Nội dung giảng dạy tại Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm PL. 2558

 

TX-TRUNG TAM

Y cứ lời Phật dạy được ghi lại trong chương “Vào mùa mưa” thuộc Đại phẩm của Luật tạng, cứ bắt đầu vào mùa mưa mỗi năm, chư Tỳ-kheo lại tạm dừng bước chân du hóa, an trụ tại một trú xứ thích hợp, nỗ lực tiến tu hướng đến thành tựu đạo quả giác ngộ giải thoát. Riêng với Hệ phái Khất Sĩ, sau ngày đại lễ Phật đản chư Tăng Ni theo thông lệ lại tập trung về một số tịnh xá có đủ điều kiện để kiết giới an cư trong 3 tháng, nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ.

Từ năm 1980 đến nay, Tịnh xá Trung Tâm tọa lạc số 21 Nguyễn Trung Trực, P. 5, Q. Bình Thạnh, TP. HCM luôn là trú xứ quen thuộc để chư Tăng từ 6 Giáo đoàn Khất Sĩ trên cả nước về kiết giới an cư trong 3 tháng. Vào mỗi mùa An cư, Ban Chức sự Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm đã cung thỉnh chư Tôn đức trong Ban Giảng huấn tại TP. HCM cũng như chư Tôn đức Giáo thọ Hệ phái về giảng dạy kinh pháp, chia sẻ kinh nghiệm tu học tại Hạ trường nhằm giúp cho hành giả có một nền tảng pháp học vững vàng, từ đó nỗ lực tấn tu, ngõ hầu gặt hái được nhiều lợi ích cũng như đạo nghiệp được vun bồi sau ba tháng an cư. Ban Giảng huấn trường Hạ Tịnh xá Trung Tâm năm nay gồm 15 vị chính thức và 5 vị được thỉnh giảng vào những thời duyên khác (HT. Thích Từ Thông, TT. Minh Thành, TT. Giác Minh GĐ. I, ĐĐ. Giác Nhuận GĐ. III, ông Bùi Hữu Dược).

HT. Thích Từ Thông – Hiệu trưởng Trường Cao Trung Phật học TP. HCM

HTtuthong

Hòa thượng là bậc Đại lão Pháp sư tinh thông yếu lý Phật giáo Đại thừa. Tuy tuổi đã cao nhưng với nghĩa linh sơn, tình pháp hữu, Hòa thượng đã được Hòa thượng Giác Toàn cung thỉnh về Hạ trường hai lần để khuyến tấn, truyền trao kinh nghiệm tu học đến đại chúng. Bằng kiến thức uyên thâm nghiên cứu trong khoảng 70 năm, Hòa thượng đã nhấn mạnh một số điểm tinh yếu của Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa như Tứ đế và Lục độ, 37 phẩm trợ đạo và vai trò của chánh kiến trong quá trình tu tập, đồng thời những phương diện ứng dụng của giáo lý này để đời sống tu tập được an lạc hiện tiền. Bên cạnh đó, hình ảnh của Tổ sư, Nhị Tổ Giác Chánh cùng những nhà sư phạm hạnh, thanh bần thời Tổ được Hòa thượng nhắc lại bằng tất cả tình cảm chân thành và kính quý. Qua đó, Hòa thượng nhắc nhở thế hệ Khất Sĩ hiện tại cố gắng nối truyền và gìn giữ truyền thống cao quý ấy. Vì theo Hòa thượng, đây là đường lối tu học đúng với Chánh pháp, không rơi vào chủ nghĩa hình thức, cũng như những tư tưởng tà kiến lệch lạc mà ngày nay một số đông người tu Phật mắc phải. Một vị Tỳ-kheo là Khất sĩ, mà quả vị của Khất sĩ là Vô sanh, là giác ngộ, giải thoát. Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng trình bày một số quan điểm trong một vài tông phái có thể làm phương hại đến Phật giáo và lạc dẫn tín đồ. Hai buổi học đã để lại cho hành giả ấn tượng rất tốt về vai trò của Văn tuệ và Tư tuệ, từ đó làm cơ sở cho tu tập được viên mãn.

HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN TP. HCM

HT.triquang

Mặc dù Phật sự đa đoan, tuổi đời đã ngoài thất tuần nhưng với tình cảm trân quý Hòa thượng trụ trì và Hệ phái, Hòa thượng đã quang lâm Hạ trường 2 lần để chia sẻ những kinh nghiệm tu học, hoằng pháp và giảng dạy trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo của mình. Hòa thượng đã chia sẻ lộ trình tu học của một người tu Phật bắt đầu từ giáo lý căn bản, đặc biệt là hạnh Phổ Hiền trong Kinh Pháp Hoa. Khi đã có nội lực tu tập khá vững chãi, bước tiếp theo là tiếp cận tư tưởng Phật giáo Đại thừa để tùy duyên xiển dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh. Hòa thượng nhấn mạnh công cuộc hoằng pháp đòi hỏi phải có nội lực tu tập, quán chiếu để thấy được việc nên làm, chỗ nên tới, người nên tiếp xúc, sẽ làm đạo thành công.

HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Tổng Thư ký GHPGVN

HT.Thiennhon

Do bận nhiều công tác Phật sự của Giáo hội nên mùa hạ năm nay, HT. Thiện Nhơn chỉ quang lâm đạo tràng an cư Tịnh xá Trung Tâm một lần và giới thiệu đến hội chúng an cư các loại căn lành theo Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Hoa Nghiêm Đại Sớ. Trải qua 1 tiếng 30 phút các loại căn lành gồm: Căn lành tối thắng, căn lành tự tánh, căn lành công đức, căn lành tịnh giới và căn lành chủng tánh được Hòa thượng giảng giải cặn kẽ, chi tiết. Qua lời giảng của Hòa thượng, đại chúng hiểu được rằng mảnh đất tâm vốn chứa nhiều hạt giống cả thiện và bất thiện, trong đó những hạt giống thiện được xem là những căn lành. Đối với một người xuất gia hướng đến Phật quả, thì căn lành vô cùng quan trọng. Bởi nó chính là gốc rễ của cây giác ngộ, gốc có to, rễ có chắc thì cây mới phát triển khỏe mạnh, đơm hoa kết quả. Chính vì vậy việc phát triển căn lành là điều tối quan trọng trong đời sống tu học. Tất cả căn lành đều có đủ trong tâm tánh chúng sanh. Điều quan trọng là phải tin, hiểu và thực hành, phát triển và chứng nhập, đạt thành kết quả cứu cánh. Tuy chỉ đến với hạ trường chia sẻ một thời pháp thoại nhưng những lời chỉ dạy, sách tấn của Hòa thượng để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm mỗi hành giả. Chắc chắn những lời dạy ấy sẽ mãi hiện diện trong tâm thức những người khát khao quả vị giải thoát để họ trầm tư, suy nghĩ, nhắc nhở tự thân trong mỗi lúc.

HT. Giác Toàn – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái.

HTtoan

Dù bận bịu nhiều Phật sự, Hòa thượng vẫn cố gắng mỗi tuần có hai buổi chia sẻ kinh nghiệm tu học, giảng giải lời Phật dạy và ý pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang ngang qua các bài Chơn Lý “Lục căn”, “Thập nhị nhơn duyên”, “Bát chánh đạo”… đến với hành giả an cư tại Hạ trường. Qua lời giảng, những ý pháp diệu huyền của Tổ sư bừng sáng trong tâm của mỗi hành giả, tác động mạnh mẽ đến chí nguyện tu học và xiển dương giáo pháp của Tổ Thầy dày công khai sáng. Với lòng thương tưởng đến hàng hậu học, trong mỗi bài giảng, Hòa thượng đều nhắc nhở các hành giả ý thức đời sống tu học, cố gắng tu sửa thân tâm, dồi mài trí tánh, hằng tỉnh giác trong từng oai nghi nhỏ nhất. Những kinh nghiệm tu học và hạnh đạo quý báu, những ý pháp sâu sắc được chia sẻ, giảng giải với ngôn ngữ bình dị, Hòa thượng đã giúp hành giả an cư có thêm những kinh nghiệm tu học để đời sống xuất gia giải thoát của mỗi hành giả ngày càng thêm vững chắc.

HT. Giác Giới – Phó ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái.

HT-GIACGIOI Copy

Với tuổi đời ngày càng cao, đồng thời làm Thiền chủ hai trường Hạ và bận rộn với công trình Tổ đình Minh Đăng Quang tại quê Tổ đang thi công, nhưng với lòng bi mẫn, thương tưởng đến hàng hậu học, Hòa thượng đã sắp xếp thời giờ quý báu đến với hành giả an cư mỗi tháng một lần, để truyền dạy những kinh nghiệm tu học quý báu trong suốt đời sống tu học của Ngài. Chánh tri kiến luôn là điều được Hòa thượng đặc biệt nhấn mạnh trong mỗi bài giảng, nếu không có Chánh tri kiến dù có nỗ lực tu tập cũng sẽ như người mù mãi dò dẫm nhưng chẳng tới đích. Lời dạy của Tổ sư trong Chơn Lý “Y bát chơn truyền”: “Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Tuệ. Nếu Khất Sĩ không tu về Định Tuệ, mà dầu có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là Khất Sĩ” cũng được Hòa thượng nhiều lần trích dẫn nhằm khẳng định con đường tu học của người Khất Sĩ. Với kiến thức uyên thâm về Kinh tạng Nikaya, Hòa thượng đã khéo léo trích dẫn lời Phật dạy để chỉ bày cho đại chúng lộ trình tu tập nhằm tiến đến giác ngộ giải thoát. Qua những lời dạy của Hòa thượng, những hành giả Khất Sĩ được mở rộng tầm nhận thức đúng đắn về Chơn Lý và con đường “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, và ý thức hơn về bổn phận, trách nhiệm của mỗi cá nhân, những người đang thọ hưởng ân đức giáo dưỡng của Tổ sư và chư Đức Thầy.

HT. Thích Minh Thông – Phó ban Trị sự GHPGVN TP. HCM, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP. HCM

HT.minhthong

Là một trong những bậc Tôn túc dụng công hành trì và nghiên cứu chuyên sâu về giới luật, mỗi mùa hạ trong nhiều năm nay, HT. Minh Thông quang lâm và giảng giải giới luật đến hội chúng an cư tại Tịnh xá Trung Tâm. Năm nay, vì Phật sự ngày càng nhiều, Hòa thượng chỉ đến giảng giải giới luật, khuyến tấn chư Tăng một lần. Những quy tắc truyền giới, thọ giới như thế nào cho đúng cách, điều kiện cần và đủ để một giới tử đắc giới pháp Cụ túc được Hòa thượng chia sẻ, giảng giải cặn kẽ. Kế đến những câu chuyện duyên khởi liên quan đến giới thứ nhất trong 4 Ba-la-di được Hòa thượng lần lượt phân tích, thông qua đó liên hệ đến bối cảnh hiện tại để nhắc nhở, khuyến tấn chư Tăng nỗ lực gìn giữ chánh niệm, phòng hộ thân tâm để tránh phải đứt mất thiện căn giải thoát. Qua lời giảng của Hòa thượng, chư Tăng nhận thức được tầm quan trọng của giới luật trong đời sống phạm hạnh, giải thoát. Đặc biệt, giữa bối cảnh xã hội ngày nay, giới luật trở thành học phần quan trọng bậc nhất trong Tam vô lậu học.

HT. Thích Minh Chơn – Phó ban Trị sự GHPGVN TP. HCM, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP. HCM

HT.minhchon

Mỗi tháng một lần, Hòa thượng lại đến với đại chúng an cư Hạ trường với những thời pháp bằng kiến thức và kinh nghiệm tu tập của mình. Hòa thượng luôn nhắc nhở hội chúng phải trang bị cho mình một sở học vững vàng và kế đến là gia công trì chí thực hành lời Phật dạy từng phút giây không để sao lãng. Đặc biệt, Hòa thượng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong Phật giáo mà điểm khởi đầu luôn là từ mỗi thành viên trong Tăng đoàn. Bản thân mỗi thành viên của Tăng đoàn phải thể hiện được phẩm chất của một nhà giáo dục, có như thế thì Phật pháp mới trường tồn, chúng sanh được lợi lạc.

TT. Bửu Chánh – Phó ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP. HCM

tt.buuchanh

Mỗi tuần một lần, món quà Thượng tọa mang đến Hạ trường là những lời dạy cao quý của Đức Phật được trích dẫn trong kinh điển Nam truyền. Kinh nghiệm tu học, hoằng pháp và những lời Phật dạy mà Thượng tọa tâm đắc lần lượt được trình bày đến đại chúng một cách khái quát, rõ ràng, rành mạch, rất phù hợp với những hành giả có thiên hướng nghiên cứu và ứng dụng hành trì theo truyền thống Phật giáo Nam truyền. Với kiến thức uyên thâm về Vi Diệu Pháp, Thượng tọa đã triển khai những đề tài như: “Cây gai nhọn” và phân tích các kệ ngôn Pháp Cú trong phẩm Hoa dưới góc độ ngôn ngữ và tâm lý học Phật giáo một cách sâu sắc, cụ thể nhằm chỉ rõ những cấu uế của thân tâm, chấp ngã, khen mình chê người, qua đó vạch rõ đường lối tu tập, pháp môn hành trì. Có thể nói những lời dạy của thiền sư Ajahn Chah, bậc thiền sư danh tiếng người Thái đã tạo nguồn cảm hứng thù diệu đối với Thượng tọa, những lời dạy ngắn có giá trị đánh thức cao độ của Thiền sư đã được Thượng tọa giới thiệu, phân tích và khuyến khích hành giả an cư áp dụng để thiết lập đời sống chánh niệm tỉnh giác, tẩy trừ phiền não, thanh lọc thân tâm, ngõ hầu có một đời sống tu tập an lạc trong hiện tại và thành tựu an lạc hạnh phúc Niết-bàn tuyệt đối trong tương lai.

TT. Giác Pháp – Chánh Thư ký Hệ phái, Giáo thọ Hệ phái

TTphap

Năm nay, theo chỉ thị của Ban Chỉ đạo An cư GHPGVN TP. HCM, mỗi Hạ trường trong thành phố tuyển chọn ra các hành giả an cư có khả năng thuyết giảng để tham gia vòng chung kết cuộc thi Diễn giảng và Báo tường do Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. HCM tổ chức. Được sự cung thỉnh của Ban Chức sự trường Hạ, Thượng tọa Giác Pháp đã hoan hỷ làm vị hướng dẫn và giám khảo cho vòng sơ tuyển các giảng sinh tại Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm. Với kinh nghiệm hoằng pháp trên 30 năm của mình, Thượng tọa đã nêu lên những ưu khuyết điểm của từng giảng sinh thông qua đó trang bị thêm cho mỗi giảng sinh những kinh nghiệm nghiên cứu Phật Pháp cũng như nghệ thuật đứng trước hội chúng, phương pháp lựa chọn ngôn ngữ, xây dựng bài giảng, điều tiết âm thanh và kỹ năng trình bày. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của Thượng tọa mà mỗi giảng sinh tiến bộ rõ rệt qua mỗi lần thực tập. Trong hai tuần cuối, Thượng tọa đã chia sẻ kinh nghiệm dẫn chương trình cho các lễ hội Phật giáo. Thông qua đó, Thượng tọa cũng trình bày các đặc tính của các lễ hội Phật giáo mà một Tăng sĩ cần phải nắm vững để ứng phó đạo tràng cho đúng cách và đó cũng là một cách hoằng pháp lợi sanh. Chắc chắn những kinh nghiệm, kỹ năng được hướng dẫn từ Thượng tọa sẽ là nền tảng vững chắc để chư Tăng trẻ phát triển trên bước đường hoằng pháp lợi sanh trong tương lai.

TT. Minh Bửu – Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Tây Ninh, Giáo phẩm Hệ phái

TT.MINH BỬU

Với thời gian dài nghiên cứu và hành trì theo truyền thống thiền Trung Hoa, một tháng 3 lần, TT. Minh Bửu đến với hành giả an cư với thời pháp thoại có nội dung chỉ thẳng vào bản tâm, khơi dậy khả năng giác ngộ vốn có của mỗi người. Những cuộc đối thoại giữa các thiền sư Trung Hoa hoặc các thiền sư Việt Nam được Thượng tọa trưng dẫn và giảng giải một cách cụ thể để hội chúng thấy rõ và nắm bắt được chìa khóa mở tung cánh cửa vô minh để sống với ánh sáng giác ngộ của tự tánh. Đặc biệt trong các bài giảng, hầu hết Thượng tọa đều trích lục những đoạn kệ trong Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán để minh họa cho bài giảng của mình. Trong đời sống tu tập hằng ngày, Thượng tọa nhắc nhở chư Tăng cố gắng hộ trì sáu căn, luôn luôn duy trì sự tỉnh giác, phân biệt rõ ràng đâu là chủ thể, đâu là đối tượng để khỏi phải mê lầm bổn ngã, dần rời đường đạo, gieo nhân tạo ác để phải thọ lãnh quả báo khổ đau về sau.

TT. Giác Nhân – Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Tiền Giang

TT.nhan

Dù bận rộn Phật sự Giáo hội tại tỉnh hoặc đi giảng hầu hết các Hạ trường của tỉnh, nhưng được sự cung thỉnh của Ban Chức sự, mỗi tháng 2 lần, Thượng tọa đã hoan hỷ quang lâm Hạ trường để chia sẻ kinh nghiệm tu học đến với hành giả. Đề tài được Thượng tọa chia sẻ xuyên suốt trong mùa hạ năm nay là lời dạy của Đức Phật về Bảy Pháp Bất Thối thuộc Trường Bộ Kinh, các chi pháp thuộc Phẩm Đặt Hướng trong Kinh Tăng Chi và bài Kinh Lậu Tận trong Kinh Trung A-hàm. Qua từng buổi giảng, những yếu tố giúp Tăng đoàn được hưng thịnh dần dần được các hành giả tiếp thu và hiểu rõ. Như một bức tường được xây nên bởi nhiều viên gạch, điều kiện để một Tăng đoàn vững mạnh cũng được cấu thành từ những phẩm hạnh của mỗi thành viên trong Tăng đoàn. Vấn đề điều phục và huấn luyện tâm cũng được Thượng tọa chia sẻ, giảng giải cặn kẽ bằng tất cả tình thương đến đàn hậu học, mong sao chư Tăng trẻ đặt tâm đúng hướng trong đời sống tu học để đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn trong một ngày không xa. Tuần tự nêu lên vấn đề rồi cung cấp phương pháp giải quyết, liền sau bài pháp nêu lên tầm quan trọng của tâm được đặt đúng hướng, Thượng tọa giảng giải phương pháp tu tập để hành giả gột dần các lậu hoặc, phiền não nhờ vào chánh kiến và chánh tư duy để dõng mãnh hướng đến cửa giải thoát. Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm tru tập hành trì, với nhiều năm gắn bó với Phật sự của Hệ phái nói riêng và công tác Phật sự GHPGVN nói chung, Thượng tọa đã chia sẻ kinh nghiệm tham gia các công tác Phật sự của mình làm những thời pháp trở nên sinh động, cụ thể. Qua đây, những Tỳ-kheo trẻ với hoài bão hoằng pháp lợi sinh, xiển dương giáo pháp Tổ Thầy có cơ hội tích luỹ thêm kinh nghiệm vào hành trang cho tương lai của mình.

TT. Minh Hóa – Phó Thư ký Hệ phái, Chánh Thư ký Hạ trường

TT.hoa

Mỗi tháng một lần, Thượng tọa đến với Hạ trường và chia sẻ với đại chúng những kinh nghiệm tu học và hành trì của mình qua những kệ ngôn trong Kinh Pháp . Phương pháp tu tập tâm, hàng phục những cấu uế xan tham, sân giận, si mê được Thượng tọa chia sẻ giảng giải song song với các bài kệ Thân, Khẩu, Ý, Nhẫn, Giới… trong Luật Nghi Khất Sĩ. Như thế nào là một vị Khất Sĩ chuẩn mực được Thượng tọa trình bày bằng lời Phật dạy và hướng dẫn đại chúng bắt đầu thực tập bằng những việc làm nhỏ nhất trong đời sống tu học được ghi rõ trong từng môn oai nghi, các câu chú nguyện trong Luật Nghi Khất Sĩ. Kinh Pháp Cú vốn đã gần gũi, quen thuộc với người xuất gia, qua lời giảng của Thượng tọa lại càng cho thấy sự gần gũi và giá trị ứng dụng hành trì tuyệt vời, từ đó, tạo một niềm tin vững chắc thúc đẩy hành giả nỗ lực tu tập đúng theo lời Phật, ý Tổ.

TT. Minh Thành – Phó ban Hoằng pháp TƯ. GHPGVN, Giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP. Hồ Chí Minh

tt.minhthanh

Mùa hạ năm nay, vì Phật sự tại Hoa Kỳ nên TT. Minh Thành gặp gỡ và chia sẻ với đại chúng an cư Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm ba lần. Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, Thượng tọa đã chia sẻ đến hội chúng về vấn đề Nghiệp trong Phật giáo. Lần lượt các định nghĩa về nghiệp của các truyền thống Phật giáo, tư tưởng nghiệp từ một số bộ kinh và các vấn đề Phật học liên quan đến quá trình vận hành của nghiệp được Thượng tọa giới thiệu và chia sẻ một cách tỉ mỉ, chi tiết. Bên cạnh khả năng nghiên cứu, sức cảm thụ văn học và chiều sâu tâm thức cũng được Thượng tọa chia sẻ với hội chúng qua bài giảng “Ngã ba tư tưởng của thơ thiền”. Ba nhân vật, ba thiền giả thi sĩ, một Trung Hoa, một Việt Nam, một Hoa Kỳ; hai quá khứ, một hiện đại, 3 tư tưởng lại gặp nhau ở một điểm. Giao điểm giác ngộ ấy được Thượng tọa bắt gặp và cười xòa như họ đã từng. Nhìn lại cái kiếp người mỏng manh, bé nhỏ mãi lặn hụp trong luân hồi, cái chân lý đầu tiên Phật nói bỗng sáng rực lên trong tâm. Nhận chân được nó, giật mình hiểu ra kiếp phù sinh nào được bao lâu để rồi nhủ lòng làm đẹp cuộc đời này bằng chất liệu yêu thương. Điểm thú vị ở những bài giảng của Thượng tọa là người nghe sẽ nắm bắt nội dung một cách hệ thống, chi tiết và sau khi có được những dữ liệu do Thượng tọa giới thiệu thì người nghe phần nào có thể tự mình tổng hợp, quy nạp để đưa ra đánh giá, nhận xét. Từ đó, có thể thấy nghệ thuật dẫn dắt tư duy, mồi lửa trí tuệ của Thượng tọa rất tài tình. Nhờ vậy mà không ít vị hành giả trẻ gom góp được thêm nhiều tư lương chuẩn bị cho hành trình tu học và hoằng pháp còn dài trước mắt.

TT. Giác Tây – Phó ban Hoằng pháp tỉnh Tiền Giang, Giáo thọ Giáo đoàn I

TT.tay

Mỗi tuần vào sáng thứ Sáu, TT. Giác Tây quang lâm Hạ trường và chia sẻ những vấn đề liên quan đến Giới Luật người xuất gia đến với hành giả an cư trong vòng một giờ, thời gian còn lại đại chúng được phép nêu lên những thắc mắc, nghi ngờ xung quanh việc nghiên cứu và trình hành trì giới luật. Bằng kinh nghiệm tu tập, Thượng tọa đã trả lời các câu hỏi, giải đáp các thắc mắc với dẫn chứng cụ thể. Từ những mơ hồ về ngôn ngữ diễn đạt, nguyên nhân ra đời của học giới cho đến những nhận thức lệch lạc trong hành trì của hành giả an cư nêu lên đều được Thượng tọa chia sẻ, giảng giải cặn kẽ bằng kinh nghiệm nghiên cứu kinh văn và quá trình công phu tu tập của mình. Qua những bài giảng của Thượng Tọa, chư Tăng hành giả an cư có thể tự định hình cho mình hình ảnh của một vị Tỳ-kheo đầy đủ giới hạnh như thế nào.

TT. Giác Đăng – Giáo phẩm Hệ phái, Giáo thọ Giáo đoàn I

TT.DANG

Già, bệnh, chết, phân ly và sở hữu nghiệp là đề tài mà Thượng tọa Giác Đăng chia sẻ đến hành giả an cư tại Hạ trường năm nay, mỗi tháng 2 lần. Năm điều quán tưởng này là quy luật hiện hữu trong cuộc sống nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể nhận diện và có thái độ chấp nhận sự thật đó. Qua lời giảng, bằng ngôn ngữ thiện xảo, ý pháp sâu sắc, màng vô minh trong tâm mỗi hành giả dần được gỡ bỏ, cái nhìn như thật và thái độ tích cực về cuộc đời được thiết lập. Không chỉ giảng giải cặn kẽ, Thượng tọa còn tạo điều kiện và khuyến khích hội chúng đặt câu hỏi nhằm làm sáng tỏ hơn những ý pháp được trình bày. Nhờ vậy mà mỗi hành giả phân minh phước nghiệp của tự thân, trân quý từng giây phút được sống và thực hành giáo pháp, nỗ lực tu tập ngỏ hầu nhanh chóng thành tựu giác ngộ, giải thoát.

TT. Giác Minh – Chánh Đại diện Phật giáo huyện Bình Thủy – An Giang, Giáo thọ Giáo đoàn I.

Thượng tọa là một vị giảng sư nắm vững giáo lý Phật giáo Nam - Bắc truyền, đồng thời thông suốt những tư tưởng tinh yếu trong bộ Chơn Lý. Qua 3 ngày sống chung tu học với chư Tăng hành giả an cư, Thượng tọa đã chia sẻ đến chư vị hành giả những kinh nghiệm tu học và hành trì của mình qua Chơn Lý “Ngũ uẩn”. Với kiến thức Phật học phong phú, Thượng tọa đã giảng giải lời dạy của Tổ sư về các vấn đề Phật học liên hệ đến Ngũ uẩn cả trong kinh điển Bắc và Nam truyền. Không chỉ tinh thông kinh điển, kể cả những kiến thức thuộc lĩnh vực khoa học hiện đại như vật lý, y học, tâm lý… cũng được Thượng tọa khéo léo sử dụng để chứng minh cụ thể cho những ý pháp mà mình triển khai làm cho thời pháp trở nên sinh động. Thông qua những bài pháp sâu sắc, mang tính ứng dụng tu tập cao, giúp hội chúng tăng trưởng thêm niềm tịnh tín đối với giáo pháp Phật-đà, và tinh tấn hơn trên con đường tu học mà mình đã chọn.

TT. Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Phó ban Hoằng pháp và Giáo dục Tăng Ni Trung ương GHPGVN

nhattu

TT. Thích Nhật Từ đến với Hạ trường với những bài giảng xung quanh 4 bài kinh: Kinh A-ma-trú (Ambattha Sutta), Kinh Ðại Duyên (Mahā Nidāna Sutta), Kinh Ðại Thiện Kiến Vương (Mahā Sudassana Sutta), Kinh Ðại Ðiển Tôn (Mahā Govinda Sutta). Qua những bài giảng của Thượng tọa, hội chúng lần lượt được biết đến trí tuệ và phương thức thiện xảo trong việc hàng phục ngoại đạo; đạo lộ giác ngộ vượt thoát khỏi mọi ngã chấp, tà kiến được Đức Thế Tôn vạch ra; triết học chính trị xã hội Phật giáo đóng góp cho việc xây dựng một quốc gia cường thịnh, vững mạnh và cuối cùng là quá trình tu tập lâu dài để có được phẩm hạnh toàn bích của một bậc Đạo sư. Với khả năng tư duy sâu sắc, lập luận logic, ngôn ngữ phong phú, Thượng tọa đã giảng giải lời Phật dạy, phân tích bối cảnh đối thoại, khung cảnh xã hội và các khía cạnh triết học rất đặc sắc, giúp đại chúng có cái nhìn đa diện hơn. Bên cạnh đó, Thượng tọa còn lưu ý đến hành giả những quan điểm của các tông phái xuất hiện sau Phật nhập Niết-bàn được phổ biến ở Trung Hoa cần phải cân nhắc trước khi phổ biến và hướng dẫn Phật tử tu tập theo. Vì các pháp môn ấy có thể có những phương hại nhất định đến giáo lý của Đức Phật và sự ảnh hưởng đến sự hưng suy của Phật pháp trong tương lai. Ngoài ra, Thượng tọa còn cho thấy giá trị ứng dụng vượt không gian và thời gian của lời dạy Đức Phật bằng cách so sánh, đối chiếu và dùng lời Phật dạy như là các phương pháp giải quyết các khó khăn trong đời sống tu tập của mỗi hành giả mong cầu giác ngộ, hay giải quyết những khó khăn tồn đọng trong tổ chức Tăng đoàn. Không chỉ có thế, mà những lời dạy minh triết của Đức Phật còn có công năng giải quyết những khó khăn của các quốc gia, xã hội. Thượng tọa còn dành 2 buổi giảng để giải đáp những ưu tư, trăn trở, thắc mắc về pháp môn tu tập, phương pháp hành trì và kỹ năng hoằng pháp được nêu lên từ phía hội chúng. Niềm nể phục với sở học uyên thâm và khả năng tư duy, biện luận đặc sắc là biểu hiện dễ thấy của các hành giả an cư dành cho Thượng tọa. Đối với các vị Tăng trẻ, những bài giảng của Thượng tọa có giá trị thúc đẩy đam mê nghiên cứu, học hỏi và dấn thân phụng sự giáo pháp.

ĐĐ. Giác Hoàng – Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Phó Thư ký Hạ trường

Giachoang

Xuất phát từ ưu tư về quan điểm nhận định về Đạo Phật Khất Sĩ của nhiều vị Tôn đức và các học giả nghiên cứu Phật học cho rằng sự xuất hiện, nội dung tu tập và phương pháp hành trì của Đạo Phật Khất Sĩ khá giống với Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (說一切有部, Sarvāstivāda), mùa hạ năm nay, ĐĐ. Giác Hoàng chia sẻ đến đại chúng an cư Dị Bộ Tông Luân Luận trong Hán tạng để minh định nhận định trên. Đây là một bộ luận có nội dung trình bày về lịch sử và các quan điểm dị đồng giữa các bộ phái Phật giáo trong khoảng 100 - 300 năm sau Phật nhập Niết-bàn. Đại đức mong rằng qua giới thiệu tổng quan bộ luận, đại chúng sẽ có cái nhìn rõ ràng và chi tiết hơn về quá trình hình thành các bộ phái Phật giáo cũng như quan điểm của từng bộ phái thông qua đó có cái nhìn chân thật về đường lối Khất Sĩ để khỏi bị lung lạc hay trả lời một cách thiếu hiểu biết khi có ai đặt vấn đề về Hệ phái mà mình đang sinh hoạt, tu học. Chắn chắc với số lượng một buổi mỗi tuần không thể nào trình bày, chia sẻ hết bộ luận đến hội chúng và vì sự phân tích, giảng luận chi tiết về các quan điểm nên năm nay đại chúng chỉ học đến các quan điểm về lộ trình tu chứng và quả vị của Đại Chúng Bộ và 3 bộ phái chi mạt của Đại Chúng Bộ là Nhất Thuyết Bộ, Xuất Thế Bộ và Kê Dận Bộ. Tuy nhiên, quan điểm về trí tuệ và sự giải thoát của một vị Arahant (A-la-hán), một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến phân phái Phật giáo, đã được giới thiệu và cung cấp cho hành giả an cư những góc nhìn đa chiều, thúc đẩy cá nhân mỗi hành giả cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao khả năng tư duy, nhận định, đánh giá của mình. Quan điểm về Đức Phật của Đại Chúng Bộ qua sự phân tích, nhận định dựa trên kiến thức vững chắc về cả Phật giáo Nam lẫn Bắc truyền mà Đại đức có được đã giúp cho đại chúng có cái nhìn đúng đắn hơn về Đức Phật, phân định rõ ràng đâu là một Đức Phật lịch sử, đâu là một Đức Phật huyền sử, nguyên ủy của khái niệm Bồ-tát và quá trình phát triển khái niệm đó. Lồng ghép vào những bài giảng, ngoài những khẳng định mạnh mẽ nhằm đánh tan những lầm chấp tồn tại trong hội chúng, Đại đức còn chia sẻ những mẫu chuyện liên hệ đến Đức Phật và các vị Thánh Tăng với nội dung tu tập sâu sắc nhằm nhắc nhở mỗi hành giả an cư hãy nỗ lực học tập nghiên cứu và tu tập tinh chuyên hơn.

ĐĐ. Giác Nhường – Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Đăk Nông, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM

Giacnhuong

Dù bận rộn với công việc Phật sự tại tỉnh nhà, nhưng với ý thức trách nhiệm của người con trò Khất Sĩ không quên báo đáp ân đức Tổ Thầy, vâng lời chỉ đạo của Ban Chức sự Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm, ĐĐ. Giác Nhường đã có 6 buổi thăm viếng và chia sẻ với đại chúng an cư. Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Minh Đăng Quang cũng như quá trình hình thành của Đạo Phật Khất Sĩ được Đại đức trình bày một cách chi tiết. Kèm theo đó là những cảm xúc, nhận định về Tổ sư, một nhân vật siêu phàm; quá trình lập đạo khó khăn và gương hạnh tinh chuyên giới luật của quý Đức Thầy và chư Tôn đức tiền bối. Lòng kính quý với Tổ sư và sự tha thiết đối với giáo pháp là điều được Đại đức thể hiện qua từng buổi giảng. Đại đức cũng chia sẻ và nhắn nhủ đến hàng Tăng trẻ phải cố gắng học tập, hành trì như thế nào để tiếp nối sự nghiệp của Tổ thầy trong tương lai.

Ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ

Buihuuduoc

Mùa hạ năm nay, đáp lời mời của HT. Giác Toàn – Hóa chủ Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm, nhân kết thúc chuyến tham dự Hội thảo Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc tại Kiên Giang, ông Bùi Hữu Dược đã đến thăm và có buổi nói chuyện với chư hành giả an cư tại Hạ trường. Trong buổi gặp gỡ, ông đã ôn lại dòng chảy lịch sử Phật giáo hòa mình cùng lịch sử dân tộc từ thuở đầu giữ nước thời Bà Trưng đến các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần. Xuyên suốt dòng chảy lịch sử ấy, Phật giáo xuất hiện nhiều bậc danh Tăng đã đóng góp không nhỏ cho quá trình hình thành các triều đại cũng như góp phần xây dựng hòa bình, phát triển đất nước. Đến giai đoạn cận đại, từ vị trí của một cán bộ nhà nước, ông hào hứng chia sẻ những đóng góp to lớn của GHPGVN cho sự yên bình, ổn định của xã hội cũng như tạo nên chất keo sơn bền chặt nối kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những đóng góp chung của GHPGVN, bằng niềm thân tình, quý mến ông cũng nhắc đến những đóng góp của Tổ sư Minh Đăng Quang trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo và những đóng góp không nhỏ của Hệ phái Khất Sĩ sau ngày thống nhất đất nước cho đến nay qua các nhân vật tiêu biểu như HT. Giác Nhu, NT. Huỳnh Liên, HT. Giác Toàn. Hơn một giờ gặp gỡ và chia sẻ, buổi nói chuyện thân tình của ông đến với chư Tăng hành giả an cư đã kết thúc trong niềm hoan hỷ thắm tình đạo vị.

Tóm lại, với thời lượng mỗi thời một tiếng rưỡi, hai thời mỗi ngày (một thời buổi sáng, một thời buổi chiều) đã tạo nên một sự cân bằng giữa việc học và tu tại Hạ trường. Những giáo lý, những kinh nghiệm chư vị Giáo thọ truyền dạy được các hành giả an cư nắm bắt, nỗ lực ứng dụng tu tập triệt để. Cảm nhận được lòng bi mẫn thương tưởng đến hàng hậu học qua từng lời giảng của chư Tôn đức, sức tinh tấn và những tiến bộ trong tu tập của đại chúng an cư ngày càng được biểu hiện rõ hơn. Những thời pháp được thọ học trong ba tháng an cư tại Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm chắc chắn sẽ tưới tẩm hạt giống giác ngộ trong tâm thức mỗi hành giả nảy mầm và phát triển xanh tươi. Những lời dạy, kinh nghiệm quý báu của chư Tôn đức sẽ luôn được chư hành giả làm hành trang hướng đến mục tiêu giác ngộ, giải thoát tối hậu.

IMG 4086

BTN 0017

IMG 4608

IMG 6084

IMG 6103

IMG 6180

giamkhao

tangqua