Nội dung tu tập và phương pháp hành trì của HPKS

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam xuất hiện từ thập niên 40 của thế kỷ XX, bắt nguồn từ hai hệ phái Phật giáo Nam tông và Bắc tông để hình thành nên một hệ tư tưởng mang đậm tính dân tộc. Nơi Đạo Phật Khất Sĩ, hình thức tu học, phương pháp hành trì, kiến trúc đạo tràng thờ phượng… tất cả đều thấm đượm nét riêng của người Việt Nam. Đạo Phật Khất Sĩ thể hiện được tính phổ biến, gần gũi, dễ hiểu, dễ học, dễ hành trì… cho nên đã có sức lan toả ra nhiều nơi và dần trở thành yếu tố đạo đức trong cuộc sống của người Việt Nam khi nó truyền đến.

TSMDQ016 600x340

Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, đã thích nghi, vận dụng và kết hợp hài hòa truyền thống lâu đời của Phật giáo, xác lập tính đặc thù với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Với bổn nguyện độ sinh bắt nguồn từ lòng từ bi, Tổ sư Minh Đăng Quang hành đạo, mở mang mối đạo nhằm lợi lạc quần sinh, đưa con người rời xa sông mê trở về bến giác. Dù trải qua nhiều thăng trầm, sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp của Ngài và Tăng đoàn qua từng thời kỳ càng thêm khởi sắc, phát triển rộng rãi. Các giáo đoàn Tăng Ni sau thời gian trụ xứ tự tu trì, đến giai đoạn đất nước đang chuyển mình đổi mới cũng đã từng bước hội nhập và trở thành thành viên sáng lập trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giờ đây, bao thăng trầm đã đi qua, đất nước thu về một mối, tinh thần dân tộc ổn định, bản sắc văn hóa được giữ gìn phần lớn là nhờ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, trong đó tôn giáo đóng vai trò lớn trong việc nối kết tư tưởng, tinh thần dân tộc, bằng tấm lòng xả kỷ lợi tha, hơn thế nữa đã và đang tiếp tục góp phần đáng kể trong cuộc sống xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày nay, trong xã hội kinh tế thị trường theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước ngày càng phát triển, mọi hoạt động, tư duy nghiên cứu, sống và làm việc… đều mang tính khoa học, con người cần có tầm nhìn rộng lớn trong mọi lãnh vực, hướng đến chân thiện mỹ. Bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang đã khẳng định được điều này. Bộ Chơn lý trình bày theo phong cách khoa học về nguồn gốc con người, triết lý con người và thiên nhiên về đời sống đạo đức nhằm xây dựng một xã hội an lành hạnh phúc tại nhân gian.

Nói đến Tổ sư Minh Đăng Quang, không thể không nhắc đến bộ Chơn lý mà chính Tổ sư đã thân chứng thuyết giảng ra. Đây là kho tàng Pháp bảo của một bậc chân tu, một vị Bồ-tát đủ hạnh nguyện lợi tha. Nội dung bộ Chơn lý cho thấy trí tuệ tu chứng của Ngài hết sức thâm hậu, cao siêu, mang tầm cỡ của bậc đa văn đại trí hướng đến việc xây dựng xã hội, đào tạo con người khả năng vượt qua đêm tối vô minh, không đi theo huyễn hoặc, siêu hình, tìm hạnh phúc chân thật từ chính cuộc sống.

Trong phạm vi bài này, người viết xin trình bày cái nhìn của mình về Chơn lý qua đề tài nội dung tu tập và phương pháp hành trì của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam nay là Hệ phái Khất sĩ.

1. Nội dung tu tập: Nhiếp phục ba nghiệp thân khẩu ý

Hạnh phúc và khổ đau của nhân loại trên thế gian này đều xuất phát từ chỗ biết và không biết nhiếp phục thân khẩu ý. Chính vì vậy giáo pháp của Đức Phật chỉ cho nhân loại thấy được nguyên nhân của khổ đau và phương pháp giải thoát khổ đau. Đức Phật đã dạy bằng nhiều cách khác nhau để giúp hành giả đoạn trừ lậu hoặc. Sự việc này nói lên ý nghĩa của giáo dục đối với cá nhân: Mỗi người có một nghiệp riêng, như thế, họ cần có cách riêng để xóa bỏ nghiệp ấy. Nói khác đi, mỗi cá nhân suy nghĩ với khối óc của mình và đi trên đôi chân của mình. Đức Phật đòi hỏi con người không tùy thuộc vào Ngài hay vào một quyền năng nào ở bên ngoài, Ngài dạy: “Hãy tự mình là chủ tể của mình, ai khác có thể là chủ tể? Với sự tự điều phục, con người tìm thấy đấng chủ tể khó có [1].

Trong Luật nghi Khất sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang cũng có chỉ dạy phương pháp cho Tăng Ni tu tập nhiếp phục ba nghiệp ở điều 37, 39, 40, 41, 42, 43, 44 như sau: “Cấm nói chuyện người, cấm nói xiên xỏ qua lại, cấm nói phạm thượng, cấm cãi cọ lớn tiếng, cấm vô lễ bất kỉnh với bậc bề trên, cấm nói lời thô lỗ cọc cằn, cấm nói lời vô ích với Sư trưởng”. Ý căn rất quan trọng và vô cùng vi tế. Thân khẩu là tướng thô có thể nhìn thấy, có thể nhiếp phục còn ý nghiệp ẩn tàng trong tiềm thức, trong suy nghĩ  khó có thể ngăn chặn từ ban đầu nếu tự hành giả không chịu tỉnh giác nhiếp phục. Vì thế, Tổ sư đã có những điều luật để ngăn ngừa không cho sinh khởi những ý nghĩ sai quấy.

  “Ở điều 32 cấm cố ý muốn đòi hỏi kêu xin sái luật, điều 64 cấm viết giấy thư từ mà nói chuyện hoặc gởi cho người thân quen biết mà không xin phép, điều 70 cấm người xuất gia mà còn tham lam sân giận si mê, điều 74 cấm đem lòng phiền giận khi có ai chỉ dùm chỗ lỗi, điều 86 cấm cố ý bất hòa và sau mỗi việc không hòa, điều 88 cấm Tăng sư khinh bỉ ra lệnh thị nạt Ni cô, điều 90 cấm Tăng sư kêu đòi Ni cô đến riêng nói chuyện, và điều 113 cấm hay kiếm chuyện này chuyện kia làm phiền trong Giáo hội” [2].

Giới luật và những pháp học căn bản cho Tăng Ni Khất sĩ xuất gia

Để bảo vệ vững chắc giới luật nhà Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang đã chế thêm 114 điều luật cho Tăng Ni Khất sĩ xuất gia để an trú, thanh tịnh, gìn giữ giềng mối đạo pháp. Trong Bài học Sa-di, Tổ sư dạy bậc đã bước gần ngưỡng cửa của hàng Tỳ-kheo là hàng tập sự Tỳ-kheo học hỏi để đến ngày đứng vào hàng Tỳ-kheo thiệt thọ nhận lãnh giới luật Tỳ-kheo, vì vậy Bài học Sa-di là bài mở đầu, kế Bài học Sa-di I là bài Kệ giới, tức dạy cho Sa-di dùng giới luật Sa-di mà làm hàng rào giữ gìn thân tâm, đến Pháp học Sa-di II là bài học Tổ dạy lên cao hơn một chút là diệt lòng ham muốn, còn Pháp học Sa-di III là pháp học vi tế  dạy hàng đệ tử Sa-di hãy lấy bài học này soi rọi tâm mình sẽ thấy những pháp vi tế khó thấy. Chính những lỗi vi tế ngủ ngầm trong tiềm thức của mình, nếu không mạnh dạn diệt trừ thì nó chính là chướng ngại lớn lao cản trở mình bước lên nấc thang cao hơn trên đường giác ngộ giải thoát. Còn Giới bổn Tăng, Giới bổn Ni và 114 điều luật này cũng thế, có những loại giới mang tính kết hợp hoặc giới chỉ trì và tác trì, giới tạm thời và giới trọn đời, giới thế gian và xuất thế gian, giới thuộc bậc hạ, bậc trung, bậc thượng, giới vị kỷ, vị tha, vị pháp, có thanh tịnh, bất tịnh, khả nghi, giới tự nhiên, giới theo cổ tục, giới tất yếu và giới do nhiều đời trước, giới thanh tịnh hữu lậu, thanh tịnh vô lậu, thanh tịnh đã viên mãn, thanh tịnh không dính mắc và thanh tịnh để tịnh chỉ tất cả. Vì sự lợi ích của chúng sanh vì sự trường tồn của giáo pháp Tổ thầy, tất cả giới pháp đều đưa về một mục đích ấy.

Tổ sư thường cảnh tỉnh: “Tinh thần không chật, vật chất không hao, sự của lý là có, lý của nó là không”. Ý của Tổ muốn hàng xuất gia hãy vì lợi ích chung bước đầu khép mình trong khuôn khổ giới luật để thuần hóa thân tâm của mình vốn đã từ lâu như ngựa rong chơi ngoài đồng nội. Chúng ta cũng đã từng thọ học, thực hành lời Phật dạy đối với người con Phật “hãy thừa tự pháp bảo hơn là thừa tự tài vật”. Pháp bảo chính là nguồn tài sản cao quí hơn mọi thứ tài sản trên đời. Trong Kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Thánh hạnh, Đức Phật cũng dạy: “Tại sao được gọi là Thánh nhân? Được gọi là Thánh nhân vì những bậc này thường hành Thánh hạnh và có bảy thứ tài sản của Phật thánh là: Tín, Giới, Tàm, Quí, Đa văn, Trí tuệ, và Xả ly”.

Người xưa đã bảo tu mà không học là tu mù, học mà không tu là cái đãy chứa sách, như trong bài học “Khất sĩ” đã dạy: “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn, đi xin ăn để tu học, Khất sĩ là cái sống của chơn lý vũ trụ mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy… chúng sanh đây là căn thân chủ thức… học không phải ở một chỗ mà cần phải bước lên đi tới, phải đi theo thời duyên cảnh ngộ… ngoài khất thực ra không có pháp nào thứ hai để diệt trừ tham sân si được, mà nếu tham sân si không diệt thì người ta với cỏ cây loài thú như nhau. Vậy tiếng khất sĩ chỉ có nơi Người, Trời, Phật mà thôi. Khất sĩ khuyên lơn người giàu, an ủi người nghèo… tránh khổ cho người giác ngộ, cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện … [3].

Thiền định – quán chiếu, sổ tức quán: đạt đến thân chứng

“Định là chánh, Thể của Định là vũ trụ bao la vô cực, Tướng của Định là chơn như không vọng động, Dụng của Định là thay đổi tiến hóa, an vui giác ngộ của tinh thần, Lý của Định là tự nhiên chơn thật, Thân của Định là Giới, Trí của Định là Huệ, Tánh của Định là Chơn, còn Định là Tâm của tất cả chúng sanh hay cũng là sự sống sức mạnh bao gồm tất cả” [4]. Không bận tâm bởi ngũ dục lục trần, hành giả mới đạt được định tĩnh, vững chãi ở trong tâm, không còn dao động bởi những cám dỗ tầm thường của thế tục, như ngọn đèn vững vàng được bao bọc bởi bóng đèn, ánh sáng tỏa rạng soi rọi khắp nơi. Thật vậy, hành giả Khất sĩ khi đầy đủ giới như trang bị áo giáp không sợ bị mũi tên độc của tham sân si, phiền não, nghiệp chướng đâm xuyên phá được và từ đây bước chân đi du hóa gieo hạt giống từ bi trí tuệ khắp muôn nơi. Đó là hạnh nguyện của một Tỳ-kheo Khất sĩ.

Trong nếp sống thiền môn của chư Tăng Ni Khất sĩ, thiền định - quán chiếu là một nếp sống không thể thiếu để trau dồi nội lực, tịnh hóa tam nghiệp, trở về với bản tâm thanh tịnh chơn như của chính mình. Chính sự quán chiếu này, Tổ sư Minh Đăng Quang đã đạt được đạo khi nhìn thấy bọt sóng từng đợt vào ra tựu  tán. Để được nếp sống như vậy, người xuất gia phải là chơn tâm xuất gia cầu đạo giải thoát, quyết lòng thực hành cho đến khi đạt đạo mới thôi. Lại nữa, hành giả phải chánh định diệt trừ vọng niệm cắt đứt vòng hệ lụy, cởi trói sợi dây oan nghiệt, trở về với chơn tâm thường trú của chính mình, tìm lại Phật tánh của mình.

 Và như vậy, trong Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, Tổ sư Minh Đăng Quang chủ trương thiền định quán chiếu, vì đó là mục tiêu quan trọng của người xuất gia, có chánh định mới làm chủ được mình, mới làm thầy của trời và người, làm chỗ dựa cho bao tâm hồn bị lạc lõng không nơi nương tựa. Tăng là người thừa kế sự nghiệp của chư Phật ba đời “kế vãng khai lai báo Phật ân đức” làm rường cột và đảm bảo cho ngôi nhà Phật pháp trường tồn mãi mãi trên thế gian này.

2. Giữ gìn Y bát chân truyền

Trong đời sống của một Tỳ-kheo chơn chánh, tài sản chỉ có 3 y và bình bát. Đức Thế Tôn là hình ảnh gương mẫu cho tinh thần này, trở thành người vô sản ngay từ khi quyết định ra đi tìm con đường giải thoát cho nhân loại. Một mình một bóng, Ngài dấn thân vào đời sống tu hành khổ hạnh giữa chốn rừng già. Ngài biết rằng cung vàng điện ngọc vợ đẹp con xinh uy quyền thế lực là chất men nồng cao độ làm đê mê say cuồng và có thể giết chết một ông hoàng giữa vòng tục lụy. Sau hơn mười năm tầm đạo, con người ấy đã thật sự thoát ly những khổ đau trói buộc của phàm tình, đầu tiên trên bước lữ hành ôm bát hóa duyên theo hạnh xưa của ba đời chư Phật. Ngày trở về thành để thăm hoàng tộc, Ngài cũng với hình ảnh này hóa độ hoàng thân quốc thích. Thử hỏi, còn hình ảnh nào cao đẹp hơn và hạnh phúc hơn người đã cắt ái ly gia, xem vật chất là nhu yếu, nêu cao tinh thần thiểu dục tri túc để hòa nhập san sẻ cùng với tất cả chúng sanh, để hóa độ chúng sanh không còn khổ đau trói buộc trong cuộc đời giả tạm vô thường. Một cuộc đời nhẹ nhàng giải thoát, không tham cầu ước muốn như cánh chim trời lộng gió bay khắp muôn phương đem tình thương cho khắp mọi loài.

Ba y gồm y thượng, y hạ, và y trung. Bát phải được làm bằng đất nung đỏ vuốt tròn đốt đen có lăn sáp bên ngoài để không còn có giá trị sang trọng, một cái nắp đậy bát bằng nhôm trắng nhẹ, một cái túi vải tròn vừa với bát có nắp phủ, có quai mang choàng vào vai. Y tượng trưng cho bầu trời, bát tượng trưng cho quả đất , bát là ruột, y là da luôn luôn được gìn giữ trân quý. Tấm y quả bát từ chư Phật ba đời truyền trao, khi thực sự đứng vào hàng trưởng tử của Đức Như Lai thì y bát là một pháp khí thiêng liêng, đánh dấu sự trưởng thành đầy đủ giới đức trang nghiêm, xứng đáng đứng vào hàng ngũ của Tăng đoàn. Vì vậy, y bát đã được Tổ sư truyền thừa trên tinh thần đó. Không có y bát, hành giả như chim mất cánh, như cây lìa cành, vì y bát là đôi cánh cho hành giả hướng đến phương trời cao rộng, vượt thoát ấm ma, làm bậc xuất trần thượng sĩ, làm lợi lạc quần sanh, tạo Niết-bàn tịnh lạc ngay cõi trần gian này. Người Khất sĩ đã tiếp nối truyền thống Thích-ca, xây dựng Chánh pháp tại thế gian này qua hình ảnh tiêu biểu:

Y vàng nhẹ bước vân du

Bát nung nặng mối tình thu muôn ngàn.

Đấy là hình bóng của Tổ sư Minh Đăng Quang đầu tiên hành đạo ở làng Phú Mỹ ngày xưa. Ngài đã nối truyền Thích-ca Chánh pháp lập nên Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam với y bát chơn truyền đi khắp đó đây, nối hạnh Phật xưa ôm bát hóa duyên hóa độ chúng sanh, lập nên hệ phái biệt truyền với ý nghĩa nhiệm mầu của đoàn Du Tăng Việt Nam. Với chí nguyện thiêng liêng cao cả, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã làm rạng ngời giáo pháp .

Một bát cơm ngàn nhà,

Thân đi muôn dặm xa,

Mắt xanh xem trần thế,

Mây trắng hỏi đường qua.

Y bát đã làm lợi lạc cho muôn loài, cho tất cả cho nhân loại, đem tinh thần xả kỷ lợi tha, giáo hóa chúng sanh cương cường nan độ, lấy hạnh từ bi bình đẳng để đến với muôn người, không phân biệt nghèo giàu. Tấm y có năng lực bố ma, phá ác, ngăn ngừa mọi lỗi lầm có thể xảy ra, “bởi khất cái với khất sĩ cũng tương tự in nhau, vì kẻ gian manh muốn sắm áo bát bao nhiêu cũng được người khất sĩ phải là có thật học phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất sĩ [5] và tạo nên mảnh ruộng phước điền cho người gieo hạt giống Bồ-đề. Chiếc bát có công dụng diệt trừ tham sân si tăng trưởng tinh thần thiểu dục tri túc của người xuất gia.

Nói về lợi ích của hạnh mặc y phấn tảo “Vị này không đau khổ do phải giữ gìn y phục, sống không tùy thuộc vào người khác, không sợ trộm cướp, không có sự thèm muốn đối với y phục. Vì những vải ấy dễ kiếm, ít giá trị, nhờ đó sẽ phát sinh kết quả ít muốn biết đủ và tinh tấn tu tập [6].

Nhà sư Khất sĩ đầu đội trời chân đạp đất, đi khắp đó đây để giáo hóa chúng sanh, tự lợi và lợi tha, vũ trụ là nhà chúng sanh, là thân bằng quyến thuộc. Hạnh người xuất gia là đi giáo hóa, gieo duyên Phật pháp với tất cả muôn loài, đêm về tĩnh toạ dưới gốc cây, lấy trời làm màn lấy đất làm chiếu, không gì của ta, tâm thảnh thơi giải thoát, không lo lắng buồn phiền. Thanh tịnh đạo luận trang 36 có mô tả về hạnh ở gốc cây: “Người theo hạnh này phát nguyện: Tôi theo khổ hạnh ở gốc cây hoặc tôi từ chối một mái nhà có 3 cấp bậc, cấp thượng là không được phép quét dọn sạch sẽ gốc cây đã chọn, cấp trung có thể nhờ người nào đó quét dọn gốc cây, cấp hạ là có thể sai những chú tiểu trong chùa quét dọn sạch sẽ trải cát bằng phẳng xung quanh gốc cây [7].

Ngồi dưới gốc cây thấy lá cây rơi rụng, hành giả quán chiếu được sự vô thường biến đổi, hợp tan, ly biệt, tụ tán, hoại không mà đoạn trừ được lòng tham. Vì mục đích cao thượng ấy, người Du tăng Khất sĩ đã chọn cho mình lý tưởng thoát trần này để làm mục tiêu cho chí nguyện xuất gia với tinh thần lục hòa được Tôn sư Minh Đăng Quang đề cao: “Nên tập sống chung tu học”.

Đó là hạnh nguyện độ tha của Du tăng Khất sĩ khi chọn cho mình pháp môn thực hành khất thực, ôm bát hóa duyên không nấu nướng để nuôi dưỡng lòng từ không bận rộn để dành thời gian tham thiền nhập định, không cất giữ của riêng đồ ăn uống để tâm trí rảnh rang cất chứa giáo lý Phật-đà, làm tài sản để ban phát cho tất cả chúng sanh làm hành trang cho mình đi về bến bờ giác ngộ.

Về sự đi khất thực, Tổ sư đã chỉ dạy thành 26 điều cụ thể, chi tiết hóa từng oai nghi, phép tắc được ghi trong Luật nghi Khất sĩ [8] mà chúng ta khó có thể tìm thấy trong Luật tạng nào, dù là Luật Nam truyền hay Bắc truyền.

Đi xin để khắc sâu tình vạn loại

Tổ sư Minh Đăng Quang cũng thế, Ngài đã nối truyền Thích-ca Chánh pháp. Ngài được chư Phật ba đời hộ trì, thành lập "Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam" nay là "Hệ phái Khất sĩ". Đây là hệ phái giữ nguyên nếp sống đạo hạnh thanh bần của Tăng chúng thời Đức Phật, không chấp chứa, không tham đắm. Dưới đây là Niết-bàn thời khắc biểu, thời khắc buổi sáng là thời khắc dành để giáo hóa độ sanh, thời khắc chiều tối là thời khắc dành riêng tu tập.

1. Chiều 5 giờ đến 7 giờ sáng tu tịnh ngủ nghỉ, hoặc gốc cây vườn rừng hoặc chùa am cốc tùy theo phương tiện.

2. Sáng mai 8 đến 9 giờ khất thực theo đường dài hoặc nơi xóm làng thành thị.

3. Giờ trưa 11 đến 12 giờ độ cơm.

4. Chiều 3 đến 4 giờ thuyết pháp.

5. 6 đến 7 giờ thiền định.

6. 12 giờ đến 1 giờ khuya thiền định.

Du Tăng khất thực bước đầu hành đạo tại các tỉnh miền Tây từ Mỹ Tho trở ra. Mỗi buổi sáng, bóng huỳnh y phất phới các nẻo đường khiến cho dân chúng khởi lòng kính trọng muốn hộ trì, từ đó mối đạo cũng dần được mở mang. Lần lên miền Đông nơi mảnh đất phồn hoa đô hội của Sài Gòn, có mặt ở miền Trung, nơi mảnh đất khô khan khổ cực, đoàn Du tăng Khất sĩ đã thổi vào những nơi này luồng đạo hạnh mới, đem ánh sáng của đạo giải thoát đến cho mọi người, thay đổi cuộc đời của người dân, để rồi ngày càng nhiều người biết quy y Tam Bảo, biết bố thí cúng dường, biết trì trai giữ giới. Dần dần, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã trở thành chỗ nương tựa tinh thần vững chắc cho nhiều người có duyên cảm đức.

Cơm áo gạo tiền là huyết mạch nuôi sống con người, thế nhưng, không vì thế mà người Khất sĩ duy trì mạng sống bằng con đường giết hại hoặc làm tổn thương đến vạn vật chúng sanh. Người Khất sĩ chỉ xin ở lòng từ rộng mở, quý đạo chơn chánh mà cúng dường tịnh vật chay lạc để nuôi thân này. “Ấy vậy tiếng chay lạc là sự trong sạch hiền lành để trau tâm hay cũng vì tâm đã hiền lành trong sạch mà đã ăn như vậy, chứ không thể nuôi sống bằng cách ác hay cấu trược được. Nên gọi rằng miếng ăn của tâm chay, hay miếng ăn chay là của tâm trong sạch hiền lành [9].

Từ ngày quyết chí lập tu theo hạnh xưa của Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang thực hành pháp hạnh khất thực không nhà cửa, không bếp lửa, du hóa Ta-bà, nhận cơm từ lòng tịnh tín trong sạch mà nuôi thân, chớ không nhận thức ăn bất tịnh. “Vì miếng ăn mà người khóc người than, miếng ăn mà người thù người oán, ăn đầu ăn sọ người ta, ăn óc ăn tủy người ta, ăn phá hại nhà cửa, ăn xác thân quần áo của người ta, miếng ăn độc ác bất nhân, ăn thịt chúng sanh vô nhân phi nhân có đâu là phải lẽ cho loài người, mà sao chúng ta lại không chừa bỏ? Ăn là để sống thì ăn thiện mới sống yên, chứ ăn ác độc thì làm sao mà sống được, quên cái gì cũng được chớ cái tội ác của chúng ta sao lại đi nỡ quên, mà hại người mãi mãi [10].

 Thức ăn thanh tịnh trong sạch làm cho lòng mình nhẹ nhàng, tâm trí yên ổn bình tĩnh, không vọng động, không nóng nảy, máu huyết điều hòa, cơ thể khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn sáng suốt. Đây là nền tảng cho sự phát triển thiền định, quán chiếu soi rọi tâm linh, quán chiếu hơi thở, điều chỉnh thân tâm đạt đến thân an tâm lạc, tháo gỡ mọi vướng mắc kiến chấp, hành thiền định, xả niệm lạc trú dần dần thành tựu quả vị vô thượng. Đó là nấc thang cuối cùng cho người xuất gia đứng trên mảnh đất thân chứng đạo quả.

Để kết thúc bài này, người viết xin trích bài kệ Phật dạy:

Người trú giới có trí,

Tu tập tâm và tuệ,

Nhiếp tâm và thận trọng,

Tỳ-kheo ấy thoát triền[11].

                                                                        

 


[1]Tiểu bộ kinh-Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ, tập III, tr. 160 .

[2]Tổ sư Minh Đăng Quang , Luật nghi Khất sĩ .

[3]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Khất sĩ” , Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.

[4] Sđd, “Nhập định”, tr. 339-340.

[5]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I Y bát c hơn truyền ”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr 289.

[6]Buddhaghosa, Thích Nữ Trí Hải dịch, Thanh Tịnh Đạo Luận , tr. 32

[7]Sđd,tr . 36.

[8] Tổ sư Minh Đăng Quang , Luật nghi Khất sĩ , tr 57.

[9] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập I “Ăn chay”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 320.

[10]Sđd, tr . 336.

[11] Tương Ưng I, HT. Thích Minh Châu – Viện Nghiên cứu Phật học . tr 13