Ni sư Nguyện Liên: Nghĩ về vấn đề học-tu-dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang

Chiều ngày 6-6, Ni sư Tiến sĩ Nguyện Liên, Giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM chia sẻ đề tài “Nghĩ về vấn đề học-tu-dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang”.

Trong bài tham luận của mình, Ni sư trình bày hai vấn đề chính yếu: Đường hướng học-tu-dạy bằng thân giáo qua hạnh khất thực du phương và phương cách dạy-tu-học bằng khẩu giáo được trình bày qua ý pháp Chơn lý.

Ni sư đề cao hạnh khất thực du phương: “Tổ sư đã hướng dẫn đệ tử dùng đạo hạnh thanh thoát để du phương khắp nơi cùng xứ, sống đời rày đây mai đó… Tổ sư muốn duy trì truyền thống này nhằm mục đích đưa đến tự lợi, lợi tha để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Tự lợi là dùng khất thực làm phương tiện nuôi dưỡng sắc thân để tu tập. Lợi tha là dùng thân hành trang nghiêm, đạo đức trong sáng, nhằm gợi phát sự phát tâm bồ-đề của tín chúng, hầu giáo hóa và làm phương tiện tạo phước điền cho chúng sanh. Dùng hạnh du phương, vừa trang bị cho mình thân tướng trang nghiêm, thanh tịnh, vừa thấu suốt chân lý lẽ thật của vạn pháp. Đây cũng chính là tinh thần thượng cầu Phật đạo và hạ hóa chúng sinh của bậc xuất gia.

Thêm nữa, Ni sư cũng triển khai ý hướng cho các hành giả về phương cách tu học theo Chơn lý Tổ sư. Nương theo lời dạy của Tổ sư: “Người Khất sĩ phải là người có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu, mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ”. Dựa vào Chơn lý, Ni sư khẳng định tư tưởng học-tu mà Tổ sư nhấn mạnh: học đây là học Chơn lý, sự học này cốt để khai tâm mở trí, chuyển hóa nội tâm, đưa người học hướng đến đời sống xuất ly, thông qua sự thực hành phạm hạnh. Làm người phải có sự học và phải học mãi, học không ngừng, không chán, nhưng việc học phải có mục đích, có lợi ích; học để phát triển năng lực của bản thân, nhưng phải biết làm chủ chính mình, biết giá trị sống của đời mình.

Với thời lượng thời không nhiều, tuy nhiên Ni sư đã khái quát lại chủ kiến của mình trong phần kết luận: Đức Tổ sư đã chỉ rõ mục đích của việc học là để thông suốt các pháp, thấu rõ đường hướng để tu hành. Mục đích của tu là làm cho cái biết linh diệu, đạt đến trí toàn giác, trở về với chơn tánh tịch lặng của chính mình. Học-tu là phải tập sống chung, tu chung để thấu rõ lý tương quan, tương duyên, trùng trùng duyên khởi. Hàng hậu học chúng ta phải luôn ý thức rằng trong cuộc sống này, mỗi cá nhân không thể tồn tại độc lập mà phải là sự tương tác duyên sinh. Cho nên, việc tu học không phải là chỉ học cho mình, mà học phải đi đôi với dạy, học để chỉ dạy lại cho đời.

Bài tham luận của Ni sư cũng đã khép lại ngày thứ sáu của Tuần lễ Bồi dưỡng trụ trì. Chương trình dự kiến buối sáng của ngày cuối cùng trong khóa Bồi dưỡng năm nay sẽ liên tiếp bằng các bài tham luận của Ni trưởng Ánh Liên, Ni trưởng Mai Liên, Ni trưởng Khiêm Liên và Ni sư Tuyết Liên. Thời gian buổi chiều là thời Tổng kết và trả lời các vấn đề còn tồn đọng cư chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và bế mạc chương trình.