Những dòng tâm cảm về Sư bà Bổn sư

NTHL-28Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính lạy Giác linh Sư bà Bổn sư quý kính của chúng con

Kính bạch Ni trưởng đương kim, quý Ni trưởng, quý Ni sư, Sư cô.

Kinh bạch quý Ngài,

Con Tỳ-kheo-ni Hiếu Liên, theo lời dạy của Sư phụ Y chỉ là Ni trưởng Tân Liên, bảo con nên viết bài cảm tưởng về Sư bà nhân ngày Lễ tưởng niệm năm nay. Vì Giáo hội mình tổ chức rất long trọng, những vị đệ tử xuất gia với Sư bà nên viết lên những bài cảm niệm để cúng dường lên Sư Bà, hầu luôn ghi khắc mãi ơn sanh thành huệ mạng của Sư Bà như trời biển đó.

Cùng hai Sư cô em, con đồng xuất gia một ngày vào ngày 18 tháng 3 năm 1984. Lúc ấy khí trời vẫn còn tiết xuân, vì chúng con vừa đi lễ thập tự nhân dịp đầu xuân, một trong 10 ngôi chùa đó, chúng con được đảnh lễ Đức Nhị Tổ, thầm nguyện được Ngài ban phước cho đi xuất gia, lúc ấy Ngài an toạ tại Tịnh xá Ngọc Viên. Ngày hôm ấy, được Thượng toạ Giác Đăng thuyết về bài pháp Vô thường, không ngờ bài pháp ấy trở thành nguồn động cơ khai thị cái tâm đang muốn tìm phương hướng thoát ly một cuộc sống không biết có ngày mai. Với tâm trạng phân vân khi tuổi xuân của ba chị em con chỉ mới độ 19, 18, 17. Đường đời xa xăm, muôn hình vạn trạng, đủ màu sắc lôi cuốn tâm con người dễ bị đắm chìm trong ngũ dục. Phần thì tuổi ấy lắm mộng nhiều mơ, còn một bên đường đạo thì hồng trần giả tạm, phù du mạng người trong hơi thở, như cánh hoa sớm nở tối tàn... Bên cạnh đó là hình ảnh người cha quí kính còn ở trong lao tù để trả nghiệp đao binh, không biết ngày trở về. Thế là ba chị em con quyết định thực hiện nguyện ước xuất gia để cầu nguyện cho cha mau về với toàn vẹn thân người khó được này, hầu mong đền trả ơn sanh thành dưỡng dục trong muôn một.

Vì “Nhứt nhơn hành đạo Cửu huyền thăng”, thế là ba chị em xin Bà thân đi xuất gia để sống trong một thế giới không còn vương vấn chuyện thế gian. Ai có ngờ đâu, Bà thân chúng con còn vui hơn là các con, vì cả ba đã thực hiện được tâm nguyện của bà lúc 17 tuổi mà chưa thành tựu như ý. Sau một tháng suy nghĩ, và hình như thời gian không cho phép để chờ đợi lâu hơn, cứ thôi thúc trong lòng “đi nhanh kẻo trễ”, rồi như có một mãnh lực nào đó, cả bốn mẹ con nhắm thẳng về Tịnh xá Ngọc Phương mà đến, vì bà đã có nhiều lần lên dự Lễ Tổ với quý Ni sư ở Vĩnh Long. Do đó cả ba chị em bước đến Tổ đình Ngọc Phương với tâm trạng rất bình an và không gì làm cho bà thân ái ngại hay lo lắng.

Vừa bước vào cổng Tịnh xá, bốn mẹ con được quý Sư cô cho đến diện kiến Sư bà liền, rồi sau buổi hầu chuyện với Ngài, Sư bà biết được cả ba chị em đều muốn đi tu để cầu nguyện cho ông thân sớm hết nghiệp tù tội mau về nhà. Quả là như cá gặp nước, rồng gặp mây, Ngài nhìn các con với ánh mắt từ ái, với nụ cười sảng khoái như một vị Bồ tát hoá thân nữ tướng đã làm cho chúng con rung động và cảm thấy như có một sức mạnh thiêng liêng bị cuốn hút vào, nhưng lại vui vẻ thân thương làm sao, bởi vì giọng cười của Sư bà đã xoá tan tất cả những sợ hãi trong lòng chúng con. Thật đúng với câu Thiền ngữ của Sư ông Thanh Từ “Mộng tan rồi – Cười vỡ mộng”. Ngài còn ân cần dạy: “Thôi cả ba chị em tu chung một chỗ, Sư bà sẽ cho đi học”. Với lời nói đơn giản và nụ cười thoải mái, vậy mà như là một mệnh lệnh vậy. Và như đủ duyên, Sư bà nhận làm đệ tử luôn, thế là cả ba chị em cùng ngồi chung một chiếc thuyền Bát Nhã, khoảng ba tháng sau, Sư bà cho xuất gia luôn, chắc Sư bà sợ đêm dài lắm mộng hay sao? Còn Bà thân thì vui mừng như ai cho vàng vậy. Khi thấy ba mái tóc từ từ cắt đi, rơi lã chã, bà mừng đến rơi nước mắt thật nhiều. Lúc ấy cứ ngỡ bà buồn mà khóc, làm cho các con đau lòng lắm, ai ngờ hỏi ra mới biết là bà cảm thấy an tâm và hạnh phúc vô cùng. Sau này, Bà thân chúng con cũng xuất gia được bước vào hàng hàng Tăng chúng thọ Tỳ Kheo Ni giới, pháp danh Diệu Liên. Cũng từ những giây phút ấy đã trở thành dấu son ghi khắc và in sâu trong ký ức chúng con đến nay mà tựa hồ như mới vừa thoáng qua chỉ vài ngày.

Từ đó, hàng ngày con Hiếu Liên thì tu học ở Đất mới (Tịnh xá Ngọc Uyển), còn Thảo Liên ở Tịnh xá Ngọc Bửu, Thuận thì ở với Sư bà tại Tổ đình Ngọc Phương. Thỉnh thoảng con có về lại Sài gòn thăm Sư bà, nghe Sư bà dạy, và cũng được dự thính lớp giáo lý của Ôn Minh Châu giảng về Kinh Trung bộ.

Rồi đến mùa gặt lúa, hay hái đậu phộng ở Tịnh xá Ngọc Uyển (Đất mới), đàn con được ngồi gần Sư bà, vừa cảm thấy vui vui mà lại sợ không dám thở mạnh nữa. Lúc ấy, thấy thương Sư bà của chúng ta lắm. Ngài làm không biết mệt mỏi, ngồi hái từng quả đậu phộng, cả ngày này sang ngày khác trong im lặng, lâu lâu kéo mắt kiếng xề xệ xuống nhìn, ai mà thấy hình ảnh đó, không thể nào nín cười được, nhưng vì kính thương Sư bà nên không ai dám nhoẻn miệng cười, mà cũng không ai tránh khỏi được tầm nhìn thiên nhãn của Sư bà đâu. Còn nữa nhé, đến mùa làm mứt tết hay mùa làm bánh trung thu, là tất cả hàng đệ tử của Ngài cũng như Ni chúng bất cứ là ở đâu cũng về Tổ đình Ngọc Phương để làm công quả, như những đàn chim non bay về tổ ấm sau mùa đông giá lạnh. Hỡi Quý đại sư tỷ, và quý sư muội của chúng ta ơi! Quý vị có biết không, vì công quả cả ngày mệt mỏi nên tất cả đều đi ngủ sớm, còn Sư bà của chúng ta thì Ngài vẫn ngồi âm thầm làm một mình, gọt từng củ năn, vuốt từng cộng mứt dừa. Thời gian đó sao mà khổ cực và thiếu thốn về vật chất lắm, không có gạo thơm ngon để cúng dường cho Sư bà mỗi bữa đâu, còn thức ăn của Đại chúng thì mua ít miếng đậu hủ, hay phải thức 4 giờ sáng đi xin trong các chợ Cầu Muối hay Chợ Lớn, vì Liên Thuận đã phát tâm cùng huynh đệ cứ mỗi khuya là vác bị đi xin, thật là thê thảm quá phải không? Ấy vậy mà không biết sao sống an vui lắm, huynh đệ ai ai cũng tròn trịa cả, có lẽ vì chúng ta vẫn còn sống trong vòng tay của người Mẹ tinh thần, một người Thầy khả kính. Lúc ấy, Sư bà của chúng ta hạnh phúc lắm, vì đã nuôi dưỡng được 10 vị Sư cô bước vào ngưỡng của trường Đại học Phật giáo khoá I, không những thế, Sư bà còn mộng nuôi đến 100 vị vào Trường Phật học, thầm nghĩ chắc đến ngày nào đó, con sẽ là người thứ 100.

Viết đến đây, đôi mắt của con không còn đủ sáng nữa, vì đã nhoà lệ, và con như nhìn thấy xa xa hình ảnh từ dung của Ngài. Sư bà ơi! Chúng con nhớ và kính thương Sư bà lắm, bây giờ Ngài đang hoá thân ở đâu vậy, sao chúng con đã chờ đợi Sư bà trở về, mà đến bây giờ chưa thấy dấu hiệu gì cả. Nay con đã 51 tuổi, sắp gần hết một đời người rồi, hồi đó Sư bà có hứa là sẽ trở lại làm một vị Ni khoảng 20 tuổi sẽ xuất hiện tại Giáo hội đó mà.

Sư bà của chúng con ơi! Tất cả hàng đệ tử của Ngài giỏi lắm, chắc cũng gần 100 vị tốt nghiệp trường Đại học Phật giáo rồi, không chỉ ở Việt Nam đâu mà còn đi du học ở Ấn Độ, Miến Điện, Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc cho đến Hoa Kỳ cũng vào ghế nhà trường luôn, chẳng sợ ai cả, chắc là con nhà Rồng thì phải giống Phụng chứ phải biết làm sao cho khác được. Còn cuộc sống bây giờ thì sung mãn về vật chất lẫn tinh thần lắm Sư bà ơi. Ước gì bây giờ còn Sư bà thì các con sẽ được diễm phúc biết dường nào, ba chị em con cũng không có ở Mỹ quốc đâu, và Giáo hội của mình sẽ toả sáng như một vì sao Bắc Đẩu cho mà xem. Ôi, thật là giấc mộng Nam kha ai bước vào mà không vương chút lệ sầu.

Nào có mấy ai thoát được cảnh sanh ly tử biệt, mà không rơi những giọt lệ châu, huống là bậc Thầy ân sư muôn đời khả kính. Làm sao chúng con có thể vén mây để tìm được dấu chân xưa của Người, làm sao chúng con có thể bước một bước mà thoát qua đầu sào trăm trượng, để cùng hầu cận Sư bà trên bước đường du phương hoá độ chúng sanh. Chúng con chỉ biết kính thương và hằng tri ân Sư bà đã hoá độ chúng con đời này được xuất gia giải thoát, nương đức của Sư bà mà tu học, phụng sự Tam bảo, phụng sự chúng sanh, không những chỉ một đời mà đời đời kiếp kiếp sẽ đi theo bước chân đại hạnh của Ngài, thì chắc chắn chúng con sẽ gặp lại Ngài mà thôi.

Đêm đã về khuya, nhưng con không thể nào dùng văn từ mà diễn đạt cho hết ý được. Chúng con kính nguyện Ngài sớm thành tựu quả Bồ đề Vô thượng, để chúng con được tiếp tục làm đệ tử trong hội chúng của Ngài. Sư bà ơi ! Chúng con kính thương và nhớ Sư bà lắm cho dù có vô thường chúng con vẫn không thể nào phai mờ được hình ảnh tôn kính về Người, bậc Thầy lành khả kính của chúng con.

Bà thân và ba chị em chúng con xin cẩn bút.