Nhớ về Ân sư… còn mãi Ánh Nhiên Đăng

Mhieu

Thời gian âm thầm và lặng lẽ như muốn che giấu những bước chân vô hình và tàn nhẫn của nó... Mùa Đông lạnh lẽo của xứ Nam bán cầu lại trở về, tô điểm thêm cho cái băng giá và đơn côi của những người đệ tử xa vắng Tôn sư. Thấm thoát đến Đại tường Sư phụ rồi... Chiếc khăn tang ngày nào trong Lễ Tang Sư phụ như chiếc vòng tang chế như vẫn còn gắn chặt trên đầu của đệ tử.

Sư Phụ ơi ! Con không còn khóc như ngây dại ngày nào của 2 năm về trước nữa… Phải chăng, vì nước mắt đã khô, vì nỗi đau đã được tuôn trào giải toả? Hay đáng mừng là, những tháng ngày qua con đã thể hội được sự ra đi tự tại của Ân sư? Ngày 19/6 âm lịch, ngày kỷ niệm Bồ tát Quán Âm thành đạo, cái ngày cao quý đó, sư phụ đã nhắc nhở cho con lúc Người còn tại thế. Khi chúng con đến thăm người trên giường bệnh ở Viện Truyền thống Nam Cali, Người đã nói rất rõ ràng khi con hỏi, chúng con sẽ làm gì khi Sư phụ trăm tuổi. Người nói:“Các con không cần phải lo gì cho Sư phụ vì Sư phụ đã có Bồ-tát Quán Âm lo liệu hết mọi thứ và ngày giờ rồi”.

Thì ra, Sư phụ đã tiên liệu hết ngày đi chốn về của mình rồi. Trong khi tâm phàm phu chúng con đã phải sợ hãi đau đớn và lo lắng muôn ngàn buồn khổ, thì Sư phụ như Người Cha lương y tài giỏi đi sang nước khác, báo tin về nhà là cha các con đã chết, để các con tỉnh tâm tìm lương dược quý hiếm cha đã để lại mà tự lo trị bệnh cho mình (Kinh Pháp Hoa).

Thế nên, Sư Phụ ơi! Hai năm qua đệ tử này không còn yếu đuối rơi lệ nữa... Con tự nhủ, phải tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của Sư phụ ngày xưa, là thắp sáng Ánh Nhiên Đăng cho nhân thế. Chúng con đã thực sự tỉnh ngộ rằng: Sư phụ vẫn mãi mãi còn đó, bên cạnh chúng con trong công việc hoằng dương Phật pháp. Người đã mở cánh cửa bất tử rồi nên đệ tử phải y theo lời Phật dạy: “Ai thấy được Pháp thì người ấy thấy Phật, Ai thấy được Phật là người đã thấy Pháp”. Con sẽ tiếp tục tu học để tiếp nối con đường hoằng pháp lợi sinh của Sư phụ. Con chắc chắn rằng, trên con đường chúng con đi, luôn có Pháp sư Giác Nhiên bất tử đến tuyệt vời !

Kính dâng Giác Linh Sư phụ,

Ngày Lễ Đại tường 19/6 Đinh Dậu (nhằm 12/7/2017) cũng là ngày Nhập Bảo tháp Xá lợi Ân sư, Sơ Tổ Khai lập Phật giáo Khất sĩ Hải ngoại. Ân sư đã lưu dấu gót chân ta bà Khất sĩ khắp 4 phương trời, để hàng hậu học và chúng sanh có nơi lễ bái học hỏi noi gương. Thế nên, đệ tử nhỏ bé này không khóc nữa, con chỉ xin phép Sư phụ được kể lể những hành trạng cao quý của đời Người qua duyên phận Thầy trò của chúng con.

Nhân duyên tao ngộ

Người đã ra đời giữa những cánh đồng miền Nam ngạt ngào hương lúa, bên dòng Hậu Giang trĩu nặng phù sa. Chất nước ngọt ngào hiền lương chảy về Cần Thơ, rồi giong mình ra đại hải như đã báo hiệu cho bước chân tương lai của Người sứ giả Như Lai…

Con lớn lên trên quê hương miền Trung khô cằn sỏi đá, cách mảnh đất Ô Môn (Phong Dinh) ngàn dặm xa xôi.

Không gian diệu vợi và thời gian gần 3 thập kỷ. Thế mà, con lại được về hầu cạnh dưới bóng của Ân sư. Phải chăng, đó là một nhân duyên thù thắng và chút phúc mọn của con trong đời này.

Tấm lòng Bồ tát

Sư phụ quý kính!

Đó là những tháng năm của mùa Hè đỏ lửa, Sư phụ mở lòng bao dung tiếp nhận những đứa trẻ lưu lạc bơ vơ từ miền Trung khổ nạn. Có lẽ những hình ảnh này quá nhỏ nhoi trong sự nghiệp hoằng pháp to lớn và trách nhiệm thắp sáng ngọn hải đăng cho Tăng đoàn. Sư phụ chắc hẳn đã không để ý đến những dấu chấm ấy trong sinh hoạt bận rộn của Giáo hội hằng ngày.

Sư phụ ơi! Duyên lành đã cho chúng con được gặp, được Sư phụ cưu mang, hoạn dưỡng từ ngày ấy. Chúng con có cơ hội để lớn lên dưới mái hiên chùa, nồng ấm trong vòng tay bao dung của Sư phụ.

Bao năm chúng con theo chân Sư phụ ở quốc nội. Rồi bất chợt năm 1978, hụt hẫng bóng dáng Ân sư… Phải suốt 20 năm sau, con mới được trùng phùng cùng Người trong khung trời bao la ở hải ngoại.

Từ ấy, nối lại duyên xưa, chúng con có cơ duyên cùng Sư phụ bôn ba khắp chốn, thuyết pháp độ sinh, xây chùa tiếp chúng… biết bao nhiêu là việc.

Hình ảnh Sư phụ trong con hiện lên lung linh qua bài cảm niệm con viết về Người:

Người trong con không trở thành thần tượng

Mà hoá thân làm xương thịt mỉm cười,

Để cho con muôn đời không xa cách

Không rời người trong một phút một giây.

Con ích kỷ mà người từng dung chứa

Thêm một lần Người mở cửa Từ bi.

                                               (Trích chung thất)

Trong chuyến hành trình gian khổ (Về bến Tự do), con đã cùng Sư phụ đi Mã Lai, Indo,.. Bất chấp tuổi già sức yếu, Người đã đi vì tâm niệm: “Nghĩ đến cái lạnh, cái đói và cô độc không nơi nương tựa của những vong linh mà thương, và thấy mình còn sướng quá...” Vậy là, thầy trò cùng đi cầu nguyện, vớt vong và đắp mộ... bất kể mưa gió, giờ giấc ngày đêm... bất kể những nguy hiểm tiềm tàng trong biển thẳm của các địa danh Galang, Biddong ..

Hơn 30 năm ở Hoa Kỳ, Người đã che chở giúp đỡ và bảo lãnh hàng ngàn gia đình Phật tử định cư từ các trại tị nạn. Người cũng đã bảo lãnh cho hàng trăm Tăng Ni các tổ chức Giáo hội môn phái khác nhau mà không phân biệt, miễn sao các vị được an ổn tu tập là Người an lòng.

Sư phụ luôn mang tâm nguyện lo lắng và thương yêu đại chúng, trong khi bên cạnh Người không có cả thị giả sai bảo. Người vừa tự lo cho mình trong sinh hoạt, vừa chu toàn được mọi Phật sự: in kinh sách, sang băng và thuyết pháp, du hành 5 châu giáo hoá nhân sinh.

Vị tha vô ngã và bình đẳng

Con nhớ lần đầu sang Hoa Kỳ thăm sư phụ. Thật bất ngờ, khi thấy nơi Người ở chỉ là một ngôi nhà nhỏ bình thường đơn giản (nhỏ hơn nhiều so với TV. Minh Quang con trụ ở Úc). Hôm ấy, con phải ngủ ghế bố dưới cầu thang, Sư phụ ngủ trên gác lững. Phòng ngủ của Người đầy sách vở tài liệu giảng dạy, máy móc in ấn… chỉ còn một lối nhỏ đi vào cái đơn gỗ để ngủ và khoảng trống cạnh bàn làm việc.

Mỗi đêm, Người thức từ 2,3 giờ sáng để thiền toạ, viết Kinh kệ, sáng tác thơ và liên lạc các nơi cho chương trình hoằng pháp khắp thế giới. Con hạnh phúc khi nhận ra rằng, ngôi nhà nhỏ của Thầy con chứa trong đó một tâm hồn lớn.

Bận rộn là vậy, nhưng nếu nơi nào có nhu cầu làm chùa, và khi nào có Phật tử tại gia muốn xuất gia, Người lập tức chạy tìm đất lập thiền viện, tịnh xá rồi thế phát cho người ở đó tu học, kinh kệ.

Con đã từng buồn lòng than phiền, việc này sẽ dẫn đến lộn xộn và thiếu căn bản trường lớp đào tạo cho Giáo hội tương lai... Sư phụ đã ân cần dạy con: “Xứ phương Tây vật chất cám dỗ này mà người muốn bỏ để đi tu không dễ. Họ muốn tu thì tạo duyên lành cho họ, còn thành tựu cỡ nào thì tuỳ duyên phúc và sức tinh tấn của mỗi người (giống Minh Hiếu con), như sàng gạo, cuối cùng những hạt lớn sẽ còn lại thôi, lo quá đánh mất thiện tâm”.

Nghe xong, con thấy mình thật tối tăm và nhỏ dại (khác nào chuyện Phật cho người say đòi vào tịnh xá xuất gia. Tăng chúng ngăn cản vì cho rằng họ say sưa biết gì mà tu... Đức Phật nói thế gian có vô số người không say mà còn không muốn tu, biết tu thì người say rượu này vẫn còn duyên lành hơn sao!).

Trong việc vận động giúp đỡ Tăng Ni du học sinh Ấn Độ, giúp đỡ người nghèo ở Ấn, sau buổi thuyết pháp, sư phụ kêu gọi mọi người phát tâm bỏ tiền vào chuông giúp đỡ. Người nói: “Thầy xin tiền thẳng thắn như vậy cũng xấu hổ lắm chứ, nên phải nhắm mắt lại để đỡ mắc cỡ. Nhưng vì tiền đồ của Phật giáo, vì sự thành tựu của Tăng Ni sinh trẻ, và vì những khổ đau nghèo khó của hàng trăm triệu dân xứ sở lạc hậu. Nếu có được sự ủng hộ hậu hỷ của các Phật tử thì hình thức hay thân phận của Thầy có sá chi. Ai nói sao, nghĩ sao cũng được, miễn mang lại thiết thực lợi ích cho đại chúng và hạnh phúc chút ít cho dân nghèo là Thầy không màng”. Ôi, bao la và rộng lớn tấm lòng Thầy !

Con nghe mà xấu hổ thêm cho tâm tham ái, ngã nhơn và chấp thủ của mình. Chỉ vì một chút hư danh,vì mặt mũi mà biết bao người tu đã đánh mất Đại bi tâm ban đầu!

Con chợt nhận ra, con vẫn còn nằm trong số ấy, Sư phụ ơi !

Sư phụ sẵn sàng quy y cho Phật tử qua phone, nếu có người phát tâm mà không đến Chùa được. Con nghe xong phản đối, vì cho rằng, làm vậy mất tín tâm. Người chỉ cười và nói, sau này con sẽ hiểu…

Vâng, con đã hiểu khi con tụng Bồ tát giới, thầy ơi !

“Không luận Quốc vương, Thái tử, các quan chức hay Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, không luận là chư thiên cõi sắc hay cõi dục, không luận là hàng thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ hay hàng nô tỳ… kể cả 8 bộ quỷ thần, súc sanh và kẻ biến hoá, hễ ai tin nhận và hiểu được lời truyền giới của Pháp sư thời đều đặng thọ giới và đều gọi là thanh tịnh thứ nhất (Lời tựa Bồ-tát Giới).

Con hiểu rồi, Sư phụ đã là Bồ-tát từ lâu, mà đệ tử ngu mê khờ dại, cứ mãi lo buồn và trách móc cho việc thị phi thế trần.

Dù tuổi cao sức yếu, Người vẫn cứ du hành xuyên quốc gia liên tục. Có lúc vừa xuống máy bay về đến tự viện, Người đã bắt đầu buổi thuyết giảng. Trung bình Người giảng mỗi ngày từ 3 đến 4 thời. Một trăm người, Ngài cũng thuyết; chỉ có hai, ba người, Ngài cũng thuyết.

Mỗi lần Người đến Úc thuyết giảng, con thông báo cho Phật tử đến nghe pháp, rồi đưa Người đi thăm viếng các tự viện của các Giáo hội, không phân môn phái, truyền thống nào. Có lần con thưa: “Sư phụ là Pháp chủ của Giáo hội, đến đâu phải thông báo trước và xem quý vị có hoan hỷ đón tiếp không. Nếu đến đường đột thì làm nhẹ thể cho mình và Giáo hội... Người nhìn con, với ánh nhìn sâu xa: “Sư Phụ đi thăm các chùa là kính viếng Tam bảo, nếu các Ngài hoan hỷ tiếp thì gặp tham vấn đạo tình 5,10 phút. Không có ai thì đảnh lễ Phật viếng thăm Tam bảo. Mình là phàm phu, chẳng lẽ còn nặng thể hơn Phật sao mà ngại”.

Ôi ! Ngôn ngữ và tư duy bình đẳng và vô quái ngại này mới thật là của một bậc Đại sĩ thị hiện, mang hình hài là xương thịt của Sư Phụ con !

Kính dâng Sư Phụ, con chỉ điểm qua những hành trạng và pháp ngữ chân thật trong đời sống của Người. Con biết, cho dù có viết nhiều hay kể mãi cũng không hết lượng cả hải hà của Người đối với chúng sanh, và những đặc ân thân thiết mà người dành cho đứa đệ tử côi cút từ nhỏ này.

Có lẽ vì thế mà gần 20 năm ở hải ngoại, con vẫn được chư huynh đệ nói là Sư phụ thương yêu, khen tặng, tin tưởng và chịu lắng nghe những lời thưa thỉnh của Minh Hiếu nhiều nhất.

Giờ đây, khi Sư phụ đã về Tây, con mới biết, trong những đứa con nhỏ dại của Sư phụ, con là đứa khờ khạo và yếu đuối, bịnh hoạn nhất nên mới được nuông chiều hay chăm sóc kỹ lưỡng hơn thôi... Đó chính là tấm lòng bác ái cao cả của cha mẹ và các bậc Thầy trong muôn một đây mà.

Kính lạy Giác linh Ân sư !

Con xin phép dừng lời thưa trình tại nơi đây. Con biết lúc nào Sư phụ cũng bên con, trong con như là một hoá thân pháp bảo. Con chỉ thưa ra cho những đệ tử sau này được lắng nghe và học hỏi Phạm hạnh của Tôn sư, qua hình ảnh một con người đã đi qua dòng đời, mà nhân ảnh còn tồn tại mãi...

Ngôn ngữ nào nói hết cái vi diệu của vô ngôn.

Văn tự nào chuyên chở hết trí tuệ và tấm lòng đại từ của Bồ tát.

Kính lạy Giác linh Sư phụ mặc nhiên thuỳ từ chứng giám.

Đệ tử chúng con nguyện đời đời ghi tạc thâm ân giáo dưỡng và mở khai huệ mạng của Ân sư.

Kính dâng Giác linh Sư phụ Hoà thượng Pháp sư nhân Lễ Đại tường 19/6/ Đinh Dậu (13/7/2017).

Pháp tử Tỳ kheo Minh Hiếu chí thành đảnh lễ.