Những thao thức về văn hóa và hoằng pháp Phật giáo

 

Lời thưa trước: Bài viết này chỉ là nỗi trăn trở của một Ni sinh trẻ khi còn đang ngồi dưới Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Chắc chắn tầm nhìn bài viết còn hạn chế và kinh nghiệm thực tế còn non kém. Kính mong chư Tôn đức hoan hỷ bỏ qua cho những điều trình bày tâm huyết nhưng thiếu ngôn ngữ diễn đạt!

**********

Trẻ hóa Phật giáo là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Giai đoạn mà cơ hội đã mở ra nhưng thách đố cũng rất nhiều!

Khoa học kỹ thuật phương Tây phát triển, công nghệ tiên tiến trong nền kinh tế thị trường đầy biến động, thế giới vật chất tràn ngập… Tất cả đang ồ ạt tiến về phương Đông, kéo theo một lượng khổng lồ rác rưởi văn hóa độc hại. Dân tộc Việt Nam thậm chí ngay chính những Tăng Ni trẻ chúng ta cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi trạng huống này.

Bên cạnh đó, sự thất bại tất yếu của tôn giáo hữu thần ở phương Tây - vốn ngự trị trên dưới 2.000 năm - một sự tẩy chay đến lạnh lùng của khoa học thực nghiệm đã dần dần lấy đi vị trí độc quyền tôn giáo tại bản xứ mình, buộc họ phải mở rộng phạm vi “bờ cõi” sang vùng Á châu bị xem là nghèo nàn về vật chất nhưng giàu về tâm linh. Một đội ngũ hùng mạnh, dồi dào tri thức, kèm theo những chiến lược rốt ráo, triệt để là những điều mà chúng ta cần phải lưu ý, quan tâm.

Nếu chúng ta không tự mình vươn lên, không nỗ lực thay đổi những tính năng chưa được năng động, thì trong khoảng một thời gian nữa, rất có thể tầm ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội sẽ không còn như xưa và đạo tâm trong lòng dân tộc mà từ ngàn xưa các vị Tổ sư đã dày công bồi đắp cũng dần dần bị xói mòn. Dân tộc chính là cái gốc muôn thuở để đạo Phật tồn tại, song hành và hướng về. Đạo Phật phục vụ cho con người, phục vụ cho xã hội chứ không phục vụ cho một chính thể nào. Cho nên, dân tộc là quan trọng, là sức sống của đạo Phật, nếu mất đi niềm tin của dân tộc, đạo Phật chẳng khác gì báu vật trong viện bảo tàng, chỉ có giá trị trưng bày để mọi người tham quan thán phục.

Là những Tăng Ni trẻ, là trụ cột của Chánh pháp trong tương lai, là người đại diện cho Phật, làm việc Phật “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” trong hiện tại thì không thể đứng nhìn đạo Phật bị mai một được. Hãy là một hành giả dõng mãnh dấn thân vì đạo pháp và dân tộc. Hãy tôn trọng lý tưởng mà ta đã chọn lúc ban đầu, đừng trì trệ mà cơ hội qua đi để lại nỗi niềm ân hận về sau. Chúng ta ngay từ bây giờ hãy nỗ lực tu học, nhiệt tâm với lý tưởng, mạnh dạn dấn thân vào cuộc đời, lấy việc phục vụ chúng sanh làm niềm vui, sức sống cho mình, lấy sứ mạng độ sinh để duy trì mạng mạch Phật pháp, lấy lý tưởng thành Phật để nêu cao ngọn đuốc trí tuệ và từ bi. Có như vậy thì Phật giáo Việt Nam mới thật sự mạnh mẽ, trẻ trung, vững bước hành đạo trước những thách thức hiện nay.

Trong thời đại hưng thịnh của thế giới vật chất nhưng mặt trái lại nổi cộm những nỗi đau, bất hạnh và tội lỗi, Tăng Ni trẻ chúng ta hãy mạnh dạn nhìn thẳng và thấy rõ mặt tích cực lẫn tiêu cực của một vài quan niệm cho rằng tu sĩ chỉ nên lo việc tu trì, còn thế sự thì không nên can dự. Đạo Phật sẽ khô cứng, sẽ khó tiếp nhận, không thực tế, lý thuyết suông, có khi trở thành cổ vật trong phòng trưng bày, quý giá, trang trọng nhưng chỉ có giá trị triển lãm. Tăng Ni trẻ chúng ta phải khơi dậy sự nhiệt tâm dấn thân đến những vùng xa xôi, ở đó con người khao khát được nhìn thấy hình ảnh Phật, Pháp, Tăng. Ở đó họ rất cần sự giúp đỡ, yêu thương, cần san sẻ những khó khăn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Chúng ta phải công nhận một điều là các sứ giả của Ki-tô giáo làm rất tốt công việc phục vụ xã hội. Là Tăng Ni trẻ đầy niềm tin và nhiệt huyết, chúng ta cũng sẽ làm tốt phương diện này. Phục vụ xã hội, nhất là cho những người đang đau khổ và mặc cảm tội lỗi sẽ tạo được nhịp cầu cảm thông, đem đến cho họ hạnh phúc ấm áp trong hào quang của chư Phật, trong niềm tin và lòng thương yêu của quý thầy, quý cô, mặc dù còn khó khăn về vật chất. Và chúng ta sẽ tự hào rằng mình đã đưa họ tiếp cận đạo từ bi và trí tuệ mà không phải để họ rơi vào tình trạng cuồng tín, giáo điều, bất phân chánh tà, chân ngụy.

Một đối tượng nữa mà chúng ta phải quan tâm đó là trẻ thơ, chủ nhân của đất nước trong tương lai. Tâm hồn chúng thật ngây thơ trong sáng như trang giấy trắng tinh, rất dễ in lên đó những bức tranh tuyệt đẹp như tình cảm thiêng liêng gia đình, thầy cô, bạn bè, hàng xóm, sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ, biết thương xót những người bất hạnh, tàn tật, nghèo khổ… nhưng cũng dễ dàng bị vấy bẩn bởi những cặn bã cuộc đời. Đôi mắt ngây thơ ngơ ngác của chúng chắc chắn sẽ long lanh sáng rỡ khi đón nhận tình yêu thương của quý thầy, quý cô trẻ nhiệt huyết, dễ thương. Nếu chúng ta xem thường hay ngại khó thì mai kia mốt nọ, chúng sẽ không biết Bụt trong truyện cổ tích là ai. Vì thế Tăng Ni trẻ không nên bỏ lỡ đối tượng cần sự quan tâm giáo dục này.

Chúng ta hãy tạo ra những sản phẩm văn hóa lành mạnh, tưới tẩm lòng từ bi và trí tuệ của đạo Phật cho các em ngay từ năm lên một, lên hai tuổi, để chúng cảm thấy nhẹ nhàng, trong sáng, vui vẻ, thoải mái trong vui chơi, trong học tập. Nhờ đó, chúng ta có thể ngăn chặn, giảm thiểu những trò giải trí bạo lực, kích động, nhảm nhí, thiếu văn hóa đạo đức mà hiện nay thanh thiếu niên đam mê, quay cuồng chạy theo. Đây là vấn đề nan giải hiện nay mà các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, các nhà văn hóa, và chính phủ đang lo lắng và đang cố tìm giải pháp ngăn chặn. Nói như vậy không có nghĩa là Phật giáo chúng ta không quan tâm nghĩ đến, mà là chúng ta còn thiếu sự can đảm dấn thân, sự nhiệt tâm hăng hái với cuộc đời, thiếu sự hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích cộng đồng, và nhất là thiếu sự hậu thuẫn, ủng hộ, dẫn dắt của những “đầu tàu” nhiệt huyết cống hiến. Ví như những “toa tàu” có hăng hái mong muốn xông pha phục vụ xã hội đến đâu nữa, thì cũng không thể làm gì được, khi thiếu những “đầu tàu” có tinh thần dấn thân phục vụ. Mong rằng các nhà lãnh đạo quan tâm đến những tiềm năng này, tạo điều kiện thuận lợi cho những mầm non nhiệt huyết vì đời và đạo có cơ hội phát triển lớn mạnh.

Phật giáo chúng ta nên đầu tư đúng mức vào lớp thanh thiếu niên. Người viết xin được nêu ra một vài thiển ý tới quý độc giả cùng chia sẻ: Mỗi Tăng Ni trẻ nên ít nhất phải mở một lớp giáo lý vui để hướng dẫn ở nơi trú xứ của mình. Đem truyện tiền thân Đức Phật, truyện cổ Phật giáo, truyện trong Lục Độ Tập Kinh… vẽ thành truyện tranh hấp dẫn giới trẻ thơ. Cũng nên sáng tạo những chương trình văn hóa nghệ thuật thấm nhuần đạo lý Phật giáo. Khuyên những bậc phụ huynh không nên mua những đồ chơi có tính bạo lực như súng, gươm, dao, các loại xe có trang bị súng, pháo đài. Không cho trẻ em xem phim người lớn, phim mang tính chất bạo lực. Không để trẻ tự do đọc các thứ truyện bạo lực, truyện khêu gợi sự tò mò về tính dục, truyện tranh thiếu văn hóa đạo đức. Không khen những đồ trang sức bạo lực như đầu lâu, bộ xương người, gươm, súng… là đẹp, là nên đeo. Hạn chế những điều thấy, nghe hay biết không lành mạnh xung quanh trẻ. Hỗ trợ nhiệt tình những hình thức chuyển tải giáo lý của Đức Phật qua các chương trình hội trại, phổ biến băng đĩa Phật pháp, phim ảnh, ca nhạc, cải lương, sách báo, truyện tranh. Nên làm bưu thiếp có tranh ảnh Phật giáo vào những dịp xuân, Phật đản, Vu Lan… để tặng Phật tử, người thân, bạn bè. Ở thành thị, trình độ dân trí cao, tư tưởng phóng khoáng nhập thế, nên hình thức truyền đạo này là bình thường, nhưng ở thôn quê thì cần phải kêu gọi cải cách nhiều hơn nữa.

Một điều nữa mà hầu như chúng ta vô tình xem nhẹ, đó là nghệ thuật thu phục nhân tâm hay hoằng truyền chánh pháp thông qua lễ hội. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì lễ hội là dịp để tín đồ vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch, ngắm cảnh, v.v… không mấy quan trọng. Nhưng chúng ta có biết chăng, giá trị thẩm thấu của nó vào lòng người tựa hồ nhẹ nhàng như sương móc nhưng sức lan tỏa và ảnh hưởng của nó đến không ngờ. Nó có thể chi phối tư tưởng nhận thức con người qua nhiều thế hệ, hay chi phối một đất nước và cả toàn thế giới.

Lễ hội là biểu thị văn hóa, thể hiện cái bản sắc truyền thống đặc trưng của mỗi tôn giáo. Nhìn xa hơn, trong lễ hội luôn chứa đựng cái chất nhân văn hòa chung với sự huyền nhiệm, làm thăng hoa tính nhân bản cho tôn giáo. Vì thế các lễ hội cho dù có khác nhau về hình thức nhưng nội dung chỉ chung một khát vọng, đó là tìm thấy nguồn hạnh phúc miên viễn. Vì hạnh phúc là nỗi khát khao của cuộc sống, là mục tiêu duy nhất của đời người, là lý tưởng chính đáng mà con người luôn luôn hướng đến. Thông qua lễ hội, con người được đáp ứng phần nào cái khát vọng trong cuộc đời. Lễ hội còn biểu thị giá trị nhân sinh của mỗi tôn giáo. Hơn thế nữa, nhìn vào một lễ hội, người ta có thể đánh giá được sự phát triển của tôn giáo đó như thế nào qua sự đồng tình, phản kháng hay thờ ơ của người dân bản xứ đối với lễ hội. Bởi vậy, các vị thánh Do Thái giáo đã bắt buộc tín đồ phải “đời đời kiếp kiếp không được bỏ quên các lễ, tết kỷ niệm”, mục đích gợi lại những trang bi hùng, những mất mát đau thương, những chiến công oanh liệt, v.v… của các vị thánh tiền bối, để củng cố niềm tin, tăng thêm nghị lực, hết lòng hiến thân vì đạo. Chính vì vậy, phát huy sức mạnh tiềm ẩn của lễ hội Phật giáo là một trong những vấn đề quan trọng cần lưu tâm.

Các ngày lễ hội Phật giáo đang bị cắt xén dần, đến nỗi Phật tử và ngay cả những tu sĩ trẻ ngày nay hầu như ít biết gì về công lao của Phật giáo đối với công cuộc xây dựng, giữ gìn nước nhà, mà đại diện là các vị thiền sư lỗi lạc tài ba thời Đinh - Lê - Lý - Trần, thời vàng son của dân tộc cũng như của Phật giáo. Những trang sử hùng tráng của dân tộc và đạo Phật hầu hết chỉ được bảo tồn trong các thư viện, các tủ sách ở chùa, ít được ai biết đến. Có chăng các Ngài chỉ được nhắc thoáng qua trong những dịp lễ quan trọng rồi thôi!

Bởi thế Tăng Ni trẻ cần có tầm nhìn thấu đáo sâu rộng vào tương lai đạo pháp, vào giá trị thiết thực của văn hóa lễ hội tôn giáo, vạch ra phương hướng kế hoạch rõ ràng cho những phong trào tôn vinh những ngày lễ kỷ niệm của Phật giáo, để nó được thấm sâu vào lòng người, quyện chặt vào ý thức dân tộc Việt Nam như máu thịt. Hãy biến lễ hội tôn giáo thành lễ hội dân tộc và xa hơn nữa là lễ hội của nhân loại, trở thành di sản văn hóa của loài người. Chúng ta không thể cam lòng để một tôn giáo gắn bó sắt son với dân tộc Việt Nam như vậy lại ngày một xa lạ, nhạt nhòa trong tâm hồn người Việt Nam.

Thế giới đổi thay, đạo Phật cũng phải tùy duyên mà vận hành theo, nếu không đạo Phật sẽ bị khô cứng, lỗi thời, mất niềm tin và cuối cùng bị lãng quên!

Tóm lại, Tăng Ni trẻ chúng ta hãy giương cao ngọn cờ Đạo pháp và Dân tộc hơn nữa. Lấy tinh thần dấn thân phục vụ xã hội làm sức mạnh, niềm vui và lý tưởng sống. Lẽ đương nhiên, chúng ta nhập thế nhưng không bị hòa tan trong trần thế. Mong rằng Tăng Ni trẻ sau những giờ học căng thẳng, hãy nên một lần suy gẫm về tương lai của chính mình và tương lai của đạo pháp để định hướng ngay trong giờ phút còn ngồi trên ghế nhà trường. Với người viết, đây chính là những ước mơ cháy bỏng trong lòng và nguyện sẽ đi theo con đường mình đã chọn: Phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.