NT. Huỳnh Liên - công dân xuất sắc của thế giới Cực Lạc

Là một người vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục tài thơ của Ni trưởng, tôi đã đọc và thuộc khá nhiều thơ củaNgười – nhưng trên 50 năm (1960 – 2014) làm đệ tử Ni trưởng, lấy thơ Ni trưởng làm kệ tụng hàng ngày để tu tập, tôi vẫn chưa ý thức được hết chiều sâu đạo lý cũng như vẻ đẹp văn chương củathơ Người. Điều này, có lẽ do trình độ của tôi chưa đủ để nhận thức đúng mức về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật của thơ văn. Con xin thành tâm sám hối trước giác linh Thầy!

Gần đây có duyên sự, tôi đã để ra nhiều thì giờ, rà soát hết lại những bài thơ của Ni trưởng trong quyển “Đóa sen thiêng”. Khi đọc đến bài “Lỗi bước” gặp câu “Đâu cũng pháp và đâu đâu cũng pháp”, đầu óc tôi liền liên tưởng đến kinh A Di Đà”.

Kinh miêu tả thế giới Cực lạc (CL), cái gì cũng là pháp lý cả: tiếng chim kêu, làn gió thổi, cánh sen nở, tiếng lưới khua, hàng cây, ao nước … nhất nhất đều tuyên dương giáo lý nhiệm mầu của Phật: Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát chánh đạo v.v… nhằm mục đích nhắc nhở dân chúng CL không quên chánh niệm, chuyên nhất niệm danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật”.

NT 9

Là một nữ khất sĩ chân chính – Trưởng tử nữ của Tổ sư Minh Đăng Quang, người khai sáng ra giáo phái Khất sĩ và giáo phái Khất sĩ lấy Tứ y pháp làm cương lĩnh cho sự tu tập; Vậy mà nhân sinh quan của Ni trưởng không khác nhân sinh quan của Đức Phật A Di Đà (đâu cũng pháp và đâu đâu cũng pháp).

Phải có một nền tảng TÂM toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ mới thiết lập được một quốc độ “Thượng Thiện” như quốc độ CL (không có ba đường ác đạo : địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Chim chóc ở CL không phải do nghiệp báo, mà do phương tiện thiện xảo của Phật A Di Đà biến hiện ra để “thuyết pháp” vậy thôi. Ni trưởng dùng một câu thơ 8 chữ để chuyển tải một triết lý cao siêu - Tánh không - của nhà Phật. Kinh Pháp Bảo Đàn cũng nói: “Phật Pháp bất ly thế gian pháp”.

Trên bước đường hoằng hóa, suốt 40 năm trải góp khắp hai miền Nam Trung nước Việt, đến đâu Ni trưởng cũng lưu lại cho đời những trang thơ đậm đà bản sắc dân tộc, thâm thúy đạo lý từ bi, chẳng hạn như bài “Giới sát” :

“Thú kia nó cũng là thân

Cũng xương, cũng thịt có phần như ta

Đánh đau chúng nó kêu ca

Tiếng rên đứt ruột, tiếng la xé lòng”.

Bài “Thân” Ni trưởng viết :

“Đem thân làm kẻ tội đày

Cho bao vật chất nó cai trị mình.

Để tâm làm vật hy sinh

Suốt đời theo lịnh dục tình dắt lôi.

Cái tham bao thuở cho rồi ?” …

Bài “Sám hối tam nghiệp” Ni trưởng viết :

“Thân con lỡ tạo vay nghiệp ác

Muôn vạn loài oan thác vì con

Ví như thây ướp hằng còn

Từ xưa chất để nên hòn núi cao” …

 

“Xét ra từ thịt xương này

Lại là xương thịt muôn thây tạo thành …”

Những cảnh đó thật bình thường, thật quen thuộc hàng ngày ai cũng thấy, nhưng qua cái nhìn của Ni trưởng, nó trở nên mới mẻ, thống thiết, đầy xúc động làm cho hiện thực trở nên hiện thực hơn, cụ thể hơn, tác động vào tâm tư người đọc. Người đọc nghe chấn động, giật mình, phải suy gẫm lại, phải đặt lại vấn đề … Giáo sư H.N.M cho rằng đó là do “Tình cảm chân thật” của Ni trưởng mà ra. Và Giáo sư gọi tình cảm ấy là Phật tính.

Vãng sanh về Tây phương Cực Lạc, Phật tính ấy sẽ được hiển lộ tuần tự, thứ lớp theo 9 phẩm hoa sen, từ Hạ phẩm hạ sanh, cho đến Thượng phẩm thượng sanh là Phật tánh viên mãn.

Có lẽ từ vô lượng kiếp sanh thân, Ni trưởng đã từng là tín đồ thuần thành của Đức Phật A Di Đà, và phật tánh ấy đã hiển lộ đến thượng phẩm với bổn nguyện “Hội nhập Ta-bà, tế độ chúng sanh”, Ni trưởng đã được Phật A Di Đà thọ ký và bổ nhiệm xuống Ta bà làm Phật sự, Ni trưởng đã đến Ta bà với đầy đủ năng lượng Cực Lạc, nên “nhân sinh quan” của Ni trưởng rất lạc quan, rất tích cực. Đọc “Vui mà Sống” và “Chào bình minh” của Ni trưởng ta có thể nhủ rằng : thế giới của Ni trưởng là “bản sao” của thế giới Cực Lạc.

“Sung sướng lúc vượt lên, vẻ vang khi hành động

Nếu hôm nay sống vui, thấy hôm qua đẹp mộng”

                                                            (Chào bình minh)

“Vui mà sống dù đời đầy đau khổ

Buồn mà chi, bạn hỡi thở than chi

Và phiền lo nghĩ lại có ích gì

Hãy can đảm sống những ngày hiện tại”.

“Khen người đi bạn có sức nhiệm mầu

Tạo cho bạn một nguồn vui thanh tú”.

Vươn mình lên với cánh lông đầy đủ

Chim đại bàng vỗ cánh tung trời xanh …”

                                                                        (Vui mà Sống)

Lãnh trách nhiệm “sứ giả Như Lai”, đến địa phương nào, Ni trưởng cũng tiếp nhận được những tinh hoa, những đặc sản của địa phương đó. Với cặp mắt Cực Lạc, nhìn vào đâu, dù đối tượng đó là người hay thiên nhiên, Ni trưởng cũng lượm lặt được những cẩm tú đáng trân quý. Đổi lại, Ni trưởng cũng hoan hỷ ban tặng lại những món quà pháp lý giá trị, có chức năng soi sáng, vạch đường, phá tan những quan niệm sai lầm truyền thống về cái TÔI, mở ra một khung trời tự do, giải thoát ngoài sự khống chế, điều hành của NGÃ ÁI.

“Tấm huyễn thân rồi mai có ra gì

Một vật giả chứa đầy muôn thứ giả

Con xây đắp một lâu đài huyễn ngã.

Nền lung lay mà tầng đã nhiều tầng,

Phước càng dày nhưng thiếu đức đỡ nâng

Họa càng nặng trăm thân khôn chống chỏi”.

                                                                        (Lỗi bước)

Lần đầu tiên được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang, Ni trưởng vô cùng ngưỡng mộ :

“Thầy nghiêm nghị đôi mắt thần trông xuống

Giảng đạo mầu như phún nước cành dương

Tuổi hoa niên mà hùng lực phi thường

Thân rỡ rỡ như pháp vương hiện tướng”

                                                                        (Tự Thuật – Thơ NTHL)

Khi đã chính thức trở thành một nữ khất sĩ, Ni trưởng nhận định về công hạnh của Tổ:

“Nối truyền chánh pháp Thích Ca

Hăm lăm thế kỷ nay đà mờ phai

Người tu hiện tại mấy ai

Hành theo đúng pháp Như lai giáo truyền”

                                                            (Tán tụng công đức Sư Trưởng)

Với pháp lữ, Ni trưởng nhìn bằng cặp mắt cảm thông, trân trọng:

“Nguyện độ nhân sanh hết khổ nàn

Mình mang ách khổ nạn miên man

Thương đời chia sẻ nhiều cay đắng

Dồn nghiệp cho mau đến Niết Bàn”

                                                (Tiếng gọi thiêng liêng - NTHL)

Ni trưởng nhìn hàng môn sinh thật ưu ái, nâng đỡ tận tình :

“Kể từ buổi theo Thầy tầm chơn lý

Tỏ ra người hữu chí lắm công phu

Thầy quý con như quý ngọc minh châu

Trau dồi để được làu làu toàn bích”.

                                                                        (Lỗi bước - NTHL)

Bằng bút pháp trữ tình, hào hiệp; Ni trưởng phản ánh hiện thực những đóng góp sáng giá của chúng ni, khiến cho người được thọ lãnh cảm nhận được một tình bạn tri âm, một bậc thầy đức độ.

“Một vườn hoa trổ bấy nhiêu hoa

Mỗi vị tỳ khưu mỗi xứ nhà

Bổ xứ du phương cùng khắp xứ

Kỳ công sáng giá mấy kỳ hoa”

 

“Có những nàng tiên đức dịu dàng

Vai trò thư ký cực quanh năm

Chương trình hoạt động văn thơ trữ

Sổ sách chi tiêu sóng gió ngầm”.

 

“Có những nàng tiên trí tuệ cao

Văn cương nhuần nhã kệ kinh làu

Dạy truyền giáo lý đèn soi sáng

Hướng dẫn tương lai ngọc ửng mầu”

                                    (Ngọc Sơn hùng vĩ)

Nhìn về giới cư sĩ tại gia:

“Ở trần không luyến trần lao lụy

Huệ tánh năng trau đạo bảo tồn”

 

“Ngôn ngữ trang nghiêm trang lễ độ

Uy nghi tề chỉnh hạnh khiêm nhường”

“Trí lực kiên tâm phò giáo pháp

Công dày đức trọng đáng nêu gương”

                                                (Tặng bà Như Ngọc)

Nhìn về giới thầy thuốc :

Cây kim Biển Thước tài siêu đẳng

Lưỡi kéo Hoa Đà nghệ thuật luân

Phục dược lành thay, tay phục đức

Tận tâm, tận lực cứu nhơn quần”

Nhìn vào đám trẻ mồ côi, Ni trưởng lại nhìn bằng “Trái tim chia máu” của người mẹ hiền, tuy lý tưởng mà không xa thực tế.

Và chỉ vài nét chấm phá, Ni trưởng vẽ lại đầy đủ bức tranh sinh hoạt của Huệ phục :

“Như trái bầu, trái mướp

Con vừa lớn vừa ngoan

Con vừa vui, vừa đẹp

Con hơn ngọc hơn vàng”.

“Con nước da ngăm hơi

Mũi cao thêm rộng trán

Miệng nở tựa hoa cười

Mắt nhìn như sao rạng.

Con lại khéo làm duyên

Đầu niễng nhìn nghiêng nghiêng

Ai hỏi chi cũng gật

Gật rồi cười huyên thuyên !

Con bò lết bò la

Con bò quanh khắp nhà

Đụng chi con cũng phá

Gặp Thầy con bò qua”.

… “Thầy kỳ vọng nơi con

Sau học thành bác sĩ

Phục vụ khắp thế nhơn

Đền công ơn tín thí” ..

                                    (Để nhớ Huệ Phục - NTHL)

Nhìn về phía chị em phụ nữ, trong phong trào tranh đấu cho hòa bình, Ni trưởng đánh giá và ca ngợi :

“Phụ nữ Việt Nam dịu dàng nhưng bất khuất

Dầu trăm năm ách thống trị ngoại bang

Sống hiền hòa nhưng cương quyết chống xâm lăng

Vẫn tranh đấu trải can trường kiên nhẫn”

“Cột trụ gia đình vững Thái Sơn

Tình thương dào dạt nước trong nguồn

Sinh con nuôi dạy thêm tài trí

Yêu nước kiên trì đậm sắt son”.

“Chuyện thần thoại mà không thần thoại

Gái Việt Nam đánh bại Hoa Kỳ”

                                                (Mặt trận Bông Hoa)

Con người là thế, còn thiên nhiên thì sao ? Ni trưởng nhìn thiên nhiên còn tuyệt vời hơn.

“Sương chiều xuống cỏ nhung xanh ngậm ngọc

Trăng vàng lên lấp ló ngọn tre cao

Ngọc kim cương phản chiếu ánh vàng sao

Ôi ! Mặt đất dồi dào châu báu lạ”.

“Trăng niềm nở đón đưa và tiếp rước

Tôi vẫn còn bạn quý của trăng xưa

Trăng ơi trăng chung thủy tự bao giờ

Trăng chẳng nệ thời gian tròn với khuyết”

                                                (Đêm trăng ở Sài Ca Nã)

“Hồ rộng vươn mình ngắm núi cao

Lá xanh, sen đỏ điểm tô màu

Ban ngày thấp thoáng chòm mây bạc

Đêm tối lung linh bóng nguyệt chào”.

                                                (Cảnh Tịnh xá Ngọc Quang)

Lần đầu tiên nhìn thấy vịnh Hạ Long, Ni trưởng liền nghĩ đến kỳ công của tạo hóa, bèn hạ bút khắc họa một bức tranh thiên nhiên, diễm tuyệt, sinh động hơn cả cảnh trí thật :

“Ngàn vạn hình như thiên binh vạn mã

Dàn trận đồ sừng sững đá thiên nhiên

Đảo như gà, cá, đảo tựa buồm thuyền

Muôn ngàn hình trạng huyên thuyên trác tuyệt.

Ôi tạo hóa cảm tình dân tộc Việt

Tặng món quà diễm tuyệt đại kỳ quan

Biển trong xanh, dìu dặt nắng phơi vàng

Tàu êm ái nhịp nhàng con sóng nhẹ”.

                                                            (Vịnh Hạ Long)

Ở góc độ nào Ni trưởng cũng nhận ra được cái đẹp, cái hay. Cặp mắt của Ni trưởng thật thẩm mỹ, thật “Cực Lạc”. Đúng là :

“Đất tâm khi đã bình yên

Thì sông núi, khắp mọi miền thanh lương”

                                                            (Thơ NH)

Nhưng Ni trưởng không dừng lại ở cái đẹp hình thức, quang cảnh, mà còn thấy được cái đẹp bên trong - ý nghĩa đạo lý:

… “Lòng không gió thoảng trần ai lặng

Mây lững trăng thanh trí huệ ngời”.

… “Tám đường yếu nhiệm xe luân chuyển

Bốn cửa linh huyền pháp dựng khai”

                                                            (Tịnh xá Ngọc Thiền - NTHL)

“Mắt trần gian thấy lớp ngoài hiện trạng

Mắt thánh nhân thấy thật tướng chơn như”

Tóm lại: Nhìn, đối với Ni trưởng đã trở thành phát hiện. Nhà thơ HL đã thấy được những gì mà người thường không thể thấy, đó là thắng trí của bậc thượng nhân, là từ tâm của hàng Đại Sĩ .

Bằng ngòi bút trữ tình, Ni trưởng đã xử lý thích đáng với mọi đối tượng khi được tiếp cận.

Dẫn chứng một vài bài thơ trong hàng trăm bài thơ của Ni trưởng để chứng minh khả năng Cực Lạc hóa của Ni trưởng, còn nhiều nhiều lắm. Qua 40 năm gánh vác trọng trách và phát triển sự nghiệp Tổ Thầy, sự hiện hữu của Ni giới KS hiện tại trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và cả nước ngoài là một bằng chứng cụ thể. Ngày nay, dầu NT không còn nữa, nhưng tác phẩm thơ của NT vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong hàng môn sinh, có thể nói thơ của NT là nguồn lạch để khơi ngòi cho cảm hứng văn thơ dạt dào của thế hệ ni sinh trẻ trong hệ phái, đương thời và mãi mãi về sau.

Giáo sư Hoàng Như Mai nói “ NT. Huỳnh Liên xứng đáng là bông sen vàng trước điện Phật. NT đã viên tịch nhưng tư tưởng, tình cảm, hành động, tất cả con người của NT vẫn còn lại trong những vần thơ cao đẹp.”

            (Cảm tưởng của Giáo sư Hoàng Như Mai khi đọc thơ NT. Huỳnh Liên)

Vào ngày 19/3/1987 (ÂL), cổ xe tứ đại của NT đã hết hạn sử dụng, NT từ giã Đông Độ, về lại Tây Phương, có lẽ để nạp năng lượng chuẩn bị cho cuộc hành trình kế tiếp hoàn hảo hơn, quy mô hơn.

Ngày NT ra đi, chúng ta cảm xúc biết bao! Nhưng Phật đã dạy: “Pháp hành nào có sanh, pháp hành ấy phải có diệt”. Nguyện lực độ sanh của NT rất lớn:

“Con nguyện hiện thường kiếp nữ thân

Bởi bao phụ nữ khổ trong trần

Tiện bề thân thiện con dìu dắt

Dẫu phải cực lòng lốt phụ nhân”

(Con Nguyện - Thơ NT).

NT sẽ trở lại với chúng ta, sẽ dùng thuyền THƠ chở đầy Ý ĐẠO ([1]). Với năng lượng Cực Lạc, thuyền THƠ NT sẽ nhẹ nhàng lướt sóng, đi khắp mọi nơi, đến tận mọi nhà, gặp gỡ từng người để ban tặng pháp vị.

“Suốt đời tận tụy thi ân đức

Giác ngộ thế gian, giác ngộ mình”.

                                                                        (Tự Thuật – Thơ NTHL)

Ni trưởng Huỳnh Liên là công dân xuất sắc của thế giới Cực Lạc, là đệ tử ưu tú của Đức Phật A Di Đà.

Hãy an tâm chờ đợi. Hãy chuẩn bị long trọng để nghinh đón bậc Thầy vĩ đại, tối cao.

NHẬT HUY 25/12/2015

 


[1] “Chở bao nhiêu ĐẠO thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Thơ Nguyễn Đình Chiểu)