Pháp phục truyền thống Hệ phái Khất sĩ

 Bmac23

Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni,

Kính thưa toàn thể đại chúng,

Trang phục của một dân tộc, quốc gia hay tôn giáo là tiếng nói không lời của một nền văn minh, văn hóa của dân tộc, quốc gia và tôn giáo đó. Trang phục ấy cũng chịu sự tác động từ nền văn hóa, quan niệm thẩm mỹ, bối cảnh kinh tế xã hội, để tạo nên những đường nét, họa tiết, hoa văn, sắc màu rất riêng. Ấn Độ có Sari, Nhật Bản có Kimono, Việt Nam có Áo dài, ... là những đặc sản văn hóa trang phục nổi tiếng khắp thế giới. Đặc biệt, các dân tộc miền núi thể hiện bản sắc văn hóa của mình rất rõ qua trang phục thổ cẩm với những đường nét, hoa văn... rất tinh tế và đa dạng. Với người nghiên cứu về Dân tộc học, các trang phục, các kiểu kiến trúc và biểu tượng là dấu chỉ để xác định tính cách văn hóa, đời sống của dân tộc đó. Do vậy, việc nghiên cứu về pháp phục và gìn giữ bản sắc của một nền văn hóa trang phục là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Khất sĩ nói riêng.

Y 2

Y 1

Pháp phục Phật giáo là một trường hợp hết sức đặc thù trong các tôn giáo. Chiếc y ca-sa đã trở thành biểu tượng cho giới tu hành Phật giáo. Tuy vậy, ngày nay Phật giáo phát triển khắp thế giới với hai tông phái chính: Nam tông và Bắc tông và hình thức pháp phục cũng khá đa dạng. Ví dụ tại Miến Điện, chư Tăng Phật giáo Nam tông sử dụng nhiều màu y, hoặc màu đất (nâu đen), màu đỏ sậm, hoặc màu vàng sậm thể hiện các trường phái riêng biệt; còn tại Thái Lan, màu sắc tương đối giống nhau, nhưng cách đắp y lum (quấn trùm thân), không giống nhau hoàn toàn giữa các tông phái. Phật giáo Đại thừa lại càng đa dạng hơn, ví dụ pháp phục chư Tăng Ni Phật giáo Nhật Bản khác biệt rất nhiều với Hàn quốc (Triều Tiên), hoặc là Phật giáo Tây Tạng (hiện lưu vong ở nhiều nước) cũng có những nét hết sức đặc thù. Nhìn pháp phục Tăng Ni đang mặc, chúng ta có thể xác định được khu vực, quốc gia của người mặc trang phục ấy. Bên cạnh đó, Phật giáo Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan lại có những nét khá tương đồng, nếu không tinh tế, rất khó phân biệt.

Kmac 41

35

Tại Việt Nam, từ thập niên 40, 50 của thế kỷ XX đã xuất hiện một hình thái Phật giáo mới với vị khai sáng là Tổ sư Minh Đăng Quang và sau đó lan truyền khắp Nam Trung Việt Nam rồi sau lần đến một số nước như Mỹ, Canada, Pháp, Úc,... Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện: “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” đã tạo nên một hình thái Phật giáo đặc thù, góp phần vào sự chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào giữa thế kỷ XX. Sự xuất hiện của Phật giáo Khất sĩ như một tất yếu của Phật giáo Việt Nam, trên nền tảng dung hợp hai truyền thống tâm linh và văn hóa của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. Đến năm 1981, các tông môn pháp phái Phật giáo được thống nhất, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam và Giáo hội Ni giới Khất sĩ trở thành thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và được gọi chung là “Hệ phái Khất sĩ”. Hiện nay Hệ phái Khất sĩ trở thành một trong các tông phái có sức ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đối với dân tộc Việt Nam và đã tạo nên một dòng chảy đặc thù trong lòng Phật giáo Việt Nam.

Vậy biểu tướng pháp phục của Hệ phái Khất sĩ như thế nào? Tổ sư Minh Đăng Quang có quy định gì hay không? Nó giống hay là khác với pháp phục Nam tông và Bắc tông chỗ nào? Đặc trưng của nó như thế nào? Trong phạm vi bài này, người viết xin trình bày về 5 loại pháp phục tương ứng với 5 phẩm cấp của người xuất gia và tại gia cư sĩ: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di/ Sa-di-ni, Nhập chúng/ tập sự và cư sĩ.

1. PHÁP PHỤC TỲ KHEO

Trước nhất, Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều chấp nhận rằng pháp phục của hàng Tỳ-kheo có 3 y: Antaravasaka (An-đà-hội), Uttarasanga (Uất-đa-la-tăng), và Sanghati (Tăng-già-lê). Trong 3 y này, Y An-đà-hội còn được dịch là y nội và chính xác hơn là y hạ, và được sử dụng như chiếc chăn/ quần ngày nay. Y Uất-đa-tăng được sử dụng che phần trên (áo) và khi đắp thì chừa cánh tay mặt, có thể được sử dụng ở tại tịnh xá trong lúc làm công quả và khi tụng kinh, lễ Phật. Y Tăng-già-lê là y ngoài, phần lớn được sử dụng cho một số trường hợp như Bố-tát, hành các pháp Yết-ma. Khi qua Trung Hoa, Antaravasaka còn được dịch là “Ngũ y” (y năm mảnh) hay “Túc trung y” (Y che phần giữa xuống chân), Uttarasanga còn được dịch là “Thất y” (Y bảy mảnh) hay “Thượng trước y” (y che phần trên) và Sanghati (Tăng-già-lê) còn được dịch “Tạp toái y” (Y nhiều mảnh, thông thường từ 9 đến 25 mảnh) hoặc là “Đại y” (Y lớn, vì chỉ sử dụng khi vào cung vua thuyết pháp, hay đi khất thực ngoài đường hoặc có Đại lễ). Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ trình bày phần pháp phục của Hệ phái Khất sĩ.

Y 3

Tổ sư Minh Đăng Quang y cứ vào Luật tạng của Đàm-vô-đức bộ (Dharmaguptaka)[1] và chắc chắn có sự tham khảo đối chiếu với Luật Nam truyền, quy định rằng một vị Khất sĩ chỉ có 3 y, nhưng với ngôn ngữ rất riêng và cũng rất dễ hiểu của Tổ, gọi là Y thượng, Y trung Y hạ. Trong Luật nghi Khất sĩ, phần “Luật Khất sĩ” (tr. 38 – 39), Tổ quy định như sau:

a) Y thượng bá nạp, phải bằng vải cũ hoặc vải vụn đâu lại. Không được may vải vụn đủ bông, đủ màu rằn rực sặc sỡ; phải may bằng vải trắng, vải vàng, hoặc những thứ lợt màu, để có thể sau khi may rồi, nhuộm cho tiệp màu vàng sậm (cấm dùng vải, chỉ bằng tơ, lụa, hàng nỉ, nhiễu, len, tố, cẩm, tự… đồ vật của sanh mạng; cấm dùng màu đen, trắng, xanh, tím, đỏ, vàng, màu tươi tốt).

Y thượng bề dài 2m70, bề ngang 1m80, mặc vấn. Nếu y của Sa di vải nguyên, bằng y của Tỳ kheo thì bá nạp, thêu bìa dọc dài 0m10, bìa ngang 0m15 (là 3m x 2m). Khi ra đường, vào nhà xóm mặc y vấn tràng.

b) Y hạ vải nguyên, bề dài 2m, bề ngang 1m, may dính lại, thành ra vuông vức 1m2. Bìa trên 0m10, bìa dưới 0m05, nhuộm màu vàng sậm theo y thượng (Tăng mặc xếp, Ni mặc dún rút; Tăng mặc nửa ống chơn, Ni mặc ngang mắt cá cổ chơn).

c) Y trung vải nguyên, bề dài 2m, bề ngang 0m70, không may bìa. Kết mỗi nên hông một nút quai thắt. Nhuộm màu vàng sậm theo y thượng và y hạ, mỗi khi giặt phải giặt một lượt 3 cái, không cho bay màu khác nhau (có thể y trung này màu sậm, hoặc lợt hơn y thượng và y hạ một chút ít cũng được). Nhuộm bằng thuốc màu, hoặc vỏ trái măng cụt sống, vải giặt sạch hồ, nhúng phơi 4 nước chớ đừng ngâm (khi mặc vào chừa cánh tay mặt).

Y trung của Ni lưu bề dài 1m, bề ngang (kích) 0m70, tay 0m85, ống tay 0m20, đinh, lai, bâu 0m20, nút quai thắt, phải có may xương sống và vai vuông.

Y thượng: phải mặc một cái một, mỗi năm đổi một lần vào ngày Rằm tháng Bảy. Hoặc ai muốn chỉ giữ một cái cũ, mặc vá trọn đời cũng được.

Y hạ: có thể cho một cái mới, mỗi năm đổi một lần vào ngày Rằm tháng Bảy, và giữ thêm được một cái cũ để thay đổi. Mỗi khi đi ra đường phải mặc cái cũ ở trong, cái mới ở ngoài đặng cho tiệp màu với y thượng. Trong lúc đêm hôm, mặc ngủ, cùng khi làm việc dính dơ, nên mặc dùng cái cũ. Hoặc như ai muốn mặc một cái thì càng tốt, chớ cấm tuyệt đối không cho có đến ba cái hạ y, hoặc hai cái mới hết.

Y trung: Mỗi năm đổi một cái mới vào ngày Rằm tháng Bảy, và còn giữ được một cái cũ. Cấm ba cái, hoặc hai cái mới hết. Phải mặc cái cũ phía trong, cái mới phủ ngoài cho tiệp màu y thượng và y hạ. Hoặc chỉ mặc thường một cái cũ cho hư trước, cái mới ít mặc đặng lâu hư. Ai mặc được một cái càng tốt (Ni lưu có được hai bộ y hộ thân riêng và một cái túi nhỏ, bề dài 0m30, bề ngang 0m25).

Bmac16

Y thượng bá nạp Tỳ-kheo của một vị Khất sĩ

Đó là những quy định của Tổ sư Minh Đăng Quang về pháp phục. Sau đây là một vài nhận định của người viết:

1. Pháp phục: Căn bản giống với Phật giáo Nam truyền, nghĩa là chư Tăng mặc y chừa cánh tay mặt khi ở tịnh xá và đắp y trùm (còn gọi là y lum) khi đi ra ngoài, mặc chăn giống như ở Ấn Độ và các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo Nam truyền.

2. Thường phục: Khi chư Tăng ở trong tịnh xá làm công quả hoặc ở trong cốc một mình đọc kinh sách, tham thiền, chỉ sử dụng y trung và y hạ.

3. Giáo phục (mặc đi ra đường) và lễ phục (trong các lễ lạc, Phật sự trọng đại) giống nhau. Chư Tăng Ni khi lễ Phật, tụng kinh, Bố-tát, truyền giới và khi đi ra đường đắp thượng y. Điều này vừa phù hợp trong bối cảnh đất nước chúng ta khi Đạo Phật Khất Sĩ ra đời, thể hiện tính giản dị và đơn giản thanh bần trong nếp sống tu học và chủ trương của Phật Tăng xưa.

4. Số lượng chỉ có 3 y, thống nhất với số lượng trong Luật tạng của các bộ phái quy định, nhưng Y trung trong Hệ phái Khất sĩ khác hẳn với Y Uất-đa-la-tăng như đã mô tả trong các từ điển. Qua các hình ảnh trong thiền lâm do Thiền sư Ajahn Chah hướng dẫn, các sư trong thiền lâm khi lao tác cũng chỉ có mặc y hạ và y trung (như kiểu các sư Khất sĩ).

5. Y thượng của các vị Tỳ-kheo phải vá (bá nạp), giống với chư Tăng thời Phật còn tại thế. Không có quy định bao nhiêu mảnh vải mà tùy vào tín chủ may cúng dường, hoặc tùy vào khổ vải tìm được, nhưng tựu trung là các mảnh vải được khâu lại như từng mảnh ruộng, như thời Phật còn tại thế đã từng chỉ dạy cho Tôn giả Ananda may y của chư Tăng như các mảnh ruộng, còn được gọi là “Vô thượng phước điền y”. Có một bài kệ tán thán Y bá nạp như sau: “Y bá nạp bức họa đồ thế giới / Vẽ muôn ngàn đường lối bước vân du”. Quả vậy, chiếc y bá nạp này trở thành biểu tượng cho hạnh trì bình khất thực hóa duyên, rày đây mai đó của hạnh tùy duyên hóa độ vô cầu của hàng Khất sĩ.

6. Trong truyền thống Phật giáo Khất sĩ, vì là cố gắng thể hiện cách ăn, mặc giống như Phật giáo Nguyên thủy vào thời kỳ ban sơ, ít nghi lễ cúng kiến, chuyên tu thiền định, nên không có mão, hia, lễ phục đặc thù cho các vị Kinh sư phụ trách Nghi lễ trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Mặc dù ngày nay, các nhà sư Khất sĩ thỉnh thoảng cũng có tổ chức các lễ cầu nguyện, nhưng vẫn đơn sơ là 3 y như Luật tạng của các bộ phái nói chung và Đàm-vô-đức bộ nói riêng.

7. Ngày nay, với điều kiện kinh tế phát triển, y thượng được các Phật tử phát tâm may và cúng dường, phần lớn là các vải nguyên cắt ra may lại, do đó số lượng vải được may để thành một y bá nạp, tùy vào Phật tử cắt may, chưa có một quy định cụ thể nào. Có một vài đề nghị liên hệ đến vấn đề này[2], nhưng vẫn chưa được sự thống nhất của Giáo phẩm Hệ phái.

8. Các pháp phục này không thể mua ở chợ, mà phải có tín chủ cúng vào Rằm tháng Bảy âm lịch, do đó, các Tăng / Ni một khi đã thọ nhận sẽ giữ gìn và mặc cho đến đến khi nào rách hư hoặc cho đến trọn đời. Đến rằm tháng Bảy, các y nếu đã rách hư, các vị trình bạch lên Giáo hội (Giáo đoàn) xin đổi y, lúc bấy giờ mới nhận y mới.

2. PHÁP PHỤC TỲ-KHEO-NI

Một trong những điểm son của Phật giáo Khất sĩ là Tổ sư chấp nhận nữ lưu vào trong đoàn thể Khất sĩ. Trong khi đó, các nước Phật giáo Nam truyền như Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện và ngay cả một số nước Phật giáo Đại thừa như Mông Cổ, Tây Tạng (trước đây và ngày nay lưu vong ở Ấn Độ) không có các vị nữ tu thọ Tỳ-kheo-ni với lý do là dòng truyền thừa Ni lưu bị đứt đoạn. Trong khi đó, Tổ sư Minh Đăng Quang tiếp nhận nữ lưu và cho thọ Sa-di, Thức-xoa-ma-na rồi Tỳ-kheo-ni giới. Đó là một quyết định trí tuệ, vì trong thời Phật, người nữ cũng được tiếp nhận vào Tăng đoàn và được thọ Cụ túc giới và nếu vị ấy nỗ lực tu tập, vẫn đắc đạo chứng quả.

Về pháp phục, Tỳ-kheo-ni cũng có 3 y căn bản như chư Tăng, tức có y hạ (chăn), y trung (áo dài) và y thượng. Do vì tính đặc thù của nữ giới, nên Tổ quy định áo dài (y trung) của chư Ni như đã nêu trong phần Luật ở trên.

Về chiếc áo dài này của chư Ni Hệ phái Khất sĩ có mẫu số chung là giống với chiếc áo dài của Phật giáo Bắc truyền, tuy nhiên cũng có nhiều sự khác biệt. Chiếc áo dài này cổ đứng, phần trên giống như chiếc áo vạt hò của miền Tây Nam Bộ thuở xưa và phối hợp với chiếc áo dài truyền thống Việt Nam tạo nên một chiếc áo dài Phật giáo Khất sĩ đặc thù. So với y phục của chư Ni Phật giáo Mông Cổ và Tây Tạng thì chiếc áo dài chư Ni Phật giáo Khất sĩ (thay thế y trung của chư Tăng) rất tiến bộ, vừa thể hiện tính thẩm mỹ kín đáo của người nữ, vừa thể hiện tính đặc trưng xuất phát từ vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ.

Về cách mặc, Y hạ của chư Ni mặc rút, như cách mặc đầm (đối với phụ nữ Tây phương và Việt Nam), trong khi đó nữ tu theo truyền thống Thái, Miến và Việt Nam thì mặc y đứng (vuông), xếp, như chư Tăng. Ni giới Phật giáo Tây Tạng cũng vậy, cũng mặc y xếp, đứng, hơi bó sát mông. Từ sự so sánh này cho phép chúng ta có nhận thức rằng, những quy định của Tổ sư Minh Đăng Quang về y phục đối với Ni giới Khất sĩ là một sự sáng tạo độc đáo so với các bộ phái Phật giáo hiện hành.

Về cách thọ trì y cũng giống như chư Tăng. Khi đi ra ngoài, chư Ni phải mặc đủ 3 y, y thượng luôn luôn trên thân. Điều này vừa thể hiện sự nghiêm trang pháp tướng mà cũng là rất tiện cho các lễ lạc khi cần, chư Ni không cần phải thay đổi y áo mà cũng chỉ với y áo ấy có thể thăm viếng gia đình Phật tử hoặc tụng kinh chú nguyện, làm pháp sự, v.v...

3. PHÁP PHỤC SA-DI VÀ SA-DI-NI

Sa-di và Sa-di-ni cũng có 3 y như Tỳ-kheo. Điểm khác biệt là Y thượng của sa-di/ Sa-di-ni phải mặc y trơn (không vá). Điều này thì hoàn toàn giống với quy định của Phật giáo Bắc truyền. Tuy nhiên, để tạo thành một chiếc y Sa-di cũng cần phải kết hợp bởi 3 mảnh vải, do đó phần lớn chiếc y Sa-di/ Sa-di-ni ít nhất được may lại từ 3 mảnh.

Y trung của Sa-di-ni tức là Áo dài, và Y hạ tức là chăn (như Tỳ-kheo-ni).

4. PHÁP PHỤC HÀNG TẬP SỰ / NHẬP CHÚNG

Theo truyền thống Phật giáo Khất sĩ, trước khi lên lớp Sa-di, người học đạo cần phải trải qua một giai đoạn gọi là “Tập sự”, ít nhất là 1 năm, hoặc 1 năm rưỡi, có nhiều vị được rèn tới 2 năm. Trong thời gian này, các vị tập sự mặc y phục gì?

Trong trường hợp này, vị Tập sự (Tăng và Ni) có thường phục và lễ phục. Thường phục là bộ đồ nâu hoặc bộ đồ lam gồm áo vạt hò và quần dài. Ngày nay Hệ phái quy định các vị Tập sự mặc đồ nâu (đà). Mỗi vị được 3 bộ là tối đa. Lễ phục là chiếc áo dài cổ đứng, tức là chiếc áo dài như đã đề cập ở trên, màu vàng sậm (tương ứng với màu sắc y của các vị Sa-di và Tỳ-kheo).

Đối với Tập sự nữ, sau thời gian một năm rưỡi trở lên, nếu vị thầy xét thấy hạnh kiểm oai nghi vững vàng, quyết tâm tu học, các vị thầy sẽ giới thiệu lên Giáo đoàn cho Nhập chúng, bắt đầu được phép mặc đồ vàng (áo, quần và cả áo dài).[3]

Như vậy, trong giai đoạn này chư Tăng và Ni có sự thử thách khác nhau. Chư Tăng chỉ cần mất một năm đến hai năm rèn luyện oai nghi hạnh kiểm rồi cho lên lớp Sa-di, thì chư Ni phải mất từ 2 đến 3 năm mới được thọ Sa-di-ni.

5. PHÁP PHỤC NGƯỜI CƯ SĨ

Đối với cư sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang quy định trong Chơn lý “Cư sĩ” như sau:

Người không có giới mặc áo quần đen.

Người 1 giới mặc áo trắng quần đen.

Người 5 giới mặc áo quần trắng.

Người 8 giới mặc áo đà quần trắng.

Người 10 giới mặc áo quần đà.

Áo trung bình: Bề dài xương sống 1 mét, kích 0,7 mét, tay 0,85 mét, ống tay 0,2 mét; cổ, lai, bâu, đinh, nếu người nam thì 0,03 mét, nữ thì 0,02 mét. Đây là áo trung đạo bình đẳng không giai cấp, cùng là áo đạo của tất cả cư gia.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng, y phục được khoác trên mình của một cư sĩ tại gia cũng biểu hiện cho giới đức tu tập. Người chưa giữ giới, Tổ sư quy định là mặc màu đen (trên dưới đều đen) dụ cho người sống trong cõi đời ác trược, đen tối, chưa bỏ tục về chơn. Đến khi giữ được một giới thì áo trắng quần đen, dụ cho đời sống bắt đầu cao thượng, trong sạch lần. Đến khi 5 giới thì áo quần đều trắng, dụ cho đời sống của người cư sĩ trong sạch, thiện lành. Điều này phù hợp với truyền thống Phật giáo các nước Nam truyền. Tại Ấn Độ, Tích Lan, người cư sĩ thọ 5 giới vào ngày Rằm, Chủ Nhật đến chùa / tịnh xá nghe kinh học pháp đều bận áo quần màu trắng.[4] Cho nên trong kinh điển Nikaya và A-hàm có một số bài kinh Phật thuyết cho hàng cư sĩ bạch y, Hòa thượng Nhất Hạnh đã dịch sang Việt văn là “Kinh Người Áo trắng”, TT. Thích Nhật Từ đã chọn bản dịch này đưa vào bản Kinh tụng hàng ngày Kinh Phật cho người tại gia. [5]

IMG 1214 Copy

Hiện nay Lễ phục của người cư sĩ thọ trì từ 5 đến 8 giới đều áo dài màu trắng, được gọi là “Áo giới”, tượng trưng cho sự thanh khiết, cao cả và gìn giữ năm nguyên tắc đạo đức của một người quay về nương tựa Tam bảo. Điều này cũng gợi cho chúng ta suy nghĩ rằng, Tổ sư Minh Đăng Quang nhất quán trong tư tưởng và ứng dụng hành trì, từ sự tướng của hàng xuất gia đến hàng cư sĩ tại gia.

Áo dài trắng này, cũng giống như áo dài của tập sự nam, hoặc áo dài của Ni giới. Chỉ khác nhau kích cỡ của từng đối tượng. Áo dài này phần lớn được Hệ phái đề nghị may rộng hơn thân một chút, không có eo, không bó sát, tạo nên sự nghiêm trang của người cư sĩ. Trên áo giới, mặc dù không có văn bản hướng dẫn, nhưng được khích lệ là thêu tên tịnh xá mình đang theo tu học và phía dưới tịnh xá là pháp danh của Phật tử, để khi sinh hoạt chung, được biết Phật tử ở tịnh xá nào và tên gì để tiện việc xưng hô.

Kính bạch chư Tôn đức,

Vẫn biết rằng bản chất Phật giáo không đặt nặng vấn đề pháp phục, vì “chiếc áo không làm nên thầy tu” như ông cha ta đã đúc kết thành thành ngữ. Tuy vậy, nếu thiếu chiếc áo hình thức thầy tu thì người xuất gia cũng khó trở thành một thầy tu chính thức. Đức Phật khi xưa đã dạy:

“Ai mặc áo cà sa // Tâm chưa rời uế trược

Không tự chế, không thực// Không xứng áo cà-sa”.

(Pháp cú, 9)

“Ai rời bỏ uế trược // Giới luật khéo nghiêm trì

Tự chế, sống chơn thực // Thật xứng áo cà-sa”.

(Pháp cú, 10)

Do đó, chiếc y ca sa nói riêng và các y phục của tu sĩ nói chung của Phật giáo có nét rất riêng và có giá trị thiêng liêng nhất định, tạo nên dấu ấn Phật giáo trong lòng xã hội. Do đó, trong phạm vi khuôn khổ này, chúng con xin kiến nghị:

1. Hệ phái cần phát huy vai trò gìn giữ những đường lối kỷ cương ngang qua pháp phục của Hệ phái, không để tình trạng mặc pháp phục không đúng với truyền thống của Hệ phái.

2. Các trường/ lớp do Giáo hội tổ chức nên tạo điều kiện cho Hệ phái gìn giữ pháp phục truyền thống của Hệ phái.

3. Hiện nay, chư Tăng vì khi làm các Phật sự, hoặc ở những xứ lạnh như Đà Lạt hoặc khi ra miền Bắc vào mùa Đông, v.v... có nhu cầu mặc thêm một cái áo bên trong, giống như thường phục (áo) của một tập sự nhưng màu vàng. Nhưng vì áo này không phải là pháp phục truyền thống của Hệ phái Khất sĩ, nên có nhiều kiểu may. Có vị tôn túc đề nghị may như kiểu áo dài truyền thống Khất sĩ và ngắn lại, và xem đó là trường hợp bất đắc dĩ. Do đó, trong các khóa tu Truyền thống và trong các lễ lạc quan trọng, chư Tăng mặc y chừa cánh tay mặc như truyền thống xưa nay, hoặc là đắp y lum, không được phép mặc y vai trái mà có áo bên trong.

4. Các đơn vị tham gia với các Hệ phái để thực hiện may mặc, có thể nối kết với chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái để thống nhất về loại vải và màu sắc để có thể cung cấp cho Hệ phái loại vải mà cần may cho chư Tăng /Ni.

5. Loại vải mà chúng tôi kiến nghị cho tập sự cho đến các vị Tỳ-kheo / Tỳ-kheo-ni là loại vải tương đối dày, không bóng láng, không mịn màng tố sa. Vải này có khả năng rút mồ hôi, phù hợp cho chư Tăng và chư Ni khi mặc đi ra ngoài. Màu sắc nên là màu vàng sậm (không chánh sắc, vàng chanh, cam...) như Tổ sư đã ghi trong Luật nghi Khất sĩ mà chúng tôi đã trích ở đoạn trên, và điều này cũng phù hợp với tinh thần Luật tạng của các bộ phái. Dĩ nhiên, điều này cũng cần phải được thông qua chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái và Giáo hội.

6. Các đối tác thực hiện may mặc có thể chọn gam màu trắng đẹp nhất và có thể may số lượng nhiều để phát hành tại các điểm bán văn hóa phẩm Phật giáo cho các Phật tử tại gia.

Vài ý kết:

1) Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, đã dung hợp và chắt lọc tư tưởng, giới luật và cách hành trì của cả hai truyền thống Phật giáo, cũng như đã sử dụng nền văn hóa Việt Nam; để từ đó tạo nên một sắc thái y phục Phật giáo rất đặc thù của Đạo Phật Khất Sĩ trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2) Pháp phục của Khất sĩ rất dễ được chấp nhận và hòa nhập với các truyền thống Phật giáo dù ở trong nước hay đi nước ngoài. Người cư sĩ sẽ rất dễ dàng nhận diện đây là các tu sĩ Phật giáo và do đó thuận lợi cho việc ứng xử và tu tập.

3) Pháp phục của nhà sư Khất sĩ phù hợp với truyền thống Tứ y pháp trung đạo, một con đường mà theo Tổ sư là con đường huyết mạch của Phật giáo, mà Tổ sư đã dày công dựng lập.

4) Trong 114 điều luật do Tổ sư quy định, có vài điều liên hệ đến Y phục, xin trích dẫn ở đây để thấy sự quan tâm của Tổ sư về giới hạnh và thứ lớp của pháp phục. Điều thứ 48: “Cấm ăn mặc sái phép Y và Bát”. Điều 76: “Cấm Tăng, Ni mặc y vải bông, màu. Ai giới hạnh chưa xong phải mặc áo quần Tập sự...” Điều 82: “Cấm mặc dùng Y bát đi ra ngoài, đi khất thực nếu chưa hành đúng giới luật”.

Tóm lại, pháp phục trong nhà đạo nói chung và Hệ phái nói riêng thể hiện được giới đức đã huân tu và giới phẩm đã thọ. Y và Bát là hai pháp khí đối với người tu. Y ngoài chức năng che tấm thân nhơ uế này và bảo dưỡng khỏi bị ruồi muỗi đốt, cắn... mà còn là biểu tướng cho giới đức của người tu hành. Do đó, trong khi thọ giới Sa-di, Y và Bát không thể thiếu trong quá trình tác thành lễ truyền giới. Đến khi thọ Tỳ-kheo, Y bá nạp trở thành biểu tượng pháp khí thiêng liêng của người cầu giác ngộ.

Vài trang giấy mô tả về truyền thống pháp phục của Hệ phái Khất sĩ, một dòng phái mang bản sắc Việt Nam, thể hiện được một phần nào nguồn mạch Phật giáo Ấn Độ và Việt Nam, tạo nên một phần bản sắc Phật giáo Việt Nam. Tuy vậy, chắc chắn vẫn còn nhiều thiếu sót. Ngưỡng mong chư Tôn đức Tăng Ni từ bi hoan hỷ chỉ giáo.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, TP. HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016.

Tổ sư Minh Đăng Quang, Luật nghi Khất sĩ, TP. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1993.

Sa môn Thích Nhật Từ (soạn dịch), Kinh Phật cho người tại gia, TP. HCM, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2014.

 


[1] Phần cuối của Giới bổn Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đều có ghi: “Luật Tăng đồ nhà Phật này của phái Đàm-vô-đức bộ, do Đại sư Đàm Đế dịch năm 254 sau dương lịch”. (Luật nghi Khất sĩ, tr. 203 và 235). Phái Đàm-vô-đức (Dharmaguptaka) là một trong 20 bộ phái, ra đời vào khoảng 250 – 300 sau Phật Niết-bàn. Dựa theo phổ hệ trong Dị bộ tông luân luận thì bộ phái này là bộ phái phát sinh sau Hóa địa bộ, mà Hóa địa bộ có nguồn gốc từ Thượng tọa bộ.

[2] Ví dụ, một tấm y thượng tối đa là 100 mảnh (bá nạp), cắt vuông vứt như hình chữ nhật. Có vị đề nghị mỗi mảnh y vá khoảng 20 x30cm, và cứ như vậy may cho đủ y thượng.

[3] Được biết, điều này chỉ áp dụng trong các hội chúng Ni giới nương Giáo đoàn Tăng. Đối với Ni giới Hệ phái Khất sĩ, chưa có quy định này.

[4] Vào thời đó, quần áo màu lam may mặc sẵn dành cho cư sĩ chưa phổ biến như bây giờ, nên không thấy Tổ sư đề cập đến áo quần lam.

[5] Kinh tụng hàng ngày được xuất bản nhiều lần; Kinh Phật cho người tại gia, chúng tôi có ấn bản mới nhất (tái bản lần 3), ấn hành năm 2014.