Pháp thoại của Hòa thượng Thiền chủ trong Khóa tu truyền thống lần 14

39Khi thành lập Đạo Phật Khất Sĩ, Đức Tổ sư dùng pháp môn Giới - Định - Tuệ để khẳng định sự nối truyền Thích Ca chánh pháp. Nếu người tu có đầy đủ trí tuệ thấy rõ như vậy sẽ vượt qua mọi nghi ngờ, xây dựng một niềm tin vững chắc để tinh tấn hành trì. Đây là con đường duy nhất, không có con đường nào khác đưa đến an lạc và giải thoát.

Như chúng ta đã biết, khi đức Thế Tôn xuất hiện thì đã có rất nhiều tôn giáo ra đời. Trải nghiệm tất cả các đường lối đều không đưa đến đạo quả nên Ngài tự thân tu tập con đường riêng của mình. Dù đã đến học đạo cùng các đạo sư lỗi lạc đương thời như Alara Kalama và Uddhaka Ramaputta, nhưng Ngài thấy rằng pháp này không đưa đến yểm ly, ly tham, giác ngộ, Niết-bàn. Cuối cùng Ngài tự tu và trải nghiệm con đường hành trì của Ngài, chứng đắc quả vị tối hậu, chứng đạt vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngài dạy: Chỉ có ở đây, trong Pháp và Luật này mới có Đệ nhất Sa-môn, Đệ nhị Sa-môn, Đệ tam sa-môn và Đệ tứ Sa-môn. Ngài xác chứng chân lý và đến Lộc Uyển để công bố giáo pháp. Thời pháp đầu tiên Ngài dạy về 4 chân lý (Tứ Diệu Đế): khổ, nguyên nhân của khổ, Niết-bàn và pháp tu đạt đến Niết-bàn. Sau khi lắng nghe, Tôn giả Kiều Trần Như chứng đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn. Đây là cơ sở để phát triển con đường hướng đến đạo quả tối thượng. Cho đến thời pháp Vô Ngã Tướng họ mới chứng đắc A-la- hán. Vấn đề ở đây là do có niềm tin bất động với pháp nên việc tu tập phát triển một cách hiệu quả. Niềm tin bất động này chính là chánh tri kiến.

Thiền tông Trung Hoa cũng có cách lý giải tương đồng. Thay cho Chánh tri kiến, các Thiền sư gọi là “kiến tánh khởi tu”. Người thiền sinh bước đầu học thiền bao giờ cũng phải du phương tầm đạo cầu cho được chỗ kiến tánh. Và các Ngài nhấn mạnh rằng: không kiến tánh thì tu hành luống công vô ích. Nghĩa vô ích ở đây là không chứng đạt các pháp vô lậu như Thánh giới, Thánh định và Thánh tuệ chứ trên con đường sanh tử vẫn có ích lợi là đạt phước báu cõi nhơn thiên.

Trong bài kinh “Khúc Gỗ” thuộc Tương Ưng Bộ có chép: Một hôm đi ngang qua sông Hằng thấy khúc gỗ trôi, đức Thế Tôn cảm xúc pháp và cho gọi chư Tỳ-kheo đến. Khi chư Tỳ-kheo câu hội đông đủ, Ngài chỉ khúc gỗ và dạy: nếu khúc gỗ kia không rơi vào 8 nạn: 1. Tấp bờ bên này, 2. Bị tấp bờ bên kia, 3. Bị chìm giữa dòng, 4. Bị mắc cạn đất bồi, 5. Bị loài người nhặt lấy, 6. Bị phi nhơn nhặt lấy, 7. Bị mắc vào xoáy nước, 8. Bị mục nát bến trong thì sẽ trôi về biển, hòa nhập vào biển. Vì sao vậy? Vì sông Hằng chỉ có một dòng xuôi về biển. Cũng như thế, chư Tỳ kheo nếu không mắc 8 chướng nạn: 1. Chấp trước 6 căn, 2. Chấp trước 6 trần, 3. Chấp trước bởi hỷ tham, 4. Ngã mạn, 5. Quá thân cận mật thiết với cư sĩ, 6. Tìm cầu dục lạc cõi trời, 7. Đam mê ngũ dục, 8. Nội tâm bất thiện thì sẽ thể nhập Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Chánh tri kiến hướng về Niết-bàn.

Chánh tri kiến chính là dòng pháp lưu cho những ai thể nhập sẽ chỉ có một hướng đến đạo quả mà thôi. Vậy dòng pháp ấy là gì? Đó chính là sự liễu tri về Tứ Diệu Đế. Khi đức Thế Tôn vận chuyển bánh xe chánh pháp, khai thị 4 chân lý qua 3 lần. Lần thứ nhất gọi là Thị chuyển. Lần thứ hai gọi là Khuyến chuyển. Lần thứ ba gọi là Chứng chuyển.

Do đó, khi tu học việc liễu tri pháp để đặt niềm tin bất động là điều kiện tiên quyết nhất. Trong kinh “Sở Y Xứ” thuộc Tăng Chi Bộ, đức Thế Tôn có phân tích về 3 thái độ nhận thức của các nhóm ngoại đạo không thể thoát khỏi khổ đau. Nhóm thứ nhất quan niệm rằng đau khổ là do tạo hóa sanh. Nhóm thứ hai quan niệm rằng đau khổ do nghiệp quá khứ sanh nên không thể thay đổi. Nhóm thứ ba quan niệm rằng đau khổ do ngẫu nhiên. Khi rơi vào ba thái độ này con người không thể khởi lên quyết tâm đoạn tận khổ.

Cốt lõi của sự tu tập đoạn tận khổ đau phải lấy Bát Chánh Đạo làm đầu. Đây được xem là Ekayano maggo nghĩa là con đường độc nhất. Bởi thế cho nên, người ta đánh giá rằng: nơi nào có Bát Chánh Đạo nơi đó của Tứ Quả Sa Môn. Trong đó, Giới - Định - Tuệ là sự cô đọng của Bát Chánh Đạo. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang luôn dạy: Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là Giới - Định - Tuệ hay: Người cư sĩ khi bước chân vào cõi đời gian nguy nên nhớ mang theo Giới - Định - Tuệ.

Mô hình của Giới - Định - Tuệ là:

Giới giúp ra khỏi các ác nghiệp từ thân khẩu.

Định thanh lọc các phiền não tâm ý.

Tuệ thấy rõ để trừ vô minh giải thoát đau khổ trong tam giới.

Đây là mô hình chung của Phật giáo không kể tông phái hay hệ phái nào cả. Nếu một hội chúng nào mà thiếu Giới - Định - Tuệ thì hội chúng ấy không đưa đến đoạn trừ tham sân si phiền não trong ba cõi thì hội chúng ấy không phải là hội chúng của Phật giáo. Mô hình này đi theo một lộ trình nhất quán: không phạm giới thì không sanh tâm niệm hối, niệm hối không sanh thì tâm được hân hoan, tâm hân hoan sanh ra lạc thọ, tâm lạc thọ làm nội tâm định tĩnh, nội tâm định tĩnh phát sanh trí tuệ như thật, thành tựu chánh tri kiến, liễu tri sự thật về thế giới với 4 chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Như vậy ta phải ứng dụng Giới - Định - Tuệ như thế nào trong cuộc sống?

Người mới tu khi giữ giới hay các oai nghi, do không khéo dụng tâm nên cảm thấy như bị gò bó. Giống như một người khi mới học lái xe bị ức chế do sự dụng công nhiều, do đó lái xe không vững. Một khi đã thuần thục thì lái xe một cách tự tại không cần phải dụng công nhiều. Do đó, chư hành giả cần phải hành trì thật nghiêm mật sát sao trong mỗi giờ phút cho đến khi pháp tu trở thành một thói quen. Từ thói quen giữ giới, hành thiền sẽ đưa đến hiệu quả rất dễ dàng.

Có thể nói giữ giới giống như cầm một báu vật vừa quý giá vừa mỏng manh trong tay. Nếu cầm mạnh sẽ vỡ, nếu cầm lỏng sẽ rơi. Điều này cần phải có cả một nghệ thuật nắm giữ.

Tóm lại, trong cuộc sống hàng ngày, hành giả phải cố gắng công phu thiền hành, thiền tọa để rèn luyện tâm mình. Đây là hai pháp hữu hiệu nhất để rèn luyện tâm. Trong tất cả các thời tu phải luyện cho được sự thận trọng, sự chú tâm và quán sát. Đó mới là hạnh tu đúng pháp.