Nhớ về một mùa Xuân

Có một mùa Xuân đã xa.

Ngày Đức Tổ Sư vắng bóng – Ngày bắt đầu một chương mới của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.

Sứ mệnh “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” từ đây, được trao truyền cho liệt vị chư Tôn đức, cho các thế hệ môn đồ của hệ phái.

Đã hơn sáu mươi năm, kể từ mùa Xuân ấy. Dòng thời gian đã lặng lẽ chuyển tải những giá trị vĩnh hằng của “Chơn Lý”, đã làm sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn những nét riêng biệt của Đạo Phật Khất Sĩ, trong ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam.

tsmdq42

Nhớ về mùa Xuân ấy, lần theo dấu chân của Đức Tổ ngày xưa, để thấm thía hơn giáo lý và con đường tu tập mà Người đã cất công khai mở, để cảm nhận duyên lành: được “Sống chung tu học” trong tình “Khất sĩ”.

Con đã đọc những dòng sử liệu về Người. Con đã tìm đọc “Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 60 năm ngày Đức Tổ Sư vắng bóng”. Những bài viết ấy, dù ở góc độ học thuật hay thực chứng, cũng đã giúp con hình dung được chân dung của bậc Tổ Thầy, giúp con xác tín cho mình niềm tin về con đường Người khai mở, con đường mà hôm nay “… cả vạn người theo chân” (Thơ Trụ Vũ).

ngocvien4 daophatkhatsi.net

Cây bồ đề và cốc tưởng niệm Tổ sư tại TX. Ngọc Viên

Con đã nhiều lần về thăm quê Tổ. Con đã được dự những buổi lễ tưởng niệm Người. Con như được tắm mình trong không khí hân hoan, thành kính của Phật tử từ các miền tịnh xá.Con hạnh phúc nhận ra chân giá trị của tình Thầy trò, tình pháp lữ, khi muôn người như một, nhất tâm hướng về Tổ, Thầy.

Con cũng đã đến Tổ đình Ngọc Viên (Thành phố Vĩnh Long) – một trong những đạo tràng in đậm dấu ấn của Tổ sư từ những ngày đầu mở đạo. Con đã nhiều lần lặng lẽ đứng thật lâu bên những di ảnh của Người. Những bức ảnh đã nhạt nhòa theo thời gian, nhưng đó là những minh chứng sống về những năm tháng bước chân Người hóa duyên hành đạo.

Đó là những tháng ngày đen tối trong lịch sử dân tộc. Chiến tranh, đói nghèo đã đưa bao phận người xuống hố thẳm, vực sâu. Đó cũng là lúc Phật giáo nước nhà trong thời điểm suy vong.Trong bối cảnh ấy, biết bao người ngụp lặn trong bể khổ, biết bao người cần một điểm tựa tâm linh? Đạo Phật Khất Sĩ ra đời đã đáp ứng được nhu cầu đó của đại đa số người dân chân chất, thật thà ở mảnh đất miền Tây Nam Bộ.

Vậy là, Người đã thị hiện giữa đời thường. Chỉ trong vòng mười năm, Người đã đặt nền tảng về giáo lý và tổ chức cho sự ra đời và phát triển của Hệ phái. Ánh đạo vàng Minh Đăng Quang tỏa sáng trên bầu trời miền Nam nước Việt, chỉ đường giải thoát cho những ai có duyên lành về với Đạo.

Mười năm, cho một cuộc hóa thân. Mười năm, cho một trọng trách lớn lao. Mấy ai hay, Người đã âm thầm chuẩn bị cho ngày ra đi.

Những trang sử của Hệ phái vẫn còn ghi rõ những lời này:

Chiều ngày 30 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1954) khi ánh mặt trời vừa lắng dịu, tại Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), Đức Ngài chậm rãi qua lại  bên tàng cây bã đậu với dáng vẻ suy tư . .. cho đến khi mặt trời vừa lặn. Ngài gọi chư Tăng đệ tử lấy đệm trải dưới gốc cây Bồ ề, ân cần dạy bảo về sự tu học và sự mở mang mối đạo. Ngài từ giã chư đệ tử để đi tu tịnh tại núi “Lửa” một thời gian”.

TSMDQ016

Những lời dạy cuối cùng của đức Tổ, chắc chắn sẽ mãi mãi được khắc ghi trong tâm khảm của các thế hệ môn đồ đệ tử của Người:“Các con hãy ở lại mở mang mối đạo, giáo hóa chúng sanh đền ơn chư Phật, ấy là các con theo Thầy và làm vui lòng thầy nơi xa vắng, rồi một ngày kia Thầy sẽ trở về” .

Mùa Xuân là mùa của những ngày đoàn viên, sum họp.

Vậy mà,mùa Xuân năm ấy,chúng conđã vắng bóng vị ân sư khả kính.

Không, Người vẫn còn đó, trong những lời kinh Khất sĩ, trong từng thời công phu của tứ chúng, trong không gian thanh tịnh, trang nghiêm ở mỗi đạo tràng.Và, trong sâu thẳm trái tim của những người con Khất sĩ, những lời dạy của đức Tổ sư, cho đến bao giờ, vẫn còn nguyên giá trị.

Trong những ngày qua, khi Hội thảo “Văn hóa Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng”được tổ chức, khi những đặc trưng ngôn ngữ và pháp phục truyền thống Hệ phái Khất sĩ ngày càng được nhận chân giá trị, chúng con càng nhớ ơn Người đã khai sơn mở lối.

Trong buổi sớm mai ngày thọ bát, trong không gian thanh tịnh, bình yên nơi đạo tràng tịnh xá, bên tai con vang vọng những lời kinh:

“Lời thuyết pháp hùng hồn cảnh tỉnh.

Độ chúng sinh dứt bệnh hôn trầm.

Quý thay diệu pháp thậm thâm.

Chúng con hết dạ thành tâm phụng thờ”

Vâng, ngôn ngữ trong lời kinh Khất sĩ mộc mạc, giản đơn mà giáo nghĩa sâu xa. , rất thuần Việt, và cũng đậm tâm hồn Việt.

Đốt nén tâm hương, con thành kính tri ân Người.

Nhớ về một mùa Xuân đã xa, mùa Xuân vắng bóng Tổ Thầy, mà dặn lòng,bền chí trên bước đường tu học.

TX. Ngọc Tường, xuân Đinh Dậu – 2017