Những điểm căn bản trong giáo pháp Khất sĩ

1. TÔNG CHỈ LẬP ĐẠO, HÀNH ĐẠO CỦA ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ

Ngay từ buổi đầu lập đạo, Tổ sư đã xác lập tông chỉ và chí nguyện tu học, hành trì Chánh pháp theo gương hạnh Phật Tăng xưa: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Từ suối nguồn tâm linh này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, phát triển thành một Hệ phái Phật giáo đặc thù, phù hợp với cộng đồng dân tộc Việt tại miền Nam, Ngài khai lập “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, chủ trương sống đời sống phạm hạnh Sa môn Khất sĩ, thực hành Cụ túc giới và Tứ Y pháp Trung đạo, hành theo Chánh pháp của Đức Phật vào đời sống tu tập, với mục đích là đạt được giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi.

Tổ sư đã khẳng định chí nguyện tu học và phương châm lập đạo của Ngài đúng chánh pháp của ba đời mười phương chư Phật: “Đạo Phật là con đường đi đến quả Phật giác chơn. Con đường ấy là Khất sĩ. Họ của chư Phật ba đời là Khất sĩ. Khất sĩ là lẽ thật của chúng sanh, mục đích của chúng sanh. Khất sĩ là đến với giác chơn, toàn học biết sáng tự nhiên, hết mê lầm vọng động.

Vậy nên chúng sanh đời sau hãy xem Khất sĩ là đạo của chư Phật ba đời, mà Khất sĩ ấy là đạo, là đường đi; mượn tạm đường đi ấy để đi đến nơi chơn thật, mục đích kết quả của mỗi người; chớ đạo ấy không phải là tên chi. Khất sĩ là đạo của chúng sanh chung, ai ai cũng đang mang danh từ Khất sĩ, họ hàng Khất sĩ, họ Phật, chủng tộc sa-môn, là học xin Khất sĩ hết. (Chơn lý “Đạo Phật Khất Sĩ”)

2. NỀN TẢNG GIÁO PHÁP CĂN BẢN CỦA GIÁO PHÁP KHẤT SĨ

2.1. Định hướng tu tập Giới – Định – Huệ

Với khoảng thời gian tròn 10 năm lập đạo và hành đạo, Tổ sư đã để lại cho Tăng Ni Khất sĩ hậu thế một gia tài pháp bảo vô cùng quý giá đó là bộ “Chơn Lý” gồm 69 tiểu luận và quyển “Bồ Tát Giáo”. Đặc biệt, mỗi tiểu luận trong bộ “Chơn Lý”, Tổ sư trình bày một vấn đề, một ý pháp liên hệ, nhằm giúp cho Tăng Ni và cư sĩ định hướng tu tập đúng Chánh pháp như trong tam tạng giáo điển kinh luật luận của đức Phật.

Có thể thấy, nội dung tu tập quan trọng được trình bày xuyên suốt, có hệ thống trong bộ Chơn Lý của đức Tổ sư đó là “Giới – Định – Huệ”, vì: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới, Định, Huệ. Bởi giữ giới y bát là giải thoát mọi điều trói buộc phiền não ô nhiễm rồi, nên hằng được thong thả rảnh rang ở trong cái thật, cái không xao động, chỉ còn có nhập định và tham thiền, tức là vừa tìm học trong trí não, vừa để tâm yên lặng đứng ngừng, gọi là tâm nghỉ ngơi và trí làm việc, khỏe làm, mệt nghỉ. Khi trí làm thì năng sanh huệ, lúc tâm nghỉ thì phát thần thông. (Chơn lý “Y bát chơn truyền”)

Đối với Tăng Ni xuất gia, Tổ sư luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giới luật, hãy khép mình trong khuôn khổ của giới luật, phải “chịu các điều khổ hạnh trong một thời gian nhứt định, ấy cũng là phương pháp nung đúc lòng kiên nhẫn của người tu, bởi tu Phật cần nhứt phải kiên trì tâm chí” (Kệ Giới). Có giới luật thân tâm người tu mới được bảo hộ, mới được tấn hóa trên đường đạo, mới có thể sống phạm hạnh giải thoát. Chính nhờ nền tảng của giới mới có thể phát sanh định và huệ. Người giữ giới luật một cách trọn vẹn, nghĩa là dứt ác, làm lành, tâm ý trong sạch thì lúc nào cũng sống yên vui:

Giới luật là nền tảng mặt đất, gốc chân, chỗ đứng yên cho tất cả. Giới luật để bảo tồn thiện, nuôi chứa lòng thương, làm cho tất cả đều tấn hóa lên cao được. Giới là mạng sống của thân và tâm, giới năng phát sinh định huệ, giới để bảo tồn chơn như Phật. Giới là sự ngăn rào cái ác dơ, thấp dưới xấu xa v.v…

Như vậy thì giới luật là mạng sống, là cái có. Chúng ta ai ai cũng nên phải có giới luật. Sự không giới luật là bãi sình lầy của tham lam, là nơi chết khổ của trong rừng cây bụi rậm. Chúng ta khó tránh xa những điều tội lỗi ấy. Tội lỗi là sái kỷ luật; trình độ nào thì có sự chết khổ nấy, nên mới có kỷ luật đó của bậc giác ngộ chỉ ra để cứu độ kẻ đó. Vậy những ai sái kỷ luật của mình gọi là có tội lỗi quấy, bởi có tội lỗi nên mới phải chết khổ. (CL. “Đời đạo đức”)

Hay như trong Chơn lý “Hòa Bình”, Tổ sư đã chỉ ra lợi ích thiết thực của việc nghiêm trì giới luật để cùng nhau xây dựng một thế giới bình yên đạo đức, thiện lành, không còn khổ sở lầm than :

“Trong đời phải cần tu hai pháp

Ăn chay và vui hạp đi xin

Luật nghiêm giới cấm giữ gìn

Muôn người hòa hiệp như in một người

Ấy phương pháp lập đời đạo đức

Dẫn loài người đến mức yên vui

Không còn loạn khổ chia phui

Ủ ê tang tóc ngậm ngù đau thương…”

Bước đầu của việc tu tập là phải chú trọng giữ giới. Thế nên, các Sa di, Tập sự mới xuất gia phải lãnh thọ giới pháp (Tập sự 8 giới, Sa di 10 giới); sau thời gian rèn luyện thân tâm thuần thục rồi mới được bước lên lớp xuất gia bình đẳng (250 giới Tỳ kheo). Nếu đối với giới điều của Tập sự, Sa di mà không trì giữ, mờ mịt không rõ biết, không thọ học giới pháp tinh chuyên thì sau này làm gì trở thành một vị Tỳ kheo, Sa môn phạm hạnh. Đó là lý do trong “Bài học Sa di”, Tổ sư dạy “Sa di trước phải học luật, sau mới học kinh, chẳng nên trái cãi”.

Về sau, khi tâm đạo kiên định, nắm vững những giáo lý căn bản của Phật pháp, được sự bảo hộ của Giới rồi. Tổ sư nâng sự tu tập của người xuất gia lên một bước nữa là phải có Định. Tuy nhiên, nếu giới luật mà khuyết thì thiền định khó thành, nên biết giới là phương tiện để người tu gạn lọc thân tâm:

Có giới luật mới không còn phải là đám rừng hoang hỗn loạn, thì con người mới sẽ định tâm sáng trí. Thế nên, đạo Phật, đạo trời, đạo người là giới luật. Tăng già, tông giáo, xã hội gia đình là giới luật. Giới luật là hòa, là đạo, là quả. Kết quả giới luật là kết quả quý báu vô cùng. Vì chúng sanh ở trong một xứ nào mà có đạo, có giới luật mặt đất tốt đẹp, có tu học sống chung thì đâu còn có sự ghét ganh hiềm tỵ, vị kỷ, đối với nhau nữa. (CL “Hòa bình”)

Chơn lý “Nhập định”, Tổ sư đã chỉ ra tầm quan trọng của Định. Định tâm là sự sống, nó quyết định sự thành bại nơi chúng sanh; người có định mới thấu rõ các pháp, thông suốt việc đời, mới dứt trừ phiền não và có thần thông hiển linh:

Định là chỗ đến, kết quả, mục đích của các con đường. Định là một năng lực mạnh mẽ nhất. Định là sanh mạng của thân tâm trí ta… Định là một sức mạnh thần thông, nhờ yên lặng cái ý mới mạnh mẽ gom hiệp mà điều khiển sự biến hóa linh nghiệm… Dầu chưa phải là đại định lâu ngày, chớ cái định trong chốc lát nó cũng giúp cho ta biết bao điều khỏe khoắn nghỉ ngơi, và làm cho ta được tỉnh táo trí huệ.

Cái định hằng có nơi mỗi chỗ, nơi mọi lúc, mắt tai mũi lưỡi thân ý phải định luôn luôn. Ông thầy giáo không định thì chết, người học trò không định thì điên. Ai ai không định thì khổ. Định là giấc ngủ ngon hay như cái chết sướng. Cho nên, định là mùi vị của các sự việc. Có định mới có thành công, không thất bại cho mỗi hạng người.

Để tu tập đạt được Chánh định, thành tựu trí tuệ giải thoát, Tổ sư đã vạch ra lộ trình đúng với giáo pháp của Đức Phật, đó là phải tu tập Bát chánh đạo:

“Muốn vui sống có ta thì phải định, muốn có định và biết định thì phải tầm tõi quán xét thấy cho rõ lẽ thật là chánh kiến. Có CHÁNH KIẾN thấy rõ lẽ chánh mới phát sanh được những điều suy gẫm về lẽ chánh chơn như mà thấu rõ đạo lý các pháp. Có thấu đạo lý do CHÁNH TƯ DUY mới năng nói lời chơn chánh. Từ nơi CHÁNH NGỮ mới có thật hành CHÁNH NGHIỆP, là việc làm đúng theo đạo lý. Có làm việc phải mới được nuôi thân mạng bằng cách trong sạch thiện lành, hưởng sự yên vui.

Có được CHÁNH MẠNG mới biết mừng vui siêng năng giữ đạo đi tới. Nhờ CHÁNH TINH TẤN mới không có thì giờ xao lãng vọng động ác tà, bấy giờ tâm mới trong sạch, ý ngó ngay vào một chỗ chơn như không vọng động, niệm tưởng không lìa xa một chỗ phải. Nhờ CHÁNH NIỆM giữ ý nơi một điều lành, nơi một chỗ một, thì ý mới định. Ý định là thân khẩu phải định, thân khẩu ý đều định gọi là tâm định, định tại nơi lẽ chánh, chỗ thiện lành sáng suốt, kêu gọi CHÁNH ĐỊNH là sự yên lặng, nín nghỉ hưu trí. Niết-bàn là nơi rốt ráo quyết định, là cảnh giới nhứt định. (CL “Nhập định”)

2.2. Nên tập sống chung tu học trong đoàn thể Tăng-già

Phật Quang Đại từ điển giải thích Tăng già để chỉ cho đệ tử của Phật xuất gia tu đạo, đầy đủ Giới – Định – Huệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến… Ngoài ra, Tăng già còn chỉ cho một đoàn thể gồm 4 vị Tỳ kheo trở lên sống hòa hợp theo giới luật Phật chế định. Bản thể của Tăng già là thanh tịnh và hòa hợp. Đức Tổ sư ngay từ buổi đầu lập đạo đã nhận thấy giá trị quý báu của đoàn thể Tăng già, nên Ngài thường khuyến tấn chư Tăng Ni hãy cùng nhau sống chung tu học để cùng bảo vệ, tôn trọng và giúp đỡ, cùng dắt dìu nhau tu sửa thân tâm, buông bỏ chấp ngã, diệt trừ cái ta ích kỷ nhỏ hẹp. Ngài chủ trương:

“Nên tập sống chung tu học:

Cái sống là phải sống chung,

Cái biết là phải học chung,

Cái linh là phải tu chung”.

 *. CÁI SỐNG LÀ PHẢI SỐNG CHUNG

Mục đích của việc sống chung tu học được Tổ sư nhấn mạnh là để sống đúng theo giới luật của Đức Phật chế định bằng lẽ sống hiền hòa, nhân đức, nhân ái, cùng nhau xây dựng cõi đời thiện lành trong sạch, bình đẳng, không tranh, chỉ dùng đức hạnh giáo hóa chúng sanh: “Lẽ sống chung tu học càng nhiều thiện lành trong sạch, có giới luật của từng lớp một như nhau, là báu quý, tốt đẹp lắm. Còn ai không kỷ luật là tất nhiên phải bị tai nạn sợ sệt, vì tưởng sai, lầm hiểu… Cõi bình đẳng về sắc thân không ai hơn kém, chỉ dùng đức hạnh làm cây thước để đo trình độ thấp cao. Trong đạo cả thảy sự sống như nhau, một tiếng Khất sĩ như nhau”. (CL “Hòa bình”)

Sống chung tu học là sống trong tinh thần Tam tụ, Lục hòa nhằm nung đúc, rèn luyện, tăng trưởng tham vấn tu học, nhắc nhở nhau học hỏi điều lành, diệt trừ điều ác: “Giáo lý Khất sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư dả, và cũng biết rằng các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả; và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch”. (CL “Đạo Phật Khất Sĩ”)

Nếu chủ nghĩa cá nhân được nâng cao, khi đó tinh thần của tập thể sẽ bị giảm sút và ngược lại. Điều đó nói lên rằng, người xuất gia nếu tách riêng đoàn thể, thì “cái tôi” sẽ lớn dần, làm xa cách tình gắn kết giữa huynh đệ. Đối với các Sa di, Tập sự mới tập tu học, Tổ sư thường dạy phải luôn thực hiện bổn phận của “người con”, “người học trò” trong mỗi lúc, phải buông bỏ ý niệm tư riêng, đừng làm trái ý người, hoặc tự ý làm nếu không được sự cho phép, biết sống hòa mình trong Giáo hội Tăng già để trao sửa thân tâm, vuông tròn phẩm hạnh: (Kệ Ý)

Bước đầu bổn phận làm trò

Cả thân tâm trí dâng cho người thầy

Mặc người uốn nắn chuyển xoay

Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng

Sống chung Giáo hội chư Tăng

Không còn tư ý mới năng thuận hòa

Đừng làm trái ý người ta

Cũng đừng tự ý kiêu sa của mình

Mới mong thật hiện hòa bình

Nhờ nơi giáo pháp chương trình in khuôn

Chẳng ai ý lộng, tâm buông

Mỗi người nắn đúc tròn vuông thành phần.  

*. CÁI BIẾT LÀ PHẢI HỌC CHUNG

Cái biết ở đây được hiểu là phương tiện để hiểu biết về nhận thức của con người đối với sự vật hiện tượng, đối với duyên sinh các pháp. Tất cả con người đều có cái biết hằng hữu bên mình. Ai có tâm là người đó có cái biết. Cái biết nó luôn có mặt trong con người từ lúc sanh ra đến lúc chết đi, không hề thiếu vắng. Nhưng ở đây, phần lớn chúng sanh đem cái biết của mình gắn chặt những phiền muộn lo âu, gắn với lục dục thất tình… Do vậy, cái biết đó đem đến sự khổ đau, trầm luân trong tử sanh. Chơn lý “Khất sĩ”, Tổ sư dạy người tu phải có “học, hiểu và thực hành chơn lý” thì cái biết đó mới đem lại lợi ích, mới dứt khổ, mới được yên vui mãi mãi:

Có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới, làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sanh đây là căn thân và chủ thức (là người nhận biết). Cho nên, cái biết chủ cần phải sống, lớn, ăn, vui, yên và còn mãi mãi. Chính biết là Ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ trụ.

Kế đến, học để biết điều ác, tội lỗi mà tránh và học để tu mới thanh lọc được tham sân si mê muội: “Cái học sẽ đánh đổ cái ăn, cái ác, cái tranh, cái tham, cái chơi, tất cả. Cái học cũng như bức tường, nó cản dừng hết thảy những ngọn gió, thì những lá cây sẽ không còn xao động. Cái tiếng học, nó thắng tất cả sự hơn thua mê muội. Người ngó ngay nơi cái học làm mục đích là sẽ không còn tham sân si chi nữa hết, thế giới tất sẽ bình yên”. (CL “Trường đạo lý”)

Về vấn đề pháp học, pháp hành, Ngài dạy: “Người Khất sĩ phải là có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ”. (CL. “Y bát chơn truyền”). Pháp học đưa đến tri kiến, tức là sự hiểu biết; còn pháp hành đưa đến sự giải thoát giác ngộ. Điều này đã được Đức Phật nhắc nhở trong kinh Pháp Cú, câu 19 - 20: “Nếu người nói nhiều kinh/ Không hành trì, phóng dật/ Như kẻ chăn bỏ người/ Không phần Sa môn hạnh”.

“Dầu nói ít kinh điển/ Nhưng hành pháp, tùy pháp/ Từ bỏ tham sân si/ Tỉnh giác, tâm giải thoát/ Không chấp thủ hai đời/ Dự phần Sa môn hạnh”.

*. CÁI LINH LÀ PHẢI TU CHUNG

Hiện nay, Hệ phái đã thành lập khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh dành cho Sa di, Tập sự, ít nhất mỗi năm một lần để các vị mới xuất gia được sống chung tu học theo lời dạy của Tổ sư. Đây là dịp để mỗi vị được sống theo thanh quy thiền môn, được trao dồi pháp học, pháp hành về đường lối tu tập của Hệ phái. Các vị Sa di, Tập sự phải hiểu đó là phúc duyên lớn, mà các vị được thọ nhận giáo pháp từ Đức Phật và Đức Tổ sư.

Người xưa thường bảo: “Tu mà không học là tu mù/ Học mà không tu là đãy sách”. Vấn đề học và tu được đức Tổ sư dạy một cách rõ ràng, đó là phải chú trọng ngang nhau giữa pháp học và pháp hành:

Mặc dầu các sư tuy ít học, mà cái học chín chắn bằng sự tham thiền, học đến đâu tu hành theo kịp đến đó, chẳng là có kết quả hơn cái học mênh mông. Vả lại, học tuy được mà chưa hành được, thì chắc gì ai dám tin trọn lời nói đó. Tài học không bằng tu đức, đức trên tài dưới, tài đức phải nương nhau mới đặng. Các Phật Thánh xưa xuất gia là để tu, từ nơi chỗ thật hành tu đức mà sanh trí huệ toàn học, nhờ học chậm rãi, khó khăn, kinh nghiệm, mà pháp bảo đối với các Ngài hưởng được mùi vị hay quí thơm ngon lắm. Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít, là cũng bởi trọng học tài quên tu đức. (CL. “Tông giáo”)

Có thể thấy, giáo lý “Sống chung tu học” được đức Tổ sư trình bày rất nhiều lần trong nhiều quyển Chơn lý. Sống chung – học chung – tu chung được xem như là một nguyên lý không thể tách rời đời sống phạm hạnh của một vị xuất gia. Cũng ở nội dung này, Tổ sư chỉ ra mỗi liên hệ mật thiết giữa chúng như sau: “Các ngươi có được cái biết là mục đích, phải cố gắng tìm học cho được toàn giác. Các ngươi có sẵn cái linh nên phải tập giữ sự yên lặng cho nó linh thiêng… Hễ sống dai tu học lâu năm, ắt là đắc đạo”. (CL “Đi học”)

Có “Sống chung tu học” thì Tăng đoàn mới vững mạnh, các giá trị đạo đức tâm linh của cá nhân và tập thể mới được nâng cao, và cũng để nhắc nhở các Sa di, Tập sự phải luôn tâm niệm: “Tu học đạo đức là món ăn về tinh thần lý trí, để đến với tâm chơn Phật, một lẽ sống tinh khiết hoàn toàn, rất cần hơn tất cả nghệ thuật và mọi sự học về bên ngoài thể chất, cùng sự dồi trau sắc thân, cái có, tô đắp sự vật hữu tình tan hoại, cần hơn cả thức ăn bổ dưỡng mỹ vị để nuôi sống thân…”. (Sa di phải biết rằng)

2.3. Nhiếp phục, trao dồi thân khẩu ý trong sạch

Một trong những ý pháp căn bản mà Tổ sư luôn luôn khuyên dạy hàng Tăng Ni Khất sĩ nhận biết trong Chơn lý đó là tu tập thanh lọc, nhiếp phục thân khẩu ý trong sạch. Ý pháp này được Tổ sư dạy cụ thể trong quyển Chơn lý “Tu và nghiệp”:

Thân trong sạch ấy là xứ Phật

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật

Ý trong sạch ấy là con Phật

Tâm trong sạch chính là đức Phật.

Lời dạy của Tổ sư súc tích, ngắn gọn nhưng khế hợp với giáo pháp của Đức Phật. Gìn giữ tam nghiệp thanh tịnh ấy mới được gọi là xuất gia chơn chánh, tức là vị Tăng Khất sĩ phải có giới đức trong sạch. 

*. GIỮ THÂN TRONG SẠCH LÀ XỨ PHẬT

Đối với Sa di, Tập sự, thân trong sạch là thân phải có giới luật “mới có thể phân biệt được nẻo chánh, đường tà”, và “phải trì giới phạm hạnh thanh tịnh, chớ đụng cọ với ai ai”. Khi đã hiểu được bản chất vô thường của kiếp sống, nhận diện các pháp vô ngã… phát nguyện tu tập thì thân mới dừng lại những điều xấu ác, tâm mới không chạy theo thất tình lục dục:

Đem thân làm kẻ tội đày

Cho bao vật chất nó cai trị mình

Để tâm làm vật hy sinh

Suốt đời theo lịnh dục tình dắt lôi

Cái tham bao thuở cho rồi

Cái không may đến một hồi là xong

Dã tràng xe cát biển đông

Vô tình lượn sóng cướp công nhọc nhằn. (Kệ “Thân”)

Và khi đó, người tu sẽ thực hành theo lời dạy trong điều luật Phật chế: “không làm việc sát sanh, trộm cắp tổn hại ai… Chỉ làm việc đạo lý: viết sách, dịch kinh, tham thiền, nhập định, thuyết pháp, luận đạo, dạy học, khất thực làm gương lành; giúp việc công cho Giáo hội, quét dọn chùa, tháp, cốc, sân, lượm rác, đóng cửa chùa; may áo vá y cho Giáo hội, sắc thuốc, nấu cháo nuôi người bệnh…”.

Một loạt những thiện pháp mà các vị Sa di, Tập sự cần phải ghi nhớ và thực hiện mỗi ngày để lắng dần những hành động bất thiện, từ đó, thân sẽ thuần thục, thích làm việc đạo. Thân có giới pháp Khất sĩ thì thân ấy trong sạch, tức là đã an trú nơi xứ Phật trang nghiêm thanh tịnh.

*. GIỮ MIỆNG TRONG SẠCH LÀ PHÁP PHẬT

Khẩu nghiệp là nghiệp gây ra do lời nói từ miệng, là tội mà mỗi người thường dễ phạm phải nhất. Nên nhớ, đối với người xuất gia thân nghiệp có 3: Sát sanh, Trộm cắp, Dâm dục, mà khẩu nghiệp có 4: Vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt. Tu tập không khéo chúng ta cứ tích lũy khẩu nghiệp theo cùng năm tháng, để rồi bao nhiêu công đức cũng tiêu mất theo khẩu nghiệp.

Đối với các vị Sa di, Tập sự mới tập tu nên “tịnh khẩu nghiệp chơn ngôn”, bởi vì nói nhiều thì lỗi nhiều, nói ít thì lỗi ít, không nói thì không lỗi; phải tập nói ít vì nói nhiều dễ làm mất lòng; nói qua nói lại thì câu chuyện sẽ thiêng lệch khác nữa. Đức Phật từng dạy hãy “giữ sự im lặng của bậc Thánh” hay thực tập “im lặng như Chánh pháp”.

Trong Luật Khất sĩ, Tổ sư dạy rất kỹ điều này: “Nói rất ít, ngậm miệng cắn răng, tìm cách tránh nói, cực chẳng đã nói với ai năm sáu câu trở lại thôi. Nên tập nói pháp, chớ nói thế sự, chiến tranh, tôn giáo, chê bai, bói khoa, khoe khoang, nói dối, đâm thọc, rủa sả, nói giễu cợt lời vô ích… Nên khen người mà chớ a dua nịnh bợ, nên luận đạo mà chớ tranh cãi, chớ nói việc ai ai…”

Người xuất gia khéo tu thì miệng biết nuôi dưỡng điều thiện, nuôi dưỡng giáo lý pháp bảo, dùng pháp bảo tiếp dẫn những người hữu duyên thì miệng ấy trong sạch, tức Pháp Phật được hiển bày:

Cũng thời tiếng nói thốt ra

Của chư Phật Thánh diệu hòa biết bao

Là câu nói pháp thanh tao

Đưa người giữa biển, sóng xô lên bờ

Ôi lời nói, quý không ngờ

Đương phàm hóa Thánh một giờ đổi thay.

(Kệ “Khẩu”)

*. GIỮ Ý TRONG SẠCH CHÍNH LÀ CON PHẬT

Đức Phật từng dạy “Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ, ý tạo tác”. Tất cả những hành động của chúng ta đều biểu hiện ra bên ngoài của nội tâm động niệm mà sanh khởi. Hành vi bên ngoài và ý niệm bên trong là một, không có sự sai biệt. Ý thức sanh khởi thường xảy ra hai khuynh hướng đó là thiện và bất thiện. Chúng luôn đổi thay không dừng nghỉ. Để tâm ý được trong sạch thì đòi hỏi người tu phải thường xuyên theo dõi, quan sát nội tâm của mình trong mỗi lúc:

Thường nên kiểm soát hành vi

Khi ăn, lúc nói, đứng, đi, ngồi nằm

Đừng cho vọng ý phóng tâm

Phải nhờ giới luật buộc cầm khít khao..

Và cần nên: Giờ giờ, phút phút phải thường soi tâm

Lặng lờ giữ vẻ trầm ngâm

Tánh dè dặt kính, nết đằm thắm nghiêm. (Kệ “Ý”)

Thân tâm ý là đối tượng khó nắm bắt, khó nhiếp phục. Nó không có hình tướng, nhưng được biểu hiện qua hành động của thân, lời nói của miệng. Chính vì tính chất phức tạp ấy, nên Đức Phật đã đề ra nhiều pháp môn tu tập khác nhau nhằm thu nhiếp, uốn nắn tâm thức theo chiều hướng hiền thiện, tức là làm nội tâm trong sạch. Pháp môn tu tập ấy là an trú nơi Giới – Định – Huệ, là chánh niệm tỉnh giác, tiết chế trong ăn uống, hộ trì sáu căn, tu tập thiền chỉ, thiền quán v.v… Phần chỉ dẫn dưới đây là phương pháp hộ trì sáu căn, mà Tổ sư đã giáo huấn cho các vị đệ tử xuất gia ngang qua bài kệ Ý:

Luôn luôn đôi mắt phải kềm

Đừng hay nhìn liếc, kiếm tìm chi chi

Ngó ngay xuống bước chân đi

Ngó vào tâm trí luôn khi không rời!

Lỗ tai phải để thảnh thơi

Chớ ham nghe ngóng tiếng lời ai ai

Nghe kinh, nghe pháp, nghe bài

Nghe vào tâm trí đặng hay sửa mình.

Mũi thường phải ngửi mùi thanh

Ấy mùi đạo lý thơm lành hương đưa

Ngửi lâu càng mến, càng ưa

Ngửi vào tâm trí để ngừa nhiễm ô!

Lưỡi dầu phải nếm vị thô

Cũng đừng chê trách, thích đồ cao lương

Nếm là nếm vị chơn thường

Nếm bằng tâm trí tỏ tường nghiệm suy.

Thân như xúc đối thức chi

Tay chân kiềm chế trong khi đụng, sờ

Sờ thiên lý, nắm huyền cơ

Sờ chừng tâm trí xem hờ kẻo quên.

Ý đừng vọng tưởng rối ren

Thường năng quán xét nhơn duyên tao phùng

Tưởng suy tham cứu tột cùng

Tưởng gom tâm trí tập trung điển lành.

Với sự thực tập chuyên chú hộ trì sáu căn trong một thời gian dài, tập trung theo dõi khuynh hướng vận hành của tâm ý, nỗ lực kiên trì thì chắc chắn tâm ý sẽ được chuyển hóa, sẽ được thanh lọc dần trở nên trong sạch. Tu tập giữ ý yên lặng, định tĩnh sáng suốt, không buông lung phóng dật, không còn cấu uế thì ý trong sạch, do đó thân tâm lưu xuất những điều an vui tốt đẹp cho bản thân và chúng sanh, thì mới trở thành đệ tử chơn chánh của Đức Phật. Và khi tam nghiệp: Thân, Miệng, Ý trong sạch, tức là hình thành hạt giống Tâm chơn như, không còn tham sân si phiền não nhiễm ô.

3. KẾT LUẬN

3.1.  Ngay từ buổi đầu lập đạo, Tổ sư đã vạch định đường hướng tu tập của mình đó là Giới – Định – Huệ, và đây cũng là nền tảng căn bản giáo pháp Khất sĩ. Với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” thành lập “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”, Tổ sư đã noi theo gương hạnh tu tập và hoằng hóa độ sanh của Phật Tăng xưa. Sau khi tu tập chứng ngộ, Tổ sư đã thực hiện sứ mạng “tự giác – giác tha, tự lợi – lợi tha” khất thực hóa độ chúng sanh hữu duyên.

Trong quá trình hành đạo, Tổ sư đã dùng nhiều phương tiện hoằng truyền chánh pháp sao cho phù hợp với căn tánh, trình độ, nhận thức của đệ tử xuất gia và cư gia bá tánh, nhưng không tách rời con đường tu tập cứu cánh giải thoát mà Đức Phật đã dạy là Giới – Định – Huệ, đồng thời đã chỉ ra mối liên hệ hỗ tương trong tiến trình tu tập ba món vô lậu này như sau:

Giới nhiều là định nhiều, giới ít là định ít, không giới là không định. Tâm không định là sự nghĩ ngợi, quán xét không đặng sáng và chẳng năng dứt bỏ được điều càn. Không định không có thần thông quả linh, thì con người phải té sa vào nơi vật chất giả dối, nắm níu lấy ác tà loạn vọng, chôn nhốt giết hại tâm mình..

Cho nên, tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít là do định. Định nhiều là huệ nhiều, định ít là huệ ít, không định là không huệ. Có huệ được học tỏ sáng mới hết mê lầm. Không mê lầm là không vọng động theo cảnh chiêm bao mộng ảo của lớp thấp thỏi đầu tiên, thì con người mới đặng hưu trí, chơn như nín nghỉ, làm kẻ ông già, làm người cao cả, không còn nói làm bậy bạ ác quấy uổng công nhọc sức. (CL “Nhập định”)

3.2. Song song với việc đưa ra định hướng tu tập, Tổ sư còn chủ trương, khuyến khích Tăng Ni “Nên tập sống chung tu học”, nhằm xây dựng Tăng đoàn Khất sĩ thống nhất về tổ chức, hòa hợp về tinh thần “như nước với sữa” dưới sự dìu dắt của Ngài. Mục đích của việc sống chung tu học để tăng trưởng cái cái sống, cái biết, cái linh và cũng để trang nghiêm tự thân, góp phần trang nghiêm Giáo hội, và cũng để “làm cho đạo sáng và thạnh”. Ngài chỉ ra rằng:

“Khất sĩ được để lại gương mẫu cho đời về sự không tranh, bình đẳng, hiệp hòa, sống chung, học chung, tu chung với nhau, để gương bằng sự thật hành tu tập, y theo chơn lý sống, biết, linh trong võ trụ đạo đức. Con đường của Khất sĩ là bố thí pháp học và hành, trao đổi với tài thí ở đời, để được mình đi và dắt kẻ sau cùng đi tới”. (CL “Đạo Phật Khất Sĩ”)

3.3. Giáo pháp của Đức Phật được thiết lập nền tảng Giới – Định – Huệ, có thể  trình bày với nhiều hình thức, phương tiện, dẫn dụ khác nhau để phù hợp với căn cơ, trình độ nhận thức của chúng sanh, nhưng chung quy lại chỉ gồm ba điều: dứt ác, làm lành, giữ tâm ý trong sạch. Theo lời dạy của Tổ sư trong thì bổn phận của “Người tu là tam nghiệp phải thanh tịnh, mới mong chứng đắc Tịnh độ, vãng sanh về xứ an lạc của giới luật Tăng già Khất sĩ, xuất gia giải thoát” (CL “Tu và Nghiệp”). Tu tập, nhiếp phục thân khẩu ý, biết phòng hộ sáu căn được thanh tịnh thì gọi là một vị Sa môn phạm hạnh giải thoát, như lời Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú, câu 281, 360, 361:

 +Lời nói được thận trọng

 Tâm tư khéo hộ phòng

 Thân chớ làm điều ác

 Hãy giữ ba nghiệp tịnh

 Chứng đạo Thánh nhân dạy.

+Lành thay, phòng hộ mắt!

 Lành thay, phòng hộ tai!

 Lành thay, phòng hộ mũi!

  Lành thay, phòng hộ lưỡi!

+Lành thay, phòng hộ thân!

  Lành thay, phòng hộ lời!

  Lành thay, phòng hộ ý!

  Lành thay, phòng tất cả

  Tỳ kheo phòng tất cả

  Thoát được mọi khổ đau.

Sa di, Tập sự là lớp kế thừa sự nghiệp của Phật pháp. Trước hết, mỗi vị cần nên rèn luyện, trao dồi giới hạnh của mình theo khuôn khổ giới luật Khất sĩ. Luật Khất sĩ, Bài học Sa di là những môn học dạy về oai nghi, phẩm hạnh xuất gia và cách đối nhân xử thế của người xuất gia mà Sa di, Tập sự cần nên học thuộc để hành xử cho hợp lẽ đạo.

Kế đến, mỗi vị cần nên học hiểu về nền tảng căn bản của giáo pháp Khất sĩ, đồng thời tự trang bị cho mình pháp học, pháp hành phù hợp với bản thân, đúng với Chánh pháp của Đức Phật, và đường lối tu tập của Đức Tổ sư. Đến khi được thọ đại giới rồi thì “chỉ còn sống chung tu học đúng chơn lý, tự mỗi ai nấy lo cho tâm mình, nếu tâm được tịnh định thì trí tuệ sẽ sáng thông” (Đi các chỗ học đạo). Khi đó, các vị mới xứng đáng trở thành “pháp khí” của Phật giáo, là vị giáo phẩm của Hệ phái Khất sĩ, là sứ giả của Như Lai./.

PV.Minh Đăng Quang, 14/3/Mậu Tuất 2018

Khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh lần thứ 4

Sa môn GIÁC TOÀN