Pháp thoại của HT.Thích Trí Quảng khóa "Trao đổi kinh nghiệm trụ trì" 2016

Trong buổi gặp hôm nay tại trường hạ Hệ phái Khất sĩ tôi có hai ý để chia sẻ cho Tăng Ni: thứ nhất là vấn đề An cư, vấn đề thứ hai là trụ trì tức là hành đạo tại các trụ xứ. Đây là hai vấn đề quan trọng, nhưng vấn đề thứ nhất quan trọng hơn vấn đề thứ hai rất nhiều.

An cư là để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Đây là căn bản phạm hạnh để cảm hóa chúng sanh và sức thuyết phục quần chúng kiến tạo đạo tràng cho chúng sanh quy hướng. Do đó, An cư là vấn đề quan trọng bậc nhất.

Kmac 0

Nhớ thuở xưa, khi vượt thành xuất gia, thái tử Tất-đạt-đa đặt mục tiêu chứng Vô thượng Bồ-đề, đây là mục tiêu cao nhất. Tổ sư Minh Đăng Quang xuất gia cũng lấy mục tiêu này làm nòng cốt chính, không đặt mục tiêu trụ trì. Khi đã chứng vô thượng bồ-đề, Đức Phật dạy, người chứng Vô thượng Bồ-đề là người thấy nhân duyên sanh ra các pháp. Người ấy chính là Như Lai.

Cấm túc An cư là tu tập để thấy nhân duyên sanh ra các pháp. Người không thấy được nhân duyên dễ bị phiền não phát sanh vì mục tiêu của họ không phải cầu Vô thượng Bồ-đề mà chỉ cầu lợi dưỡng, xa rời con đường tu của Phật và Tổ.

Năm 1950, tôi xuất gia cũng muốn cầu Vô thượng Bồ-đề, trải dài đến năm 2006, tôi cũng chưa bao giờ có ý niệm xây các đạo tràng riêng. Tâm tôi chỉ có ý niệm duy nhất là cầu Vô thượng bồ-đề và giáo hóa chúng sanh, đây là mục tiêu tối hậu trong cuộc đời của tôi. Nhờ vậy, tôi làm tất cả các Phật sự mà không phát sanh phiền não. Khi làm việc mà xuất phát từ tham vọng và bực tức là tôi không bao giờ làm. Năm 1965, tôi bị cuốn vào phong trào đấu tranh Phật giáo, đã từng có ý nghĩ rằng: Nếu Phật giáo bị tiêu diệt tôi cũng không thiết sống trên đời. Khi có ý niệm muốn xả thân, lập tức phiền não xuất hiện. Lúc bấy giờ tôi chợt thức tỉnh lại và nhận định: “Ta xuất gia là cầu Vô thượng Bồ-đề, học tu để giáo hóa chúng sanh, tại sao lại để phát sanh phiền não”. Do đó, tôi buông bỏ tất cả để trở lại con đường tu học của mình.

Đến năm 1973, nhờ quá trình tầm sư học đạo, tuy chưa đạt Vô thượng Bồ-đề, nhưng bản thân đã có sự hiểu biết Phật học sâu sắc. Tôi được Hòa thượng Thích Thiện Hoa dạy rằng người xuất gia phải chia ra 3 thời kỳ học đạo: Thứ nhất là học đạo, thứ hai là hành đạo, và cuối cùng là chuẩn bị cho kiếp tái sanh. Cũng như cuộc đời của đức Thế Tôn, từ khi xuất gia đến thành Chánh Giác, Ngài dùng thời gian này cho việc học đạo. Khi thành Chánh Giác năm 35 tuổi cho đến 80 tuổi nhập Niết-bàn, Đức Phật dùng cả đời để giáo hóa chúng sanh.

Tuy nhiên chúng ta là phàm phu, đợi tu hành đến khi thành Vô thượng Bồ-đề rồi mới đi giáo hóa sợ e không kịp. Bởi vì từ khi Đức Phật Niết-bàn đến nay chưa có đức Phật thứ hai ra đời. Cho nên ta làm như Phật không được. Do đó ta phải biết rằng khi tu học đến một giai đoạn nào đó phải dừng lại việc học đạo mà giáo hóa chúng sanh. Đây gọi là hạnh Bồ-tát đạo.

HTGiacToan 2

Hiện nay, có hai xu hướng để thấy trong Tăng Ni: Thứ nhất là học xong rồi ẩn tu, không tham gia Phật sự; thứ hai là học xong mà việc bằng kiến thức mà thiếu sở tu nên thường bị phiền não. Vậy học đến đâu gọi là xong, và lúc nào mới nên đi giáo hóa, là một vấn đề cần phải được nhận thức đúng đắn. Một người lấy được bằng tiến sĩ có thể là đã xong cấp học cao nhất, tuy nhiên nếu chưa áp dụng giáo lý vào trong cuộc sống thì chưa gọi là học xong. Người không áp dụng hành trì thì hình thức là tu sĩ nhưng thực chất chỉ là cư sĩ. Tu sĩ mà chưa chứng quả Dự Lưu cũng chưa là tu sĩ.

Con đường thành tựu Sơ quả là con đường do chính Đức Phật chỉ dạy mà tu sĩ hiện nay cần phải hướng đến. Trên thực tế có những người chứng quả Dự Lưu mà không cần bằng cấp gì lại là người đi đúng pháp. Theo tôi thấy, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa không hề có bằng tiến sĩ mà các Ngài đều có bằng Dự Lưu của Phật. Tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Vì trong cuộc sống gặp chuyện nguy nan, các Ngài không hề buồn lo, đứng trước danh vọng các Ngài không hề ham muốn. Hòa thượng Thiện Hoa từng dạy tôi rằng, bao giờ Thầy giận thì đừng nói, bao giờ khởi lên ham muốn thì đừng làm.

Một vấn đề khác mà Tăng Ni cần phải nhận thức đó là trong việc tu hành đừng để phụ thuộc vào thế gian, mà hãy lệ thuộc vào Đức Phật và Thánh chúng. Lệ thuộc vào Phật và Thánh chúng ta có thể chết cho Phật pháp, còn lệ thuộc người thế gian ta sẽ chết bên đời và không thể đi xa trên con đường giải thoát. Người lệ thuộc vào xã hội là bị sa vào vui buồn vinh nhục, tâm dính mắc bởi tham sân si. Còn lẽ sống của người xuất gia là phải vượt lên trên tất cả những vấn đề này, cần phải tâm niệm rằng tất cả sự việc ở đời đều do duyên sanh. Vì do duyên sanh nên không cần rơi vào bốn trạng thái buồn giận sợ lo trước cuộc đời.

Một vấn đề quan trọng khác đối với người tu hành là phải biết điều tiết việc ăn mặc và ngủ nghỉ. Không biết điều tiết hai vấn đề này sẽ là thân sanh bệnh, thân bệnh thì tâm bệnh, ảnh hưởng đến việc tu hành. Đặc biệt là phải điều tiết đừng để tâm tham đắm trong việc ăn mặc và ngủ nghỉ.

Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã giữ đúng truyền thừa này của đức Phật Thích-ca. Đời sống của Ngài xem nhẹ miếng ăn và chỗ ở. Ngài đi khất thực sống qua ngày và nghỉ dưới gốc cây, không để thân tâm lệ thuộc vào nó.

Một người biết tu là dùng thiền thay cho giấc ngủ, dùng pháp thay cho thức ăn. Nhà thiền gọi là thiền duyệt thực và pháp hỷ thực. Tâm chúng ta không ăn được 2 món ăn này nó sẽ trở nên ốm yếu, bệnh tật đến một ngày sẽ đánh mất tâm tu. Mùa An cư tập trung lại một chỗ ta sống chung học chung, để trau dồi Tam vô lậu học, làm cho tâm tu ngày càng phát triển là phải ăn đầy đủ 2 món ăn trên.

Tóm lại, trong vấn đề tu hành việc thành tựu Vô thượng Bồ-đề là mục tiêu chính của người xuất gia. Muốn hướng đến con đường này, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải định hướng cho đạo hạnh của mình qua việc học tu và độ chúng sanh. Đừng để sa vào chuyện vui buồn của thế gian mà hãy tìm cái vui yên tĩnh trong thiền định. Trong thời gian 9 tháng mùa khô tu tập riêng tại trụ xứ, chúng ta chỉ co 3 tháng mùa mưa để cùng tu phạm hạnh. Cho nên việc quan trọng nhất là mỗi người phải lo trau đức dồi tâm, nhận rõ lý nhân duyên sanh ra vạn pháp để buông bỏ tâm tham đắm vật dục và sân hận thường tình. Có được như vậy, giới định tuệ ngày càng tăng trưởng, quả Vô thượng Bồ đề sớm được đắc thành.