Nối truyền Thích-ca Chánh pháp

A. Lời nói đầu

Trong việc tu học, điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải có định hướng. Cũng như chiếc thuyền không có người lái, không có định hướng, nó chắc chắn bị trôi giạt bềnh bồng. Chánh pháp đức Phật khai sáng giúp người thực tập đoạn trừ khổ đau, thành tựu chánh trí, chứng quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đề cao tôn chỉ: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” chính là nối truyền Chánh pháp vô lậu này.

HTGiacGioi

B. Nội dung chính

Trước hết, chúng ta cần phải định nghĩa rõ ràng Chánh pháp là gì?

I. Chánh pháp là gì ?

Đức Thế Tôn sau khi nhận thức rõ chỉ có con đường từ bỏ thế giới vật chất, xuất gia tầm đạo, và tu tập theo một pháp môn cao thượng mới có thể tự giúp mình và giúp chúng sinh vượt qua biển khổ được. Ngài đã từng thọ học với hai vị thầy nổi tiếng thời bấy giờ là Alara Kalama và Uddhaka Ramaputta nhưng sau khi thực tập và chứng đạt trạng thái cao nhất trong giáo pháp của hai vị này, Ngài vẫn không tự thấy niềm an lạc giải thoát, chỉ đến khi, ngài nhập thiền định dưới cội Bồ-đề, quán sát Lý Duyên khởi và tự mình tìm ra con đường giải thoát thật sự. Chánh pháp chính là đây.

Giáo pháp Ngài đạt được là con đường vô sinh bất tử, đem an lạc đến cho tất cả mọi loài. Thế nhưng khi quán sát lại, Ngài thấy căn tánh chúng sinh vô minh che khuất khó có thể nào hiểu được, tiếp nhận, tu tập để có được an lạc cho tự thân. Trước sự do dự này, Phạm thiên Sahampati đã hiện ra đảnh lễ thỉnh Phật thuyết pháp độ sinh: “Xin Đức Thế Tôn hãy thuyết pháp, trong chúng sinh sẽ có người hiểu và thực tập được lời dạy của Ngài, sẽ đạt được sự an lạc giải thoát”.

Thế rồi, đức Phật bắt đầu hoằng hóa và hai vị thầy được Ngài nghĩ đến trước tiên sẽ là những vị có thể hiểu chánh pháp và thực hành chánh pháp. Nhưng hai thầy đã viên tịch, nên đức Phật đến vườn Nai gặp năm anh em Kiều Trần Như. Đức Thế Tôn bắt đầu chuyển bánh xe pháp.

Khi về thăm lại vương quốc Ca-tỳ-la-vệ, công chúa Da-du-đà-la có bảo hoàng nhi La-hầu-la đến xin đức Phật truyền cho vương vị. Nhưng đức Phật chỉ trao truyền chánh pháp, hóa độ La-hầu-la xuất gia. Trong những năm tháng hoằng dương chánh pháp, đức Phật nói: “Như Lai thương chúng sinh như thương La-hầu-la…”; điều đó nói lên rằng đức Phật từ bi thương chúng sinh không phân biệt thân sơ, căn cơ, trình độ, già trẻ, nam nữ…, Ngài đều hướng dẫn thực hành chánh pháp vô lậu để tất cả thực tập sớm hay muộn cũng thành tựu được quả vị giác ngộ giải thoát.

Chánh pháp muôn đời vẫn sáng chói, chỉ có thế gian u tối, chúng sinh vô minh, xoay cuồng, choáng váng trong biển tham ái, ngã chấp không thấy được chánh pháp mà mê nói rằng chánh pháp lu mờ, hoại diệt.

Các nhà nghiên cứu Phật giáo cho rằng 45 năm đức Phật hành đạo và tiếp đó 100 năm sau khi Phật nhập diệt được gọi là thời kỳ Chánh pháp an trú. Sau đó, Tăng đoàn vì bất đồng quan điểm trong hành trì giới pháp và nhận thức mà phân chia hơn 20 bộ phái và phân phái mãi cho đến ngày nay. Giai đoạn về sau này, các nhà nghiên cứu gọi là thời kỳ Chánh pháp không an trú.

Chánh pháp được phân ra hai loại: Chánh pháp hữu lậu và Chánh pháp vô lậu.

Trong Đại kinh Bốn mươi thuộc Trung Bộ Kinh, đức Phật có dạy về định nghĩa Chánh pháp.

Các pháp Bát Chánh đạo, Bố thí, Cúng dường… đều được xếp vào loại Chánh pháp hữu lậu. Người thực tập Chánh pháp hữu lậu có phước duyên được sinh vào các cõi trời Dục giới, Sắc giới tương xứng. Vào thời đức Phật, các du sĩ ngoại đạo đều có thể tu tập trong chánh pháp hữu lậu như không làm điều gì ác, làm các điều lành. Còn đức Phật đặc biệt hơn, khai sáng Chánh pháp vô lậu giúp người thực tập rốt ráo chứng đắc Niết-bàn, vượt khỏi vòng tử sinh luân hồi trong ba cõi sáu đường. Nếu nói Bát Chánh đạo là chánh pháp hữu lậu thì Thánh Bát Chánh đạo chính là Chánh pháp vô lậu vậy.

Bởi Chánh pháp vô lậu đức Phật truyền vào Việt Nam đến nay đã suy vi nên đức Tổ sư Minh Đăng Quang mới nối truyền Chánh pháp, làm sống lại Chánh pháp. Tôn chỉ Tổ sư đưa ra chính là: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” là định hướng để Tăng đoàn Khất sĩ tu tập và hoằng pháp độ sinh.

HTThienNhon 10

II. Ý NGHĨA NỐI TRUYỀN

1. Tầm quan trọng của Quyết định pháp

Có lần đức Phật lấy hình ảnh chiếc trống để nói đến sự tu học Phật pháp. Ban đầu cái trống ấy được người thợ thiện xảo làm nên có tiếng vang dội, ấm áp rất hay. Trải qua thời gian biến đổi, chiếc trống bị hư một cái chốt và người ta thay vào một cái chốt mới. Lần lượt, người ta thay dần hết cái chốt này để cái chốt khác để cái trống luôn được sử dụng. Không ngờ rằng, tuy cái trống vẫn còn sử dụng nhưng âm thanh đã đổi khác tự bao giờ. Tiếng vang của trống không còn nguyên như xưa nữa. Câu chuyện này được viết lại trong Kinh Tương Ưng, Chương XI, Kinh Tương ưng Thí dụ, VII. Cái Chốt trống (Ani Sutta).

Trong Chơn lý “Pháp Chánh giác” (số 52), đức Tổ sư nói: “Pháp chánh giác có ra là do Tứ Diệu đế. Pháp là chánh giác, là pháp của trong Tứ Diệu đế, do Tứ Diệu đế sanh ra. Chánh giác là Pháp là tiếng trống, Tứ Diệu đế là dùi trống, mặt đất cõi đời là mặt trống. Bởi có mặt trống, Phật mới chỉ ra dùi trống, dùi chạm mặt mới sanh tiếng trống. Tiếng ấy là Pháp Chánh giác, còn chúng sanh là người nghe. Tứ Diệu đế là: Khổ, tập, diệt, đạo”.

Khi Tăng đoàn phân phái cũng như chiếc trống bắt đầu thay chốt, giáo pháp bắt đầu có sự thêm thắt, đổi mới, và rồi Tăng đoàn sẽ không còn như Tăng đoàn năm xưa thời Phật còn tại thế.

Trong Tăng Chi Bộ, phẩm V – Năm pháp, XVI. Phẩm Diệu Pháp, đức Phật nói về tầm quan trọng của Quyết định tánh. Có Quyết định tánh tức có Chánh tri kiến, có định hướng để thực tập đi đúng với Chánh pháp của Như Lai. Đức Phật dạy:

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm? Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, nghe pháp với tâm tán loạn, không nhứt tâm và không như lý tác ý.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm? Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, nghe pháp với tâm không tán loạn, nhứt tâm và như lý tác ý.

Thành tựu năm pháp, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm? Khinh lời thuyết giảng, khinh người thuyết giảng, khinh tự mình, ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm? Không khinh lời thuyết giảng, không khinh người thuyết giảng, không khinh tự mình, có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp không có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm? Nghe pháp với tâm chê bai, với tâm bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp được giảng, tâm bị choáng váng, bị chai sạn; ác tuệ; đần độn, câm điếc, không tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người nghe diệu pháp có thể nhập vào quyết định tánh, chánh tánh trong các thiện pháp. Thế nào là năm? Nghe pháp với tâm không chê bai, không bị chê bai ám ảnh; nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi khuyết điểm; trong khi pháp được giảng, tâm không bị choáng váng, không bị chai sạn; có trí tuệ; không đần độn, không câm điếc, tác ý hiểu biết đối với những vấn đề không hiểu biết.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không cẩn trọng nghe pháp; không cẩn trọng học thuộc lòng pháp; không cẩn trọng thọ trì pháp; không cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; không cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cẩn trọng nghe pháp; cẩn trọng học thuộc lòng pháp; cẩn trọng thọ trì pháp; cẩn trọng quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; cẩn trọng thực hành pháp và tùy pháp sau khi hiểu ý nghĩa và hiểu pháp.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn, và biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không học thuộc lòng Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo không có đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tâm không tùy tầm, không tùy tứ, với ý không tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng pháp, Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Ðây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo thuyết pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo để cho các người khác nói pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo đọc tụng pháp một cách rộng rãi như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn và không biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo với tâm tùy tầm, tùy tứ, với ý tùy quán pháp như đã được nghe, như đã được học thuộc lòng. Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ sai lạc, với những văn cú đặt sai lầm. Này các Tỷ-kheo, với văn cú đặt sai lầm, ý nghĩa bị hướng dẫn sai lạc. Ðây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người khó nói, đầy đủ những tánh khiến họ trở thành khó nói, khó kham nhẫn, không cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Ðây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, các vị ấy không cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, Khế kinh như bị đứt gốc, không còn là chỗ nương tựa. Ðây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trưởng lão là những vị sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, không có hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác, dẫn đầu trong thối đọa, từ bỏ gánh nặng viễn ly, sẽ không hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ðây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng bị chia rẽ. Khi chúng Tăng bị chia rẽ, này các Tỷ-kheo, có sự mắng nhiếc lẫn nhau, có sự đấu khẩu lẫn nhau, có sự thanh trừng lẫn nhau, có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín không tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín có thể đổi khác. Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất.

Năm pháp này, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh điển được nắm giữ tốt đẹp, với những văn cú được phối trí chơn chánh và ý nghĩa được hướng dẫn chơn chánh. Ðây là pháp thứ nhất, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biết mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những người dễ nói, dễ kham nhẫn, cung kính đón nhận khi được giảng dạy. Ðây là pháp thứ hai, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều Thánh giáo được trao truyền, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì Toát yếu, các vị ấy cẩn trọng để cho các người khác nói pháp. Do duyên này của họ, kinh điển không bị đứt gốc, là chỗ nương tựa. Ðây là pháp thứ ba, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo trưởng lão không sống đầy đủ, không biếng nhác, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tri kiến của họ. Họ cũng sẽ trở thành những người không sống đầy đủ, không biếng nhác, từ bỏ gánh nặng đọa lạc, dẫn đầu trong đời sống viễn ly, hăng hái tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ðây là pháp thứ tư, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp được an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chúng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh luận, cùng một giáo lý, sống an ổn. Khi chúng Tăng hòa hợp, này các Tỷ-kheo, không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự đấu khẩu lẫn nhau, không có sự thanh trừng lẫn nhau, không có sự tẩn xuất lẫn nhau. Ai không có tịnh tín tìm được tịnh tín, và những ai có tịnh tín không có đổi khác. Ðây là pháp thứ năm, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp được an trú, không hỗn loạn, không biến mất.

Bởi chúng ta chưa có Quyết định tánh, không dám tin chính mình cũng có Quyết định tánh nên con đường tu tập vẫn còn vô vàn khó khăn. Hòa thượng Narada có bảo: “Giáo pháp của đức Phật có thức ăn bổ dưỡng cho người lớn và cũng có sữa cho trẻ em”. Quả vậy, Chánh pháp vẫn còn đấy, sáng ngời, chỉ vì chúng sinh mê muội, mãi lặn hụp trong biển trần không nhận ra chánh pháp để tu tập theo và không đủ sự kiên định để thực tập mà thôi.

2. Thực trạng tu học của Tăng Ni và Phật tử Hệ phái Khất sĩ ngày nay

+ Từ sau khi Tổ vắng bóng đến năm 1975, Tăng đoàn Khất Sĩ có sự phân tách. Giáo đoàn Tăng, Giáo đoàn Ni không còn tự tứ, họp chúng, an cư chung với nhau. Giáo đoàn Tăng chỉ Tự tứ đến năm 1962 nhưng rồi không thành, từ đó, mỗi mỗi đoàn từ quản lý riêng, tự tổ chức Tự tứ riêng.

+ Từ năm 1975 đến nay, tuy các Giáo đoàn có về gặp mặt nhưng chỉ trong các cuộc lễ, hoặc trong các sự kiện, nhân thời gian đó có họp mặt để bàn bạc việc của Giáo hội. Các Giáo đoàn có báo cáo An cư, sinh hoạt của mỗi Giáo đoàn nhưng chưa chú trọng thật sự đến việc chỉnh đốn tinh thần, đời sống tu học của Tăng Ni Khất sĩ.

+ Phần lớn Tăng Ni trong Hệ phái chú trọng vào việc xây dựng, nghi lễ cúng kiến, nhiều sinh hoạt theo văn hóa thời đại. Trước đây, việc học hành dạy dỗ đệ tử theo truyền thống gia giáo, còn ngày nay Tăng Ni Khất sĩ đến trường Phật học, lại ra ngoài tiếp xúc với xã hội nhiều nên không có lập trường định hướng rõ rệt, tâm tu dễ bị thay đổi. Nhiều vị cho rằng thời nay mà còn giữ nhưng luật lệ cũ chẳng khác nào đem cái ách đặt lên chiếc xe Huê Kỳ, thật không thích hợp.

Trong xã hội hội nhập phát triển như ngày nay, Hệ phái Khất sĩ đã và đang có nhiều biến đổi. Sự tu học đúng chánh pháp bị hạn chế. Đức Tổ sư có bảo: “Tông giáo càng nhiều, Chánh pháp càng suy”. Chư Tăng Ni đi học hướng ngoại nhiều, hướng nội ít, chạy theo tri thức thế gian hữu lậu thì nhiều, trở về hướng nội, sống đời sống giải thoát thì ít. Phần đông Tăng Ni mờ mịt chánh pháp lại rất sáng pháp hữu lậu. Tầm nhìn Tăng Ni, Phật tử bị đóng khung trong quan kiến (thức tri) và tưởng tri đúng như đức Phật đã nhắc trong “Kinh Tất cả lậu hoặc”, (số 2) thuộc Trung Bộ Kinh.

3. Khó khăn trước mắt

+ Thiếu sự hướng dẫn của đạo sư đúng tiêu chuẩn, đã thành tựu Sa-môn quả. Đức Phật nói có 4 loại Sa-môn:

- Hạng chưa chứng Sa-môn, thuyết pháp không hay.

- Hạng chưa chứng Sa-môn, thuyết pháp hay.

- Hạng chứng Sa-môn quả, thuyết pháp không hay.

- Hạng chứng Sa-môn quả, thuyết pháp hay.

Đức Phật quở trách 3 hạng đạo sư đầu và tán thán hạng đạo sư thứ 4. Tôn giả A-nan-đa là vị thuyết pháp đệ nhất trong Tăng đoàn nhưng Tôn giả chỉ giúp cho người nghe phát khởi niềm tin với giáo pháp mà không đắc được quả vị Vô sanh. Đợi đến khi Tôn giả Xá-lợi-phất, Đại Mục-kiền-liên thuyết giảng giáo pháp hỗ trợ thì thính chúng hữu duyên đắc được quả vị A-la-hán.

+ Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, Tăng Ni không có niềm tin Chánh pháp thâm sâu, phần lớn hoang mang, không có pháp thực tập để phát sinh Quyết định tánh, hoặc có vị biết đó là pháp phát sinh Quyết định tánh nhưng không đủ kiên định dõng mãnh tinh tấn thực hiện được.

+ Pháp làm hành giả an trú trong chánh pháp, tâm không bị hỗn loạn ít được giảng dạy.

4. Phương pháp thiết thực để thực hiện

Giáo pháp đức Phật dạy là chân lý, luôn đúng, vượt không gian và thời gian. Và giáo pháp này là khả thi, mình hiểu, người khác cũng hiểu.

+ Nên dừng lại, thu hẹp sự hành đạo trong một thời gian.

+ Nên mở rộng, sách tấn Tăng Ni, Phật tử tu học theo chân lý (không phải bộ Chơn lý), chánh pháp giải thoát.

+ Củng cố xây dựng đức tin đúng chánh pháp, soạn thảo, thống kê giáo lý căn bản của đức Tổ sư, tổng hợp chương trình tu học cho Tăng Ni, Phật tử có định hướng theo tôn chỉ của Tổ sư.

+ Giữ gìn chánh pháp, pháp siêu thế.

+ Tích cực nâng cao mục tiêu học tu pháp giải thoát.

+ Giáo hội xem xét đào tạo đội ngũ Tăng Ni đầy đủ phạm hạnh, trí tuệ, đào tạo các Bổn sư đạt đạo, để có định hướng, có kế hoạch hành đạo, làm thầy gương mẫu độ chúng.

+ Xem xét lại, giảm bớt thời gian học những pháp xa rời chân lý.

C. Kết luận

Trong hoàn cảnh ngày nay, việc tu tập đúng với đường lối Phật, Tổ, Thầy thật khó thực hiện. Tuy nhiên, các Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ cần phải phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa để sự tu tập trong chánh pháp. Bằng không được như vậy, mỗi người hãy tự tìm nơi thanh vắng, chuyên tu tịch tịnh còn hơn hội họp đông đảo với nhau, nói làm nhiều việc không đúng với Chánh pháp thì càng mang nghiệp bất thiện.