Nhơn ái nuôi sắc thân

tsmdq050Có rất nhiều quan niệm về hạnh phúc của đời người, nhưng điều làm cho cuộc sống có giá trị hơn, vui hơn, ý nghĩa hơn, chính là nhờ vào mục đích mà con người muốn hướng tới. Tùy vào quan điểm nhận thức của từng người mà chúng ta đưa ra sự lựa chọn cho bản thân mình hợp lý hoặc tốt nhất. Đọc và suy ngẫm lời Tổ dạy: “Nhơn ái nuôi sắc thân” để từ đây chúng ta nhận ra quan điểm sống vô cùng tích cực, cao đẹp với tinh thần trách nhiệm cùng tình thương đồng loại. Và mục đích cuộc sống có ý nghĩa thì phải dựa trên nền tảng của lòng nhơn ái.

Nhân ái, (nhơn ái) được hiểu chính là lòng thương người (Từ điển lạc việt). Nhơn ái nuôi sắc thân, nghĩa là sắc thân con người biết nuôi dưỡng phải dựa trên lòng nhơn ái.

Người xưa có nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, nghĩa là con người từ khi sinh ra bản chất vốn là hiền lành lương thiện. Nhìn những đứa trẻ ra đời ai cũng vui mừng, lòng trào dâng cảm giác khó tả khi được làm cha làm mẹ trong đời. Ai ai cũng cưng quí trẻ thơ, bởi tính hồn nhiên, dễ thương của chúng. Cuộc đời của trẻ thơ được sống trong chuỗi yêu thương, bao bọc của cha mẹ, người thân yêu trong gia đình và tình thầy cô, bạn bè. Và cuộc sống luôn được che chở dưới vòng tay ấm áp trìu mến của bao người. Cho nên sự ra đời của sắc thân này cũng chính là do tình thương mà có ra. Tình cha nghĩa mẹ, tình quyến thuộc, cho đến cái lớn hơn là hồn thiêng sông núi, thế giới đại đồng cũng từ trên cơ sở của tình thương mà dựng lập, bảo vệ và nuôi dưỡng cho sự sống của con người.

Đọc lại quan điểm của Tổ về lòng nhơn "Nhơn (người)”. “Khi tuổi mười hai, không làm ác, tha thứ cha mẹ, không giết hại, lòng nhơn nhỏ hẹp, tự làm nuôi sống, có hành vi phụ giúp gia đình, lần biết thương quyến thuộc. Tập ăn chay, giảm tha mạng thú vật, bắt đầu ham sống vật chất, chú trọng cho mình nhiều, gọi là người nhỏ (nhơn)…”(Chơn lý Ngũ uẩn)

Quan điểm lòng nhơn nhỏ, lòng nhơn rộng lớn và tuổi giác ngộ của Tổ đã khiến chúng ta suy ngẫm về cuộc đời của mỗi người. Nếu như chúng ta không muốn làm người không có lòng nhơn, người thờ ơ với bao nhiêu ân nghĩa mà cuộc đời đã dành cho mình. Nơi đây thái độ làm người có lòng nhơn cần phải được xét soi kỹ lưỡng, trong từng bước đi của cuộc đời.

Bất kỳ con người nào trong cuộc sống này cũng sẽ có những ước mơ thành tựu trong đời, chẳng hạn như là muốn được sinh ra, được học hành, được thành đạt với những gì mình mong muốn. Có người do y báo chánh báo tốt nên sự nghiệp đối với họ không có gì khó khăn, cộng với nghị lực của bản thân, sự đùm bọc chở che của nhiều người, từng bước từng bước tiến lên một cách vững chãi, đạt được những thành tựu trong cuộc đời. Ở khía cạch khác của cuộc sống con người, có người cố gắng rất nhiều, học hành không kém, bỏ ra nhiều thời gian và công sức nhưng kết quả chẳng được là bao, có con người kiên trì phấn đấu rồi sẽ có ngày thực hiện được chí nguyện mong cầu nhưng những giá trị sống về tinh thần không hẳn họ có được, bởi nó chính là tổng thể nhận thức của con người, nó chính là sự trải nghiệm đính thực của đời người mà cần phải chiêm nghiệm trải qua, nó chính là cái biết tồn tại để làm nên cái hạnh phúc của con người, nó là sự thành tựu phước báu của đời người trong các cõi sống đi lên. Tổ cũng từng dạy: “Nếu thiếu nó con người sẽ chết mất”, đời sống của sắc thân không được sự hỗ trợ tinh thần, họ cảm thấy như ngạt thở, bồn chồn không yên, ray rứt lương tâm... Tất cả những điều trên mà có ra chính là do chúng ta thiếu đi sự định hướng đích thực về ý nghĩa của đời người.

Chất liệu của lòng nhơn được hiện thực hóa bằng đời sống giới luật, bởi theo lời Tổ dạy: “Sắc thân ác sanh sát sanh.” Mà người tạo nghiệp “Sát sanh thì sắc thân phải chết”, điều này gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Trong cuộc sống thực tiễn, thực hiện được những điều trên quả thực là không dễ. Tại sao con người không thể sống được với đức tính tốt đẹp của chính mình. Có lẽ do hoàn cảnh thúc đẩy và cuộc sống mưu sinh đang đè nặng trên đôi vai của bản thân, hay do quan điểm nhận thức không đúng, hay do nghiệp lực chi phối con người…Từ đây con người đã bước chân không mệt mỏi trong cuộc hành trình bất tận mà mình đã lựa chọn. Đôi khi có biết bao người muốn lùi cũng không được, muốn tiến tới cũng không xong, “Tiến thoái lưỡng nan”. Chuyện đời không đoạn kết để rồi tự định đoạt lấy kết quả cho bản thân mình.

Thế nên, người phật tử cần nên chọn lấy lòng nhơn và y cứ nơi giới luật để làm nền tảng cho đời sống. Đến với giới luật chính là sự hỗ trợ tốt nhất của việc nuôi dưỡng lòng nhơn con người. Điều này đức Tổ sư đã dạy về lợi ích của việc giữ giới: “Đặng sự tốt cho nhà đạo/ Đặng sự an vui cho nhà đạo./ Đặng đè nén những bọn dễ duôi phạm giới…/ (Kệ giới -Luật nghi Khất sĩ)

Người đến với giới luật, tuân thủ giới luật, thực hành giới luật… chính là người hiểu được những ý nghĩa cao thượng mà đức Phật đã chế ra giới, nhằm nuôi dưỡng cái sống của con người. Nơi đây không phải là “sự vạch lá tìm sâu”, mà chính là sự hiểu được ý nghĩa của giới luật và đề cao tinh thần thực hiện. Tính nghiêm túc này chính là nguyện vọng của bản thân người mong muốn chuyển đổi nghiệp lực nơi bản thân mình để hòa vào dòng sống bất tận xưa và nay. Thêm nữa, lòng nhơn là cái sống tự nhiên của muôn loài. Từ các loài thực vật cho đến động vật đều có bản tính tự nhiên này. Trong những phương pháp tu luyện mà đức Phật đã chỉ dạy: quán tâm từ - bi – hỷ - xả, thì lòng nhơn nơi đây chính là cầu nối, là bờ ranh, là chỗ dựa, là kho tàng sẵn có nơi con người để chúng ta thực hiện pháp quán này. Trong cuộc đời của mỗi người, yếu tố kết thành nên nó chính là những khoảng khắc sát na để làm nên những ý niệm sanh hay tử mà con người tự lựa chọn lấy cho bản thân mình, để có ra kết quả hạnh phúc hay khổ đau. Tu tập tâm từ, chính là yếu tố vô cùng hiệu quả để nhận ra bản chất khổ đau con người. Và y cứ nơi pháp tu tập này thì không thể thiếu vắng lòng nhơn ái.

Nếu chúng ta không có quan điểm sống rõ ràng thì con người không phân biệt được đúng hay sai, tốt hay xấu, có lợi hay có hại cho bản thân mình…Quả thực người không hiểu biết về luật nhân quả thì khó mà trở thành người tốt, với những đức hạnh cao đẹp và đầy tình thương được. Cho nên những người có quan điểm sống rõ ràng, có mục đích sống đúng thì hành động của họ sẽ đi đến sự hoàn thiện nhân cách - phẩm giá của chính mình. Đây chính là tài sản mà không ai có thể dành của ai được.

Tóm tắc đạo lý tu hành không đi ra ngoài những lời Phật dạy: “Tránh ác, làm lành, giữ tâm ý thanh tịnh.” Trong đó hàm chứa tất cả những tinh túy cao quý của việc làm người có ý nghĩa. Lối sống của người phật tử, giữ gìn năm giới hay người xuất gia giữ gìn Cụ túc giới, nơi đây chính là nguyên tắc đạo đức sống của con người, và cũng là nơi thẩm định quan điểm sống của người hiền lành, lương thiện, nơi mà kết quả tạo ra không bao giờ mất đi. Nơi đó những giá trị đạo đức tốt đẹp vẫn còn lưu đọng mãi mãi.

Phép tu “Nhơn ái nuôi sắc thân” trong bài học Chơn lý “Ngũ uẩn” quả thật là phương châm sống vô cùng quí giá, cô đọng, xúc tích, nhưng bên trong hàm chứa những nội dung rộng lớn. Nơi đây, chúng ta thẩm định được giá trị sống đích thực của cuộc sống con người, nơi mà cái sống của thân và tâm được sự hài hòa đan quyện vào nhau để làm nên cái sống ý nghĩa, nơi đây cũng là nơi thực hiện được bổn phận và trách nhiệm với chúng sanh vạn loại, là nơi hình thành nên nhân cách của người hiền nhân thánh đức, siêu trần thoát tục, tự tại dong thong, vô phiền vô não, lợi lạc quần sanh.