Nội dung giảng dạy của Hạ trường TX. Ngọc Viên – 2015

Các vị xuất gia trong giáo pháp của đức Thế tôn là những vị có chí nguyện lớn “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, vì lý tưởng cao đẹp ấy, nên nếp sống an cư là duyên thù thắng để chư hành giả nuôi dưỡng lý giải thoát và làm tăng trưởng niềm tin, hạnh đức, định lực, trí tuệ. Trong thời gia 3 tháng, chư hành giả luôn vâng hành theo những gì mà đức Thế tôn đã dạy như trong kinh Thừa Tự Pháp: “Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Người và Ta nghĩ: Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật.”[1]

Trong thời gian sống chung tu học 3 tháng, 90 vị hành giả luôn tinh tấn thực hành những thời khóa đã quy định để duy trì chánh niệm tỉnh giác, giới được hoàn bị, tâm được an định và tuệ được phát sanh. Mùa hạ này, chư hành giả được duyên may có chư Tôn đức lãnh đạo Hệ phái cũng như các vị thâm niên trong Phật giáo giảng dạy sách tấn trên bước đường tu học giải thoát.

1/ HT. Giác Giới

Mùa An cư năm nay, Hòa thượng đã sách tấn chư hành giả về việc tu học phải thấy rõ con đường, tức là Chánh tri kiến (hay kiến tánh) thì con đường xuất gia không uổng phí.

NV22

Qua bài kinh Khúc Gỗ, là một điển hình để Tăng Ni noi theo đó mà hành trì cho đạt đến mục tiêu là đến Niết bàn nếu có chánh kiến vượt qua mọi chướng ngại trên con đường xuất gia, cũng như khúc gỗ sẽ ra tới biển nếu không mắc kẹt trên sông. Muốn có được hướng đi như ý nguyện thì hành giả phải có được những điều cần yếu như trong kinh Thành trì như tín, giới, thì mới có thể tự tại như đàn nai thứ tự không bị rơi vào tay người thợ săn. Đó mới là con đường mà bậc có hiểu biết đi tìm cầu như kinh Thánh cầu đức Phật đã dạy. và Hòa thượng cũng nêu lên nếp sống của hành giả phải biết hòa hợp, hướng thượng như ba hành giả trong tiểu kinh rừng sừng bò.

Và cuối cùng Hòa thượng khuyến khích chư hành giả phải an trú trong giáo pháp của đức Thế tôn qua câu chuyện trưởng lão Culapanthaka, như lời tuyên bố hùng hồn của đức Phật: “Hỡi này các Tỷ kheo hãy sống trong giáo pháp của vị không bụi nhớp”

2/ HT. Giác Toàn

Hòa thượng Giác Toàn đã giảng dạy khuyên nhắc chư hành giả qua những bài kinh trong hệ thống kinh A Hàm. Qua bài kinh Luyện Kim (Tạp A Hàm), Hòa thượng đã nhắc nhở Tăng Ni không chỉ cạo đi mái tóc bên ngoài là đủ mà phải phủi đi tơ lòng quấn chặt, nghiệp ác bất thiện, những tà kiến bên trong mỗi người, cũng giống như người luyện kim giỏi là phải loại bỏ đi đá vụn, đất rắn, cát sạn thô, bụi bặm, cát mịn, đất đen cho đến loại bỏ đi cáu bợn có màu như vàng ròng để trở thành thuần tịnh, nhu nhuyễn và dễ sử dụng để làm nên đồ trang sức quý báu. Cũng vậy, người tu cần phải lọc hết những cáu bợn phiền não ẩn sâu bên trong từ nhiều đời nhièu kiếp để được an lạc trong hiện đời và giải thoát trong tương lai.

Và bài kinh Mã Ấp (II) – Trung A Hàm, Hòa thượng nêu lên vai trò của người tu phạm hạnh phải làm như thế nào cho đúng với tên gọi của mình. Người xuất gia phải học đạo hạnh của người xuất gia, phải đình chỉ, xa lìa, tắm rửa sạch các ác pháp, các pháp bất thiện, các lậu ô uế, các gốc rễ phiền não khổ đau thì mới xứng với tên gọi là Sa-môn Thích tử. Còn bài kinh Thủy Dụ (1) lại đề cập đến bảy hạng người mà chư hành giả cần quan tâm, mà hạng người thứ bảy là thù thắng hơn hết. vì vậy người xuất gia phải đạt tới kết quả tối hậu như đức Phật đã chỉ dạy. đó là lời thuyết giảng đầy lòng từ của Hòa thượng đối với chư hành giả năm nay.

NV17

3/ HT. Giác Pháp

Sau đó Hòa thượng Giác Pháp đã hướng dẫn cho Tăng Ni thấy rõ con đường xuất gia giải thoát cao thượng qua chủ đề “Lý tưởng của người xuất gia”. Chủ đề có ba phần chính mà chư hành giả cần quan tâm, 1/ ý nghĩa sự xuất gia, 2/ lý tưởng của người xuất gia, 3/ nguyên nhân xói mòn và chất liệu nuôi dưỡng tâm Bồ-đề.

Hòa thượng đã khẳng định con đường xuất gia thật là thanh thoát nhẹ nhàng “phóng khoáng như hư không”, vì người xuất gia đã khước từ cuộc sống phiền trược của thế gian để sống đời sống thanh cao giải thoát. Vì vậy muốn giữ trọn được lý tưởng phải vâng hành theo lời dạy của chư Phật, bậc Tổ, thầy, đó là chất liệu rất cần thiết làm cho tâm Bồ đề được ra hoa kết trái.

Chư hành giả rất hoan hỷ và cảm nhận được sự may mắn khi được tắm mình trong dòng sữa pháp ngọt ngào của Hòa thượng giảng dạy. Và chính đây cũng là nguồn động lực cho người xuất gia tiến đến mục tiêu phạm hạnh, như đức Tổ sư đã dạy: “Bất thoái chuyển đạo là đắc đạo”.

NV23

4/ TT. Giác Tây

Với chủ đề “Tư tưởng Đại thừa của đức Tổ sư Minh Đăng Quang qua Chơn Lý Sanh và tử”, Thượng tọa đã giới thiệu cho chư hành giả về đức Tổ sư đã dung hòa hai truyền thống đặc sắc trước khi thành đạo đắc quả và nối truyền dòng pháp của chư Phật. Chính cái tuệ giác soi sáng mà đức Tổ sư đã tỏ ngộ và hướng dẫn cho chúng sanh vạn loại thoát khỏi đêm vài tăm tối của khổ đau. Đi sâu vào nội dung, Thượng tọa trích dẫn tư tưởng từ kinh nguyên thủy, phát triển và những bài chơn lý phân tích rõ ràng sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật để giúp cho chúng hội đạo tràng như bừng sáng nhận ra hướng đi chân chánh để vượt ra bến mê vô tận, như điều này đức Phật đã khẳng định: “Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tính trí huệ của Như Lai, vì bị vô minh che lấp nên không phát hiện ra được.” Việc khích lệ này, giúp cho hành giả phải nỗ lực tu tập, nghiêm trì giới luật, trau dồi trí huệ để nhận lại cái biết hay tánh biết mà đức Tổ đã dạy: “Chính biết là Ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của võ trụ.”, và Ngài cũng nói: “Cái biết già kêu là giác, cũng gọi là tánh, hay tâm chơn.” Với sự nhiệt tâm tinh cần và hiểu biết thâm sâu của chư Tăng ni hành giả “thì mới chắc mong thành Phật sống đời, yên vui không còn rối khổ”

5/ TT. Giác Nguyên

Thông qua sự giác ngộ của đức Thế Tôn, Thượng tọa giới thiệu cho hội chúng thấy được mục tiêu phạm hạnh mà người tu cần phải hành trì để đạt đến mục tiêu tối hậu. Đó là việc nhận thức được thân người là giả tạm, hợp tan như việc dạo bốn cửa thành của đức Phật, và phải giác ngộ các pháp là duyên sinh vô ngã thì mới liễu sanh thoát tử, vượt khỏi sầu bi khổ ưu não, như kinh Pháp Cú (277, 278, 279) dạy:

“Tất cả hành vô thường, …

Tất cả hành khổ đau, …

Tất cả pháp vô ngã, …

Với tuệ quán thấy vậy

Đau khổ được nhàm chán, …”

Và Thượng tọa còn chia sẻ thêm việc hiểu đạo của người xuất gia qua câu chuyện trong kinh Tứ thập nhị chương, đức Phật hỏi các vị Tỳ kheo: “đời người sống được bao lâu?”, có vị trả lời: “chỉ trong hơi thở”. Từ việc này, Thượng tọa khuyên chư hành giả phải thường xuyên lắng nghe, suy tư, quán niệm về vô thường, về sự sanh diệt của các pháp từ đó đoạn tận tham, sân, si, để thành tựu mục tiêu phạm hạnh của người xuất.

6/ TT. Giác Đăng

Mùa hạ năm nay, Thượng tọa tiếp tục hướng dẫn về “Tứ Phần Luật Giới Bổn Như Thích”. Chư hành giả được học chi tiết từng giới để hiểu thêm về phương thức thọ trì, cũng như việc hành giới sao cho được trọn vẹn, không bị sứt mẻ. Vì giới giống như chiếc bè sang giúp người qua sông thì không thể bị lủng được, dù là tí xíu. Cũng vậy, đối với việc sanh tử trầm luân thì giới luật là bước đầu tiên quan trọng giúp hành giả thoát khổ, được vui. Như đức Phật dạy: “Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ”, muốn đạt được trí tuệ thì phải thực tập thiền định, và muốn cho tâm được được định, tuệ thì giới phải được tinh chuyên. Nếu như giới luật mà khuyết thì thiền định khó thành, thiền định không thì trí huệ sẽ không sanh.

Trong đời sống tu tập của mỗi hành giả, giới luật được xem là thức ăn bổ dưỡng, nước uống tinh khiết cho pháp thân, giới luật là tròng con mắt của chính mình hãy thận trọng giữ gìn nên đức Phật luôn nhắc nhở: “giới luật là mạng mạch của Phật pháp”.

6/ TT. Giác Minh    

Kinh Thủ Lăng Nghiêm, được thượng tọa giới thiệu và giảng dạy cho chư hành giả trong an cư. Qua bộ kinh này, đức Phật dạy cho ngài A Nan biết đâu là mê vọng sai lầm để không trú chấp, đâu là bản nhiên sáng suốt. Mà chính A Nan là đại diện cho chúng sanh vì không biết chân tâm bổn tánh mà khổ đau vô tận, và giờ được bậc Thiện hữu tri thức khai tâm mở trí để nhận lại tâm chơn như rỗng lặng thường hằng an lạc.

Nội dung kinh là lời khai thị của đức Phật đã chỉ thẳng vào chơn tâm thường trú, lý thể tuyệt đối của chúng sanh, càng làm cho kinh Thủ Lăng Nghiêm vốn dĩ đã là hệ triết học Phật giáo thậm thâm vi diệu lại càng vi diệu hơn. Mặt khác, những ý nghĩa đã được đức Phật giảng dạy qua bộ kinh, không ngoài mục đích là lấy sự thực tiễn chuyên tâm tu tập, đoạn tận phiền não nhiễm ô làm nền tảng cơ bản cho tiến trình tu chứng của người tu đạo.

Và Thượng tọa trích dẫn một số bài chơn lý của đức Tổ sư như Chơn như, Khất sĩ, Ngũ uẩn, Lục căn, … nhằm làm sáng tỏ ý Phật chỉ dạy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm và khơi dậy tánh biết thường trụ an nhiên ở nơi mỗi hành giả.

7/ TT. Giác Hy        

Thượng tọa đã chia sẻ cùng đại chúng an cư về kinh Mi Tiên vấn đáp. Bộ kinh này được xem là kinh có giá trị rất lớn tại các nước Phật giáo Nguyên thủy. Nội dung của kinh là những lời đối thoại giữa đức vua Mi Lan Đa và Đại đức Na Tiên. Những lời hỏi đáp đầy trí tuệ và sắc bén của bậc minh quân và sự đa văn quảng kiến của một bậc thánh triết trong Phật giáo. Với những ví dụ cụ thể, giản dị mà rất bổ ích cho các nhà học giả, giới nghiên cứu, cũng như người theo lý tưởng giác ngộ giải thoát.

Qua những lời vấn đáp xoay quanh về phương pháp đoạn tận phiền não, vô ngã, nghiệp báo, luân hồi, nhân quả, cứu cánh phạm hạnh của vị Sa môn, … và trên 200 câu hỏi liên quan đến việc giải thoát của một chúng sanh. Mỗi câu hỏi và câu trả lời là một bài học vô giá đối với các vị hành giả đang tầm cầu con đường giải thoát.

8/ ĐĐ. Giác Tín

Đại đức trích dẫn những lời dạy của đức Tổ sư trong phần “Tinh hoa chơn ly” chia sẻ với đại chúng an cư. Với những lời dạy mang chất liệu từ bi cư Tổ sư, Ngài khẳng định “Người tà kiến thì đi sâu trong chốn khổ mịt mờ đen tối, nếu quay trở lại chánh kiến tức nhiên giải thoát, xán lạn vui tươi.” Như vậy trên nền tảng muốn được an vui hạnh phúc phải có chánh kiến hay từ được nhắc đến nhiều trong chơn lý là “cái biết” vì “biết mới hết mê lầm chấp trật khổ sở nạn tai”. Ngoài trích dẫn Chơn lý Bát chánh đạo, Đại đức còn giảng thêm chơn lý Có và không; Sanh và tử; Nam và nữ. Qua những đoạn Chơn Lý, Đại đức đã giúp cho chư hành giả thấy được việc học pháp, hành pháp và đạt pháp là rất quan trọng vì “pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sanh.”

9/ ĐĐ. Giác Thuần

Qua những bài kinh Trường bộ, Đại đức trình bày, giới thiệu đến chư Tăng ni hành giả hiểu rõ mục đích cuối cùng của người xuất gia là giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Bài kinh Sa môn quả cũng nói lên hạnh thiết thực là chứng đắc các tầng thánh quả như: Nhờ hiểu biết như vậy, nhờ nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Này Ðại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn.” Còn về kinh Đại bát Niết bàn, kinh Tự Hoan hỷ, kinh Thập thượng, Đại đức cũng chia sẻ thêm, đối với người xuất gia cần phải tu tập, cần phải hiểu biết sâu sắc, không đưa đến khổ não mà đưa đến thù thắng, đưa đến an lạc đó là không phóng dật, vì chính phóng dật là mất đi thiện pháp, giống như người đã chết rồi.

10/ ĐĐ. Giác Cương

Đại đức giúp cho hội chúng an cư hiểu biết về pháp vô vi và con đường vô vi của Phật giáo qua kinh Tương ưng. Trong phần kinh này, Đại đức chia sẻ những lời dạy qua định nghĩa về vô vi của đức Phật “này các Tỳ kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si”. Các vị hành giả muốn đạt tới vô vi như đức Phật dạy thì phải biết rõ phương cách thực hiện. Những trang bị để đạt đến mục tiêu phạm hạnh, chính là chỉ, tầm, không, niệm xứ, chánh cần, như ý túc, cần, lực, giác chi và cuối cùng là với con đường Thánh đạo tám ngành. Đại đức khẳng định đây là lộ trình giải thoát của một vị khất sĩ sống trong pháp và luật của đức Thế tôn, phải biết con đường và lộ trình đưa đến con đường thanh tịnh.

11/ ĐĐ. Minh Chơn

Nhân hai câu kinh Pháp cú 153 -154, Đại đức trình bày về pháp duyên khởi xuyên suốt trong mùa hạ. Pháp duyên khởi là pháp rất quan trọng trong Phật giáo, vì pháp này chính đức Thế tôn nói “pháp này thâm sâu vi diệu, đi ngược dòng đời, chỉ có người trí mới chứng đạt. Duyên khởi nói tổng quát là cái này thì cái kia có, pháp này có 12 chi phần, và Đại đức cũng đưa ra nhiều phương cách quán sát để thấu đạt giáo lý mầu nhiệm này. Cách quán từ đầu đến cuối, cuối trở lại đầu, giữa đến cuối, giữa đến đầu, qua mỗi cách quán, Đại đức đã dẫn chứng cụ thể từng bài kinh để cho chư hành giả hiểu biết tường tận phương pháp để thực hành. Chư hành giả thấy hạnh phúc khi được học và hiểu pháp duyên khởi này, chính vì không hiểu pháp này nên chúng sanh mới bị khổ đau vĩnh kiếp.

NV19

Như vậy, ngoài việc học giáo pháp để trí tuệ tăng trưởng thông qua sự hướng dẫn của chư Tôn đức, chư hành giả còn thực tập thiền hành, thiền tọa để tâm được an định, cũng như thời khóa tụng kinh ôn nhắc lại lời dạy của đức Thế tôn để cho niềm tin của chư hành giả thêm vững mạnh. Và thời kiểm điểm trong mỗi tuần nhằm nhắc nhở những người xuất gia thấy sợ các lỗi nhỏ nhặt để thiện pháp được tăng trưởng. Và đặc biệt là chư Tăng ni hành giả trì bình lãnh thọ cơm của Phật tử dâng cúng để thấy được sự quý báu của đời sống phạm hạnh. Còn các thời khóa còn lại các vị hành giả phải tự thu thúc trong pháp và luật của đức Thế Tôn.

Sự tu tập của chư hành giả làm cho đời sống giải thoát được viên mãn, bên cạnh đó chư hành giả còn tạo điều kiện cho hàng cư sĩ áo trắng gần giũ, thân cận học tu qua 4 ngày cúng hội, khóa tu một ngày an lạc và tham gia thính pháp cùng pháp hội an cư, …. Để niềm tin Tam bảo được phát triển đúng như vai trò người Phật tử hộ đạo. Trong mùa an cư, chư hành giả còn tiếp đón các phái đoàn từ các nơi thăm viếng, cũng như cúng dường tứ sự hộ trì cho chư hành giả được an tâm tu học.         

Tóm lại, 3 tháng an cư là pháp mà người xuất gia cần thực hiện vì đây là điều kiện để chư hành giả thể hiện nếp sống chung tu học dựa trên tinh thần hòa hợp. Và đây cũng là thời gian rất tốt để chư hành giả chuyên tâm tu tập để làm cho giới, định, tuệ được tăng trưởng. Giới định tuệ là mấu chốt rất quan trọng trên bước đường giác ngộ giải thoát, vì có 3 yếu tố này mới đoạn trừ được 3 phiễn não nghiệp tham sân si đeo bám nhiều đời kiếp. Sở dĩ khổ đau chính do vô minh phiền não tạo nên những khổ sầu cho chúng sanh vạn loại, như kinh Đa giới dạy rằng: Phàm những sợ hãi gì khởi lên, chỉ khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí; phàm có những thất vọng gì khởi lên, thất vọng ấy khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí; phàm có những hoạn nạn gì khởi lên, những hoạn nạn ấy khởi lên cho người ngu, không khởi lên cho người trí.” Khi có đủ phẩm hạnh cao quý thì Phật pháp mới trường tồn và lợi ích cho số đông như Phật đã nói: “vì an lạc hạnh phúc cho chư thiên và loài người.”


[1] HT. Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ kinh - Kinh Thừa Tự Pháp, Nxb. Tôn giáo – Hà Nội, năm 2012, trang 31.