Pháp hội Đông Nam Á 2016 - Ngày thứ 2

Ngày 29/08/2016 là ngày thứ 2 của Pháp hội. Như ngày trước, đoàn Việt Nam cũng như các đoàn khác đều rất hoan hỷ đón một ngày mới ở đất Macloganj và đến Namgyal sớm để ổn định đạo tràng. Tăng Ni Phật tử cũng đông như ngày trước, mặc dù nói là pháp hội Đông Nam Á, nhưng thực tế thì châu Âu, châu Úc gì đến nghe cũng được. Sáng nay, đoàn Việt Nam được Ban Tổ chức vinh dự sắp xếp xưng tán danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm trong khi đón tiếp Ngài, các sư Thái phát tâm tụng đọc 10 Ba-la-mật (Parami) và sau đó đoàn Việt Nam tụng đọc Tâm kinh Bát-nhã.

PhapHoi3 4

Sau phần Nghi thức là bài giảng của Ngài. Nội dung có thể chia thành 4 phần. Phần thứ nhất là giới thiệu về đạo Phật và chức năng của Tăng-già. Phần thứ hai là tầm quan trọng của Tứ đế và học hỏi giáo pháp; phần 3 là giải nghi (trả lời những vấn nạn) và phần thứ 4 là giải thích 2 nội dung chính của chương I. Nội dung rất phong phú, rất nhiều thuật ngữ Phật học và đôi khi người nghe chưa kịp nối kết các ý tưởng lại đã sang ý tưởng khác, do đó khó nắm bắt trọn vẹn bài giảng. Sau đây là nội dung tóm lược.

Phần 1: Giới thiệu đạo Phật và chức năng của Tăng-già

Ngài nói rằng đạo Phật bắt nguồn từ Ấn Độ và được đến thời kỳ Bồ-tát Long Thọ, Trần Na, Pháp Xứng... thì hưng khởi. Các vị Luận sư dựa vào lời dạy của đức Phật đã luận giải, làm cho lời dạy của đức Phật lưu bố rộng rãi khắp Ấn Độ. Do đó, Tăng-già đóng vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật pháp. “Tăng-già” phải hòa hợp và biết làm chủ tâm thức của mình, chứ không phải chỉ là những người khổ hạnh. Xuất gia không phải chỉ là từ bỏ gia đình nhỏ hẹp, mà là những vị dõng mãnh đi trên con đường cao thượng và thực tập thiền chỉ và thiền quán. Hay nói cách khác, một vị xuất gia phải chỉ quán song tu.

Bước đầu, một vị xuất gia phải học đọc 4 bộ A-hàm, sau mới nghiên cứu Kinh Bát-nhã (Tiểu, Trung và Đại Bát-nhã) để tư duy nghĩa lý lời dạy của đức Phật, nhằm loại bỏ tâm tiêu cực, phát huy tâm tích cực. Bởi vì một người thực hành giáo pháp, nghĩa là người có tuệ giác và có sự chứng đắc, không phải là người sở hữu ngôi chùa to, Phật khổng lồ.

Một người xuất gia phải học giới luật để phát triển đạo đức, học kinh để phát triển định và học luận để phát triển tuệ. Mục tiêu thuyết giảng của đức Phật là để hướng đệ tử thực hành Giới – Định – Tuệ, để tiêu diệt phiền não trong tâm thức của mình. Chức năng của trí tuệ là hiểu biết vạn pháp và chức đắc tánh không. Còn thiền định phải nhờ vào chánh niệm, tỉnh giác để đối trị phóng dật, buông lung. Một vị tu sĩ phải hiểu pháp và chứng pháp. Muốn hiểu thì phải học tam tạng kinh điển. Muốn chứng thì phải tu Giới Định Tuệ. Mọi người trong pháp hội cũng vậy, đang nghe và học giáo pháp. Mục đích của nghe và học này nhằm điều phục những gì chưa điều phục và tâm chưa an tịnh sẽ được an tịnh. Muốn chứng đắc A-la-hán quả, vị ấy phải tu tập Tứ Thánh Đế, mà Diệt đế là Niết-bàn, còn Đạo đế là con đường tu tập Giới Định Tuệ. Con đường tu tập này phải làm cho người nghe được phấn khởi, chứ không phải làm cho sợ hãi mới tu tập. Phần lớn các tôn giáo đều dựa vào niềm tin và thay vì làm cho người ta bình an, thì làm cho người ta lo sợ. Ngài kể câu chuyện trước đây khoảng 40 năm về trước có vị giáo sư đến Thư viện để học triết học Phật giáo. Ông ta rất phấn khởi khi học về Bồ-đề tâm, v.v... nhưng đến khi nói về cảnh giới địa ngục, ông thất vọng và chán nản bỏ học. Do đó, người học pháp làm thế nào cho được phấn khởi. Đạo Phật không phải là một tôn giáo hăm dọa ông bà già!

PhapHoi3 2

Một ý khác ngay trong bài giảng của Ngài là nói về việc các Lạt-ma thỉnh thoảng chú nguyện cho Phật tử bị bệnh. Khi Phật tử không hết bệnh lại nói rằng nghiệp của quý vị nặng quá ! Do đó, việc tu tập đòi hỏi tự thân phải chuyển hóa nghiệp lực, không nên dựa dẫm vào người khác. Ngài còn cho rằng, việc tu tập không phải dựa vào chức sắc, ăn mặc lòe loẹt, bóng loáng, sang trọng hay đội các kiểu mũ khác nhau. Tại sao lại có một số vị lại bận đồ thế tục? Mỗi lần lễ Phật, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, phải cởi áo ra để đảnh lễ Phật. Đó là một ẩn ý thâm trầm về sự xả ly sự giàu sang để tầm cầu giác ngộ, mà đó cũng là sự xả ly bản ngã để đến với đức Thế Tôn. Do đó, nếu chỉ có hình thức mà không có nội dung tu tập, đó là một sỉ nhục của Phật giáo Tây Tạng.

Phần 2: Tầm quan trọng của Tứ đế và học hỏi giáo pháp

Tứ Thánh đế là lời dạy căn bản của đức Phật về bốn sự thật. Nhưng đối với truyền thống Mật thừa Tây Tạng, Diệt đế được giải thích theo cách của ngài Long Thọ. Theo Quảng Trang Nghiêm Luận, hiểu được Tứ đế thì hiểu được đạo lý nhân quả (duyên khởi), và theo đó sẽ hiểu được thế nào là vô ngã, chơn như (thắng nghĩa đế). Bốn trường phái triết học Phật giáo, dù có chủ trương như thế nào đi nữa, cũng không ngoài hai đế: tục đế và chân đế. Do tục đế mà có báo thân, còn Chơn đế thì thành tựu pháp thân.

Nói tóm lại, các pháp nếu nhìn dưới góc độ Bát-nhã đều là giả lập, không có pháp nào là có thực tính. Từ Ngài Long Thọ cho đến các đệ tử của Ngài đều cùng một hệ tư tưởng. Ngài Thanh Biện cũng vậy, cho rằng cảnh và tâm thức rỗng không, nó không có tự tính nào. Mặc dù trong trào lưu này, có một số vị luận sư cũng có những quan điểm khác biệt.

Vào thế kỷ thứ 7 - 8, tại Tây Tạng, Phật giáo rất hưng thịnh nhờ vào sự ủng hộ các vị vua đương thời. Các vị vua này rất hùng mạnh và có mối quan hệ rất tốt với các nước lân cận như Nepal, Trung Hoa, v.v... Do đó, các vị cao Tăng từ trường Đại học Nalanda được cung thỉnh sang Tây Tạng, như ngài Tịch Hộ có công truyền giới cho các vị xuất gia và chuyển ngữ từ tiếng Phạn sang tiếng Tạng. Tổng cộng cả cuộc đời ngài chuyển ngữ và trước tác hơn 100 bộ. Ngài Long Thọ và Thánh Thiên với số lượng cả 300 bộ. Do đó, kinh luận không phải để tôn thờ, mà phải được đem ra nghiên cứu, học hỏi và tu tập. Ngài cho rằng, hồi nhỏ Ngài cũng lười và không chịu học Thành Duy thức luận, nhưng vì nhờ người thầy nghiêm khắc, nên cuối cùng học cũng xong. Khi Ngài qua bên Ấn Độ, ngài cũng tiếp tục học vì noi gương các vị luận sư trước đây, vẫn phải văn – tư – tu mỗi ngày. Vì trong kinh ghi rằng, nỗi khổ của chúng sanh không thể dùng tay xoa dịu hết được, tội lỗi của chúng sanh không thể dùng nước mà rửa hết được. Chúng sanh tạo nghiệp, gây nhân ác nên dẫn đến quả khổ. Đức Phật không thể xoa dịu bằng tay được, mà chính giáo pháp Ngài mới có khả năng xoa dịu nỗi khổ niềm đau của chúng sanh. Ngài giới thiệu giáo pháp của Ngài trên tinh thần duyên sinh. Không có một Đấng sáng tạo nào tạo nên sự vật. Tất cả các pháp đều do các duyên mà hình thành.

Do vậy, chúng ta phải học hỏi giáo pháp để chấm dứt khổ đau. Khi còn vô minh thì khổ đau vẫn tiếp diễn. Do vô minh mà có hành, do có hành mà có thức, v.v... Trên thực tế thì không ai muốn khổ đau, nên chúng ta tìm cách giúp cho người thoát khổ đau. Dù chúng ta có khổ hạnh cũng không thể giải quyết khổ đau. Mục đích của giáo pháp Phật là điều phục tâm mình, nên phải tu tập thiền chỉ và thiền quán. Chỉ có hiểu biết mới có thể chấm dứt sai lầm. Mọi sự vật là vô thường mà mình chấp là thường. Sống trong tam giới này là khổ mà mình cho là lạc, là bất tịnh mà cho là tịnh và vô ngã mà mình cho là ngã. Do nhận thức sai lầm dẫn đến khổ đau.

Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý, vì nếu học hỏi không tới nơi sẽ dễ rơi vào chủ nghĩa đoạn diệt, vì cho rằng không có gì cả! Đó cũng là tư tưởng ngoại đạo! Các vị hiền trí Nalanda, trong lúc đầu chỉ giới thiệu có 8 vị, sau đó bản thân Ngài đã thêm 9 vị nữa vào danh sách, thành ra hiện giờ thành 17 vị hiền trí đã có công hoằng truyền Phật pháp mà Tây Tạng thừa hưởng.

Con đường giải thoát này có thể thực hiện được qua niềm tin và trí tuệ. Có niềm tin mới thực hành, nhưng phải được hỗ trợ thì hành giả mới có thể thấy được những vi tế phiền não. Trong 6 Ba-la-mật thì trí tuệ Ba-la-mật là quan trọng nhất. Ngay cả khi lòng từ (metta) và bi (karuna) cũng phải được hỗ trợ bởi trí tuệ. Nếu chỉ có niềm tin thì chúng ta sẽ dễ rơi vào si mê, sợ hãi hoặc sân hận.

PhapHoi3 7

Phần 3: Giải nghi (trả lời những vấn nạn)

Trong giờ giải lao 15 phút mỗi ngày, Ngài đều cho các Phật tử đặt các câu hỏi. Sau đây là một số câu hỏi tiêu biểu:

1) Trong một hành động, chúng ta dựa vào yếu tố nào để xác định đó là thiện và không thiện, làm hay không nên làm?

Ngài Dalai Latma cho rằng yếu tố động cơ (cetana) là quan trọng hơn hết. Có thể trong một vài trường hợp được thể hiện với sự từ bi, tử tế, tế nhị, ... nhưng có một vài trường hợp vì ngăn người làm ác, nên thể hiện sự thiếu từ bi, nhưng trên thực tế là vì động cơ giúp người.

2) Làm thế nào để trở thành một Phật tử chơn chánh?

Là một Phật tử chơn chánh phải hiểu giáo pháp Phật. Thực hành các nghi quỹ rườm rà không phải là yếu tố quyết định. Nhờ hiểu giáo pháp mới thực hành giáo pháp và từ đó có sự chuyển hóa.

3) Làm thế nào ứng dụng Mật tông vào các nước khác có nền văn hóa khác nhau?

Hãy thực hành theo truyền thống văn hóa của nước đó. Mỗi đất nước có những nền văn hóa do tổ tiên đã dựng xây. Không nên vội vàng đem một nền văn hóa của nước này áp đặt lên nền văn hóa của nước kia. Quan trọng là giới thiệu giáo pháp, chứ không phải là những hình thức bên ngoài.

4) Sự khác biệt giữa Theravada (Thượng tọa bộ) và Mật thừa (Trantrayanana)

Có nhiều vị cho rằng Tiểu thừa (Hinayana) là pháp thấp kém, Đại thừa (Mahayana) là pháp tu cao. Từ đó dẫn đến thái độ coi thường, xem nhẹ pháp tu của Theravada. Chúng ta nên gọi là truyền thống kinh điển Pali, truyền thống kinh điển Sanskrit. Theravada chú trọng đến Luật tạng. Đức Phật dạy Luật còn là Phật pháp còn. Theravada có 227 giới, chúng tôi có 253 giới. Phần lớn các pháp Ba-la-di, Tăng tàn, 2 pháp bất định... đều giống nhau. Chỉ có các học pháp khác nhau, vì những vấn đề nhỏ nhặt như là chúng tôi có 7-8 giới liên hệ đến hạ y... Còn Tantrayanna hay Kim cương thừa cũng có sự khác biệt với mật tông của Ấn Độ giáo. Căn bản tư tưởng vẫn theo hệ tư tưởng của Mahayana ở Nalanda, chú trọng đến việc quán chiếu và phân tích thực tính của ngã và pháp để thấy bản chất của nó là không.

5) Người tu học giáo pháp Phật có nên sử dụng thuốc an thần để đưa tâm thức lên một trạng thái nào đó không?

Không nên. Con người của chúng ta vốn đã vô minh nên những ảo tưởng thường diễn ra trong tâm. Tu tập là để chấm dứt vọng tưởng. Do đó, người tu tập không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc an thần nào trong quá trình tu luyện, vì nó chỉ làm cho chúng ta tăng trưởng vọng tưởng mà thôi.

Phần 4: Giảng giải 2 ý chính trong chương I của Bảo hành vương chánh luận của Luận sư Long Thọ

Tác phẩm này, theo Sư cô Nhật Hạnh ghi trong phần cuối sách, đã được HT. Như Điển dịch từ Hán ngữ sang Việt ngữ rồi và chương 3, chương 4 đã được một số Sư cô dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi. Tuy vậy, bản mà chúng tôi có trong tay là bản dịch của Sư cô Nhật Hạnh.

Chương 1 “Sinh cõi cao và quyết định thiện”. Ngài chỉ chọn một vài câu tinh yếu để giảng, đó là thập thiện nghiệp đạo. Đối với một vị quốc vương hay một cư sĩ, điều cần tránh là 10 điều ác và điều cần làm là thực hành 10 điều thiện. Đây là pháp hành căn bản cho tất cả các tôn giáo. Tuy nhiên, điều khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác là điều thứ 10 “không tà kiến”. Một người có chánh kiến thực sự là người có khả năng nhận ra tâm chân như. Một người si mê tà kiến thì không hiểu được đạo lý nhân quả, không thấy mọi sự vật hiện tượng là duyên sinh.

Điểm nhấn mạnh trong phần cuối của buổi giảng vẫn là hành giả phải nhận chân như thật về ngã và ngã sở. Vì tất cả tôn giáo đều cho rằng có ngã, trong khi đó Phật giáo cho là vô ngã. Đây là vấn đề tế nhị, thâm sâu, khó hiểu. Cho rằng, nếu không có ngã thì ai tái sinh. Uẩn có phải là ngã không? Năm uẩn là ngã không? Câu trả lời là tất cả đều giả danh, tạm đặt như các bài kệ sau: Kệ số 31: “Ví như nhờ chiếc gương/ Hình ảnh tự nhiên hiển hiện/ Không thật có mảy may/ Ảnh tượng trong chiếc gương”. Kệ 32: “Như vậy nhờ các uẩn / Thấy ngã chấp sanh khởi/ Như ảnh gương mặt mình/ Làm gì có thật tính”. Kệ 33: “Như không phụ thuộc vào gương/ Ảnh tượng sẽ không hiện/ Cũng vậy không lệ thuộc vào uẩn/ Thì ngã chấp không sinh”.

Phần phụ: Buổi chiều ôn tập nội dung đã giảng vào buổi sáng và cả đoàn được cô Thủy và Minh Châu hướng dẫn thăm Viện Y học cổ truyền của Tây Tạng Men-tshe-khang. Tại đây, đoàn đã được các vị phụ trách chia sẻ về nguồn gốc y học cổ truyền Tây Tạng. Điểm đặc biệt là y lý dựa trên giáo pháp Phật và được minh họa bằng các bức tranh đã được lưu truyền từ ngàn xưa. Qua đó, chúng ta thấy mặc dù người dân Tây Tạng lưu vong, mất nước nhưng họ vẫn ra sức bảo tồn nền văn hóa và y học dân tộc. Cũng tại đây, chúng tôi được giới thiệu về ngành chiêm tinh và thiên văn học của Phật giáo Tây Tạng. Sau cùng là buổi giao lưu văn hóa giữa việt Nam và Tây Tạng. Một vài tiết mục cổ truyền của dân tộc Tạng được biểu diễn như là một sự bày tỏ hoan hỷ đối với đoàn Việt Nam.

Trên đây là khái lược nội dung pháp thoại và hành trình một ngày của đoàn Việt Nam. Hầu hết người Việt tham dự pháp hội đều vô cùng cảm ơn Sư cô Nhật Hạnh đã chuyển ngữ những lời pháp của Ngài Dalai Latma sang tiếng Việt trong sáng và dễ hiểu. Mặc dù còn rất nhiều thuật ngữ Phật học mà Ngài chỉ giới thiệu làm cho người nghe, nhất là người nghe lần đầu chẳng hiểu gì, nhưng dù sao một số ý chính cũng được đại chúng ghi nhận. Cũng tương tự với Minh Châu, vừa với tư cách là Ban Tổ chức trong đoàn, có được vốn ngôn ngữ Phật pháp và thế học rất vững vàng, nên khi dịch về y học và chiêm tinh của Phật giáo Tây Tạng đã lột tả được một phần nào đó nền minh triết y học và chiêm tinh của Phật giáo Tạng truyền.