ: 1. - Nếu cha mẹ không có niềm tin, khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng Tam bảo. 2. - Nếu cha mẹ xan tham, khuyên cha mẹ phát tâm bố thí, 3. - Nếu cha mẹ làm ác, khuyên cha mẹ hướng về đường thiện, 4. - Nếu cha mẹ theo tà kiến, khuyên cha mẹ theo chánh kiến.[3]Nếu cha mẹ quá vãng, Phật tử chúng ta nên làm phước để hồi hướng cho cha mẹ, tổ chức cúng chay tịnh, làm được như vậy mới thực sự báo hiếu báo ân. Chúng ta phải báo ơn bằng cách cải hóa thân tâm, sống cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản không câu chấp vào của cải vật chất tạm bợ của thế gian, không chấp vào tình thương luyến ái với con cháu để buổi ra đi phải luyến tiếc cháu con, đó là mối nguy hại rất lớn. Phận làm con chúng ta phải biết rõ điều đó để giúp cha mẹ nhận ra vạn vật đều vô thường, khi ra đi chỉ có nghiệp thiện hay ác đã tạo lúc sanh tiền mang theo mình mà thôi. Nếu làm được như vậy mới gọi là đền ơn cha mẹ trong muôn một.

2. Đền ân Sư trưởng

Còn đối với Sư trưởng, người đã dìu dắt ta vào đạo, tạo lập cho ta có cái nhìn sáng tỏ, chỉ cho ta con đường đi đến hạnh phúc an vui không phải bị sụp hố hay sa hầm, vậy nghĩ báo ân những vị thầy ấy, ta phải làm sao? Nếu là người xuất gia, chúng ta luôn lấy chí nguyện hoằng pháp lợi sanh đem giáo lý quý báu của chư Phật mười phương ba đời truyền lại cho những người đời sau. Hễ ai chưa tin hiểu Phật pháp, chúng ta nên khuyến hóa cho người tin Phật pháp. Bên cạnh đó chính bản thân mình cũng phải trang nghiêm giới đức, thể hiện được tinh thần xả kỷ lợi tha; trước tu cho mình được đạo quả, sau đem chỗ đạt được truyền lại cho người để cùng được lợi ích.

Về phương diện là Phật tử, chúng ta nên thực hành đúng theo năm nguyên tắc dành cho người tại gia, phải nổ lực tu tập theo chánh pháp, quy hướng Tam bảo tạo công đức lành, làm những việc nêu gương ở đời. Là Phật tử, chúng ta phải làm sao cho những người chưa biết đạo một khi họ nhìn vào Phật giáo liền khởi tâm hoan hỷ, phát tâm quy hướng Tam bảo.

Nếu chúng ta chỉ nhớ ơn Sư trưởng trên danh từ hoa mỹ mà không đi vào thực hành thì thật là rỗng tuếch. Chi bằng chúng ta tự thúc liễm thân tâm, y theo lời Phật dạy mà thực hành. Lợi ích đó mới đích thực là đền ơn Sư trưởng.

3. Đền ân quốc gia xã hội

Đền ơn quốc gia xã hội về môi trường sống luôn luôn đem đến cho chúng ta một phương diện bình yên, không khí điều hòa, mái chùa yên ấm. Vậy muốn đền đáp công ơn ấy, chúng ta phải làm gì với những người đã khuất vì nước vong thân? Cách đền ơn duy nhất là chúng ta cầu siêu độ cho vong linh hoặc làm những việc thiện lành, nguyện đem công đức ấy hồi hướng cho các chiến sỹ trận vong đồng bào tử nạn. Nếu có thể vì những vong linh, anh linh, oan hồn uổng tử ấy mà đem giáo lý Phật-đà đến khai thị cho họ, đó là cách đền ơn tốt nhất.

Còn đối với người còn sống đang thi hành nhiệm vụ, điều cần thiết chúng ta phải là một công dân tốt, sống đúng theo quy tắc, quy luật của nhà nước, nghĩa là không vi phạm pháp luật, làm tròn nghĩa vụ của một công dân. Sống trong gia đình, xây dựng một mái ấm hạnh phúc nuôi dạy con em của mình, phải biết đóng góp công sức với tài năng vốn có vào công cuộc xã hội, xây dựng đất nước hòa bình văn minh, không sống một cách vô liêm sỉ, không có trách nhiệm, vô đạo đức, hoặc sống thờ ơ trước những khổ đau của đồng loại. Mặc khác, chúng ta đền đáp bằng phương tiện đem đạo pháp vào đời, khuyên con em Phật tử xây dựng một nền đạo đức. Hễ có một công dân tốt, thì có một gia đình tốt; hễ một gia đình tốt thì xã hội tốt; một xã hội tốt thì quốc gia tốt. Như thế là chúng ta đã trả ơn quốc gia một cách thiết thực nhất.

4. Đền ân chúng sanh muôn loại

Chúng ta đền ơn chúng sanh muôn loại là chỉ chung loài hữu tình và vô tình đều là ân nhân của ta. Nếu là người xuất gia, ân đàn na tín thí là người trực tiếp hộ pháp, giúp cho ta từng miếng cơm, manh áo, từng viên thuốc, lá rau…. nên ân của tín chủ cao như núi. Nếu chúng ta không cố gắng lo tu mà thọ nhận một cách tự do, hoang phí, không thẩm xét đức hạnh của mình thì tổn phước vô cùng. Nên đức Phật dạy: “Chư Tỳ-kheo mỗi khi thọ dụng bát cơm của đàn-na tín chủ phải để tâm quán tưởng như sau: “Bát cơm ai sắm cực lòng ta ăn phải nhớ tấm công ơn người…”.[4] Nhớ ơn người, bản thân mình phải lo tinh tấn tu học cho tốt, kế hồi hướng công đức cho người, như lời Phật dạy rằng trong tất cả các pháp bố thí chỉ có Pháp thí là quý hơn nhất. Vì giúp ăn giúp mặc chỉ nuôi dưỡng thân mạng mà thôi, còn Pháp thí giúp cho người bớt khổ. Nếu nghe được giáo pháp, họ chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau, hạnh phúc nào bằng sự an lạc của nội tâm, lúc đó ân của chúng sanh mới trả đặng.

Còn đối với người Phật tử tại gia, mặc dù chúng ta cũng có thể làm việc này việc kia để tạo chén cơm manh áo, có thể mượn vật đổi vật để tiêu dùng hằng ngày. Thế nhưng, mình cũng phải trực tiếp vay mượn, cũng phải nương tựa từ người khác. Vd: khi ốm đau cần có bác sĩ, làm nhà cần có thầy thợ, v.v... Do vậy, đức Phật dạy về cách lạy sáu phương để tỏ lòng tri ân như sau: “Phương Đông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là Sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là Sa-môn, Bà-la-môn”.[5] B ất cứ ai cũng có ân nặng với ta nên ta phải kính trọng ân và đền đáp thâm ân bằng cách sống trung thực chính mình, sẵn sàng hy sinh việc cá nhân nhỏ bé nhằm đem lại lợi ích cho người trong khả năng có thể, trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Là người Phật tử chơn chánh bốn ân này luôn ghi nhớ, không được sao lãng. Trong mỗi giờ mỗi phút mỗi giây, chúng ta phải tâm tâm niệm niệm để hồi hướng công đức đến cho họ.

KẾT LUẬN

Nhìn chung, khi đã hiện diện trên cõi đời này thì ai ai cũng có ân nặng với nhau. Mối tương duyên tương quan chằng chịt ấy không ai tránh khỏi. Vậy nên là người, chúng ta hơn hẳn loài cầm thú, chúng ta là động vật cấp cao có nguồn trí tuệ dồi dào biết phân định nẻo chánh đường tà, nên phải biết ơn, nhớ ơn và đền ơn.

Trọng ơn trời biển của cha mẹ, phận làm con phải có trách nhiệm đền đáp thâm ân đối với hai đấng sanh thành. Sự hiếu thảo được trình bày qua năm trách nhiệm đạo đức:Nuôi dưỡng cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống, bảo vệ tài sản thừa tự và lo chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp ”.[6]Ngoài ra còn phải khuyên cha mẹ quay về nương tựa Tam bảo, làm lành lánh dữ tạo phước kết duyên. Kính ơn Tổ Thầy ta lo tu học cho tới nơi tới chốn đạt thành đạo quả; nhớ ơn đàn việt tín tâm, làm gương sáng cho người noi theo; biết ơn quốc gia xã hội muôn loài, làm người công dân tốt, không cô phụ tấm lòng của người đã hy sinh mới có ngày an bình hôm nay.

Nói tóm lại, bất cứ là ai, dù sang hèn, vua quan dân dã… cũng đều thọ ân, nên khi chúng ta thể hiện cách đền ơn và nhớ ơn xứng đáng theo quan niệm Phật dạy dù mình ở vào lãnh vực nào. Ví dụ: phận làm con phải giữ tròn chử hiếu, đối với thầy phải trọn đạo con trò, đối với quốc gia xã hội là một công dân tốt, đối với chúng sanh muôn loại phải biết nâng đở lẫn nhau. Chúng ta luôn luôn thể hiện tốt và làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình, đó chính là cách đền ân đáp nghĩa hữu hiệu nhất.


[1] Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử Triết học Phương Đông, tập III, Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, trang 208.

[2]Tăng Nhất A Hàm , D. II, 601.

[3]Trường Bộ Kinh IV, 188.

[4] Luật Nghi Khất Sĩ

[5] Kinh Trường Bộ, tập II.Thích Minh Châu (dịch), Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2002, trang 541.

[6] Kinh Trường Bộ, tập II.Thích Minh Châu (dịch), Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Tôn giáo, 2002, trang 542.