Pháp thoại của HT. Thích Trí Quảng tại khóa tu Truyền thông Khất sĩ lần 16

 

IMG 0461 Copy

Trong tinh thần tu tập của khóa tu Truyền thống Khất sĩ, tôi vô cùng vui mừng khi thấy chư hành giả thực hiện hạnh y bát chơn truyền như Tổ ngày xưa. Theo lời Phật dạy: chư Tỳ-kheo phải biết hội họp cùng nhau ngồi yên lặng để cùng chia sẻ kinh nghiệm tu hành. Cho nên khóa tu là một việc làm đúng pháp.

IMG 0449 Copy

Các vị nên biết rằng một tổ chức hội họp cần phải phân định rõ ràng việc đúng và việc sai. Bởi vì hội chúng đồng thực hành theo việc đúng sẽ đưa lên địa vị Hiền thánh, còn hội chúng đồng thực hành việc sai sẽ sị rơi vào sanh tử luân hồi.

Giáo lý nhà Phật đều đồng nhất không hề có sự phân chia. Dù chúng ta đang hành trì theo nhiều hệ phái khác nhau nhưng đều xuất phát từ giáo nghĩa của Như Lai. Nếu chúng ta cố chấp một pháp phiền não dễ dàng phát sanh. Vì khi cố chấp một pháp là đối lập lại vạn pháp sẽ đưa đến phân biệt sai khác. Chính điều này trở thành nguyên nhân làm Phật giáo suy yếu.

IMG 0456 Copy

Tổ sư Minh Đăng Quang ra đời trong giai đoạn Phật giáo Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử. Lúc bấy giờ người tu tuy còn nhưng chất liệu đã mất. Trước tình hình đó, Ngài muốn phục hồi lại đời sống thanh tịnh của đức Phật ngày xưa nên thực hiên y bát chơn truyền. Chư hành giả trong Hệ phái là những người đang kế thừa truyền thống đó trên đất nước Việt Nam. Đây là điều mà chư hành giả trong khóa tu cần phải suy gẫm. Và cần phải suy gẫm nhiều hơn nữa sự chứng ngộ, sự truyền đạo và công hạnh của Tổ sư để làm tấm gương tu tập.

Tuy nhiên, các vị cũng đừng quá cố chấp hình thức bên ngoài để tránh sự phản ứng đối lập với cuộc đời. Vì đối lập với cuộc đời là đối lập với ma. Thế lực của ma lớn hơn Phật đến 10 lần (đạo cao nhất xích ma cao nhất trượng). Nhưng ma không bao giờ hại được Phật mà trở lại theo hộ trì Ngài. Đó là do công hạnh tu hành cao tột của đức Thế Tôn đã nhiếp phục ma quân. Chúng ta tập hợp lai một số đông là một việc khó làm nên cần phải cố gắng tăng trưởng công hạnh để chấn nhiếp quân ma. Nếu tập họp lại ma chỉ so đo hình thức bên ngoài thì dễ dàng trở thành quyến thuộc của chúng mà thôi. Cho nên khi tập hợp lại số đông Tỳ-kheo là phải thực hành thiền quán thật rốt ráo. Cho đến khi nào hành thiền nhìn thấy được các thế thực của ma vương thì lúc bấy giờ mới phá được nó. Ở đây là phá ma chúng không phải diệt ma. Tỳ-kheo có nghĩa là bố ma nghĩa là chặn đừng ma quân.

Có một điều các vị nên tự cảnh tỉnh rằng trong các loại ma vương ác nhất chính là tâm tham. Tâm tham này gồm tham dục, tham ái, tham tình cảm, tham danh lợi… Đức Thế Tôn cũng dạy chính tâm tham là ma vậy. Do đó, tu còn tham là còn nuôi ma trong lòng. Hễ ma trong lòng xuất hiện nó sẽ chiêu dụ ma ở bên ngoài. Khi ấy thầy Tỳ-kheo chỉ còn cái vỏ chứ linh hồn đã mất. Khi lòng tham sanh khởi nó sẽ tăng trưởng khi gặp thuận duyên. Còn khi nghịch duyên không thỏa mãn được tâm tham sẽ đưa đến đấu tranh xuất hiện chuyện thắng và chuyện thua. Và dù thua hay thắng cuối cùng cả hai cũng đều rơi vào con đường sa đọa. Đây là một sai lầm lớn mà đôi khi người tu hay mắc phải.

Để đoạn trự tâm tham đức Phật dạy chúng ta pháp tu buông bỏ. Muốn buông bỏ được người tu phải mở cho được con mắt trí tuệ để quán chiếu xem cần buông bỏ cái gì và cần nắm giữ cái gì?

Kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Phổ Hiền có dạy: cái gì khi chết mang theo được thì hãy nắm giữ. Chỉ có sự trong sáng và thanh thản mới là hai pháp có thể mang theo trên đường hành Bồ-tát đạo.

Trong một đoạn kinh khác, đức Phật cũng dạy: pháp còn bỏ huống hồ phi pháp.

Cho nên, đây là điều chúng ta cần quán triệt thật là sâu sắc. Khi biết sử dụng ác pháp có thể trở thành thiện pháp và không biết sử dụng thiện pháp cũng trở thành ác pháp. Cũng như một người không biết dụng thuốc nên thuốc trở thành độc, còn người biết dùng thì độc cũng có thể thành thuốc. Trong cuộc sống này cũng vậy, đôi khi ta thấy vị ấy ác xấu nhưng khi biết sử dụng họ trở thành hộ pháp cho ta, còn người bạn thân không biết sử dụng lại trở thành người đối lập.

IMG 0454 Copy

Trong cái Giáo đoàn Khất Sĩ, tôi có duyên với đức Thầy Từ Huệ. Khi ấy, Ngài Từ Huệ là người đầu tiên giới thiệu đức Tổ sư cho tôi được biết. Ngài có tâm sự: Ngài là người tu dòng Thiên Thai Tông nhưng khi gặp dáng vẻ uy nghi tự tại của Tổ sư Minh Đăng Quang Ngài muốn buông bỏ tất cả chỉ để ôm bát theo Tổ. Tôi có hỏi Tổ có nói gì không? Thì Ngài xác nhận là Tổ không nói gì cả. Ngày xưa Ngài Mã Thắng không nói một lời nào mà khi gặp Ngài Tôn giả Xá Lợi Phật đã chứng Sư quả. Sau đó, đức Thế Tôn gọi: “Thiện lai Tỳ-kheo” là Ngài chứng đắc A-la-hán. Rõ ràng đức Phật và chư Tổ không nói một lời nào, không khuyên một ai phải xuất gia mà chỉ cần thể hiện công hạnh tu hành cũng đủ làm mọi người phát tâm tu tập.

Phật dạy rằng: một Tỳ-kheo trong lòng chế ngự được phiền não thì tướng giải thoát của Tăng sẽ hiện ra.

Theo sử liệu ghi chép khi đức Thế Tôn đến vườn Lộc Uyển chuyển pháp luân thì chỉ có một mình Kiều Trần Như chứng đắc A-la-hán. Do đó, Ngài gọi Tôn giả Kiều Trần Như đi khất thực với Ngài còn 4 vị kia ở lại lo hành thiền. Sau đó lần lượt 4 vị đều đắc Thánh quả. Rồi 50 trưởng giả tử có ngài Da Xá cũng phát tâm xuất gia khi thấy Tăng đoàn thanh tịnh và cũng đều trở thành bậc Vô Sanh. Điều này cho chúng ta thấy rằng khi tu tập tâm thanh tịnh mới nên hoằng dương chánh pháp nếu không khi ra ngoài sẽ chỉ đem phiền não đến cho chúng sanh mà thôi.

IMG 0446 Copy

IMG 0458 Copy

Như vậy, quá trình tu tập thanh tịnh tâm hồn là thực hành pháp buông bỏ. Trong quá trình đó ngay cả pháp mình đang tu cũng phải buông. Ở đây có vị tu hành đắc một pháp nào đó thường hay cố chấp lấy mình và trở nên xa cách với người khác. Đây là trường hợp mà người đời hay nói: “Nước trong không cá, người tốt không bạn”. Trường hợp này không phù hợp với người tu. Người tu hành tốt đẹp là phải làm sao mỗi ngày một nhiều bạn, dù bạn xấu đến với mình đi chăng nữa cũng phải chuyển hóa để họ trở thành bạn tốt.

Trên đường tu cần phải mở rộng tấm lòng. Đừng làm tâm trở nên nhỏ hẹp rồi tự cô lập với quần chúng, với đạo phái khác hay với chính quyền xã hội sẽ tự gánh lấy diệt vong. Người xưa nói: trên đường tu đừng biến mình thành củi mục và than bụi là vậy. Khi xưa Phật dạy: tu hành phải làm an lạc cho số đông quần chúng, làm an lạc cho loại trời và loài người. Cho nên, khi tu hạnh sạch nghiệp, tâm hồn thanh tịnh là phải khởi đại bi tâm đem đạo vào đời để làm lợi ích hữu tình mới là công hạnh của hàng Bồ-tát.

Tóm lại, chư hành giả khi tu tập phải quán xét việc tốt xấu rõ ràng minh bạch. Sau khi quán sát cái gì chấp nhận được thì hoan hỷ thọ trì, cái gì không chấp nhận được thì nên buông bỏ. Thực hành được như vậy, tâm hồn mới trở nên trong sáng và thanh thản. Đây là lúc hành giả tỏ ngộ chơn lý nhìn thấy những việc đáng làm để áp dụng tu hành và truyền bá Chánh pháp của Như Lai.

Kính chúc đại chúng tu hành an lạc.