Pháp hội Đông Nam Á 2016 - Ngày đầu tiên

Tuvien

Sáng ngày 29/08/2016, đoàn Việt Nam cũng như các đoàn khác dậy thật sớm để lên tu viện Namgyal lúc 6 giờ để ổn định đạo tràng. Đoàn Việt Nam có TT. Thích Tâm Đức và Đại đức Giác Hoàng được Ban Tổ chức (cô Thủy và Châu) mời làm Đại diện Tăng-già Việt Nam cùng với một số sư Thái, Singapore, ...vào trong thiền thất để đảnh lễ Ngài cầu pháp. Các vị còn lại khoảng hơn 120 vị (cộng với một số Tăng Ni đang học ở Dharamsala và Delhi), như các đoàn khác vào bên trong giảng đường sắp xếp chỗ ngồi.

PhapHoi 1

PhapHoi 2

PhapHoi 4

Tại khách phòng, Ngài Dalai Latma vào với nụ cười hoan hỷ, vui vẻ bắt tay từng người và thăm hỏi. Ngài nói về gốc rễ của Phật giáo, do đó Pali tạng là kinh văn căn bản nhất của Phật giáo, để từ đó Phật giáo Đại thừa được hưng khởi. Ngài đề cập đến 17 vị đạo sư truyền thống Nalanda, mà Phật giáo Tây Tạng thừa hưởng và tiếp nối. Cũng tại nơi đây, Đại diện các phái đoàn Đông Nam Á đã thỉnh cầu Ngài trong Pháp hội lần này truyền thụ Bồ-tát giới. Sau vài câu thăm hỏi, Ngài ký sách lưu niệm và chú nguyện các tràng hạt... và chụp hình lưu niệm.

PhapHoi1

Tại giảng đường trong và ngoài, tầng trên và dưới tu viện Namgyal, được biết khoảng 10.000 người tham dự. Các vị tu viện trưởng và các vị chức sắc của các trường phái cũng có mặt. Đoàn Hàn Quốc đã xưng tán Om Mani Padme Hum trong thời gian ổn định đạo tràng. Sau khi Ngài an tọa, các sư Nam tông tụng phẩm kinh Pali cầu nguyện, sau đó đoàn Phật giáo Triều Tiên tán bài Bát-nhã để cúng dường Pháp hội.

PhapHoi2

Nội dung bài thuyết giảng có 2 phần. Phần 1 là trình bày quan điểm của Ngài đối với các truyền thống tín ngưỡng đạo Phật nói riêng và các truyền thống tôn giáo khác nói chung. Rất tiếc trong phần này, hệ thống tai nghe của người viết bị hư nên không nắm rõ chi tiết Ngài nói cụ thể gì. Tuy nhiên, được các vị khác trình bày lại, nội dung Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hiểu biết, vì phần lớn đều sống trong cảm tính, và do đó, chúng ta cần có trí huệ để điều tiết, cân bằng các trạng thái tâm lý tình cảm. Sự sai lầm đều do vô minh và thiếu hiểu biết (phi như lý tác ý) khiến cho khổ đau càng ngày càng thêm và chúng ta tiếp tục trôi lăn trong vô minh.

Rất may, sau khi xin đổi tai nghe được nghe đầy đủ bản phiên dịch của Sư cô Nhật Hạnh. Quả thật, Sư cô dịch sang Việt ngữ thật lưu loát, từ tiếng Anh và tiếng Tạng. Với nội dung phần sau của bài pháp nếu không phải là người được đào tạo từ truyền thống Phật giáo Tây Tạng bài bản, khó mà dịch trọn vẹn được ý pháp của Ngài, dù là người biết tiếng Tạng.

Nội dung, Ngài giảng về Tứ đế đến câu thần chú Om (Tayatha), Gate Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha, nhân có một vị sư Thái đặt vấn đề làm thế nào để đạt được bến giác như câu thần chú. Người viết đã dự pháp hội nhiều lần với các vị Pháp sư Tây Tạng và cảm nhận đây là mẫu số giảng của hầy hết các bậc đạo sư. Bắt đầu từ nền tảng Tứ đế và hướng bài giảng của mình đi về học thuyết “tánh không” (Sunyata) của luận sư Long Thọ. Theo Ngài Dalai Latma, Đức Phật đã 3 lần chuyển Pháp luân. Lần thứ nhất giảng về Tứ đế. Lần thứ 2 giảng về sự phân biệt vọng tâm và chân tâm. Ngài cho rằng, chân tâm có cái biết thường hằng, không giả tạm, không có đến có đi như vọng tâm. Lần chuyển pháp luân thứ 3 là thời kỳ Bát-nhã, chỉ cho thấy thật tánh của vạn pháp là không thực thể.

Về học thuyết Tứ đế, Ngài trình bày theo 16 hành tướng (tướng trạng). Mỗi đế có bốn phương diện như Câu-xá luận. Khổ đế: Vô thường, khổ, không, vô ngã. Tập đế: Nhân, tập, sanh, duyên. Diệt đế: Diệt, tịnh, diệu, ly. Đạo đế: Đạo, như, hành, xuất. Ngài nhấn mạnh đến 2 chi: Diệt đế (Niết-bàn) và Đạo đế (con đường đưa đến Niết-bàn). Diệt đế là trạng thái thể nhập “Tánh không” và Đạo đế – con đường đưa đến Niết-bàn ngang qua 37 phẩm Trợ đạo: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề, Bát Chánh đạo phần.

Câu thần chú Tayatha, / Gate Gate,/ Paragate, / Parasamgate,/ Bodhisvaha được Ngài lý giải qua 5 bước tu căn bản của Duy thức tông: 1. Tư lương vị, 2. Gia hạnh vị, 3. Thông đạt vị, 4. Tu tập vị và 5. Cứu cánh vị. Tuy nhiên, trong bài giảng vì thời gian giới hạn, Ngài chỉ đề cập đến hai bước đầu tiên của tu tập là Tư lương và Gia hạnh.

Trong nhận thức luận, Ngài lý giải câu: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc” và theo Ngài hai câu này nhằm đoạn trừ hai biên kiến chấp đoạn và chấp thường. Ngài đề cập đến 3 cấp độ nhận thức: Hiện lượng, tỷ lượng và Thánh ngôn lượng. Ngài cũng kể lại khi Ngài còn trẻ rất thích khoa học và sau này có những cuộc đối thoại với các khoa học gia, và các khoa học gia cho rằng, không tìm thấy núi Tu-di có bốn châu xung quanh: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Câu Lô Châu như Câu-xá và một số kinh điển khác đề cập. Ngài đặt vấn đề đó chúng ta có nên tin theo khoa học, hay là tin theo Phật học? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ đó cho chúng ta tiếp tục suy ngẫm.

Trong pháp hành, Ngài nhấn mạnh đến sự tu tập của các pháp Ba-la-mật (parami) như Bố thí Ba-la-mật, Trì giới Ba-la-mật, Nhẫn nhục Ba-la-mật, Tinh tấn Ba-la-mật, Thiền định Ba-la-mật và đặc biệt Ngài nhấn mạnh đến Trí tuệ Ba-la-mật, tức là trí tuệ nhận chân được sự thật rốt ráo, thấy được bản thể của các con người là không và các pháp cũng không thật.  Ngài Long Thọ, Tịch Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Trần Na, Pháp Xứng... đều nhận thức và xiển dương về bản chất của 5 uẩn và các pháp là không thật.

PhapHoi3

Buổi pháp thoại diễn ra trang nghiêm nhưng cũng rất thân thiện. Sau những lời mở đầu của Ngài, các thầy ở tại tu viện đem trà và bánh vào cho đại chúng dùng, như một truyền thống trong quá trình nghe pháp của Phật giáo Tây Tạng. Điều này cũng giúp cho người nghe pháp đỡ đói vì thức dậy quá sớm đến để bố trí chỗ ngồi, và cũng làm giảm bớt sự căng thẳng do tập trung nghe pháp.

Buổi pháp kết thúc trong niềm hoan hỷ của đại chúng. Buổi chiều các thầy tiến sĩ Phật học cùng với đại chúng ôn tập lại những gì Ngài đã giảng. Những chỗ chưa hiểu, các thính giả có thể đặt câu hỏi và các vị đặc trách sẽ giảng giải chi tiết hơn.