Pháp hội Đông Nam Á 2016 - Ngày thứ 4

Đáp lời thỉnh cầu của Ban Tổ chức trong ngày đầu tiên, Đức Dalai Lama dành trọn ngày thứ 4 để hướng dẫn và làm lễ Quán đảnh Quán Thế Âm Bồ-tát cho tứ chúng. Như một thông lệ, trước khi chính thức quán đảnh, Ngài đã quang lâm chánh điện sớm hơn thường lệ. Đúng 7 giờ Ngài có mặt tại Chánh điện thiết lập đàn pháp. Đại chúng trì tụng Om Mani Padme Hum, còn riêng Ngài trì tụng và thực hành các nghi quỹ thỉnh chư Phật và Bồ-tát quang giáng đạo tràng.

QuanDanh

Buổi pháp hội và Lễ Quán đảnh có thể chia thành 3 phần: 1) Khái lược về ý nghĩa Lễ Quán đảnh; 2) Nghi thức lễ Quán đảnh; 3) Lễ cầu nguyện trường thọ đức Dalai Lama. Sau là phần chụp hình lưu niệm với các đoàn.

Những lời cầu nguyện phổ thông như Quy y – Phát tâm Bồ-đề, Thọ giới cư sĩ, Phát Bồ-đề tâm nguyện và Thọ Bồ-đề tâm hạnh đã được ghi từ trang 31 – 33 của Bảo hành vương chánh luận. Nghi thức có một vài phần giống với Phật giáo Việt Nam, nhưng có nhiều điểm khác biệt với truyền thống Phật giáo Theravada. Điểm nhấn trong Lễ Quán đảnh này giúp cho hành giả phát tâm Bồ-đề, rộng độ chúng sanh, làm lợi ích hữu tình cho đến khi nào thành Phật. Ba bài kệ 483, 484, 485 trong Bảo hành vương chính luận được Ngài truyền khẩu và người quy y phải lập lại: “Nguyện làm đất, nước, lửa, gió/ Thuốc men, rừng cây, chỗ nghỉ/ Thường cho tất cả chúng sinh/ Tự do thọ dụng không hết”. 484. “Thương chúng sinh như sinh mạng/ Thương yêu quý trọng họ hơn mình/ Nguyện nhận hết tội lỗi/ Dâng phước báu cho chúng sanh”. 485. Con nguyện đến khi nào/ Còn một chúng sinh chưa đạt giác ngộ/ Dù con đã chứng Vô thượng Bồ-đề/ Xin ở lại thế gian cứu độ họ.”

Trước khi thọ nhận lễ Quán đảnh, Ngài Dalai Lama cũng nhấn mạnh đến 18 giới trọng và 46 giới khinh mà một vị phát tâm Bồ-đề cần phải thọ học. Qua đây, cho chúng ta thấy rõ Giới Bồ-tát được các vị Tổ sư/ Luận sư dựa vào căn tánh chúng sanh trong một địa dư văn hóa để soạn, do đó những giới điều hạn chế bớt các bất thiện pháp và tăng trưởng các thiện pháp đối với vị cầu quả vị giác ngộ được quy định khác nhau. Giới Bồ-tát tại Việt Nam dựa vào bản Trung Hoa có 10 giới trọng và 48 giới khinh. Nội dung của giới bản Bồ-tát giới hầu như khác biệt.

Nghi quỹ truyền Tam quy và Ngũ giới cũng đơn giản. Duy có Nghi quỹ Quán đảnh phức tạp và liên quan đến việc tâm định và sức quán tưởng của người đang dự lễ, có lẽ tần số chỉ là 1/100 người thực hiện được. Một vài vị đang học Tạng ngữ cho rằng đó chỉ là pháp Quán đảnh gieo duyên ban phước.

Sau lễ Quán đảnh, Ngài dạy rằng nhiệm vụ của Ngài đến đây đã xong, việc hành trì pháp còn lại là mỗi người. Mỗi người tự hành trì giáo pháp để được an lạc, lợi ích và giải thoát. Lời nói đơn giản, nhưng có sức mạnh tác động đến tâm thức người nghe vô cùng.

Sau đó là từng đoàn tranh thủ chụp hình lưu niệm.

hinhthu4

hinhthu4 1

Buổi chiều tối, Rinpoche Sey Dharmadhodey – Con trai của Ngài Marpa (với hình tướng là một cư sĩ, thông thường được gọi với một tên khác là Serkong Rinpoche) được mời ăn cơm tối với đại chúng. Trong sự băn khoăn của một vài người về hình tướng cư sĩ trong danh hiệu Rinpoche, câu trả lời là danh hiệu Rinpoche một khi đã công nhận thì được duy trì cho đến cuối cuộc đời, dù vị ấy sống dưới hình thức nào. Được biết, Ngài sinh năm 1983, bạn đồng song với Ling Rinpoche (tiền thân là thầy giáo thọ của ngài Dalai Lama). Lúc 2-3 tuổi, Sey Dharmadhodey Rinpoche đã được Ngài Dalai Lama xác nhận là vị tái sanh của Serkong Tsenshap Thuksey. Đến 5 tuổi được Tăng đoàn Tây Tạng đưa về và làm lễ tôn lên ngôi vị Rinpoche. Tuổi thơ ấu của Ngài cũng giống như bao đứa trẻ khác, cũng vui chơi... và học tập kinh điển trong tu viện. Lớn lên, vì Phật sự do Ngài Dalai Lama giao là phát triển kinh tế và giữ gìn nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng, do đó, hiện giờ mặc dù với thân tướng là cư sĩ, nhưng Serkong vẫn được mọi người gọi là Rinpoche. (Khách sạn chúng tôi đang ở do Ngài thành lập - Serkong House và tịnh tài có được đưa vào cho việc phát triển cộng đồng Tây Tạng và tu viện).

Trong buổi hàn huyên nhiều câu chuyện từ phía Ngài và từ phía Việt Nam, có người xin hỏi về cách tìm tái sanh, đồng thời tiêu chí xác định phẩm chất của một hành giả để rồi đại chúng đi tìm tái sanh. Ngài vui vẻ cười và nói rằng, thật sự đó là một bí mật! Nhưng vì hôm nay trong tinh thần hoan hỷ, Ngài xin chia sẻ điều bí mật đó! Điều đầu tiên là Ngài thừa nhận rằng chính Ngài cũng không rõ việc đó, nhưng được nghe kể lại quy trình như sau: 1) Trước nhất vị hành giả ấy được các đệ tử cung kính quý mến. Sau khi thị tích, các đệ tử mong ước tìm được vị thầy xưa để tiếp tục phát triển hạnh nguyện; 2) Các đoàn giao nhiệm vụ đi tìm được phái đến một vài nơi Ngài đã từng đi qua hoặc sống và làm lợi ích chúng sanh, và có thể Ngài đã tiên tri trước (hoặc không tiên tri). Phái đoàn tìm kiếm hậu thân tái sanh đến và lấy hết danh sách các em sinh năm đó tại địa điểm mà Ngài Dalai Lama chỉ định; 3) Sau khi lấy danh sách, chính tay Ngài Dalai Lama duyệt xét danh sách và xác định đó là vị Rinpoche tái sanh. Trong cuộc đời của Serkong Rinpoche cũng có xảy ra một vụ cho rằng Ngài không phải là hậu thân lúc Ngài 13 tuổi. Vụ việc này Ngài Dalai Lama cho rằng, rất có thể Ngài cũng có những phán đoán sai, nên cho mời Vấn linh thần (Oracle) để hỏi lại. Qua cuộc trao đổi đó, các vị cho biết, phán đoán của Ngài Dalai Lama là chính xác.

Còn riêng việc tìm kiếm tái sanh đối với Ngài Dalai Lama thứ 13 nói riêng và trong những kiếp trước nói chung là một hành trình khác. Tăng đoàn Tây Tạng cử một phái đoàn chuyên trách (có công năng tu tập và quyền quyết định trong Tăng đoàn) đến nhận diện. Sau đó đưa các pháp khí Ngài đã sử dụng tiền kiếp. Với chủng tử đã huân tu trong kiếp trước, đứa trẻ sẽ vô tư và thích thú với những pháp khí đó. Đồng thời, các vị ấy cũng như kiểm tra một vài biểu hiện khi đối trước một số vị cao Tăng/ Trưởng lão rất thân cận với Ngài lúc trước, để từ đó khẳng định sự tái sanh của Ngài Dalai Lama.

Buổi nói chuyện đã tạo nên sự hoan hỷ, hào hứng đối với các vị tham gia hiện diện.