Nội dung giảng dạy khoá "Bồi dưỡng đạo hạnh" lần thứ 14

Bmac 5

Trên tinh thần tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, và để thể hiện lòng tri ân đến cố Hòa thượng Đệ tứ Trưởng giáo đoàn, vị đã khởi sướng khóa tu bồi dưỡng đạo hạnh, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo đoàn III – Hệ phái Khất sĩ đã chọn ngày khai mạc khóa “Bồi dưỡng đạo hạnh” lần thứ 14 tại Tịnh xá Ngọc Chơn, Buôn Hồ, Đăk Lăk, sau ngày lễ tưởng niệm lần thứ 4 của đức cố Hòa thượng viên tịch. Khóa tu chính thức bắt đầu vào ngày 27/2 – 7/3 Đinh Dậu (24/03 – 03/04/2017) gồm có 74 hành giả tham dự, trong đó có 16 Sa-di, 25 tập sự, 33 vị Sa-di Ni và tập sự nữ.

Kính bạch chư Tôn đức

Về chương trình tu học, căn bản cũng giống các khóa trước như thiền tọa, thiền hành, học pháp, thọ trai hòa chúng… cùng dò lại những bài học Sa-di, những bài kệ tụng trong Luật nghi và trùng tụng Chơn lý.

Về nội dung giảng dạy, chúng con xin được tóm lược như sau:

Trước khi khóa tu chính thức được bắt đầu, chư vị xuất gia tân học được Ban Quản chúng thông tri về nội quy, phương thức sinh hoạt trong khóa tu và sau đó đón nhận lời giáo huấn từ của Hòa thượng Trưởng ban Giáo dục Giáo đoàn. Hòa thượng Giác Trí đã truyền trao cho hội chúng phương pháp thực tập chánh niệm.

Chiều ngày đầu tiên của khóa tu, Hòa thượng tiếp tục chỉ dạy cho hội chúng xuất gia tân học phương pháp thực tập chánh niệm trong những oai nghi ngay nơi cuộc sống thường nhật. Hòa thượng triển khai pháp hành chánh niệm để hội chúng thấy được sự thiết yếu của chánh niệm tỉnh giác trong quá trình tu tập, nhằm giúp cho hành giả có mặt ngay trong giây phút hiện tại và đạt được sự an vui trong sinh hoạt thường nhật. Đồng thời Hòa thượng đã nhấn mạnh đến chánh niệm thông qua 37 câu chú nguyện để giúp cho hành giả phát triển năng lượng tỉnh giác nhằm nuôi dưỡng và tăng trưởng đạo tâm, kiên cố đạo hạnh. Và ngài nói chánh niệm trên những oai nghi đi đứng nằm ngồi chính là bước căn bản để đi đến việc hoàn thiện đời sống phạm hạnh. Hòa thượng còn trình bày về 5 việc làm trong ngày của đức Phật như sáng trì bình khất thực, chiều thuyết kinh giảng pháp, tối nhập định, khuya giải nghi cho chư thiên, sáng sớm quán sát nhân duyên để làm bài học sống động cho hành giả noi theo.

Sáng ngày khai mạc khóa tu, Hòa thượng Giác Tường, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái đã cùng chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo đoàn hướng dẫn Tăng Ni thực hành hạnh trì bình khất thực gieo duyên với bá tánh nơi vùng đất cao nguyên Buôn Hồ. Sau khi đi khất thực về, Lễ Khai mạc Cung an Chức sự diễn ra trang nghiêm theo sự điều phối của Đại đức Giác Hoàng. Thay mặt đại chúng, Đại đức cung thỉnh chư Tôn đức Lãnh đạo vào Ban Chứng minh, Ban Giáo thọ để truyền trao giáo pháp và kinh nghiệm tu tập cho hàng xuất gia tân học, cũng như thông qua Chương trình Tu học trong 10 ngày của khoá Bồi dưỡng đạo hạnh.

Cuối cùng Đại lão hoà thượng Giác Tường có lời huấn từ và sách tấn đến hội chúng. Hoà thượng chỉ dạy, trên lộ trình tu học phải luôn lấy Giới làm thầy, làm ngọn đèn để soi đường chỉ lối cho việc tu học và đặc biệt là đối với hàng xuất gia tân học. Và chính việc sống chúng tu học này sẽ giúp cho hành giả có cơ hội tiếp cận và học hỏi từ chư Tôn đức Lãnh đạo cùng những vị đồng phạm hạnh.

Qua ngày thứ 2, Hòa thượng Giác Minh đã chia sẻ kinh nghiệm tu tập đến với hội chúng. Hòa thượng đã dùng những mẫu chuyện như 4 loại ngựa trong kinh cùng với những hình ảnh thực tế trong cuộc sống như gió mây với những cây cao lớn và cây cỏ nhỏ để minh họa cho hành giả thấy được những chướng duyên trên con đường tu học cùng phương cách để vượt qua những khó khăn ấy. Qua đó Hoà thượng dạy cho hội chúng phải biết tự huấn luyện mình như hạng ngựa khôn ngon khi chỉ vừa thấy bóng roi là đã lo đi chớ không cần chờ đến người chủ phải dùng gậy có kim đâm vào thân mình. Hòa thượng cũng nói đến tinh thần uyển chuyển trong việc tu học trong đời sống thường ngày để tự mình né tránh đi những chướng duyên như cây cao lớn phải đương đầu với gió mây. Đồng thời Hòa thượng còn đồng hành tu tập với đại chúng trong 2 ngày và chỉ dạy cho hội chúng từ việc ăn uống đi lại cho đến chứng minh cho chư Tăng Ni tân học sám hối, cùng giảng giải cho hội chúng thấy rõ và nhận thức được những việc nào cần nên hành trì, việc nào không nên hành trì, nhằm giúp cho hành giả tham dự bước dần vào con đường hoàn thiện đời sống phạm hạnh của vị Khất sĩ.

Buổi chiều cùng ngày, Hòa thượng Giác Phương đến với hội chúng qua những bài học kinh nghiệm và hướng dẫn con đường thiết lập nền tảng vững chắc từ nơi móng, đó là hãy lấy Giới làm thầy để xây dựng đạo nghiệp. Hòa thượng đã dùng ảnh dụ muốn xây nhà cao tầng thì phải có nền móng vững chắc, cũng như thế, đối với người xuất gia thì phải biết thiết lập cho mình nền móng ấy bằng giới luật. Hoà thượng sử dụng những ví dụ cụ thể thực tế trong cuộc sống để minh hoạ cho những lời dạy về oai nghi, giới hạnh mà một người xuất gia cần có như trong Luật nghi Khất sĩ đã dạy. Và qua ngày thứ 6 của khoa tu, Hoà thượng lại đến với hội chúng qua 1 đoạn của bài kệ “Ý” để giúp cho đại chúng thấy được lời kệ ý Tổ, và đặc biệt là pháp tu được truyền tải trong đó. Ở đây, Hòa thượng đã chỉ cho hội chúng thấy được phương cách phòng hộ 6 căn, cũng như phải biết tự lực để thiết lập cho mình một đời sống phạm hạnh. Hoà thượng đã dùng ảnh dụ về người đào giếng để có được nguồn nước ngon ngọt và sử dụng lâu dài mà không phải lệ thuộc hay đi xin nơi người khác. Và đặc biệt Hoà thượng nhấn mạnh đến tinh thần thương yêu bao dung qua hình ảnh cho đi thì mạch nước sẽ mới, tinh khiết hơn và sẽ không bị ứ đọng nhơ bẩn; cũng như thế người xuất gia hãy học hạnh cho đi rồi sẽ được tất cả. Hòa thượng cũng nhấn mạnh chỉ có chánh niệm mới có thể kiểm soát hành vi trong mọi oai nghi, mới có thể làm chủ thân hành, tâm hành của mình để hoàn thiện đời sống phạm hạnh và mới chữa được chứng bệnh mê lầm để đi đến quả vị giác ngộ.

Sáng ngày thứ 3 của khóa tu, Thượng tọa Giác Hành đã chia sẻ đến hội chúng xuất gia tân học về những hạng Sa-môn và cạm bẫy của người xuất gia trong cuộc sống thông qua bài kinh Bẫy Mồi số 25 trong Trung Bộ kinh. Thượng tọa lấy hình ảnh về 4 đàn nai trong kinh để làm rõ vấn đề và dùng những ví dụ cụ thể, thực tế trong cuộc sống hiện đại để giúp cho hành giả thấy được sự nguy hiểm của các cạm bẫy mà người thợ săn hay ác ma đang giăng lưới để đưa hành giả vào cạm bẫy. Sau đó, Thượng tọa nhấn mạnh đến khía cạnh tôn trọng giáo pháp qua ảnh dụ 2 vị Tỷ-kheo trong Kinh Thừa Tự Pháp để hành giả nhận thức được tầm quan trọng của pháp bảo và không đắm say trong vật chất của thế giới hiện đại, vững tâm trên lộ trình tu học.

Buổi chiều cùng ngày, Đại đức Giác Phổ đến với hội chúng tân học, và tiếp đó vào ngày thứ 5 của khoá tu Đại đức đã trình bày cho đại chúng xoay quanh chủ đề Xuất gia. Qua đó, Đại đức đã trình bày cho hội chúng thấy được ý nghĩa và bổn phận của người xuất gia qua những định nghĩa được ghi lại trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, cũng như trong Sa-di Luật giải để đại chúng hiểu được ý nghĩa của việc xuất gia. Và kế đó Đại đức đặt câu hỏi lại để đại chúng quán chiếu xem mình đã thực sự xuất thế tục gia hay chưa hay chỉ là hình tướng xuất gia thôi, và những thứ thế tục như danh lợi, quyền uy, lợi dưỡng…có còn chi phối, ràng buộc ta hay không? Đại đức phân tích cho hàng xuất gia tân học thấy được những nguyên nhân đưa đến phiền não và con đường đi đến sự chuyển hóa những tham sân si ấy để bước ra khỏi ngôi nhà phiền não. Nguyên nhân chính là do dục sai sử mà chúng ta phải làm nô lệ cho tham, sân, si cùng tài, sắc, danh, thực, thùy... Đôi khi chúng ta sống trong dòng chảy ấy nhưng vì lơ là và thiếu hiểu biết nên không nhận ra rằng mình đang bị chúng cuốn trôi. Chỉ có Tuệ mới có thể nhận ra và chuyển hóa được, mới có thể trở thành sứ giả của Như Lai. Và hơn hết, Đại đức đã đồng hành hỗ trợ và giúp cho hành giả tân học nhận ra những khiếm khuyết về giới hạnh oai nghi trong 5 ngày đầu của khóa tu.

Đến ngày thứ 4 Đại đức Giác Tuyên đã đến với hội chúng bằng những bài học kinh nghiệm thực tế về hạnh làm thị giả, về oai nghi giới hạnh mà đại đức đã từng tiếp nhận từ chư Tôn đức chỉ dạy. Sau đó, Đại đức đã chia sẻ thêm với hội chúng về những đức hạnh mà một người xuất gia tân học cần phải học để hành trì như hạnh tôn kính để giúp cho hành giả diệt trừ dần bản ngã. Ở đây, đại đức đã dùng ảnh dụ như "thấy vậy nhưng chưa hẳn đã vậy" để minh hoạ cho đại chúng thấy được giá trị của hạnh tôn kính và tránh đi tình trạng làm cho hành giả sinh tâm xem thường người khác để làm tăng trưởng tâm kiêu mạn, bởi cái nhìn của chúng ta đôi khi chưa đủ chín chắn và chưa thể thấu tỏ nội tình để thấy rõ được sự thật.

Tiếp đó Đại đức đã đề cập đến hạnh khiêm cung, một đức hạnh luôn cần thiết trong con đường tu học của đường lối Khất sĩ. Sau đó, Đại đức đã phân tích cho hành giả thấy được đường lối và đức hạnh khiêm cung luôn hiện hữu nơi Tổ Thầy bằng những ví dụ cụ thể, và đặc biệt thấy được phần nào về sự tương quan giữa lời dạy của Tổ Thầy với giáo pháp của Thế Tôn. Tiếp đó đại đức chia sẻ về những đức hạnh khác như tinh thần thương yêu, tinh thần hy sinh cho huynh đệ, và phải luôn biết cách tu tạo công đức để hoàn thiện đời sống phạm hạnh của người Khất sĩ.

Sáng ngày thứ 7, Sư cô Hiếu Liên đã trao đổi, chia sẻ với hội chúng qua bài kệ ngồi thiền của đức cố Hoà thượng đệ tứ Trưởng Giáo đoàn.

Ngồi thiền lưng thẳng, đầu không nghiêng / Hít sâu thở nhẹ, khí đan điền / Cô tinh thần thạnh, thông kinh mạch / Trí tánh giao hoà, dứt đảo điên / Đi, đứng, ngồi, nằm trong tĩnh lặng / Thấy, nghe, ngửi, nếm thảy an nhiên / Toan vun chánh pháp lòng thanh thản / Khất thực hoá duyên dứt não phiền.

Sư cô phân tích cho hội chúng thấy được tinh thần thiền tập trong bài kệ từ pháp tu thiền chỉ cho đến phương pháp quán, từ điều thân điều tức cho đến điều tâm. Tuy bài kệ chỉ có 8 câu 56 chữ nhưng hàm chứa rất nhiều phương pháp tu tập như quán chiếu trên tứ oai nghi, quán thọ quán tâm, hay như tinh thần Giới Định Tuệ, tinh thần nhân quả của thân sinh lý cùng nhân quả tương quan từ thân sinh lý đến tâm lý, và đặc biệt là tinh thần tự lợi, lợi tha mà hành giả cần phải huân tu. Với kinh nghiệm tu học và thiền tập của mình, Sư cô đã làm cho nhiều vấn đề giáo pháp trong bài kệ trở nên rõ ràng hơn và giúp cho hội chúng dễ dàng tiếp nhận, thấu hiểu hơn về lời dạy của đức cố Hoà thượng. Đồng thời, Sư cô nhấn mạnh đến hình ảnh thân giáo mà đức cố Hoà thượng đã hành trì và giáo hoá nhân sinh để đại chúng học theo.

Buổi chiều cùng ngày, Sư cô Hoà Liên đã chia sẻ với hội chúng về những tính cách cần có của một người xuất gia. Sư cô đã dẫn lời khai thất của Thiền sư Lai Quả để khuyên nhắc đại chúng về tinh thần dũng mãnh trong quá trình luyện tâm.

Lư khai đại dã chính tư thời / Vạn thánh thiên hiền tổng tận tri / Thiết ngạch đồng đầu tề hạ luyện / Hư không ngõa lịch mạc nghi trì / Trùng thiên thám, mãnh gia truy / Thái không phá hậu mạc đình chùy / Trực đãi sinh tiền thoát lạc tận / Khoái tương tự kỷ tróc sinh hồi.

Nghĩa là: Mở lò đãi luyện vàng chính là lúc nầy / Muôn Thánh ngàn Hiền đều biết cả. / Những kẻ cứng đầu, cứng cổ đều bỏ vào lò luyện / Không phân biệt hư không hay ngói bể đều không được chậm trễ. / Hãy thêm than, thổi cho mạnh nữa. / Mặc dù hư không bể nát rồi cũng không ngưng chùy / Cho đến sinh tiền đầu rơi thoát sạch hết / Mau mau tìm bắt cái bổn lai của mình về.

Sau đó, Sư cô đã đề cập đến tinh thần sống chung tu học hay sức mạnh của đại chúng qua hình ảnh đàn chim di cư, chúng luôn biết gắn kết và chia sẻ với nhau trong hành trình di cư. Ảnh dụ đàn chim bay hình chữ V đã nói lên tinh thần đoàn kết và biết san sẻ trợ giúp cho nhau trong lộ trình bay, để cùng dìu dắt nhau về đến đích. Tiếp đó Sư cô nhấn mạnh đến tinh thần thân giáo quan trọng hơn việc chỉ nói suông qua hình ảnh ăn với nhau thì dễ nhưng nấu với nhau thì rất khó, và nói thì dễ nhưng lắng nghe lại khó... cùng nhiều tinh thần cao đẹp khác như tinh thần tinh tấn dõng mãnh tu tập để vượt qua chướng duyên hay tính kiên nhẫn.

Qua sáng ngày thứ 8, Ni trưởng Hiệp Liên đã đến với hội chúng bằng những bài học kinh nghiệm thực tế về việc tu học mà bản thân của Ni trưởng đã trải qua, cũng như những bài học mà các bậc Tôn túc đi trước đã kinh qua, để từ đó giúp cho đại chúng có thêm những bài học ứng dụng thực tế để vượt qua những chướng duyên trên hành trình tu tập. Và qua những bài học cụ thể ấy, Ni trưởng muốn nhắn nhủ đại chúng rằng thà có thể hy sinh thân mạng chứ không vì cám dỗ của ái tình hay nghịch duyên mà đánh mất lý tưởng đã phát tâm xuất gia. Để có dũng lực ấy vị hành giả cần phải có nguyện lực đối với Tam bảo thì mới có dũng khí, sức kiên định để đương đầu và dành chiến thắng trước những chướng duyên. Đồng thời, Ni trưởng còn hướng đạo cho Ni chúng một lối sống không vì tư kỷ để dễ dàng hoà mình vào đoàn thể và làm cho Giáo hội luôn được hoà hợp. Để được điều ấy, chúng ta cần phải biết quán chiếu lại tự thân để nhận ra bản chất của sự việc và dễ dàng buông xả tư kỷ, để hiện thực hoá phương châm sống chung tu học của đức Tổ sư.

Buổi chiều cùng ngày, Ni trưởng Cảnh Liên đã đến với hội chúng bằng những bài học kinh nghiệm tu tập và sau đó dẫn dụ những mẫu chuyện trong kinh cũng như những giới hạnh của người xuất gia trong môn oai nghi để khuyến khích Ni chúng có đủ dũng lực để vượt qua chướng duyên. Sau đó, Ni trưởng khuyên nhắc hành giả luôn phải biết tự khép mình vào khuôn khổ của Giáo hội để tu học và dần đi đến sự hoàn thiện đời sống phạm hạnh của người xuất gia. Và đặc biệt là phải biết nung đúc trí tâm để huân tập cho mình những đức hạnh cao đẹp, đời sống thanh thoát của vị Sa-môn nhằm khỏi phụ công ơn tín thí, không uổng luống công sức và chí nguyện xuất gia của mình. Để minh hoạ cho những điều đó, Ni trưởng đã dẫn dụ câu chuyên vị hoàng tử với vị Độc giác Phật để cho hội chúng thấy được lý tưởng, dũng lực và phương cách vượt qua cạm bẫy của ngũ dục lục trần mà thiên ma đã giăng ra để đưa hành giả vào tròng.

Đến sáng ngày thứ 9, Hoà thượng Giác Pháp, Chánh Thư ký Hệ phái đáp lời kiền thỉnh của Ban Tổ chức, đã quang lâm thăm viếng Tịnh xá Ngọc Chơn, nơi diễn ra khoá Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 14 và sách tấn hàng xuất gia tân học. Hoà thượng chia sẻ với đại chúng về ý nghĩa và 5 đức của người xuất gia.

Hoà thượng đã dẫn lời của Tổ Quy Sơn để nói lên ý nghĩa của việc xuất gia: "Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu. Nhược bất như thử, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh hoang sơ, hư triêm tín thí....". Qua đó Hoà thượng nhắn nhủ đến hội chúng là phải làm thế nào để nối được dòng giống Phật, làm rạng rỡ tông phong, xứng đáng là đệ tử Như Lai, và làm cho chúng ma phải khiếp sợ để đền đáp 4 ân cứu độ 3 cõi, chứ đừng để mình là người cuối cùng trong giáo pháp. Và Hoà thượng còn nhấn mạnh nếu không làm được như thế thì chỉ là Thử điểu Tăng mà thôi. Tiếp đó hoà thượng nói đến 5 đức của người xuất gia:

1. Phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố;

2. Huỷ kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố;

3. Cát ái từ thân, vô thích mạc cố;

4. Uỷ khí thân mạng, tôn sùng đạo cố;

5. Chí cầu Đại thừa, vị độ nhân cố.

Đặc biệt Hoà thượng đã khuyên nhắc đại chúng phải biết gánh vác, hy sinh vì đạo pháp để tu dưỡng công đức và làm nền móng cho tinh thần thượng cầu phật đạo hạ hoá chúng sinh như đức thứ 5 đã nói, bởi đây chính là mục đích và lý tưởng của việc phát tâm xuất gia. Hòa thượng còn nhấn mạnh đừng đánh đổi phương tiện để đi đến đích thành mục tiêu của việc xuất gia, nghĩa là bị dắt dẫn và sai sử của phương tiện vật chất, mà hãy luôn nhớ chí nguyện Đại thừa của mình để xứng đáng là người sứ giả Như Lai.

Buổi chiều Đại đức Giác Nhường đã chia sẻ với hội chúng những kinh nghiệm trong đời sống của người tập sự xuất gia. Đặc biệt là phương cách hành trì thuộc về giới hạnh oai nghi, hay kinh nghiệm làm thị giả cho chư Tôn đức để giúp cho hàng xuất gia tân học thấy rõ được những khuyết điểm và thiếu sót trong cách hành xử của mình, cũng như khơi dậy tinh thần luôn tôn kính thầy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ đó thấy được tinh thần tôn Sư trọng đạo của người xuất gia.

Qua sáng ngày thứ 10, Đại đức tiếp tục chia sẻ về những bài học kinh nghiệm sống của người xuất gia. Sau đó Đại đức trình bày tiếp về đời sống phạm hạnh của vị Sa-môn qua bài học "Sa-di phải biết rằng" trong những bài học oai nghi của vị Sa-di cần phải học. Qua đây, đại đức muốn mượn lời dạy của Tổ để khuyên nhắc hàng tân học phải biết xem trọng đời sống đạo đức, con đường để đi đến với lý chơn chứ đừng xem trọng phương tiện vật chất để rồi đánh mất lý tưởng xuất gia và chỉ biết lo trau dồi sắc thân giả tạm để phải chịu "khổ nạn chết hết". Và chỉ có được như vậy thì mới có thể đi đến với tâm chơn Phật. Đồng thời Đại đức còn đồng hành tu học và chứng minh sách tấn cho hàng Sa-di trong 5 ngày cuối của khoá bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 14 này.

Buổi chiều Sư cô Tuyền Liên đã chia sẻ với hội chúng bằng câu chuyện về thanh quy nghiêm khắc của một số thiền đường, để khuyên nhắc hội chúng tinh thần dũng mãnh, cũng như để thanh lọc tâm của hàng xuất gia, và nhất là để biết được hành giả nào thật tu, thật sự tìm cầu sự giác ngộ giải thoát. Sau đó Sư cô đã minh hoạ bằng những mẫu chuyện thiền để hội chúng thấy được tinh thần tu tập và tinh thần nhập thế hoá độ nhân sanh. Đặc biệt là qua đó giúp cho hội chúng thấy tinh thần tu thì phải ra tu, cũng như tinh thần công ơn của đàn na tín thí để vị hành giả gắng chí dụng công để khỏi cô phụ tín ân.

Kính bạch chư Tôn đức,

Trên đây là Chương trình và Nội dung tu học trong 10 ngày qua của khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 14 tại Tịnh xá Ngọc Chơn, chúng con xin kính trình lên chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo đoàn chứng minh.