Phân tích một số quan niệm của HPKS về sở hữu và đạo đức

Khất sĩ là một Hệ phái của Phật giáo Việt Nam ra đời từ giữa thế kỷ XX ở Nam Bộ trong bối cảnh thoái trào của Phật giáo châu Á nói chung, do bị thực dân phương Tây chèn ép. Có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu như: Sự ra đời của Hệ phái có thể chấn hưng được Phật giáo Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tan rã, hoặc về triết lý đạo đức, hình thức tu hành… Nhưng bài viết này chỉ giới hạn trong việc phân tích một số quan niệm của Hệ phái Khất sĩ về sở hữu và đạo đức. Tuy nhiên, bài viết không nhằm “phản biện” các quan điểm đó mà chỉ phân tích, so sánh để thấy sự khác nhau giữa các quan niệm có liên quan đến sở hữu và đạo đức.

Hthao 5

1. Hoàn cảnh ra đời và mục tiêu của Hệ phái Khất sĩ

Theo cuốn Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam của Vân Thanh (giấy phép số 929/72/PTUVK SALP/TP ngày 27 - 6 - 1974) thì Hệ phái Khất sĩ ra đời trong hoàn cảnh như sau: “Phật giáo thời bấy giờ cùng chung số phận ấy, đã bị mất chủ quyền dân tộc, giáo quyền đạo Phật bị chà đạp trắng trợn hơn bao giờ hết (các Sư phải nộp thuế thân, phải đi lính cho thực dân Pháp, chẳng được tự truyền đạo như bên Thiên Chúa v.v…). Tình trạng khốn đốn của Phật giáo buổi này chẳng khác nào đóng cửa để chờ chết vì chẳng còn hệ thống (đoàn thể) tổ chức như trước kia, nguyên do thực dân Pháp cố tình cắt đứt sự tổ hợp của Phật giáo buổi này, chúng sợ dân ta trá hình là Phật giáo để rồi chống đối chúng nên mọi hình thức của Phật giáo bị chúng làm tê liệt cả. Trong Tăng giới thời này chẳng biết làm gì hơn trước sự dòm ngó theo dõi của thực dân nên sự sống hết sức rời rạc, vô tổ chức”. Đối với Phật giáo Việt Nam vùng Nam Bộ: “vì hoàn cảnh thúc giục trong xứ Nam Kỳ lục tỉnh còn lại một số Tăng-già tiền bối có thực học, thực tu tìm đủ mọi phương châm để duy trì mối đạo”.

Trong tình thế hết sức khó khăn đó, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai sáng Hệ phái Khất sĩ vào năm 1946 tại miền Nam Việt Nam, với tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Có thể hiểu tâm nguyện này là: bằng cách tu hạnh Khất sĩ để duy trì Phật giáo đang đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu bởi sự chèn ép của thực dân phương Tây. Để thực hiện mục tiêu đó, Tổ sư Minh Đăng Quang đã soạn thảo bộ Chơn lý, trình bày các quan niệm về đạo đức nhằm hướng dẫn cho các tu sĩ thực hành.

Mục đích của bộ Chơn lý được xác định như sau: “Quyển Đạo Phật này có ra là để chỉ rõ con đường giác ngộ, bởi giác ngộ mới là đạo Phật. Quyển Đạo Phật này ra đời với tính cách siêu nhiên, không cần dư luận, không thiên tư, không chỉ trích. Mà chơn lý, công lý, chỉnh đốn chấn hưng, giác ngộ, khuyến khích theo ý muốn của khắp người người[1].

Hệ phái Khất sĩ ra đời trong trào lưu “chấn hưng Phật giáo” ở châu Á và Việt Nam nhưng đồng thời cũng là thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh Thế giới thứ II vô cùng ác liệt nên tác động của trào lưu này bị hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, bài viết này không đề cập đến khía cạnh chính trị hay tôn giáo mà chỉ nhằm phân tích một số quan niệm của Hệ phái Khất sĩ về sở hữu và đạo đức.

2. Phân tích một số quan niệm của Hệ phái Khất sĩ về sở hữu và đạo đức

Toàn bộ giáo lý của Hệ phái Khất sĩ nằm trong bộ Chơn Lý mà tinh thần cơ bản là hướng đến sự giải thoát khỏi nỗi khổ đau của con người bằng con đường thoát khỏi “tham sân si”. Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng: “Ngoài Khất sĩ ra không có pháp nào thứ hai để diệt tham sân si được. Mà nếu tham sân si không diệt, thì người ta với cỏ cây, muông thú có khác chi nhau…”. Nếu phân tích theo ngữ nghĩa thì quan niệm này cho rằng con người với thế giới động thực vật chỉ khác nhau ở chỗ có hay không có yếu tố “tham sân si”. Phải chăng, nếu ai còn tham sân si thì chưa phải là con người?

Để giải thích cho quan điểm này, Tổ sư Minh Đăng Quang còn viết: “Trẻ con là tham sân si… nó chỉ tìm yên vui bằng sự độc ác, mà nhờ được mọi người tha thứ nên nó mới dễ duôi quen tật! Nó như cỏ cây thú… Trái lại, khi loài người đã lớn, có trí, biết học ai ai cũng vào trong lớp chót của trường đời… mà vượt lần lên lớp trên của người lớn… xem mình là Trời Phật, nào có ai dám gọi ta là trẻ con, mà trẻ con là tham sân si độc ác…”. Có thể thấy, cách nhìn nhận này hoàn toàn trái ngược với quan niệm “nhân chi sơ tính bổn thiện” của Nho giáo, đồng thời cũng trái ngược với quan niệm của các nền văn hóa trên thế giới về trẻ em là: trong sáng, ngây thơ và đáng yêu…

Nếu xem xét từ góc độ thuần túy ngôn ngữ học, các quan điểm trên của Hệ phái Khất sĩ dường như ngược lại với các kiến thức khoa học và quan niệm văn hóa ngày nay. Mặt khác, mục tiêu của Hệ phái Khất sĩ là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, cũng là nối tiếp các giá trị nhân văn của tư tưởng Phật giáo Việt Nam, do vậy cách diễn giải và cách dùng từ ngữ của Hệ phái Khất sĩ về quan niệm “tham sân si” có thể không giống ngày nay nhưng ý nghĩa và mục tiêu không mâu thuẫn với tư tưởng nhân văn.

Cái mà Hệ phái Khất sĩ gọi là “tham sân si” của trẻ con - giống như cây cỏ - cần được diễn giải bằng khái niệm “bản năng sinh tồn vốn có” của muôn loài do tạo hóa sinh ra - do nó chưa có ý thức nên nhìn từ hiện tượng giống như sự tham lam nhưng bản chất của hành vi đó chưa phải là tham sân si. Còn đối với người lớn, “bản năng sinh tồn” vẫn tồn tại nhưng có phần lý trí mạnh hơn nên có thể điều chỉnh được hành vi. Tuy nhiên, khi lòng tham của một người nào đó lớn đến mức thôi thúc họ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hay thành quả lao động của người khác thì mới coi là “tham sân si” cần loại bỏ.

Nếu hiểu “tham sân si” có nguồn gốc từ “bản năng sinh tồn” và là thuộc tính sinh học do tạo hóa sinh ra thì không thể loại trừ nó hoàn toàn, nhưng có thể hạn chế ở mức không làm hại đến lợi ích của người khác. Mặc dù con người không thể hoàn toàn thoát khỏi tham sân si, nhưng mặt khác lại có các tố chất về chân - thiện - mỹ, do đó, trong mỗi con người, nếu phần thiện trội hơn sẽ vượt qua được lòng tham, ngược lại, nếu lòng tham bản năng mạnh hơn thì sẽ trở thành “tham sân si”.

Như vậy, ta cần hiểu mục tiêu mà Hệ phái Khất sĩ muốn loại trừ “tham sân si” là thoát khỏi hành vi chiếm đoạt tài sản không phải của mình (trộm cắp, tham nhũng…) chứ không phải là phủ nhận “bản năng sinh tồn” hay thủ tiêu động lực lao động sản xuất để tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”.

Về mối quan hệ giữa sở hữu và đạo đức của Hệ phái Khất sĩ được thể hiện rất rõ qua nội dung cụ thể của “Tứ y pháp”:

1. Người tu khất thực chỉ ăn đồ xin mà thôi, nhưng ngày hội, thuyết pháp đọc giới bổn thì được ăn tại chùa.

2. Người tu khất thực chỉ lượm những vải bỏ mà đâu lại thành áo, nhưng có ai cúng vải, đồ cũ thì được nhận.

3. Người tu khất thực chỉ nghỉ dưới cội cây, nhưng có ai cúng lều, am nhỏ bằng lá một cửa thì được ở.

4. Người tu khất thực chỉ dùng phân uế của bò mà làm thuốc trong khi đau, nhưng có ai cúng thuốc, đường, dầu thì được dùng.

Theo bốn điều quy định trên, những vị Khất sĩ là những người gần như đạt đến sự “vô sản tuyệt đối”, như thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, thời Phật còn tại thế. Đức Phật thường dạy các đệ tử “không có bất cứ cái gì là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi”, tức là từ miếng ăn đến áo mặc, nhà ở và thuốc chữa bệnh đều do người khác cúng dường. Khi con người không có thứ gì và không cần danh lợi thì đương nhiên lòng tham cũng không còn tồn tại vì đối tượng của tham sân si là địa vị và tài sản. Điều này hoàn toàn đúng về logic, nhưng không có nghĩa là ai có địa vị và tài sản đều là người tham sân si.

Như vậy, giữa sở hữu và đạo đức có mối quan hệ như thế nào?

Nếu con người trở thành “vô sản tuyệt đối và tự nguyện”, như các vị Khất sĩ, tham sân si sẽ tự biến mất nhưng đồng thời động lực lao động sản xuất ra của cải vật chất và đấu tranh giành quyền lợi cũng không còn. Chính bộ Chơn Lý cũng thừa nhận: “… một Khất sĩ có thể và có quyền sở hữu nhưng phải thường quán sát với tuệ giác không có bất cứ cái gì “là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi”... “Ở đời có vật chất cũng chết khổ, không có vật chất cũng chết khổ. Trong lúc đang làm cũng chết khổ, lúc chưa có cũng chết khổ. Chi bằng chúng ta hãy làm để đủ nuôi sống vừa thôi, mới là không chết khổ[2].

Tư tưởng cộng sản chủ nghĩa ra đời trước Hệ phái Khất sĩ, cũng coi giai cấp vô sản là đại diện cho phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa - tiến bộ hơn tư bản chủ nghĩa nhưng chỉ chủ trương “công hữu về tư liệu sản xuất”, mặt khác vẫn thừa nhận sở hữu tư liệu sinh hoạt và xác định mục tiêu “đáp ứng ngày càng cao” đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và đấu tranh để “…mai đây lợi quyền ắt qua tay mình…”.

Ngày nay, Việt Nam và tất cả các nước trên thế giới đều đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu, tức là sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn; đồng thời cũng ra sức chống tham nhũng và chống bất bình đẳng xã hội, các mục tiêu đó không mâu thuẫn với quan niệm chống “tham sân si” nhưng khác ở chỗ không coi sở hữu tài sản là đồng nghĩa với tham lam và độc ác, mà ngược lại coi đó là giải pháp căn bản để tạo ra cuộc sống hạnh phúc hơn cho con người. Ngày nay cũng có rất nhiều người làm giàu chân chính bằng sức lực và tài năng của mình, họ đã đóng góp rất lớn vào công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” và thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”.

Riêng Hệ phái Khất sĩ đã lựa chọn con đường hy sinh những nhu cầu sống bình thường nhất, lấy cuộc sống thật sự khổ hạnh của cá nhân các tu sĩ để làm tấm gương kêu gọi con người hãy từ bỏ tham sân si. Điều này được nêu rõ trong bộ Chơn Lý: Khất sĩ cảm hóa kẻ ác, dạy dỗ người thiện, để dấu hoa sen không ô nhiễm vào nơi trí óc tâm người, vạch hàng chữ đạo nơi cửa ngỏ đường đi, khoe sự tốt đẹp của giới hạnh, nhắc nhở sự yên úy đến cho người”. Đó là giá trị nhân văn rất đáng trân trọng.

Như trên đã trình bày, bài viết không nhằm phản biện hay phản bác các quan điểm của Hệ phái Khất sĩ mà chỉ phân tích, so sánh để thấy tính đa dạng về nhân sinh quan của loài người. Do đó ngày nay con người cần phải học cách sống nhân ái, không tham lam, để có thể cùng tồn tại hòa bình trong một thế giới đa văn hóa, đa tín ngưỡng và phát triển không đồng đều.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10-2-2014

TS. Nguyễn Hữu Nguyên
Ban Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổ sư Minh Đăng Quang Chơn Lý, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009.

2. Thích Giác Duyên, Tìm hiểu về Hệ phái Khất sĩ, Nxb. Tôn giáo, 2014.

3. Thích Quảng Tánh: Khất sĩ là gì?

 


[1]Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý tập III “Đạo Phật”, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2009, tr. 62 - 63.

[2]Sđd, tập II “Khuyến tu”, tr. 182.